Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế
CHƯƠNG 7: SƠ ĐỒ TƯ DUY (MY MAPPING)
CÔNG CỤ GHI NHỚ TỐI ƯU
Chào mừng bạn đến với chương 7. Xin chúc mừng bạn vì đã giành thời gian đọc đến chương này. Việc bạn nỗ lực hoàn tất sáu chương vừa qua chứng tỏ rằng bạn coi trọng việc đạt được những thành công trong cuộc sống. Tôi muốn bạn biết rằng các cuộc khảo sát cho thấy 80% những người mua sách không bao giờ đọc hết chương đầu tiên. Thật là lãng phí khủng khiếp. Một lần nữa, những người này là những người “THÍCH ĐƯỢC” thành công nhưng không sẵn sàng làm tất cả mọi việc để thành công. Vậy thì, hãy tự chúc mừng bạn một lần nữa, và cùng bắt đầu khám phá Chương 7 đầy thú vị.
Bạn vừa được học phương pháp đọc hiệu quả, cách thu thập những ý chính và từ khóa trong sách giáo khoa, tài liệu môn học. Bạn cần sử dụng chúng để ghi chú một cách hiệu quả, dễ nhớ nhất.
GHI CHÚ: BÍ QUYẾT CỦA NHỮNG ĐIỂM 10
Sau khi tìm hiểu hàng ngàn học sinh giỏi, tôi phát hiện ra một kỹ năng chung mà họ sử dụng trong học tập. Đó là việc họ luôn ghi chú theo nhiều cách phù hợp với từng cá nhân. Nhiều học sinh nói với tôi rằng những ghi chú này nắm giữ bí quyết thành công của họ. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói rằng ghi chú giúp họ sắp xếp kiến thức theo một cách riêng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ghi chú cũng giúp họ giảm thời gian ôn bài vì trong đó chỉ chứa đựng những thông tin quan trọng họ cần phải nhớ.
Nói một cách khác, có ba lí do chính tại sao bạn phải ghi chú:
- Ghi chú giúp bạn tiết kiệm thời gian.
- Chi chú giúp bạn tăng khả năng nhớ bài.
- Ghi chú giúp bạn hiểu bài tốt hơn.
PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ TRUYỀN THỐNG CÓ PHẢI LÀ TỐT NHẤT?
Sau khi xem qua các ghi chú của rất nhiều học sinh, tôi khám phá ra rằng 95% học sinh ghi chú theo kiểu truyền thống. Ghi chú theo kiểu truyền thống là ghi chú thành từng câu, thường từ trái sang phải. Có hai dạng ghi chú kiểu truyền thống cơ bản.
Dạng 1:
Dạng đầu tiên của ghi chú kiểu truyền thống được tạo ra từ các đoạn văn trong sách. Dạng ghi chú này giống như một quyển sách thứ hai nhưng khác một chỗ là nó chỉ tổng hợp các khái niệm quan trọng.
Dạng 2
Cách thức ghi chú kiểu truyền thống thứ hai thường được gọi là viết dưới dạng nhiều phần mục. Ở dạng này, các đoạn văn hoặc các câu văn ngắn được đánh số và sắp xếp theo trình tự. Mỗi câu văn chứa đựng một ý chính liên quan cần được học.Ví dụ:
“BA TRẠNG THÁI VẬT CHẤT
I. Ở trạng thái rắn
1. Phân tử được sắp xếp sát nhau, tạo thành một hình dạng cụ thể.
2. Lực hút giữa các phân tử giữ chúng tại vị trí cố định.
3. Phân tử dao động xung quanh vị trí đó.
II. Ở trạng thái lỏng
1. Các phân tử không được sắp xếp theo một hình dạng cụ thể và nằm cách xa nhau.
2. Phân tử không được giữ cố định tại chỗ.
3. Phân tử có thể di chuyển xung quanh. Do đó, chất lỏng có thể chảy.
III. Ở dạng khí
1. Các phân tử nằm cách nhau rất xa.
2. Phân tử di chuyển với tốc độ cao và va chạm vào nhau.”
Mặc dù phương pháp ghi chú kiểu truyền thống là phương pháp chúng ta được dạy và được hầu hết (95%) các học sinh sử dụng, chúng ta phải tự hỏi liệu phương pháp này có thật sự hiệu quả không. Thực tế chứng minh rằng, khi tất cả mọi người cùng làm theo một cách nào đó, không có nghĩa đó là cách tốt nhất.
