Tố tâm
Chương 4
Năm hôm sau, tôi gặp con vú hầu nàng, tôi hỏi rằng:
– Mợ Tú có mạnh không?
– Thưa thầy, chị Lan con yếu…
– Yếu làm sao?
– Bẩm, chị con sốt ngay từ hôm 11. Mấy hôm nay không ăn được, ho luôn, mà ho làm sao ấy, con nghe trong nhà thì thào mời thầy thuốc, hôm nhị hỷ không về đằng bà con được, mấy hôm sau mới về, phải ngồi xe che kín.
Con vú nói có vẻ buồn, chứ không cười cợt như ngày trước nó nói chuyện cô nó với tôi.
Tôi lại hỏi:
– Bà lớn bớt chưa ?
– Bà con uống thuốc ông lang bên huyện đem sang chữa, nay đã bớt nhiều lắm. Bà con đã dậy được.
Tôi vội việc nên không hỏi nhiều, chỉ thở dài một tiếng rồi quay đi.
Thời giờ thấm thoát đã gần hết tết Nguyên đán rồi, đã đến ngày tôi trông thấy nàng lần thứ nhất, lòng thương nhớ nàng vẫn không thể nguôi. Tôi cố dẹp lòng, tạm quên nàng đi, không hỏi gì đến tin tức nàng, không xem gì đến những dấu tích của nàng để lại, thế mà không sao quên được. Nhưng vẫn tuyệt vô âm tín, không biết gì đến nàng. Tôi phải giữ ý cho nàng, vỉ nàng bây giờ đã thuộc về cuộc đời khác.
Đến mùng năm tháng giêng, hôm ấy là ngày hội chùa Đồng Quang, tôi xuống Thái hà xem hội, lúc bước chân lên xe điện thì chợt thấy nàng ngồi trong ghế hạng nhất cùng với một bà cụ già và một thiếu nữ. Nàng bịt một cái khăn tua đen, mặt xanh, sút đi đến bốn năm phần, in một vẻ buồn rầu kín đáo cái vẻ mặt xanh, mắt lờ đờ thu vào trong cái khăn vuông đen, có một thứ đẹp thanh đạm lạ thường hình như phảng phất khí thiêng liêng, khó mà tả ra được. Tôi trông thấy mặt nàng thì nhớ đến một bức tranh vẽ bà hoàng hậu “Ơ-giê-ni” trong quyển Đại Pháp Sử ký của ông Male soạn trong lớp Triết học. Bà cũng trùm một cái khăn đen, dung nhan bà cũng đeo một vẻ buồn cao xa kín đáo như vậy, thành ra về sau lúc tôi giở đến quyển sách ấy là nhớ đến nàng, có khi ngắm mãi không chán. Tôi đứng dòm mãi mà nàng không biết, vì xe đông người. Lúc nàng chợt trông thấy tôi thì nàng quay mặt đi, tôi lấy làm giận lắm. Lạ thay ! Tôi đã muốn nàng, đã bắt nàng phải quên tôi đi, thế mà nàng không nhìn mà lại giận, cho nàng đã quên tôi rồi, sau tôi cũng nguôi lòng mà cho nàng củng như nhiều người thiếu nữ thường tình khác, tôi cho là nàng đã chịu thứ thuốc “lấy chồng” của tôi cho nàng uống để quên tôi, tôi lại mừng thầm là thuốc của tôi công hiệu.
Thôi thế càng hay, mà nàng xử vậy cũng phải, vì lòng tôi khỏi phải bận bịu đến nàng mà nàng cửng khỏi phải khổ về thương nhớ tôi nữa. Tuy vậy nghĩ đến tình tôi xử với nàng, lòng tôi thương yêu nàng ngày trước với lòng tôi đau đởn vì nàng mấy hôm nay, thì tôi lại bứt rứt, chỉ đứng chực cho nàng quay lại đề thấy con mắt tôi ngạo nàng, nét mặt tôi làm ra điềm nhiên nguội lạnh, nhưng mãi lúc xe điện đến nơi nàng cũng không dòm tôi nữa. Tôi nhảy xuống trước để nàng phải trông thấy mặt tôi, nhưng lúc xuống nàng dương ô ra che về phía tôi đứng, nên tôi không trông thấy mặt nàng nữa.
Nghĩ mà căm tức vô cùng.
Tôi không vào chùa nữa, đi vào chơi nhà người bạn trong ấp Thái hà. Từ đó tôi nghĩ đến nàng, lúc thì thương, lúc thì giận, nhưng tôi vẫn vững lòng rằng nàng không thể quên tôi. Kỳ thay !
Cách đó nửa tháng tôi đương ngồi trong lớp thì nghe mấy người bạn bảo nhau rằng “58” chết rồi.
Bạn lại đèo thêm mấy câu bình phẩm rằng:
– Thiệt cho B. lắm nhỉ ? Ái ân mới được hơn một tháng, rõ là cuộc đời giấc mộng !
