Tối Đa Hóa Năng Lực Bản Thân
Chương I. Tạo ra cơ hội
Xác định và tận dụng những cơ hội mới trong sự nghiệp.
Tư vấn nghề nghiệp theo cách truyền thống là một cách tiếp cận thụ động trong quá trình xin việc: Chọn một danh sách công việc, ứng tuyển, chờ hồi âm. Trúng tuyển, thể hiện bản thân, chờ được cất nhắc. Bắt đầu lại, tái lặp, ì trệ. Nhưng kiểu thái độ “há miệng chờ sung” đó sẽ rất khó đưa bạn đến được với thành công.
Với các nguồn lực của thế kỷ XXI trong tay, chúng ta có thể và nên trở thành những người tham gia chủ động vào quá trình định hình tương lai của bản thân. Chúng ta phải tìm ra các cơ hội chiến lược bằng tài xoay xở và khả năng thích ứng của một doanh nhân khởi nghiệp, đồng thời phải tạo ra những cơ hội cho chính chúng ta bằng cách không ngừng phát triển các kỹ năng của bản thân – mài sắc năng lực của mình trong công việc.
Chúng ta cần quan sát thị trường đồng thời gắn liền những lợi ích và khả năng của bản thân với nhu cầu của mọi người. Những cũng đừng quên đề phòng những điều không mong đợi xảy đến – không bám quá chặt vào những kế hoạch mà để tuột mất những cơ may.
Thành công hay sự vĩ đại không đến từ cách tiếp cận “dựa dẫm” liên quan đến việc lập kế hoạch sự nghiệp. Hãy đón đầu cơ hội – và nó sẽ nằm trong tầm với của bạn.
Hãy chuyên tâm vào công việc của bạn trước khi dành thời gian cho đam mê
— Cal Newport
“Hãy làm theo đam mê của bạn” không phải là một lời khuyên hay. Tôi đã đi đến kết luận này sau khi dành hẳn một năm để nghiên cứu một câu hỏi cơ bản: Điều gì khiến mọi người yêu thích những gì họ làm để kiếm sống? Nghiên cứu này đã nêu bật lên hai điều chống lại ý tưởng “làm theo đam mê”. Đầu tiên, nó chỉ ra rằng rất ít người có đam mê phù hợp với công việc họ làm sau đó. Vì vậy, việc bảo họ “làm theo đam mê” là một công thức dẫn đến lo lắng và thất bại.
Thứ hai, ngay cả khi mọi người cảm thấy chắc chắn về một chủ đề cụ thể nào đó, thì hàng thập kỷ nghiên cứu về sự thỏa mãn trong công việc cũng đã chúng ta biết rằng bạn cần nhiều hơn một đam mê từ trước để biến công việc của bạn thành thứ bạn yêu thích. Ví dụ, rất nhiều những người đam mê làm bánh, đã suy sụp trước áp lực của việc cố gắng vận hành một tiệm bánh nhỏ, cũng như những người đam mê chụp ảnh nghiệp dư đã mất đi sự hứng thú với nghệ thuật khi phải cố gắng lưu lại ảnh tư liệu cho một đám cưới lớn.
Nếu muốn “kết liễu” đam mê trong công việc, bạn cần có một chiến lược phức tạp hơn việc chỉ đơn thuần cố gắng khám phá một vài yếu tố vốn có trong bạn. Trong phần này, tôi muốn khai thác một chiến lược như vậy – một chiến lược xuất hiện thường xuyên khi tôi nghiên cứu về đời sống của những người tạo dựng được sự nghiệp đầy hấp dẫn. Hãy lấy một câu chuyện về cuộc đời của một nhân vật nổi tiếng để làm nghiên cứu tình huống của chúng ta.
•
Bill McKibben là một nhà báo về môi trường. Anh trở nên nổi tiếng từ khi cho ra mắt cuốn sách của mình vào năm 1989, The End of Nature (tạm dịch: Hồi kết của tự nhiên), một trong những cuốn sách nổi tiếng đầu tiên về sự biến đổi khí hậu. Từ đó, anh đã viết hàng chục cuốn sách và trở thành một nhà hoạt động môi trường được nhiều người biết đến. Nếu tham dự một buổi nói chuyện hoặc đọc một bài phỏng vấn của McKibben, bạn sẽ được gặp một người thực sự đam mê với công việc của mình. Nhưng bằng cách nào mà anh có thể đạt được thành công như ngày nay?
Chúng tôi biết được câu chuyện của McKibben khi anh đến Harvard với tư cách một sinh viên năm cuối và đăng ký làm việc cho tờ báo sinh viên, The Harvard Crimson. Đến khi tốt nghiệp, anh đã là biên tập viên của tờ báo này. Việc này đã đưa anh vào tầm ngắm của William Shawn, tổng biên tập tờ New Yorker.
Vào năm 1987, 5 năm sau khi đến làm việc tại New Yorker, McKibben đã có một bước ngoặt. Anh thôi việc ở đây và chuyển đến một nhà gỗ nhỏ tại Adirondacks. Sống cô lập giữa một vùng hoang dã, McKibben đã tập trung viết The End of Nature, cuốn sách ngay lập tức trở thành một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực báo chí về môi trường, đặt nền tảng cho một cuộc sống đầy đam mê của anh ngày nay.
Câu chuyện của McKibben tập trung vào hai bài học mà trong nghiên cứu của tôi đã từng cho là rất quan trọng đối với việc hiểu rõ về cách mọi người tạo dựng sự nghiệp mà họ yêu thích.
Bài học thứ nhất: Những gì bạn làm để kiếm sống không quan trọng như bạn tưởng
McKibben đã tạo dựng một sự nghiệp như một nhà văn mà anh yêu thích. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu về trường hợp của anh, tôi cho rằng có rất nhiều con đường sự nghiệp mà anh có thể đi theo với niềm đam mê ấy. Hai điều có vẻ thực sự rất có ý nghĩa với McKibben là sự tự chủ (ví dụ, kiểm soát công việc, thời gian làm việc và nơi sinh sống, v.v…) và ít nhiều ảnh hưởng đến thế giới. Do đó, bất kỳ công việc nào có thể cung cấp cho anh sự tự chủ và tầm ảnh hưởng đó sẽ tạo nên đam mê. Ví dụ, một người có thể tưởng tượng ra một “thế giới khác”, nơi chúng ta thấy một McKibben với niềm hạnh phúc tương tự, là người đứng đầu một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hoặc một giáo sư xã hội học được kính trọng.
