Tối Đa Hóa Năng Lực Bản Thân

Chương IV. Chấp nhận rủi ro



Cách để nắm bắt thất bại và chấp nhận nhiều rủi ro (khôn ngoan) hơnư b

Không có gì vĩ đại từng được tạo ra bằng cách gắn chặt với hiện trạng. Nếu muốn tạo ra một điều gì đó mới mẻ và khác biệt, khả năng chấp nhận rủi ro cần phải trở thành một phần trong bạn.

Nhưng nói thì dễ, làm mới khó khi não bộ của chúng ta được kiểm soát để tránh sự thiếu chắc chắn và luôn chọn vùng an toàn. Khi nghĩ về những rủi ro, chúng ta luôn nghĩ đến những thất bại. Khi nghĩ về những thất bại, chúng ta bắt đầu sợ hãi. Khi đó, trí não của chúng ta sẽ phát ra các tín hiệu để tránh xa những điều đó.

Vậy bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua được xu hướng tránh xa khỏi những rủi ro bẩm sinh trong mỗi con người? Chúng ta sẽ xem xét khoa học đằng sau nguyên do của sự thất bại, khám phá mức độ kiên trì để có thể tạo ra những kết quả tích cực khi đối mặt với hàng loạt thất bại, và tìm hiểu cách coi những lỗi lầm của chúng ta là thông tin có giá trị thay vì cơ hội đánh bại bản thân chúng ta.

Mặt tích cực của rủi ro đó là – dù kết quả là gì – chúng ta hành động, học hỏi và phát triển. Và khi ngày mai tới, chúng ta được trang bị tốt hơn để đối mặt với nó.

Làm sáng tỏ yếu tố sợ hãi trong thất bại

— Micheal Schwable

Vào tối ngày 18/06/1976, sau khi tập dượt trước bạn bè trong nhiều tuần, một thanh niên 22 tuổi, Jerry Seinfled bước lên sân khấu câu lạc bộ hài kịch Catch a Rising Star tại New York để biểu diễn tiết mục đầu tiên của anh trước công chúng với tư cách một diễn viên tấu hài. Seinfled cầm lấy mic, nhìn khán giả và đơ người. Khi cất được lời, thì tất cả những gì anh có thể nhớ là những chủ đề anh đã chuẩn bị để nói. Anh liệt kê chúng ra mà không ngừng nghỉ (“bãi biển…..những chiếc xe…”) rồi sau đó vội vã kết thúc màn biểu diễn. Màn biểu diễn đó chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 90 giây. Seinfled sau này đã kể lại thời khắc đầu tiên của anh dưới ánh đèn sân khấu, “Tôi thậm chí còn không thể thốt nên lời… tôi đã hoàn toàn bị tê liệt trong sự sợ hãi.

Thử thách Seinfield phải trải qua là điều rất đỗi bình thường. Các nhà nghiên cứu đang thu thập một loạt những bằng chứng cho thấy càng lo sợ bị thất bại, chúng ta càng khó có thể thành công. Một nghiên cứu gần đây do một nhóm các nhà thần kinh học tại Caltech nhận thấy rằng khi cạnh tranh trong một trò chơi máy tính đánh cược cao, những người tham gia thể hiện tệ hơn khi họ lo sợ về khả năng thua cuộc.

Nhưng khoa học cũng tiết lộ rằng những nỗi sợ hãi không chỉ phản tác dụng mà chúng còn bị thổi phồng lên. Hóa ra con người có xu hướng mạnh mẽ về việc đánh giá quá cao nỗi đau của sự thất bại và mức độ tiêu cực mà những người khác cảm nhận về rủi ro của chúng ta. Để giải thích lý do tại sao, đầu tiên hãy quan sát việc tại sao việc trúng xổ số không tuyệt như bạn nghĩ.

Hãy tưởng tượng rằng Morpheus trong phim Matrix (Ma trận) đưa cho bạn một viên thuốc màu xanh da trời và một viên thuốc màu đỏ. Nếu bạn nhận lấy viên thuốc màu xanh, bạn sẽ tỉnh dậy và trúng số độc đắc trị giá 2 triệu đô-la. Nếu bạn uống viên thuốc màu đỏ, bạn sẽ thức dậy trong tình trạng tê liệt và ngồi xe lăn trong suốt phần đời còn lại của mình. Đương nhiên, bạn sẽ chọn viên màu xanh và cảm thấy hài lòng khi nhận được một khoản kếch xù trong tài khoản ngân hàng vào sáng hôm sau. Bạn không thể nghĩ được điều đáng thất vọng hơn là việc phải trở thành một người tàn phế. Một vài người thậm chí còn nghĩ một cuộc sống như vậy không đáng sống. Nhưng họ đã nhầm.

Trong nghiên cứu nổi tiếng về những người trúng xổ số và những nạn nhân trong các vụ tai nạn (bao gồm 80 người liệt tứ chi và 11 người liệt hai chân), trong một năm thắng xổ số hoặc trải qua vụ tai nạn, một điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra. Niềm vui của những người trúng xổ số sớm trở về mức như những người không thắng được một xu. Ngạc nhiên không kém, niềm hạnh phúc của những nạn nhân trong vụ tai nạn đã lên trên mức trung lập, và một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard cho thấy các cá nhân bị liệt hai chân không hề kém hạnh phúc hơn những người trúng độc đắc theo thời gian. Điều này xảy ra là do đâu?

Nó liên quan đến những gì không xảy ra nhiều hơn. Đỉnh cao của việc trúng xổ số không được duy trì lâu. Tương tự như vậy, sự tuyệt vọng của việc trở thành một người tàn tật cùng sẽ nguôi ngoai dần. Cả người thắng xổ số và những người tàn tật đều trải qua những gì mà nhà tâm lý học, Jonathan Haidt, gọi là nguyên lý của sự thích ứng. Chúng ta đánh giá việc trở thành một người trúng xổ số (hoặc người bị liệt) bởi kết quả sau đó, nhưng chúng ta thường đánh giá quá cao kết quả đó.

Con người nhanh chóng thích ứng với những tình huống mới. Sự mới mẻ biến mất nhanh hơn chúng ta tưởng. Khi tưởng tượng ra việc trở thành một người trúng xổ số, chúng ta chỉ hình dung những điều kỳ diệu mà chúng ta sẽ làm sau đó. Chúng ta không lường trước được những phiền nhiễu liên tục liên quan đến những người muốn tiền của chúng ta, sự phức tạp trong việc quản lý nó, hoặc những sự căng thẳng mới mà nó gây ra trong mạng lưới xã hội của chúng ta và gia đình (nhiều đến mức những người trúng xổ số thực sự đã thiết lập một nhóm hỗ trợ nhau). Không ai trong chúng ta mong bị trở thành một người liệt tứ chi, đến mức rất nhiều niềm vui có thể đến từ những điều mà trước đây chúng ta cho là đương nhiên. Khi học lại ngay cả những nhiệm vụ cơ bản nhất, chúng ta trải nghiệm sự tiến bộ. Và sự tiến bộ mang lại cảm giác rất tuyệt vời.

