Tình sử Võ Tắc Thiên

Hồi 2: Vua Thái Tôn và Mị Nương



Sau hai mươi ba năm trị vì, vua Thái Tôn nằm hấp hối trên giường bệnh tại một nơi ẩn dật trong cảnh sắc u nhàn của miền đồi núi với cây cỏ tốt tươi. Ấy là nơi nghĩ ngơi của vua vào mùa hè, chỉ cách kinh đô có một khoảng thung lủng nên thơ và một dòng suối trong veo chảy róc rách từ trên đỉnh đồi xuống tận khu ngoại thành phía Nam. Dãy đồi chạy dài mãi và lẫn vào rặng Thái Bạch ở đằng xa. Nơi Vua nghĩ là một vùng đồi núi cao khoảng năm trăm thước, so với thành phố phía dưới, hoàn toàn vắng vẻ và biệt lập với thế giới bên ngoài.

Cung điện nơi Vua nghĩ rất đơn sơ, mộc mạc như những ngôi nhà nghỉ mát thường được cất lên với những vật liệu bằng gỗ lấy từ một tòa điện cổ khác. Thích đơn sơ là bản tính của nhà vua. Là người đã dựng ra nhà Đường. Nhà vua không bao giờ thích những lầu đài tráng lệ, nguy nga.

Khi thắng được vua nhà Tùy, ông sửa sang lại cung điện cũ để ở. Ông biết rằng muôn dân rất nghèo, đã chịu lầm than trong bao nhiêu năm chinh chiến. Xây cung điện mới sẽ tốn phí rất nhiều của cải và sức lao động của dân. Ông chỉ xây một ngọn tháp ở trong cung để tưởng niệm hai mươi bốn vị hiệp sĩ đã cùng ông chiến đấu gian khổ để khôi phục giang sơn và mang lại hòa bình cho bờ cõi.

Ông mắc bệnh lị kinh niên, đã chữa trị nhiều nhưng chỉ giảm sút chứ chưa bao giờ dứt hẳn.

Càng ngày ông càng hốc hác, tiều tụy. Khi được năm mươi hai tuổi, ông cảm thấy mình kiệt lực, không còn sống được bao lâu nữa. Trước kia ông từng là một kiện tướng có tinh thần đồng đội rất cao, một nhà lãnh đạo thiên tài nổi tiếng về lòng nhân và tính tình bình dị tự nhiên. Ông thường thẳng thắn phê bình thuộc hạ cũng như nghe thuộc hạ phê bình chính ông. Bên cạnh ông là những hiền thần có nghĩa khí và biết trọng danh dự. Họ đều hết lòng kính mến ông. Bản thân ông đã xông tên đụt pháo, cầm đầu chiến dịch đánh Cao Ly (Đại Hàn).

Với một số tướng tài, ông đã phá tan liên bang Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc và mở rộng bờ cõi về phía Tây tới tận biên giới Turkestan gần biển Caspienne. Các tướng khác của ông đã tấn công phía Bắc Ấn Độ, và buộc xứ Nepal phải triều cống.

Ông có dáng bộ tự nhiên, không kiểu cách, và phía sau bộ ria cứng như thép có thể treo một cây cung lên đó mà không rớt. Người ta tìm thấy nơi ông một tấm lòng thương người vô bờ bến. Chính lòng thương người đó đã đem lại sức mạnh cho nhà Đường. Ông rất được lòng dân và nhờ đó mà về sau nhà Đường suýt mất lại có cơ khôi phục được.

Triệu quốc công Trương Tôn Vô Kỵ luôn luôn ở bên cạnh Vua khi Vua hấp hối.

Vô Kỵ không những là em ruột của bà Hoàng hậu nhân từ đã qua đời, mà còn là vị hiệp sĩ số một trong đám hai mươi bốn vị được thờ tại bảo tháp trong cung. Thực ra ông luôn luôn ở bên cạnh Vua trong suốt ba mươi năm liền, từ hồi còn đi chinh chiến. Ông vừa là chiến lược gia vừa là cố vấn thân tín nhất của Vua.

Vua nói với ông:

– Ta có vài điều quan trọng muốn bàn với khanh.

Các thị vệ hiểu ý lui ra ngoài hết.