Một người nữa đọc rằng:
– Mỹ thân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. 1
Tôi nghe mấy nhời xét đánh bên tai, không thể ngồi lớp học, phải vào buồng nằm, nhưng chưa chắc tin có đích thực không, muốn cho người ra hỏi thì đã đến chín giờ tối rồi, bồi bếp về hết không sai ai ra được nữa. Tôi đương thổn thức thì có nhật trình đưa đến. Tôi vội ra lớp học lấy xem, thấy mấy dòng “ai tín” rằng:
“Bản quán tiếp được tin buồn bà… mất sáng hôm nay, đến đúng 8 giờ sáng mai thì đưa đám…”
Tôi tính từ “hỷ tín” 12 tháng chạp cho đến “ai tín” 18 tháng giêng được 36 ngày. Tôi buồn quá phải nằm xuống ghế, bạn ngồi gần hỏi, tôi nói là mệt, bạn phải đưa vào buồng nằm. Sáng hôm sau tôi lén ra, mặc quần áo ta rất sơ sài, đến tận tang gia thì thấy xe tang đã để trước cửa, trong nhà có tiếng khóc bi ai. Tôi đứng lẫn với người đi xem. Lúc đưa áo quan nàng ra tôi trông thấy thi chân tay run lên không đứng vững, phải ngồi lên một cái xe cao xu. Một lúc đám đi, tôi cứ đón đường mà đợi, hai ba lần đi qua đám, tôi đã toan đi lẩn với người đi đưa, nhưng có nhiều người nhìn tôi hình như biết chuyện, tôi sợ làm bận đến linh hồn nàng, nên phải giở về, vả đám ma đưa về tận quê nàng, ở gần Hà đông, tôi không đi lâu được.
Tôi giở về cả ngày hôm ấy không ăn, cả đêm hôm ấy không ngủ; nào thương nào nhớ, nào sợ, nào buồn, nào mơ màng, hối hận, tôi nhìn bốn góc tường chỗ nào cũng hình như trông thấy nàng vơ vẩn. Có khi tôi nằm trong màn rõ ràng mở mắt mà thấy nàng đứng sau cửa kính nhìn tôi, tôi ngồi dậy chạy ra nắm lấy nàng thì đụng vào cánh cửa đứng dừng ngay lại.
Hôm sau, gặp ngày chủ nhật, sáng sớm tôi về Hà đông thăm mộ nàng, xuống ngã tư Sở còn phải đi vào 3, 4 ki lô mét. Giời mưa, đường lội, gió bấc thổi vù vù. Tôi về đến làng theo những thoi vàng rắc hôm trước mà tìm đến chỗ nàng an giấc nghìn thu. Ở giữa quãng đồng không vắng vé, gió thổi, mưa sa, một nấm mồ nằm bên cái gò con cỏ úa, in vết trâu bò qua lại và dấu chân những người đưa đám mới đi. Bốn bề vắng lạnh, duy chỉ có tôi đứng chỗ một giời một đất với mộ nàng, xa trông những hạt mưa bay mờ mờ trắng, mấy hàng tre gió lướt đổ ngà ngà, những con chim bạt gió kêu bay, mấy con bê lạc đàn gọi nạ… Tôi nghĩ đến lúc đi chơi với nàng ở các quãng vui bao nhiêu thì bây giờ lại buồn bấy nhiêu, nhưng vui kia chỉ vui một lúc, mà buồn này chưa biết đến bao giờ mới nguôi !
Tôi buồn rầu thương nhớ nàng như vậy, người mệt quá, ngồi xuống một đám cỏ vàng, bên cạnh mồ nàng mà viết mấy câu viếng. Viết xong, đọc đi đọc lại tựa hồ nàng cùng nghe với tôi, như những lúc tôi đọc văn thơ cho nàng bình phẩm. Tôi xưa nay hay lấy khoa học mà cắt nghĩa cái chết, chết là hết, chết là tan như vạn vật trong vũ trụ vậy. Nhưng lúc đó đi bởi lòng tôi rất thương tiếc nàng, thấy nàng còn phảng phất bên tôi, tôi tưởng tượng ra như nàng nghe những nhời tôi vừa khóc nàng, mà cái chết lại hiện ra cho tôi là cái đổi đời mà thôi. Lòng tôi cũng muốn tưởng tượng ra như vậy, để được hô hấp lấy hương hồn của nàng. Người ta sở dĩ chuộng tôn giáo chỉ tại những lúc này.