Mô hình này rất phổ biến ở những người yêu thích những gì họ làm. Sự hài lòng của họ không xuất phát từ những chi tiết trong công việc mà thay vào đó, từ một tập hợp những đặc điểm phong cách sống quan trọng mà họ đạt được trong sự nghiệp. Những đặc điểm mong muốn này khác nhau tùy theo mỗi người – ví dụ, vài người có thể mong muốn có được sự tôn trọng và trọng vọng, trong khi những người khác khao khát sự linh hoạt trong lịch trình của họ và sự đơn giản – nhưng điều chủ chốt ở đây là những đặc điểm này tổng quát hơn bất cứ vị trí cụ thể nào. Để gây dựng một sự nghiệp, thì câu hỏi đúng đắn không phải là “Tôi đam mê làm công việc nào nhất?” mà thay vào đó là, “Phong cách sống và làm việc nào sẽ nuôi dưỡng đam mê của tôi?”
Bài học thứ hai: Kỹ năng có trước đam mê
McKibben có được sự tự chủ và tầm ảnh hưởng trong sự nghiệp của anh chỉ sau khi anh trở thành một tay viết giỏi. Ví dụ, khi đến Harvard lần đầu tiên, anh ấy không phải là một nhà báo giỏi. Những bài viết đầu tiên của anh ấy, có thể được tìm thấy trong kho lưu trữ của Crimson, cho thấy xu hướng viết quá lên của một “lính mới” – ví dụ như một bài báo năm 1979 về trận đấu mở màncho mùa giải bóng rổ Celtics đã mô tả sân đấu như là một “hầm rượu cổ lỗ” và ám chỉ các số áo đồng phục lỗi thời của đội như là “một danh sách các thánh, với các áo số màu xanh Kelly mà họ đã từng mặc, lủng lẳng từ các cửa mái.”
Những gì mà các đồng nghiệp của McKibben nhớ nhất về anh không phải là một tài năng bẩm sinh về nghề nghiệp, mà hơn thế là nỗ lực của anh trong việc cải thiện nó. Ở Crimson, người ta truyền tai nhau rằng vào một đêm khi McKibben quay trở lại văn phòng muộn sau một cuộc họp hội đồng thành phố Cambridge, anh chỉ cần vẻn vẹn 35 phút để hoàn tất bài cho số báo ngày hôm sau. Anh đã cá cược với đồng nghiệp của mình một chai Scot rằng anh có thể hoàn thành 3 câu chuyện trước thời hạn. Và anh đã có được chai rượu đó.
Mọi người khẳng định rằng, McKibben đã viết hơn 400 bài báo với tư cách là một phóng viên sinh viên. Sau đó, anh đã dành 5 năm làm việc cho New Yorker, tờ báo đã xuất bản 47 số báo trong một năm. Trong thời gian đó, anh đã hướng đến một cuộc sống tự chủ và có sức ảnh hưởng – chuyển đến sống trên núi để viết The End of Nature – anh đã phát triển rất nhiều các kỹ năng về công việc để hỗ trợ cho sự thay đổi này. Nếu từng cố gắng dành hoàn toàn thời gian để viết sách từ khi mới ra trường, chắc chắn anh sẽ thất bại.
Mô hình này rất phổ biến trong cuộc sống của những người không còn yêu thích công việc của họ. Như đã miêu tả trong bài học thứ nhất, nghề nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn chỉ khi chúng sở hữu những đặc điểm chung mà bạn tìm kiếm. Tuy nhiên, những đặc điểm này rất hiếm và có giá trị – ví dụ, không ai sẽ trao cho bạn sự tự chủ hay tầm ảnh hưởng chỉ đơn thuần vì bạn muốn có chúng. Kinh tế học cơ bản cho chúng ta biết rằng nếu muốn một thứ khan hiếm và có giá trị, bạn cần phải đổi lại bằng một thứ khan hiếm và giá trị khác – trong công việc, chúng là các kỹ năng của bạn. Đó là lý do việc phát triển các kỹ năng một cách hệ thống (như McKibben đã viết hơn 500 bài báo trong giai đoạn 1979-1987) gần như luôn xuất hiện trước đam mê.
Giờ hãy ghép những mảnh ghép lại với nhau. Mục đích có được cảm hứng đam mê với nghề là lẽ đương nhiên. Nhưng đi theo đam mê – chỉ chọn lựa con đường sự nghiệp bởi bạn có sẵn đam mê với nó – là một chiến lược tồi để đạt được mục đích này. Có người từng cho rằng bạn có sẵn đam mê để theo đuổi một công việc thực tế và việc hòa hợp với công việc với sự quan tâm mạnh sẽ của bản thân rất có tác dụng trong việc tạo ra sự hài lòng về lâu dài trong công việc. Cả hai giả định này đều sai lầm.
Trái lại, câu chuyện của Bill McKibben đã làm nổi bật lên một chiến lược chi tiết hơn cho việc trau dồi niềm đam mê – một chiến lược được thực thi bởi rất nhiều người đã có được những sự nghiệp hấp dẫn. Nó cho chúng ta biết rằng chúng ta nên bắt đầu bằng cách phát triển một cách có hệ thống các kỹ năng hiếm có và đáng giá. Một khi đã gây ấn tượng được với thị trường, chúng ta có thể sử dụng những kỹ năng này như cầu nối đưa sự nghiệp của chúng ta hướng tới những đặc điểm phong cách sống phổ biến (tự chủ, linh hoạt, tạo ảnh hưởng, phát triển, v.v…) hòa hợp với mình.
Chiến lược này kém hấp dẫn hơn ý tưởng cho rằng chọn một công việc hoàn hảo có thể cung cấp cho bạn niềm vui tức thời và lâu dài trong công việc. Nhưng nó có được một lợi thế riêng biệt thực sự rất hiệu quả.
Hãy làm theo một cách khác: Đừng làm theo đam mê, hãy nuôi dưỡng nó.
CAL NEWPORT là một nhà văn kiêm giáo sư tại Đại học Georgetown. Cuốn sách của ông So Good They Can’t Ignore You (tạm dịch: Quá tốt để họ có thể phớt lờ bạn) cho rằng “làm theo đam mê” là một lời khuyên tồi. Tìm hiểu thêm về Cal và các bài viết của ông tại blog, Study Hacks.
→ calnewport.com/blog
“Người nghệ sỹ sẽ không là gì nếu không có trong tay món quà tài năng thiên phú,
nhưng món quà đó sẽ là vô ích nếu thiếu lao động.”
— ÉÉmile Zola
Khai thác lại bản năng kinh doanh trong bạn
— Ben Casnocha
Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình và là nhà tiên phong về tài chính vi mô, cho rằng, “Tất cả mọi người đều là doanh nhân. Từ thuở sơ khai, chúng ta đều đã tự làm chủ… tìm thức ăn và tự chăm sóc bản thân. Đó là khi lịch sử loài người bắt đầu. Khi nền văn minh xuất hiện, chúng ta ngăn cản nó. Chúng ta trở thành “người lao động” bởi họ gắn chúng ta với cái mác, ‘người lao động’. Chúng ta quên mất rằng mình là doanh nhân.”
