Cô không biết tên Vũ công đã lọt vào như thế nào và cô cũng không kịp quan tâm. Lúc này cô chỉ muốn thoáng phát hiện được mục tiêu cùng khoảng thời gian hai giây cần thiết để trút cả nửa băng đạn chín ly đầu khoét lõm[97]vào hắn.
Với khẩu Glock nhẹ bẫng trên tay, cô lao vụt ra hành lang tầng hai. Chạy sau cô là Sellitto và Dellray cùng một tay cảnh sát trẻ mặc sắc phục, với anh chàng này cô chỉ kịp ước, giá kể mình có thời gian để tìm hiểu phẩm chất của anh ta khi lâm trận. Jodie nằm chết gí trên sàn, kinh hoàng nhận ra rằng gã đã phản bội một kẻ cực kỳ đáng sợ đang có vũ khí và chỉ cách đó chưa đầy 30 feet.
Hai đầu gối Sachs như đang muốn kêu gào phản đối khi cô lao phăm phăm xuống cầu thang, vẫn là căn bệnh viêm khớp và cô không khỏi nhăn mặt đau đớn khi nhảy thẳng từ ba bậc thang cuối cùng xuống sàn tầng một.
Qua tai nghe của mình cô nghe rõ yêu cầu lặp đi lặp lại của Bell về việc cần yểm trợ khẩn cấp.
Chạy dọc hành lang tối om, khẩu súng ép sát vào người, đây là tư thế an toàn nhất để kẻ thù không thể bất ngờ đánh văng súng của cô (chỉ những cảnh sát trên ti vi và nhưng tên găngxtơ trên phim mới lăm lăm chĩa thẳng súng về phía trước đầy vênh váo trước khi rẽ vào các góc, hoặc ghếch mũi súng chĩa lên trên). Liếc thật nhanh vào những căn phòng cô bước qua, khom thấp người xuống, dưới tầm cao ngang ngực, nơi một nòng súng thường đang phục sẵn để chĩa vào.
“Để tôi lo phía trước”, Dellray ra lệnh và biến mất vào cuối gian sảnh phía sau cô, khẩu Sig-Sauer to bự lăm lăm trên tay anh.
“Hãy cảnh giới phía sau”, Sachs ra lệnh cho Sellitto và người thanh niên mặc sắc phục, không thèm đếm xỉa đến cấp bậc lúc này.
“Rõ”, anh ta tuân lệnh.“Tôi sẽ cảnh giới. Phía sau lưng chúng ta.”
Sellitto cũng đang thở hổn hển, đầu anh ta hết cúi phía trước lại ngả về ra sau.
Tín hiệu loẹt xoẹt trong tai cô nhưng Sachs không nghe thấy giọng nói nào. Cô giật chiếc tai nghe xuống khỏi đầu – để không bị phân tâm – và thận trọng đi tiếp dọc hành lang.
Dưới chân cô là xác của hai cảnh sát tư pháp Mỹ nằm trên mặt sàn.
Mùi hóa chất thuốc nổ cháy khét lẹt và cô liếc nhanh về phía cửa sau của ngôi nhà an toàn. Cánh cửa bằng thép tấm nhưng hắn đã cho nó nổ tung bằng một khối thuốc nổ xuyên phá cực mạnh như thể cánh cửa được làm bằng giấy bồi.
“Chúa ơi”, Sellitto thốt lên, anh thừa đủ chuyên nghiệp nên không cúi xuống kiểm tra hai cảnh sát tư pháp chết trên sàn nhưng cũng quá con người nên không thể không kinh hoàng liếc mắt nhìn hai thi thể bị đạn bằm nát.
Sachs bước tới một căn phòng, dừng lại bên cánh cửa. Hai trong số những cảnh sát đặc nhiệm của Haumann cũng vừa bước vào từ ngưỡng cửa bị thuốc nổ phá tung.
“Yểm trợ”, cô thét to và trước khi bất kỳ ai kịp có cơ hội ngăn cô lại, Sachs đã nhảy vọt qua ngưỡng cửa.
Khẩu Glock giương lên, lia nhanh qua căn phòng.
Không có gì.
Cũng không có mùi cordite. Tức là ở đây không có nổ súng.
