Trí Thông Minh Thực Dụng

Chương 15: Sự Linh Hoạt



“Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ không phát triển. Nếu chúng ta không phát triển, chúng ta không sống thật sự.”

– GAIL SHEEHY, NHÀ VĂN –

Thế giới của chúng ta không ngừng thay đổi với tốc độ ngày càng tăng. Một số nhà khoa học xã hội gần đây băn khoăn rằng, liệu khả năng thay đổi của con người có giới hạn không, và nếu có, chúng ta có đạt được tới giới hạn đó hay không. Với một số người, sự thay đổi này đem lại cơ hội rộng mở và chúng ta chào đón nó bước vào cuộc đời mình.

Chúng ta thường bắt lấy sự thay đổi nếu thấy có thể kiểm soát được nhịp độ và chắc chắn có lợi nhờ thay đổi đó. Nhiều người mua vé số vì nghĩ rằng họ có cơ hội đột nhiên trở nên giàu có và có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống của họ. Họ hình dung ra tất cả những điều họ sẽ làm nếu họ có thể bỏ việc và theo đuổi giấc mơ của mình. Họ hình dung là họ có thể kiểm soát sự thay đổi và thay đổi này sẽ là tích cực.

Tuy nhiên, thực tế là hầu hết mọi người đều không được chuẩn bị khi đột nhiên họ có rất nhiều tiền, vì họ không thể thay đổi được việc họ là ai. Phần lớn những người trúng số độc đắc đều có nền tảng là giai cấp công nhân. Nếu họ mua một ngôi nhà lớn ở một khu dân cư mới toàn những người giàu thì họ sẽ nhận ra rằng mình không có điểm gì chung với những người hàng xóm mới. Quen với việc đi lại, chi tiêu với ngân sách có hạn, họ thấy rằng mình xa lạ với giai cấp lắm tiền bất kỳ khi nào họ đi lại theo phong cách xa xỉ. Nếu vẫn làm công việc cũ, họ thường bị đồng nghiệp chế giễu vì vẫn đi làm và luôn bị trông đợi trả tiền ăn trưa cho mọi người. Họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong việc quản lý số của cải họ mới có được. Không mấy ngạc nhiên khi rất nhiều người trúng số độc đắc cuối cùng nói rằng, họ ước chuyện đó chưa bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, những người khác lại sợ sự thay đổi và ước có thể làm chậm tốc độ hoặc chấm dứt hoàn toàn sự thay đổi. Thông thường mọi người cưỡng lại, phủ nhận và tránh né thay đổi nếu họ chỉ nhìn thấy nó sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của họ. Sụt giảm kinh tế, chiến tranh và thảm họa thiên nhiên là những thay đổi khiến mọi người sợ hãi nhất. Bất chấp vậy, tốc độ thay đổi không vì thế mà chậm lại. Ngày nay, hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử, thành công được xác định bởi khả năng linh hoạt của chúng ta. Chúng ta liên tục bị buộc phải thay đổi để phù hợp với các tình huống và hoàn cảnh không được báo trước. Những người chào đón sự thay đổi luôn tìm kiếm những điều tích cực đi kèm với nó. Trong khi không bỏ qua các khía cạnh tiêu cực, họ lựa chọn tập trung vào điều tích cực. Như một triết gia người Trung Quốc nói sau khi nhà bị cháy: “Giờ đây ta có thể ngắm sao.”

Hãy xét ví dụ về các tay đua ôtô. Người lái xe, đại diện cho trí tuệ xúc cảm, phải không ngừng điều chỉnh để phù hợp với môi trường thay đổi sau từng phút, thậm chí là từng giây. Các xe khác không ngừng vụt qua chặng đường của anh ta. Đường đi cũng liên tục thay đổi – phút này thì nó thẳng, phút sau nó lại uốn lượn. Lúc nào cũng có khả năng xe bị trượt bánh và cần phải được xử lý ngay tức khắc. Một chiếc xe khác có thể bị đâm và trở thành chướng ngại vật. Trong một số tình huống, người lái xe này có rất nhiều quyền kiểm soát trong khi những người khác lại có rất ít. Cho dù có mức kiểm soát như thế nào thì sự linh hoạt sẽ cho phép người lái xe đạt được hiệu quả cao nhất từ bất kỳ tình huống nào.