Tất cả mọi người đều là doanh nhân không phải bởi chúng ta cần khởi dựng các công ty, mà bởi mong muốn tạo dựng, tìm tòi và thích nghi là một phần trong con người mỗi chúng ta. Như Yunus đã nói, những phẩm chất này là bản chất của tinh thần doanh nhân. Để thích ứng với những thách thức trong thế giới ngày nay, bạn cần tái khám phá những bản năng kinh doanh này.
Một trong những cách tốt nhất để thực hiện điều này đó là coi bản thân bạn như một doanh nhân đang đứng mũi chịu sào con tàu cuộc sống và phát triển một công ty khởi nghiệp: sự nghiệp của bạn. Khi khởi dựng một công ty, bạn đưa ra các quyết định với nguồn thông tin nghèo nàn, thời gian và môi trường tài nguyên hạn chế. Không có một sự đảm bảo hay nơi trú ẩn an toàn nào; việc đối phó với rủi ro là tất yếu. Sự cạnh tranh và thị trường đang không ngừng thay đổi. Những thực tế này – tất cả những điều mà các doanh nhân phải đối mặt khi khởi nghiệp và phát triển công ty – là những điều chúng ta đều phải đối mặt khi tạo dựng một sự nghiệp trong bất cứ một ngành nghề nào. Thông tin hạn chế. Các nguồn lực hạn hẹp. Sự cạnh tranh khốc liệt.
Trở thành một nhà lãnh đạo sự nghiệp của bản thân là chuyện không đơn giản; nó đòi hỏi một tư duy đặc biệt và một tập hợp các kỹ năng cụ thể.
Giữ bản thân trong trạng thái “chưa hoàn thiện”
Các công ty công nghệ thường dán các nhãn “dùng thử”/“chưa hoàn thiện” (beta) lên phần mềm trong một thời gian sau khi nó chính thức được tung ra thị trường nhằm nhấn mạnh việc sản phẩm vẫn chưa được hoàn thiện và đang sẵn sàng cho những đợt cải thiết tiếp theo. Gmail là một ví dụ, nó được ra mắt vào năm 2004 nhưng đã để bản beta cho đến năm 2009, sau khi hàng triệu người đã sử dụng nó. Jeff Bezos, người sáng lập kiêm CEO của Amazon, đã kết luận trong lá thư hàng năm gửi cho các cổ đông bằng việc nhắc nhở họ, như ông đã làm trong lá thư đầu tiên của mình được gửi đi vào năm 1997, rằng “vẫn là ngày đầu tiên” tại Amazon.com: “Mặc dù chúng ta lạc quan nhưng vẫn cần tiếp tục cảnh giác và duy trì một ý thức cảnh báo.” Nói cách khác, Amazon chưa bao giờ hoàn thiện: Nó luôn ở trạng thái Ngày khởi đầu. Với các doanh nhân, “hoàn thiện” là một từ không bao giờ nên xuất hiện trong từ điển của riêng họ.
Hoàn thiện, đối với chúng ta, cũng chỉ là một từ không đáng có. Chúng ta đều đang làm việc. Mỗi ngày lại gợi mở ra những cơ hội để học hỏi nhiều hơn, thực hành nhiều hơn và trưởng thành nhiều hơn. Hãy luôn giữ bản thân ở chế độ “chưa hoàn thiện” sẽ giúp bạn nhận ra những sai lầm của mình và tự điều chỉnh bản thân để tiếp tục thích nghi và phát triển. Điều đó đồng nghĩa với một cam kết suốt đời dành cho việc liên tục phát triển bản thân. Đó là một tư duy tràn đầy lạc quan bởi nó tán dương thực tế rằng bạn có sức mạnh để cải thiện bản thân và quan trọng hơn, cải thiện thế giới quanh bạn.
Sử dụng những kỹ năng kinh doanh của bạn
Một tư duy khác biệt thôi chưa đủ. Tái khám phá bản năng kinh doanh thôi cũng chưa đủ. Để phát triển mạnh mẽ như một doanh nhân sáng tạo và chuyên nghiệp, bạn phải có được những kỹ năng để thích ứng với những thách thức mới. Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể:
Tập trung xây dựng lợi thế cạnh tranh. Tự hỏi bản thân, “Có cách nào giúp tôi giỏi hơn, khác biệt hơn so với những người làm cùng một công việc?” Nếu bạn nghỉ việc một ngày, những việc gì sẽ không được hoàn thành? Cũng như các doanh nhân tập trung vào cách giúp công ty của họ cung cấp sản phẩm nhanh hơn/tốt hơn/rẻ hơn những công ty khác, bạn cần xác định cách bạn kết hợp những gì mình có (kỹ năng, thế mạnh, các mối quan hệ) và các nguyện vọng (ước mơ, giá trị, lợi ích) để tạo ra một lời đề nghị duy nhất trong thị trường nghề nghiệp. Những chuyên gia khác đang cạnh tranh cũng nhằm giành được những cơ hội đáng mơ ước đó – phát triển kỹ năng, các mối quan hệ hoặc sở thích giúp bạn nổi bật hơn so với những người còn lại trong lĩnh vực của bạn.
Lập kế hoạch để thích nghi. Các doanh nhân thực sự là những người luôn biết cách thích nghi. Hãy xét đến tất cả những công ty đã tận dụng các ý tưởng ban đầu của họ để mở rộng quy mô như Starbucks, Flickr, Paypal và Pixar, v.v… là ta có thể thấy sự thích nghi của họ. Nhưng các doanh nhân cũng lập kế hoạch rất kỹ lưỡng. Họ đưa ra những kế hoạch rất linh hoạt. Mỗi chúng ta cũng cần phải làm điều này trong sự nghiệp của bản thân. Đưa ra kế hoạch A – xây dựng lợi thế cạnh tranh hiện tại (công việc hiện tại của bạn) nhưng bạn cũng cần có thêm kế hoạch B – một kế hoạch theo hướng khác nhưng vẫn liên quan tới công việc hiện tại của bạn. Cuối cùng, hãy lên một kế hoạch Z ổn định – một kịch bản cho trường hợp tồi tệ nhất. Với kế hoạch A, B và Z, hãy suy nghĩ cẩn trọng hơn về tương lai của mình nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi vô cùng mạnh mẽ.
