Ý và tình

Chương 10



Buổi sớm mai, sở Thương khẩu dán cáo thị nói chiếc tàu “ARAMIS” 3 giờ chiều sẽ cặp bến Sài Gòn.

Quan xin phép sở nghỉ buổi chiều, còn cô Quế lo mua thực phẩm để tiếp rước đãi Xuân

Mới 2 giờ chiều mà vợ chồng Quan đã ngồi xe hơi qua bến Nhà Rồng rồi. Những người đi rước bà con anh em như Quan, họ lần lượt tựu tới cũng đông.

Nước lớn đầy mà chiếc “ARAMIS” cao vòi vọi, sơn trắng toát, quanh theo cái doi ngang Lăng-tô, rồi nhắm chạy vô bến, hình dáng oai nghiêm, đồ sộ.

Cô Quế với Quan đứng ngó, trong lòng khấp khởi, vừa vui thấy chiếc tàu, vừa trông gặp bạn cũ. Vì cảm xúc nên cô Quế nắm tay Quan, Quan ngó vợ mà cười, rồi cũng nắm chặt tay vợ, dường như muốn trình lần cho Xuân còn ở trên tàu được biết rằng mình theo thực tế tập tánh giản dị, nên mình cũng được hưởng hạnh phúc, chẳng cần lặn lội kiếm tìm.

Tàu cặp bến. Vợ chồng Quan dòm hành khách có ý kiếm Xuân mà không thấy. Tại sao vậy? Xuân mắc dọn dẹp hành lý, hay là Xuân về Xuân không cho ai hay, Xuân chắc không có ai rước, nên không cần dựa mé tàu cho trên bờ thấy?

Thang bắt xong, hành khách chen nhau mà xuống tàu nườm nượp. Vợ chồng Quan dắt tay nhau lại đứng gần cầu thang mà đón Xuân. Chẳng bao lâu hai người thấy Xuân thủng thẳng đi xuống, hình vóc cao lớn mạnh mẽ, tay xách một cái va ly, sau lưng lại có người phụ vác rương đi theo.

Cô Quế kêu lớn:

–        Anh Xuân, có em đi rước anh đây!

Xuân đứng lại ngó, thấy Quan với cô Quế thì chàng nhích miệng cười rồi phải trôi theo lược sóng người mà xuống cầu, không thể dừng lại được mà cũng không nói một tiếng chi hết.

Xuân xuống hết cầu thang thì gặp Quan với cô Quế đứng chực sẵn nơi đó. Xuân bắt tay mừng bạn cũ và hỏi Quan:

–        Sao toa với em Quế hay moa về nên xuống bến mà rước moa?

–        Đọc nhựt báo.

–        À!… Nhựt báo!

Người phu vác rương nặng, sợ Xuân đứng nói chuyện lâu nên thúc: “Đem xe lại xe kéo phải không ông ”       

Quan hớt mà đáp: “Không. Đem lại xe hơi kia ”. Quan vội vã dắt người phu lại xe hơi, coi để rương lên xe tử tế rồi móc tiền mà đền công vác.

Xuân với Quế thủng thẳng đi theo sau. Cô Quế thấy Xuân vẫn nghiêm nghị, cặp mắt vẫn sâu xa như hồi trước, duy hình vóc lớn hơn và ở dưới tàu gần một tháng nên bị nắng biển táp, gió thổi đùa nên nước da sậm hơn mà thôi. Lìa quê cha đất tổ đã trót bảy năm, hôm nay mới được để chơn lên cõi thân yêu mà người gặp trước nhứt là hai bạn cố giao, bởi vậy tuy Xuân có tánh trầm tĩnh song trong lòng cảm động nao nao.

Cô Quế dắt Xuân lại tới xe hơi, Quan rước lấy va ly mà bỏ lên xe nữa. Xuân hỏi trổng: “Xe của ai đây?”. Cô Quế cười mà nói: “Xe của anh Quan.”

Xuân ngó Quan dường như muốn hỏi Quan làm việc có dư tiền lắm hay sao mà sắm xe hơi.

Quan hiểu ý, không muốn Xuân dị nghị nên vụt nói:

–        Xe có 3 chỗ ngồi, mà bị rương với va ly choán hết, bây giờ làm sao mà đi được. Thôi, để tôi tính như vầy: hai người ở đây, để tôi chở hành lý về trước, rồi tôi sẽ trở qua mà rước.

Cô Quế nói:

–        Không. Anh cứ chở đồ đi đi. Em kêu xe kéo em đi với anh Xuân. Anh khỏi trở qua nữa.