Robert Sternberg, một học giả trường Yale và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực trí tuệ, nói về mối quan hệ giữa thành công và sự linh hoạt như sau:

Yếu tố dẫn tới thành công không chỉ khác nhau ở các lĩnh vực và địa hạt khác nhau mà còn khác nhau giữa nhiều giai đoạn sự nghiệp của một người. Ví dụ, các đặc điểm dẫn tới thành công ở các công việc quản lý ở cấp độ ban đầu tương đối khác so với các cấp quản lý cao hơn. Ở cấp độ thấp, chủ yếu là tuân thủ; ở cấp độ cao, chủ yếu là lãnh đạo. Ở cấp độ thấp, có thể chỉ có ít việc cần giao phó; ở cấp độ cao có thể cần phải giao phó hầu như mọi thứ.

Những người thông minh và thành đạt là những người linh hoạt trong việc tự điều chỉnh cho phù hợp với vai trò họ cần hoàn thành. Họ nhận ra rằng họ sẽ phải thay đổi cách làm việc để phù hợp với nhiệm vụ và tình huống trước mắt, và sau đó họ phân tích những gì cần làm và biến nó thành hiện thực.

Các phẩm chất đi kèm với tính linh hoạt

Thành công phụ thuộc vào khả năng phản ứng nhanh và phù hợp trước các tình huống mới. Linh hoạt liên quan tới một số nhân tố trí tuệ xúc cảm, ví dụ khả năng chịu đựng stress, tính độc lập và sự tự tin.

Sự tự tin

Tự tin vào bản thân ảnh hưởng trực tiếp tới cảm giác tự điều chỉnh và tự thay đổi. Cảm nhận hiệu quả được giải quyết các thay đổi trong quá khứ như thế nào sẽ xác định mức độ tự tin của chúng ta khi giải quyết các thay đổi mới.

Quản lý stress

Một yêu cầu nữa là chúng ta phải kiểm soát được sự căng thẳng. Mức độ căng thẳng cao sẽ khiến chúng ta giảm khả năng đối phó với sự thay đổi. Người không thể đối mặt với mức căng thẳng cao sẽ dễ dàng bị sự thay đổi làm cho choáng ngợp. Không phải là những người có thể điều chỉnh tốt theo các tình huống không cảm nhận thấy sự căng thẳng; chỉ là họ tìm được cách để không cho căng thẳng làm suy yếu khả năng lựa chọn, đưa ra quyết định, và hành động khi cần thiết. Một lần nữa, việc giải quyết tốt các thay đổi trong quá khứ sẽ làm giảm mức độ lo lắng về các thay đổi mà chúng ta có thể gặp phải.

Độc lập

Những người có mức độc lập thấp có thể là nạn nhân của các thay đổi và cảm thấy họ không thể làm gì nhiều để giải quyết vấn đề đó. Những người độc lập hơn sẽ nhìn nhận sự thay đổi bằng cách tập trung vào việc họ sử dụng sự thay đổi để làm lợi cho bản thân. Họ cảm thấy mình có thể kiểm soát nhiều hơn bằng cách không chấp nhận toàn bộ sự thay đổi, mà tiếp nhận những khía cạnh của sự thay đổi họ thấy có lợi và từ chối những khía cạnh bất lợi.

Cảm giác kiểm soát

Cảm giác chèo lái cuộc đời giống như đang ngồi ở vị trí người lái xe cũng là một yếu tố cần thiết dẫn tới sự linh hoạt. Cảm thấy yếu ớt và mất kiểm soát sẽ chỉ làm gia tăng sự căng thẳng và mong muốn tránh né khi tham gia vào bất kỳ điều gì mới mẻ.

Chào đón tương lai

Trong hầu hết các môn thể thao, các vận động viên thành công là những người linh hoạt nhất. Ví dụ điển hình là siêu sao môn khúc côn cầu Wayne Gretzky. Có thể ghi bàn trong nhiều tình huống khác nhau, anh có sở trường đoán trước được bóng sẽ nằm ở đâu và tiến tới vị trí ghi bàn tốt nhất. Cấp độ linh hoạt cao của anh cho phép anh điều chỉnh nhanh để tận dụng tối đa mọi tình huống.