Xây dựng một mạng lưới cho cả những đồng minh lẫn những mối quan hệ xã giao. Các doanh nhân, trái với khuôn mẫu, không phải là những người hùng cô độc; họ dựa vào các mạng lưới xung quanh họ để phát triển công ty. Bạn cũng cần phát triển một đội ngũ xung quanh bạn. Chúng ta nghe rất nhiều về networking, nhưng có một điểm khác biệt rất lớn giữa việc là người kết nối nhiều nhất với người kết nối tốt nhất. Một người sở hữu rất nhiều mối quan hệ. Người còn lại đã xây dựng một thế cân bằng giữa các liên minh mạnh mẽ và những mối quan hệ xã giao lỏng lẻo. Các liên minh của bạn là những người bạn chia sẻ mục tiêu sống, là những người bạn tin tưởng, là những người bạn cố gắng làm việc một cách chủ động trong các dự án. Những người quen biết cũng rất có giá trị bởi họ có xu hướng là những người làm việc trong các công ty, các ngành công nghiệp, thậm chí các thành phố khác nhau. Họ mang thế mạnh của sự đa dạng vào mạng lưới của bạn. Hãy kết nối theo cả hai cách này để rồi bạn sẽ sẵn sàng giải quyết mọi dự án khó khăn với rất nhiều sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh đồng thời tận hưởng dòng ý tưởng và nguồn cảm hứng tươi mới từ những người trong các vòng xã hội và chuyên môn khác nhau.
Đón nhận những rủi ro trước mắt. Rủi ro có xu hướng tiêu cực. Nhưng đó không phải là kẻ thù của bạn. Các doanh nhân luôn chủ động nhưng cũng thận trọng khi đương đầu với những rủi ro trước mắt. Bởi mặt trái của mọi cơ hội là rủi ro, nếu không đương đầu với những rủi ro, bạn sẽ không tìm ra những cơ hội đột phá mà bạn đang mong đợi. Trong sự nghiệp, những rủi ro kinh doanh mang tính tích cực bao gồm việc luôn tích cực tham gia vào các dự án không kể ngày đêm, nắm lấy cơ hội đi công tác nước ngoài, đề nghị sếp giao thêm việc, ứng tuyển vào các vị trí mà bạn không nghĩ mình đủ năng lực để đáp ứng.
•
Bạn thay đổi, sự cạnh tranh cũng thay đổi, và thế giới cũng thay đổi. Thứ bất di bất dịch chính là việc bạn xác định tiếp tục đầu tư vào bản thân. Steve Jobs một lần đã gọi Apple là “một doanh nghiệp mới được thành lập lớn nhất hành tinh”. Cũng như vậy, bạn cần luôn trẻ trung, nhanh nhẹn và dễ thích ứng. Bạn cần mãi là một nhà khởi nghiệp.
Công ty mới khởi nghiệp chính là bạn.
BEN CANOCHA là một doanh nhân kiêm một tác giả. Ông là đồng tác giả với Reid Hoffman cuốn sách The Star-up of You: Adapt to the Future, Invest in Yourself, and Transform Your Career (tạm dịch: Sự khởi nghiệp của bạn: Chấp nhận tương lai, đầu tư vào bản thân, và chuyển hóa công việc của bạn), đồng thời ông cũng là tác giả cuốn My Start-Up Life: What a (Very) Young CEO Learned on His Journey Through Silicon Valley (tạm dịch: Công cuộc khởi nghiệp của tôi: Những gì một CEO (rất) trẻ học được từ cuộc trải nghiệm của anh qua thung lũng Silicon). BusinessWeek đã xướng danh ông như một trong những doanh nhân người Mỹ trẻ nhất.
→ www.casnocha.com
“Cách tốt nhất để lường trước được tương lai đó là tự tạo ra nó.”
— PPeter Drucker
HỎI & ĐÁP:
Liên tục tái tưởng tượng về nghề nghiệp của bạn
— Robert Safian
Với tư cách biên tập viên của Fast Company, Robert Safian sống ở điểm giao thoa giữa thiết kế, công nghệ và sự sáng tạo – dõi theo từng nhịp đập của những xu hướng mới tại các doanh nghiệp và nghề nghiệp của chúng ta. Trong một câu chuyện trang bìa năm 2012, ông đã đưa ra thuật ngữ “Thế hệ Flux” để miêu tả những người sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong thế giới làm việc mới đầy rẫy sự phức tạp. Trong số họ, dấu hiệu về năng lực của GenFlux bao gồm việc thích ứng để phát triển những kỹ năng mới và thoải mái một cách đầy tự nhiên với sự không chắc chắn. Chúng tôi đã trò chuyện với Safian về ý nghĩa của từ “flux” đối với tương lai của sự nghiệp sáng tạo và cách chúng ta có thể đối mặt với nó một cách hiệu quả.
Ông có nghĩ rằng nghề nghiệp theo nghĩa truyền thống còn tồn tại?
Tôi nghĩ sự nghiệp đã từng luôn là một huyền thoại. Ý tưởng rằng bạn sẽ kiếm được một công việc ở đâu đó, leo lên nấc thang thăng tiến trong 40 năm và rồi nghỉ hưu. Nếu huyền thoại đó đã từng có thật, thì chắc chắn giờ đây, nó đã không còn đúng đắn nữa. Tổng số thời gian trung bình mà một người Mỹ gắn bó với công việc hiện tại của anh ấy/cô ấy là 4,4 năm. Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn thay đổi công việc, thế nhưng chúng ta vẫn đang tìm kiếm công việc ổn định hơn thế.
Những dạng kỹ năng nào mà mọi người cần trau dồi?
Tôi nghĩ kỹ năng quan trọng nhất trong thời đại flux (sự ồ ạt) là khả năng có được các kỹ năng mới. Liên tục cởi mở với các lĩnh vực học hỏi và phát triển mới.
Đó là những thứ sẽ giúp bạn có giá trị trong mắt
những ông chủ, các đối tác và nghề nghiệp tương lai. Và nó cũng cung cấp cho bạn các cơ hội tốt nhất để tiến về phía trước. Điều đó không có nghĩa bạn
phải là người “cái gì cũng biết”. Bạn phải phát triển kinh nghiệm đến một mức độ nhất định về chuyên môn trong bất cứ lĩnh vực nào bạn lựa chọn. Bạn cũng đừng quá cầu toàn về tình trạng trì trệ, và nếu có việc gì đó không diễn ra đúng theo cách bạn muốn, hãy loại bỏ nó và chuyển sang việc khác.
Tư duy đó có thể áp dụng được trong thực tiễn?
