Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế
CHƯƠNG 11: NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH
Sau khi được trang bị đầy đủ các kỹ năng của Trí Nhớ Siêu Đẳng, bạn đã nắm được một yếu tố quan trọng để đạt thành tích xuất sắc. Đó là khả năng nhớ lại thông tin và số liệu trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khả năng nắm vững lý thuyết chưa đảm bảo cho bạn 10 điểm. Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém. Đó là khả năng ứng dụng lý thuyết để trả lời câu hỏi thực hành trong kỳ thi.
Đế tinh thông khả năng ứng dụng những gì được học, bạn phải phát huy một loạt kỹ năng suy nghĩ bao gồm sáng tạo, phân tích, lập luận. Chi tiết hơn, những kỹ năng suy nghĩ bạn cần phải thành thạo bao gồm:
- So sánh các dữ liệu để tìm ra sự khác nhau và giống nhau.
- Phân tích thông tin và tìm mối liên hệ giữa các thông tin với nhau.
- Xác định nguyện nhân và hệ quả.
- Lựa chọn và sắp xếp các thông tin có liên quan.
- Biết cách lập luận.
- Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
- Giải thích và phát triển ý cụ thể.
- Đánh giá độ tin cậy và tính đúng đắn của thông tin.
- Phân biệt giữa các dữ kiện, các thông tin không phải dữ kiện và các ý kiến của cá nhân.
- Đưa ra kết luận từ những bằng chứng cụ thể.
Mặc dù những kỹ năng ứng dụng này nghe có vẻ đáng sợ, bạn sẽ thành thạo chúng dễ dàng khi bạn biết cách sử dụng. Những học sinh sử dụng các kỹ năng này hiệu quả là do họ nắm được phương pháp. Một khi bạn học và nắm được những phương pháp này, bạn sẽ có thể đạt kết quả như họ.
PHƯƠNG PHÁP CỦA NGƯỜI THÔNG MINH
Quá trình suy nghĩ diễn ra từ việc đặt câu hỏi cho bản thân tới việc hình thành các mối liên kết giữa thông tin mới và thông tin cũ mà bạn đã biết. Nếu bạn đang “suy nghĩ” về những gì tôi vừa nói, bạn có thể đang tự hỏi mình rằng “Thật không? Mình có suy nghĩ bằng cách đặt câu hỏi không?” Những học sinh thông mình thường đặt các câu hỏi hữu ích. Những học sinh kém không biết đặt câu hỏi về những gì họ vừa học. Ví dụ, nếu một học sinh giỏi cần đánh giá tính xác thực của một sự việc, anh ta sẽ đánh giá bằng cách đặt câu hỏi như “Có bằng chứng nào về việc này không?”, “Nguồn gốc thông tin có đáng tin cây không?”, “Thông tin có bị làm sai lệch hoặc bị ảnh hưởng bởi ý kiến cá nhân nào không?”. Một học sinh kém không bao giờ đặt những câu hỏi hiệu quả như trên. Hơn nữa, người thông minh biết cách sử dụng hình ảnh và các công cụ liên quan đến hình ảnh như Sơ Đồ Tư Duy, biểu đồ, sơ đồ và bảng biểu giúp họ hiểu rõ, phân tích và tận dụng thông tin. Mặt khác, những người kém thông minh không biết sử dụng hình ảnh và những công cụ liên quan đến hình ảnh.
NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH
Trong bất kỳ môn học nào, cho dù là môn lịch sử, văn học, địa lý, vật lý hoặc toán học, luôn tồn tại một số phương pháp, khuôn mẫu hoặc phong cách đặt câu hỏi thông dụng trong kỳ thi. Hãy ghi nhớ, nghệ thuật ứng dụng lý thuyết vào thực hành bất kỳ môn nào cũng có bốn bước bạn phải thành thạo. Trong mỗi chương sách của từng môn bạn phải:
Bước 1: Xác định các dạng câu hỏi thường gặp.