Điều này cho thấy các điều kiện của chúng ta trong cuộc sống không quan trọng. Những thay đổi đau đớn rất khó chịu và những vạch ranh giới về mức độ hạnh phúc có thể bị đảo lộn. Tuy nhiên, khi chúng ta đối mặt với thất bại nhỏ hoặc ngay cả những chấn thương nghiêm trọng (chẳng hạn như chấn thương cột sống vĩnh viễn), chúng ta thường xuyên đánh giá sai mức độ và thời gian của những phản ứng cảm xúc của bản thân. Cuối cùng, chúng ta phục hồi tốt hơn – và nhanh hơn – chúng ta tưởng. Hai nhà tâm lý học, Daniel Gilbert và Timothy Wilson đã gọi sự tác động này thiên vị. Cho dù nếu không vượt qua được kỳ thi, trượt một cuộc phỏng vấn hay bị sa thải, những nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng mọi người luôn đánh giá cao những tác động tiêu cực của những sự kiện như vậy. Và vì chúng ta mong đợi những thất bại như vậy đau đớn hơn và kéo dài hơn so với thực tế, nên chúng ta sợ thất bại nhiều hơn mức chúng ta cần.

Gilbert và Wilson đã tập trung vào hai hiện tượng để giải thích sự thiên vị này. Đầu tiên là sự bỏ bê miễn dịch. Chỉ khi có một hệ thống miễn dịch để chống lại những mối đe dọa với cơ thể của chúng ta, chúng ta mới có một hệ thống tâm lý miễn dịch để chống lại những mối đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lí của chúng ta. Chúng ta xác định những mặt tích cực (mặt sáng), hợp lý hóa những hành động của chúng ta và tìm ra ý nghĩa của những thất bại chúng ta vấp phải. Tuy nhiên, chúng ta không nhận ra tính hiệu quả của hệ thống miễn dịch này bởi nó hoạt động chủ yếu dưới tầm nhận thức có ý thức của chúng ta. Khi nghĩ đến việc chấp nhận mạo hiểm, chúng ta hiếm khi xét đến việc chúng ta sẽ trở nên tốt ra sao khi tái định hình một kết quả đáng thất vọng. Tóm lại, chúng ta thường đánh giá thấp khả năng phục hồi của bản thân.

Lý do thứ hai là chủ nghĩa trọng tâm (focalism). Khi quan sát sự thất bại từ xa, theo Gilbert và Wilson, chúng ta có xu hướng nhấn mạnh quá mức vào các sự kiện tiêu cực (tức thất bại) và bỏ qua những chi tiết khác trong cuộc sống hàng ngày vốn có thể giúp chúng ta tiến lên và cảm thấy tốt hơn. Sự đe dọa của thất bại có ảnh hưởng rất lớn, nó tiêu tốn sự chú ý của chúng ta. Điều này xảy ra một phần là do các vùng não bộ chúng ta sử dụng để nhận thức thực tại cùng là những vùng não bộ chúng ta dùng để tưởng tượng ra tương lai. Khi cảm thấy sợ vấp ngã trong một công việc mới hoặc lo lắng về sự xấu hổ khi làm các nhà đầu tư thất vọng hay để ý đến cảm giác của các đồng nghiệp lúc đó, rất khó để tưởng tượng ra niềm vui mà chúng ta sẽ nhận được từ vụ đầu tư tiếp theo và những hoạt động hàng ngày khác vốn là một phần thú vị và cần thiết trong cuộc sống.

Chúng ta cũng đánh giá quá cao sự gay gắt của những phán xét mà những người khác dành cho mình. Các nhà nghiên cứu, Tom Gilovich và Kenneth Savitsky gọi đó là hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Trong nhiều thí nghiệm của họ về cách tình huống gây xấu hổ – như thi trượt một bài kiểm tra trí thông minh hoặc phải mặc áo phông Barry Manilow trước mặt đồng nghiệp – những người tham gia thường đánh giá sai về mức độ tiêu cực mà người khác cảm nhận về những hành vi của họ. Chúng ta mong đợi những người khác chú ý cao độ đến những thiếu sót của mình, nhưng lại bỏ qua việc xem xét các yếu tố ngoại vi quan trọng, chẳng hạn như mức độ tương tác của những kỷ niệm tích cực của mọi người trong quá khứ.

Nhưng bạn có thể vẫn tự hỏi, thế còn sự day dứt đau đớn của sự tiếc nuối thì sao? Theo nghiên cứu của Gilovich và các cộng sự, chúng ta cũng tính toán sai thời gian sự day dứt này kéo dài. Đầu tiên, nó đau đớn, nhưng chúng ta đối mặt với nỗi đau của hành động tiếc nuối tốt hơn là chúng ta tưởng. Hệ thống miễn dịch tâm lý của chúng ta hoạt động và giúp chúng ta tạo ra ý nghĩa về những thất bại chúng ta vấp phải. Thất bại mang đến cho chúng ta những phản hồi có giá trị mà chúng ta sử dụng để giải quyết những hành động đáng tiếc của mình và cả việc cải thiện tình hình của chúng ta trong tương lai.

Các nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình, những sự hối tiếc phổ biến nhất không phải là những rủi ro chúng ta đã gặp, mà là việc chúng ta không gặp rủi ro nào. Mọi người hối tiếc vì việc đã không hành động nhiều gấp đôi việc đã hành động. Một số hối tiếc phổ biến nhất bao gồm việc không chăm chỉ học hành hơn, không quyết đoán hơn và không nắm bắt được cơ hội. Khi nghĩ lại, những gì mà họ không làm mới là thứ mang lại thất vọng nhiều nhất.

Chúng ta bị bỏ lại với nghịch lý của việc không hành động. Một mặt, theo bản năng chúng ta có xu hướng gắn liền với sự mặc định, hoặc đi theo số đông. Các nhà nghiên cứu gọi đó là thiên vị hiện trạng. Chúng ta cảm thấy an toàn trong vùng thoải mái của mình, nơi chúng ta có thể tránh khỏi những đau đớn của sự hối tiếc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta cũng hối tiếc nhiều nhất về những hành động và rủi ro mà chúng ta không dám nắm lấy.

 

Jerry Seinfeld phải mất vài tháng để lấy lại tinh thần từ thất bại đầu tiên của mình. Anh đã trở lại sân khấu lần thứ hai vào cuối mùa hè năm 1976, tại Golden Lion Pub, một quán bar tồi tàn ở Times Square. Một lần nữa, anh cảm thấy lo lắng và quên mất việc đan xen thêm những câu chuyện cười, nhưng anh đã diễn trôi chảy và làm trọn buổi biểu diễn. Jerry tiếp tục biểu diễn ở mọi nơi có thể trong thành phố và ngày càng trở nên thoải mái trên sân khấu cho đến khi anh kết thúc bằng một hợp đồng MC cho câu lạc bộ Comic Strip và trở thành khuôn mặt quen thuộc tại Catch a Rising Star.

Sau 5 năm mài giũa những kỹ năng và danh tiếng của mình, vào ngày 7/5/1981, Jerry có màn ra mắt trong The Tonight Show với Johnny Carson, tham gia trong nhiều năm vào tour diễn đường phố, một sự kiện đặc biệt của HBO, và cuối cùng, vào năm 1989, trở thành người dẫn dắt Seinfeld, một chương trình đã kiếm được 2,7 tỷ đô-la từ việc chiếu lại đơn lẻ và trở thành một trong những chương trình truyền hình dài tập được yêu thích nhất mọi thời đại của Mỹ.

Nếu Seinfeld không đủ dũng cảm để đối mặt với khán giả một lần nữa sau khi anh bị đánh gục trong lần biểu diễn đầu tiên, thì không điều gì trong số những điều trên có thể xảy ra. Việc chịu khuất phục nỗi sợ hãi hối tiếc trong ngắn hạn của chúng ta là một việc làm vô cùng thiển cận.

