Trí Thông Minh Thực Dụng

Phần I: Trí Tuệ Xúc Cảm – Chương 1: Ei Là Gì?



“Phát kiến vĩ đại nhất của thế hệ tôi là loài người có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi cách nghĩ.”
 
– WILLIAM JAMES, NHÀ TÂM LÝ HỌC VÀ TRIẾT HỌC –
 
Ýkiến cho rằng, xúc cảm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, không phải là mới. Nó tồn tại từ khi loài người có mặt trên trái đất. Những nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã nói về ảnh hưởng của xúc cảm tới bản thân họ và những người xung quanh họ. Trong một vài thập kỷ qua, chúng ta đã đạt được những bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu xúc cảm và tác động của chúng đối với đời sống.
 
Lịch sử khái niệm
 
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu và các nhà tâm lý học đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc các dạng trí tuệ khác nhau. Trước thời điểm bài kiểm tra IQ được thiết lập và sử dụng tại các trường học, David Wechsler, người phát triển phiên bản IQ mới nhất vào năm 1940, đã cảm thấy rằng có những lĩnh vực trí tuệ khác cần phải được đo lường. Ông suy luận rằng một trong những lĩnh vực chúng ta cần xem xét chính là lĩnh vực mà ngày nay gọi là trí tuệ xúc cảm. Năm 1955, Albert Ellis, người sáng lập liệu pháp lý trí-xúc cảm, suy đoán rằng con người có thể học cách giải quyết xúc cảm bằng cách sử dụng giải thích. Năm 1980, Tiến sỹ Reuven BarOn, một học giả và nhà tâm lý học người Israel, bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của xúc cảm tới hoạt động chức năng của con người.
 
Sử dụng công trình của bản thân và những nhà nghiên cứu trước đó, BarOn bắt đầu phát triển bài kiểm tra EQ, cho trí tuệ xúc cảm. Đây là đánh giá trí tuệ xúc cảm đầu tiên có giá trị khoa học. Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã chứng nhận bài kiểm tra này, và nó được biết đến với tên gọi BarOn EQ-i®, hay Bản kê chỉ số xúc cảm.
 
Thuật ngữ trí tuệ xúc cảm được cho là do John Mayer, Đại học New Hampshire và Peter Salovey, Đại học Yale, nghĩ ra. Năm 1990, hai giáo sư tâm lý học, cùng với đồng nghiệp David Caruso, đã phát triển một bài kiểm tra trí tuệ xúc cảm khác. Bài kiểm tra của họ, có tên Kiểm tra Trí tuệ Xúc cảm Mayer-Salovey-Caruso (MSCEIT), là bài kiểm tra trí tuệ xúc cảm dựa trên năng lực. Vấn đề xoay quanh ai thật sự là người phát hiện ra trí tuệ xúc cảm hay ai là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ này là điểm vẫn còn phải tranh cãi. Cơ sở tri thức của chúng ta đã tiến bộ tới mức các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học xã hội đã tạo ra những đột phá mới trong các lĩnh vực chức năng hoạt động của con người. Với hiểu biết mới, chúng ta đã có thể đo và kiểm tra ảnh hưởng của xúc cảm trong đời sống một cách chính xác và có ý nghĩa.
 
Hãy nghĩ về điều này cũng giống như các đột phá công nghệ đối với xe hơi và máy bay. Mặc dù anh em nhà Wright đã lưu danh vào lịch sử là những người thực hiện chuyến bay đầu tiên, thì vẫn có những người khác cũng cố gắng thực hiện điều đó và cũng đã đạt đến rất gần chuyến bay đó. Công nghệ đã tiến bộ tới mức có thể thực hiện bay bằng máy bay và lúc đó cũng đã có những nhà phát minh ở tất cả những nước công nghiệp như Anh, Pháp và Đức. Họ cũng đang tiến rất gần tới việc đột phá đó. Nếu anh em nhà Wright không thực hiện chuyến bay lịch sử với chiếc Kitty Hawk thì có thể là một ai khác cũng sẽ bay ngay sau thời điểm đó. Đó là vấn đề thời điểm của ai đến trước. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với trí tuệ xúc cảm.
 