Bước đầu tiên là bạn phải xem qua tất cả các loại câu hỏi khác nhau như câu hỏi ra thi các năm trước, câu hỏi trong sách giáo khoa, câu hỏi kiểm tra thử và bài tập trong lớp. Từ đó, bạn hãy ghi chú lại các dạng câu hỏi thông dụng thường được đặt ra. Bạn sẽ phát hiện rằng luôn luôn tồn tại một một khuôn mẫu nhất định trong cách đặt câu hỏi. Ví dụ, trong môn lịch sử, các dạng câu hỏi thông dụng gồm có:
VÍ DỤ VỀ DẠNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP TRONG MÔN LỊCH SỬ
1. Dạng Câu Hỏi Viết Luận
a. “Bạn đồng ý đến mức nào…?”
Ví dụ:
- Bạn đồng ý đến mức nào về ý kiến cho rằng Hitler giữ vững được quyền lực của mình sau năm 1933 chỉ vì ông ta đánh bại được các phe đối lập?
- “Một nhà lãnh đạo tài ba”. Bạn đồng ý đến mức nào về lời nhận xét trên về Mao Trạch Đông?
- Bạn đồng ý đến mức nào về ý kiến cho rằng phe Đồng Minh đã thiết lập một chính quyền được mọi người ủng hộ ở Nhật Bản?
b. “Bạn có nghĩ rằng…?”
Ví dụ: Bạn có nghĩ rằng Nhật Bản đã đầu hàng nếu không bị Mỹ đánh bom nguyên tử?
c. “Liệu có công bằng…?”
Ví dụ: Liệu có công bằng không khi gọi Phát-xít là một chuyên chế? Giải thích.
d. “Mô tả và cho ví dụ”
Ví dụ: Hãy mô tả và cho ví dụ về cách thức mà Phát-xít áp dụng để duy trì quyền lực chính trị.
e. “Tại sao…?”
Ví dụ:
- Tại sao Liên Xô cần cải cách sau năm 1985?
- Tại sao mối quan hệ giữa Nhật và Mỹ trở nên căng thẳng trong những năm 1930?
- Tại sao Mao tiến hành “Đại nhảy vọt”?
f. “…gì…?”
Ví dụ:
- Gorbachev đã dùng những chính sách gì để cải cách Liên Xô?
- Chính quyền Nhật đã có những hiệp ước gì sau Chiến tranh thế giới thứ hai?
- Mao đã đối đầu với những vấn đề gì trong khi tiến hành các chính sách ở Trung Quốc?
2. Dạng Câu Hỏi Dựa Vào Nguồn Gốc Dữ Liệu
a. “Bạn hãy cho biết lý do tại sao ông ta nói như vậy?” hoặc “Bạn nghĩ ông ta có ý gì khi nói như vậy…?”
Ví dụ:
- Bạn hãy cho biết lý do tại sao Winston Churchill phát biểu với nhân dân Hoa Kỳ như vậy vào tháng 1 năm 1946.
- Bạn nghĩ Liên Xô có ý gì khi họ nói rằng khủng hoảng ở Berlin đã được “lên kế hoạch ở Washington”?
b. “Hai nguồn thông tin này giống nhau ở điểm nào…?
Ví dụ: Hai nguồn thông tin xác nhận Hiệp ước Vẹc-xây (Versailles) này giống nhau ở điểm nào?
c. “Tác giả cảm thấy như thế nào…?”
Ví dụ:
- Tác giả của đoạn trích trên cảm thấy như thế nào về Hiệp ước Vẹc-xây? Giải thích.
- Tác giả của đoạn trích trên chỉ trích ai về sự bất công trong Hiệp ước Vẹc-xây?
- Đoạn văn trên cho bạn thấy được gì về thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc năm 1931?
d. “Thông tin trên có ích như thế nào trong việc …?”
Ví dụ:
- Liệu thông tin này có chứng minh được rằng Liên hiệp quốc là một thành công? Cho biết lý do.
- Thông tin này đã chứng minh được gì về việc chủ nghĩa quân phiệt dậy lên ở Nhật Bản vào những năm 1930?
e. “Ý kiến của tác giả về …?”