– Ta biết không còn sống được bao lâu nữa. Ta vẫn thường ấp ủ mấy điều…

– Tâu Chúa Công hôm nay thánh thể bất an nhưng rồi mai mốt…

– Không đâu, ta biết lắm. Ta sắp chết. Khi ta chết rồi, phải chôn ta cùng với ái hậu của ta. Điều ta muốn hơn hết là khanh hãy tạc tượng tám con chiến mã của ta bằng đá và đặt chúng ở lối vào lăng. Chắc khanh đã biết tên gọi.

Vô Kỵ thoáng thấy vẻ tươi cười trên mặt Vua.

– Hạ thần sẽ tuân hành thánh ý.

– Đôi khi ta cảm thấy chúng thương ta và hiểu ta hơn những người xung quanh.

Trong những ngày sắp tới Hoàng nhi (Cao Tôn) sẽ cần đến khanh rất nhiều. Nó là một người nhân từ, chỉ phải cái hơi yếu đuối, bị tình cảm chi phối và còn trẻ quá. Ta lấy làm hài lòng là vợ nó cũng thuộc dòng Tôn thất rất nết na, khiêm hòa và đoan chính. Ta không cần người đàn bà thông minh, sắc xảo. Một ông vua đã có quá nhiều chuyện bên ngoài để đối phó, trong nhà cần phải cho yên lành. Ta chết đi mà lòng vẫn chẳng yên Hoàng nhi còn trẻ quá, khanh hãy ráng lo cho nó. Khanh hãy lại gần đây.

Vô Kỵ tiến lại ngồi bên giường Vua.

Vua thì thầm:

– Lý Thuần Phong đã nhắc nhở ta mà trước kia ta không tin. Trong hai tháng ở đây, ta đã để ý mọi chuyện. Võ Mị Nương làm ta lo quá. Thị đã hầu hạ ta rất tận tâm, luôn luôn tỏ ra lanh lợi, mau mắn và đàng hoàng. Nhưng sau lưng ta đang có nhiều chuyện xảy ra. Gần đây ta bắt gặp ánh mắt khác lạ của Hoàng nhi với thị. Lời Lý Thuần Phong không phải là vô cớ. Khanh còn nhớ con ngựa chứng bờm nâu không? Không ai có thể cởi nó được. Vậy mà tối hôm nọ Mị Nương nói với ta thị có cách cởi được. Ta hỏi cách nào, thị trả lời: Bệ hạ hãy cho thiếp một cây roi sắt, một cái búa và một con dao nhọn. Nếu thiếp dùng roi đánh nó không được, thiếp sẽ dùng búa đập nó, nếu cũng không được, thiếp sẽ thọc dao vào cổ nó.

Ta không hiểu thị nói thế là đùa hay thật, nhưng một người đàn bà trẻ tuổi có thể thốt ra những câu nói như vậy thì thật đáng sợ. Đó đâu phải là cách làm thuần ngựa. Vậy mà khi thị nói, vẻ mặt thị vẫn thản nhiên như việc đó có thể làm dễ dàng.

Vô Kỵ hỏi một cách thận trọng:

– Tâu Chúa Công, giữa hai người có tình ý gì với nhau không?

– Rất có thể.

Muốn đưa thị ra khỏi hoàng cung thì dễ lắm, chỉ việc đuổi nàng về quê mà không cần nói lí do, hay gửi thị vào chùa thì không lo gì nữa.

Theo lệ, các cung phi, thị nữ đã hầu hạ vua không được thành thân với bất cứ người đàn ông nào khác. Nhưng đây không phải là luật. Nhiều người đã đi lấy chồng sau khi vua chết, trừ trường hợp có lời thề như một số người đã làm.

Sau một phút đắn đo, vua Thái Tôn nói:

– Ta không đành tâm giết Mị Nương như Lý Thuần Phong đã khuyên. Y là người biết rõ huyền cơ của tạo hóa nhưng không hiểu rõ tình cảm trong lòng người. Hãy gọi Mị Nương vào đây để ta thử lòng thị xem sao.

Trong khi chờ người đi gọi Mị Nương, Thái Tôn hỏi:

– Lý Tích đã đi trấn nhậm miền Tây Bắc chưa?

– Tâu Chúa Công, y đi từ mấy hôm trước, ngay khi được chiếu chỉ.