Tôi ngồi bên mộ nàng đến hai giờ đồng hồ mới dậy. Lúc lên xe về người rất mệt mà tôi coi vẫn là thường. Tôi cứ quay đầu lại chỗ mộ nàng cho đến khi khuất mấy hàng tre không trông được nữa. Trong lòng nghĩ rằng, sau lúc tôi thăm có ai đến thăm nàng nữa không ? Mẹ nàng thì già, em nàng còn dại, người tân lang của nàng có thật là người biết thương nàng không ? Rồi đây đường sá xa xôi, mỗi ngày một nhạt, có ai thăm viếng nàng luôn mà đem tấm lòng ấp lấy nấm mộ kia cho khỏi lạnh lùng vắng vẻ, hay rồi cũng dế đùn cỏ lấp, bốn mùa mưa gió giãi giầu mà thôi.
Nghĩ mà bát ngát.
Trước khi về, tôi cởi cái áo tơi của tôi đắp lên mồ nàng cho khỏi lạnh lùng vắng vẻ.
Còn một điều tôi ân hận nữa là không biết nàng yếu làm sao mà vội từ trần sớm thế ? Hoặc là khí giời hung độc nàng cảm bệnh mà không gỡ ra hoặc là thương tôi mà mình hao sức kiệt, hoặc nàng giận duyên tủi phận mà tự mình vội hủy mình đi… Tôi lấy làm phân vân quá, nghĩ hỏi cho đích thực cũng khó lắm.
Tối hôm ấy tôi đi tìm con vú hầu nàng để hỏi chuyện, vì chỉ hỏi dò nó là biết được. Lúc tôi đi qua cửa nhà bà Án, con vú thấy tôi thì chạy ra. Tôi hỏi Tố Tâm chết về bệnh gì, nó nói rằng nó chỉ thấy sốt và ho ra huyết, không ăn không ngủ được, dần dần kiệt sức như ngọn đèn hết dầu. Lúc sắp chết tỉnh lắm, hỏi gì cũng biết nhưng không nói một câu gì cả. Suốt ngày cứ nhắm mắt nằm yên, lúc tắt nghỉ lầm bầm mấy tiếng như gọi ai, rồi thở dài một cái mạnh là về.
Con vú đương nói thì có người trong nhà đi ra, nó phải chạy vào. Một lúc tôi cũng vào nhà bà Án. Lúc đó không còn ngại gì đến chuyện trước, chỉ nghĩ thương tiếc Tố Tâm mà coi như một việc bổn phận phải đến thăm mẹ thăm em nàng. dù có bi bạc đãi cũng cam tâm. Nhưng lúc tôi vào nhà, bà Án thấy tôi thì khóc. Chả biết Tố Tâm có dặn lại gì không mà bà Án không nói gì cả. Cậu em vẫn thấy kính yêu như ngày trước. Tôi cũng ngạc nhiên. Tôi nhìn vào chỗ Tố Tâm ngồi ngày trước thấy bức ảnh nàng để trên bàn, khói hương nghi ngút, ngọn nến hắt hiu, tôi không sao mà cầm nước mắt được, nghĩ giọt lệ của thiếu niên cũng lạ, thật ít mà thật nhiều ! Tôi đứng thẫn hồi lâu không nói năng gì cả, mà cũng không hỏi gì đến tình trạng Tố Tâm, một là sợ gợi phiền, hai là lúc đó khó mà biết ngay được. Tôi định để hỏi dần về sau. Lúc tôi về, ra đến cửa thì cậu Tân đưa cho một gói mà nói rằng:
– Em vâng nhời chị em giối lại mà đưa cho anh cái gói này.
Tôi cầm cái gói, cảm ơn cậu em, hẹn thứ năm sẽ ra. Hai người cùng ứa nước mắt.
Tôi về mở gói ra xem thì thấy một hộp nhật bản, chính là hộp này đây. Trong hộp toàn là thư từ và những di vật tôi đưa cho nàng, còn cả từ cành hoa lan đưa hôm cưới đã khô đi rồi, duy chỉ bức ảnh của tôi là không thấy. Không hiểu nàng bỏ đi trước lúc cưới hay nàng đem chôn tôi vời nàng ? Nhẽ đoán này thì chắc hơn vì nàng không chịu bỏ đi một tý gì của tôi cả, từ những sợi chỉ buộc giấy cho đến giải lụa buộc hoa cũng còn nguyên cả. Dưới những di vật đó còn để một quyển sổ con đề mấy chữ “Nhời nói cuối cùng”. Tôi mở xem thì ra quyển nhật ký của nàng chép chuyện từ lúc xa cách tôi.
Đạm Thủy đưa quyển sổ con cho ký giả rồi gục đầu vào vai ký giả bắt đọc cho nghe những ký sự, hình như bạn tôi muốn ôn lại những câu tâm huyết đó cũng như người đương buồn muốn nghe gầy khúc nam ai:
Ngày mùng 9 tháng chạp.
