Truyện ngắn tổng hợp của Đoàn Thạch Biền
09 – Hồng Hà
Có một số người thuở nhỏ rất thông minh nhưng càng lớn lên càng ngu, tôi là một trong số những người hiếm hoi đó. Ðáng buồn thay!
Thuở nhỏ tôi không phải là thần đồng (nếu là thần đồng chắc các bạn đã biết tiếng tăm của tôi hết rồi, khỏi cần giới thiệu lôi thôi), nhưng chắc chắn tôi con nít ngày xưa đã thông minh hơn tôi người lớn bây giờ rất nhiều. Tại sao có trường hợp hợp lạ kỳ như vậy hả? Ðêm đêm nằm vắt tay lên trán tôi vẫn thường bị mất ngủ vì không giải đáp nổi thắc mắc đó.
Bạn thấy chưa, khi nằm ngủ mà đầu óc còn phải thắc mắc này nọ, chỉ điều nhỏ nhặt đó thôi cũng đủ chứng tỏ tôi ngu hơn xưa rất nhiều. Ngày xưa, đâu có vậy, tôi đã ngủ khì ngay khi chưa đến giờ đi ngủ. Tôi thường gục đầu kéo một giấc đã đời ngay trên bàn học và buổi sáng hôm sau, khi má tôi đánh thức dậy, tôi mới hay mình đang nằm trên giường.
Vì tánh dễ ngủ đó nên tôi bị học “đúp” năm lớp Nhất, đến năm 12 tuổi tôi mới thi vào lớp Ðệ Thất (6) trường công lập. Ðấy là cuộc thi khá gay go, “một chọi bảy” vì nhà trường chỉ lấy 300 học sinh trúng tuyển trong số 2100 học sinh dự thi.
Mặc dù chính tôi cầm giấy bút đi thi chứ không phải bố mẹ tôi, vậy mà bố mẹ tôi có vẻ run hơn tôi nhiều. Buổi sáng, trước khi đến trường thi, biết tánh tôi hay ngủ gục, mẹ tôi căn dặn : “Con đừng ngủ trong phòng thi nghe, ngủ ở đó nóng lắm. Con ráng thức làm xong bài rồi về mẹ quạt cho con ngủ”. Bố tôi thực tế hơn (người ít tin vào lời nói, vì cho rằng lời nói thường bay đi) nên ông dẫn tôi đi uống cà phê ở một quán cóc đầu ngõ. Ðấy là lần đầu tiên trong đời, tôi được thưởng thức hương vị cà phê đen và cũng từ ấy tôi bắt đầu nghiện uống cà phê luôn.
Kết quả kỳ thi đã làm bố mẹ tôi đứng tim, nhưng tôi thì hãnh diện lắm lắm. Tôi đỗ thứ ba (bạn thấy tôi giỏi không), trong số ba người đỗ dự khuyết. Tôi nghĩ người giỏi là đỗ thủ khoa, nhưng người thông minh phải là người đỗ chót, vì người đó biết cách làm bài chỉ đủ điểm đỗ là ngừng, biết cách làm bài khiến giám khảo không thể nào đánh rớt được, thế mới tài. Ðỗ cao làm gì cho mệt. Thầy giáo tôi đã dạy rằng : “Càng cao danh vọng càng dày gian nan”.
Bạn thấy chưa, ngay thuở nhỏ tôi đã hiểu được ý nghĩa thâm thúy của câu nói đó nên đã biết chối từ danh vọng. Ấy thế mà lớn lên, tôi lại thích gian nan mới ngu chớ. Làm việc gì tôi cũng hì hục cố đạt cho được hạng “nhất thống sơn hà” mới vừa lòng. Do đó tôi đã bị nhiều người ghen ghét nhất, bị nhiều người hãm hại nhất, vì vậy mà tôi trở thành kẻ ngu nhất.