– Tốt lắm. Chắc y thắc mắc tại sao ta lại phải y đi. Y đã tuân lệnh không cần biết lí do, điều đó làm ta hài lòng.

Hồi đó, Võ Hậu còn là một thị nữ trong cung, được xếp vào loại tài nhân. Nàng có phận sự hầu vua trong lúc thay quần áo và tắm rửa.

Theo triều nghi các công nương trong nội cung của vua gồm có một Hoàng hậu, bốn cung phi, chín cung tần, bốn mỹ nhân và năm tài nhân. Ngoài ra còn có hai mươi bảy mỹ nhân và tài nhân nữa nhưng không được vào nội cung. Tất cả các công nương này đều được phép nhận ân huệ của vua, một danh từ để chỉ việc chung chăn gối với vua. Mỗi khi có con họ đều được ghi chép vào gia phả hoàng tộc cẩn thận.

Võ Mị Nương lúc đó được hăm bốn tuổi và đã vào cung được mười năm. Cha nàng đã từng theo Thái Tôn đi chinh chiến, và khi Vua ghé thăm nhà nàng ở Kinh Châu, Vua đã đặc ân tuyển nàng vào cung. Số nàng kể cũng hẩm hiu vì sau mười năm trời trong cung nàng vẫn không ngoi lên khỏi bậc thấp nhất trong đám công nương.

Vào cuối tháng năm, khí trời oi ả nhưng nhờ ở trên núi cao nên cũng được mát mẻ. Sáng nay sau khi phục thị Vua, Mị Nương lui về phòng mình. Cửa phòng nàng trông qua khu vườn của Thái tử ở phía Đông.

Bên kia khu vườn có tường bao bọc là nơi ở của Thái tử. Nàng biết rõ từng gốc cây ngọn cỏ, ngõ ngách ra vào của khu vực này, vì nàng đã tìm cách làm quen với Vương phi, vợ của Thái tử. Nàng ngồi đây giữa khung cảnh tráng lệ nơi cung cấm, tự cảm thấy mình cũng có quyền thế như ai. Trong phòng, nàng cũng có những thị tì riêng để sai bảo. Nàng đã quá quen thuộc với các nghi thức, tập tục trong cung cấm và nàng dễ tìm thấy sự thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.

Nàng ngồi suy nghĩ về cặp vợ chồng khờ khạo: Thái tử và Vương phi. Nàng cảm thấy họ cao quý, đa tình, hay giận dỗi nhưng cũng dễ nguội. Thái tử thì chỉ thích các môn thể thao hoặc ngồi ngắm các bà mỗi khi không phải học.

Mấy ngày gần đây một mối hy vọng nảy nở trong lòng nàng. Nàng đã mạo hiểm đưa mắt hay mỉm cười với Thái tử, và nàng còn tìm cách đụng chạm vào người Thái tử nữa. Thế rồi Thái tử đến với nàng. Thật là dễ dàng và Vương phi không mảy may nghi ngờ.

Nhưng nàng vẫn rầu rĩ, Vua sắp băng hà và nàng sẽ ra sao? Nàng đang miên man suy nghĩ thì đứa thị nữ vào báo cho nàng biết là có lệnh Vua gọi vào hầu.

Nàng vội vã chạy xuống bếp cắt một miếng hành rồi bóp cho nước hành bắn vào mắt đến khi hết mở mắt nồi mới thôi. Sau đó nàng chạy tới gương soi, thay mắt đã ướt đẫm và sưng lên, nàng mới chải lại tóc rồi đi gặp vua.

Khi bước vào phòng nàng không ngẩng đầu lên nhưng cũng nhận ra sự hiện diện của Vô Kỵ.

– Bệ Hạ cho gọi thần thiếp?

Thấy nàng vào, hai người ngừng câu chuyện.

Vô Kỵ đứng dậy.

– Hãy bước lại gần trẫm.

Giọng Vua có vẻ mệt mỏi và yếu ớt, nhưng ánh mắt Vua vẫn phảng phất vẻ uy mãnh mà hàng ngày mọi người đều khiếp phục. Mị Nương bước tới.

Vua nắm lấy tay nàng có vẻ quan thiết lắm:

– Ái khanh đã khóc?

– Thật vậy sao Bệ Hạ?

Nàng trả lời, đầu vẫn cúi.

