Trí Thông Minh Thực Dụng
Chương 9: Độc Lập
“Tự lực là con đường duy nhất đi đến tự do thật sự, và phần thưởng cuối cùng là được làm chủ chính mình.”
– PATRICIA SÍMPON, NHÀ VĂN –
Những người độc lập luôn nỗ lực để làm chủ số phận của mình. Họ thích tự nghĩ và tự mình đưa ra quyết định hơn là đi theo cách nghĩ phổ biến và cho phép người khác quyết định thay họ. Họ có xem xét ý kiến của người khác và lưu ý đến những thông tin họ nhận được. Nhưng cuối cùng họ vẫn lựa chọn điều tốt nhất cho họ. Những người độc lập đôi khi có thể bị hiểu nhầm và bị kết tội là ngạo mạn, hoặc không phải là thành viên tốt của nhóm. Nhưng không phải như vậy; họ chỉ đi theo nhịp điệu của riêng họ. Những người độc lập ở mức cao không bị phụ thuộc về xúc cảm. Họ sẽ không duy trì lâu mối quan hệ hay tiếp tục công việc không đáp ứng các nhu cầu của họ.
Cá nhân và cộng đồng
Chúng ta có nhu cầu cố hữu vừa là chính mình và đồng thời là một phần của điều gì đó lớn hơn – một cộng đồng. Hai nhu cầu thường đối lập nhau này là mối quan hệ hai mặt của cuộc sống mà tất cả chúng ta phải chiến đấu. Những cá nhân lành mạnh, thực hiện tốt chức năng của mình đã tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì cảm giác mạnh mẽ về việc họ là ai và cống hiến mình vì xã hội tốt đẹp.
Tất cả các mối quan hệ đều đòi hỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Có một mâu thuẫn cố hữu giữa việc mỗi người là chính mình và là một phần của mối quan hệ hai mặt. Trong những mối quan hệ lành mạnh, mâu thuẫn này được giải quyết cởi mở và trung thực, cả hai bên đều học cách tăng cường sự hòa hợp trong mối quan hệ của họ trong khi vẫn duy trì và phát triển cá tính của mình. Về bản chất, vì mỗi người trưởng thành với tư cách một cá nhân nên người đó có nhiều điều hơn để đóng góp vào mối quan hệ đó. Khi mỗi người lớn lên, mối quan hệ cũng lớn lên. Điều này được gọi là sự phụ thuộc lẫn nhau.
Tại nơi làm việc cũng như tại gia đình, sự phụ thuộc lẫn nhau là bí quyết cho một mối quan hệ thành công. Giống như bất kỳ quan hệ gia đình nào, luôn tồn tại cố hữu một cuộc đấu tranh diễn ra giữa điều gì tốt cho nhân viên và điều gì tốt cho tổ chức. Những nhân viên cảm thấy mình có thể tự phát triển trong môi trường kinh doanh sẽ mang lại điều tốt cho tổ chức nhiều hơn. Những kỹ năng mới và sự tự tin của họ sẽ bù lại cho công ty bằng năng suất lao động tăng và lòng trung thành với tổ chức. Southwest Airlines đã tạo ra được một môi trường làm việc có lợi cho sự phụ thuộc lẫn nhau. Các nhân viên được khuyến khích giữ lại và phát triển cá tính đồng thời gia tăng lòng trung thành và giá trị của mình với công ty. Cuối cùng, điều đó tạo ra tình huống mà cả hai bên đều có lợi và nhờ thế mà các cá nhân có thể đạt hết khả năng của mình, đồng thời vẫn thuộc về và đóng góp cho một cộng đồng, biết thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau.
Những người độc lập không có cùng sự thúc đẩy để phù hợp hoặc được yêu thích như những người ít tính độc lập hơn. Họ đi theo những động lực bên trong hơn là sự trông đợi của xã hội hoặc những người xung quanh. Độc lập đòi hỏi phải có mức độ tự trọng và can đảm, đòi hỏi chấp nhận mạo hiểm và sống chung với những kết quả không như mong đợi. Đây là cái giá phải trả cho việc tự tạo dựng lối đi cho mình. Nó cũng là một phần của quá trình học hỏi của những người tự chủ, vì họ học từ lỗi lầm của mình, tự tha thứ cho bản thân và tiến bộ. Tin vào chính mình là điều kiện tiên quyết cần thiết cho tính độc lập, vì sẽ có những lúc phải quyết định mà không có nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ từ những người khác.
