Ý và tình

Chương 11



Tháng bảy trời mưa dầm dề luôn mấy ngày, đến bữa nay mặt trời mới ló dạng, nhưng ánh sáng dường như còn nhút nhát, nên nắng vừa ấm cỏ chớ chưa làm khô được vũng bùn lầy, đường còn ướt át.

Ông Tư Tệt cũng như các nông gia ở thôn quê, ban đêm ngủ sớm, khuya thức dậy sớm, chẳng bao giờ ông biết nghỉ trưa, bởi vậy mặt trời đứng đầu mà ông mặc áo lá đương ngồi ngoài lẫm lúa coi cho thợ dọn quét, bởi vì hôm qua ông đã bán hết lúa bây giờ lẫm trống, nên ông không muốn để bụi trấu dơ dáy trong lẫm.

Thình lình có một chiếc xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Ông ngó ra thấy ông Hội đồng Quì, ở Ngã Bảy, người ông quen thuở nay, xuống xe rồi đi vô sân, tóc râu bạc phếu, y phục tề chỉnh.

Ông Từ Tệt lật đật đứng dậy đi vô nhà lớn để đón tiếp khách. Ông mời khách vào nhà, lấy áo dài mặc cho đủ lễ, kêu đứa ở biểu chế nước lấy trầu, rồi nói chuyện với khách.

Những câu chuyện của chủ khách nói với nhau hôm nay là những câu chuyện chung thường nghe trong các làng các xóm, khi hai vị nông gia gặp nhau. Ban đầu hỏi thăm nhau về sự mạnh giỏi, rồi lần tới giá bán lúa. Có mấy câu chuyện ấy mà chủ khách có thể kéo dài tới tối vẫn chưa dứt, nhưng ông Hội đồng Quì có tánh thiết thực, bởi vậy nói chuyện ruộng nương lúa thóc mới được chừng một giờ thì ông xây qua ngã khác mà hỏi thăm gia đình rồi nói chuyện làm sui.

Ông Từ Tệt nói chuyện ruộng nương thì ông hăng hái bao nhiêu chừng nói chuyện làm sui ông lại dè dặt bấy nhiêu. Ông dè dặt đến nỗi không nhứt định, không cả quyết chút nào hết, chỉ nói những câu: „Để rồi coi” hoặc: „Thủng thẳng rồi sẽ tính”, hoặc: „Anh nói vậy hay vậy”. Sự dè dặt nguội lạnh ấy làm cho khách bất mãn nên phải từ mà về, song khi ra cửa khách còn muốn nuôi chút hy vọng nên nói với: “Chỗ đó xứng đáng lắm. Xin ông suy nghĩ lại, chẳng cần phải trả lời vội. Ông suy nghĩ coi được hay không rồi bữa nào rảnh ông viết thơ cho tôi biết. Nếu được thì anh em mình có dịp gần nhau thường”.

Khách lên xe đi về rồi Ông Từ Tệt thủng thẳng trở vô nhà trong, trí tư lự, nên sắc mặt nghiêm trang.

Bà Tệt năm nay tóc đã bạc hoa râm, bà ở nhà sau đi lên, vừa thấy ông thì bà hỏi:

–        Khách nào đó mà nói chuyện dai chi dữ vậy ông?

–        Anh Hội đồng Quì ở trên Ngã Bảy.

–        Hội đồng Quì nào? Phải sui gia với bà Sang ở bên Cái Giầy hay không?

–        Phải.

–        Ổng xuống thăm chơi hay là có việc chi?

–        Ảnh muốn làm mai.

–        Làm mai cho ai?

–        Ảnh nói thầy Cai Hoà trên Rạch Giá muốn làm sui với mình, nên thẩy cậy ảnh nói trước giùm xin mình định ngày đặng thẩy đem coi trai thẩy xuống coi con Quyên.

–        Coi con Quyên? Nó cứ ở miết dưới ruộng, nó có ở nhà đâu mà coi. Người ta nói như vậy mà ông có hứa hay không? Nếu có hứa thì phải sai người xuống Cà mau mà kêu nó về.

–        Không. Tôi không có hứa chi hết. Tôi nói nó còn nhỏ, mà coi ý nó ham làm ruộng hơn lấy chồng. Anh Hội đồng Quì nài nỉ, cứ khoe thầy Cai Hoà giàu có lớn mà vợ chồng nhơn đức, tôi nói để tôi tính lại rồi sẽ trả lời.