MICHAEL SCHWALBE là một ứng nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Stanford. Trước đây, Michael đã làm việc trong lĩnh vực đầu tư và nghiên cứu trong ngành công nghiệp tài chính trong hơn một thập kỷ. Ông đã viết bài cho 99U, diễn đàn OPEN kiêm cố vấn cho các công ty và những tổ chức phi chính phủ về phương diện phân tích tài chính cũng như phát triển tổ chức. Hãy theo dõi ông qua tài khoản Twitter @michaelschwalbe.

→ www.michaelschwalbe.com

10867.jpg
10868.jpg

“Làm mọi điều đúng sẽ giữ bạn ở đúng vị trí, mắc sai lầm sẽ thôi thúc bạn khám phá.”

 

— STEVEN JOHNSON

Hiểu được vai trò của bạn trong rủi ro

— John Caddell

Thế giới cổ xưa là một nơi đầy rẫy những cấm đoán và sự hoảng sợ. Con người sống bằng những mưu mô, bị vây hãm bởi những rủi ro rình rập – dã thú, hỏa hoạn, những bộ tộc thù địch, lũ lụt. Cũng không có gì ngạc nhiên khi họ trông đợi vào Chúa và tạo ra những câu chuyện thần bí để giải thích cho một nguồn siêu nhiên vô danh bảo vệ họ trước mọi nguy cơ. Hàng ngàn năm qua, sự sáng tạo và học hỏi của con người đã giúp thế giới an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ lại được bản chất không ưa rủi ro từ tổ tiên mình.

Khi phải đối mặt với những tình huống mà chúng ta cần đưa ngay ra quyết định, chúng ta thường mắc sai lầm khi “chờ và quan sát”, cân nhắc và tìm cách trì hoãn hoặc né tránh rủi ro. Chúng ta quên rằng ngay cả những sai lầm lớn cuối cùng cũng có thể mang lại thành công. Chấp nhận rủi ro thực sự là một phần tư duy đúng đắn.

Thông hiểu những cơ hội

Khi đánh giá xem có nên chấp nhận rủi ro hay không, thật dễ dàng để sớm nhận ra những cạm bẫy ban đầu bạn có thể gặp phải. Việc tưởng tượng sẽ nhận ra cơ hội khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng không nỗ lực chắc chắn sẽ khiến bạn không nhận được những lợi ích cuối cùng. Hãy mở rộng tâm trí, quan sát bức tranh lớn hơn, và biết rằng với sự quyết tâm, bạn sẽ vượt qua những trở ngại.

Cựu chủ tịch của Coca-Cola, Don Keough, rơi vào cái bẫy này khi đội ngũ quản lý người Đức của ông đưa ra một kế hoạch mở rộng sang Đông Đức sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989. Cho rằng ngân sách quá cao, Keough đã phủ quyết đề xuất này. Thất vọng trước sự từ chối của Keough, đội ngũ quản lý dọa sẽ từ chức. Người đứng đầu các hoạt động tại Đức thách thức Keough nhìn nhận kỹ lưỡng hơn:

“Ông không biết được tiềm năng của Đông Đức. Ông chưa bao giờ tới đó. Ông gạt phăng nó mà không hề xem xét xem đây có phải là một cơ hội tuyệt vời không. Ít nhất, ông nên nói chuyện với họ một lần nữa. Nhưng tôi muốn ông làm hơn thế. Hãy cùng tôi đến Đông Đức để tự cảm nhận, trước tiên, hãy tự quyết định.” Keough cuối cùng đã cùng đội ngũ của ông đến Đông Đức và tận mặt chứng kiến. Sau chuyến đi, ông nói, “Suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi tập hợp mọi người lại, và tôi đã xin lỗi vì sự hẹp hòi và không khoan nhượng của mình. Hãy cùng nhau đưa ra kế hoạch và mua một vài nhà máy phía đông.”

Công cuộc mở rộng của Coke vào Đông Đức không phải là không có sai sót. Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn và quyết tâm của đội ngũ để thành công mạnh mẽ đến mức họ có khả năng vượt qua những thất bại và thất vọng. Đông Đức trở thành một thị trường phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều lợi nhuận cho Coke.

Bảo vệ lực của bạn

Chúng ta không bất lực khi đối mặt với rủi ro. Sau khi quyết định được đưa ra, chúng ta luôn có khả năng ảnh hưởng lên các tình huống nhằm gia tăng xác suất thành công. Đó là lực hay còn gọi là khả năng hành động gây ảnh hưởng đến định mệnh của chúng ta.

Tiền vệ Hall of Fame tương lai, Peyton Manning, đã thấy mình không ở đội nào khi Indianapolis Colts sa thải anh sau 14 mùa giải. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Manning phải tìm ra được một đội bóng để đầu quân. Anh thi tuyển vào San Fancisco 49ers, Arizona Cardinals và một vài đội bóng khác trước khi ký hợp đồng 3 năm với Denver Bronces. Manning nói về lựa chọn của mình:

Đây là một lựa chọn khó khăn… Tôi phải chọn một (đội). Tôi muốn tham gia vào tất cả cùng lúc. Nhưng, giống như các quyết định khác mà tôi đã đưa ra trong quá khứ, tôi sẽ ra quyết định và không bao giờ hối hận. Để bắt đầu và biến nó trở thành một quyết định đúng đắn, tôi cần phải nỗ lực.

Thay vì để số phận phó mặc cho những tác nhân bên ngoài kiểm soát, Manning đã đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác biệt. Cảm giác về động lực cho anh sức mạnh để có được kết quả như mong muốn. Nếu anh thất bại, đó sẽ là những nỗ lực hết mình giúp anh tiến tới thành công.

Hãy kiên trì

“Rất nhiều những thất bại trong cuộc sống là do mọi người không nhận ra họ đang tiến đến thành công gần đến mức nào khi từ bỏ.” Thomas Edison đã nói vậy. Điều này có thể rất khó thực hiện, tuy nhiên, hãy hỏi những nhà sản xuất vở nhạc kịch Spider-Man: Turn Off the Dark.

Vào ngày 7/2/2011, nhà phê bình Ben Brantley của tạp chí New York Times, sau khi xem trước một đoạn của chương trình, đã viết như sau: “Spider-Man không chỉ là vở nhạc kịch đắt đỏ nhất tại Broadway, nó cũng có thể được xếp vào lại dở tệ nhất…” Việc phê bình gay gắt chỉ là một trong rất nhiều những vận đen đổ ập xuống chương trình, một vài diễn viên bị thương do ngã và một bản xem trước cho thấy Spider-Man tự treo thân đầy bất lực phía trên khán giả khi dụng cụ bay của anh bị gặp trục trặc.

Các nhà sản xuất, Jeremiah Harris và Michael Cohl, có thể sẽ phải hoãn chương trình ngay lập tức – quy trình tiêu chuẩn khi một chương trình gặp phải sự phản đối gay gắt. Ngược lại, Harris và Cohl đã cho thấy nỗ lực của mình, hiểu được cơ hội và kiên trì trong phản ứng của họ đối với những thảm họa gây rắc rối cho chương trình.

Harris và Cohl tạm thời cho ngừng chiếu Spider-Man. Họ tìm kiếm những thông tin phản hồi từ khán giả và xem xét những phản hồi đó. Họ sửa đổi lời thoại. Các nhà soạn nhạc, Bono và Edge của nhóm nhạc U2, viết lời bài hát mới. Các nhà sản xuất gọi được thêm vốn (với kỷ lục 60 triệu đô-la được chi) để cải tạo lại chương trình. Spider-Man: Turn Off the Dark quay trở lại vào ngày 14/6/2011.