Có nhiều ví dụ về những cá nhân vẫn kiên trì dù gặp phải nhiều trở ngại trước khi họ đạt được mục tiêu của mình. Abraham Lincoln không trở thành tổng thống chỉ sau một đêm. Ông đã cố gắng và thất bại nhiều lần khi tranh cử trước khi đạt tới thành công cao nhất. Thomas Edison thất bại hàng nghìn lần trong nỗ lực phát minh bóng điện. Báo chí thời bấy giờ cho đăng những bài báo chế nhạo dự án của ông, gọi đó là điều xuẩn ngốc, khuyên ông nên từ bỏ và thừa nhận thất bại. Một phóng viên trẻ đã hỏi ông vì sao ông vẫn kiên quyết tiếp tục công trình tốn kém nhưng vô ích này khi rõ ràng là mọi việc không đi tới đâu cả. Ông nói rằng ông không hiểu khái niệm thất bại. Thất bại không phải là điều mọi người vẫn nhìn thấy mà đó là cái giá phải trả để thành công. Edison nói tiếp, mỗi lần thất bại ông lại có thể loại trừ một phương án sai, đưa ông tiến gần thêm một bước tới cách làm đúng. Rõ ràng, Lincoln và Edison phải có nhiều nội lực và rất biết giá trị bản thân để có thể đứng vững trước những nhận xét và áp lực bên ngoài.
Tính độc lập cũng đòi hỏi một mức độ quả quyết nhất định. Những người độc lập không sợ phải yêu cầu những gì mình muốn và không từ bỏ nếu họ không nhận được ngay những gì mong muốn. Họ thường không sợ phải thử những cái mới và theo đuổi nhiều sở thích khác nhau. Để hạnh phúc và thỏa mãn, những cá nhân có thiên hướng độc lập cần tìm các đối tác và nơi làm việc phục vụ và hỗ trợ các nhu cầu của họ. Nhiều người làm chủ hoặc ở những vị trí cho phép họ được linh hoạt trong vai trò của họ. Những người độc lập nhận ra rằng họ phải tìm, hoặc là một môi trường trong đó họ có thể đạt hết khả năng của của mình, hoặc là phải tự tạo cho mình một môi trường như thế. Họ không sợ phải rời bỏ ông chủ không cho họ cơ hội sử dụng hết tài năng của mình. Trong cuốn Successful Intelligence (Tạm dịch: Trí tuệ thành đạt), Robert Sternberg nói về nhu cầu để mọi người được thể hiện hết những gì họ có.
Có một câu chuyện kể về một người đàn ông chết đi và được đi thẳng tới thiên đường. Thánh Peter đưa ông đi tham quan các nơi và chỉ cho ông ta xem một người, nói rằng đó là nhà thơ vĩ đại nhất vào thời người đàn ông đó. Người đàn ông nhìn Thánh Peter, nghi hoặc. “Xin lỗi Ngài,” ông nói, “nhưng con biết người đàn ông đó. Ông ta chỉ là một người thợ đóng giày khiêm tốn, không hơn không kém. Ông ta chưa bao giờ đi học và không biết viết.” “Chính xác là như vậy,” Thánh Peter trả lời. Không có cơ hội phát triển kỹ năng viết, tài năng thiên bẩm của người đàn ông này dần bị bỏ phí. Câu chuyện sẽ còn buồn cười hơn nếu nó không đúng với rất nhiều người.
Những người thông minh và thành đạt nhận ra rằng môi trường sống có thể khiến họ có hoặc không thể sử dụng được hết tài năng của mình. Họ tích cực tìm kiếm một môi trường, nơi họ không chỉ làm những công việc đòi hỏi khả năng mà còn có thể tạo ra sự khác biệt. Họ tự tạo cơ hội chứ không để cơ hội bị giới hạn bởi tác động ngoại cảnh.
“Đừng phụ thuộc vào người khác, hãy dựa vào chính mình. Hạnh phúc thật sự sinh ra từ tự lực.”