Quan liền kêu lại hai chiếc xe kéo mà giao cho cô Quế rồi lên xe hơi cầm bánh đi trước.

Dì Hai Oanh thấy Quan ngừng xe thì bước ra hỏi:

–        Còn cậu Xuân đâu con?

–        Ảnh đi xe kéo, một chút nữa ảnh sẽ tới.

Quan kêu một người ở trong tiệm mà dặn:

–         Chừng khách vô tiệm rồi, anh kêu một chiếc xe kéo lại anh chở giùm rương với va ly đem trước lên nhà tôi, anh nhớ không?

Người ở cúi đầu đáp:

–         Thưa nhớ.

–         Ừ, mà phải chờ tôi vô tiệm rồi ở ngoài nầy anh sẽ làm nghe không. Đừng có cho khách thấy.

–         Dạ.

–         Xe kéo của Xuân và cô Quế qua tới, ngừng sau xe hơi. Xuân thấy dì Hai Oanh bước ra thì mừng, lật đật cúi đầu chào và hỏi:

–         Dì Hai ở nhà mạnh?

–         Cám ơn. Cậu đi mấy năm nay mạnh giỏi?

–         Dạ cháu mạnh luôn luôn.

–         Cô Quế vui vẻ nói:

–         Tiệm may của anh đó; dì cháu em ở nhà lập giùm cho anh mấy năm nay, song giấu kín không cho anh biết.

Xuân châu mày rùn vai, ngó lên thấy tấm bãng hiệu “Xuân Quan “ rồi gật đầu chúm chím cười.

Dì Hai Oanh nói: “Thôi mời cậu vào tiệm chớ”.

Quan để bàn tay lên lưng Xuân mà xô nhè nhẹ đưa Xuân vào tiệm, dì Hai với cô Quế tiếp đi theo, Xuân thấy thợ may ngồi hơn mười người, hàng chất đầy tủ, áo treo đầy nhà, thì đứng ngó và suy nghĩ.

Quan nói:

–        Từng dưới đây là may, còn thêu thì ở trên lầu. Toa đi luôn lên trên xem cho biết.

Quan dắt Xuân lại thang mà lên lầu, cô Quế với dì  Hai cũng đi theo sau song không nói một lời nào cả.

Trên lầu Xuân thấy cũng có cả chục người thợ đương ngồi chăm chỉ thêu. Cậu đi vòng coi chơi rồi gục gặc đầu.

Cô Quế bước tới nói với Xuân:

–        Anh xuống tàu mà đi Tây rồi thì em vâng lời anh dạy em dùng một ngàn đồng bạc của anh mà lập tiệm Xuân Quan nầy. Phần may từng dưới thì về dì em coi sóc, còn phần trên nầy thì chính mình em quản xuất. Nhờ trời phật độ nên mấy năm nay tiện Xuân Quan phát tài luôn luôn. Nhờ anh mà em được leo lên địa vị chủ nhân, ơn ấy chẳng bao giờ em dám quên.

Xuân châu mày đáp:

–         Qua không nhớ tiền bạc gì hết. Qua để cho em một ngàn đồng bạc bao giờ đâu?

–         Anh muốn giễu chơi hả? Em biết anh là người thành thật, kỹ lưỡng, hay tính trước hay lo xa. Có lẽ nào lìa quê hương mới bảy năm mà anh đổi tánh đến thế.

Mấy lời ấy làm cho Xuân ăn năn nên lật đật nói lại:

–         Qua nói chơi. Mà cũng tại em làm cho qua bước ra ngoài vòng chơn chánh.

–         Sao vậy? Em làm sao mà anh đổ tội cho em?

–         Ai biểu em nhắc chuyện cũ làm chi?

–         Không nhắc sao được.

–         Xin em đừng nhắc.

–         Cô Quế vừa muốn cãi nữa thì Quan nói: “Thôi mà, anh Xuân mới về tới, chúng ta nói chuyện mới nghe cho vui, em nhắc chuyện cũ làm chi. Coi tiệm Xuân Quan rồi, thôi bây giờ mời anh Xuân lên Phú Nhuận chơi”.

Xuân hỏi Quan:

–         Lên Phú Nhuận làm gì?

–         Ậy! Cứ đi mà. Làm chi rồi sẽ biết.

–         Để tôi mướn phòng ngủ mà cất hành lý rồi đi đâu sẽ đi chớ.

–         Đừng lo chuyện ấy.