–        Con Quyên năm nay 23 tuổi rồi, có phải nhỏ đâu. Nếu coi phải chỗ nào thì cũng nên gả phức cho rồi, để nó lỡ thời rồi thì làm sao mà gả.

–        Bà nó khéo lo dữ! Có tiền bà đừng sợ con nó ế chồng. Bà không nghe thằng Triều nói bữa hổm hay sao? Nó nói kỹ sư, bác sĩ họ đương rầm rầm kéo xuống miệt vườn mà kiếm vợ. Sớm muộn gì thì họ cũng mó tới cho coi. Bà đừng lo mà.

–        Con thầy Cai Hoà có học hành gì hay không?

–        Nghe nói đậu tú tài đủ hai kỳ, muốn đi Tây học song thầy Cai không chịu, nên bắt cưới vợ.

–        Học tới bực tú tài cũng đủ rồi. Ông đèo bòng làm chi?

–        Không phải tôi đèo bòng. Gả con tôi muốn chọn thằng rể lo làm ăn chớ không màng chức tước hay bằng cấp đâu. Người không có chí cần lao dầu học giỏi hay làm lớn tới bực nào đi nữa cũng không quí.

–        Sao ông biết con thầy Cai không lo làm ăn?

–        Tôi có biết đâu. Song tôi nghĩ con nhà quan, sung sướng từ nhỏ chí lớn quen rồi, nó biết lo làm ăn đâu, vì vậy nên tôi giục giặc chớ.

–        Có con gái mà ông nghĩ đủ thứ như vậy, tôi sợ e tới già nó cũng chưa có chồng được. Chồng con là cái duyên của con gái. Người ta xin coi con Quyên thì cho người ta coi. gả hay không, tự nơi mình. Họ coi rồi mình sẽ dọ dẫm lại, như thằng rể tánh nết được thì mình gả, bằng không thì thôi, cho coi có buộc mình gả đâu mà sợ.

–        Tôi không muốn như vậy. Bà muốn cho họ coi hay sao?

–        Tôi không muốn chi hết, nhưng có con gái hễ họ xin coi thì phải cho coi.

–        Tự ý bà. Thôi để bữa nào con Quyên nó về, tôi hỏi như nó chịu cho người ta coi thì tôi viết thơ hẹn ngày với anh Quì.

Hai ông bà đương cãi nhau kế cô Quyên ở dưới Cà Mau đi xe đò về tới.

Cô Quyên bây giờ là một cô gái 23 tuổi, khác hẳn với cô Quyên bảy tám năm trước. Tuy nước da ngâm ngâm của cô vẫn còn ngâm ngâm như cũ, tuy gương mặt vui vẻ của cô vẫn vui vẻ như thường, song bây giờ cô trổ mã con gái hoàn toàn, nên nét mặt của cô có u ẩn thiện chơn, hình vóc cô coi dong dảy mà lại đều đặn.

Cái giọng nói của cô lại trong trẻo, tướng đi của cô lại thanh nhã, bởi vậy nước da bánh ếch ngọt của cô bất quá làm cho cô không được mang danh gái mỹ miều mà thôi, chớ không đến nỗi liệt cô vào hạng gái thô hay là gái xấu được. Nhờ có học được mấy năm trên Sài Gòn nên cô nói tiếng Tây làu, cô thêu khéo, cô dạn dĩ, cô lanh lẹ.

Bỏ cái tánh liếng xáo hồi trước, bây giơ cô chỉnh tề nghiêm nghị. Bỏ cái tánh đỏng đảnh, cứ ăn rồi chơi như hồi trước, bây giờ cô biết tôn kính cha mẹ, cô cần mẫn xem xét mọi việc trong nhà, cô còn giúp đỡ chị dâu từ việc nấu ăn cho tới việc may vá. Vợ chồng ông Từ Tệt có một chút gái nên ông bà cưng thiệt là cưng, mà thấy con nết na như vậy ông bà càng yêu chuộng hơn nữa. Mà còn có một điều làm cho ông bà vui mừng hơn hết, là ba năm nay cô Quyên thôi học ở nhà, cô lại ưa thích nghề nông, cô xin với cha mẹ để cô lãnh coi khai phá sở đất mua của Xuân năm trước.

