Cuộc sống là một sự ngạc nhiên lớn. Tại sao cái chết lại không phải là một sự ngạc nhiên lớn hơn?
Vladimir NABOKOV 1
MANHATTAN
NGÀY HÔM NAY
7H 59′ 58″
7H 59′ 59″
8H 00
Giật mình.
Ethan quờ tay mò mẫm nhiều giây để tắt tiếng chuông báo thức đang réo ầm ĩ…
Khiếp sợ, mệt đứt hơi, bồn chồn, anh đột ngột bật dậy và nhìn ngó xung quanh. Trên chiếc du thuyền, mọi thứ vẫn yên bình và một thứ ánh sáng vàng dịu xuyên qua cửa sổ chiếu vào trong thuyền. Anh đang ở nhà mình, đang ở trên du thuyền của mình!
Không thể thế được: anh đã lãnh đủ ba viên đạn, rơi xuống đất từ độ cao ba mươi mét! Anh đã chết rồi!
Anh kiểm tra ngày tháng trên đồng hồ: thứ Bảy ngày 31 tháng Mười.
Anh quay đầu: quấn mình trong ga trải giường, người phụ nữ trẻ tóc hung đỏ vẫn nằm cạnh anh. Vẫn nước da trắng như tuyết, vẫn mái tóc màu lửa, vẫn đầy tàn nhang.
Anh nhảy ra khỏi giường. Nỗi hoảng sợ choán hết tâm trí, anh leo lên cầu thang dẫn đến phòng khách rồi bước ra cầu tàu.
Mặt trời, gió ngoài khơi, tiếng chim mòng biển, những cơn giá lạnh đầu tiên của mùa thu, các tòa tháp bằng kính và đá hoa cương, khu vườn mùa đông, những người đang chạy dưới các lùm cây, biển, thành phố, chuyển động…
CUỘC SỐNG!
Tim anh đập mạnh. Trong một vài giây, nỗi sợ hãi nhường chỗ cho sự sảng khoái. Một giấc mơ! Đó chỉ là một giấc mơ! Một chuyện chỉ diễn ra trong đầu anh mà thôi! Đó chỉ là một màn kịch trong đầu anh, một thứ vớ vẩn của người suy sụp tinh thần, thời gian gần đây thường xuyên uống rượu, dùng cocain và thuốc chống trầm cảm.
Cơn ác mộng chết tiệt!
Chiếc áo phông ướt đẫm mồ hôi, cổ họng khô ran, mí mắt dính chặt, anh thả mình xuống chiếc ghế làm bằng gỗ tếch. Anh run rẩy, nước mắt chảy xuống má. Ở đây, trong gió, anh cảm nhận cái cảm giác tuyệt vời nhất trên đời: cảm giác vẫn còn sống sau khi đã trải qua điều tồi tệ nhất. Giấc mộng kinh tởm ấy đã giúp anh thực hiện một chuyến du hành sáng suốt và đau khổ về với chính mình. Mang đến cho anh ý thức để giải thoát khỏi những lời nói dối, nỗi sợ hãi và những mẹo lừa, tất cả những thứ đang giam hãm cuộc đời anh. Một lần nữa, cuộc sống lại đầy hương vị. Nó thật thiêng liêng, thật phong phú vô cùng. Không được lãng phí nó. Cần phải làm một điều gì đó.
Anh bước vào trong thuyền và tắm vòi hoa sen thật nhanh, tập trung suy nghĩ. Như vậy là anh đã tự nghĩ ra mọi chuyện: đám cưới của Céline, vụ tự sát của cô bé, cuộc gặp gỡ với những nhân vật tượng trưng cho Số phận và Nghiệp chướng và thậm chí cả tên sát nhân nữa! Nhưng tất cả những điều đó có ý nghĩa gì? Anh đã học Freud. Anh biết rằng các giấc mơ vừa là dịp để thực hiện những ham muốn bị kìm nén, vừa giữ vai trò của chiếc van an toàn cho sự cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, cơn ác mộng mà anh vừa trải qua không chỉ đơn giản là sự soi rọi lên phần vô thức của anh. Làm thế nào mà một giấc mơ đơn thuần lại có thể giống thật đến thế, đầy đủ đến thế, được xây dựng chặt chẽ đến thế và có khả năng quán tẩy bằng cả nhiều năm phân tích tâm lý đến như vậy?