Quan liền cắp tay Xuân mà xuống lầu. Dì Hai Oanh với cô Quế ngó nhau mà cười. Xuống từng dưới rồi Quan nói với dì Hai: ”Mời dì lên Phú Nhuận chơi với mấy cháu.”  

Dì Hai ngó vòng mấy người thợ may rồi nói:

–        Không tiện. Đồ may gấp lắm, dì phải thúc cho họ may, không dám đi chơi. Mấy cháu đi đi. Cậu Xuân đi chơi, để bữa nào cậu rảnh rỗi rồi tôi sẽ nói chuyện với cậu, vì tôi có nhiều chuyện phải nói, mà lại nói dài lắm.

Ba người cúi đầu từ giã dì Hai rồi nối nhau ra cửa. Xuân thấy xe hơi còn đậu ngay cửa song không có hành lý của mình thì hỏi Quan:

–        Ủa, đồ đạc của moa ai đem đi đâu rồi?

–        Moa đã sai người chở trước lên Phú Nhuận.

–        Chi vậy?

–        Đem lên trển cho toa chớ có chi đâu.

–        Bí mật quá.

–        Có gì là bí mật đâu.

Xuân rùn vai mà trong trí suy nghĩ lung lắm.

Cô Quế mở cửa xe hơi leo lên ngồi phía sau, Quan lên ngồi đằng trước, biểu Xuân lên ngồi một bên mình, rồi cầm bánh cho xe chạy lên Phú Nhuận.

Cách bảy năm trời mới thấy Sài Gòn, Xuân ngồi xe cứ ngó hai bên, không muốn nói chuyện. Cô Quế ngồi phía sau cô vui vẻ hỏi:

–        Anh Xuân, anh coi Sài Gòn bây giờ có khác hơn hồi trước hay không?

–        Bên Khánh Hội thì khác nhiều. Phía Chợ Mới người ta đông đảo và buôn bán thịnh vượng hơn. Còn phía trên nầy thì nhà cửa cũng như cũ, chớ không thay đổi chi hết.

–        Qua khỏi cầu Kiệu rồi thì anh sẽ thấy đổi nhiều. Để rồi anh coi.

Thiệt khi xe qua khỏi cầu Kiệu rồi thì Xuân thấy người ta đông đảo rần rộ, nhà phố hai bên cất giáp hết, chớ không phải là đường quạnh hiu, nhà sơ sài dơ dáy như hồi trước.

Cô Quế hỏi Xuân:

–        Phải khác hơn hồi trước hay không anh Xuân? Em nhớ hồi trước chúa nhựt mấy anh dắt em đi chơi phía trên nầy, có phải như vầy đâu.

–        Từ chợ Tân Định trở lên phía trên nầy người ta đông quá.

–        Phải. Nhờ chánh phủ làm đường xe lửa từ Bắc vào Nam, đồng bào ta ngoài Bắc Việt, Trung Việt có thể vào trong nầy dễ dàng, nên ở buôn bán làm ăn. Tại như vậy nên bây giờ Sài Gòn dân số tăng lên vùn vụt, phải tràn ra mà ở các vùng chung quanh châu thành.

–        Đó là sự tiến hoá của quê hương về mặt kinh tế. Đáng mừng lắm.

–        Ừ. Tiệm may, tiệm đóng  giày, tiệm bàn ghế, tiệm giặt ủi bây giờ toàn là của người mình hết anh ạ.

–        Vậy hả? Được vậy thì qua mừng lắm. Đó  là một sự qua ao ước từ thuở nhỏ.

–        Việt Nam mình lập tiệm buôn bán nhiều, để rồi anh đi chơi anh sẽ thấy.

Xuân mắc nói chuyện, chừng thấy xe hơi quanh vô nhà thì chưng hửng hỏi: ”Nhà ai đây?”

Quan với cô Quế dường như không nghe nên không trả lời. Xe ngừng bên nhà. Quan mời Xuân xuống, Xuân hỏi nữa; “Nhà ai đây?”

Quan chúm chím cười và đáp:

–        Nhà của moa chớ nhà ai.

Xuân không dè Quan có xe hơi, mà lại còn có nhà, nên đứng ngạc nhiên. Quan mời Xuân lên hàng ba đặng vô. Bà Hương sư nắm tay cháu Minh đứng sẵn tại cửa giữa, mà chị vú bồng cháu Phượng cũng ra đứng gần đó.

Quan thấy mẹ liền tiến dẫn với Xuân:

–         Má của moa. Thưa má, bạn của con là anh Xuân bên Pháp mới về tới.