Ông Từ Tệt nhờ cần lao mà làm giàu, nay thấy con giống tánh, ông thấy vừa ý nên ông chịu liền, thầm tính sẽ chỉ bảo dìu dắt cho con làm mau thành điền mà hưởng lợi. Vì vậy mấy năm nay cô Quyên ở dưới ruộng nhiều hơn ở trên nhà, nhứt là trong mùa cấy và gặt thì cô chẳng hề rời sở đất.

Ở trong ruộng cô sống chung với nông phu, cô thấy tận mắt sự cực nhọc và tánh giản dị của những con người ấy, rồi cô đem lòng thương. Vì cô biết thương người, tự nhiên người thương lại, bởi vậy cô êm đềm thuận thảo, cô lo cho người, người cũng giúp lại cô.              Hôm nay cấy xong rồi nên cô mới trở về nhà thăm cha mẹ.

Bà Tệt thấy con vô sân thì bà mừng rỡ, lật đật bước lại cửa mà nói lớn: “Mới nhắc đó thì con về liền”

Cô Quyên mới bước lên thềm thì ông Tệt hỏi:

–         Cấy xong rồi hết, phải không con?

–         Dạ, xong rồi hết.

–         Bữa hổm tía sợ lúa sụt, nên lật đật về trước mà bán, té ra về cũng không kịp.

–         Giá lúa sụt nhiều lắm hay sao tía?

–         Một tạ sụt tới hai cắc.

–         Hôm tháng trước con xúi tía bán, tía không chịu để nay tía bán lỗ thấy không?

–         Chút đỉnh…Không sao.

–         Bà Tệt tiếp hỏi con:

–         Tía con nói phần đất của con năm nay cấy giáp hết, phải không con.

–         Thưa, giáp hết.

–         Giỏi đa.

–         Có tía phụ chớ con tài gì mà má khen… Anh hai chị hai với sắp nhỏ đi đâu vắng vậy má?

–         Vợ chồng con cái nó mới đi Sóc Trăng hồi sớm mai.

–         Đi chi vậy?

–         Đi thăm cậu Tư con.

–         Cậu Tư sao mà thăm?

–         Nghe nói trúng số 10 ngàn.

–         Chà! Cậu Tư hên dữ à! Còn anh hai con đi chơi khoẻ quá. Ảnh không thèm đợi con về con đi với ảnh chớ.

–         Ngoài Cổ Cò cũng mới cấy rồi. Anh Hai con mới về hôm kia. Nó có dè con về bữa nay đâu mà chờ con.

Cô Quyên thay áo rửa mặt rồi cô đi cùng trong nhà xem từ trước ra sau, sắc mặt hân hoan hớn hở.

Lần lần mặt trời dịu nắng, cô đi vòng ra phía trước đứng ngó mông. Cái sân rộng lớn bằng phẳng, cô muốn ra đó mà rồi thấy đất chưa được khô nên cô phải đứng lại. Ông Từ Tệt đương chỉ cho người ta sửa vách lẫm lúa, cô muốn qua nói chuyện, mà rồi cô thấy một người bạn già đương quét bụi bay tưng bừng nên cô hết muốn đi.

Thình lình có một chiếc xe hơi chạy ngang ngoài lộ. Cô Quyên ngó ra thấy một chiếc xe giống hịt chiếc xe của cậu Xuân năm xưa thì trong dạ bồi hồi.

Cô ngẩn ngơ một hồi rồi bước lên thềm mà vô nhà.

Trong nhà vắng hoe, cô đi thẳng vô phòng riêng của cô, mở tủ lấy mấy tấm hình Xuân chụp hồi trước rồi đem lại đứng dựa cửa sổ mà xem. Cô xem từng tấm, mà tấm nào cô nhìn cũng lâu. Cô đương thưởng thức cái khoảng đời niên thiếu bỗng nghe mẹ đi chợ về nói om xòm đàng trước. Cô liền để mấy tấm hình lại trong tủ, rồi thủng thẳng đi ra.

Vì con ở dưới ruộng trót tháng không có bánh hàng mà ăn, bà Tệt sợ con thèm nên bà biểu một đứa ở gái lấy rổ đi chợ với bà đặng mua đồ cho con ăn. Trước khi đi bà lại kêu người nấu ăn mà dặn: “Chiều nấu cơm cho sớm nghe không. Bữa sớm mai chắc cô Ba ăn sơ sịa rồi đi chắc cô đói bụng. Tao đi chợ một chút tao về liền.”