Lại quay ra hành lang. Tiến về phía ngưỡng cửa tiếp theo.
Cô chỉ tay vào người mình rồi chỉ vào căn phòng. Hai cảnh sát đặc nhiệm 32-E gật đầu.
Sachs lao vụt vào rồi quay ngoắt người quanh ngưỡng cửa, sẵn sàng nổ súng, hai cảnh sát đặc nhiệm sát phía sau. Cô cứng đờ người khi nhận ra một họng súng đang chĩa thẳng vào ngực mình.
“Chúa ơi”, Roland Bell rên lên và hạ thấp họng súng xuống. Tóc viên cảnh sát lật rối tung, mặt anh thì nhem nhuốc khói súng. Hai viên đạn đã xé rách áo sơ mi và hằn dấu trên chiếc áo giáp chống đạn của anh.
Rồi mắt Sachs chợt nhìn tới khung cảnh khủng khiếp trên sàn nhà.
“Ôi, không…”
“Tòa nhà đã an toàn”, một cảnh sát đặc nhiệm từ ngoài hành lang nói vọng vào. “Họ nhìn thấy hắn đã bỏ đi. Hắn mặc đồng phục của lính cứu hỏa. Hắn trốn thoát rồi. Hòa lẫn vào đám đông tụ lại trước ngôi nhà.”
Amelia Sachs, lúc này lại trở thành nhà hình sự học chứ không còn là một sĩ quan hành động, bắt đầu quan sát các vết máu, hít ngửi mùi thuốc súng cháy khét lẹt, nhìn chiếc ghế đổ nhào, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã có một cuộc vật lộn xảy ra và theo logic thông thường thì đó sẽ là điểm chuyển tiếp dấu vết và bằng chứng quý giá. Những vỏ đạn rải rác trên sàn, chỉ cần liếc qua cô cũng kịp nhận thấy ngay rằng chúng được bắn ra từ một khẩu tự động cỡ 7,62 milimét.
Cô cũng quan sát cả tư thế của nạn nhân khi ngã xuống, điều đó nói lên rằng nạn nhân đã chết khi đang tấn công hung thủ, rõ ràng là với một chiếc đèn bàn. Còn rất nhiều câu chuyện khác mà hiện trường vụ án sẽ tiết lộ và, vì lý do đó, Sachs biết rằng cô nên giúp Percey Clay gượng đứng dậy và dẫn người nữ phi công rời xa khỏi thi thể người bạn thân xấu số của mình. Nhưng Sachs không thể nào làm được điều đó. Tất cả những gì cô có thể làm là đứng chết lặng nhìn người phụ nữ nhỏ bé với khuôn mặt ngắn bè bè xấu xí đang ôm cái đầu bê bết máu của Brit Hale vào lòng, miệng không ngớt lảm nhảm, “Ôi, không, ôi không…”
Khuôn mặt người phụ nữ chỉ còn là một chiếc mặt nạ, như hóa đá, không một giọt nước mặt trào ra.
Cuối cùng Sachs gật đầu ra hiệu cho Roland Bell. Viên cảnh sát quàng tay ôm lấy Percey và dìu cô bước ra ngoài hành lang, mặc dù vậy anh vẫn không quên cảnh giác, tay nắm chặt khẩu súng ngắn.
Cách ngôi nhà an toàn 230 thước.
Đủ các loại đèn xanh và đỏ của hàng chục xe cứu thương, và xe cảnh sát đang loạn xạ nhấp nháy loang loáng khắp nơi như thể cố làm cho hắn bị lóa mắt. Mặc dù vậy Stephen vẫn tập trung quan sát qua chiếc kính ngắm Redfield và hoàn toàn không để ý tới bất kỳ điều gì ngoài dấu chữ thập quang học. Hắn chậm rãi lia qua lia lại khắp khu vực tiêu diệt.
Lúc này Stephen đã trút bỏ bộ đồng phục của lính cứu hỏa và lại ăn mặc như một sinh viên đại học quá tuổi. Hắn đã lấy lại khẩu Model 40 giấu bên dưới tháp chứa nước, nơi hắn ẩn náu sáng hôm đó. Khẩu súng đã được nạp đạn và lên khóa nòng sẵn sàng. Dây đeo súng được quấn cẩn thận quanh cánh tay và hắn đã sẵn sàng cho việc tiêu diệt con mồi.