“Sau khi em đưa anh đóa hoa lan và nói cùng anh mấy câu từ biệt thì lòng em như cắt, tinh thần khác hẳn đi như người vô hồn. Hôm ấy em vội về ngay là ý em gặp anh chỉ để tặng anh một đóa hoa gọi là chút di vật của người sắp vĩnh biệt. Em ở làm sao cho phải. Ở nhà công việc bộn bề mẹ em thì ốm nặng. Em biết em dứt về như vậy, em để anh thương nhớ ở giữa quãng đường nhưng nếu em đứng lại mà tự tình với anh lúc nữa thì em đã làm con ma ở Hồ Tây rồi.
“Về đến nhà em viết thư từ biệt anh mà không sao viết được, cầm đến bút thì nước mắt tràn xuống ướt cả giấy, nhòe hết mực. Em viết mãi mới được một bức thư.
Ngày mùng 10.
“Chiều hôm nay em tiếp được thư anh, thật là bức thư xé ruột, em đọc đi đọc lại nát cả thư. Anh ơi tính tình anh đằm thắm làm gì, văn chương anh gieo giắt làm gì đế xé tâm can em như vậy ? Lòng em anh lấy hết rồi, hồn em anh thu hết rồi, sao anh gieo sâu trong tâm can một mối tính tình đằm thắm làm vậy để em nhớ thương đau đớn thế này. Em đau đớn mà em phải cố gượng làm tươi cho yên lòng mẹ em khi bệnh nặng, và để che mắt chị em ở các nơi về; họ tinh quái nghịch ngợm lắm, anh ạ. Các cô cứ lấy những chăn màn gối đệm mới mà giễu cợt em; các cô lấy thế làm thích. Phải, người con gái còn cảnh nào êm ái bằng lúc trông thấy những chăn bông màn xuyến, những hòm da phủ mảnh nhiễu điều bày chung quanh mình, nhưng các cô càng giễu cợt em bao nhiêu thì em lại càng khổ tâm bấy nhiêu, mà em vẫn phải làm vẻ mặt điềm nhiên, lấy cái cười chạy qua nước mắt mà đối lại…
Ngày 11.
“Chiều hôm nay em nhận được lễ mừng của anh, đa tạ lòng anh. Anh cũng khéo lựa vật mà mừng em như vậy, nhưng thấy lễ mừng của anh đưa đến, em lại đau lòng. Hoa của anh em bỏ vào quả trầu để ngày mai đi với em, còn thư với câu đối thật là hai con dao cắt ruột !
Thương nhau nên phải phụ nhau mà !
“Quả thế, anh ạ. Ta chỉ vì thương nhau, không muốn để cho nhau thiệt nên đến tình cảnh này. Em xem thư và câu đối của anh, em phải gục đầu xuống gối, em mơ mơ màng màng hồn đi đâu mất, em không khóc được nữa hình như em hết nước mắt rồi. Em nằm một tý thì có người vào gọi dậy để hỏi công việc. Em mệt quá đi mất, em sốt, em ho, anh ạ. Thế mà em không được nằm, em không dám nằm có khổ không anh ? Ngày thì công việc liền tay không khi nào hở, đêm thì thổn thức nỗi lòng không khi nào yên. Em không thể nhắm mắt được.
Ngày 12.
Hôm nay em là bộ máy vô hồn, ai vặn thế nào xoay thế ấy. Bảo em đi thì em đi, bảo em đứng thì em đứng, bảo em lễ thì em lễ, bảo em chào thì em chào, không bảo gì thì em cứ đứng yên thế mãi. Các bà các cô bắt khổ em làm nhiều lễ bái quá mà bây giờ em cũng quên hết không biết là làm những gì. Em chỉ còn nhớ rằng lúc em bước chân ra, mẹ em khóc như mưa như gió lúc em ra đến cửa, em tưởng như anh đương đứng ở một cái góc nào đó mà chào em bằng nửa miệng cười, em vẫn sợ cái lối mỉm cười chua chát của anh. Em nhớ cả rằng hôm ấy chiều giời ủ dột hình như cảm động đến tiếng than khóc của em.
“Em vẫn còn sốt lắm, người mệt lử đi mà ngực tức khó thở.
Ngày 14.
Hai hôm nay em vẫn còn sốt, không ăn không ngủ được. Em chợp nhắm mắt thấy anh, em mở mắt ra là tưởng đến anh, hình như tinh thần em anh đã thu hết cả. Em không sao mà ngủ đi được một lúc, nên đêm em cứ dậy viết mấy gióng này cho anh, vì em viết ban ngày không tiện, em đến khi cả nhà ngủ lặng, chỉ còn một mình em với con vú nó ngồi với em trong cái buồng vắng vẻ này. Em ngồi kê vào gối mà viết. Em nhờ được cái bút này em lấy của anh hôm nọ nên để lại cho anh được mấy nhời tâm huyết này. Nhẽ ra thì em không viết cho anh những nhời này là phải, vì lấy cái thường tình của người không hiểu câu chuyện mà nghị luận thì em đã sang cuộc đời khác rồi, em phải cư xử làm sao cho trọn vẹn, không được tưởng gì đến anh để khỏi phạm vào cái vòng ‘;bất tín’;, và khỏi trái nhời anh.
