Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ
CHƯƠNG 14 – MỘT LỖI LẦM
Ngôi mộ ma-xơ Hiền nằm sau nhà thờ, đơn sơ nhưng lạ hơn những ngôi mộ khác, có một cái cây hình chữ thập cấm bên trên. Phía trước mộ có một ô vuông trải cỏ. Nhưng buổi chiều tôi hay ghé thăm chiếc đàn piano không có người chơi, rồi vòng ra sau thăm mộ ma-xơ Hiền. Tôi cũng có tặng ma-xơ một con dế thả vào ô cỏ vuông. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe nó gáy dù nằm canh, áp tai xuống rất nhiều lần. Có lẽ nó đã bỏ đi. Những con dế không bao giờ hiểu được thế nào là tình cảm. Chúng vĩnh viễn mang hai chiếc càng chỉ để cắn nhau thay vì hôn nhau.
Từ dạo ma-xơ Hiền mất, nhà thờ trông buồn hẳn. Ba bà ma-xơ còn lại tối ngày lủi thủi trong phòng. Những buổi chiều, ba bà đứng hát cạnh chiếc đàn piano, hát trơ, không có người đệm. Chiếc ghế tựa đặt trước chiếc đàn vẫn còn nằm đó nhưng không có người ngồi, chừa ra một khoảng rộng. Có hôm tôi thấy ai đó đặt lên ghế bó hoa.
Bà ma-xơ Hạnh nói:
– Chúng ta hát bài “Vinh hiển thuộc về Người” nhé!
Xong bài đó, lại nói:
– Chúng ta hát bài “Nguồn sáng đời đời” nhé!
Họ lặng lẽ hát rồi lặng lẽ nói. Những bài hát không trôi chảy như trước, cứ phải ngắt giữa chững bằng những câu nói như vậy.
Tôi đứg giữa căn phòng trống nhìn các ma-xơ qua chiếc đàn piano màu đen. Khuôn mặt ma-xơ Hạnh không buồn không vui, nhưng giọng nói yếu hẳn. Có hôm tôi thấy ba bà ma-xơ đứng hát trước mộ bà ma-xơ Hiền. Họ hát bài “Vinh hiển thuộc về Người”. Bài hát tôi đã được nghe di nghe lại nhiều lần nên thuộc, có một số đoạn như vầy:
Người đã ra đi trên những lối cỏ tươi đế lại dấu chân.
Chúng tôi yêu những dấu chân vì nó đã thuộc về Người.
Và vinh hiển thuộc về Người trong từng ngọn cỏ.
Trong mỗi buổi sáng, tôi biết Người đã đi qua trên những vết sương…
Tôi đi vào nhà thờ và nhìn cây đàn, tưởng tượng ma-xơ Hiền đang ngồi ở đó rồi rùng mình bỏ chạy. Tụi thằng Toàn nói, ma-xơ Hiền đã thành ma rồi. Người chết đều thành ma cả. Họ sẽ luôn hiện về bên những gì mà lúc sống họ yêu mến. Và từ đó, tôi luôn có cảm giác ma-xơ Hiền đi theo tôi.
Buổi tối tôi trùm kín chân và từ từ thò một bàn tay ra ngoài, huơ huơ xung quanh rồi rụt tay lại. Một hôm tôi đang làm như vậy thì chạm phải một bàn tay, thế là hét ầm cả lên. Thì ra là mẹ tôi. Mẹ có đôi bàn tay thật giống ma-xơ Hiền, những ngón tay tròn nhỏ, mát dịu. Tôi nhắm mắt lại và tướng tượng có hai con người trong bàn tay đó, cả hai con người đều dịu dàng.
Có hôm tôi cảm thấy như cây đàn piano đang dạo bài “Người mẹ vĩnh cửu”. Tôi hỏi có phải ma-xơ Hiền không? Không có tiếng trả lời. Tôi vụt chạy ra phía trước cổng thì bắt gặp thằng cháu lão ăn xin đang đi vào. Mặt nó vênh lên, tóc dựng ngược. Nó không nhìn thấy tôi.
Thế là tôi đi theo nó vòng ra ngôi mộ của ma-xơ Hiền. Thằng này đang làm trò gì mà lén lút vậy. Nó nhìn trước nhìn sau không thấy ai, vội lấy hộp dế ra. Nó đào một cái lỗ trên ô cỏ vuông trước mộ ma-xơ Hiền rồi chôn cái hộp diêm vào đó. Sau đó lấp đất lại, trồng hai cây cỏ lên.
Tôi vòng ra trước mặt nó, bất ngờ hét to:
– Tao bắt gặp mày rồi. Mày đang làm cái gì?
Thằng kia té bật ngửa vì hoảng sợ. Khi nhìn thấy tôi, nó lấy lai bình tĩnh rồi mặt vênh lên như cũ:
– Kệ tao. Tao làm gì mắc mớ gì mày?
Nó lấy tay che chỗ đất vừa đào. Nhưng làm sao giấu được con mắt “thần” của tôi. Tôi nói:
– Mày làm như tao không biết à. Con dế bên dưới chứ gì. Tao chỉ cần ngửi mùi là đủ biết. Hay vậy đó!
Nó gân cổ cãi lại:
– Kệ tao! Tao làm gì mắc mớ mày?
– Hôm trước tao thấy mày rình rình đi theo đám ma ma-xơ Hiền, tao đã nghi rồi. Tao cấm mày không được tặng dế chết cho ma-xơ Hiền. Nếu không, tao sẽ méc ma-xơ Hạnh rằng mày đến đây mày phá…
– Tao phá hồi nào? Lúc trước ma-xơ Hiền còn cho tao mấy trái mãng cầu nữa kìa…
– Hoá ra mày đã ăn trái mãng cầu mà tao đem đến cho ma-xơ…
– Ừ đó, làm gì tao.