Khi chương trình được mở lại, Cohl đã nói:

“Tin xấu là nó rất tốn kém, và tin tốt là chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và chúng tôi sẽ thành công.”

Trong vòng vài tháng, Spider-Man là chương trình đạt được doanh thu lớn nhất trên sân khấu kịch Broadway và đã giữ nguyên được phong độ trong một năm sau đó. Đệ nhất phu nhân, Michelle Obama và hai cô con gái của bà cũng đã từng xem chương trình này như hàng chục ngàn khán giả khác. Danh tiếng lâu dài của Broadway và những tour diễn hấp dẫn đã được đảm bảo.

Kịch bản cho trường hợp xấu nhất trong rất nhiều rủi ro mà chúng ta hiện phải đối mặt không phải là những chấn thương nghiêm trọng hay cái chết; đó là thất bại về tài chính, sự sứt mẻ về uy tín. Hơn nữa, sự phát triển ngày càng nhanh chóng và sự không chắc chắn về tài chính của chúng ta làm tăng chi phí và rủi ro của việc tránh rủi ro một cách đầy nghịch lý. Thay vì cố gắng bảo vệ bản thân tránh đưa ra các quyết định, hãy đối mặt với những rủi ro – và hướng những kết quả theo ý chúng ta, không phải sẽ tốt hơn sao?

JOHN CADDELL là cha đẻ của The Mistake Bank, chuyên thu thập những câu chuyện về những sai lầm và thất bại trong kinh doanh. Ông là một nhà điều hành với hơn 25 năm kinh nghiệm phát triển và kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin. John là tác giả của The Mistake Bank: How to succeed by forgiving your mistake and embaracing your failures, có bán tại Amazon.com

→ www.mistakebank.com

11011.jpg
11012.jpg

“Nguy hiểm lớn nhất trong cuộc sống đó là bạn đưa ra quá nhiều biện pháp đề phòng.”

— ALFRED ADLER

HỎI & ĐÁP:

Tái cơ cấu cách suy nghĩ về những sai lầm

— với Tina Seelig

Với tư cách một doanh nhân, một giáo sư, một nhà thần kinh học kiêm giám đốc điều hành của chương trình Stanford Technology Venture, Tina Seelig có được vị trí tuyệt vời để hiểu, một cách trực tiếp, cách suy nghĩ của chúng ta về rủi ro. Trong hơn một thập kỷ, Seelig đã giảng dạy một trong những khóa học nổi tiếng nhất của Stanford về đổi mới, trong đó, cô dẫn dắt các sinh viên vào hàng loạt những bài tập sáng tạo triệt để, thúc đẩy họ xem xét những phương thức tiếp cận cách thức giải quyết vấn đề đáng kinh ngạc để hiểu rõ “rủi ro” của họ. Chúng tôi đã nói chuyện với Seelig về cách tái cơ cấu quan điểm của chúng ta về rủi ro và tại sao thất bại thường là tiền thân của những thành tựu vĩ đại.

Có cách nào để chuẩn bị cho những thất bại không, thưa cô?

Những người dành thời gian của họ cho những thử nghiệm sáng tạo biết rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo và họ đều sẵn sàng đón nhận nó khi nó xảy ra. Ví dụ, Jeff Hawkins, nhà sáng lập của Palm Computing Handspring, và Numenta đã lo lắng khi mọi việc diễn ra quá suôn sẻ, biết rằng thất bại đang lẩn khuất đâu đó. Khi ông vận hành Handspring, mọi thứ đang được chuẩn bị cho việc phát hành Visor, một sản phẩm kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân mới. Nhưng Jeff luôn cảnh báo đội ngũ của ông rằng “điều gì đó” có thể sẽ xảy ra. Và đúng là nó đã xảy ra. Trong vòng vài ngày đầu tiên, họ đã bán ra khoảng 1.000 sản phẩm, sau khi phát hành sản phẩm đầu tay. Một con số rất ấn tượng. Nhưng toàn bộ hệ thống thanh toán và giao hàng gặp trục trặc. Một vài khách hàng không nhận được hàng mà họ đã thanh toán, trong khi một số khác lại nhận được 3 đến 4 lần số sản phẩm mà họ đặt. Đây thật sự là một thảm họa, đặc biệt là đối với một doanh nghiệp mới đang cố gắng xây dựng uy tín của nó.

Nghe có vẻ giống một cơn ác mộng. Họ đã làm gì?

Cả đội, gồm cả Jeff, đã phải làm việc cật lực và gọi cho từng khách hàng. Họ hỏi lại từng người về đơn đặt hàng và xác nhận lại về dịch vụ thanh toán và chuyển hàng. Nếu có điều gì sai sót, công ty sẽ sửa chữa ngay lập tức. Mấu chốt vấn đề ở đây là Jeff đã biết có điều gì đó sẽ không ổn. Ông không chắc chắn nó là gì, nhưng đã chuẩn bị tâm lý để đương đầu với nó. Kinh nghiệm cho ông biết rằng thất bại là không thể tránh khỏi, và chìa khóa để thành công là đừng tránh né, thay vào đó hãy tìm cách để phục hồi nhanh chóng nhất có thể.

Cô có nghĩ thất bại là phổ biến không? Chúng ta không thế né tránh nó, đúng vậy không?

Mọi con đường của chúng ta đều trải đầy những thất bại lớn nhỏ. Điều quan trọng là khả năng coi trải nghiệm như những thử nghiệm mang lại những dữ liệu giá trị và học cách làm khác đi so với lần tới. Đối với đa phần những người thành công, đáy lót cao su trái ngược với lót bê tông. Khi đối mặt với một thất bại, họ chạm đáy, chìm vào đó và sau đó nảy trở lại, khai thác những năng lượng của ảnh hưởng để chạm tới một cơ hội khác.

Một ví dụ tuyệt vời đó là David Neeleman, nhà sáng lập của JetBlue. David khởi nghiệp với một hãng hàng không tên là Morris Air, nó đã phát triển và thịnh vượng cho đến khi ông bán nó cho hàng Southwest Airlines với giá 130 triệu đô-la. Ông trở thành một nhân viên của Southwest. Chỉ sau 5 tháng, David bị sa thải. Ông đã cật lực làm việc cho họ, và như ông nói, ông đã khiến họ phát điên. Như một phần trong hợp đồng, ông có một thỏa thuận không cạnh tranh trong 5 năm, việc này đã ngăn ông khởi sự một hãng hàng không khác. Khoảng thời gian chờ đợi dường như bất tận.

Sau khi dành thời gian để phục hồi từ cú đòn này, David quyết định đầu tư thời gian để lên kế hoạch cho hãng hàng không tiếp theo của ông. Ông cân nhắc kỹ càng về công ty, bao gồm cả các giá trị doanh nghiệp, trải nghiệm khách hàng hoàn chỉnh, các kiểu nhân viên tiềm năng, cũng như chi tiết về cách thức đào tạo và bồi thường cho nhân viên của họ. David nói rằng việc bị sa thải và buộc phải chờ đợi để xây dựng một hãng hàng không mới hóa ra là điều tuyệt vời nhất đã từng xảy đến với ông. Khi thời hạn không cạnh tranh kết thúc, ông đã sẵn sàng bật dậy. Ông có khả năng xoay chuyển tình thế tồi tệ nhất sang một thời kỳ cực kỳ năng suất và sáng tạo.

Cô có nghĩ rằng có một vài kiểu người giỏi chấp nhận rủi ro hơn những người khác không?

