Truyện ngắn tổng hợp của Đoàn Thạch Biền

35 – Tiếng hát của nàng



Một nữ phóng viên đồng nghiệp nói với tôi: Ông chỉ chuyên viết về áo trắng thôi sao! Xã hội này còn nhiều người mặc áo màu khác. Ông hãy đi thực tế một quán bia ôm và viết về thân phận của các cô gái ấy.

Tôi đã đi thực tế và viết được truyện này. Có lẽ truyện còn ôm… đồm quá, nhưng biết làm sao được. Dưới ánh sáng mặt trời rạng rỡ, người ta còn chưa nhìn thấy hết góc cạnh của một sự việc, huống chi dưới ánh đèn mờ.

Truyện này đã được đăng trên báo Sóng Nhạc. Tôi nghĩ không phải vì nó có “nhạc” mà có lẽ vì nó có một chút “sóng”.

*

* *

Khi chúng tôi bước vào quán Linh Thảo chỉ còn có hai bàn trống. Một bàn trải khăn trắng có đặt một bình hoa cúc vàng, còn bàn kia có một nụ hồng nhung cắm trong một chiếc ly cao. Tôi chọn bàn có bông hồng, chẳng phải vì trông nó sang trọng hơn mà vì nhìn bông hồng tôi thường dễ dàng tưởng tượng ra đủ thứ các món ăn ngon: heo sữa quay, cá chép sốt cà, thỏ nấu rượu chát. Và như thế sẽ đỡ tốn… tiền “mồi”.

Một người phục vụ nam mặc áo trắng quần đen bước vào hỏi:

– Các anh uống bia gì?

Tuấn nhìn người phục vụ nói:

– Cho nửa… nửa thùng Heineken là bao nhiêu lon?

– Dạ mười hai lon.

Tuấn trợn mắt nói:

– Bộ không biết làm tính chai sao mày? Nửa của nửa thùng là sáu lon.

Người phục vụ cười nói:

– Dạ, em hiểu. Các anh có cần gọi cô nào quen?

– Mới vào lần đầu chưa quen ai. Mày tìm cho tao em nào ốm ốm xinh xinh.

Nhân ngồi cách Tuấn một ghế nói:

– Gọi cho tôi một em ít trang điểm và không xài dầu thơm.

Người phục vụ quay qua hỏi tôi:

– Còn anh hai?

Tôi lắc đầu. Tuấn vỗ tay xuống bàn:

– Thôi cha nội, cha nội “ăn chay” ai dám “ăn mặn”.

– Thì từ từ.

Thú thật tôi thích ngồi uống bia với một bông hồng câm nín còn hơn phải ngồi nói chuyện với một cô gái mà mình không hợp gu, dù chỉ là ngồi để giải trí trong chốc lát.

Một lúc sau người phục vụ đem vào sáu lon bia và hai cô tiếp viên cầm ba cái ly có quai đặt lên bàn. Tuấn và Nhân mỗi người một cô tiếp viên ngồi kế bên. Người phục vụ hỏi:

– Các anh ăn gì không?

Tuấn nói:

– Cho con khô mực.

Tôi nói:

– Một đĩa táo xanh và nhiều muối ớt.

Người phục vụ kéo tấm bình phong che bàn chúng tôi, chỉ chừa một lối đi nhỏ rồi bước ra ngoài. Một cô gái tóc ngắn xách xô đá bước vào, gắp đá bỏ vào ly. Cô mặc áo pull trắng sát nách, chiếc váy dài có in hình những bông hoa màu đen trên nền vải nâu. Đôi mắt to đen của cô có vẻ buồn não ruột dù miệng cô luôn mỉm cười. Bỏ đá xong, cô gái xách xô đá đi ra ngoài. Tôi hỏi cô gái ngồi bên Tuấn:

– Ai vậy?

Tuấn cười:

– Rồi, trúng “hệ” của chàng rồi.

Cô gái nói:

– Chị Kim đó. Chị ấy chỉ phục vụ chứ không được ngồi bàn tiếp khách.

Tôi tự khui lon bia rót đầy ly rồi bưng lên uống hết nửa ly. Tôi nhìn bông hồng trên bàn và cố tưởng tượng ra đôi mắt buồn não ruột của cô gái. Chắc cô là thân nhân của chủ quán nên không được tiếp khách.

Một người đàn ông ló đầu qua khe bình phong hỏi:

– Các anh có cần ca nhạc?

Tôi nhận ra Khoa, một người quen ở quán cũ. Tôi vẫy tay gọi:

– Vào đây.

Khoa đẩy bình phong bước vào, bắt tay tôi:

– Chào anh Tiến. Lâu quá mới gặp lại anh.

Tôi kéo ghế cho Khoa ngồi rồi rót đầy ly bia mời:

– Uống năm mươi đi. Bỏ quán Bảo Sơn bao lâu rồi?

– Dạ, em về làm quản lý ở đây đã hơn ba tháng. Xin phép anh.

Khoa uống cạn nửa ly bia rồi nói:

– Để em gọi cho anh một cô mới vô làm, ngon lành lắm.

– Thôi khỏi. Ông ra gọi cho tôi cô Kim.

Khoa trợn mắt:

– Cô Kim? Không được đâu.

Tôi nhíu mày:

– Ông là quản lý mà điều động cô ta vào đây không được thì quản lý cái quái gì?

– Không phải vậy. Em chỉ sợ anh buồn.

– Tự tôi yêu cầu, tại sao tôi còn phải buồn?