Nhưng mấy chuyện ngu đần lẻ tẻ đó đâu có nhằm nhò gì nếu so sánh với chuyện ngu đần vĩ đại của tôi sau đây :
Cũng năm 12 tuổi đó tôi được biết Hồng Hà. Hồng Hà nếu chỉ là tên con sông phát nguyên ở miền núi Vân Nam dài 1200 km, có hai phụ lưu chính là sông Ðà ở hữu ngạn và sông Lô ở tả ngạn, có phù sa đỏ ngầu, chảy ngang Hà Nội và đổ ra Vịnh Bắc phần… Như vậy thì Hồng Hà muốn chảy đi đâu thây kệ Hồng Hà, chẳng ăn nhập gì đến tôi. Nhưng Hồng Hà còn là tên của một cô bé nữa, đó mới là điều khốn khổ cho tôi.
Thi đỗ vào trường công lập, tôi được xếp và học lớp Ðệ thất A3 và ngồi sau lưng một con bé Bắc kỳ tên Hồng Hà. Hồng Hà rất giỏi toán nhưng vẽ thì dở ẹc. Con bé vẽ hai đường song song bao giờ cũng gặp nhau nếu chịu khó kéo dài ra một chút nữa. Còn vẽ vòng tròn dù đã dùng compa, con bé vẽ vẫn giống như quả đất ở giữa thì tròn hai đầu hơi bẹp. Trái lại tôi vẽ rất giỏi, nhưng toán thì dốt đặc cán mai. Tôi có thể nhắm mắt xoay chuyển vở một vòng là đã vẽ xong một vòng tròn như trăng rằm và không cần dùng thước kẻ lôi thôi, tôi vẫn vẽ được hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau, cho dù bạn có mỏi tay kéo dài hai đường đó đến vô cực. Chính vì có những tài năng trái ngược đó mà chúng tôi bắt buộc phải thân với nhau, để cùng nhau cộng tác làm những bài toán giải đúng và đẹp.
Gia đình Hồng Hà ở cùng trại định cư của người Bắc với gia đình tôi. Mặc dù nhà chúng tôi cách xa nhau (người ở đầu trại kẻ ở cuối trại), nhưng hai gia đình vẫn quan biết nhau như thường, vì bố tôi cùng quê với bố Hồng Hà và hai người thường gặp nhau để kể “chuyện đời xưa”.
Tuy vậy, Hồng Hà và tôi chỉ biết nhau khi học chung một lớp và chỉ thân nhau khi Hồng Hà thường đến nhà nhờ tôi vẽ giúp các hình toán học, vạn vật, địa lý và các mẫu thêu, vì tôi nổi danh là “Ðịnh họa” mà lị.
Một buổi tối tôi đang cặm cụi vẽ hình những con tương cận với những con ếch cho Hồng Hà, con bé từ ngoài vườn chạy vào vỗ vai tôi :
– Ðịnh ra vườn Hà chỉ cho xem cái này đẹp lắm.
– Ðể Ðịnh vẽ cho xong cái miệng con cóc đang kêu đã, từ nãy giờ vẽ cứ hỏng mãi.
– Ðể đó chốc nữa vẽ tiếp. Ðịnh ra xem mau lên.
Không cho tôi phát biểu ý kiến, con bé giựt bút chì ra khỏi tay tồi kéo tôi đi. Phía sau nhà tôi có một khu vườn rộng trồng đủ các loại rau mà người Bắc ưa thích như : rau đay, mồng tơi, húng chó, tía tô, thì là, cải cúc… Ðêm đó trăng rất sáng và tôi nhìn thấy rõ những cánh hoa rau thì là nở trắng lấm tấm như những hạt cát. Nhìn quanh vườn chẳng thấy có gì lạ, tôi lại hỏi :
– Hà nói cái gì đẹp?
– Ðịnh không nhìn thấy à?
– Ðịnh chẳng thấy cái gì ăn được ngoài cây ớt chưa chín.
– Bộ cái gì ăn được mới đẹp sao?
– Phải. Ðịnh thấy con gà luộc đẹp hơn con Liên “hoa hậu” lớp mình nhiều.
– Thôi “ông”, nhìn kia kìa. Ðẹp không?