Thử nghiệm những điều mới mẻ đòi hỏi sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Mặc dù vậy, rủi ro không phải là một công thức đôi – bạn không phải là một người ưa rủi ro hay không ưa rủi ro. Bạn có thể thoải mái chấp nhận một vài loại rủi ro trong khi việc tìm kiếm những dạng khác lại gây khó chịu cho bạn. Bạn thậm chí có thể không nhìn thấy những rủi ro có thể “thoải mái” chấp nhận, giảm thiểu tính rủi ro của chúng, trong khi lại có khả năng khuếch đại nguy cơ của những điều khiến bạn lo lắng.

Ví dụ, bạn có thể thích trượt xuống dốc khi trượt tuyết với tốc độ chóng mặt, hoặc nhảy khỏi máy bay mà thậm chí không coi những hoạt động này là nguy hiểm. Hoặc bạn có thể thích việc nói trước đám đông hoặc tham gia vào những thách thức mang tính trí tuệ. Nhóm đầu tiên là những rủi ro thể chất, nhóm thứ hai là những rủi ro xã hội, và nhóm thứ ba là nhóm rủi ro trí tuệ.

Có 5 loại rủi ro chính: thể chất, xã hội, cảm xúc, tài chính và trí tuệ. Tôi thường đề nghị mọi người thảo ra bản đồ rủi ro của riêng họ. Không cần suy nghĩ quá lâu, mỗi người đều biết đâu là những dạng rủi ro mà anh ấy hoặc cô ấy có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận. Họ nhận ra khá nhanh rằng rủi ro không đồng nhất.

Vậy cô bắt đầu cân bằng rủi ro của mình bằng cách nào?

Không nhất thiết phải thay đổi hồ sơ rủi ro của bạn, tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rõ nó và theo đuổi những dạng rủi ro mà bạn cảm thấy thoải mái chấp nhận và tránh những dạng khiến bạn lúng túng. Tầm nhìn sâu sắc này sẽ giúp bạn thiết lập được một đội ngũ những người có hồ sơ rủi ro bổ sung cho nhau để mỗi người đóng góp thế mạnh của mình, tham gia vào những dạng thử thách ăn khớp với hồ sơ của họ. Thêm nữa, việc yêu cầu những người khác mô tả những rủi ro của họ là một cách rất có giá trị để nhận biết được những điều khiến họ quan tâm và cách họ có thể đóng góp cho tổ chức của bạn.

Cô có bất cứ chiến lược nào giúp học cách thoải mái hơn với thất bại?

Tôi yêu cầu tất cả sinh viên của mình viết một bản tóm tắt về thất bại. Có nghĩa là, thảo ra một bản tóm tắt tất cả những sai lầm lớn nhất của họ – về mặt cá nhân, nghề nghiệp và học thuật. Đối với mỗi thất bại, mỗi sinh viên cần mô tả những gì anh ấy/cô ấy học được từ trải nghiệm đó. Hãy tưởng tượng ra sự kinh ngạc mà nhiệm vụ này mang lại cho sinh viên, những người quá quen với việc thể hiện thành công của họ. Tuy nhiên, sau khi họ hoàn thành bản tóm tắt của mình, họ nhận ra rằng việc xem xét trải nghiệm thông qua lăng kính của sự thất bại buộc họ phải đối diện với sai lầm của mình và xem chúng như một nguồn dữ liệu tuyệt vời và những gì có hiệu quả và những gì không.

TINA SEELIG là Giám đốc điều hành của Chương trình Stanford Technology Ventures Program, đồng thời là giáo sư tại bộ phậnKhoa học Quản lý và

Kỹ thuật tại Đại học Stanford. Cô dạy các khóa học về sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Những cuốn sách mới nhất của cô là inGenius: A Crash Course on Creativity và What I Wish I Knew When I Was 20.

→ Theo dõi cô trên Twitter tại @tseelig

11084.jpg
11085.jpg

“Thử và sai có hiệu quả nhanh hơn nhiều việc lên kế hoạch cho sự hoàn hảo.”

— DAVID KELLEY

Dựa vào sự thiếu chắc chắn

— Jonathan Fields

Mọi sự nỗ lực sáng tạo, từ việc viết sách đến thiết kế một thương hiệu để ra mắt một công ty, đều tuân theo một điều được biết đến như là Đường cong Không chắc chắn. Sự khởi đầu của một dự án được xác định bởi sự tự do tối đa, rất ít sự hạn chế, và những mức độ thiếu chắc chắn cao. Mọi thứ đều khả thi; những lựa chọn, đường lối, ý tưởng, biến thể và mọi đường hướng đều nằm trên bàn. Cùng lúc đó, không ai biết chính xác được kết quả cuối cùng sẽ ra sao và tương lai sẽ thế nào. Hay chính xác cách làm nó là gì.

Theo thời gian, những nhà sáng tạo hoặc những đội ngũ bắt đầu hành động. Họ vẽ hết những ý tưởng điên rồ trong đầu họ lên giấy, lên khung cảnh kỹ thuật số, khung hình, vào công việc kinh doanh. Với mỗi lần thử nghiệm, họ bắt đầu xem xét điều gì mang lại hiệu quả và điều gì không. Dữ liệu và kinh nghiệm bắt đầu thay thế trực giác và vượt qua đức tin. Sự tự do bắt đầu nhường bước cho sự hạn chế, các khả năng vốn tạo ra sự thiếu chắc chắn lớn hơn bắt đầu trở thành thực tế, tạo ra nhiều sự chắc chắn hơn về kết quả của quá trình và việc liệu nó có thành công hay không. Công việc kinh doanh và kết quả của nó bắt đầu được hình thành.

Những cú va chạm trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ xảy ra. Các ý tưởng dường như ẩn chứa những quả bom tiềm năng lớn, đưa đội ngũ sáng tạo trở lại bản phác thảo ban đầu và trạng thái tự do nhưng cũng thiếu chắc chắn một cách cao độ.

Cuối cùng, thông qua nhiều thử nghiệm, hành động được thực hiện. Cuốn sách ra đời. Thương hiệu được thiết kế. Công ty đã được ra mắt. Sự tự do, ít nhất là đối với giai đoạn nỗ lực này, đã biến mất, được tiêu thụ bởi cấu trúc và dạng thức. Sự thiếu chắc chắn nhường chỗ cho sự chắc chắn. Giờ đây, bạn đã biết chính xác hình dạng của nó, và việc bạn có khả năng kéo bật nó hay không.

Hình ảnh trên minh họa các động thái theo Đường cong Thiếu Chắc chắn. Tuy nhiên, thứ có thể không được rõ ràng là tốc độ mà bạn di chuyển dọc theo đường cong vốn có thể tiêu diệt khả năng của bạn trong việc tạo ra cảm hứng hoặc kích thích nó.

Di chuyển quá chậm và không có kết quả. Quá trình bị phá hủy do quán tính hoặc bị tê liệt hoặc di chuyển quá chậm đồng thời nỗ lực bị tiêu diệt trước khi nó mang lại kết quả có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua điều đó.

Dù vậy, thứ có thể ít rõ ràng hơn đó là việc di chuyển quá nhanh có thể đưa bạn đến với kết quả nhanh chóng hơn, nhưng kết quả đó lại thấp hơn nhiều so với khả năng của bạn nếu bạn ở lại quá trình lâu hơn.

Richard Wiseman đã tiến hành một thí nghiệm thú vị về điều này. Ông ghép hai nhóm người đã được xác định là rất may mắn và rất xui xẻo. Mỗi nhóm sẽ nhận được một tờ báo và được yêu cầu đếm số bức tranh. Nhóm không may mắn làm trong khoảng 2 phút. Nhóm may mắn chỉ mất 2 giây. Cả hai nhóm cùng đưa ra con số chính xác. Do đâu?

