Tình sử Võ Tắc Thiên
Hồi 22: Viện Chim Hạc
Trước khi Nhân Kiệt chết, Võ Hậu đã bắt đầu dan díu với hai anh em họ Trương – mới ngoài hai mươi tuổi.
Dưới mắt Nhân Kiệt, chúng chỉ là nàng hầu của Võ Hậu, không đáng để ý. Hơn nữa đó là chuyện tình ái của Võ Hậu, ông chẳng cần bận tậm đối với ông, chúng có ích hơn là có hại. Ông có thể lợi dụng chúng để xúi dục Võ Hậu làm theo ý ông. Chính vụ Triết được chọn làm Thái tử một phần cũng nhờ chúng nói giúp.
Ngụy Viễn Chung đã có lần vào can gián Võ Hậu không nên mê đắm anh em họ Trương và để chúng trong khuê phòng, vì đây là một hành động tội lỗi có thể đưa nhà Chu đến chỗ diệt vong.
Nhưng Nhân Kiệt không quá tử tế với Võ hậu như vậy. Theo ông nghĩ, sự đam mê của Võ Hậu sẽ giúp ông khôi phục nhà Đường dễ dàng hơn.
Võ Hậu cảm thấy chưa thỏa mản với quan Thái y họ Trầm. Bà cần phải có hai, ba, bốn, hoặc nhiều người yêu hơn nữa. Các Hoàng đế có nhiều cung nữ, bà cũng phải có nhiều “cung nam”. Vả lại bà đã già – bảy mươi ba tuổi – cần phải giải trí. Xưa nay các vị vua già vẫn còn thích gái tơ – dù chẳng làm ăn gì được – vậy tại sao bà không có quyền giữ các trai tơ trong khuê phòng?
Anh em họ Trương thật trẻ, trắng trẻo và đẹp trai. Người anh tên là Trương Diệc Chi – đừng lầm với ông già Trương Giản Chi, bạn của Nhân Kiệt – và người em tên là Trương Xương Tôn.
Mọi người thường gọi chúng là Ngũ Lang và Lục Lang vì chúng là con thứ năm và thứ sáu trong gia đình họ Trương.
Hai anh em thường đánh phấn thoa son, đầu tóc láng mượt và ngậm bạc hà cho thơm miệng. Đặc biệt, gã Lục Lang rất xinh trai, mọi người thường bảo mặt đẹp như một đóa sen. Cả hai anh em đều túc trực trong cung, mặc dầu chúng đã được Võ Hậu cấp cho dinh thự, đất đai riêng và vô số kẻ hầu người hạ.
Xương Tôn do Công Chúa Thái Bình khám phá ra. Sau khi biết rõ khả năng của gã Công Chúa hớn hở khoe với Võ Hậu.
Võ Hậu vời gã vào ngay và sáng hôm sau bà công nhận những lời Công Chúa quảng cáo về gã đều đúng sự thật. Bà ban thưởng Xương Tôn rất hậu khiến gã hứng chí khoe với bà rằng anh ruột của gã là Diệc Chi còn nghề hơn gã nhiều; Diệc Chi rất chuyên môn về khoa kích thích và làm đàn bà hồi xuân.
Võ Hậu lập tức cho gọi Diệc Chi vào để thử và quả nhiên gã làm bà một trận mê tơi.
Dù sao phải công nhận bà càng già càng dẻo càng dai.
Năm sáu mươi bảy tuổi, Võ Hậu mọc thêm một chiếc răng khôn. Năm bảy mươi tư tuổi có lẽ vì dùng quá nhiều thuốc kích thích của Diệc Chi, bà mọc thêm một cặp lông mày và bà tổ chức một bữa tiệc ăn mừng. Giả sử bà mọc thêm một cặp ria mép cũng không có gì là lạ.
Xương Tôn có thân hình hấp dẫn hơn, nhưng kỉ thuật không bằng Diệc Chi. Trong hai người khó biết nên chọn ai. Hay hơn hết là chọn cả hai. Hơn nữa như vậy mẹ con Võ Hậu dễ trao đổi hơn. Xương Tôn và Diệc Chi dĩ nhiên trẻ, đẹp và vui vẻ hơn nhà sư điên hay ông lão họ Trầm làm nghề bốc thuốc.
Võ Hậu bắt hai gã phải luôn luôn ở bên bà. Bà không sống nổi nếu thiếu chúng.
Chuyện tình của Võ Hậu có vẻ khó tin nhưng chưa lạ bằng máu ghen của bà – một bà già ngoài bảy mươi ghen với một cô gái vì tranh nhau một chàng trai!
Thượng Quan Uyển Nhi là cháu nội Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi là người đã cùng vua Cao Tôn mưu truất ngôi Võ Hậu nhưng không thành và bị bà giết, cả gia đình bi bắt làm nô lệ – xem chương 8.
Uyển Nhi may mắn được vào giúp việc trong cung. Nàng lớn lên giữa triều nội và nhờ văn hay chữ tốt nàng được Võ Hậu cho giữ việc soạn thảo các chiếu chỉ. Nàng thầm yêu Xương Tôn và gã cũng để ý đến nàng. Hai người thường có dịp thấy mặt nhau trong các buổi tiệc tùng hoặc giải trí và đều tìm cơ hội đưa mắt tống tình nhau. Một hôm nhân lúc bốc đồng, hai người có những cử chỉ quá lộ liễu khiến Võ Hậu bắt gặp. Bà nói lớn:
– Quân này to gan thực!
Vừa nói bà rút ra một lưỡi dao nhỏ bằng vàng và đâm vào mặt Uyển Nhi.