– LUẬT MANU –
Câu chuyện của Laura Tốt nghiệp phổ thông, Laura nhận được việc làm điều phối hoạt động cho một công ty du lịch ở Alaska vào mùa hè. Không khí của Alaska – không gian thoáng rộng và tinh thần độc lập của những người sống ở đây – hợp với cô. Công việc không dễ. Cô phải hướng dẫn một nhóm nam nhân viên lái xe buýt. Phần lớn họ đều nhiều tuổi hơn cô và có người đã làm cho công ty nhiều năm. Dù một số nhân viên không thích cô nhưng những người khác lại ngưỡng mộ cô vì cô rất độc lập. Dù Laura thích tính cách đó của mình nhưng cô cũng phải trả giá cho điều đó. Đôi khi cô thấy mình bị gạt ra khỏi những buổi tụ tập mà phần lớn các đồng nghiệp của cô được mời. Cô chợt thấy rằng mình đã quá độc lập và không hợp với các đồng nghiệp của mình. Tất cả họ đều tỏ ra cần sự giúp đỡ hơn cô. Đôi khi cô cảm thấy cô đơn và không có chỗ dựa. Để chống lại cảm giác này, cô bắt đầu xin thêm lời khuyên từ các đồng nghiệp và cảm ơn họ cho dù chỉ thỉnh thoảng cô mới làm theo. Qua thời gian, cô thấy các đồng nghiệp trở nên cởi mở và thân tình hơn. Đôi lúc cô ước mình bớt độc lập và giống những người khác hơn. Tuy nhiên, cô chấp nhận là cuộc đời phải có những đánh đổi và có thể việc không là một phần của đám đông chính là cái giá mà những người độc lập như cô phải trả. Ông chủ đánh giá cao khả năng suy nghĩ, hành động độc lập của cô và tin vào đánh giá của cô để đưa ra những quyết định sáng suốt. Công việc kinh doanh tiến triển rất nhanh, các quyết định phải được đưa ra nhanh chóng, và ông cần những người như vậy. Ngoài tính độc lập, Laura cũng giải quyết vấn đề rất tốt và có thể tự mình suy nghĩ. Cô tự tin vào khả năng thấu cảm tốt của mình. Cô sử dụng các kỹ năng về con người của mình để xoa dịu những khách hàng cáu kỉnh. Laura hiểu các thế mạnh của mình và khuyến khích Dan, ông chủ của cô, cho phép cô chịu nhiều trách nhiệm hơn trong những lĩnh vực cô yêu thích và có khả năng. Vì các chi nhánh hoạt động của ông trải rộng nên Dan đồng ý vì ông tin tưởng ở cô. Một trong những nhân viên do Laura quản lý là Jennifer. Sự nhút nhát và thiếu tự tin của Jennifer gợi cho Laura nhớ lại chính mình vào thời trưởng thành. Laura dành thêm nhiều thời gian cho Jennifer, yêu cầu cô phải nghĩ giải pháp cho những vấn đề mà cô thường phải đến hỏi ý kiến Laura. Hầu như lần nào cũng thế, đó đều không phải là những quyết định có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu sai. Bất kỳ khi nào Jennifer nghĩ ra một quyết định, Laura liền bảo cô hãy tiếp tục và thực hiện. Nếu sự lựa chọn đó sai, Laura lại biến nó thành một kinh nghiệm và hỏi Jennifer sẽ làm gì tiếp. Vào cuối mỗi lần thảo luận, cô luôn nhấn mạnh rằng Jennifer đã đưa ra quyết định tốt nhất với thông tin cô có vào thời điểm đó, và mỗi quyết định sai đều là một cơ hội để trưởng thành và học hỏi. Có lúc Laura mất kiên nhẫn và muốn hét vào mặt Jennifer. Tuy nhiên, cô thận trọng không thể hiện sự bực mình của mình khi họ ở cùng nhau, cô biết rằng nếu mình làm vậy thì những tiến bộ Jennifer đang đạt được, ngay cả những tiến bộ rất nhỏ, sẽ biến mất. Sau vài tháng, Laura để ý thấy Jennifer đã ít đến gặp mình để xin ý kiến cho các quyết định thông thường mà bản thân cô cũng có thể tự làm. Bây giờ cô tới gặp Laura thường là cần lời khuyên từ Laura sau khi đã nghiền ngẫm kỹ càng. Thay vì đơn giản quyết định giúp Jennifer, Laura trao đổi về tình huống đó, đưa ra cho Jennifer lợi ích của những thông tin cô có và hỏi Jennifer dự điịnh của cô. Laura luôn đảm bảo rằng Jennifer có một phần nào đó trong tiến trình đưa ra quyết định. Trong công việc, Laura gặp Ed, một nhân viên điều phối hoạt động của một công ty du lịch khác. Ed và cô có sở thích giống nhau – đi bơi xuồng, đi bộ đường dài và cắm trại trên núi. Cả hai đều ưa hoạt động và giữ được cơ thể đẹp. Vì