Hóa ra đó là những ấn phẩm số đặc biệt. Bên trong bìa trước, phía trên nếp gấp trong một khung chữ, có một dòng chữ: “Đừng đếm. Có 42 bức ảnh trong tờ báo này.” Những người tự coi là không may mắn tập trung vào nhiệm vụ họ cần hoàn thành mà phớt lờ đi giải thưởng lớn hơn. Những người tự coi là may mắn luôn mở rộng khả năng rằng có một cái gì đó bên ngoài những hướng dẫn cứng nhắc để làm theo cách của họ, khiến họ có thao tác tốt hơn hoặc dễ dàng hơn.

Sự thiếu chắc chắn như là một sự kích thích sáng tạo

Một điều tương tự xảy ra với quá trình sáng tạo. Những người kiên trì với ý tưởng họ đưa ra có thể thực hiện tốt ý tưởng đó và làm rất nhanh chóng. Nhưng trong quá trình thực hiện, họ thường bỏ lỡ nhiều khả năng, lựa chọn, lựa chọn thay thế và những con đường đầy bất ngờ có thể dẫn họ ra xa khỏi việc tập trung đơn thuần vào quá trình thực hiện dựa trên tầm nhìn, và đưa họ quay trở lại một nơi chia sẻ sự sáng tạo và thiếu chắc chắn, nhưng cũng rất có khả năng mang lại một điều gì đó có tầm quan trọng lớn lao hơn.

Tất cả những người sáng tạo cần có khả năng tập trung vào những câu hỏi lớn đủ lâu để những ý tưởng và tầm nhìn thực sự mang tính cách mạng xuất hiện. Họ cần giữ nguyên vị trí và hành động không ngừng tại đó thông qua làn sóng ý tưởng rõ ràng nhất và đầu tiên. Đến làn sóng thứ hai, giai đoạn hướng đến sự táo bạo. Và sau đó là vào giai đoạn phát giác. Nhưng đa phần không như vậy. Họ bỏ cuộc, rút lui, hoặc giải quyết vấn đề với mức độ vừa đủ tốt trong khi những điều tuyệt vời nhất đang lẩn khuất đâu đó trong góc căn phòng.

Điều gì dẫn chúng tôi đến với câu hỏi lớn: Tại sao?

Tại sao mọi người di chuyển theo Đường cong Không chắc chắn quá nhanh hoặc quá chậm, giết chết dự án hoặc tạo ra những kết quả xoàng xĩnh? Một phần của câu trả lời có thể nằm trong những thực tiễn: Sự đa dạng của nhóm/ rối loạn chức năng hoặc việc thực hiện thiết kế hoàn thiện. Nhưng phần lớn hơn trong câu hỏi đó nằm ở những gì xảy ra trong đầu của người sáng tạo trong quá trình sáng tạo.

Hầu hết mọi người đều gắn kết mạnh mẽ với việc không khoan nhượng sự thiếu chắc chắn. Chúng ta trải nghiệm nó như sự đau đơn, nỗi sợ hãi, lo lắng và nghi ngại. Khi đối mặt với việc cần phải cùng tồn tại hoặc sự kinh hoàng tột cùng, hành động đối đầu với sự thiếu chắc chắn, chúng ta sẽ thoái lui. Trung tâm của nỗi sợ hãi nguyên thủy trong trí não, hạch hạnh nhân, sáng lên, gửi tín hiệu đến các cơ của chúng ta khiến chúng ta khó chịu về mặt thể chất, không thoải mái về mặt tinh thần.

Chúng ta biết công cuộc tìm cách tạo ra thứ gì đó từ hai bàn tay trắng buộc chúng ta phải đến đó. Nhưng chúng ta được trang bị quá nghèo nàn để giải quyết nó, chúng ta bắt đầu đưa ra quyết định không dựa trên nỗ lực cao nhất, mà trên những gì sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự đau đớn của việc thiếu chắc chắn một cách nhanh nhất. Đối với một số người, nó có nghĩa là thoái lui, trì trệ và tê liệt. Đối với một số người khác, điều đó có nghĩa nhanh chóng kết thúc nó. Với mỗi cách, kết quả cuối cùng đều là không gì cả hoặc một thứ gì đó kém xa tài năng tiềm ẩn thực sự của bạn.

Vậy bằng cách nào chúng ta có thể sống dưới cái bóng của sự thiếu chắc chắn đủ lâu để sản sinh ra những điều thiên tài? Có 3 suy nghĩ sau:

Thứ nhất, hiểu biết đơn giản về tâm lý học của quá trình cho phép bạn chú ý hơn đến tốc độ di chuyển từ sự tự do đến hạn chế.

Thứ hai, khi bạn tái định lại sự thiếu chắc chắn như một khả năng, câu hỏi phía trên sẽ thay đổi. Không có gì thực sự sáng tạo, không có gì nâng cao nghệ thuật, công việc kinh doanh, thiết kế, hoặc nhân loại, đã từng được để đối mặt với sự chắc chắn chính thống hoặc những thông tin hoàn hảo. Bởi cách duy nhất để trở nên chắc chắn trước khi bạn bắt đầu đó là nếu điều mà bạn đang tìm kiếm đã được hoàn thành từ trước đó. Trong trường hợp đó, bạn không còn là người tạo ra nó, bạn đang sao chép nó. Và đó không phải là lý do chúng tôi ở đây.

Thứ ba, không có một công thức phổ biến nào cho bạn biết cách di chuyển nhanh chóng theo đường cong thiếu chắc chắn. Mỗi dự án mỗi khác và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nguồn lực và hạn chế riêng của bạn, cả trong lẫn ngoài. Điều quan trọng hơn là bạn xác định rõ các nguồn lực và sự hạn chế, trau dồi tư tưởng, môi trường và lối sống cần thiết để kích thích hành động, sau đó hành động. Thêm vào đó, biến học hỏi thành yếu tố then chốt. Kẻ thù của sự sáng tạo không phải sự thiếu chắc chắn mà là ì trệ.

JONATHAN FIELDS là một người cha, người chồng, tác giả, diễn giả kiêm một doanh nhân. Cuốn sách mới nhất của ông, Uncertainty: Turning Fear and Doubt Into Fuel For Brilliance, được là cuốn sách số 1 của năm 2011 về phát triển con người do 800-CEO-READ bình chọn. Những bài viết của Fields được đăng tải trên Jonathanfileds.com. Ông cũng điều hành dự án giáo dục và truyền thông GoodLifeProject.com và dự án giáo dục marketing sách TribalAuthor.com

→ www.goodlifeproject.com

“Sự thiếu chắc chắn là một vị trí không thoải mái.

Nhưng sự chắc chắn là một điều ngớ ngẩn.”

— VOLTAIRE

Đặt cược có chủ đích trong một thế giới ngẫu nhiên

— Frans Johansson

Vào một vài thời điểm trong mùa hè năm 1907, Picasso đã hoàn thành một trong những bức họa quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông, Les Demoiselles d’Avignon. Phong cách của nó khởi nguồn từ những bức họa trước đó, và đó là một chủ đề đầy khiêu khích – năm gái mại dâm nhìn chằm chằm vào khán giả – đến mức bức tranh đơn giản chỉ yêu cầu sự chú ý. Nó đã đi vào lịch sử như một nền tảng trong chủ nghĩa hiện đại.