Nàng vội thụt lui để tránh nhưng vẫn bị mũi dao sượt vào trán.
Cũng may, Xương Tôn kịp thời quỳ xuống xin tội dùm nàng, nên Võ Hậu mới nguôi.
Từ đó về sau nàng luôn luôn để xõa tóc để che vết sẹo, và nàng cũng hết dám liếc mắt đưa tình với Xương Tôn, nhất là khi có mặt Võ Hậu.
Thực ra, Uyển Nhi cũng chẳng hiền lành gì. Đến đời vua Trung Tôn – Triết – nàng trở thành một nữ ma đầu, thường cùng Vi Hậu – vợ Triết – tư thông với Võ Tam Tư và gây rất nhiều sóng gió trong triều đình.
Nhiều người tự hỏi anh em họ Trương giữ chức vụ gì trong cung và thuộc cơ quan nào?
Dĩ nhiên Võ Hậu không bao giờ muốn hai gã bận với công việc gì, dù là việc của một vị Thừa tướng, Thượng thư hay Trưởng quan tại các cơ quan biệt lập. Nhưng bà cần phải tránh tai tiếng và hợp thức hóa sự có mặt của hai gã ở trong cung.
Bà đặt ra một cơ quan mới, Viện Chim Hạc, và cho Diệc Chi làm Viện trưởng.
Sở dĩ bà đặt ra Viện Chim Hạc là tượng trưng cho đạo giáo – do Lão Tử sáng lập, các bậc thần tiên thường cưỡi chim này. Theo Võ Hậu, nếu phong cho anh em họ Trương làm Nội thị, chức này nghe có vẻ phàm tục quá; còn nếu phong cho chúng làm Quan Giữ Bô (để vua đi tiểu) thì lại có vẻ thực tế quá, đến mức phũ phàng. Nhưng nếu đã đặt ra một viện, thì viện đó phải có nhiệm vụ nhất định.
Viện Chim Hạc có nhiệm vụ nghiên cứu tinh thần, soạn thảo một Tuyển tập và Tam Bảo trong đó ghi chép những lời nói của Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca, cũng những tư tưởng của các bậc thần nhân khác.
Thực ra Viện Chim Hạc gồm một bọn người làm ít chơi nhiều, tuy cũng có một vài học giả chân chính. Chúng thường a dua, bợ đỡ Võ Hậu, hoặc tụ tập nhau rượu chè cờ bạc.
Người ta có cảm tưởng rằng Võ Hậu đã tổ chức một động tiên cho bọn thuộc hạ vui chơi thỏa thích, và người ta nhớ tới cảnh trác táng của Hoàng đế nhà Tùy, đến nỗi mất ngôi vì mỏi gối.
Có vài kẻ còn bịa ra rằng Xương Tôn là hiện thân của một đệ tử của Lão Tử. Gã thường mặc áo lông chim, miệng thổi sáo và cưỡi trên lưng một con hạc gỗ trong vườn thượng uyển để biến giấc mộng thần tiên của Võ Hậu thành sự thực.
Rốt cuộc, Viện Chim Hạc trở thành nơi qui tụ các gã đẹp trai, trung tâm đồng tính luyến ái nổi tiếng thời bấy giờ.
Một gã trẻ tuổi họ Vi đã huênh hoang tuyên bố rằng gã có đủ điều kiện để gia nhập Viện Chim Hạc vì hạ bộ gã rất đẹp.
Khi lời nói phạm thượng này tới tai Chu Thanh Sắc, một vị quan thâm nho – xem chương 19. Ông đùng đùng nổi giận, lập tức viết một bức thư cho Võ Hậu:
– Tâu Bệ Hạ, thần nghĩ rằng anh em họ Trương đã quá đủ cho cho Bệ Hạ, đâu cần tìm thêm ai khác. Triều đình đã mang tiếng quá nhiều. Vừa rồi thần lại nghe Vi Hữu Tường yêu cầu được vào phục thị trong cung vì gã có những khả năng bẩn thỉu, và xung quanh gã còn nhiều kẻ khác.
Sau khi đọc bức thư, Võ Hậu gọi Chu nói:
– Cảm ơn khanh đã nhắc nhở. Trẫm thực tình không biết.
Những học giả có một chút khí phách của bậc nho sĩ đều lắc đầu trước cảnh phong hóa suy đồi này.
Tống Cảnh đã có lần nhục mạ Xương Tôn bằng cách cười vào mũi gã và gọi gã bằng bà. Một lần khác, anh em họ Trương rủ bọn lái buôn đất Tứ Xuyên vào cung đánh bạc, quan Trung Thư họ Ngụy lập tức nắm cả bọn lái buôn vứt ra ngoài.
Sau bức thư của họ Chu, Võ Hậu khám phá ra rằng Viện Chim Hạc của bà nổi tiếng đến mức độ kinh khủng. Bà vội đổi tên Viện này thành Phủ Nội thị để khỏi bị chú ý và bà dễ làm ăn.
Có người tính ra rằng ngoài những lúc chè chén say sưa, Võ Hậu dành một nửa thời giờ để sống trên giường.
Thiên hạ đàm tiếu mỗi lúc một nhiều.
Hai người con lớn của Triết – một trai, một gái – cũng dại dột buông lời nói ra nói vào.
Không may đến tai Võ Hậu, bà nổi giận. Bà sai người đánh hai đứa cháu ruột đến chết, sau đó bà còn bắt chồng mới cưới của đứa cháu gái tên là Kỳ – con Thừa Tự – phải tự thắt cổ.
Trời già vẫn không làm Võ Hậu trầm tĩnh chút nào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.