Xuân cúi đầu chào nói:

–         Cháu kính chào bác và chúc bác an khương.

Bà hương sư đáp:

–         Tôi mừng cậu. Mấy năm nay thằng Quan tôi nhắc nhở cậu hoài. Từ nay anh em được gần nhau, tôi lấy làm vui lắm.

Quan bước tới đưa tay bồng cháu Phượng mà hun. Thằng Minh thấy có khách lạ nên nãy giờ đứng êm, chừng thấy ba nó bồng em nó, thì nó buông tay bà nội rồi lại ôm ba nó. Xuân thấy vậy thì hỏi Quan:

–         Con của toa?

–         Phải. Con của moa.

–         Được mấy đứa?

–         Có hai đứa đây.

Quan biểu Minh:

–         Con xá bác đi con.

Minh chắp tay cúi đầu chào Xuân. Xuân cười đưa tay nắm chặt tay mặt của Minh, rồi ngó vô nhà rồi hỏi Quan: „Toa làm ơn tiến dẫn Madame Quan cho moa biết”. Lúc ấy cô Quế đứng sau lưng Quan chúm chím cười. Quan day lại chỉ vợ mà nói: „Madame Quan đây. Toa quen trước moa nên moa không tiến dẫn.” Xuân ngạc nhiên ngó cô Quế, ngó Quan, ngó hai cháu nhỏ, rồi gật đầu và chậm rãi hỏi Quan:

–         Lạ lùng quá. Moa không dè chút nào hết! Toa làm như vậy hay sao? Toa cưới em Quế hồi nào?

–         Toa đi một năm rồi moa cưới.

–         Sao không cho moa hay?

–         Toa không ưa gia đình thì cho toa hay ích chi? Khi ra đi toa dặn moa ở nhà phải bảo hộ em Quế. Moa suy nghĩ mãi, sau moa định rằng phải cưới em Quế thì mới bảo hộ em được, nên moa cưới.

Xuân vui vẻ bắt tay mừng cho bạn:

–         Toa cao thượng mà lại giản dị quá. Moa mừng cho toa mà moa cũng kính phục toa.

Xuân day qua nói với cô Quế:

–         Qua cũng mừng cho em lắm. Em với Quan đều kính trọng chủ nghĩa gia đình, hai người phối hiệp, gia đình tự nhiên đầm ấm. Qua mừng lắm. Qua vui lắm. Em khỏi phải đeo chiếc cà rá mặt đỏ nữa.

Cô Quế đưa bàn tay cho Xuân xem. Thiệt quả không có chiếc cà rá mặt đỏ. Cô cười và nói: „Anh Quan không cho em đeo chiếc cà rá đó mà anh lại biếu em một chiếc dây chuyền có trái tim vàng để em đeo luôn luôn trước mặt em đây. Hồi anh ra đi thì hai đứa em có tình bằng hữu mà thôi chớ chẳng có ý gì khác. Vì gần nhau rồi lại thấy tâm đầu ý hiệp nên lần lần mới gây tình vợ chồng. Nhờ có tình với ý ấy chung lộn nên vợ chồng em mới tạo được hạnh phúc mà hưởng mấy năm nay.”   

Xuân vội vã nói:

–        Hạnh phúc ấy em sẽ hưởng hoài, hưởng tới già, hưởng trọn đời.

Mọi người đều hân hoan, cô Quế rước bé Phượng mà bồng. Bà hương sư mời hết vô nhà.

Xuân đứng giữa phòng khách ngó cùng nhà, bộ đắc ý lắm. Cậu thấy tấm thêu cặp chim phượng hoàng đậu trên cây tùng già bây giờ lộng kiếng đóng khuông treo tại cửa giữa ngó thẳng ra phỏng khách thì cậu chỉ và hỏi: “Tấm thêu năm trước đấy phải không?”

Cô Quế đáp:

–        Phải. Mà em với anh Quan làm cho cặp phụng hoàng ngó thẳng ra khoảng trống đó bây giờ biết kêu, kêu thanh niên nam nữ mà chỉ giùm đường hạnh phúc…

Xuân ngó Quan mà hỏi:

–        Thiệt như vậy hay sao, Quan?

Quan gập đầu đáp:

–        Thiệt như vậy… Bây giờ trời mát rồi moa mời toa đi xem vườn đất của moa chơi.