Ngay lúc này đây kẻ mà hắn săn lùng không phải là Người vợ.
Và đó cũng không phải là Jodie, đồ đĩ đực Judas phản bội.
Hắn đang săn lùng Lincoln Con Giòi. Kẻ vừa một lần nữa đã chiến thắng hắn trong cuộc đấu trí này.
Kẻ đó là ai? Tên nào trong số bọn chúng?
Nhớp nhúa.
Lincoln… Ông hoàng của lũ giòi.
Mày đang ở đâu? Có phải mày đang đứng trước mặt tao ngay lúc này không? Trong đám đông đang tụ tập quanh tòa nhà nghi ngút khói?
Có lẽ nào đó là tên cớm béo ị kia, mồ hôi nhễ nhại như một con lợn thiến?
Hay là gã mọi mặc bộ com lê màu xanh? Trông mặt gã quen quen. Stephen đã nhìn thấy gã này ở đâu nhỉ?
Một chiếc xe không có dấu hiệu riêng vừa xịch tới và có mấy người mặc com lê nhảy xuống.
Có thể Lincoln là một trong số chúng.
Cô ả cảnh sát tóc đỏ bước từ trong xe ra. Cô ta đang mang găng tay cao su. Hóa ra cô em ở bộ phận CS? Hừm, ta đã xử lý kỹ vỏ và đạn của mình rồi, cưng ạ, hắn thầm nói với cô ta trong khi thước ngắm hình chữ thập của ống kính quang học đã chọn được một điểm ngắm rất tuyệt vời trên cổ cô nàng. Và cô em sẽ phải bay tới tận Singapore thì may ra mới lần được manh mối liên quan đến khẩu súng của ta.
Hắn nhẩm tính hắn chỉ có đủ thời gian để bắn đúng một phát súng trước khi bị dồn bật trở lại vào con hẻm bằng loạt đạn bắn trả xối xả chắc chắn sẽ bung ra sau đó.
Mày là ai?
Lincoln? Lincoln?
Nhưng hắn không có chút manh mối nào.
Đúng lúc đó cánh cửa trước bật mở và Jodie xuất hiện, gã e dè bước ra khỏi ngưỡng cửa. Gã nhớn nhác nhìn quanh, hấp háy mắt, rồi co rúm người dựa hẳn vào tường nhà.
Mày…
Lại là cảm giác râm ran như điện giật. Dù là ở khoảng cách xa ngần này.
Stephen dễ dàng chỉnh thước ngắm vào giữa ngực gã.
Hành động đi, quân nhân, hãy nổ súng đi. Hắn là một mục tiêu tất yếu; hắn có thể khai ra anh.
Thưa ngài, tôi đang tính toán khoảng cách và vận tốc gió.
Stephen bắt đầu chầm chậm tăng lực vào ngón tay đặt trên vành cò.
Jodie…
Hắn đã phản bội anh, quân nhân. Khử… hắn… đi.
Rõ, thưa ngài. Hắn lạnh như đá rồi. Coi như hắn chỉ còn là xác thối. Thưa ngài, lũ kền kền bắt đầu lượn lờ trên kia rồi.
Quân nhân, điều lệnh huấn luyện xạ thủ bắn tỉa của lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ chỉ rõ rằng người bắn phải từ từ tăng lực trên ngón tay bóp cò khẩu Model 40 thật tự nhiên sao cho anh ta không thể biết được thời điểm chính xác khẩu súng của mình sẽ khai hỏa. Có đúng thế không, quân nhân?
Đúng, thưa ngài.
Nếu đúng thì thế quái nào anh lại không làm theo hả?
Hắn xiết mạnh tay cò hơn nữa.
Thật chậm rãi, thật từ từ…
Nhưng khẩu súng vẫn chưa nổ. Hắn nâng kính ngắm lên nhằm vào đầu Jodie. Và đúng lúc đó, đôi mắt của Jodie, từ đầu đến giờ vẫn lia khắp các mái nhà xung quanh, nhìn thấy hắn.
Hắn đã chần chừ quá lâu.