Vào ngày 10/12/2009, Rovio đã tung ra phiên bản Angry Birds cho iPhone đầu tiên. Sau khi đứng đầu các bảng xếp hạng của một vài nước châu Âu, nó đã nhanh chóng tấn công nước Mỹ và thay đổi thế giới của trò chơi thông dụng. Trong vòng 2 năm, nó được tải gần một tỷ lần, và hiện là một trong những trò chơi được chơi nhiều nhất trong lịch sử.

Vào tháng 3/2008, một người phụ nữ trẻ tên là Bethenny Frankel đã tham gia vòng tuyển người tham gia chương trình truyền hình thực tế mới có tên gọi The Real Housewives of New York City. Sự xuất hiện đã cho phép cô nhấn mạnh vào sản phẩm mới của mình, Skinnygirl Margarita. Nó đã sớm được nhiều người biết đến và trở thành một sản phẩm nổi tiếng với các phụ nữ đang tìm kiếm một chế độ ăn ít calo. Cô đã bán thương hiệu này sau đó với giá 64 triệu đô-la.

Hãy xem Picasso, Rovio và Frankel có điểm gì chung? Nhìn bề ngoài thì có vẻ như không có gì. Nhưng quan sát kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra một trong những sự thật cơ bản nhất về thành công trong thiết kế, kinh doanh và đổi mới nói chung. Nó được đúc rút thành một điều: không ai trong những người đó hoặc tổ chức đó thực sự có ý niệm chính xác về việc ý tưởng nào của họ sẽ mang lại kết quả. Trong thực tế, thành công có được trong từng ví dụ trên là kết quả của việc khai thác không ngừng những hiểu biết sâu sắc và đặt cược tất cả vào một kết quả chưa xác định. Nói một cách khác, thành công mang tính ngẫu nhiên hơn chúng ta nghĩ.

Điều này có vẻ gây ngạc nhiên. Chúng ta đã quen với việc nghĩ rằng những công ty và những con người thành công sở hữu một bí quyết nào đó và khi chúng ta kể lại những câu chuyện về cách họ làm nó, chúng ta bắt chước để xem chúng ta sẽ có thể làm được như vậy bằng cách nào. Lấy Rovio làm ví dụ. Công ty Phần Lan đứng sau Angry Birds có thể không chỉ thiết kế ra một trò chơi tuyệt vời, mà còn phát triển một chiến lược marketing rất hữu hiệu cho nó. Thay vì tập trung vào thị trường đại chúng của nước Mỹ trước tiên, họ lại tập chúng vào những thị trường châu Âu nhỏ hơn như Hy Lạp và cộng hòa Séc. Những thị trường này có một lượng tải trò chơi tương đối, và Rovio đã phát hiện ra việc vươn lên top đầu danh sách này không khó và họ hoàn toàn có thể làm được. Với những chiến thắng trong tầm tay, họ quay trở lại nước Anh, nơi mà trò chơi này đã đứng đầu bảng xếp hạng chỉ trong một đêm. Sau đó, họ quyết định cuối cùng đã đủ lực để tiến vào thị trường Mỹ.

Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng Rovio không chỉ có một công ty nắm vững về chiến thuật thiết kế trò chơi, mà còn biết làm thế nào để thành công trong thị trường trò chơi. Nhưng nếu họ có tất cả những điều đó, tại sao họ lại phải chờ đến tận 8 năm sau để sử dụng nó? Bởi đó là quãng thời gian họ đi vòng trước khi tung ra Angry Birds. Đó là trò chơi thứ 52 của họ. Không một trò chơi nào trước đó có được thậm chí là một phần rất nhỏ thành công của Angry Birds. Thay vào đó, trò chơi này đã đưa công ty quay trở lại từ thời kỳ khủng hoảng và cho phép nó xây dựng một thương hiệu có thể tồn tại nhiều năm. Ngay sau khi Angry Birds thành công, công ty của Rovio có giá thị trường 1 tỷ đô-la.

Hóa ra thành công không khác gì mấy việc tìm hiểu chính xác động thái đúng tiếp theo và xa hơn là gì để liên quan đến may mắn và ngẫu nhiên. Một vài người hiếm hoi trong chúng ta hoạt động trong một thế giới mà các quy luật không bao giờ hoặc hiếm khi thay đổi, chẳng hạn như cờ vua, tennis hay golf, trong một thế giới như vậy bạn có thể làm theo cách riêng để thống trị. Những công việc khó khăn mang đến cho bạn vinh quang, bởi bạn biết chính xác điều bạn phải làm – bạn chỉ phải làm nó tốt hơn những người khác, thường là sau khi dành hơn 10.000 giờ để luyện tập nó. Đó là quy tắc 10.000 giờ luyện tập, được phổ biến rộng rãi bởi Malcolm Gladwell, tuy nhiên, nó không được áp dụng với bất kỳ nỗ lực nào khác. Cả Reed Hastings và Richard Branson đều không thực hành đủ 10.000 giờ khi họ trở thành những người đứng đầu trong những lĩnh vực đa dạng của họ.

Không chỉ có vậy, chúng ta thường xuyên thấy những cá nhân và tổ chức mà chúng ta coi là tuyệt vời theo đuổi thành công lớn bằng cái giá tầm thường hoặc không mấy bất ngờ. Những CEO hiện tượng thất vọng, những đạo diễn phim lừng danh khiến chúng ta chán nản và những doanh nhân thành đạt không sống theo mong đợi của các nhà đầu tư. Và đôi khi, họ có thể đi từ thành công đến thất bại mà không có bất cứ lý do thực sự nào. Nhà làm phim, Woody Allen, là một ví dụ điển hình cho điều này thông qua sự nghiệp của ông. Evan Williams, một trong những nhà đồng sáng lập của Twitter, đầu tiên đã tạo ra Blogger, vốn là một thành công to lớn. Sau đó, ông tạo ra Odeo, một công ty podcasting không thực sự hoạt động hiệu quả. Nhưng tiếp sau đó, ông đã tạo nên Twitter. Điều này cho thấy rằng tất cả thành công được tạo nên một cách ngẫu nhiên và tình cờ hơn hầu hết chúng ta sẽ nhận thấy. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu vậy, bạn nên làm gì?

Đặt cược nhiều

Nếu khó dự đoán được chính xác điều gì sẽ thành công, do đó mà bạn phải tiếp tục thử. Bạn càng thử nhiều, bạn càng có khả năng tạo ra được những thiết kế đẹp mắt, những công ty khởi nghiệp thành công hoặc mảng nghệ thuật hấp dẫn nào đó. Nếu quan sát những nhà cải cách thành công nhất trong lịch sử, chúng ta sẽ nhận ra rằng họ luôn cố gắng hết lần này đến lần khác. Pablo Picasso đã tạo ra khoảng 50.000 đến 100.000 tác phẩm trong quãng đời của ông. Ông không có khả năng để quyết định tác phẩm nghệ thuật nào của mình sẽ trở thành kiệt tác, ví dụ như Les Demoiselles d’Avignon. Rất nhiều bức tranh sơn dầu của ông phủ đầy bụi trong những căn hầm trên thế giới với một lý do chính đáng. Chúng quá tệ. Picasso không thể tiên liệu được chắc chắn tác phẩm nào của ông sẽ nổi tiếng và tác phẩm nào sẽ bị bỏ xó. Về bản chất, ông đã đặt cược công việc của mình hết lần này đến lần khác. Và do đó, những tác phẩm của Picasso đã mang lại cho ông thành công tuyệt đỉnh.