Điều đó có nghĩa rằng khi có cơ hội học hỏi và tương tác với thứ gì đó mới mẻ, bạn cần tiến lại gần nó thay vì chạy ra xa khỏi nó. Nếu bạn có đam mê mãnh liệt và mong muốn tiến sâu hơn nữa, hãy cứ tiếp tục. Tuy nhiên, đừng ngạc nhiên nếu bạn dừng chân ở địa điểm mà bạn không mong muốn. Và hãy biết rằng, tại một điểm nào đó, bạn sẽ quay trở lại và bắt đầu lại từ một vị trí khác. Đó là cách mọi thứ diễn ra trong thời của thế hệ Flux.
Nếu không có nơi nào đó mà bạn thực sự có đam mê để đầu tư công sức, hãy tập trung vào những lĩnh vực mà bạn quan tâm. Đối với tôi, trong thế giới của thế hệ Flux, tôi nghĩ không có một mô thức duy nhất nào có tác dụng. Không có một mô thức duy nhất có hiệu quả đối với bất kỳ một công ty hay nghề nghiệp nào. Chúng ta không có nhiều thời gian, chúng ta được đào tạo để tìm kiếm một câu trả lời, một hướng đi. Đây là con đường sự nghiệp của chúng ta. Đây là những nấc thang. Nhưng lối đi duy nhất đó không còn tồn tại nữa.
Ông có nghĩ thực sự cần một nhiệm vụ cá nhân giữ vai trò la bàn định hướng các quyết định trong sự nghiệp?
Tôi nghĩ nguyên tắc kim chỉ nam là niềm đam mê và khả năng kiếm tìm điều ý nghĩa của riêng bạn. Nhiệm vụ của bạn là gì? Đâu là nhiệm vụ bạn đang cố gắng thực hiện trong cuộc sống giúp mang đến ý nghĩa cho công việc và hoạt động kinh doanh của bạn? Và câu trả lời cho các câu hỏi này luôn thay đổi theo thời gian. Bạn có vô vàn những nhiệm vụ đa dạng trong suốt cuộc đời. Nhưng đó là những yếu tố sẽ quyết định cách bạn phân chia năng lượng của bản thân.
Theo kinh nghiệm của tôi, những người yêu thích việc họ làm sẽ giỏi làm những công việc đó. Họ sẽ thành công hơn, thường xuyên trau dồi thêm những kỹ năng mới và tiếp tục tiến tới thành công. Bạn càng tìm kiếm được niềm đam mê trong những việc bạn làm, bạn càng háo hức bổ sung các kỹ năng hữu dụng cho bạn về lâu dài.
Có một câu nói rằng, “Thời khắc bạn tìm được cách bảo vệ thay vì phá vỡ hiện trạng là lúc bạn đặt mình vào rủi ro.” Đó là thách thức của các doanh nghiệp, và cũng là thách thức đối với các cá nhân: Nắm bắt được thời điểm bảo vệ những gì bạn biết, thay vì kiếm tìm những thứ bạn có thể học hỏi và phát triển chúng.
ROBERT SAFIAN là người giám sát hoạt động biên tập của Fast Company và những chi nhánh kỹ thuật số của nó. Ông từng là biên tập viên của tạo chí Time và Fortune, đồng thời đã dẫn dắt tạp chí Money trong 6 năm.
→ www.fastcompany.com
“Thước đo cho sự thông minh là khả năng thay đổi.”
— AAlbert Einstein
Tự tạo ra may mắn cho bản thân
— Jocelyn K.Glei
Nếu sự nghiệp trong thế kỷ XX là những nấc thang mà chúng ta leo lên từng bậc từ những tiên đoán, thì trong thế kỷ XXI, sự nghiệp như một tảng đá rộng mà chúng ta có thể thoải mái trèo lên. Không có con đường định trước nào, chúng ta phải cần đến sự khéo léo, sự thục luyện và sức mạnh để lên được tới đỉnh. Chúng ta cần tự tạo ra may mắn cho bản thân.
Sự phát triển nhanh như chớp của công nghệ đồng nghĩa với việc các loại công việc có thể trở thành xu hướng hoặc lỗi thời chỉ trong một vài năm, thậm chí vài tháng. Ai biết được nhà “quản lý cộng đồng” là gì vào 10 năm trước? “Một nhà thiết kế ứng dụng cho iPad” hay một “phù thủy JavaScript1” là ai?
Một phần đáng kể người lao động hiện nay kiếm tiền bằng cách làm những công việc chưa từng xuất hiện trong 10 hoặc 20 năm về trước. Ngay cả nếu bản chất công việc của bạn chưa bao giờ thay đổi, thì rất có thể bạn đang dùng những kỹ thuật và kỹ năng mới để thực hiện công việc của mình. Hãy nghĩ về một nhà thiết kế viết blog, các diễn viên hài sử dụng Twitter hoặc một nhà sản xuất phim gọi vốn trên Kichstarter2.
10 năm sau, chúng ta có thể thực hiện một loại hình công việc mới mà hiện tai chúng ta không thể tưởng tượng được. Suy nghĩ đó vừa khiến ta hứng khởi vừa tạo ra sự sợ hãi. Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho một tương lai đầy những sự thiếu chắc chắn?
Phóng tầm mắt ra khỏi chức vụ công việc, và tập trung vào nhiệm vụ của bạn. Thật dễ dàng để bị cuốn vào một cuộc rượt đuổi một chức vụ công việc – kể cả đó là một giám đốc sáng tạo, giám đốc marketing, hay quản lý sản phẩm. Nhưng các chức vụ đó là một cạm bẫy. Công việc mà bạn muốn bây giờ có thể sẽ không tồn tại trong tương lại. Do đó, bằng cách tinh chỉnh các mục tiêu và phát triển kỹ năng của mình để đạt được một vị trí cụ thể, bạn cần hạn chế các lựa chọn của bản thân.
Thay vì tập trung vào một vị trí cụ thể, hãy tập trung vào những gì bạn muốn đạt được. Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi đang giải quyết vấn đề gì? Tôi muốn tạo ra điều gì? Tôi muốn thay đổi điều gì?” Nhiệm vụ của bạn sẽ được phát triển từ những câu trả lời. Chúng có thể là: “Tôi muốn đưa ra một mô hình kinh doanh mới về loại hình xuất bản trực tuyến” hoặc “Tôi muốn sử dụng công nghệ để mang giáo dục đến với các cộng đồng còn lạc hậu.” hay “Tôi muốn là một phần trong cuộc đàm thoại về năng lượng sạch.”
Bằng việc thực hiện một nhiệm vụ, bạn định hình lại các tham vọng của mình để làm sao khiến mọi người cảm thấy hào hứng và kết nối với bạn (ví dụ, “Tôi cũng có đam mê về năng lượng sạch. Bạn có biết Mosaic, thị trường đầu tư năng lượng sạch không?”). Nó cũng mang lại cho bạn một nền tảng tốt hơn để các giá trị của bạn song hành với những công ty và các đối tác tiềm năng. Hãy chắc chắn rằng, công ty đang phỏng vấn bạn có thể cần một nhà quản lý sản xuất, nhưng liệu họ có chung niềm đam mê đưa giáo dục vào các cộng đồng còn lạc hậu hay không?