Bà Tệt đi rồi cô Quyên ra sau nhà thăm chuồng gà, chuồng heo, rồi lần qua coi mấy đám rau thơm, mấy cây ớt hiểm của cô trồng hồi trước. Cô vui mà thấy mấy con gà mái nằm ấp, thấy mấy con heo đen ú nú, cô hái mấy trái ớt chín cầm tay. Hổm nay ở trong ruộng cô say cảnh điền viên, bây giờ về nhà cô cảm thú gia đình, bởi vậy tâm hồn cô an ổn thần tiên, chẳng bợn chút hồng trần, nhứt là chẳng nghĩ tới việc thất gia, là việc thường làm rộn trí hạng gái tới tuần cập kê.

Bà Tệt thấy con thì nói:

–         Con lấy dĩa bàn đặng sắp bánh ra mà  ăn con. Má có mua bánh bàn bánh thèo lèo đủ thứ. Con ăn đỡ rồi lát nữa ăn cơm. Chợ chiều họ không có bán thứ gì ngon hết. Má phải mua xá xiếu thịt quay cho con ăn đỡ rồi sớm mai sẽ hay.

–         Cô Quyên vừa đi lấy dĩa đặng sắp bánh vừa nói:

–         Má lo làm chi! Có gì con ăn nấy mà.

–         Ở trong ruộng thèm khát, về nhà phải ăn chớ.

–         Má nói như vậy, chớ người ta ở trong ruộng năm nầy qua năm nọ đó sao. Họ cũng sống được vậy.

–         Mấy lời ấy đủ biểu lộ tánh giản dị của cô Quyên, bởi vậy bà Tệt nghe thì bà cảm hết sức, ngồi ngó con với cặp mắt chan chứa tình thân yêu.

–         Cô Quyên tuy nói vậy, song cô không muốn phụ cái hảo ý của mẹ, bởi vậy cô mở gói thèo lèo cô bốc vài cục bỏ miệng rồi mới sắp vô dĩa.

–         Ông Từ Tệt ở ngoài bước vô, thấy con vừa sắp bánh vừa nhai thì ông nói:

–         Bà nó khéo làm lếu! Sao không mua bánh hộp cho con ăn, bà mua đồ đó rồi nó đau bụng cho mà coi.

Bà cười và đáp:

–         Bánh mới ra lò còn nóng hổi, ngon lắm mà, giống gì tới đau bụng lận. Thuở nay nó ăn hoài, có sao đâu.

Bà mới nói tới đó, kế nghe tiếng xe hơi quanh vô cửa ngõ. Cô Quyên ngó ra và nói: „Anh Hai chị Hai về kìa!”

Thiệt quả xe của vợ chồng Triều về, một chiếc xe hơi bảy chỗ ngồi, lớn thình lình quanh co êm u mà đậu dưới thềm. Cô Quyên lật đật bước ra mừng anh chị và rước ba cháu.

Triều mập mạp, cao lớn, mạnh mẽ, nước da đen hù, chánh là một anh làm ruộng trăm phần trăm. Vợ Triều thấy cô Quyên cũng mừng hỏi: „Cô Ba về bao giờ.”

Quyên đáp: „Em mới về tới hồi nãy.”. Cô vội bồng cháu nhỏ hơn hết, là con Kim mới giáp thôi nôi. Hai đứa cháu lớn là thằng Ngọc 6 tuổi, con Ngân 4 tuổi, thấy vậy cũng chen nhau xuống xe rồi cũng áp ôm cô mà mừng, biểu lộ rõ ràng tình cô cháu thương yêu dan díu.

Vợ chồng Ông Từ Tệt đứng trong nhà ngó ra, ngắm bức tranh con cháu thuận hoà thì lòng thoả thích lộ ra ngoài mặt.

Triều nói với Quyên:

–         Phải qua dè bữa nay em về thì qua sẽ để mai sẽ đi thăm cậu Tư đặng em đi luôn một lượt.

Cô Quyên châu mày trách:

–         Anh lén em anh đi, còn nói nữa! Cậu Tư trúng số phải không?

–         Ừ!.. Trúng 10 ngàn.

–         Lãnh chưa?

–         Chưa. Cậu nộp giấy số tại kho bạc rồi.

–         Cậu mừng dữ hả?

–         Mừng lắm.

–         Cậu Tư thường vái trúng số đặng đi Bắc chơi. Chắc cậu sửa soạn đi.

–         Không. Cậu đổi ý rồi. Bây giờ cậu tính để số bạc ấy cất nhà lại.