Như chợt nhớ ra điều gì. Vua buông tay nàng ra:

– Giờ đây ái khanh có cảm thấy khỏe hơn chăng? Ái khanh có muốn trẫm làm điều gì không?

Vua nhìn vào mặt nàng rồi chậm rãi nói tiếp:

– Mị Nương, khanh đã phục thị trẫm chu đáo trong suốt mấy năm. Giờ đây số trẫm sắp dứt. Sau khi trẫm chết, khanh định làm gì? Khanh có muốn về quê không?

Mị Nương linh cảm có điều không ổn.

Nàng nhận ra Vô Kỵ đang chăm chú nhìn nàng. Y biết hết rồi chăng? Nàng không qua mặt được hai người. Nàng trả lời thật mau:

– Muôn tâu Bệ Hạ, bấy lâu Bệ Hạ đã ra ân cho thần thiếp được kề cận sớm hôm. Giờ đây Bệ Hạ an bài sao thiếp xin chịu, chỉ xin Bệ Hạ một điều là đừng bắt thần thiếp phải về quê. Nếu Bệ Hạ cho phép, thần thiếp xin được chết theo để có thể tiếp tục phục thị Bệ Hạ. Thần thiếp không muốn sống nữa.

– Ái khanh không được làm như vậy. Ta rất ghét cách hy sinh đó.

Mị Nương cố kìm chế xúc động và nói một cách nũng nịu:

– Một khi thiếp đã đem thân gởi nới họ Lý, thì thiếp đã thành một người đàn bà họ Lý, không gì có thể làm thay đổi được điều đó Vậy thì thiếp có thể làm gì hơn là hy sinh?

Trong phòng chợt yên lặng. Cả Vua lẫn Mị Nương đều đưa mắt về phía Vô Kỵ, ông bèn nói:

– Tâm nguyện của công nương rất đáng ngợi, nhưng công nương nên tiếp tục sống, nên đi tu để có thể cầu nguyện cho linh hồn Chúa Công.

Mọi việc đã rõ ràng. Mị Nương đã hiểu hết mọi sự.

Nàng tự nhủ:

– Thì ra là như vậy.

– Thiếp xin đội ơn Bệ Hạ. Nếu Bệ Hạ muốn vậy, thiếp xin cắt tóc đi tu và sống chuỗi ngày còn lại để cầu nguyện cho Bệ Hạ.

– Trẫm chắc rằng ái khanh sẽ được thảnh thơi tại chùa Hưng Long. Mấy nương tử kia có lẽ cũng muốn được theo ái khanh, vậy ái khanh nên tới đó mà ở.

Mị Nương lui ra, Vua nhìn theo thở dài, nhưng cảm thảy nhẹ nhõm.

– Thế là bớt được một mối lo. Như ta đoán trước, nàng đóng kịch rất khéo, khanh có nghĩ như vậy không?

– Tâu Chúa Công, quả là nàng đóng kịch rất khéo.

– Ta nghĩ rằng ta đã làm một việc hợp lí. Hoàng nhi là một đứa con ngoan, biết vâng lời, nhưng lại không đủ cương nghị để gánh vác giang sơn. Theo lời khuyên của khanh, ta đã bỏ hai đứa lớn để lập y làm Đông cung Thái tử. Vậy khanh có bổn phận phải dẫn dắt và che chở cho y. Hãy cho gọi Chữ Toại Lương đến đây. Ta muốn phó thác Thái tử cho hai khanh.

– Hạ thần sẽ cho gọi ngay. Chắc trưa nay Toại Lương sẽ tới.

Vô Kỵ bước ra cửa, truyền lệnh cho thị vệ xong lại quay trở vào bên Vua.

– Trong khi chờ đợi, khanh kêu Hoàng nhi vào đây cho ta. Ta có vài điều muốn nói với hắn.

– Tâu Chúa Công, chắc Chúa Công đã mệt, Chúa Công nên nghỉ ngơi đôi chút.

– Không sao đâu. Ta muốn nói chuyện với hắn ngay để khỏi bận tâm. Khanh hãy để cho ta nói khi ta còn có thể nói được.

Thái tử bước vào. Thái tử là một thanh niên hai mươi mốt tuổi, tính tình vui vẻ, không thông minh lắm và cũng như vua Cha, ít khi được dồi dào sức lực.