Tương lai sẽ thuộc về những ai có thể thích nghi. Những người không sẵn sàng thay đổi sẽ bị gạt ra ngoài. Có câu nói về điều này như sau, “nếu bạn đứng yên tức là bạn đang tụt hậu.” Mọi thứ luôn biến đổi: công nghệ, kinh tế, môi trường và những người xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta cưỡng lại hoặc không theo kịp sự thay đổi thì thế giới và những người xung quanh sẽ bỏ chúng ta lại đằng sau. Trong nhiều trường hợp, các mối quan hệ kết thúc vì một người thay đổi còn người kia thì không. Đôi khi cả hai người cùng thay đổi và thấy rằng con người mới của người kia không phải là người như họ gặp lúc đầu.

Cách chúng ta nhìn nhận sự thay đổi có liên quan rất nhiều tới việc chúng ta thích nghi với sự thay đổi thế nào. Những người sáng tạo luôn tìm kiếm những điều tuyệt vời mà sự thay đổi mang lại cho họ, thì chào đón sự thay đổi. Những người sáng tạo và linh hoạt là những người ham học hỏi, nhìn thấy niềm vui và sự phiêu lưu trong việc khám phá và học hỏi những cách làm việc mới.

Những người bị kẹt trong các thói quen cũ thường nghi ngờ và dè dặt về khả năng học hỏi của mình. Họ là những người bi quan, nhìn nhận sự thay đổi là những mệnh lệnh áp đặt mới trong thế giới ổn định và rõ ràng của họ.

Nhưng, điều duy nhất phân biệt những người lạc quan – sáng tạo, yêu thích học hỏi những điều mới – với những người bi quan – sợ sự thay đổi – là ở cách họ nhìn nhận sự thay đổi. Nếu chỉ tìm kiếm những điều đã thích nghi, đã thành công và đem lại lợi ích cho trong một vài năm qua, những người bi quan sẽ tìm thấy rất nhiều ví dụ. Máy móc trong ngành ngân hàng, điện thoại di động và Internet đều khiến cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn. Hầu hết mọi người đều sử dụng những phát minh này khá dễ dàng và ít suy nghĩ về nó. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên những thứ này được giới thiệu, rất nhiều người lo lắng về khả năng học cách sử dụng những công nghệ mới này. Họ lo rằng, họ sẽ bị tụt hậu. Chúng ta cần nhớ rằng, đơn giản là các công ty sẽ không thấy chút giá trị kinh tế nào nếu phát triển một sản phẩm tiêu dùng mới mà khả năng sử dụng lại khó khăn đối với mọi người. Sản phẩm đó sẽ nhanh chóng thất bại. Tương tự, những lãnh tụ chính trị cố gắng đưa ra các ý kiến khi quần chúng chưa sẵn sàng sẽ tự kết liễu sự nghiệp chính trị của mình. Do đó, chính bản thân chúng ta quyết định mình đã sẵn sàng và chấp nhận thay đổi đến đâu.

Tăng cường khả năng linh hoạt

Tin tuyệt vời là tất cả chúng ta đều có thể trở nên linh hoạt hơn. Giống như các khía cạnh khác của trí tuệ xúc cảm, linh hoạt có thể học được. Bạn hãy thử điều gì đó mới vào ngày mai. Bạn hãy bắt đầu với điều không quá khó và không gây ra quá nhiều căng thẳng. Cho dù kết quả thế nào, hãy chỉ tìm kiếm những điều tích cực. Điều tích cực chắc chắn là có; bạn đã học được điều gì đó từ kinh nghiệm của mình cho thấy điều đó là tích cực. Ngay cả nếu đó chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt, thì bạn cũng sẽ mở rộng được thế giới của mình. Nếu không thể nhìn ra điều gì tích cực trong trải nghiệm của mình, hãy nhờ ai đó bạn tin tưởng tìm kiếm. Hãy nghĩ về khía cạnh tích cực họ tìm ra và đưa vào trong suy nghĩ của bạn. Bắt đầu tạo thói quen nhìn nhận tất cả các trải nghiệm mới theo cách này. Tương tự, hình thành thói quen tự thưởng cho mình vì đã học được điều gì mới hoặc thích nghi thành công với một tình huống mới. Đừng so sánh mình với người khác vì bạn sẽ luôn thấy có người linh hoạt hơn hoặc kém linh hoạt hơn mình. Chỉ tập trung vào những điều bạn có thể làm được.

Linh hoạt và tuổi tác

Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, chúng ta sẽ kém linh hoạt và không chịu thay đổi khi chúng ta già đi. Điều này không đúng. Hãy chỉ cho tôi một người 60 tuổi kém linh hoạt và tôi sẽ chỉ cho bạn một người kém linh hoạt ở độ tuổi 20. Ở đâu cũng có ví dụ về những người vô cùng linh hoạt cho dù đã bước vào độ tuổi 70 – 80, họ vẫn tiếp tục chấp nhận những thử thách mới trong cuộc đời.