–         Người ta nói có tiền thì hay hà tiện. Cậu Tư có tiền nên hết muốn xài!

–         Mợ Tư còn tính cao hơn nữa. Mợ không cho cất nhà, mợ biểu để mua ruộng đặng có huê lợi.

Anh em cha mẹ vui cười rồi dắt nhau vô nhà.

Vợ Triều với cô Quyên coi dọn cơm chiều rồi mời cha mẹ vô ăn.

Một bữa ăn vui vẻ hết sức. Thình lình bà Tệt nói: “Có con Quyên về đây. Vậy ông nó trả lời cho ông Hội đồng Quì đặng người ta có muốn xuống coi thì xuống mà coi.”

Triều nghe như vậy liền hỏi mẹ:

–         Có ai xin coi con Quyên hay sao?

–         Có, hồi trưa có ông Hội đồng Quì ở Ngã Bảy xuống thăm, rồi muốn làm mai con Quyên cho con thầy Cai Hoà trên Rạch Giá. Ổng xin định ngày đặng người ta đến coi.

–         Con biết nhà thầy Cai Hoà ở dựa bên lộ Long Mỹ. Nhà tốt dữ. Mà không biết con thầy Cai ra thế nào?

–         Thì để người ta tới đây rồi thì mình sẽ thấy chớ.

–         Tía chịu cho coi hay không?

Ông Từ Tệt thủng thẳng nói:

–         Con hỏi em con chớ. Như nó chịu thì tía mới cho, còn như nó không chịu thì cho coi làm sao được.

Triều ngó ngay cô Quyên mà hỏi:

–         Em chịu chồng coi hay không em?

–         Cô Quyên nghiêm nét mặt đáp cụt ngủn:

–         Không.

–         Sao vậy?

–         Coi làm chi?

–         Coi như phải chỗ tía má định đôi bạn cho em.

–         Em chưa lấy chồng đâu.

–         Tại sao vậy?

–         Tại em chưa tới hồi lấy chồng!

–         Vậy chớ chừng nào mới tới hồi em lấy chồng?

–         Em cũng không biết được.

–         Em nói nghe kỳ quá. Em lớn rồi phải tính tới việc gia thất chớ lôi thôi sao được. Em quyết chôn đời em dưới ruộng Cà Mau, em không chịu lấy chồng hay sao?

–         Không. Em có nói em không lấy chồng đâu. Em cũng sẽ lấy chồng như thiên hạ vậy, nhưng không phải chỗ đó.

–         Vậy chớ chỗ nào?

–         Chỗ nào phải duyên nợ em mới ưng.

–         Biết chỗ nào là duyên nợ?

–         Em cũng chưa biết.

Ông Từ Tệt ngó bà mà nói:

–         Bà nó thấy hôn? Tôi sợ có không chịu, nên hồi trưa tôi không dám hứa gì hết. Phải ừ bướng thì bậy biết chừng nào.

Bà Tệt lộ sắc buồn, song không cãi với ông, mà cũng không ép con. Vì vậy không khí hoà lạc hồi nãy bây giờ trở nên nặng nề nghiêm trọng.

Xế bữa sau, vợ Triều rủ Quyên đi chợ kiếm hàng mua may áo. Cô Quyên nài nỉ phải đem sắp cháu theo chơi, rồi kêu sốp-phơ đem xe đi với cháu.

Trong nhà vắng teo.

Triều nằm trên ghế xích đu mà đọc nhựt trình. Bà Tệt ăn trầu ở bộ ván gần cửa sổ. Ông Tệt đi dạo sau vườn rồi vô đứng tại bộ ghế giữa rót trà mà uống.

Bà hỏi ông:

–         Ông biết tại sao mà con Quyên không chịu cho con thầy Cai Hoà đến coi nó hay không? 

–         Ông ngồi xuống vừa cười vừa đáp:

–         Con nó ham ruộng, nó muốn một mình thong thả làm ruộng cho vui, nó không chịu lấy chồng, chớ có gì đâu?

–         Không phải vậy. Hồi hôm tôi dỗ tôi hỏi nó. Nó thú thật với tôi rồi.

–         Nó thú ra sao?

–         Nó nói nó chờ thằng Xuân, nên nó không ưng ai hết.

–         Tại sao mà nó lại chờ thằng Xuân?

–         Nó nói nó thương nhớ thằng Xuân mấy năm nay. Nó nhứt định làm vợ thằng Xuân mà thôi. Như thằng Xuân không cưới nó thì thà nó ở một mình mãn đời, chớ nó không ưng làm vợ người nào khác.