– Cái đồ tham ăn!
– Tham ăn đó, làm gì tao!
Tức điên cả người, nhưng suy nghĩ mãi tôi vẫn không biết mắng nó cái gì cho hả dạ. Ai đời bao nhiêu đồ ăn ngon tôi đem đến cho ma-xơ Hiền lại chui vào bụng nó, còn gì là thể diện trước mặt tụi thằng Toàn nữa chứ!
– Hứ! – Tôi chợt nhớ ra – Cái đồ ít tiền mà cũng bày đặt mua vườn. Tao còn biết ông mày có một cọc tiền nữa kìa!
Không hiểu sao, thằng kia đứng ngớ người một hồi, rồi mặt đỏ bừng lên. Cuối cùng như dồn hết hơi, bó mới bật được thành tiếng:
– Ðồ mách lẽo! Ðồ rình mò! Mày tưởng tao sợ mày à? Tao không sợ thằng nào hết!
– Tao cũng không sợ mày – tôi nói – mày chỉ cần đụng ngón chân út của tao thôi, tao sẽ đánh mày ngay.
Nó lườm lườm nhìn tôi, sau cùng nó lục túi lấy ra hộp diêm, thảy lên bãi cỏ:
– Tao trả con dế cho tụi mày đó. Tao không cần nữa. Tụi mày chỉ bắt nạt người khác thôi. Tụi mày ỷ có khu vườn, tụi mày đuổi tao đi. Mai mốt ông cháu tao có khu vườn rồi thì tụi mày sẽ thấy. Nó sẽ lớn hơn ngôi nhà tụi mày. Dế sẽ thả đầy nhung nhúc. Tao sẽ không bao giờ nuôi những con dế chết đâu. Tao chẳng bao giờ cần con dế của tụi mày nữa đâu!
Nói xong, nó đào hộp dế dưới đất lên, phủi sạch bỏ vào trong túi. Cái mặt vênh vênh hung hãn, rồi bỏ đi. Vừa đi vừa đá dọc đá ngang những bụi cỏ. Sau cùng mất hút dưới cánh cổng nhà thờ.
Còn lại một mình, tôi nhặt hộp dế lên rồi mở ra. Con dế ngơ ngác một hồi rồi nhảy vụt qua kẽ tay tôi. Ðôi cánh đen muốt.
Tôi về nhà. Vừa thấy tôi, bố đã hỏi:
– Con làm sao vậy?
– Con đã lỡ đòi lại món quà mà con đã cho.
– Người đó có lỗi với con lắm à?
– Không bố ạ. Chẳng có lỗi gì.
– Thế thì con phải xin lỗi họ thôi.
– Nếu vậy, bố sẽ rất xấu hổ vì con. Và con cũng sẽ rất xấu hổ khi gặp lại nó.
Hai hôm sau tôi mò xuống chợ. Tôi cũng không biết có nên xin lỗi thằng đó không. Xin lỗi thì thấy kì quá. Nhưng tôi cũng muốn biết bữa giờ nó như thế nào.
Ði lên đi xuống vẫn không gặp, cả mấy cái sạp cũ họ hay ở cũng không thấy, cuối cùng đành quay về. Tôi nghe con Phượng nói ông cháu lão ăn xin đi rồi. Chẳng biết họ đi đâu. Tất nhiên không phải về quê mua vườn. Với xấp tiền đó, ít nhất phải một trăm xấp mới mua được. Vậy thì họ đi đâu? Thằng Toàn nói có lẽ họ đi vùng khác, nhưng chắc chắn không đi được xa vì thấy ông lão yếu lắm, đôi chân run rẩ dữ dội khi bước đi.
– Chẳng biết thằng đó có đem theo con dế tụi mình cho không?
Tôi im bật khi nghe thằng Toàn nói. Tôi không dám kể cho nó nghe vì sợ nó xem thường mình. Nhưng tôi vẫn hy vọng, hy vọng tìm thấy họ bởi một sự vô tình nào đó.
Những lều bạt, những ván chợ bỏ hoang, khiến tôi bơ vơ một lúc. Dọc theo con đường cái, tôi đi miết. Hình như khi đi theo một con đường thì tôi sẽ không bao giờ dừng lại được nữa, vì con đường cứ kéo dài ra mãi, ra đến muôn trùng.
Ông lão ăn xin sẽ dừng ở đâu? Có lẽ ông lão sẽ đi cho đến hồi không thể dừng lại. Vậy thì bao giờ ông mới đi ngược trở lại để về quê nhà, để tôi còn có thể gặp lại cháu ông? Có lẽ lúc đó tôi sẽ đủ can đảm để xin lỗi nó. Tôi sẽ dẫn nó về nhà và cho nó một con dế khác. Nó sẽ không còn vênh mặt lên nhìn tôi nữa, mà sẽ nói: “Tao đã quên rồi”.
– Có thật không? Tôi hỏi lại.
Nó nói:
– Mày có đáng gì để tao nhớ chứ!
Thế là bọn tôi gây lộn với nhau. Nhưng tất cả chỉ là tưởng tượng thôi. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ nó không thể quên được chuyện đó.
Trên đường dẫn ông lão đi, hẳn nó sẽ nói:
– Bọn chúng đều xấu cả. Bọn chúng tranh giành những con dế, những khu vườn với con.
Rồi hai ông cháu họ vui vẻ dấn bước. Càng đi, họ càng rời xa tôi mãi, càng bưới gần hơn với khu vườn của họ. Tôi vĩnh viễn đứng bên đây, hun hút xa cùng với nỗi ân hận.
Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo bong một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy “nỗi nhớ” của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.