Ví dụ: Ý kiến của tác giả như thế nào về thất bại của Gorbachev?
f. “Thông tin này cho thấy… Bạn có đồng ý không?”
Ví dụ: Thông tin này cho thấy các yếu tố kinh tế là nguyên nhân duy nhất gây ra sự sụp đổ của Liên Xô. Bạn có đồng ý không?
Bước 2: Xác định các kỹ năng suy nghĩ tương ứng.
Bạn sẽ phát hiện mỗi dạng câu hỏi như “Thông tin trên có hữu ích như thế nào trong việc…?” hoặc “Bạn đồng ý đến mức độ nào về việc…?” yêu cầu các kỹ năng suy nghĩ khác nhau. Do đó, đối với từng dạng câu hỏi, bạn hãy xác định kỹ năng suy nghĩ cần thiết cho từng câu trả lời.
Ví dụ, trong tất cả câu hỏi dạng “Bạn đồng ý đến mức nào về việc…?”, người ra đề muốn kiểm tra các kỹ năng suy nghĩ sau đây của bạn:
- Khả năng lựa chọn thông tin liên quan để chứng minh các điểm đúng và điểm sai.
- Khả năng trình bày hai quan điểm cụ thể.
- Khả năng đánh giá dựa trên các chứng cứ hiện hữu.
Bước 3: Áp dụng phương pháp đạt điểm tối đa trong mỗi dạng câu hỏi.
Mỗi dạng câu hỏi đòi hỏi một phương pháp cụ thể giúp bạn đạt điểm tối đa. Do đó, bước tiếp theo là bạn phải học các dạng trả lời câu hỏi tương ứng với từng dạng câu hỏi. Bạn có thể học cách trả lời thông qua thầy cô hoặc các bài giải mẫu.
Nói tóm lại, bạn cần ghi chú tất cả các dạng câu hỏi thông dụng cho từng môn học. Trong từng dạng câu hỏi, tìm hiểu những kỹ năng suy nghĩ cần có và các phương pháp trả lời tương ứng để đạt điểm tối đa. Cuối cùng, hãy thực hành một vài ví dụ của từng dạng câu hỏi.
NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH TRONG MÔN TOÁN VÀ CÁC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Tôi nhận thấy việc ứng dụng lý thuyết vào thực hành trong môn toán và các môn khoa học tự nhiên không phức tạp. Lý do là vì thường chỉ có một câu trả lời chính xác cho mỗi câu hỏi.
Nhiều học sinh tự rèn luyện mình bằng cách trả lời các câu hỏi trong đề thi các năm trước hoặc các câu hỏi bài tập. Tuy nhiên, họ vẫn gặp khó khăn trước các câu hỏi mới mẻ rắc rối, mặc dù họ đã thực tập trả lời rất nhiều câu hỏi.
Bạn phải chuẩn bị như thế nào để đến khi vào phòng thi, bạn có thể giải quyết bất kỳ dạng câu hỏi có khả năng ra thi nào? Cho dù người ra đề thi uốn éo, vặn vẹo câu hỏi như thế nào, bạn vẫn có thể trả lời được. Để đạt được điều đó, bạn cần có một phương pháp khác hệ thống hơn.
CÙNG MỘT VẤN ĐỀ NHƯNG CÓ HÀNG NGÀN CÁCH ĐẶT CÂU HỎI
Trong các môn học dựa trên khoa học như toán học, vật lý, hóa học, tôi tin rằng trong mỗi chương sách hoặc mỗi khái niệm mà bạn được dạy, luôn tồn tại một số cách đặt câu hỏi nhất định. Chúng ta hãy gọi tổng số cách đặt câu hỏi nhất định này là số N.
Hãy trình bày việc này một cách đơn giản. Giả sử bạn được dạy một khái niệm vật lý là Lực = Khối lượng x Gia tốc (F = ma). Bạn chỉ có thể gặp một số dạng câu hỏi nhất định về khái niệm này. Đó là:
Dạng câu hỏi 1: Biết Khối Lượng và Gia Tốc, tính Lực.