Quan dắt tay Xuân ra vườn qua phía trước, rồi dắt đi xem những rau, ớt, trầu, khoai của Quan coi cho người ta trồng chung quanh nhà. Quan không biết nông học là gì, nhưng bắt chước thiên hạ trồng thuở nay, vô phân tưới nước săn sóc hàng ngày, rồi hoa coi cũng tươi, rau trầu khoai củ coi cũng sởn sơ mạnh mẽ. Đi coi đến đâu Xuân cũng khen đến đó làm nông[1] chí Quan thêm, nên Quan dắt đi vô miếng đất phía sau, là chỗ Quan ra vốn cho người ta trồng. Chiều người ta đương tưới đồ trồng, bởi vậy đàn ông, đàn bà, con nít lăng xăng. Đầu nầy trồng thuốc, đầu kia trồng cà, bên kia trồng bắp, thứ nào cũng tốt xem ra ngoạn mục.

Quan chỉ mà nói với Xuân:

–        Miếng đất của moa được hơn một mẫu. Moa để phía trước moa trồng, còn phía sau moa ra vốn cho người ta trồng. Moa bây giờ làm bậy bạ như vậy mà ba bốn gia đình no cơm ấm áo.

Xuân nghiêm nét mặt mà đáp:

–        Làm như vậy sao gọi là bậy. Đó cũng là một việc công ích chớ. Tiếc vì toa làm nhỏ nên không được mấy người. Phải làm lớn mới được, làm sao cho mọi người được nhờ thì mới quí.

–        Moa làm theo sức moa, moa không dám nuôi viễn vọng.

–        Toa vẫn giữ tánh tẳn mẳn hoài!

–        Làm nhỏ mà thành công có lẽ tốt hơn làm lớn mà thất bại. Nếu mỗi cái nhỏ đều thành công hết, mình gom lại thì cũng bằng cái lớn thành công.

–        Ấy là lý luận của người dè dặt. Con người có chí viễn đại thì lý luận khác.

–        Toa cũng còn nuôi viễn chí hoài sao?

–        Đầu óc của moa như vậy làm sao moa đổi được?    

–        Toa phải đổi. Moa khuyên toa phải đổi.

–        Moa nhứt quyết gìn giữ vững vàng.

–        Toa sẽ hối hận.

–        Toa không phải nhà tiên tri. Mà dầu toa là đấng tiên tri đoán số mạng cho moa như vậy, moa vẫn cũng không dời đổi.

–        Moa lập lại lần nữa, toa nên đổi chí. Ấy là moa nhận xét theo kinh nghiệm.

–        Cám ơn.

Hai anh em đi dạo vườn và nói chuyện đến tối mới trở vô nhà.

Đèn đã bật sáng, bàn ăn cũng đặt sẵn. Quan đã biểu dọn trước cho Xuân một căn phòng ở phía ngoài, trong phòng để đồ đạc của Xuân hồi trước, và hồi chiều cũng đem rương với va ly vô đó rồi, bởi vậy Quan mở cửa phòng mà nói với Xuân:

–        Phòng nầy của toa, có đồ đạc sẵn sàng hết. Toa rửa mặt thay đồ rồi ăm cơm.

–        Toa bắt moa ở đây hay sao?

–        Về đây thì toa ở với moa chớ sao?

–        Không được.

–        Sao vậy? Tại sao toa không muốn ở với moa?

Xuân dụ dự một chút rồi mới đáp: “Ở trên nầy xa quá?”

Quan hiểu câu trả lời ấy không thành thật, nhưng không muốn cãi với bạn, nên rùn vai mà nói: “Thôi, toa rửa mặt thay đồ đi; rồi chúng ta sẽ nói chuyện.”

Vợ chồng Quan coi dọn cơm, chừng Xuân trở ra, liền mời dùng bữa tối. Bà Hương sư với cô Quế ngồi một bên, còn Quan với Xuân ngồi một bên. Minh đã ăn cơm trước hồi chiều, song cũng đòi ngồi đầu bàn đặng gần cha mẹ.

Những cảnh Xuân trông thấy từ hồi xế đến giờ, nào là tiệm Xuân Quan rần rộ thạnh phát, nào là gia đình cô Quế đầm ấm sum vầy, nào là vườn tược của Quan sạch sẽ tốt tươi, đều là cảnh lạ lùng trước mắt, mà cũng lạ lùng với trí nữa, bởi vậy Xuân lấy làm cảm xúc, ngồi ăn cơm mà bộ cứ lơ lững như người trên cung trăng rơi xuống dương trần. Xuân ngó bà Hương sư hiền lành, ngó vợ chồng Quan vui vẻ, ngó cháu Minh nói đỏ đẻ ngây thơ với mẹ, ngó bé Phượng chị vú bồng đương đứng dựa đèn, thì trong lòng thiệt là mừng cho bạn thân yêu được hạnh phúc nhưng không hiểu vì sao mừng mà lại ái ngại, mừng mà lại bồi hồi, mừng mà lại bắt suy nghĩ.