Tôi nhìn theo tay con bé chỉ ra góc vườn. Nơi có cây hồng bạch đang trổ bông trắng xóa. Dưới ánh trăng, cây hồng trông giống như một chiếc khăn trắng bay vướng vào hàng rào kẽm gai. Cây hồng đó do một bà dì ở Lâm Ðồng đem xuống cho tôi trồng, không phải để làm cảnh mà để làm thuốc chữa bệnh ho gà kinh niên của tôi. Mỗi khi lên cơn “hụ hụ”, tôi phải chạy ra vườn hái vài bông hồng bạch đưa cho má tôi chưng với cam thảo và đường phèn, chỉ cần uống một bát thuốc như vậy là cơn “hụ hụ” trong tôi chấm dứt ngay.
Chắc bạn cũng đã rành bệnh ho gà là gì rồi phải không? Vậy tôi khỏi phải kê khai bệnh trạng ra đây. Tôi chỉ nói cho bạn biết là mắc bệnh đó bạn không đau đớn gì, nhưng bạn sẽ làm cho người khác bực mình ghê lắm. Ðêm đêm nằm ngủ, bạn cứ lên cơn “hụ hụ” như tiếng gà gáy đánh thức người ta thì đố ai mà ngủ nổi. Chính mẹ tôi là người thương yêu tôi nhất nhà vậy mà bà cũng phải cho tôi nằm ngủ riêng một mình ở dưới bếp. Bạn biết không, tôi ho “hụ hụ” to đến nỗi mấy con gà ở trong buồng gần bếp đều bị mất ngủ và chết dần mòn khiến má tôi sợ hãi phải dời chuồng gà đi nơi khác gấp.
Bạn đã hiểu sơ qua về bệnh ho gà rồi, chắc bạn sẽ thông cảm với tôi, không phiền trách khi biết tôi coi cây hồng bạch như vị “cứu tinh ho gà” và sẵn sàng bảo vệ nó đến “cơn ho gà cuối cùng”. Cho nên khi Hồng Hà nói :
– Cây hồng bạch đẹp quá, cho Hà cây hồng đó nghe.
Tôi hét lên :
– Cho cái chổi cùn.
Cô bé cười cười nhìn tôi trông rất ngây thơ vô (số) tội.
– Ðịnh không thương Hà à?
– Thương Hà làm quái gì. Hà có giúp Ðịnh hết ho gà không?
– Nhưng Hà giúp Ðịnh làm toán khỏi bị dê rô.
– Ðịnh không sợ dê rô. Ðịnh chỉ sợ ho “hụ hụ”.
Con bé chớp chớp mắt.
– Hà sẽ nghỉ chơi với Ðịnh.
– Nghỉ thì nghỉ chứ ai cần. Ðịnh sẽ chơi với con Thu, con bác Sơn bán cà phê ở đầu ngõ.
Con bé bặm môi, mắt rươm rướm nước mắt rồi bật hét lên như còi xe chữa lửa :
– Con Thu bị ghẻ ruồi. Nó sẽ lây bệnh sang Ðịnh, cho chết luôn.
Hồng Hà bỏ chạy vào nhà lấy vở đi về, tôi cứ đứng yên ở vườn, tâm thần mê mẩn vì đã khám phá ra một chuyện bí mật. Không phải chuyện “con Thu bị ghẻ ruồi” đâu, tôi đã nghĩ ra cách muốn vẽ miệng con cóc đang kêu cho thật linh động, tôi chỉ cần vẽ theo cái miệng Hồng Hà lúc con bé hét lên là đúng ngay boong.
Bạn thấy chưa, ngay khi còn bé tôi đã dư thông minh để biết coi thường ánh mắt, nụ cười, nước mắt con gái. Những thứ đó tuy vớ vẩn nhưng cũng đã khiến cho ông Adam bị “sút” văng khỏi Thiên Ðàng và khiến cho biết bao nhiêu ông vua ở hạ giới bị “sút” văng khỏi ngai vàng. Bây giờ chẳng cần phải ánh mắt nụ cười, chỉ cần người đẹp ban cho một cái móng chân để làm kỷ niệm tôi cũng sẵn sàng bắt chước Tỉ Can móc tim mình dâng cho nàng ngay chứ đừng nói gì dâng cây hồng bạch vớ vẩn đó. Ðấy bạn xem, tôi-người-lớn có ngu không chứ!