Năm 1995, Daniel Goleman xuất bản cuốn Emotional Intelligence (Tạm dịch: Trí tuệ xúc cảm)[1]. Cuốn sách tổng kết lại những công trình đã được thực hiện trong lĩnh vực này tới thời điểm đó. Nó trở thành cuốn sách bán chạy, và Goleman xuất hiện với tư cách khách mời trong chương trình Oprah Winfrey Show. Nếu có một thời điểm định rõ cho trí tuệ xúc cảm thì chính là đây. Nhận thức của công chúng về khái niệm này, cho đến trước thời điểm này vẫn còn rất ít, đến lúc này đã phát triển nhảy vọt. Mọi người bắt đầu nói về trí tuệ xúc cảm khi các bài báo xuất hiện trên các tạp chí lớn như Time và Newsweek.
 
Năm 1998, Goleman tiếp nối thành công của mình bằng cuốn Emotional Intelligence in the Workplace (Tạm dịch: Trí tuệ xúc cảm tại công sở), trong đó ông nghiên cứu các doanh nghiệp được lợi như thế nào nhờ việc thực hiện các khái niệm trí tuệ xúc cảm tại nơi làm việc. Giống cuốn sách đầu tiên, thành công của cuốn này lại đưa tác giả xuất hiện trong chương trình Oprah. Trong một vài năm qua, các xuất bản phẩm về kinh tế có uy tín như Harvard Business Review và Fast Company, đã nhanh chóng xóa bỏ bất kỳ quan niệm không đúng nào cho rằng, trí tuệ xúc cảm là một ý tưởng nào đó “mờ nhạt, cảm giác là tốt” và không có chỗ đứng trong thế giới thực.
 
Những quan niệm sai lầm
 
Kể từ khi thuật ngữ trí tuệ xúc cảm ra đời, đã có một số quan niệm không đúng về việc hiểu ý nghĩa của nó. Không hề đào sâu tìm hiểu thuật ngữ này thật sự nghĩa là gì, mọi người đã vội vã đi đến kết luận chỉ với căn cứ vào nghĩa của từ xúc cảm. Trong cuốn sách Trí tuệ xúc cảm – Ứng dụng trong công việc, Daniel Goleman đã cố gắng định hướng lại cho đúng và làm rõ một số quan niệm sai lầm xung quanh thuật ngữ trí tuệ xúc cảm.
 
Tốt
 
Không chỉ đơn giản là tốt, trí tuệ xúc cảm có thực, cởi mở và thành thật khi nói về các cảm giác của mình. Điều này có thể cần tới sự dũng cảm, vì lảng tránh vấn đề thường dễ hơn việc đối mặt trực tiếp với nó. Đúng hơn, chúng ta cần phải thực tế trong các mối tương tác với những người khác. Trong khi chúng ta nên nhạy cảm trước xúc cảm của những người khác, việc bỏ qua, xem nhẹ hành vi tiêu cực hoặc phá hoại sẽ không giúp được họ. Nếu chúng ta thật sự quan tâm tới ai đó, chúng ta phải thẳng thắn và trung thực cho dù nó có thể khiến chúng ta không thoải mái và không được trân trọng vào lúc đó. Những người bạn thật sự cuối cùng sẽ trân trọng vì chúng ta đã đủ can đảm và quan tâm để có thể trung thực với họ.
 