Bạn càng làm sáng tỏ nhiệm vụ của mình bao nhiêu, bạn càng được trang bị tốt hơn để có thể thích ứng với một thị trường nhiều biến động và thu hút cũng như đánh giá được những cơ hội mới.
Nhiệt tâm khám phá những kỹ thuật mới. Trong tương lai, bạn sẽ không sử dụng những công cụ của hiện tại. Bạn có thể từng nghe thấy thuật ngữ “thể thao cuộc sống” trước đây. Nó đề cập đến những môn thể thao – như golf, tennis, hoặc bơi lội – mà bạn có thể chơi ở mọi lứa tuổi (từ 7 đến 70 tuổi). Kevin Kelly, đồng sáng lập Wired gần đây đã mở rộng khái niệm này đưa công nghệ như là một phần của thể thao cuộc sống, phác thảo một danh sách “những kỹ năng công nghệ cuộc sống” mà chúng ta phải trau dồi.
Như Kelly đã nói: “Nếu bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, thì những công nghệ bạn sẽ sử dụng như một người trưởng thành trong tương lai vẫn chưa được phát minh ra. Do đó, kỹ năng sống mà bạn cần nhất không phải là làm chủ những kỹ thuật cụ thể, mà làm chủ … cách hoạt động nói chung của công nghệ.”
Cho dù đó là một cuộc phỏng vấn ai đó qua Skype, tạo dựng một hình ảnh hòa nhã trên Twitter, học cách xuất bản một cuốn sách điện tử, hay trải nghiệm một ứng dụng quản lý mới, chúng ta cần phải thục luyện khả năng thử nghiệm những kỹ thuật có lợi cho cuộc sống cá nhân cũng như công việc của chúng ta. Đôi khi, chúng ta sẽ chọn không tích hợp một công nghệ mới vào cuộc sống của mình, và điều đó cũng chẳng sao. Đó là một trải nghiệm, và nhận thức mà chúng ta có được thông qua nó mới quan trọng.
Biến việc giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể trở thành thói quen của bạn. Chúng ta đều có thể chắc chắn rằng, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ từ những người khác. Như chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo và nhà dân tộc học, Simon Sinek, nêu ra trong một cuộc nói chuyện sôi nổi tại Hội nghị 99U của chúng tôi, “Chúng ta không thể giỏi trong mọi mặt và chúng ta không tự sinh ra đã làm tốt được.” Sinek tiếp tục mô tả cách thức mà khả năng xây dựng các mối quan hệ là chìa khóa cho sự sinh tồn của chúng ta trong một cuộc đua và phát triển mạnh mẽ như các nhà hoạch định ý tưởng. Cách thức số một để gây dựng các mối quan hệ tất nhiên là bằng cách giúp đỡ người khác.
Nhưng trong thời đại của những kết nối phức tạp và đầy rủi ro, không phải lúc nào cũng tồn tại mối tương quan trực tiếp giữa hai người trong hàng loạt các hành động. (Như “Tôi giúp anh rồi anh sẽ giúp tôi”.) Việc giúp đỡ các đồng nghiệp, cộng sự và các đồng minh nên trở thành một thói quen thường xuyên. Chúng ta thường không thể dự đoán trước được bằng cách nào, nhưng “ở hiền thì gặp lành”.
Hãy chủ động đảm nhận thêm các trách nhiệm và khởi xướng các dự án mới. Cái thời “chuẩn bị” các nhân viên trẻ cho các vị trí cấp cao đã xa rồi. Không ai còn dành nhiều thời gian để lo cho sự nghiệp của bạn ngoài bản thân bạn. (Và, thành thực mà nói, tại sao bạn lại mong chờ điều đó từ họ?) Như người phụ trách chuyên mục của tạp chí New York Times kiêm tác giả của những cuốn sách bán chạy, Thomas Friedman đã viết, các ông chủ “đều đang tìm kiếm một loại người – những người không chỉ có kỹ năng tư duy phản biện để làm các công việc gia tăng giá trị mà công nghệ không thể, mà còn là những người có thể tạo ra, thích ứng và tái tạo công việc của họ mỗi ngày, trong một thị trường thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.”
Bạn sẽ không bao giờ được khen thưởng nhờ những cơ hội mới đầy hấp dẫn bằng việc cúi đầu và luôn tuân thủ các quy tắc. Nếu bạn muốn một thách thức mới tại nơi làm việc hoặc nhiều trách nhiệm hơn, bạn phải trình bày với sếp và khách hàng của bạn về những gì cần được hoàn thành, tại sao đó lại là một ý tưởng hay, tại sao bạn lại là lựa chọn tối ưu để thực hiện nó và tại sao mọi người đều có lợi. Hãy là người tiên phong với sự sáng tạo và chủ động của riêng bạn, và hỗ trợ nó với sự nhiệt tình và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ.
Nuôi dưỡng “chỉ số may mắn” của bạn bằng cách luôn cởi mở và cảnh giác. Một cơ hội gặp gỡ tại một quán cà phê sẽ dẫn bạn đến với đối tác kinh doanh đầu tiên của bạn, một người bạn của bạn bạn giới thiệu bạn cho một cố vấn có thể làm thay đổi cuộc đời bạn, một lời nhận xét bạn đăng một bài trên blog sẽ giúp bạn có được một hợp đồng viết lách khá tiền. Đây là những kiểu sự kiện cơ hội chúng ta vạch ra để tìm kiếm sự may mắn dù chúng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Nhưng hóa ra, may mắn không phải là sự huyền bí nào mà là kết quả của một tập hợp các đặc điểm tính cách. Trở thành một người may mắn thực sự là một cách để thâm nhập vào thế giới – và đó cũng là cách để bạn trau dồi thêm thế mạnh cho bản thân. Đây là những gì mà Tina Seelig, giám đốc điều hành của Stanford Technology Ventures (người mà chúng tôi sẽ phỏng vấn sau trong cuốn sách này), đã viết trong cuốn sách tuyệt vời của cô, What I Wish Knew When I Was 20 (tạm dịch: Những điều tôi ước mình được biết khi 20 tuổi).