Trại định cư của chúng tôi ở bên bờ một con sông nhỏ. Mỗi chiều, tôi thường ra sông tắm và đợi đến khi bữa ăn tối ở nhà đã dọn xong, tôi mới lò dò trở về để khỏi bị mẹ sai vặt. Một buổi chiều đang thả nổi mình trôi theo dòng nước, tôi nghe có tiếng khóc ré lên, nhìn lên bờ thấy Hồng Hà đang đánh cô em gái, tôi vội bơi vào bờ.
Cả tuần nay hai đứa tôi giận nhau. Không có con bé cộng tác làm toán chung tôi đã bị một con dê rô trong vở bài tập nên “hầm hơi” lắm lắm và chỉ đợi dịp gây lộn với con bé. Sẵn có dịp này, tôi vội nhào đến can thiệp.
– Hà không được đánh em Hà. Thầy giáo đã dạy “Chúng ta không được hà hiếp kẻ yếu đuối”.
Con bé giở giọng người lớn nói :
– Tôi đánh em tôi, chứ tôi đánh em ông đâu mà ông nói.
– Em của ai cũng vậy. Thầy giáo đã dạy “Anh hùng thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Hà mà đánh em Hà nữa, tôi đánh Hà liền.
Con bé tát ngay vào mặt cô em cái bốp rồi đứng chống nạnh nhìn tôi thách đố.
– Ðố ông đánh tôi đấy.
– Ðánh ngay chứ sợ à, nhưng Hà không được mách bố Ðịnh mới là “anh hùng”.
Không đợi con bé trả lời có chịu làm “anh hùng” hay không, tôi đấm ngay vào bụng con bé cái hự rồi bỏ chạy. Trong khi tôi lo đi trốn, Hồng hà đã chạy đường tắt về mách bố mẹ tôi. Vì vậy, tối đến, vừa thấy tôi bước chân vào cửa, (mặc dù tôi đã giả vờ lên cơn ho gà ho “hụ hụ”) bố tôi vẫn túm lấy áo tôi kéo lên phản nằm, rồi quất roi mây túi bụi.
Bạn thấy chưa, ngay khi còn bé tôi đã sáng suốt biết bênh vực những kẻ “thấp cổ bé miệng” và sẵn sàng đánh con gái bằng “quả đấm” đàng hoàng. Còn bây giờ gặp chuyện như trên chắc tôi sẵn sàng giúp cô chị bạt tai cô em mấy cái cho nàng đỡ mỏi tay. Tôi cũng chẳng còn can đảm đánh con gái bằng “đóa hồng”. Tôi chỉ có can đảm đưa tấm thân “tuổi ngựa” của tôi cho nàng hành hạ mà thôi. Thế mới ngu chứ!
Bị ăn bữa “cháo lươn” mập mình, buổi sáng hôm sau gặp Hồng Hà ở trường tôi liền xỉ vả con bé :
– Hà là một con hèn.
– Ai bảo Ðịnh đánh Hà đau làm chi.
– “Anh hùng” phải ráng chịu đau, không khóc than, không đi mách bố người ta.
– Ðịnh nói sai rồi, con gái không là “anh hùng”, con gái chỉ là “liệt nữ”.
Chắc tối qua con bé thức suốt đêm ngồi tra tự điển Hán Việt nên mới rành nghĩa hai chữ để “sửa lưng” tôi, tôi nổi sùng cãi bướng.
– “Liệt nữ” cũng vậy. Ngày xưa Hai Bà Trưng bị quân Tàu đánh, cũng đâu có khóc than và đi mách bố quân Tàu.
Con bé đuối lý, bĩu môi :
– Ðịnh chỉ tài bắt nạt con gái, có giỏi Ðịnh đánh thằng Hùng đi, Hà thách đó.
