Trí Thông Minh Thực Dụng

Phần II: Thế Giới Nội Tâm – Chương 5: Tự Nhận Thức Xúc Cảm



“Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự lừa dối và bạn là người có thể dễ bị lừa dối mình nhất.”
 
– RICHARD FEYMAN, NHÀ VẬT LÝ MỸ ĐỌAT GIẢI NOBEL –
 
“Một người trào phúng là người phát hiện ra những điều khó chịu về chính bản thân mình và nói với người khác về điều đó.”
 
– PETER MCARTHUR, NHÀ VĂN –
 
Nghiên cứu cho thấy, càng có nhiều trí tuệ xúc cảm thì cuộc sống sẽ càng viên mãn và thành đạt, và hành trình này bắt đầu từ chính bản thân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không đã tự làm điều này ngay từ đầu, chúng ta sẽ bị hạn chế trong việc áp dụng điều này cho đến cuối cuộc đời. Tri thức về thế giới bên trong mỗi chúng ta sẽ giúp chúng ta nhìn nhận một cách thực tế cách chúng ta ứng xử với những người khác và với môi trường xung quanh. Một hiểu biết nhất định và khả năng quản lý xúc cảm là cần thiết để chúng ta có thể thay đổi một cách có hiệu quả những lĩnh vực khác của đời sống.
 
Lượng công việc chúng ta sẽ phải làm, và nỗ lực cần để thay đổi tận bên trong chúng ta tùy thuộc vào chúng ta xuất phát từ đâu. Tất nhiên, môi trường nuôi dạy quyết định phần lớn cách thức chúng ta tự nhìn nhận mình và thế giới xung quanh. Những người lớn lên trong những gia đình bất ổn sẽ phát triển cơ chế đối mặt. Điều này sẽ không có lợi cho họ trong thế giới rộng lớn. Họ sẽ cần nhiều thời gian để chấp nhận những xúc cảm của mình và để học cách giải quyết những xúc cảm đó hơn những người được nuôi dạy trong một môi trường lành mạnh.
 
Nhận thức về xúc cảm của bản thân
 
Trước khi làm bất kỳ điều gì với xúc cảm của bản thân, chúng ta cần nhận thức được sự tồn tại của nó. Một số cảm xúc – ví dụ như sự tức giận hoặc nỗi sợ hãi – rõ ràng hơn, đặc biệt nếu chúng ta trải nghiệm những xúc cảm này ở mức độ mạnh. Những cảm xúc khác khó nắm bắt hơn, và có thể chúng ta không nhận biết được chúng. Ví dụ, sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi đôi khi giống nhau đến nỗi, chúng ta khó có thể phân biệt chính xác. Khả năng nhận biết xúc cảm của bản thân cũng phụ thuộc vào cách xử lý mà chúng ta được dạy. Nếu chúng ta được dạy phải tin rằng xúc cảm là xấu và lúc nào cũng phải che đậy thì có thể chúng ta đã chôn giấu chúng quá sâu đến nỗi khó khăn trong việc tiếp cận những xúc cảm đó. Nhưng tiếp cận là điều chúng ta phải làm. Trong trường hợp này, vấn đề không phải là điều chúng ta không biết sẽ không làm tổn thương chúng ta. Những xúc cảm bị đè nén đã và sẽ tiếp tục làm tổn thương chúng ta, trừ phi ta nhận thức được và giải quyết chúng.
 
Anthony Robins, trong cuốn Awaken the Giant Within (Tạm dịch: Đánh thức con người phi thường trong bạn), nói về việc xúc cảm có lợi cho chúng ta như thế nào:
 
Cách duy nhất để sử dụng có hiệu quả xúc cảm của bạn là hiểu rằng, tất cả chúng đều có ích cho bạn. Bạn phải học từ xúc cảm của mình và sử dụng chúng để tạo ra chất lượng sống cao hơn. Những xúc cảm bạn từng nghĩ là xấu, đơn giản chỉ là thông điệp kêu gọi hành động. Khi đã quen với từng tín hiệu và thông điệp của nó, xúc cảm của bạn sẽ không còn là kẻ thù mà sẽ trở thành đồng minh của bạn. Xúc cảm sẽ trở thành bạn bè, người dẫn đường, người chỉ bảo cho bạn; xúc cảm dẫn bạn vượt qua những giây phút thăng trầm nhất của cuộc đời.
 