Những người may mắn tận dụng lợi thế của các sự cố theo cách của họ. Thay vì trải qua cuộc sống trên hành trình được mặc định, họ chú ý đến những gì xảy ra quanh mình và, do đó, có thể đúc rút ra những giá trị tuyệt vời nhất từ mỗi trường hợp… Những người may mắn cũng thường chào đón những cơ hội mới và sẵn sàng thử sức với những gì họ chưa từng trải nghiệm. Họ thiên về việc chọn một cuốn sách với chủ đề lạ lẫm, chu du đến những nơi không thân thuộc và tương tác với những người có tính cách và suy nghĩ khác biệt so với bản thân họ.
Tóm lại, những người may mắn là những người cởi mở, lạc quan, chủ động và luôn sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Dù việc được hướng dẫn rất tốt cho sự nghiệp của bạn, nhưng bạn sẽ muốn luôn cởi mở và sẵn sàng đón nhận với những cơ hội bất ngờ. Và khi chúng xuất hiện, hãy hành động dựa trên chúng. Bạn sẽ không bao giờ biết kết quả có thể trở thành ra sao.
Luôn đặt câu hỏi “Điều gì tiếp theo?” Nếu không đặt câu hỏi, bạn sẽ không tìm được câu trả lời. Chúng ta thường chờ đặt ra những câu hỏi khó về nghề nghiệp cho đến khi chúng ta cần được hồi đáp trong tuyệt vọng. Chúng ta chờ cho đến khi bị sa thải để nghĩ về những điều kế tiếp. Hoặc chúng ta chờ đến khi bản thân hoàn toàn khốn cùng và ngọn lửa đam mê với công việc hiện tại tắt lịm trước cả khi chúng ta bắt đầu suy tính đến những dự định tiếp theo.
Nhưng nếu bạn thay đổi công việc khoảng 4 năm một lần, bạn cần phải luôn tự hỏi bản thân rằng “Điều kế tiếp là gì?”. Tất nhiên, không phải theo cách sẽ tách rời bạn với công việc hiện tại mà theo cách có thể giúp bạn thúc đẩy và trau dồi thêm cho bản thân với niềm đam mê sẵn có của mình. Những kỹ năng mới nào bạn muốn phát triển? Ai sẽ là người mà bạn muốn được nghe cố vấn? Liệu bạn có nên đảm nhiệm một dự án lớn trong công việc, vốn luôn khiến bạn sợ hãi?
Nếu không hỏi, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời.
JOCELYN K.GLEI điều hành 99U với nhiệm vụ cung cấp phần “chương trình đào tạo còn thiếu sót” nhằm biến các ý tưởng thành hiện thực. Cô giám sát trang web đạt giải Webby – 99u.com và tạm thời phụ trách Hội nghị 99U. Jocelyn cũng là một biên tập viên của loạt sách 99U, trong đó bao gồm các cuốn sách như Manage Your Day-to-Day (Đừng nước đến chân mới nhảy được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản vào tháng 8/2014) và cuốn sách các bạn đang cầm trên tay.
→ www.jkglei.com
“May mắn là những gì xảy ra khi sự chuẩn bị gặp được cơ hội.”
— SENECA
Tìm ra điểm trọng tâm trong công việc của bạn
— Scott Belsky
Có hai dạng công việc trên thế giới. Dạng thứ nhất là tuân thủ, đó là loại nghề hoặc một hợp đồng, thường chúng ta sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào đồng hồ chờ đến giờ tan làm. Loại thứ hai – hoàn toàn khác biệt – dạng công việc mà chúng ta làm “với một sự quyết tâm cao.”
Khi làm việc với quyết tâm cao, chúng ta sẽ rất miệt mài – thường là làm thâu đêm suốt sáng – với những dự án mà chúng ta đặt nhiều quan tâm. Cho dù đó là việc dựng mô hình một con tàu cổ phức tạp, soạn một bài hát, hay hoạch định ý tưởng kinh doanh đầu tiên, bạn sẽ dốc toàn tâm sức và tình cảm vào công việc đó.
Nếu có thể biến “công việc với quyết tâm cao” thành trọng tâm nỗ lực của bạn, bạn có thể tạo ảnh hưởng đến những gì ý nghĩa nhất đối với bạn. Nhưng bạn có thể thực sự làm điều đó bằng cách nào?
Trong những năm qua, tôi đã gặp rất nhiều các nhà lãnh đạo và doanh nhân sáng tạo, những người đã có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp mà họ đang hoạt động. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ yêu thích những gì họ làm. Nhưng khi hỏi về con đường sự nghiệp của họ, tôi luôn nhận thấy vận may của họ là “duyên trời định”. Ngoài những công việc khó khăn, thì sự nghiệp sáng tạo vĩ đại được tiếp thêm năng lượng bởi sự giao thoa của 3 yếu tố: lợi ích, kỹ năng và cơ hội.
Những suy nghĩ tương tự cũng đúng với các dự án sáng tạo thành công. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi bạn tìm thấy điểm trọng tâm – hay còn gọi là điểm giao thoa của 3 yếu tố này.
Sự quan tâm chân thành của bạn
Điều gì mê hoặc bạn? Những chủ đề nào bạn muốn thảo luận và đọc nhất? Rất nhiều công việc sáng tạo tuyệt vời được gợi ra bởi một sự quan tâm chân thành đến một lĩnh vực cụ thể. Đó có thể là phim ảnh, cà phê hoặc đi du lịch bằng máy bay. Nó không phải là vấn đề về lợi nhuận kinh tế mà ngược lại vượt ra ngoài cả mối bận tâm về lợi nhuận đơn thuần, đó là niềm yêu thích của bạn.
Dù tiền bạc rất quan trọng, nhưng động lực để đạt được những thành tựu đáng kể xuất phát từ một nơi sâu thẳm hơn. Để nắm bắt các biểu hiện của những công việc được thực hiện mà thiếu vắng nhiệt huyết chân thành, ta không cần tìm đâu xa mà hãy nhìn vào những dự án bị bỏ dở gần đây nhất hoặc những sự nghiệp không mấy ấn tượng. Hãy quan sát những quản lý cấp trung, những người ngồi chờ đến giờ tan làm. Điều đó không hề hay ho chút nào.
Việc tiến tới sự vĩ đại mà không có sự quan tâm chân thành và sâu sắc đến một lĩnh vực đó chẳng khác nào việc chạy marathon sau khi nhịn ăn. Những thành tựu ấn tượng được thúc đẩy bởi những sự quan tâm chân thành và sâu sắc đến công việc đang làm.