“Nhưng không anh ạ, anh xá tội cho em mà xin giời kia cũng chứng minh hộ. Em bao giờ cũng là gái duy nhất, em đã đem lòng yêu anh thì bao giờ em cũng yêu anh, em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa. Từ khi em bắt lòng em được không được tưởng đến cuộc trăm năm với anh, em vẫn yêu anh mà đinh ninh giữ lấy một mối tình vô hy vọng cho suốt cả đời em, để sau khi hương tỏa khói tan, em chỉ nghĩ một câu rằng ta đã biết luyến ái mà chữ chung tình đã được vẹn toàn là đủ thỏa. Em lại định rằng em không yêu thì không lấy ai cả, vì sợ để thiệt hại cho đến một người thiếu niên và cũng không có lòng nào mà yêu như vậy, nhưng giời không cho thế, phú cho em một tấm lòng rất yêu quí mẹ em, lại để em vào lúc gia đình bối rối, nên em phải vâng nhời mẹ em, thôi đành để nhắm mắt đưa chân vậy. Vì em có liều mình đi nữa thì lại để tiếng cho nhà, mà khổ cho mẹ em lắm. Lúc em đã trót nhận nhời đi rồi thì em định rằng, nếu giời còn để em sống thì em đem hết nền giáo dục của em mà hầu hạ tân lang em như một người tôi tớ, hay là một thứ bạn mà thôi. Tình cảnh em như vậy, em bộc bạch hết anh nghe còn anh quở trách em hay kết án em những tội gì, em cũng xin vái giời mà chịu cả. Em có thứ cảm giác biết trước là em yếu, đời em không được bao lâu, nên việc đời xoay đến thế nào cũng được. Em cũng biết là phiền nhà tân lang lắm nhưng cũng chả còn mấy ngày, tân lang em cũng đỡ được cái nợ.
Ngày 15.
“Hôm nay người ta gọi là tứ hỷ, em mệt lắm vì mấy hôm trước em khái huyết, nhưng em cũng gắng dậy mà về thăm mẹ em và lễ nhà thờ, vì hôm mười ba em sốt lắm, và giời mưa to nên em không về được. Hôm nay giời cũng còn mưa đường lội, cảnh vật âu sầu hay là tại em buồn mà trông ra thế ? Em ngồi xe che kín, lúc xuống cửa hình như ai cũng nhìn em mà em chả dám nhìn ai cả, nhất là chỉ sợ trông thấy anh. Mẹ em đã bớt nhiều rồi, nhờ được ông lang bên huyện, chú em đưa sang chữa, thật là cải tử hoàn sinh. Giá ông chữa cho mẹ em trước hôm mùng tám thì có phải ông cải tử được hai người không anh nhỉ ?
Ngày 18.
“Em vẫn không ăn không ngủ được. Hôm nay giời hơi có ánh sáng chiếu vào buồng em, em tính ra xa cách anh đã được mười ngày, mười ngày nhớ thương buồn bực. Em ngồi dậy trông qua cửa kính về phía trường anh, em chỉ thấy nóc nhà chi chít, mấy giẫy cây lá rụng bỏ phơ cành. Chắc anh chả nghĩ gì rằng có một người ngồi một mình trên gác, đau yếu buồn rầu đương trông anh nhỉ. Anh có thuốc gì làm cho em quên anh để em ngủ một lúc không anh ? Anh có thì anh gửi đến cho em, còn thuốc thang em uống hai ba thứ một ngày chắc chả làm cho em bớt được.
“Lúc trưa em tìm thấy trên bàn một gói thuốc lá của tân lang em lúc vào thăm em bỏ quên lại, em lấy hút. Anh ơi, cái thói đài các rởm của đàn bà hút thuốc lá mà anh bắt em bỏ ngày xưa, hôm nay em lại xin mạn phép anh một lúc nhá. Em ho mà em vẫn hút, em hút thấy tức ngực thêm mà em không muốn thôi. Lạ quá anh ạ, trong mình em không muốn kiêng một tý gì. Cửa bỏ ngỏ em cũng không bảo đóng, cơm đưa lên em cũng không muốn ăn, màn em cũng không cần buông, đèn em cũng không bảo tắt, giá đừng bắt em uống thuốc thang gì thì em lại dễ chịu lắm. Em không hiểu sao, anh ạ. Có một điều em cẩn thận là em không lộ ra cho ai biết là em âu sầu, mà cách xử với người nhà em vẫn phân minh lắm.
Ngày 28.
“Mấy hôm nay tình cảnh em vẫn thế, bệnh có phần thêm. Cả ngày em chỉ trùm chăm, nằm mà nghĩ đường kia nỗi nọ buồn rầu thương nhớ anh mà thôi.