Thình lình Xuân lại nói với Quan:

–        Toa muốn moa ở đây với toa. Moa cảm cái thạnh tình của toa lắm, song moa ở chơi với vợ chồng toa năm mười bữa, nửa tháng thì được, chớ không thể ở luôn.

Bà hương sư nói:

–        Vợ chồng nó là bạn thiết của cháu, thuở nay hoài vọng cháu luôn luôn. Cháu không có vợ thì ở chung với nhau cho tiện, nhà tuy nhỏ, song mát mẻ, cháu chẳng nên ái ngại.

Xuân đáp:

–        Thưa bác, cháu về đây cháu đã thấy hai người bạn thiết của cháu đã phối hiệp với nhau mà lại được hưởng hạnh phúc hoàn toàn thì sự vui mừng của cháu không biết lấy chi ví cho xứng. Thiệt cháu không ái ngại chi hết. Cháu không chịu ở chung với Quan là vì cháu thấy gia đình hạnh phước của Quan và em Quế đương đầy dẫy tràn trề, đương nồng nàn đầm ấm, cháu phải chắp tay mà xá rồi nhè nhẹ bước dan ra, đứng xa mà nhắm coi cho vui nghĩ cũng đủ rồi, không nên chen lộn vào mà làm cho cái cảnh hạnh phước cao quí ấy thất thường rộn rực. Cháu không chịu là tại vậy đó, chớ không phải là ái ngại.

Quan liền hỏi Xuân:

–        Toa nhìn nhận hạnh phúc gia đình là cao quí, vậy toa hết chê chủ nghĩa gia đình phải không?

–        Đó là một việc khác. Mỗi người theo đuổi một sở thích riêng. Toa nhớ lại mà coi, chẳng bao giờ moa cám dỗ toa theo sở thích của moa. Vậy thì toa cũng nên tôn kính giùm chí ý của moa, đừng khuyến khích theo sở thích của toa mới phải chớ.

Cô Quế sợ Xuân phiền nên nói tiếp:

–        Có lẽ tại anh Quan nói chưa hết ý, nên anh tưởng ảnh cám dỗ anh lập gia đình. Không  phải vậy đâu. Sở thích của anh, vợ chồng em không dám đá động. Song hồi nãy anh nói vợ chồng em tràn đầy hạnh phúc, anh muốn lánh xa để vợ chồng em trọn hưởng… Em cám ơn anh, cám ơn cái lòng thanh nhã cao thượng của anh. Nhưng em xin phép anh nói thêm rằng cái hạnh phúc gia đình mà vợ chồng em gây dựng được đây nguyên bởi anh mà có. Có anh, em mới được biết anh Quan và anh Quan mới được biết em; có anh ám trợ nên vợ chồng em mới gây dựng được hạnh phúc nầy. Em muốn anh ở chung với vợ chồng em đặng chung hưởng một chút hạnh phúc anh làm ra đó. Em muốn như vậy có lẽ không phải em cầu kỳ. Xin anh nghĩ lại.

–        Cám ơn em. Qua nói thiệt với em, những việc qua làm đều do lương tâm mà làm chớ không mong hưởng phần thưởng. Hồi làm qua không dè có kết quả nầy. Hôm nay qua thấy nhờ có công qua chút đỉnh, mà Quan ái mộ gia đình, bây giờ cũng được một người bạn trăm năm có đức có hạnh, biết trọng chồng biết thương con: còn em là gái côi cút nghèo nàn em được một người bảo hộ chân chánh thận trọng xứng đáng tu mi nam tử. Qua vui lắm, qua mừng lắm, vui mừng ấy là phần thưởng cao quí hơn việc của qua làm lắm. Đủ rồi em ạ, em khỏi lo đền ơn đáp nghĩa chi nữa. Qua ước mong cho Quan và em duy trì hạnh phúc gia đình nầy cho bền vững trăm năm, cho khỏi trái với chí ý của tấm thêu cặp phụng hoàng kia, tự lòng em nghĩ ra, rồi Quan còn thêm ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Qua không hiểu tại sao đầu óc của qua không giống như đầu óc của Quan, vì không giống nên qua không thể hưởng thú hạnh phúc của Quan hưởng, mà chắc chắn Quan cũng không biết thưởng thức cái hạnh phúc của qua tưởng tượng.