Có một số kỹ thuật chúng ta có thể sử dụng để giúp chúng ta liên hệ được với xúc cảm của mình. Tôi sẽ đưa ra một số kỹ thuật ở cuối chương này. Tuy nhiên, đôi khi nếu xúc cảm của chúng ta bị đè nén tới một mức độ nào đó hoặc là kết quả của một trải nghiệm đau thương nào đó thì có thể chúng ta phải cần đến sự trợ giúp chuyên nghiệp để có thể giải quyết. Trong trường hợp này có thể chúng ta phải cần đến sự giúp đỡ của một chuyên gia trị liệu hoặc một nhóm trợ giúp. Ví dụ, hai nhóm quốc tế, Mankind Project và Women Within, đã hoạt động rất hiệu quả trong việc giúp các thành viên của mình vượt qua được các xúc cảm của họ. Các nhà tâm lý học biết tới hai tổ chức này thường giới thiệu cho các khách hàng của mình và tin tưởng hoạt động của hai tổ chức này và khả năng tạo ra môi trường an toàn cho việc tiếp cận, khám phá và giải tỏa cảm xúc của họ.
 
Đi tới nguồn cội xúc cảm của bản thân
 
Khi chúng ta đã nhìn ra và nhận biết được xúc cảm của mình, chúng ta có thể đi tới được điểm bắt đầu của nó. Khi chúng ta có phản ứng trước một tình huống nào đó thì thường không phải chúng ta đang phản ứng với bản thân tình huống đó. Sự kiện chỉ đóng vai trò như chiếc cò súng, mang tới những xúc cảm chúng ta đã từng trải nghiệm trước đó. Ví dụ, nếu bạn đang ở trong một căn phòng có mười người và một người gọi cả nhóm là một lũ ngu ngốc thì tất cả các bạn sẽ có những phản ứng xúc cảm khác nhau. Ai hay bị bố chửi rủa là đồ ngu khi đang trong tuổi lớn, thậm chí có thể nổi điên lên. Một người khác có thể chỉ thấy hơi tức giận một chút, nhưng không thể bằng người có bố hay chửi mắng con. Nhưng một người khác chưa từng trải nghiệm việc bị chửi mắng, có thể sẽ không có chút phản ứng xúc cảm mạnh mẽ nào và tự hỏi điều gì khiến người kia lại nói như thế.
 
Hầu hết chúng ta đều sống quá nhiều bằng đầu và quá ít bằng tim. Chúng ta cần thường xuyên theo dõi cảm giác của mình để xem, liệu có phải chúng ta đang sống cuộc sống theo ý mình muốn hay đang sống cuộc sống do người khác định hướng. Trong cuốn Notes to Myself: My Struggle to Become a Person (Tạm dịch: Ghi chép về tôi: Cuộc đấu tranh để thành người), Hugh Prather viết: “Trong ngày, tôi càng lắng nghe xúc cảm bản thân mình để xem liệu có phải tôi đang làm những điều tôi muốn hay không, thì tới cuối ngày, tôi lại càng ít có cảm giác rằng mình đã lãng phí thời gian.”
 
Cảm giác của chúng ta không biết nói dối. Con người chúng ta có một năng lực tự đánh lừa bản thân thật vô hạn. Tuy nhiên, trí tuệ của chúng ta không thể cao hơn cảm giác. Cảm giác luôn để lộ bản thân ta và chỉ ra những mâu thuẫn trong cuộc sống. Thay vì lờ đi xúc cảm, chúng ta cần phải liên hệ nhiều với nó hơn nữa. Để sống một cuộc sống thực, thỏa nguyện và viên mãn, chúng ta phải sử dụng cả trí tuệ và cảm giác.
 
“Hãy trở thành điều thay đổi mà bạn muốn thấy trên thế giới.”
 
– MOHANDAS GANDHI –
 
“Ai cũng nghĩ tới việc thay đổi thế giới, nhưng không ai nghĩ tới việc tự thay đổi chính mình.”
 
– LEO TOLSTOY, NHÀ VĂN NGA –
 
Câu chuyện của Brad
 
Bước vào tuổi 40, Brad gặp khủng hoảng. Không hài lòng với công việc của mình, anh tin chắc điều mình cần là thay đổi nghề nghiệp. Anh mệt mỏi liên miên, cảm giác như mình bị ngập sâu trong vũng bùn và không thể nào thoát ra được. Brad phàn nàn với bất cứ ai chịu lắng nghe anh về công việc của mình. Anh tin rằng chỉ cần anh có thể tìm được công việc có ý nghĩa và thỏa mãn hơn thì cuộc đời anh sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chán việc nghe anh phàn nàn, nhiều đồng nghiệp tìm cách tránh né anh.
 