NHỮNG BẤT LỢI CỦA PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ TRUYỀN THỐNG
Xin phép được hỏi bạn một câu. Số học sinh đạt điểm 10 thường xuyên là 5% hay 95% tổng số học sinh? Câu trả lời là 5%, phần thiểu số. Số học sinh gặp khó khăn trong 5% hay 95%? Câu trả lời là 95%, phần đa số – những học sinh này thường cảm thấy việc học khó khăn, nhàm chán. Rất rõ ràng, những việc đa số mọi người làm không có vẻ đem lại hiệu quả. Để đạt thành tích xuất sắc, chúng ta phải làm việc mà đa số mọi người không làm. Chúng ta biết rằng các học sinh giỏi ghi chú với mục đích tiết kiệm thời gian, nhớ bài và hiểu bài tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp họ đạt những mục đích ấy?
- Phương pháp ghi chú truyền thống có giúp bạn tiết kiệm thời gian không? Không!
Liệu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp bạn cắt giảm những khoảng thời gian không cần thiết và tiết kiệm hầu hết thời gian không? Câu trả lời là không. Mặc dù kiểu ghi chú truyền thống giúp bạn chắt lọc thông tin trong sách, kiểu ghi chú này vẫn chứ đựng những từ thứ yếu giúp tạo thành câu văn hoàn chỉnh nhưng lại không cần thiết cho việc học của bạn (chiếm 60-80% tổng số từ). Vậy thì 60-80% thời gian học và cả trí nhớ của bạn vẫn bị lãng phí khi ghi chú kiểu truyền thống.
- Phương pháp ghi chú kiểu truyền thống có giúp bạn nhớ bài tốt nhất không? Không!
Câu hỏi quan trọng tiếp theo là liệu phương pháp ghi chú truyền thống có giúp bạn nhớ bài tốt nhất không? Nếu chúng thật sự đem lại lợi ích như vậy, tất cả học sinh đã không gặp khó khăn trong việc nhớ bài nữa. Chúng ta đều biết việc này trên thực tế là chưa bao giờ xảy ra. Ở Chương 8: Trí Nhớ Siêu Đẳng Dành Cho Từ, tôi sẽ phác thảo trình bày nguyên tắc để có một Trí Nhớ Siêu Đẳng. Các nguyên tắc này bao gồm liên tưởng, hình dung, làm nổi bật sự việc, sử dụng màu sắc, suy luận, sử dụng âm điệu và trí tưởng tượng. Trong khi đó, phương pháp ghi chú kiểu truyền thống không hề sử dụng bất kỳ một nguyên tắc nào được nhắc đến ở trên.
Ghi chú kiểu truyền thống không hề có hình vẽ cho bạn hình dung. Ghi chú kiểu truyền thống không thể hiện sự khác nhau giữa các điểm chính trong bài mà chỉ đơn thuần là liệt kê các điểm đó. Ghi chú kiểu truyền thống không làm nổi bật thông tin. Ngược lại, ghi chú này thể hiện thông tin một cách nhàm chán đơn điệu.
Ghi chú kiểu truyền thống sử dụng rất ít màu sắc. Hầu hết các ghi chú đều được viết bằng mực đen hoặc xanh.
Ghi chú kiểu truyền thống không mang tính suy luận. Bạn không thể nắm được thông tin tổng quát ngay từ phút đầu tiên bạn đọc phần ghi chú.
Ghi chú kiểu truyền thống không tận dụng được trí tưởng tượng của bạn chút nào.
Không có gì là khó hiểu khi hầu hết các học sinh than phiền trí nhớ của họ rất kém. Lý do là vì ghi chú của họ không tận dụng được sức mạnh thật sự tiềm ẩn bên trong trí nhớ của họ.
- Phương pháp ghi chú truyền thống có giúp bạn tối ưu hóa sức mạnh não bộ không? Không!
Ở chương mục nói về não bộ, chúng ta đã đề cập tới việc các thiên tài có khả năng đạt những thành tích xuất chúng là vì họ tận dụng được cả hai bán cầu não cùng một lúc. Đáng tiếc, phương pháp ghi chú kiểu truyền thống là một cách thức học tập dành cho não trái. Nó không tận dụng được các chức năng của não phải và do đó không tối ưu hóa sức mạnh não bộ của bạn.
SƠ ĐỒ TƯ DUY: CÔNG CỤ GHI CHÚ TỐI ƯU
Nếu phương pháp ghi chú kiểu truyền thống không hiệu quả như chúng ta thường nghĩ, vậy một công cụ ghi chú hiệu quả phải như thế nào? Câu trả lời là: một công cụ ghi chú hiệu quả phải tận dụng được những từ khóa cũng như các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Với cách ghi chú như thế, cả não trái lẫn não phải, hay phần lớn công suất của não bộ sẽ được huy động triệt để nhằm mang lại hiệu quả tối ưu.