Bắn đi, quân nhân. Bắn!
Một tiếng thì thầm do dự…
Rồi hắn kéo mạnh tay cò như một thằng nhóc đang tập bắn với khẩu súng trường .22 ở một trại hè chết tiệt.
Đúng lúc Jodie lao người ra khỏi đường đạn, xô cả những cảnh sát đứng cạnh gã ngã sang một bên.
Quỷ tha ma bắt thế quái nào mà anh lại bắn trượt phát đó hả, quân nhân? Bắn lại ngay!
Rõ, thưa ngài.
Hắn nổ thêm hai phát súng nữa nhưng Jodie và tất cả mọi người xung quanh đều đã tìm được chỗ nấp hoặc thụp người xuống chạy tránh đạn dọc đường phố và vỉa hè.
Và rồi loạt đạn bắn trả bắt đầu. Đầu tiên là hơn chục khẩu súng khạc đạn, tiếp theo là hơn chục khẩu súng nữa phụ họa. Chủ yếu là súng ngắn, nhưng cũng có cả mấy khẩu tiểu liên H&K, xối xả vãi đạn nghe chiu chíu như những động cơ ô tô hỏng ống xả.
Đạn đang nối tiếp nhau dội vào tháp thang máy phía sau lưng Stephen, trút xuống đầu hắn một cơn mưa những mẩu gạch và bê tông vỡ, cùng với những mảnh đồng và chì sắc nhọn từ đầu đạn bắn ra, cắt sâu vào cả hai cánh tay và mu bàn tay của hắn.
Stephen ngã nhào về phía sau, hai tay buông súng giơ lên che lấy mặt. Hắn cảm thấy những vết rách và nhìn thấy những giọt máu nhỏ li ti của mình đang rỏ xuống mái nhà phủ giấy tráng nhựa đường.
Tại sao mình lại chần chừ? Tại sao? Mình đã có thể bắn hắn và cao chạy xa bay.
Tại sao?
Âm thanh phành phạch của một chiếc trực thăng đang tăng tốc về phía tòa nhà. Thêm những tiếng còi hụ đang ập tới.
Rút lui ngay, quân nhân! Rút lui!
Hắn liếc nhanh xuống và nhìn thấy Jodie đang nhoài người bò tìm chỗ nấp sau một chiếc xe. Stephen ném khẩu Model 40 vào hộp, khoác vội chiếc ba lô lên vai và trèo nhanh theo cầu thang thoát cháy dẫn xuống con hẻm.
Bi kịch thứ hai.
Percey Clay đã thay quần áo và bước ra ngoài hành lang, người cô mềm oặt như tàu lá và phải dựa vào thân hình chắc nịch của Roland Bell. Anh quàng tay ôm quanh người cô.
Bi kịch thứ hai trong ba. Không phải việc tay thợ kỹ thuật chính bỏ việc hoặc những vấn đề đang xảy ra với công ty. Mà là về cái chết của người bạn thân thiết của cô.
Ôi, Brit…
Cô hình dung ra anh, hai mắt trợn trừng, miệng há hốc trong một tiếng thét uất nghẹn, lao thẳng về phía tên giết người khủng khiếp. Cố chặn bước hắn lại, kinh hoàng trước việc có kẻ đang thực sự tìm cách giết mình và Percey. Cảm thấy căm hặn và bị phản bội hơn là sợ hãi. Cuộc đời anh mới thật rạch ròi làm sao, cô thầm nghĩ về Brit. Ngay cả những rủi ro của anh cũng được tính toán cẩn thận. Cú bay lật bụng ở độ cao 50 feet, nhưng cú bổ nhào xoắn ốc, nhảy tự do không dù. Những trò biểu diễn mà người xem tưởng chừng như là không thể. Nhưng anh biết rõ những gì mình làm và nếu như có lúc nào đó anh nghĩ về khả năng đột tử, thì anh cũng tin rằng đó sẽ là do một mối hàn nào đó phía sau máy bay bị bung ra, rồi thì đường dẫn nhiên liệu bị tắc hoặc do một tay phi công tập sự cẩu thả nào gây tai nạn.