Dạng câu hỏi 2: Biết Khối Lượng và Lực, tính Gia tốc.
Dạng câu hỏi 3: Biết Lực và Gia tốc, tính Khối lượng.
Đây thật là một tin tốt lành đối với học sinh. Trong mỗi chương sách, bạn cần phải tìm ra tất cả các cách tổng hợp câu hỏi khác nhau (bước 1). Sau đó đối với từng dạng câu hỏi, bạn phải tìm hiểu các bước trả lời câu hỏi (bước 2). Một khi bạn đã biết các bước giải quyết từng dạng câu hỏi, việc tiếp theo để ghi nhớ các bước này là thực hành trả lời mỗi dạng câu hỏi ít nhất ba lần (bước 3). Chúng ta hãy cùng thảo luận kỹ hơn về ba bước này.
Bước 1: Thu thập.
Thu thập tất cả các dạng câu hỏi khác nhau khả thi trong từng chương. Tổng số dạng câu hỏi này luôn là một số nhất định.
Bạn có thể tìm thấy tất cả dạng câu hỏi từ các đề thi năm trước, sách bài tập, bài kiểm tra thử, và từ các trường khác đặc biệt là các trường giỏi nếu cần thiết. Bạn sẽ biết được là mình đã tìm đủ các dạng câu hỏi khi không thể tìm ra dạng nào nữa.
Bước 2: Tìm hiểu các bước giải quyết câu hỏi.
Đối với từng dạng câu hỏi thu thập được, bạn phải tìm ra các bước cần thiết để trả lời chúng. Bạn sẽ phát hiện ra trong từng dạng câu hỏi cụ thể, các bước giải quyết luôn giống nhau mặc dù dữ kiện có thể khác nhau.
Bước 3: Ghi nhớ các bước bằng thực hành.
Cuối cùng, bạn phải thực hành các bước trả lời cho từng dạng câu hỏi ít nhất ba lần. Vậy thì tại sao có nhiều học sinh chăm chỉ thực hành hàng trăm câu hỏi mà vẫn lúng túng khi gặp các câu hỏi trong kỳ thi? Lí do là vì họ không sử dụng kỹ năng vừa đề cập bên trên mà chỉ thực hành các bài tập một cách ngẫu nhiên. Tôi sẽ giải thích vấn đề này bằng ví dụ minh họa bên dưới. Trong một chương sách (giả sử thôi gọi là chương X), bạn sẽ tìm được một tổng số dạng câu hỏi nhất định là N gọi là: X1, X2, X3,…, Xn (minh họa bên dưới). Mỗi dạng câu hỏi yêu cầu các bước hoặc kỹ năng giải quyết cụ thể. Ví dụ: trong phần toán sơ cấp (giải phương trình), y = x, y = x2, y = x3, y = x4,… là các dạng câu hỏi khác nhau yêu cầu các bước hoặc công thức khác nhau để giải. Thêm vào đó, bạn sẽ thấy rằng khi từng dạng câu hỏi (ví dụ X1) có rất nhiều biến thể khác nhau trong cách ra đề thi: X1a, X1b, X1c, X1d, X1e… Nhiều biến thể của một dạng câu hỏi được tạo ra bằng cách thay đổi số liệu liên quan. Ví dụ: y = 2x, y = 2x + 1, y =2x + 2, y = 3x, 2y = 10x… là các biến thể khác nhau của y = x. Có bao nhiêu biến thể của cùng một dạng câu hỏi? Câu trả lời là vô hạn! Tuy nhiên, tất cả các biến thể của cùng một dạng câu hỏi có thể được giải quyết bằng cách sử dụng một công thức hoặc các bước giống nhau. Nếu bạn có thể giải quyết một biến thể (ví dụ X1a), bạn có thể giải quyết được tất cả các biến thể còn lại.