Thằng Hùng trưởng lớp tôi, nhà nó cũng ở trại định cư và ở gần nhà Hà. Nó to con và cao lớn hơn tôi nhiều vì đã 15 tuổi nhưng được bố mẹ khai sụt tuổi để thi vào trường công. Mặt nó đầy mụn trứng cá đỏ sần nên có biệt danh là “Hùng sùi”. Nghe Hồng Hà thách đố, tôi nổi máu anh hùng, chẳng còn biết Hùng sùi là ai nữa. Tôi nói :
– Ðịnh đánh thằng Hùng ngay. Hà cá cái gì?
– Ðịnh đánh thắng thằng Hùng. Hà chịu mất năm đồng. Còn Ðịnh thua thì sao?
– Chịu mất hai hòn bi sứ.
– Hà đâu thèm chơi bi.
– Một ná cao su bắn chim gọng đồng.
– Không đáng một đồng.
– Vậy Ðịnh sẽ để Hà đấm ba cái vào lưng.
– Ðấm Ðịnh thêm mỏi tay.
– Chớ Hà muốn gì?
– Cây hồng bạch của Ðịnh.
– Trấu xay. Nghèo mà ham. Cây hồng bạch đáng giá một trăm đồng.
– Vậy Ðịnh cắt một cành hồng cho Hà đem về trồng.
– Còn lâu, một cành hồng đáng giá mười đồng.
– Ðịnh không chịu thì thôi.
Con bé lững thững bỏ đi, tôi đứng lại phân vân suy nghĩ. Chắc bạn cũng biết năm đồng cách đây 27 năm cũng lớn lắm. Chỉ cần năm cắc bạn có thể uống được một ly cối cà phê đen tha hồ bỏ đường. Năm đồng đối với một thằng bé ở trại định cư nghèo khổ như tôi lúc đó quả là một món tiền vĩ đại. Tôi chỉ có được số tiền ấy mỗi năm một lần vào dịp Tết, khi cộng tiền ấy mỗi năm một lần vào dịp Tết, khi cộng tiền lì xì của tôi với tiền lì xì tôi ăn cắp của mấy đứa em. Có năm đồng, tôi sẽ tha hồ mua đồ ăn (tôi không thích đồ chơi, tôi chỉ thích đồ ăn) như bánh rán, kẹo kéo, bánh bao, thịt bò khô, táo tàu, xoài dầm cam thảo, bánh đa phết mật… Ối giời! Có năm đồng tôi sẽ mua tất cả các hàng quà rong quanh trường. Nghĩ vậy, tôi chạy theo Hồng Hà nói chấp nhận cuộc đánh cá và hẹn con bé năm giờ chiều ra bờ sông xem tôi đánh Hùng sùi, vì Hùng sùi cũng thường ra sông tắm giờ đó.
Nhưng Hùng sùi không phải là thằng vô hình. Chỉ cần đợi đến khi xếp hàng vào lớp là tôi biết ngay nó thật sự hiện diện ở cõi đời này còn chắc chắn hơn bánh rán, kẹo kéo bánh bao nhiều. Nó đứng chỉ huy xếp hàng, bên nam, bên nữ, nhỏ trước lớn sau. Ðứa nào đứng lộn xộn nó cú lủng đầu ngay, bất kể gái trai. Tôi còn đang mê mẩn tính, nếu có năm đồng mình sẽ mua những đồ ăn gì thì Hùng sùi cú vào đầu tôi cái cốc, khiến mọi đồ ăn đều văng ra ngoài hết. Nó hét lên :
– Mày to đầu phải đứng ở dưới kia biết chưa?
Bấy giờ tôi mới biết Hùng sùi mạnh và hét to hơn tôi nhiều. Ðiệu này chắc tôi sẽ chẳng được năm đồng mà còn bị đòn no và mất thêm một cành hồng. Nhưng may thay, đầu óc thông minh của tôi đã hoạt động và hiến cho tôi một mưu kế thần sầu.
Ngay khi ra chơi tôi gặp riêng Hùng sùi để thương thuyết. Tôi kể cho nó nghe mọi chuyện và nói nếu nó chịu giả vờ đánh thua, tôi sẽ chia cho nó hai đồng. Hùng sùi lắc đầu :
– Mày khôn bỏ mẹ. Mày đánh tao sướng tay lại được con Hồng Hà phục, vậy mà còn được ba đồng, đâu dễ dàng vậy. Tao phải được ba đồng, nếu không tao đánh mày gục luôn.