Những kỹ năng then chốt của bạn
Những kỹ năng và tài năng của bạn là gì? Bạn có năng khiếu toán học hay kể chuyện không? Có thể bạn sở hữu sự hiểu biết độc đáo nào đó về hoàn cảnh con người? Hãy liệt kê ra những gì bạn biết và có thể học hỏi một cách dễ dàng. Những kỹ năng bạn có là các chỉ số hữu ích cho những cơ hội có nhiều khả năng phát triển mạnh dưới quyền lãnh đạo của bạn. Đương nhiên, những kỹ năng đơn lẻ là không đủ. Nhưng khi kết hợp sự quan tâm chân thành với một cơ hội mới, những khả năng thiên bẩm của bạn sẽ thực sự tỏa sáng, mở lối cho thành công.
Những “luồng” cơ hội của bạn.
Yếu tố thứ ba đóng vai trò quan trọng trong mọi sự nghiệp thành công là cơ hội. Thật không may, chúng ta luôn gặp khó khăn về điều này, không kể đến việc những cơ hội tiềm năng xung quanh chúng ta luôn thiếu. Không có thứ được gọi là “sự tiếp cận công bằng” đối với các cơ hội. Tổ chức kiểu “hội vui tuổi già giúp nhau” (old boy network) và gia đình trị đang tràn ngập trong mọi nền công nghiệp. Và hầu hết các cơ hội đều hoàn toàn xuất hiện bất ngờ. Vì vậy, bạn cần phải đơn giản định nghĩa “cơ hội” là bất cứ thứ gì đưa bạn đến gần hơn với nhiệt huyết của bản thân.
Cơ hội hiếm khi là những bước nhảy vọt mà thường là các quy trình chậm nhưng ổn định và chắc chắn. Đa số những người tôi gặp có thể lần theo những cơ hội tốt nhất sau những cuộc đối thoại chứa đựng cơ hội. Đó là lý do những phần giới thiệu cá nhân, các hội nghị và những nỗ lực kết nối khác thực sự được trả công một cách xứng đáng. Việc chỉ bao quanh bản thân nhiều hoạt động hơn nữa sẽ tăng cường “luồng cơ hội” của bạn – những diễn biến cơ hội sẽ dẫn bạn đến gần hơn những mối quan tâm chân thành của bạn.
Tập trung vào điểm giao thoa I.S.O (Interest – sự quan tâm, Skill – kỹ năng, Opportunity – cơ hội)
Khi bạn đưa ra những lựa chọn có khả năng ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn, hãy nhắm đến điểm giao thoa giữa sự quan tâm, kỹ năng và cơ hội của bạn.
Quan tâm
Kỹ năng
Cơ hội
Hãy quan sát 3 hình tròn dạng biểu đồ Venn trên – một hình là sự quan tâm chân thành, một hình tượng trưng cho kỹ năng và hình còn lại đại diện cho các cơ hội sẵn có của bạn. Sự giao thoa giữa hai vòng tròn thôi không đủ. Ví dụ, tình yêu dành cho bóng rổ và quan hệ với một người chiêu mộ cho giải MBA sẽ không thể giúp gì cho bạn nếu bạn thiếu đi kỹ năng chơi bóng. Bạn cần tìm được tam giác ma thuật: điểm giao thoa giữa cả ba yếu tố: đam mê, kỹ năng và cơ hội (I.S.O).
Khi tham gia vào một dự án trong ISO, bạn đang thâm nhập vào vùng tạo ảnh hưởng tối đa của bản thân. Nhờ vậy, bạn sẽ sở hữu uy lực tự nhiên – biến công việc phụ trở thành sự nghiệp của bạn. Bạn có thể làm việc với tràn đầy tự tin, không bị mơ hồ và có thể vượt qua được sự phụ thuộc vào những lợi ích ngắn hạn và sự phê duyệt thông thường. Đó là nơi điều kỳ diệu xuất hiện.
Với tư cách nhà lãnh đạo, chúng ta cần phải giúp đỡ các đối tác và nhân viên của mình tìm ra ISO của họ. Những quản lý tài năng đã tìm cách để thấu hiểu đam mê và các kỹ năng của nhân viên, đồng thời liên tục nỗ lực tạo ra các cơ hội trong vùng giao thoa đó.
Bạn muốn thay đổi thế giới? Hãy thúc đẩy mọi người tập trung làm việc trong vùng giao thoa của họ. Hãy cố vấn để giúp họ nhận ra đam mê, các kỹ năng và tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất xung quanh họ. Khi nói đến sự nghiệp của bạn, hãy đưa ra mọi quyết định dựa trên vùng sự giao thoa của riêng bạn.
Sự nghiệp “với sự chuyên tâm” có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành. Hãy làm điều đó vì bản thân bạn và vì tất cả chúng ta.
SCOTT Belsky là phó tổng giám đốc Cộng đồng của Adobe kiêm giám đốc của Behance, nền tảng trực tuyến hàng đầu để những người sáng tạo giới thiệu và khám phá những công việc sáng tạo. Scott được Fast Company vinh danh là một trong “100 ngườisáng tạo nhất trong kinh doanh”, kiêm tác giả của cuốn sách bán chạy trên thế giới Make idea happen (tạm dịch: Biến ý tưởng thành hiện thực). Ông cũng là một nhà đầu tư kiêm cố vấn cho một số công ty, trong đó có Pinterest và Uber.
Bí quyết bỏ túi
Tạo ra những cơ hội
• Nghề nghiệp xuất hiện trước đam mê
Đam mê không phải là một nghề mà là một cách làm việc. Để có được một cách sống (và cách làm việc) mà bạn yêu thích, hãy bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng, trau dồi những kỹ năng hiếm có và giá trị, những thứ sẽ giúp bạn khác biệt.
• Tìm cách thích nghi với kế hoạch của bạn
Lập kế hoạch linh hoạt và sẵn sàng xoay chuyển trong công việc nếu cần thiết. Hãy luôn phòng bị sẵn kế hoạch A, B thậm chí là Z.
• Đừng thỏa hiệp với hiện trạng
Hãy thường xuyên tìm cách “phá vỡ” hiện trạng của bạn. Nếu bạn đang cảm thấy quá thoải mái với vị trí hiện tại của mình, đó cũng là lúc bạn nên thách thức bản thân với những vai trò mới.
• Đảm trách những nhiệm vụ quan trọng
Hãy nghĩ về công việc của bạn – đích đến của bạn – xét về một nhiệm vụ lớn hơn. Chức vụ là một mục tiêu khép kín, nhưng nhiệm vụ có thể phát triển cùng bạn.
• May mắn là trạng thái của tư duy
Khám phá bản thân trước những tình huống mới, hãy luôn cởi mở, luôn chủ động theo đuổi các cơ hội. May mắn sẽ đến với những người kiếm tìm nó.
• Làm việc có mục đích
Điều chỉnh công việc của bạn đến mức ảnh hưởng tối đa nhờ tập trung làm việc trong vùng giao thoa giữa những kỹ năng, đam mê và cơ hội của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.