Vài năm trước, Val, một người bạn của tôi, nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Bà mua một ngôi nhà nhỏ ở một thị trấn nhỏ khá xa trên núi, gần với khu vực bà luôn yêu thích. Bà thuê nhà và lên kế hoạch làm vậy cho đến khi bà có thể chuyển tới đó khi bước sang tuổi 70. Cho tới lúc đó bà vẫn có kế hoạch, như bà nói, “có những cuộc phiêu lưu.” Bà dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ tại nhiều nơi trên thế giới, bà đi du lịch và sống ở những vùng trước đó vẫn luôn thu hút bà. Chụp ảnh trên đường đi và viết các bài báo du lịch và gửi đăng trên các tạp chí luôn đem lại cho bà nhiều thách thức.

Mắc lỗi

Linh hoạt và thử những cách làm mới tất nhiên sẽ khiến chúng ta mắc lỗi. Các tổ chức muốn nhân viên của họ linh hoạt và sáng tạo phải cho phép họ biết rằng, ai đó phạm lỗi khi chấp nhận mạo hiểm là được trông đợi và được chấp nhận. Miễn là sai lầm đó là kết quả của nỗ lực cải thiện chân thành, nhân viên phải được phép học hỏi từ sai lầm của họ thay vì bị trừng phạt. Không có cách nào để một tổ chức thể hiện rằng, các sai lầm chân thật sẽ được tha thứ tốt hơn việc để cho bộ phận quản lý chia sẻ những câu chuyện về những sai lầm họ đã từng mắc phải trong sự nghiệp của họ. Những người mới vào làm sẽ tin rằng, nếu họ thử điều gì đó mới và công việc tỏ ra không hiệu quả thì không phải là họ không còn đường nào ở công ty nữa.

Southwest Airlines tin rằng để nhân viên linh hoạt hơn và dám chấp nhận mạo hiểm, họ cần biết là họ sẽ được đối xử tôn trọng nếu mắc lỗi. Hãng tin rằng cái giá của sai lầm sẽ bị lu mờ so với lợi ích của việc giải phóng năng lực sáng tạo và tính linh hoạt của nhân viên. Một số nhân viên trung thành và tận tụy và nhiệt tình nhất công ty đã từng mắc một số lỗi nghiêm trọng và bất chấp những sai lầm đó, họ vẫn tiến tới những điều tốt đẹp và lớn lao hơn trong tổ chức họ làm. Sẵn sàng tha thứ và bỏ qua lỗi lầm đã khiến những người này yêu mến và gắn bó với tổ chức. Một số nhân viên đã miêu tả việc này như là một bài tập xây dựng tính cách.

“Chúng ta phải trở thành điều thay đổi chúng ta muốn thấy – Đây là phương châm sống của tôi.”

– MOHANDAS GANDHI –

Câu chuyện của Kathryn

Kathryn là thành viên của phòng trực thuộc một bộ phận nhỏ của một công ty lớn. Bộ phận cô làm là đơn vị chuyên biệt. Công việc của họ không giống bất kỳ bộ phận nào khác dù nó đóng góp vào công việc kinh doanh chung của công ty. Chỉ có mười nhân viên làm việc và ở một chừng mực nào đó, họ tách biệt khỏi bức tranh chung của công ty. Sự tách biệt này đem lại cho họ cả những lợi thế và những bất lợi. Mặt tích cực là họ có nhiều cơ hội để sáng tạo và thử nghiệm những ý tưởng mới hơn các văn phòng lớn. Không may là nhiều nhân viên không linh hoạt và cởi mở trước các ý tưởng mới.

Kathryn nghe về trí tuệ xúc cảm nhờ tham dự một hội thảo. Khi ý tưởng phát triển nhân viên được bàn bạc tại cuộc họp của đơn vị, cô đề xuất rằng tất cả họ nên làm bài kiểm tra trí tuệ xúc cảm. Kết quả sẽ được giữ kín và chỉ được chia sẻ giữa nhà tổ chức kiểm tra và các cá nhân thành viên. Bằng cách đó, mọi người sẽ có cơ hội thực hiện một số công việc phát triển cá nhân mà không ai biết họ ghi được bao nhiêu điểm. Tất cả các bài kiểm tra sau đó được tập hợp lại để tạo thành bảng tổng hợp hoặc điểm số chung cho đơn vị. Điểm số này có thể được sử dụng để làm một số công việc nhóm với các đồng nghiệp. Điểm số chung này cũng sẽ được giữ kín và không để lộ điểm số của bất kỳ cá nhân nào.