Bộc lộ hoàn toàn
 
Như Goleman đã chỉ ra: “Trí tuệ xúc cảm không có nghĩa là để cho cảm xúc tự do phát triển – ‘để nó bộc lộ hết ra ngoài’, mà thay vào đó, nó có nghĩa là quản lý cảm xúc để chúng được thể hiện một cách phù hợp và hiệu quả, khiến mọi người có thể làm việc cùng nhau một cách trôi chảy, cùng hướng tới những mục đích chung.”[2]
 
Cũng có những thời gian và địa điểm mà ta phải thể hiện xúc cảm mạnh mẽ với những người khác. Ví dụ, buổi họp nhân viên không thích hợp để trút cơn giận dữ lên một đồng nghiệp. Sau đó, khi chúng ta đã bình tĩnh, suy nghĩ kỹ càng và trong không gian riêng tư với người đồng nghiệp đó, thì đó mới là thời gian và không gian phù hợp.
 
Phụ nữ có nhiều trí tuệ cảm xúc hơn
 
Một khía cạnh khác của EI, thường bị hiểu sai, là sự khác biệt về năng lực tự nhiên của hai giới trong việc biểu đạt trí tuệ xúc cảm. Trong xã hội chúng ta, phụ nữ vẫn luôn có quyền tự do và được phép thể hiện cảm xúc hơn nam giới rất nhiều. Điều này đang dần thay đổi, văn hóa phương Tây đã bắt đầu thức tỉnh trước những hậu quả tiêu cực của việc không cho phép nam giới thoải mái bộc lộ xúc cảm của mình. Vì nói chung, phụ nữ vẫn luôn cởi mở và hay biểu đạt cảm xúc của mình hơn nên một số cho rằng phụ nữ sẽ giỏi hơn nam giới trong tất cả các lĩnh vực của EI. Daniel Goleman đã cố gắng làm rõ những quan niệm sai lầm liên quan tới sự khác biệt về giới khi ông viết rằng “phụ nữ không ‘trí tuệ hơn’ nam giới khi nói về trí tuệ xúc cảm, và nam giới cũng không siêu đẳng hơn phụ nữ. Mỗi người trong chúng ta đều có một hồ sơ cá nhân riêng, với những điểm mạnh và điểm yếu về những năng lực này. Một số trong chúng ta có thể rất thấu cảm nhưng lại thiếu khả năng giải quyết nỗi phiền muộn của chính mình; những người khác có thể nhận biết được những thay đổi rất nhỏ trong tâm trạng của người khác nhưng lại rất lạc lõng về mặt xã hội.”[3]
 
Khi tổng hợp các hồ sơ nam/nữ, chúng tôi thấy rằng nhìn chung phụ nữ nhận biết xúc cảm của mình tốt hơn và giỏi thiết lập các mối quan hệ với người khác hơn, trong khi nam giới dễ thích nghi và xử lý căng thẳng tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là, phát hiện này không giải thích cho các biến đổi ở mỗi cá nhân. Cũng có những người đàn ông biết rất rõ những cảm xúc của mình và có thể tạo những mối quan hệ bền chặt, cũng như có những phụ nữ có thể thích nghi dễ dàng và xử lý căng thẳng tốt.
 
Trí tuệ xúc cảm không được quyết định từ lúc con người sinh ra
 
Khía cạnh thú vị và hứa hẹn nhất của trí tuệ xúc cảm là chúng ta có thể thay đổi nó. Nói cách khác, không giống IQ, chúng ta không bị bó buộc vào những gì chúng ta có lúc được sinh ra. Tin tuyệt vời về EQ là, nó không phải là chỉ số cố định hay chỉ phát triển trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Người ta đã chứng minh rằng, các trải nghiệm cuộc sống có thể được sử dụng để nâng cao EQ, rằng chúng ta có thể tiếp tục phát triển khả năng của mình để học và điều chỉnh kể cả khi đã có tuổi. Lĩnh vực EQ thật sự đem lại phần thưởng khi chúng ta trải qua trường đời một cách thành công.
 
[1] Đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2007.
 
[2] Daniel Goleman, Working with Emotional Intelligence (New York: Bantam Books, 1998), trang 6.
 
[3] Sách đã dẫn, trang 7.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.