Nguyên tắc chí nhớ siêu đẳng + Từ khóa + Não phải = Sơ đồ tư duy.
Sơ Đồ Tư Duy (phát minh bởi Tony Buzan) chính là công cụ ghi chú tuyệt vời giúp bạn đạt được tất cả những yếu tố trên. Đó chính là lý do tại sao Sơ Đồ Tư Duy được gọi là công cụ ghi chú tối ưu.
LỢI ÍCH CỦA SƠ ĐỒ TƯ DUY
Nếu bạn nhìn kỹ Sơ Đồ Tu Duy, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi phát hiện ra nó bao hàm kiến thức từ mười trang sách giáo khoa. Nhờ vào việc tận dụng những từ khóa và hình ảnh sáng tạo, một khối lượng kiến thức như thế được ghi chú hết sức cô đọng trong một trang giấy, mà không bỏ sót bất kỳ một thông tin quan trọng nào. Tất cả những thông tin cần thiết để đạt điểm cao trong kì thi vẫn được lưu giữ nguyên vẹn từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Hình vẽ minh họa bên dưới là một ví dụ của Sơ Đồ Tư Duy về “Tác động của thời tiết” một chương học trong sách giáo khóa địa lý (Singapore). Chúng ta hãy cùng so sánh và phân tích các ưu điểm của việc ghi chú theo kiểu này.
Sơ Đồ Tư Duy giúp bạn tiết kiệm thời gian vì nó chỉ tận dụng các từ khóa.
Nếu bạn nhìn kỹ Sơ Đồ Tu Duy về “tác động của thời tiết” phía trên, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi phát hiện ra nó bao hàm kiến thức từ mười trang sách giáo khoa. Nhờ vào việc tận dụng những từ khóa và hình ảnh sáng tạo, một khối lượng kiến thức như thế được ghi chú hết sức cô đọng trong một trang giấy, mà không bỏ sót bất kỳ một thông tin quan trọng nào. Tất cả những thông tin cần thiết để đạt điểm cao trong kì thi vẫn được lưu giữ nguyên vẹn từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Ví dụ, khi nhìn vào Sơ Đồ Tư Duy về “tác động của thời tiết” ở phía trên, bạn có thể thấy rằng: định nghĩa “tác động cơ học” của thời tiết là việc những khối đá lớn bị vỡ ra thành những khối đá nhỏ hơn khi chịu tác động từ một lực vật lí. Định nghĩa dài này được giảm lại chỉ còn 1/3 trong Sơ Đồ Tư Duy.
Bạn có thể tưởng tượng bạn có bao nhiêu lợi thế so với bạn bè không? Khi cần phải ôn bài trước ngày thi, bạn có thể ôn lại toàn bộ chương sách dài hai mươi trang chỉ bằng việc ôn lại 2-3 trang Sơ Đồ Tư Duy. Bạn của bạn có thể phải mất một tiếng để hoàn tất việc ôn lại cùng một chương sách mà vẫn có thể bỏ sót thông tin, trong khi bạn chỉ cần hai mươi phút để ôn lại toàn bộ kiến thức một cách hoàn chỉnh.
Sơ Đồ Tư Duy tận dụng được các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng.
Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng, ngoài việc tận dụng các từ khóa, Sơ Đồ Tư Duy còn tận dụng được các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng, và nhờ đó tăng khả năng tiếp thu và nhớ bài của bạn.
Sự hình dung.
Sơ Đồ Tư Duy có rất nhiều hình ảnh để bạn hình dung về kiến thức cần nhớ. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Đối với não bộ, Sơ Đồ Tư Duy giống như một bức tranh lớn đầy hình ảnh, màu sắc phong phú hơn là một bài học khó khăn, nhàm chán.
Sự liên tưởng.
Sơ Đồ Tư Duy hiển thị sự liên kết giữa các ý tưởng một cách rất rõ ràng. Ví dụ, bạn có thể nhìn thấy ngay “tác động thời tiết” bao gồm ba loại tác động (“Tác động bóc mòn”,”Tác động cơ học”,”Tác động hóa học”.) và “Mức độ tác động”.
Bạn cũng có thể thấy ngay lập tức “Tác động cơ học” của thời tiết có hai ý chính. Đó là “Định nghĩa tác động cơ học” và “Các loại tác động cơ học”.
Làm nổi bật sự việc.