Ed cũng rất độc lập nên họ có vẻ là một cặp đôi hoàn hảo. Lần đầu tiên yêu say đắm nên cả hai kết hôn sáu tháng sau đó. Sau thời kỳ trăng mật, Laura không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng có một khía cạnh trong con người Ed mà cô có để ý thấy nhưng khi đang tràn ngập hạnh phúc, cô đã bỏ qua. Dù bản thân Ed rất độc lập nhưng anh lại rất khó chấp nhận tính độc lập của cô. Với anh, đó là một sự đe dọa và anh phản đối tất cả những gì mới mà cô muốn thử. Cô miêu tả anh như một kẻ cuồng quyền kiểm soát muốn thống trị mọi thứ trong cuộc đời cô và một mình đưa ra tất cả những quyết định mà đáng ra phải được quyết định bởi hai người để có một mối quan hệ tốt đẹp. Đó là một khoảng thời gian khó khăn cho cô. Lần đầu tiên trong đời, cô bắt đầu nghi ngờ giá trị bản thân. Ed không ngừng nói rằng, cô thấp kém và có vấn đề. Laura bắt đầu nhận ra là mình đang ở trong một mối quan hệ vô cùng phụ thuộc. Cô càng cố củng cố mối quan hệ với Ed thì cô lại càng nhận ra mình có rất ít ảnh hưởng đối với những nỗi bất an của anh. Sau hai năm, Laura chịu đựng quá đủ và họ ly dị. Phải mất sáu tháng, Laura mới quay trở về xuất phát điểm tự tin của mình để đi ra ngoài và tự mình làm mọi thứ. Một ngày, cô nhận ra rằng, chắc chắn việc trở lại làm con người Laura trước đây là một điều tuyệt vời. Tinh thần độc lập của cô bị thử thách nhưng đã trở lại và cô háo hức nghĩ về những triển vọng sắp tới. |
“Cần nhiều can đảm để giữ gìn tự do bên trong, để tiến lên trên con đường bước vào những vùng đất mới bên trong con người bạn, hơn là hiên ngang đứng lên cho tự do bên ngoài. Làm tử sỹ thường dễ hơn làm người lính bị thương trên chiến trường.”
– ROLLO MAY, NHÀ TÂM LÝ HỌC MỸ –
Kỹ thuật làm tăng tính độc lập
Ø Vào cuối ngày, hãy viết ra một quyết định mà mình tự đưa vào một cuốn sổ được dành cho mục đích này. Bạn có thể tìm kiếm dữ liệu từ người khác để có thêm thông tin và giúp bạn quyết định nhưng đừng trông đợi người khác quyết định thay bạn.
Ø Tập nhanh chóng đưa ra những quyết định về những vấn đề nhỏ, không quan trọng. Ví dụ, khi đọc thực đơn trong nhà hàng, cho mình ba phút để quyết định. Nhờ ai đó bấm giờ hoặc bạn tự bấm. Tuân theo giới hạn thời gian đó.
Ø Mỗi tuần tự mình làm cho mình một điều gì đó. Hãy chọn thứ gì đó bạn luôn muốn làm nhưng lại sợ phải làm hoặc không muốn làm một mình. Ví dụ, bạn có muốn tới rạp chiếu phim nào đó nhưng không thể tìm ai đi cùng không? Tuần này, hãy đi một mình.
Ø Khi ở trong một nhóm, bạn có nói lên ý kiến của mình nếu nó khác ý kiến mọi người không? Nếu không, hãy làm thế vào tuần này. Buộc mình phải nói ra và nói bạn thật sự cảm thấy thế nào. Hãy nghĩ về điều đó sau đó và tự nói với mình rằng, bạn rất vui vì đã có can đảm nói ra suy nghĩ của mình ngay cả nếu những người khác không ủng hộ ý kiến của bạn. Tiếp tục làm thế vào tuần sau và tuần sau nữa.
Ø Nếu ở nơi làm việc, lúc nào bạn cũng đi ăn trưa với một nhóm người, hãy thử đi một mình một tuần một lần xem sao. Chọn nơi khác với nơi bạn thường đến. Thử một loại thức ăn mới. Hãy khám phá.
Ø Ngồi xuống và xem xét những thay đổi bạn muốn có trong đời. Hãy thành thật với bản thân. Lập một danh sách những điều bạn muốn thay đổi trong một tháng, sáu tháng và một năm. Viết ra và đưa vào những điều cụ thể bạn cần làm tới một thời điểm nhất định. Tuân thủ kế hoạch. Nếu bạn bỏ qua một bước, hãy quay lại và bắt đầu lại. Bỏ ra một khoảng thời gian nhất định để xem xét kế hoạch của mình mỗi năm. Tự thưởng cho mình vì đã đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đặt phần thưởng phù hợp với mục tiêu. Mục tiêu lớn đi với phần thưởng lớn, ví dụ một chuyến đi chơi, bộ loa, hoặc bất kỳ điều gì khác bạn có khả năng chi trả nhưng chưa bao giờ thưởng cho mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.