Cô Quế nghe những lời lẽ cao thượng nhân nghĩa ấy thì cô cảm xúc quá, kiếm không ra lời mà nói với Xuân nữa. Quan muốn tiếp vợ mà biện luận, nhưng nghĩ chưa phải cơ hội, nên kéo câu chuyện qua ngã khác và hỏi Xuân:

–        Tại sao mấy năm nay toa giấu kín, không chịu cho vợ chồng moa hiểu toa học về khoa nào?

–        Cho toa hiểu làm chi? Toa đi một đường, moa đi một ngả, nếu nói cho toa biết ngả của moa đi, chi cho khỏi toa làm mặt “thầy đời”, toa khuyên lơn, toa can dứt càng rộn trí moa. Còn tại sao toa cưới em Quế mà toa không cho moa hay?

–        Toa ghét chủ nghĩa gia đình, cho hay ích gì. Moa đã nói hồi chiều rồi.

–        Được. Toa cắt nghĩa như vậy nghe có lý.

–        Chuyện moa giấu toa bây giờ toa biết rồi. Còn chuyện toa giấu moa bây giờ toa cần gì phải giấu nữa. Phải toa học nông phố, toa đậu kỹ sư rồi hay không?

–        Phải. Moa học trường Nogent– sur– Marne, đậu kỹ sư nông phố. Chánh phủ cấp bằng cho moa làm bác vật canh nông, phái moa về nước khảo cứu vấn đề chấn hưng nông nghiệp trong Nam Việt. Ngày mai moa sẽ trình diện với Sở Canh nông, rồi bắt đầu làm việc.

–        Nếu vậy thì toa sẽ ở Sài Gòn, gần gũi vợ chồng moa.

–        Phải, mà moa sẽ mướn phố ở riêng một mình đặng thong thả mà lo việc khác.

–        Lo việc khác là việc gì?

–        Để rảnh rồi moa sẽ cắt nghĩa cho toa nghe.

Ăn cơm rồi Xuân với Quan ra trước sân đi bách bộ mà hứng mát. Bà Hương sư quen ngủ sớm nên sắp nhỏ ngủ rồi thì bà cũng đi ngủ.

Cô Quế biểu gia dịch đốt một cái đèn lồng treo giữa vườn hoa, nhắc ghế, bưng bình trà đem ra để đó, rồi thì mời Xuân và Quan lại ngồi uống trà nói chuyện chơi.

Thời kỳ phỉnh phờ nhau chơi cho vui đã qua rồi. Bây giờ ba người ngồi dưới bóng đèn, chung quanh hoa đua nở, trên trời sao tứ giăng. Xuân nhớ niềm Mai, Lan, Cúc, Trước năm xưa, mới hỏi thăm Triều: “Còn anh cả của mình mấy năm nay ảnh làm việc gì? Bây giờ ảnh ra sao?”.

Cô Quế nghe hỏi tới Triều thì cô cười lớn mà đáp:

–        Anh Triều có vợ có con, mập ú, đen thui. Bây giờ ảnh thành chú làm ruộng trăm phần trăm. Anh thấy xa chắc anh nhận không ra.

–        Qua nhớ hồi đó ảnh nói vợ ở dưới Long Mỹ, con của ông đại điền chủ nào đó phải không?

–         Không có. Ảnh cưới con ông gì đó, ở tại chợ Bạc Liêu cũng giàu lớn lắm.

–         Sao vậy?

–         Ảnh nói ông điền chủ Long Mỹ đó ban đầu chịu gả, rồi sau nghe lại ảnh không có hai bằng tú tài nên muốn làm khó. Ảnh giận ảnh bỏ mà cưới chỗ khác.

–         Cuộc đời biến đổi mau quá, không ai dám định trước. Em với Quan có hay gặp anh Triều hay không?

–         Hễ ảnh vô Sài Gòn thì ảnh hay ghé thăm em. Ảnh có lên nhà nầy một lần. Mấy tháng nay chắc ảnh mắc góp lúa nên không thấy ảnh lên nữa.

–         Ảnh cũng là người ái mộ gia đình. Ảnh lập gia đình mà không biết ảnh có hưởng hạnh phúc chăng?

–         Bộ ảnh phấn chí hân hoan lắm chớ không than phiền chi hết. Chắc đời ảnh cũng tươi cười như ảnh.