Với các đồng nghiệp và người giám sát, nhìn bề ngoài, Brad có vẻ dễ chịu và có cách ứng xử nhẹ nhàng. Anh không bao giờ thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự bực tức và có vẻ xử lý stress trong công việc rất dễ dàng. Nhưng bên dưới vẻ bề ngoài điềm tĩnh đó là giận dữ và bực dọc bị dồn nén, gặp dịp nó sẽ sôi trào. Ví dụ, một đồng nghiệp đã gửi email yêu cầu Brad làm công việc của mình theo một cách nhất định. Tức giận vì bị một người không có quyền quản lý mình nói phải làm việc như thế nào, Brad viết thư trả lời, trong đó có những lời tục tĩu. Nhân viên giám sát của Brad gọi anh tới và hỏi về hành động đó. Ông chủ của Brad nói rằng, ông ta không thể hiểu vì sao một người thông minh như anh lại hành động theo cách đó. Điều này chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, Brad bắt đầu nhận thấy mình đang tự tách mình xa hơn khỏi tập thể tại nơi làm việc. Nhiều bạn đồng nghiệp tránh né anh. Brad đặc biệt gặp rắc rối với người giám sát trực tiếp, vô cùng bực mình mỗi lần ông ta yêu cầu anh làm gì đó. Người giám sát chỉ là nhân vật cuối cùng trong danh sách dài những nhân vật quản lý anh gặp rắc rối.
 
Cuối cùng, Brad nhận ra mình đang bị trầm cảm và đã trầm cảm như thế từ trước đến giờ. Khi Brad nhận thức được căn bệnh của mình, anh liền tìm đến các chuyên gia. Nhờ họ tư vấn, anh bắt đầu đào sâu suy nghĩ về những cảm giác mà nhiều năm nay anh tránh né. Anh nhận ra nguyên nhân trầm cảm chính là mối quan hệ với cha đẻ của mình. Với cha, anh chưa bao giờ đủ tốt. Ông thường xuyên gọi anh là kẻ ngu dốt. Ngay cả khi Brad đã ngoài 30 tuổi, bố anh vẫn tiếp tục coi thường anh trước mặt mọi người. Brad cảm thấy cha mình là một người quá thông minh, phải chịu cay đắng vì không bao giờ có cơ hội sử dụng hết các khả năng của mình mà vẫn phải làm công cho đến hết đời. Khi khả năng tự nhận thức của Brad tăng lên, anh nhận ra rằng anh đang sống lại đúng cuộc đời của cha mình.
 
Trong quá trình tư vấn, Brad bắt đầu nhìn ra tất cả các lĩnh vực của cuộc đời mình bị ảnh hưởng do sự thiếu nhận thức về cảm giác bản thân. Anh nhận ra rằng, do không học cách quản lý xúc cảm, anh đã phá hỏng cuộc đời mình. Ngoài việc thường xuyên gặp gỡ một chuyên gia tư vấn, anh còn tham gia các buổi gặp mặt trị liệu nhóm trong một thời gian dài. Khi Brad tìm được cách giải tỏa nỗi giận dữ, anh đã nói với những người gần gũi mình rằng, lần đầu tiên trong đời anh thật sự thấy có hy vọng.
 
Nhiếp ảnh, vốn vẫn luôn là một sở thích nghiêm túc trong đời Brad, nay phát triển thành niềm đam mê. Nỗi sợ hãi bị từ chối đã khiến anh không dám gửi ảnh dự thi cho dù một vài nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có khuyên anh làm điều đó. Kể từ khi tham gia, anh đã giành được một số giải thưởng cho những bức ảnh phong cảnh. Vào thứ Bảy hàng tuần, anh bán những bức ảnh chụp được tại một chợ địa phương và rất thỏa mãn khi mọi người ghi nhận tài năng của mình. Thỉnh thoảng anh vẫn thấy khó chấp nhận việc mọi người sẵn sàng trả tiền để được treo những bức ảnh của anh trong nhà.
 
Brad vẫn tiếp tục làm công việc của mình nhưng mọi chuyện không còn nhiều rắc rối như trước. Khi anh đã bớt phàn nàn về công việc, anh thấy rằng các đồng nghiệp không tránh mình nữa và lần đầu tiên anh được một số đồng nghiệp mời tới dự tiệc. Anh trở nên thân thiện hơn và có vẻ đã tìm được niềm hứng thú mới với những người cùng làm.
 