Một số nhân viên rất hào hứng về triển vọng này trong khi một số khác ngần ngại, nhưng cuối cùng tất cả đều nghe theo ý kiến số đông. Mọi người, bao gồm nhân viên quản lý và giám sát, đều làm bài kiểm tra BarOn EQ-I và nhận phản hồi từ tư vấn viên được mời. Tuy điểm số chung ở mức trên trung bình nhưng bài kiểm tra chỉ ra rằng, linh hoạt là một trong những lĩnh vực có thể cải thiện. Kathryn được yêu cầu đề xuất các bài tập để họ có thể làm thường xuyên trong nhóm nhằm trở nên linh hoạt hơn.

Một trong những điều mọi người đồng ý là sự sợ hãi sẽ cản trở tính linh hoạt của họ. Để giải quyết nỗi sợ hãi, họ nhìn vào nhiều viễn cảnh khác nhau và mổ xẻ chúng. Ví dụ, nếu làm điều này thì điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì, điều gì có khả năng xảy ra nhất và điều gì tốt nhất có thể xảy ra? Khả năng trụ sở chính sẽ chấm dứt công việc của họ thế nào? Có ít khả năng là điều này có thể xảy ra. Nếu xảy ra thì có thể phần lớn nhân viên sẽ được chuyển sang các khu vực khác thay vì bị đuổi việc. Trái lại, họ có thể có bằng chứng vững chắc rằng, trụ sở chính sẽ hài lòng với công việc họ đang làm và coi đơn vị của họ, dù nhỏ, là một bộ phận quan trọng trong hoạt động chung. Theo cách này, các nhân viên có thể nhìn thấy phần lớn những gì họ sợ không có bằng chứng và thực tế.

Nhờ làm rõ nỗi sợ hãi, họ có thể tháo bỏ một rào cản lớn ngăn họ thử những điều mới. Các nhân viên đều được khuyến khích sử dụng cùng một tiến trình để làm tăng tính linh hoạt của bản thân. Một số nhân viên đã có sẵn tính linh hoạt, đang chuẩn bị giúp đồng nghiệp trở nên cởi mở hơn với các thay đổi.

Lúc đầu, khó có thể nhìn thấy liệu có thay đổi thật sự nào đang diễn ra không. Các nhân viên trước đây kiên quyết phản đối các ý tưởng mới giờ không còn thể hiện rõ sự đối nghịch của mình nữa. Điều này có thể là do họ không muốn trở thành kỳ đà cản mũi trong thế giới hậu kiểm tra EI, hơn là hoan nghênh ý niệm cần phải linh hoạt hơn. Những cá nhân này vẫn có thể phá hoại tiến trình bằng cách ngấm ngầm phá hoại hoặc không giúp gì.

Sau một năm, gợi ý được đưa ra là các thành viên nên đổi vị trí công việc với nhau trong một thời gian để có được cơ sở kiến thức rộng hơn và nâng cao các kỹ năng của mình. Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới trong công ty và nếu được đưa ra một năm trước đó hẳn sẽ bị cười nhạo và bác bỏ ngay lập tức. Những người thường phản đối đưa ra lời hứa dè dặt là họ sẽ thử. Mọi người đều đồng ý là nếu nó không hiệu quả thì họ có thể quay trở lại vị trí làm việc của mình bất kỳ lúc nào. Viễn cảnh tuyệt vời nhất là họ sẽ thấy thích thử thách mới và trụ sở sẽ nhìn nhận đơn vị là năng động và đổi mới. Một vài nhân viên đã rất cố gắng để thích nghi với vị trí mới, trong khi những người khác lại thích thú. Một vài tháng trôi qua, ngay cả những người khó thích nghi cũng nghĩ rằng đây là một ý hay và không muốn quay trở lại cách cũ. Mọi người trong công ty truyền tai nhau rằng đơn vị nhỏ này là một nơi làm việc ngẫu hứng. Điều này khuyến khích các nhân viên năng động trong công ty, những người tìm kiếm thách thức, xin đến làm việc ở đây. Giống bài tập xây dựng tính linh hoạt được sử dụng trong công ty này, khởi đầu tiến trình thay đổi của bạn sẽ rất khó khăn. Điều quan trọng là, bạn hãy kiên trì với nó đủ lâu để sự thay đổi trở thành bản chất và bạn cảm thấy mong chờ nó. Khả năng trở nên linh hoạt hơn sẽ phụ thuộc một chừng mực nào đó, ở xuất phát điểm của bạn. Tuy nhiên, ngay cả nếu bạn thiếu linh hoạt thì với thời gian và sự cố gắng, bạn sẽ học được cách không còn sợ thay đổi như trước đây nữa.