Thay cho những từ tẻ nhạt đơn điệu. Sơ Đồ Tư Duy cho phép bạn làm nổi bật các ý tưởng trọng tâm bằng việc sử dụng những màu sắc, kích cỡ, hình ảnh đa dạng. Hơn nữa, việc Sơ Đồ Tư Duy dùng rất nhiều màu sắc khiến bạn phải vận dụng trí tưởng tượng sáng tạo đầy phong phú của mình. Nhưng đây không chỉ là một bức tranh đầy màu sắc sặc sỡ thông thường, Sơ Đồ Tư Duy giúp bạn tạo ra một bức tranh mang lý luận, liên kết chặt chẽ về những gì bạn được học.
Sơ Đồ Tư Duy sử dụng cả hai bán cầu não cùng một lúc.
Một lần nữa, xin được nhấn mạnh rằng: Sơ Đồ Tư Duy thật sự giúp bạn tận dụng các chức năng của não trái lẫn não phải khi học. Đây chính là công cụ học tập tận dụng được sức mạnh của cả bộ não. Nếu vận dụng đúng cách, nó sẽ hoàn toàn giải phóng năng lực tiềm ẩn trong bạn, đưa bạn lên một đẳng cấp mới, đẳng cấp của một tài năng thực thụ hay thậm chí của một thiên tài.
CÁC BƯỚC VẼ SƠ ĐỒ TƯ DUY
Bây giờ thì bạn đã hiểu được sức mạnh của Sơ Đồ Tư Duy, vậy làm sao bạn có thể vẽ được Sơ Đồ Tư Duy một cách tối ưu nhất? Ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn phương pháp vẽ Sơ Đồ Tư Duy theo từng bước và các quy tắc trong cách vẽ.
Nhằm mục đích minh họa, giả sử bạn muốn vẽ một Sơ Đồ Tư Duy về chính bản thân bạn. Giả sử bạn tên Nam, chủ đề của Sơ Đồ Tư Duy sẽ là “Nam”.
- BƯỚC 1: Vẽ chủ đề ở trung tâm.
Bước đầu tiên trong việc tạo ra một Sơ Đồ Tư Duy là vẽ chủ đề ở trung tâm trên một mảnh giấy (đặt nằm ngang).
Quy tắc vẽ chủ đề:
Bạn cần phải vẽ chủ đề ở trung tâm để từ đó phát triển ra các ý khác. Bạn có thể tự do sử dụng tất cả màu sắc mà bạn thích. Bạn không nên đóng khung hoặc che chắn mất hình vẽ chủ đề vì chủ đề cần được làm nổi bật dễ nhớ. Bạn có thể bổ sung từ ngữ vào hình vẽ chủ đề nếu chủ đề không rõ ràng. Một bí quyết vẽ chủ đề là chủ đề nên được vẽ to cỡ hai đồng xu “5000 đồng”.
Trong ví dụ này, chủ đề là “Nam”, nên bạn có thể vẽ một ảnh đại diện “Nam”.
- BƯỚC 2: Vẽ thêm các tiêu đề phụ.
Bước tiếp theo là vẽ thêm các tiêu đề phụ vào chủ đề trung tâm.
Quy tắc vẽ tiêu đề phụ:
1. Tiêu đề phụ nên được viết bằng CHỮ IN HOA nằm trên các nhánh dày để làm nổi bật.
2. Tiêu đề phụ nên được vẽ gắn liền với trung tâm.
3. Tiêu đề phụ nên được vẽ theo hướng chéo góc (chứ không nằm ngang) để nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng.
Trong ví dụ này, chúng ta có thể vẽ thêm bốn tiêu đề phụ như “Tính cách”, “Gia đình”, “Trường học”, và “Mục tiêu”.
- BƯỚC 3: Trong từng tiêu đề phụ, vẽ thêm các ý chính và các chi tiết hỗ trợ.
Quy tắc vẽ ý chính và chi tiết hỗ trợ:
1. Chỉ nên tận dụng các từ khóa và hình ảnh.
2. Bất cứ lúc nào có thể, bạn hãy dùng những biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian vẽ và thời gian. Mọi người ai cũng có cách viết tắt riêng cho những từ thông dụng. Bạn hãy phát huy và sáng tạo thêm nhiều cách viết tắt cho riêng bạn. Đây là một số cách viết tắt tôi thường xuyên sử dụng.