Trở về phòng, anh nổi da gà khi nhìn thấy người phụ nữ trẻ. Nếu người đẹp đang thiếp ngủ chỉ là giấc mơ, thì sáng nay cô ta làm gì trên giường anh vậy? Sau khi lật đi lật lại câu hỏi trong đầu, cuối cùng anh chấp nhận rằng mình đã đưa cô ấy về đây hôm qua, và rằng cơn ác mộng của anh chỉ là quá trình nhớ lại những gì anh đã làm tối hôm thứ Sáu.
o O o
– Chào ông Whitaker, người gác cảng chào anh khi anh bước vào bãi đỗ xe nhỏ.
– Chào anh, Felipe.
– Chiếc xe của ông bị sao thế? Trông nó tệ quá.
Xe của tôi ư?
Lại một lần nữa, thực tế giống như trong giấc mộng: chiếc xe hai chỗ Maserati phồng lên và bị xước ở đúng vị trí như trong mơ. Ethan ghi nhớ. Liệu cơn ác mộng của anh có phải là một điềm báo hay không? Không, anh không bao giờ tin vào những thứ như thế. Lần này cũng vậy, chỉ đơn giản là nhớ lại tai nạn của ngày hôm trước. Không có gì hơn. Anh ngồi vào trong xe, xoay chiếc chìa khóa điện và nhấn ga ra khỏi bãi đỗ.
Tiếng đàn ghi ta của Jimi Hendrix rung lên trên chiếc radio trong xe. Ethan rút chiếc đĩa ra và vặn nút chỉnh tần số cho đến khi dò thấy kênh anh đang tìm kiếm:
… hàng ngàn lái xe taxi đã đình công ở Manhattan trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ để phản đối dự án của thành phố…
Thật là bối rối, cái cảm giác đang replay 2 này, như thể hội chứng đĩa bị xước vậy. Mặt khác, tất cả mọi người đều nói về cuộc đình công này từ nhiều ngày nay rồi. Vậy thì cũng là lẽ tự nhiên nếu như anh mơ thấy nó.
Anh rời khỏi quận Tài chính để ra đại lộ Broadway và dừng lại ở Quảng trường Thời đại. Vẫn nhóm sinh viên Nhật ngà ngà say đang gào thét “YATTA” giữa đại lộ, vẫn những người công nhân ấy đang thay tấm kính tại cửa hàng Virgin…
Anh nhét vài đồng xu vào máy bán báo tự động và mở tờ Thời đại New York ra, nơi bức ảnh của anh choán hết trang nhất:
Vị bác sĩ tâm lý quyến rũ nước Mỹ
Tại sao rốt cuộc anh lại không thấy ngạc nhiên nhỉ? Anh đọc những dòng đầu tiên để khám phá với thái độ cam chịu rằng đúng là những sự kiện đã xảy ra trong mơ! Một giấc mơ mà hiển nhiên không chỉ là giấc mơ. Có quá nhiều sự kiện lặp lại, quá nhiều sự việc tái diễn để cho rằng đó chỉ là tình cờ.
Đột nhiên, anh cảm thấy một nỗi đau bất thường – như là co cơ – lan tỏa trên bàn tay phải. Anh nhìn vào đó là những gì nhìn thấy khiến anh run rẩy: trên ngón trỏ và ngón giữa của anh có vết sẹo nhìn thấy rõ ở đốt đầu tiên và cứng đờ. Không còn nghi ngờ gì nữa, các ngón tay đã được ghép nối! Nhưng khi nào? Ai ghép? Vết sẹo còn mới và lâu nhất chỉ cách đây vài tuần. Có một linh cảm khủng khiếp, anh cởi áo vét rồi vén chiếc áo len lên: ở trên ngực, đúng nơi mà anh đã nhận viên đạn đầu tiên, có một vết khâu đang sưng lên, dấu hiệu của một cuộc phẫu thuật gần đây. Sao lại thế được? Vô cùng bỡ ngỡ, một lần nữa anh kiểm tra ngày tháng của ngày hôm nay. Lần này, tờ báo là vật tham khảo: đúng là thứ Bảy 31 tháng Mười năm 2007.
Choáng váng, anh quay vào trong xe và lả đi một lúc, hai tay ôm đầu, tự hỏi điều gì đã diễn ra. Từ khi tỉnh dậy, anh tìm cách tự trấn an, tự làm cho mình tin rằng tất cả những gì anh đã chịu đựng đơn giản chỉ là mộng mị vớ vẩn trong đêm.
Nhưng sự thật đang bày ra trước mắt thì khủng khiếp hơn nhiều.
Thế nếu như thay vì đang mơ ngày hôm ấy, anh chỉ đơn giản đang sống lại ngày hôm ấy thì sao?
Chú thích
1. Vladimir Nabokov (1899-1977), tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà phê bình văn học Mỹ gốc Nga, sinh tại Nga.
2. Tiếng Anh, có nghĩa là xem lại.