– Mày đánh tao gục, mày cũng đâu được đồng nào. Con Hồng Hà nó đâu có đưa tiền cho mày.
– Nhưng tao sẽ làm mày mất một cành hồng và tao sẽ đấm mày đến khi nào mỏi tay mới thôi.
Nghe nó dọa “đấm mỏi tay mới thôi” khiến tôi phát hoảng. Nó mà đấm tôi kỹ như vậy chắc tôi phải nghỉ học một tuần lễ là ít. Tôi đành chấp nhận đòi hỏi của nó. Tuy vậy Hùng sùi còn dặn :
– Mày đấm tao nhẹ nhẹ thôi, nghe. Mày đấm mạnh là tao cáu sườn, không “bảo đảm sinh mạng” mày đâu.
Dĩ nhiên, trong trận “Long Hổ sát đấu” buổi chiều đó, tôi đã toàn thắng Hùng sùi. Tôi chỉ mới đấm một cú nhẹ vào bụng, vậy mà nó đã ôm ngực la “Ối giời! Bị giập phổi rồi. Tao phải đi nhà thương gấp” rồi nó chạy biến. Hồng Hà móc túi đưa tôi năm đồng, mặt con bé như cái bánh đa nhúng nước, nhưng đôi mắt con bé nhìn tôi có vẻ khâm phục sức mạnh của tôi lắm lắm.
Bạn thấy chưa, ngay từ thuở nhỏ tôi đã biết liên kết bạn bè “moi tiền” con gái tiêu chơi. Còn bây giờ, không những tôi sẵn sàng moi tiền của thằng bạn thân nhất mà còn sẵn sàng moi tiền của bố mẹ và của chính tôi để dâng cho bất cứ người đẹp nào, thế mới ngu chứ!
Suốt ba ngày sau không thấy Hồng Hà đến lớp học, tôi nghĩ chắc con bé tiếc năm đồng nên không muốn nhìn mặt tôi. Mãi đến khi bố tôi cho biết Hồng Hà bị bệnh thương hàn và bảo tôi đến thăm, tôi mới chịu khó cuốc bộ đến nhà con bé ở cuối trại định cư.
Mẹ Hồng Hà dẫn tôi vào một căn phòng được che kín bằng những màn vải có hoa lớn màu vàng. Con bé nằm im trên giường, mắt nhắm lại, mặt xanh lè, mồ hôi vã ra ướt đẫm cả tóc, vậy mà con bé vẫn phải trùm khăn đến cằm. Khi mẹ Hồng hà bận ra ngoài để coi siêu thuốc bắc, tôi ghé bên con bé gọi nhỏ :
– Hà, Hà, cho Ðịnh mượn vở tập toán nghe.
Con bé mở đôi mắt lờ đờ nhìn tôi hỏi :
– Ai đấy?
– Ðịnh họa đây.
– Vậy mà tưởng Hùng sùi.
– Bộ mặt Ðịnh nổi nhiều mụn trứng cá lắm hả?
Con bé cười không trả lời, trông dễ ghét lạ. Nếu không sợ kỳ tới thầy giáo gọi tôi lên bảng trả bài tập toán, chắc tôi sẽ cầu trời cho con bé ốm chết luôn cho bõ ghét. Tôi hỏi :
– Vì tiếc 5 đồng nên Hà ốm phải không?
Con bé lắc đầu, rồi đột nhiên ôm ngực ho “hụ hụ”. Mặt con bé đỏ gay như người say rượu và lăn lộn trên giường giống hệt tôi mỗi khi lên cơn ho gà. Tự nhiên tôi thấy thương con bé lạ. Một lúc cơn ho vừa dứt, con bé nhìn tôi nói :
– Ðịnh cho Hà một cành hồng bạch nhé?