Hình vẽ
Không có: X có
Suy ra: =>
Tăng lên / Giảm xuống: ↑ / ↓
Lớn hơn / nhỏ hơn: > / <
Mỗi từ khóa / hình ảnh nên được vẽ trên một đoạn gấp khúc riêng trên nhánh. Trên mỗi khúc nên chỉ có tối đa một từ khóa. Việc này giúp cho nhiều từ khóa mới và những ý khác được nối thêm vào các từ khóa sẵn có một cách dễ dàng (bằng cách vẽ nối ra từ một khúc). Tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm. Tất cả các nhánh tỏa ra từ một điểm (thuộc cùng một ý) nên có cùng một màu. Chúng ta thay đổi màu sắc khi đi từ một ý chính ra đến các ý phụ cụ thể hơn.
Trong ví dụ này, chúng ta thêm các ý chính vào các tiêu đề phụ như sau:
Ví dụ, trong tiêu đề phụ “Tính cách”, bốn ý chính được thêm vào là “Rộng rãi”, “Hóm hỉnh”, “bướng bỉnh”, “Kiên Quyết”.
Một điều quan trọng cần nhớ là Sơ Đồ Tư Duy không phải dùng tóm tắt một chương sách. Sơ Đồ Tư Duy không chỉ bao hàm những ý chính mà còn chứa đựng tất cả những chi tiết hỗ trợ quan trọng khác. Thêm các chi tiết hỗ trợ phụ, bạn sẽ thấy.
- BƯỚC 4: Ở bước cuối cùng này, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay bổng.
Bạn có thể thêm nhiều hình ảnh nhằm giúp các ý quan trọng thêm nổi bật, cũng như giúp lưu chúng vào trí nhớ của bạn tốt hơn.
CẤU TRÚC SƠ ĐỒ TƯ DUY
Một cách điển hình, Sơ Đồ Tư Duy có cấu trúc như sau:
DÒNG CHẢY THÔNG TIN
Xin lưu ý rằng không giống như cách viết thông thường, Sơ Đồ Tư Duy không xuất phát từ trái sang phải mà từ trên xuống dưới theo kiểu truyền thống.
Thay vào đó, Sơ Đồ Tư Duy được vẽ, viết và đọc theo hướng bắt nguồn từ trung tâm di chuyển ra phía ngoài và sau đó là theo chiều kim đồng hồ. Do đó, bạn sẽ thấy các từ ngữ nằm bên trái Sơ Đồ Tư Duy nên được đọc từ phải sang trái (bắt đầu từ phía trong di chuyển ra ngoài). Các mũi tên xung quanh Sơ Đồ Tư Duy bên dưới chỉ ra cách đọc thông tin trong sơ đồ. Các số thứ tự cũng là một cách hướng dẫn khác.
Bốn kết cấu chính 1, 2, 3, 4 trong Sơ Đồ Tư Duy phía trên được gọi là nhánh chính. Sơ Đồ Tư Duy này có bốn nhánh chính vì nó có bốn tiêu đề phụ. Số tiêu đề phụ là số nhánh chính. Đồng thời, các nhánh chính của Sơ Đồ Tư Duy được đọc theo chiều kim đồng hồ, bắt nguồn từ nhánh 1 đến nhánh 2, rồi nhánh 3, và cuối cùng là nhánh 4. Bạn hãy tham khảo các mũi tên màu đen trong hình vẽ.
Tuy nhiên, các từ khóa được viết và đọc theo hướng từ trên xuống dưới trong cùng một nhánh chính. Bạn hãy tham khảo các mũi tên màu xanh trong hình vẽ.
SỨC MẠNH CỦA SƠ ĐỒ TƯ DUY: BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bây giờ bạn đã hiểu các bước cơ bản và các quy tắc trong việc phát triển Sơ Đồ Tư Duy. Sau đây, bạn sẽ được hướng dẫn qua một quá trình ghi chú một trang sách cơ bản thành một Sơ Đồ Tư Duy đơn giản. Chúng ta sẽ dùng chủ đề “Ba dạng vật chất” trong một bài học vật lý. Bằng cách này, tôi sẽ cho bạn thấy tác dụng của Sơ Đồ Tư Duy trong việc giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhớ bài và hiểu bài hiệu quả hơn.
Trước khi bắt đầu tiến trình vẽ Sơ Đồ Tư Duy, tôi muốn thử nghiệm sự khác biệt giữa việc học từ Sơ Đồ Tư Duy so với việc học từ cách ghi chú theo kiểu truyền thống. Ngay bây giờ, bạn hãy đọc đoạn văn bên dưới về chủ đề “Ba dạng vật chất” theo cách bình thường mà bạn vẫn đọc (không sử dụng cách đọc hiệu quả).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.