“Anh ơi, có phải hôm nay là ngày anh mất ví năm ngoái không, là ngày em chợt nom thoáng qua anh không ? Cuộc kỳ ngộ vừa trọn một năm giời mà tình thân ái hình như cũ càng mấy thế kỷ. Hôm nay là ngày gì mà cái ví giấy của anh lạc vào nhà chú em, để em xem đến mà sinh tình luyến ái anh đến thế ?
“Anh ơi, em một ngày một yếu, vẫn không ngủ không ăn được. Từ hôm nọ đến nay đã mời mấy ông lang rồi. Nhà thì bảo uống thuốc ta, tân lang em thì mời đốc tơ, một ông bạn học trường thuốc lại khuyên đưa vào nhà thương chữa cho tiện. Em muốn xin về bên mẹ em, nhưng bà Phán em không bằng lòng. Em nghĩ như thầy thuốc nào cũng vô ích cả. Nhưng bảo em uống gì em cũng uống, đắng cay, chua, chát thế nào em cũng uống như không, em không cau mặt chút nào, mà cũng không hề gắt đầy tớ lấy nửa tiếng. Tân lang em vẫn ra vào săn sóc, em vẫn kính mà không yêu, không hiểu sao vậy ?
Ngày mùng 5 tháng giêng.
“Hôm này là ngày hội chùa Đồng Quang. Người em hơi thấy có bớt. Mẹ em cho người đến xin phép đi lễ chùa cầu an, bà Phán em lấy làm phải, sắm sang lễvật cùng đi với em.
“Lúc em đương ngồi trên xe điện chợt nom thấy anh đứng đầu toa thì mặt và chân tay em hình như nóng lên, trong mình khác hẳn. Em vội quay đi không dám nhìn nữa, vì nhìn anh thì thế nào em cũng phải ứa nước mắt. Lúc đó mà khóc thì anh nghĩ tình hình ra sao ? Nên em không nhìn anh nữa. Tuy vậy em vẫn nhìn anh trong cửa kính, em biết anh vừa giận vừa buồn, em biết anh tưởng em quên anh, nên anh có dáng khinh bỉ cho là hạng người rất tầm thường, không hiểu nổi tính tình của anh, anh chực bắt em phải dòm nét mặt nguội lạnh ngạo đời của anh, để rửa cơn giận. Sao anh nghiệt thế, anh ? Em đã chết từng đoạn ruột, trông thấy anh không dám nhìn, thế mà anh chả thương phận liễu nhược này, lại còn đem lòng sắt đá mà chọi thì bao giờ em cũng chịu thua, vì lòng nhi nữ chúng em không chịu được cái nỗi cắt gan ấy. Tuy vậy, em biết anh giận, em làm cho anh giận thêm, để anh ghét em là đứa vong tình mà quên hẳn em đi cho lòng anh khỏi bận bịu, để anh đem hết ái ân góp lại mà đắp vào cho người sắp cùng anh tính cuộc trăm năm. Quả lòng em như vậy, cho nên lúc xuống xe, em lấy ô che cho khỏi trông thấy anh, mà anh cũng đừng nhìn em nữa. Ôi! Cũng một cái ô ấy mà xưa em lấy em che cho anh, nay em lại lấy ngăn anh, nghĩ mà đau lòng anh nhỉ ? Lúc đi đã định đi xe cao su cả, nhưng nghe nói đường về ấp đương chữa, nên phải đi xe điện, có nhẽ là lòng giời muốn cho em được trông thấy anh một lần cuối cùng.
Ngày mùng chín.
“Anh ơi, hôm nay em lại thấy mệt lắm, em sốt hâm hấp và ho luôn. Mấy hôm trước em đã bớt, nên nhà mới cho em đi chùa. Em đi về lại ốm thêm. Lúc em nom thấy anh thì người ran lên như có sức mạnh, nhưng em về nhà thì bệnh lại tăng. Em xem tinh thần và thể chất em cũng kém lắm. Sáng hôm nay em lấy gương soi thấy mặt gầy gò xanh mướt, em ứa nước mắt một mình. Anh ơi, giá anh trông thấy em bây giờ thì anh không biết là ai nữa. Tố Tâm của anh hôm nay không phải là Tố Tâm ngày trước, vui cười hớn hở, chạy theo anh ở các quãng đồng, ngồi với anh trên bãi bể. Tố Tâm nay đã đào phai liễu ủ, sắp đến ngày gần đất xa giời. Ôi! Xưa thì thế mà nay thì thế, đường kia nỗi nọ bới vì đâu ? Tài mà chi, sắc mà chi, tình ái mà chi, chẳng qua là những thứ bụi hồng dính vào đâu là khổ đó ! Em nói vậy chứ em vẫn coi cái khổ là thường, em giơ hai tay mà đỡ lấy. Em vẫn chê những kẻ không điềm nhiên mà chịu những nỗi đau lòng của mình phải kêu ca cầu khẩn. Anh ơi em có một thứ cảm giác biết trước là em không thể sống được nữa. Hình như em đã thấy cái chết vơ vẩn trên nóc dưới thềm. Trong khi đàm luận, anh thường bảo em, chết là tan, chết là hết, sau khi chết không còn dính gì với cõi trần này, như mảnh ngói tan, như cành cây gầy, gió mưa mục nát là xong…
“Nhưng không anh ạ, em tưởng tượng ra như chết rồi hãy còn vơ vẩn trên không. Em coi chết là thường lắm, em không sợ chút nào, em điềm nhiên mà chậu được chết, dửng dưng nhắm hai con mắt lại, ôm lấy cái khổ não bên mình. Em không cần than khóc lấy nửa tiếng, và em cũng muốn tưởng tượng ra là chết vẫn không tan đế còn có hy vọng một ngày kia lại được gặp anh, và để cho cái chết có một chút ý vị. Anh ơi, tại anh đặt cho em hai chữ Tố Tâm nên em bạc mệnh, có phải không anh ? Em nói bỡn đó chứ nếu em có phải vì anh mà bạc mệnh em cũng thỏa lòng.