Tôi định hét “trấu xay”, nhưng nghĩ đến cơn ho vừa qua của con bé, tôi đổi ý nói:
– Ðược rồi, tối nay Ðịnh sẽ đem đến cho Hà một cành hồng. Bây giờ, Hà cho Ðịnh mượn vở toán tập của Hà đi.
Con bé mừng rỡ cố nhổm dậy giơ tay chỉ :
– Vở toán tập Hà để ở bàn kia kìa, Ðịnh lấy đi. Tối Ðịnh nhớ đem cho Hà một cành hồng bạch thật nhiều bông nghe. Hà sẽ nhờ mẹ trồng ở góc vườn và khi khỏi bệnh Hà sẽ chăm sóc nó kỹ hơn. Ðịnh nhớ đem đến sớm nghe, Hà đợi đó.
Buối tối, ăn cơm xong, tôi cầm con dao ra vườn chặt cho Hồng Hà một cành hồng nở đầy bông trắng. Sợ mẹ mắng về tội “chặt vị cứu tinh”, nên tôi không dám cầm cành hoa đi ra cửa trước mà phải chui vào hàng rào phía sau vườn, rồi chạy đến nhà Hồng Hà. Gần đến nhà con bé, tôi gặp Hùng sùi đứng chống nạnh ở giữa đường. Nó hỏi :
– Mày đi đâu đó Ðịnh họa?
– À trời nóng quá, tao đi vòng vòng cho mát.
– Xạo ke, mày đến nhà con Hà phải không?
– Ừ… Nghe nói nó ốm, tao định đến thăm.
– Mày cầm cành hồng cho nó hả?
– Sức mấy mà cho. Nghe nó bị ho gà nên tao đem đến bán.
– Xạo ke, người ta bán hoa thôi chứ ai bán cả cành. Mày định cho con Hà để nó trồng trong vườn phải không?
– Bố tao nói đem tặng bố nó một cành hồng để trồng làm cây cảnh.
– Xạo ke, mày “mết” con Hà nên đem cành hồng tặng nó còn bày đặt nói nọ kia. Sáng mai đến trường, tao sẽ nói cho tụi nó biết mày là thằng “gà mái ướt” mới đi “mết” con gái.
Bị gọi là “gà mái ướt”, tôi cảm thấy nhục nhã ghê gớm… Tôi hét lên đính chính :
– Tao “mết” con Hà hồi nào, tao ghét nó như ghét ông thầy dạy toán. Tao tính đem cành hồng đến lêu lêu cho nó thèm chứ còn khuya tao mới cho nó. Mày xem dây.
Tôi quăng cành hồng xuống đất, rồi giẫm nát những đóa hồng trắng dưới đôi guốc mộc. Hùng sùi vỗ tay reo :
– Mày đúng là thằng “gà cồ”. Tao xin lỗi mày nghe, giờ tao đãi mày đi ăn thạch chè.
Hùng sùi quàng tay quanh vai tôi kéo đi. Ðược gọi là “gà cồ” tôi nở mũi sung sướng mặc kệ cho Hồng Hà đợi chết luôn.
Hai mươi bảy năm đã trôi qua. Bây giờ tôi đố bạn, Hồng Hà hiện đang ở đâu đấy? Chắc bạn nói nàng đang ở trong nghĩa địa, và “mồ xanh cỏ” rồi chứ gì!
Xời! Nếu được như bạn nói thì thật “phúc đức bảy mươi đời” cho tôi. Chẳng cần phải nghĩa địa. Hồng Hà ở bất cứ chỗ nào trừ nhà tôi, tôi cũng sung sướng lắm lắm. Nhưng khổ nỗi, hiện giờ nàng đang ở trong nhà tôi đấy bạn ạ. Ðiều đó chưa có gì kinh khủng lắm đâu nếu bạn còn biết thêm rằng Hồng Hà hiện đang là “nhà tôi”, thế mới thảm chứ! Tôi thật xứng đáng được bạn phân ưu phải không?
Có một số người thuở nhỏ rất thông minh nhưng càng lớn lên càng ngu, tôi là một trong số những người hiếm hoi đó. Biết làm sao bây giờ?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.