Việc chọn lựa người kế nghiệp đã làm Vua bận tâm không ít. Thái Tôn có tất cả mười bốn người con trai. Trong số đó có ba người do Hoàng hậu sinh ra được dự tuyển làm thái tử. Mới đầu người con lớn nhất là Kiên, được chọn làm thái tử, nhưng về sau Kiên có nhiều hành vi phóng túng, khả ố nên vua muốn chọn người con thứ nhì tên là Thái. Thái là mẫu người lí tưởng để làm thái tử, cả về mặt tính tình lẫn tài năng. Trông Thái rất giống vua cha. Tuy chưa phế người con trưởng nhưng Vua thường đem Thái về Đông cung để huấn luyện. Ai cũng cho rằng không bao lâu nữa Thái sẽ chiếm ngôi vị của anh, nên giữa hai anh em sinh ra xung đột. Kiên nghe lời dèm pha, mưu toan giết Thái nhưng không thành. Vua Thái Tôn hết sức giận dữ và thất vọng. Trước mặt mọi người, Vua cầm gươm dọa sẽ tự tử nếu cảnh đó còn tái diễn.

Về sau, theo lời khuyên của Vô Kỵ và một vài người khác. Vua chọn Cao Tôn làm Thái tử. Mọi người đều đồng ý rằng nếu một trong hai người kia mà lên ngôi thì người còn lại sẽ bị giết. Để tránh thảm cảnh, Vua đã hạ chiếu chỉ phong Cao Tôn làm Thái tử. Trong chiếu chỉ, vua nhấn mạnh rằng nếu bất cứ ai còn dị nghị điều gì sẽ bị bêu đầu. Đó là chuyện sáu bảy năm về trước.

Cao Tôn bước vội vào phòng, vẻ mặt lo lắng như thường lệ. Sau khi chào vua cha và chào cậu, Cao Tôn đứng thật nghiêm trang để nghe lời cha dạy.

– Hoàng nhi con của cha. Cha cho gọi con vào đây vì cha biết cha không qua khỏi được lần này. Bấy lâu nay cha đã chăm lo cho dân và đem lại cho họ một cuộc sống thanh bình. Bây giờ đến lượt con phải gánh vác xã tắc. Con đừng lo sợ, cậu con đây và nhiều người khác sẽ giúp đỡ con. Nếu con biết nhún mình, con sẽ có cơ hội học hỏi được rất nhiều. Chính cha đây có vài lời muốn khuyên con. Con có muốn nghe không?

– Thưa phụ vương, việc tuy khó nhưng con rất muốn học.

– Tốt lắm. Cha có mấy lời vắn tắt nhưng con phải luôn luôn ghi nhớ, nhất là khi con gặp khó khăn, một ông vua thường hay mù quáng làm theo ý riêng của mình, điều khó khăn nhất là phải biết nghe lời can gián của các trung thần. Mẹ của con đã dạy cha điều đó. Điều quan trọng là con phải nghe lời của cậu con, người đã cùng cha tạo dựng nên sự nghiệp ngày nay. Điều thứ nhì, con phải nhớ rằng quyền hành là một thứ đáng sợ, con phải biết đối xử nhân từ với muôn dân. Ngôi vua chỉ là một trách nhiệm, một sự phó thác của Thượng đế.

Chắc con còn nhớ triều đại trước, vì vua Tùy không được lòng dân mà phải mất ngôi. Mẹ con đã dặn cha đừng xây lăng cho người lớn quá, vì người không muốn dân nghèo phải lầm than thêm nữa. Cũng vì lời khuyên đó, mà chính cha đây cũng hạn chế việc xây thêm đền đài, cung điện. Mẹ con đã thông cảm được nỗi đau khổ của muôn dân trong mấy chục năm khói lửa, con đừng bao giờ quên tấm lòng cao cả của mẹ. Con không còn phải dựng nhiều chiến lũy, chính lòng dân là chiến lũy kiên cố nhất của con. Ngày xưa, chính cũng nhờ sức mạnh của lòng người mà đạo quân của cha trở nên vô địch. Chìa khóa trong việc trị vì là ở chỗ đó, chắc con đã hiểu.

– Con xin đội ơn phụ vương đã phán dạy.