Điều đó cũng đúng với trường hợp của Bethenny Frankel. Những điều mà rất nhiều người không nhận ra đó là sự xuất hiện của cô trong chương trình truyền hình thực tế của Bravo là một phần trong danh sách dài những lần đặt cược của cô cho thành công. Cô không bao giờ biết điều gì sẽ mang lại hiệu quả (mặc dù cô gần như tin rằng tất cả những điều đó có thể thành công ngay khi chúng được bắt đầu), nhưng cô đã thử gần như mọi thứ. Đầu tiên, cô bắt đầu tại một công ty tổ chức tiệc, sau đó là một doanh nghiệp nhập khẩu pashmina, và tiếp theo là một cửa hàng thực phẩm chức năng không mấy thành công. Sau đó, cô mở một tiệm bánh và rồi đã gửi đơn ứng cử cho chương trình của Donald Trump – The Apprentice nhưng không được chọn. Ngay sau đó, cô đã dành được một chỗ trong The Apprentice: Marthe Stewart và mở một doanh nghiệp bữa ăn theo đơn đặt hàng. Cô viết bài cho một mục của tạp chí Health, việc đã dẫn cô đến một thỏa thuận quảng cáo với Pepperidge Farm. Sau 8 lần đặt cược, cô đã tham gia vào chương trình thực tế mới của Bravo. The Real Housewives of New York City, nơi mà cô có thể tung ra sản phẩm Skinnygirl, một loại cocktail hỗn hợp mà sau đó mang về cho cô 64 triệu đô-la nhờ bán thương hiệu này. Nói một cách khác, cô đã tạo cho bản thân rất nhiều cơ hội để trở nên thành công. Trong một thế giới ngày càng khó lường, bạn phải tận dụng mọi lợi thế của sự ngẫu nhiên bằng cách đặt cược thật nhiều.

Đặt cược nhỏ

Nếu có thể đặt cược nhiều để tăng cơ hội thành công, thì bạn cũng không thể theo được các vụ đặt cược này nếu nó quá lớn. Nếu chỉ một trong số những vụ đặt cược lớn đó thất bại, bạn có thể không có cơ hội thứ hai. Thật không may, chúng ta có xu hướng tin rằng nếu có nhiều tiền hoặc nhiều nguồn lực, chúng ta có thể tăng khả năng thành công của mình. Thực tế lại không ủng hộ quan điểm như vậy.

Ví dụ như, Apple đã chi ra 500 triệu đô-la để phát triển thiết bị máy tính cầm tay, the Newton, trong cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Nó đã hoàn toàn thất bại. Trong khi đó, Palm Computing đã chi 3 triệu đô-la để phát triển PalmPilot, một sản phẩm máy tính bán chạy nhất trong thập niên 90. Nhiều tiền không tạo ra sự khác biệt. Vậy cái gì đã làm nên điều đó? Pilot thực tế là lần thử thứ hai của Palm trong quá trình điều chỉnh nó sao cho chính xác. Họ chi 4 triệu đô-la để tạo ra một thiết bị cực kỳ tồi tệ có tên gọi Zoomer, thứ mà cho phép họ có đủ tiền để thử nghiệm thêm một lần nữa. Apple, mặt khác, chỉ thử sức có một lần.

Bằng việc hạn chế các nguồn lực sau những vụ đặt cược, bằng việc đặt thứ mà doanh nhân Peter Sims gọi là “những vụ đặt cược nhỏ”, chúng ta có thể đặt nhiều hơn. Khi Yngve Bergvist tạo ra Ice Hotel, tại thị trấn Jukkasjärvi ở phía bắc Thụy Điển, nó đã khiến mọi người trên toàn thế giới choáng váng. Toàn bộ khách sạn được làm từ băng – những bức tường, trần nhà, giường, bàn, v.v… Phần lớn chúng ta xem đó như một ý tưởng bất khả thi, và nếu xét kỹ, chúng ta sẽ cho đó là một ý tưởng điên rồ. Nhưng Bergqvist không bao giờ chỉ nghĩ về Ice Hotel. Thay vào đó, ông bắt đầu với những ý tưởng nhỏ hơn và từng bước biến ý tưởng Ice Hotel thành hiện thực.

Đầu tiên, ông tạo ra một cuộc triển lãm băng nhỏ bằng cách đăng những tác phẩm điêu khắc từ Nhật Bản. Nó đã thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ. Mùa đông tiếp theo, ông tạo ra một tòa nhà được làm từ tuyết với một phòng trưng bày nghệ thuật bên trong. Năm sau khi ông tạo ra tòa nhà bằng băng nơi có những cuộc triển lãm thú vị bên trong, ví dụ một quầy bar bằng băng và một màn hình chiếu phim bằng tuyết. Đó là thời điểm mà một đoàn khách du lịch tiếp cận Bergqvist vào hỏi về việc được ngủ trên một chiếc giường làm bằng băng và họ sẽ trả tiền. Ai có thể đoán ra được điều này chứ? Mùa đông đó đã đánh dấu lần đầu tiên Bergqvist thực sự tạo ra Ice Hotel – kết quả trực tiếp của việc ông có những nguồn lực để thử sức hết lần này đến lần khác.

Thế giới rất ngẫu nhiên và khó đoán, điều đó có nghĩa là gần như bất khả thi để có thể phác thảo ra chính xác bước tiến tiếp theo của bạn là gì. Nhưng bạn có thể khai thác nó – bằng việc làm và thử. Hãy chắc chắn rằng bạn không đổ dồn hết những gì mình có trước khi bạn biết nó mang lại hiệu quả.

FRANS JOHANSSON sống tại Brooklyn và là tác giả của The Click Moment và cuốn sách bán chạy trên thế giới The Medici Effect. Ông là nhà sáng tạo của công ty chiến lược đổi mới toàn cầu Medici Group, làm việc với các tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ và các chính phủ trên toàn thế giới để tạo ra sự khởi đầu mới trong một thế giới không chắc chắn.

→ www.themedicigroup.com

Bí quyết bỏ túi

Nắm bắt rủi ro

• Trân trọng khả năng thích ứng của bạn

Hãy ý thức được rằng khi thất bại, bạn sẽ thích ứng được với tình huống mới nhanh hơn nhiều so với bạn tưởng. Trong cái rủi có cái may.

• Hãy hành động để tránh nuối tiếc

Sợ thất bại không dám hành động còn nguy hiểm hơn bạn sợ chính thất bại. Phần lớn những hối tiếc lớn nhất của con người là những cơ hội mà họ không nắm bắt lấy, chứ không phải những điều mà họ đã làm.

• Đừng đặt cược tất cả

Cố gắng đặt cược nhỏ cho lần thử nghiệm, dự án hoặc ý tưởng đầu tiên của bạn. Nó rất khó đoán thứ gì sẽ thành công, và điều này sẽ hạn chế rủi ro bạn gặp phải.

• Sai sót là nguồn thông tin

Khai thác những “sai lầm” của bạn để có những dữ liệu giá trị về những gì mang lại hiệu quả và những gì không. Miễn là bạn học được từ quá trình, đó sẽ không phải là một sai lầm.

• Tiến sâu vào sự thiếu chắc chắn

Đừng sợ sống trong cái bóng của những câu hỏi lớn. Sự thiếu chắc chắn và mơ hồ là một phần tất yếu của rủi ro và quá trình sáng tạo.

• Chấp nhận nỗ lực của bạn

Tận dụng quyền lực của bạn để biến bất kỳ rủi ro nào thành thành công. Gần như bất kỳ tình huống nào cũng có thể được xoay chuyển bằng sự kiên trì và khéo léo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.