Khoa ôm vai tôi nói nhỏ:

– Để em trình bày cho anh Tiến thông cảm. Kim trước kia là ca sĩ số một ở quán này. Rất nhiều khách đã say mê tiếng hát của cô ấy. Bia và thuốc lá đã làm cho cô ấy khan tiếng. Rồi một đêm đi làm về khuya. Kim bị trúng mưa và bị bệnh. Khi lành bệnh thì Kim cũng bị tắt tiếng luôn. Bà chủ thông cảm hoàn cảnh cô ấy phải một mình nuôi cha mẹ già, nên đã nhận cô ấy vào làm phục vụ như nam chứ không cho ngồi tiếp khách, sợ khách chê quán có tiếp viên câm.

Tôi vỗ vai Khoa:

– Ông ra mời Kim vào đây. Mọi chuyện để tôi lo.

Khoa đứng dậy. Tuấn nói:

– Ông gọi người đờn để mấy em ca cho vui.

Khoa đẩy bình phong bước ra. Một lát sau Kim cầm đĩa khô mực và đĩa táo xanh bước vào. Đặt hai đĩa trên bàn, Kim định bước ra ngoài thì tôi níu tay nàng:

– Em ngồi xuống đây.

Kim mỉm cười lắc đầu. Tôi kéo Kim ngồi xuống ghế và choàng tay qua vai nàng.

Tuấn vỗ tay cười ha hả:

– Hết “ăn chay” rồi hả?

Tôi rút tay trên vai Kim xuống rồi nắm lấy tay nàng nói nhỏ:

– “Em như một nụ hồng cầu mong chẳng lạnh lùng.” Em biết bài hát đó chứ?

Kim mím môi nhìn đóa hồng trên bàn, lắc đầu. Tôi nói:

– Tôi không yêu cầu em hát. Tôi chỉ hỏi em có “hiểu” bài hát đó?

Kim gật đầu.

– Tốt. Nào mời em uống.

Tôi đưa ly bia cho Kim, nàng cầm lên uống nhấp một ngụm. Một người đàn ông có râu cầm đàn ghi ta bước vào. Anh cúi chào chúng tôi rồi kéo ghế ngồi một góc sát tấm bình phong. Cô gái ngồi bên Tuấn nói:

– Em xin hát tặng các anh bài “Chuyện ba người”.

Anh nhạc công dạo đàn. Tuấn gõ tay xuống bàn theo nhịp điệu Rumba. Cô gái hát: “Một người đi với một người, một người đi với nụ cười hắt hiu…”

Kim nhìn chăm chăm vào cây đàn. Đôi môi nàng khẽ mấp máy. Nàng cố tìm lại giọng hát đã mất. Rồi nàng gục đầu xuống bàn, hai tay bịt chặt đôi tai…

Bài hát dứt. Mọi người vỗ tay. Đôi mắt Kim ngấn lệ. Tôi vuốt mái tóc ngắn của nàng và nói nhỏ:

– Đừng buồn, rồi giọng hát sẽ trở về với em.

Kim buồn bã lắc đầu, cầm ly bia lên uống cạn. Tôi lấy một trái táo xanh, chấm thật nhiều muối ớt rồi đưa cho nàng.

– Em hãy tập chịu đựng ăn đủ thứ chua chát cay mặn, để vươn lên trong cuộc đời. Khi nào từ bỏ được nơi chốn này, giọng hát sẽ tự động về với em.

Kim gật đầu, nhìn tôi mỉm cười. Nàng cắn mạnh vào trái táo đầy muối ớt. Tôi mượn người nhạc công cây đàn. Dù giọng hát không hay, tôi cũng muốn hát tặng nàng. Không phải để nàng thưởng thức giọng ca của tôi, mà để nàng hiểu lời ca: “Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời…”

Gần 12 giờ đêm, tôi đưa Kim về nhà nàng. Trời vừa mới ngừng cơn mưa nên thành phố mát lạnh. Kim ngồi sau thỉnh thoảng đưa tay chỉ đường mỗi khi xe chạy đến một ngã tư. Đến một con đường nhiều cây sao cao vút, nàng vỗ vai tôi ra dấu cho xe ngừng lại. Nàng xuống xe, chỉ vào một con hẻm sâu hun hút rồi ra dấu cho tôi đừng đi theo vào nhà nàng.

Đường phố im lặng, tôi nghe rõ tiếng lá rụng chạy đuổi nhau trên mặt đường. Tôi ôm lấy vai nàng, nàng im lặng. Tôi vuốt mái tóc nàng, nàng im lặng. Và khi tôi cúi xuống hôn nàng, lạ lùng thay đôi môi nàng mấp máy rồi khẽ hát “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời…”

Tôi đã nghe rõ ràng tiếng hát thanh thoát của nàng. Chắc các bạn cho rằng lúc đó tôi “xỉn” nên mới nghĩ vậy. Làm sao một người đã bị tắt tiếng có thể hát được?

Như vậy bạn chỉ tin tình yêu nói được bằng miệng lưỡi. Không, tình yêu cũng có thể nói được bằng trái tim. Và nàng đã hát bằng trái tim.

Tôi không tin cơn bệnh nàng mắc trong đêm mưa đã làm nàng tắt tiếng. Chính khói thuốc và rượu bia trong căn phòng tù túng, dù có được gắn máy lạnh, đã làm tắt tiếng hát của nàng. Tôi tin tình yêu sẽ giúp nàng thoát khỏi nơi chốn tù túng đó, và tiếng hát sẽ trở lại với nàng. Khi hai con tim hoà cùng một nhịp, chúng sẽ giúp nhau hát lên một bài ca mà chỉ riêng chúng hiểu.

Nhưng ai sẽ giúp nàng có lại tiếng hát?

Thật đáng tiếc tôi không thể giúp nàng chuyện đó. Tôi không muốn nàng sẽ bị tắt tiếng luôn khi khám phá ra đứa con gái đầu lòng của tôi vừa tròn một tuổi. Nó đang cần tiếng hát của tôi dù tôi hát không hay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.