Ngày 12.
“Kể từ hôm em bước chân về nhà chồng đến nay là một tháng, một tháng ốm đau buồn bực thật ngại cho em mà cũng phiền cho nhà tân lang em lắm. Công của chạy chữa cho em không biết lấy gì mà bù. Em vẫn biết thuốc thang không thể khỏi được, nhưng em không dám hở ý ấy ra. Em biết em không thể khỏi được, nên em cũng mong cho đến ngày tận số cho khỏi phiền đến nhà tân lang em.
“Sáng hôm sau tân lang em vào buồng em, tiếng giầy rất mạnh; ngồi xuống cái ghế để bên giường em rồi lấy một bức thư ra giơ cho em xem mà hỏi rằng.
– Có phải thư gửi cho mợ không ?
“Em xem thấy nét chữ anh, thấy tên em thì em lạnh người đi, nhưng em cũng định thần ngay mà trả nhời rằng phải. Bức thư ấy nguyên là thư vĩnh biệt của anh hôm nọ, em lấy xem, em bỏ quên trong áo gối. Lúc con vú tháo áo gối thì thư vương đi đâu mất. Em tìm không thấy nữa mà không dám hỏi người nhà, đành để cho mất. Tân lang em hỏi ai gửi. Em nói thật là thư vĩnh biệt của anh. Em nghĩ không giấu được nào mà lúc đó cũng không muốn giấu nữa, và em đã định rằng một ngày kia lúc bệnh em xem chừng nguy cấp không thể khỏi được thì gửi lại mấy nhời bái tạ tân lang em để đền bù cái công đeo đẳng và nghĩa kết duyên, để xa lánh cõi trần cho nhẹ bước… Nhân lúc này tân lang em đã hiểu rõ câu chuyện thì em lại thưa để bái tạ cho xong. Em nói rằng:
– Tôi được làm bạn với cậu bởi đôi bên bác mẹ bằng lòng mà cũng bởi ân xưa nghĩa cũ của hai nhà đi lại. Tôi không được biết cậu mà cậu cũng chỉ mới biết mặt tôi. Hai ta chưa có chút gì là thương yêu mà cũng không có lòng gì ghen ghét. Tôi xin thưa thực cùng cậu rằng lòng tôi đưa gửi cho Đạm Thủy đã ba bốn năm nay rồi, chỉ vì một chuyện riêng mà hai bên không thể kết duyên được. Tôi về hầu hạ cậu là bởi tôi phải vâng lời mẹ tôi lúc vạn tử nhất sinh tôi thương mẹ tôi nên không dám trái lời, thành để thiệt đến cậu, tôi phiền đến cậu là tôi không thể yêu được hai người, mà cũng không lòng nào mà yêu như vậy, tôi cũng biết là tôi có lỗi, nhưng cậu là người có học thức hẳn cậu cũng biết cái nỗi éo le của lòng người. Tôi vẫn muốn quên những chuyện xưa để xử với cậu cho đôi đường trọn vẹn, thôi thì hầu hạ cậu như một người tôi tớ, không dám nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, cho trọn một đời tôi. Nhưng tôi chỉ khiến được lòng kính mà không khiến được lòng yêu. Lòng tôi thực thì tôi xin cứ thực mà thưa. Nếu cậu hiểu đến khuất tình của tôi, cho tôi là một thiếu nữ quá chung tình thì tôi xin cảm lòng, nếu xét theo lối thường đời cho là một gái nguyệt hoa thì tôi cũng vâng chịu: Bây giờ việc đã trót ra như vậy, tôi bái tạ cậu để cảm công trình đeo đẳng mà nghĩa kết duyên bấy lâu.