Mặc dù công việc đang làm không phải là công việc anh mơ ước nhưng Brad đã nhận ra rằng, dù sao đó cũng không phải là công việc tồi tệ nhất và anh phát hiện ra có một số phần việc anh cũng thật sự thích. Biết rằng những vấn đề gặp phải với lãnh đạo bắt nguồn từ việc giận cha mình, Brad đã nỗ lực xây dựng/phát triển những mối quan hệ tôn kính trong công việc với người giám sát và quản lý của mình.
 
Brad đã bật cười khi lần đầu nhận ra người giám sát của mình chính là nguyên nhân làm bùng nổ cơn thù địch của mình do gợi nhớ tới hình ảnh cha mình. Nhận thức này bước đầu hàn gắn mối quan hệ của anh với những người quản lý. Anh đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với họ. Trong khi trước đây anh tìm ra những khác biệt chia cách với họ thì giờ đây anh bình tĩnh nỗ lực tìm ra những điểm chung với họ.
 
Bằng cách thành thực nhìn nhận và tự cam kết sẽ đối mặt với những cảm giác của mình, Brad đã thay đổi quan điểm. Giờ đây anh đã có thể tận hưởng cuộc đời mình.
 
“Bạn cần phải rời bỏ thành phố tiện nghi và bước vào thế giới hoang dã của trực giác. Những gì bạn khám phá được sẽ rất tuyệt vời.
Những gì bạn khám phá được sẽ là chính bạn.”
 
– ALAN ALDA, DIỄN VIÊN –
 
Kỹ thuật tăng cường khả năng tự nhận thức xúc cảm của bản thân
 
Ø Dành 10 phút mỗi ngày. Tìm một nơi riêng tư bạn cảm thấy thoải mái. Nhắm mắt lại và tập trung vào cảm giác của mình. Hãy cảm nhận sự căng thẳng trong cơ thể bạn. Tái hiện các sự kiện trong ngày để tạo ra một vài cảm xúc mạnh. Cố gắng tái tạo những cảm xúc đó bằng cách nhớ lại các sự kiện. Cuối mỗi lần, hãy viết lại những xúc cảm khác nhau mà bạn vừa xác định được vào một cuốn sổ được dành riêng cho mục đích này. Sau một vài tuần, để ý xem bạn có tiến bộ trong việc xác định xúc cảm hay không bằng cách nhìn vào số cảm xúc bạn có thể tái tạo.
 
Ø Nếu bạn gặp khó khăn trong việc liên hệ với các xúc cảm của mình hoặc gặp rắc rối trong việc phân biệt các loại cảm xúc, hãy tới gặp một nhà trị liệu hoặc tham gia một nhóm đặc biệt có khả năng khuyến khích bạn bày tỏ những cảm xúc này. Đôi khi, chứng kiến người khác can đảm chia sẻ xúc cảm của họ cũng sẽ làm chúng ta nảy sinh mong muốn làm điều tương tự.
 
Ø Vào cuối ngày, nếu cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ – ví dụ sợ hãi, tức giận hoặc buồn chán – xuất hiện, hãy cố tìm nguồn gốc ban đầu. Ví dụ, nếu ai đó làm bạn tức giận, hãy tự hỏi mình có phải người đó gợi nhớ cho bạn tới ai đó làm bạn tức giận trong quá khứ hay không. Hãy nghĩ lại lần đầu tiên bạn nhận ra mình đã trải qua kiểu tức giận đó.
 
Ø Khi bạn thấy mình đang sắp tức giận, hãy tự buộc mình không được phản ứng gì trong ít nhất 10 giây. Chuẩn bị sẵn một ý nghĩ – một kỷ niệm dễ chịu hoặc một điều gì đó vẫn đánh đố bạn – để nghĩ trong khoảng thời gian 10 giây đó. Bạn phải làm bất kỳ điều gì có tác dụng, để buộc tâm trí mình nghĩ về một điều gì đó khác trừ việc tức giận.
 
Ø Nếu bạn thấy mình giận dữ, sợ hãi, xấu hổ hay mặc cảm tội lỗi, sau đó hãy tự hỏi xem liệu mình có thể phản ứng theo cách khác không. Sau khi bạn đã tìm ra cách xử lý tình huống tốt hơn, hãy tập trung vào giải pháp đó trong 30 giây. Hãy tự nói với mình rằng, lần sau bạn sẽ xử lý sự việc theo cách mới này.
 
Ø Mỗi ngày hãy tìm cơ hội chia sẻ ít nhất một xúc cảm tích cực. Hãy nói cho ai đó biết nếu điều họ làm khiến bạn cảm thấy thích.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.