– Còn một việc nữa, Lý Tích là một tướng tài nhưng bướng bỉnh, ngoan cố, và thật thà quá. Trước kia y thường vì cha mà xông pha giữa chốn lửa đạn. Gần đây cha cố ý cử y đi trấn nhậm ngoài biên ải để thử lỏng y. Nếu y tỏ vẻ bất mãn chắc cha đã cho người giết chết y rồi. Khi con lên ngôi, con có thể yên trí triệu hồi y về.

Lúc đó chắc y sẽ coi con không khác gì cha thuở trước.

– Thì ra phụ vương có ý đó. Vậy mà mọi người đều thắc mắc không biết họ Lý đã phạm lỗi gì. Trong số các tướng soái nơi trận mạc thuở trước, nhiều người đã chết, hiện thời Lý Tích là người có thế lực lớn nhất.

– Một điều nữa cha muốn nói với con là vấn đề đàn bà. Con và Vương thị vui vẻ chớ?

– Tâu Phụ vương, chúng con rất hạnh phúc.

– Vậy tốt lắm. Còn Triệu thị thì sao?

– Nàng rất khả ái. Nàng mới sinh một trai, như phụ vương đã biết.

– Khi làm vua, con có quyền năm thê bảy thiếp, có quyền hưởng thụ. Vương thị là người hiền đức, chắc nó cũng thông cảm cho con về vấn đề này. À, Vương thị và Mị Nương chơi thân với nhau lắm phải không?

Giọng Vua bỗng trở nên nghiêm khắc.

Vua ngừng nói để chờ phản ứng của con.

Thái tử có vẻ ngượng ngập khi nghe nhắc tới Mị Nương, ấp úng trả lời:

– Dạ, họ chơi thân với nhau, thân với nhau lắm. Mị Nương rất tốt, luôn luôn sốt sắng.

Vua ngắt lời:

– Mị Nương vừa tình nguyện đi tu sau khi ta chết.

Thái tử nhìn vua không hiểu vua đã biết chuyện chưa.

Vua lại tiếp:

– Chuyện đó không có gì quan trọng. Ta chỉ muốn báo cho con biết vậy thôi.

Sau khi Cao Tôn lui ra, Thái Tôn nói với Vô Kỵ:

– Chúng ta đã nhận xét đúng. Mị Nương phải đi tu.

Chiều hôm đó Toại Lương từ kinh đô ra tới nơi, được dẫn vào gặp Vua ngay. Ông là một lão thần nổi tiếng thẳng thắn, được Vua coi như anh em kết nghĩa.

Cao Tôn và Vương phi cũng được vời vào, vì đây là một dịp đặc biệt: Vô Kỵ và Toại Lương sẽ nhận lời ủy thác của Vua.

Vua biết rằng chỉ có hai người là có thể tin cậy được.

Vô Kỵ, Toại Lương và hai vợ chồng Thái tử đều quây quần quanh Vua để chờ nghe Vua phán.

Vua Thái Tôn cầm tay Toại Lương nói:

– Hai khanh đã tận trung với ta trong nhiều năm, giờ đây ta có việc phải gửi gấm hai khanh. Hoàng nhi là một đứa con ngoan hiền của ta, vợ nó do chính ta lựa chọn, ta gửi hai vợ chồng nó lại cho hai khanh. Hai khanh hãy ráng che chở và hướng dẫn chúng làm sao cho rạng rỡ cơ nghiệp. Ta cho phép hai khanh được trọn quyền hành động.

Nói đến đây, nhà vua quay lại bảo Thái tử và con dâu quỳ một chân xuống trước mặt hai vị Đại thần để nhìn nhận chức phận mới của họ.

– Các con sẽ không phải lo lắng điều gì một khi Toại Lương và Vô Kỵ còn ở bên cạnh.

Sau đó Vua bảo Toại Lương chép lời di chiếu, rồi dặn thêm:

– Vô Kỵ là cánh tay mặt của ta từ khi còn đi chinh chiến, đã dày công hãn mã giúp ta lên ngôi báu. Khanh phải hứa với ta là khanh sẽ không để cho y bị lôi cuốn vào vòng thị phi hay bị hại vì lí do chính trị. Nếu khanh không làm được như vậy thì phụ lòng ta đó.

Toại Lương nghiêm trang hứa.

Vua cảm thấy yên lòng, Vua có biết đâu về sau Toại Lương đã không làm tròn được lời hứa chỉ vì thua trí một người đàn bà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.