“Em nói xong thì ngồi dậy chực bái tạ tân lang em nhưng tân lang em gạt đi không nhận, ngồi im một lúc nét mặt rầu rầu, rồi đứng dậy quay ra. Em xin lại bức thư thì tân lang em xé đi, rồi thủng thẳng bước ra, khẽ khép cửa phòng lại. Em không hề dám có chút tức giận nào cả. Em chỉ thương anh mà thôi. Em trông bốn mảnh giấy mà động lòng. Giá tân lâng em mắng em, đánh em, em cũng không khổ tâm bằng thấy xé bức thơ vô tội ấy. Nhưng phải lắm anh ạ, nên em có dám phàn nàn gì đâu. Giá đến chuyện vùi hoa giập liễu nữa mới đúng với đời, ở đời đã mấy người sẵn mối từ tâm quảng đại ý tưởng cao xem xét việc đời tìm đến căn nguyên, khi đã hiểu thấu thì có thể xéo lên những thường tình then ghét, đạp đổ được những nhời binh phẩm nhỏ nhen. Em biết vậy nên em cứ điềm nhiên vẫn đành lòng mà nghe những tiếng mỉa mai những nhời sỉ vả, dửng dưng ôm lấy nỗi lòng mà đến ngày tạ thế, hoặc sẽ tan ra đất ra cát, hay sang một cõi đời khác nào. Anh cũng không nên ân hận gì đến chuyện ấy, vì lỗi tại em, em xin chú cả.
Ngày 14.
“Đêm qua gió bấc thổi vù vù, cành cây rơi lác đác. Em muốn xem phong cảnh buồn rầu. Em ngồi dậy vịn vào giường đi ra mở cửa sổ. Em kéo chốt cửa thì gió to quá đẩy toang cánh cửa mà thổi hắt vào em, em ngã ra bất tỉnh nhân sự. Lúc tỉnh dậy, nghe nói lại rằng khi bấy giờ con vú thức giấc dậy kêu lên, cả nhà chạy vào đỡ em lên giường thuốc thang mãi mới tỉnh. Cả ngày hôm nay em vẫn mệt lắm. Mẹ em ngồi với em luôn. Em nghĩ đến nỗi nhà em mà khổ. Mẹ em thì già yếu, em Tân còn ngây thơ. Em cũng muốn sống lại ít lâu cho mẹ em có người giúp đỡ mà không thể sống nổi nữa. Thôi, em gửi cả cho anh, em nhờ anh chỉ bảo cho em Tân nó nên người, có một chút tính tình học thức, phải nhớ luôn là một người Nam Việt thiếu niên, đừng đắm mê vào chỗ tư lợi nhỏ nhen quá. Em đã viết sẵn cho mẹ em một bức di thư dặn dò các việc.
“Anh ơi, em mệt lắm rồi, em viết cho anh mấy giòng chữ này người lả đi mà em cũng cứ viết, không viết thì không yên tâm, giá thầy thuốc mà biết vậy thì chắc quở trách em, vì em không theo được như nhời dặn.
Ngày 17.
“Anh Đạm Thủy ơi, em không thể sống được nữa, đã đến lúc từ trần rồi. Em ho ra nhiều huyết quá. Thôi mấy giòng không thịnh chữ này là em chào anh đấy. Em chào anh, chào cả văn chương tư tưởng, chào cả non nước cỏ cây, những cảnh tuyệt vời của tạo hóa. Em xin nhắn với những cô thiếu nữ cùng một tính tình như em đừng theo em mà đi vào một lối. Muốn hưởng lấy cuộc ái ân đằm thắm trong cảnh vợ chồng thì tìm lấy mà biết sự thực ở đời những chuyện viển vông mơ màng toàn là một thứ rượu ngọt, ngon, thơm, mà rất công phạt, nhấp vào thì ngà ngà say, trong người thấy nhẹ nhàng phấn chấn, nhưng dần dần đốt cháy hết ruột gan người.
“Em xin gửi lại tất cả thư tù và những vật anh cho em, em tưởng mang đi với em, nhưng lúc em nhắm mắt rồi thì chả ai cho như vậy, mà để vật này lạc vào tay kẻ khác thì cũng phí đi mất. Anh giữ lấy cho em, gọi là một chút di vật lúc em sắp tạ thế. Em chỉ giữ lấy một cái ảnh của anh để đưa em một vài dặm đường về tiên cảnh.
“Rồi đây, sau khi hương tàn khói tỏa, có lúc nào anh qua chỗ em an giấc ngàn năm này, nhờ anh đề hộ vào gốc cây, tảng đá hay bức tường mấy chữ rằng:
ĐÂY LÃ MỒ MỘT NGƯỜI BẠC MỆNH CHẾT VÌ HAI CHỮ TÌNH
——————————–
1 | Người đẹp từ xưa như tướng giỏi,
Không muốn nhân gia thấy bạc đầu. |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.