THÊM PHẠM VI VÀ BIẾN THỂ
Trong khoảng thời gian ôn bài có hạn, làm thế nào để bạn có thể thành thạo tất cả các dạng câu hỏi ra thi? Câu trả lời là bạn chỉ cần thực hành mỗi dạng câu hỏi ít nhất ba lần. Nói cách khác, bạn chỉ cần thực hành cách giải quyết X1, X2, X3,…, Xn. Lý do là khi bạn có thể trả lời X1, bạn có thể giải quyết tất cả các biến thể của X1 như X1a, X1b, X1c và cứ thế. Ví dụ: nếu bạn giải được y = x + 3, bạn cũng có thể giải được y = x + 10, y = 2x + 4, y = 3x + 3… Vấn đề nằm ở chỗ là đa số học sinh lãng phí thời gian cho việc thực tập hàng trăm câu hỏi mà thực ra đó chỉ là các biến thể của một vài dạng câu hỏi giống nhau. Do thời gian có giới hạn, họ không thể ôn hết tất cả các dạng câu hỏi từ X1 đến Xn vì họ lãng phí nhiều thời gian vào các biến thể, trong khi họ chỉ cần nắm vững dạng câu hỏi là đủ. Giả sử vì lý do đó, họ không ôn được đến X6. Nếu trong đề thi xuất hiện dạng câu hỏi X6, họ sẽ gặp khó khăn. Rõ ràng, vấn đề không phải là bạn thực tập bao nhiêu câu hỏi, mà là bạn thành thạo bao nhiêu dạng câu hỏi.
MỘT VÍ DỤ VỀ VẬT LÝ: TỐC ĐỘ, VẬN TỐC VÀ GIA TỐC
Chúng ta hãy cùng lấy một ví dụ từ môn vậy lý cấp hai. Nếu bạn đã học về tốc độ, vận tốc và gia tốc, bạn sẽ phát hiện là có hai mươi dạng câu hỏi khác nhau. Dưới đây, tôi liệt kê tất cả hai mươi dạng câu hỏi và xếp loại chúng theo dạng câu hỏi dựa trên công thức và dạng câu hỏi dựa trên đồ thị.
TỐC ĐỘ, VẬN TỐC VÀ GIA TỐC
Từ công thức v = d/t (v là vận tốc, d là quãng đường, t là thời gian)
1. Cho biết d và t, tìm v.
2. Cho biết v và t, tìm d.
3. Cho biết v và d, tìm t.
Từ công thức a = (v-u)/t (v là vận tốc cuối, u vận tốc đầu, a là gia tốc và t là thời gian)
1. Cho biết v, u và t, tìm a.
2. Cho biết v, u và a, tìm t.
3. Cho biết a, t và u, tìm v.
4. Cho biết a, t và v, tìm u.
Từ đồ thị quãng đường-thời gian
1. Cho biết t, tìm d.
2. Cho biết d, tìm t.
3. Cho biết t, tìm v (gradient của đường chéo).
4. Cho biết v (gradient của đường chéo), tìm t.
Từ đồ thị vận tốc-thời gian
1. Cho biết t, tìm v.
2. Cho biết v, tìm t.
3. Cho biết t, tìm gia tốc a (gradient của đường chéo).
4. Cho biết a (gradient của đường chéo), tìm t.
5. Cho biết v1, v2, t1, t2, tìm d (vùng bên dưới đồ thị).
6. Cho biết v1, d (vùng bên dưới đồ thị), t1, t2, tìm v2.
7. Cho biết d (vùng bên dưới đồ thị), v2, t1, t2, tìm v1.
8. Cho biết v1, v2, d (vùng bên dưới đồ thị), t2, tìm t1.
9. Cho biết v1, v2, t1, d (vùng bên dưới đồ thị), tìm t2.
Bước tiếp theo là tìm các bước giải quyết từng dạng câu hỏi trong hai mươi dạng kể trên. Cuối cùng, thực hành từng dạng câu hỏi ít nhất ba lần.
Xin chúc mừng bạn! Bạn đã hoàng tất phần Phương Pháp học Hiệu Quả. Bằng việc áp dụng thành thạo các phương pháp học tôi vừa đề cập tới, bạn sẽ được trang bị đầy đủ vũ khí đánh bại bất kỳ câu hỏi khó nào. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang một chủ đề hết sức thú vị…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.