Nhà văn nổi tiếng chuyên viết về ngành hàng không Ernest K.Gann từng viết rằng số phận là một kẻ đi săn. Từ trước tới nay Percey vẫn đinh ninh ông muốn nói đến thiên nhiên hoặc hoàn cảnh khách quan – nhưng yếu tố hay thay đổi, những cơ chế hoạt động đầy khiếm khuyết cùng về hùa với nhau để đẩy máy bay bổ nhào xuống đất. Nhưng số phận còn phức tạp hơn thế rất nhiều. Số phận phức tạp không khác gì suy nghĩ của con người. Phức tạp như bản thân cái ác.
Không bao giờ hai mà không ba… Và điều gì sẽ là bi kịch cuối cùng? Chẳng lẽ là cái chết của cô? Của Công ty? Hay của một người khác?
Gục hẳn vào Roland Bell, người cô run lẩy bẩy vì căm giận trước sự ngẫu nhiên đến tàn nhẫn của số phận. Nhớ lại tất cả: cô cùng với Ed và Hale, mắt nhắm mắt mở vì thiếu ngủ, đứng trong quầng sáng của ánh đèn pha trong hangar xung quanh chiếc LearjetCharlie Juliet, khắc khoải hy vọng họ sẽ giành được hợp đồng của Tập đoàn U.S. Medial, vừa rét run cầm cập trong cái lạnh ẩm ướt của màn đêm vừa phải cố tính toán sửa sang lại chiếc máy bay phản lực như thế nào để phục vụ cho công việc tốt nhất.
Rất khuya, một đêm lạnh đầy sương. Sân bay vắng tanh và tối om. Giống như cảnh cuối cùng trong phimCasablanca.
Ba người nghe thấy tiếng phanh nghiến ken két và cùng liếc ra ngoài.
Người đàn ông đang lôi những chiếc túi bạt lớn ra khỏi chiếc xe trên đường băng, lẳng chúng vào khoang lái và khởi động chiếc Beachcraft. Tiếng nổ nghèn nghẹt rất đặc trưng của loại động cơ van pít tông bắt đầu vang lên.
Cô còn nhớ lúc đó Ed đã nói với vẻ nghi ngờ, “Hắn đang làm gì thế? Sân bay đóng cửa rồi mà.”
Đó là số phận.
Khi họ tình cờ có mặt ở sân bay đêm hôm đó.
Khi Phillip Hansen đã chọn đúng thời điểm đó để thủ tiêu những bằng chứng giết người của hắn.
Khi Hansen lại là kẻ sẵn sàng giết bất kỳ ai để giữ cho chuyến bay giữa đêm khuya hôm ấy mãi mãi là một bí mật.
Số phận…
Bỗng cô giật nẩy mình – vì một tiếng gõ vang lên trên cánh cửa của ngôi nhà an toàn.
Hai người đàn ông xuất hiện trên ngưỡng cửa. Bell nhận ra họ ngay lập tức. Họ thuộc Đội Bảo vệ Nhân chứng của NYPD. “Chúng tôi tới đây để đưa bà tới cơ sở bảo vệ Shoreham trên đảo Long Island, thưa bà Clay.”
“Không, không”, cô nói. “Chắc có nhầm lẫn rồi. Tôi phải tới sân bay Mamaroneck.”
“Percay”, Roland Bell lên tiếng.
“Tôiphảitới đó.”
“Tôi không biết gì về chuyện đó, thưa bà”, một trong hai người sĩ quan nói. “Chúng tôi nhận được mệnh lệnh là phải đưa bà tới Shoreham và tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ bà tại đó, cho tới khi một bồi thẩm đoàn được triệu tập vào thứ Hai tới.”
“Không, không, không. Hãy gọi cho Lincoln Rhyme. Anh ta biết chuyện này.”
“À ừm…” Hai nhân viên cảnh sát bối rối nhìn nhau.
“Làm ơn đi”, cô nói, “hãy gọi cho anh ta. Anh ta sẽ cho các anh biết chuyện đó.”
“Thật ra, thưa bà Clay, chính ông Lincoln Rhyme là người ra lệnh di chuyển bà khỏi đây. Xin bà hãy vui lòng đi cùng chúng tôi. Bà đừng lo gì cả. Chúng tôi sẽ chăm sóc bà thật chu đáo, thưa bà.”