“Sự thay đổi có ảnh hưởng tâm lý đáng kể đối với trí tuệ của con người. Với người hay sợ hãi thì đó là sự đe dọa, vì mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn. Với người tràn đầy hy vọng, đó lại là sự khuyến khích,vì mọi thứ sẽ có thể trở nên tốt đẹp hơn. Với người tự tin thì nó lại truyền cảm hứng, vì thử thách là để làm mọi thứ tốt đẹp hơn.”

– DOANH NHÂN KING WHITNEY, JR. –

Kỹ thuật làm tăng tính linh hoạt

Ø Luyện tập tạo ra sự thay đổi hàng ngày. Đi làm bằng đường khác. Nghỉ giải lao uống cà-phê vào giờ khác, với một đồng nghiệp khác. Thử ăn trưa với món ăn gì đó hoàn toàn khác. Chọn những việc không dễ chịu và yêu cầu bạn phải cố gắng nhưng không gây ra quá nhiều sự căng thẳng.

Ø Nhận thức được những điều bạn tự nói với mình và bạn cảm thấy thế nào khi nghĩ về điều gì đó khác biệt khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Thách thức những điều bạn tự nói với mình. Bao nhiêu thông điệp dựa trên thực tế hoặc có bằng chứng, và bao nhiêu dựa trên những nỗi sợ hãi không có cơ sở? Bất kỳ khi nào thử điều gì đó mới và không xảy ra kết quả tiêu cực theo hình dung của bạn, hãy viết lại vào một cuốn sổ. Theo dõi số lần bạn làm việc này trong một tuần. Tuần sau, hãy cố tăng số lần.

Ø Ăn mừng mỗi lần bạn thử điều gì mới cần sự cố gắng. Hãy nghĩ về cảm giác của bạn mỗi lần bạn phá bỏ được một rào cản. Chia sẻ tin vui này nhưng chỉ với những người bạn biết sẽ ủng hộ mình.

Ø Yêu cầu giúp đỡ từ những người gần gũi với bạn, những người không chỉ ủng hộ mà còn thách thức bạn đạt mục tiêu của mình.

Ø Trong khi bước những bước đi nhỏ để thường xuyên thay đổi, hãy đặt mục tiêu cho những khoảng thời gian đều đặn. Khoảng thời gian sáu tháng là lý tưởng. Thiết lập các mục tiêu khó cho bạn, nhưng phải là những mục tiêu bạn có thể đạt được. Ví dụ, giả sử bạn sợ phải nói trước đám đông. Hàng ngày hoặc hàng tuần, nói nhiều hơn trước các nhóm nhỏ; gợi chuyện nhiều hơn với những người khác. Tất cả những điều này có thể dẫn bạn tới việc thuyết trình chính thức trước một nhóm nhỏ.

Ø Tiếp tục tiến lên. Khi đã đạt được mục tiêu, hãy ăn mừng và đặt mục tiêu cao hơn.

Ø Đánh dấu vào lịch một ngày trong năm để xem xét lại các tiến bộ của mình. Hỏi ai đó ủng hộ bạn, biết rõ về bạn, và sẽ cho bạn câu trả lời thành thật xem họ có nhận thấy sự thay đổi nào ở bạn không.

Ø Nếu không đạt được mục tiêu, đừng tự trừng phạt mình, mà hãy lập mục tiêu bạn có thể đạt được.

Ø Nhờ người khác cho bạn ví dụ về lĩnh vực họ nghĩ bạn có thể linh hoạt hơn. Lĩnh vực thiếu linh hoạt nào bạn cảm thấy bất lợi nhất cho mình? Hãy tập trung vào lĩnh vực đó trong khi đề ra mục tiêu và thay đổi kế hoạch của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.