–         Thằng Xuân đi Tây bảy tám năm nay biệt tích, nó đâu đây mà thương với nhớ?

–         Bởi vậy mới kỳ.

Triều nghe cha mẹ nói vậy thì buông nhựt trình bước lại nói: „Xuân đã về mấy tháng nay rồi, làm bác vật canh nông trên Sài Gòn, tía má không hay hay sao?” Ông bà đều chưng hửng. Ông hỏi Triều:

–         Ai nói với con là thằng Xuân làm bác vật canh nông trên Sài Gòn?

–         Con thấy trong nhựt trình. Mấy tháng nay, nó viết báo khuyên điền chủ hãy đoàn kết mở mang kinh tế. Nó viết luôn luôn trong hai ba tờ báo, nó cổ động dữ lắm mà. Con tưởng tía hay chớ.

–         Tao có hay tin đâu. Thằng vậy đó! Nó đi Tây về mà nó không thèm xuống đây thăm mình chớ.

–         Con ghét, nên con cũng không thèm kiếm mà thăm nó. Tại sao mà em Quyên lại thương nó?

–         Con Quyên có gặp nó hay sao?

–         Thưa, không. Từ hồi trong năm đến giờ em Quyên có đi Sài Gòn đâu mà gặp.

Bà Tệt nói:

–         Không có gặp đâu. Theo lời con Quyên nói với tôi hồi trưa thì nó cũng hay Xuân về rồi, mà nó lại trách Xuân không nhớ tới nó.

Ông Từ Tệt lắc đầu nói:

–         Chuyện gì mà kỳ vậy? Nó không gần thằng nọ mà sao nó lại thương?

–         Nó nói nó thương trước ngày thằng Xuân đi Tây lận.

–         Mà người ta có thương nó hay không? Có hứa cưới nó hay sao mà nó chờ?

–         Nó nói nó không được biết. Thằng nọ không hứa hẹn chi hết.

–         Vậy thì thương nỗi gì?

–         Nó nói hồi trước Xuân xuống ở nhà mình chờ làm giấy tờ xong đặng ký tên bán đất đó, mỗi bữa Xuân chở nó đi xe hơi, Xuân chụp hình nó, rồi từ đó đến giờ nó thương Xuân. Tôi thủng thẳng dỗ nó nên nó chịu thú thiệt như vậy. Bây giờ mình phải tính làm sao nè.

Ông Từ Tệt ngồi ngó sững ra sân mà suy nghĩ.

Triều hỏi cha:

–        Em Quyên thiệt thương Xuân, nên mới thổ lộ với má như vậy. Ví như Xuân xin cưới em, thì tía gả không?

–        Biết nó thương con nọ hay không mà gả. Nó là con cháu, mà nó làm bác vật rồi coi bộ nó trở mặt, nên về mấy tháng nay nó không thèm bước chân đến đây thăm mình. Tao chắc nó có kể gì đến con Quyên đâu mà tính.

–        Không chừng nó mắc bận việc nên chưa xuống được. Để ít bữa nữa rảnh rang con đi Sài Gòn kiếm Xuân đặng con dọ ý nó coi nó có thương con Quyên hay không.

–        Phải nó thiệt thương tao mới gả. Chớ nó không thương mà mình ép mình gả, rồi cưới về nó hất hủi con nhỏ tao không chịu đâu.

Bà Tệt tiếp nói:

–         Ông nói phải lắm. Dầu nó làm ông gì cũng vậy, nó phải thương con Quyên thì tôi mới chịu gả.

Triều nói:

–         Để thủng thẳng con dọ ý em Quyên rồi con sẽ tính. Nếu thiệt em thương thì con sẽ đi Sài Gòn mà kiếm Xuân.

Ông Từ Tệt nói:

–         Chừng con đi Sài Gòn có lẽ tía má cũng đi nữa… Con Quyên có tình với Xuân, hèn chi nó học rồi mấy năm nay nó lãnh phần lo khai phá sở đất của anh Hội đồng hồi trước, nó làm dữ quá. Bây giờ mình mới hiểu.

Triều suy nghĩ rồi nói:

–         Xuân hồi còn học thường nó nói nhứt định không lập gia đình. Không biết nó có đổi ý hay không?

Ông bà Từ Tệt ngồi trầm ngâm tư lự.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.