Xuân kêu Quan mà dặn:

–         Nầy Quan, toa đừng cho Triều hay moa về nghe không?

–         Sao vậy?

–         Nếu cho hay thì moa phải đi thăm ông và bà già ảnh. Moa mắc lo việc quan hệ lắm, không thể thăm được. Để sau rồi sẽ hay.

–         Hồi ăn cơm toa nói toa muốn ở riêng cho thong thả đặng lo việc khác. Chắc toa đương tính việc gì lớn lắm. Toa có thể nói cho vợ chồng moa biết đại ý được không?

–         Moa nói thiệt với toa, về khoa nông phố moa học đã gọi tạm hoàn toàn mà moa còn khảo cứu về nông nghiệp trong Nam Việt cũng kỹ lưỡng rồi nữa. Moa lãnh chức bác vật canh nông đây là lãnh tạm mà thôi. Moa tính moa sẽ cổ động cho điền chủ trong Nam Việt hiệp cùng moa mà cải lương nông nghiệp, làm ruộng theo phương pháp văn minh đặng giúp cho dân mình từ điền chủ tới nông dân đều được giàu có chớ nước mình có ruộng đất phì nhiêu, mà không giàu mạnh như thiên hạ thì tức quá.

–         Vì tình nghĩa anh em thân thiết nên moa phải tỏ thiện ý của moa. Việc toa tính đó nghe thì phải, nhưng làm thì khó lắm. Moa nói khó là bởi vì mấy lẽ nầy:  1) Người mình có tánh ích kỷ, chưa dám hi sinh tư lợi để tán thành công ích; 2)  Mấy năm sau nầy có nhiều nhà trí thức mượn công ích hô hào rủ ren nhơn dân hiệp bổn để khai thương mại, lập công nghệ, khẩn điền địa, mà việc nào cũng thất bại hết thảy làm cho người ta chán ngán, không dám tin cậy ai nữa. Vì hai lẽ ấy mà cũng còn nhiều lẽ khác moa không muốn kể hết, nên moa sợ việc toa tính đó khó thành.

–         Moa sẽ viết sách, moa sẽ mướn nhựt báo cổ động gây thành phong trào chấn hưng kinh tế, cho đồng bào ham công ích rồi hiệp với moa làm cho dân cho nước được giàu.

–         Moa nói theo ý riêng của moa cho toa nghe mà thôi. Còn việc của toa làm thì tự toa liệu định, moa không dám cản.

–         Moa tin chắc việc của moa tính đó sẽ thành.

–         Nếu được thì moa mừng lắm. Mà mình là anh em với nhau, moa lấy lòng thành thiện mà nói với toa chuyện nầy: trước khi đi Tây toa có để cho vợ moa một ngàn đồng bạc. Nhờ có số bạc ấy mới có tiệm may Xuân Quan. Tiệm may bây giờ có lời nhiều, trong tủ có tới bảy tám ngàn. Vợ chồng moa muốn hỏi coi toa có cần dùng thì lấy số bạc ấy lại mà xài.

–         Nhờ vốn của moa mà em Quế làm ra lời như vậy, moa nghe moa mừng lắm. Moa không cần dùng tiền. Số bạc bán đất hồi trước, moa ăn học bên Tây tuy tốn hao nhiều, song bây giờ cũng còn được mười mấy ngàn.

Cô Quế chận nói:

–         Dầu anh không cần dùng tiền em cũng xin anh lấy số vốn ấy lại.

–         Em cất giùm cho qua.

–         Anh nói như vậy em không dám nài ép nữa. Còn nếu anh không chịu ở với vợ chồng em, anh muốn dọn nhà ở riêng cho thong thả thì em xin trả đồ đạc của anh hồi trước lại cho anh dùng. Những đồ ấy em còn giữ đủ hết.

–         Em không muốn có vật gì của qua ở trong nhà em hay sao, nên em xin trả?

–         Không phải như vậy, em muốn trả cho anh dùng chớ.

–         Qua để đó làm vật kỷ niệm. Vợ chồng em hàng ngày thấy đồ ấy cũng như thấy qua. Không biết chị chín Thiện thằng Chí còn ở Sài Gòn hay không?

–         Lâu lâu em có gặp hai người ấy một lần, chắc còn ở Sài Gòn. Để sáng mai em biểu người đi hỏi coi họ ở đâu.

Ba người nhắc chuyện cũ đến việc mới tới khuya rồi mới đi nghỉ.


[1]  nung


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.