35 Kilo Hy Vọng

Phần 1



Tối ghét trường học.

Tôi ghét nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời này.

Thậm chí còn hơn cả thế nữa…

Nó làm cho cuộc sống của tôi thật khốn khổ.

Cho đến năm ba tuổi, có thể nói là tôi đã sống hạnh phúc. Tôi không còn nhớ rõ lắm, nhưng tôi nghĩ, cho đến lúc đó mọi thứ đều ổn. Tôi chơi đùa, tôi xem cuốn băng Gấu con lông nâu đến mười lần liền tù tì, tôi vẽ và tôi tưởng tượng ra hàng tỉ tỉ cuộc phiêu lưu dành cho con Mập-Lông-Xù, con chó bông tôi cưng nhất. Mẹ kể rằng tôi từng ngồi hàng giờ trong phòng nói chuyện huyên thuyên một mình. Qua đó tôi rút ra kết luận rằng mình đã từng hạnh phúc.

Vào giai đoạn đó trong đời, tôi yêu tất cả mọi người, và tôi tưởng rằng tất cả mọi người đều yêu thương nhau. Nhưng rồi, khi tôi được ba tuổi năm tháng thì, choang! Trường học.

Có vẻ như buổi sáng hôm đó tôi đã rất vui vẻ đi đến trường. Bố mẹ tôi chắc chắn đã nhồi nhét vào đầu tôi những điều như thế này trong suốt cả mùa hè: “Con yêu, con thật may mắn, con sẽ đi học ở ngôi trường lớn đó…” “Nhìn cái cặp xinh xắn mới tinh này xem! Cặp để con đeo đến ngôi trường xinh đẹp của con đấy!”, vân vân và vân vân… Có vẻ như tôi đã không khóc. (Tôi là đứa tò mò, chắc lúc đó tôi chỉ muốn biết tụi nó có đồ chơi gì và đồ xếp hình Légo gì…) Có vẻ như trưa hôm đó vào giờ ăn, tôi trở về nhà rất sung sướng, tôi đã ăn rất ngon lành rồi lên phòng kể cho con Mập-Lông-Xù nghe về buổi sáng tuyệt vời của mình.

Khi đó, giá như biết trước, hẳn tôi đã tận hưởng bằng hết từng phút giây hạnh phúc cuối cùng ấy, bởi vì ngay sau đó, cuộc sống của tôi đã trượt khỏi đường ray.

– Chúng ta quay lại đó thôi nào. – Mẹ tôi bảo.

– Đi đâu ạ?

– Thì… đến trường chứ còn đi đâu nữa!

– Không.

– Không cái gì?

– Con không đến đó nữa.

– Thế ư… tại sao vậy?

– Bởi vì thế là xong rồi, con đã thấy ở đó như thế nào, con không thích nơi đó. Con có nhiều cái khác cần làm trên phòng. Con đã nói với con Mập-Lông-Xù là con sẽ chế cho nó một cái máy đặc biệt biết giúp nó tìm lại những khúc xương nó chôn dưới giường con, thế nên con không có thời gian để đi đến đó nữa.

Mẹ đã ôm tôi lên, và tôi bắt đầu gào thật to.

Và tôi bị ăn một bạt tai.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi.

Vậy đấy.

Trường học là như thế đấy.

Khởi đầu của một cơn ác mộng.

Câu chuyện này, tôi đã nghe bố mẹ kể cả ti tỉ lần. Với bạn bè của họ, với các cô trông trẻ, với các giáo viên, với các bác sĩ tâm lý, với các chuyên gia về phát âm và với cô cố vấn hướng nghiệp của nhà trường. Mỗi lần nghe kể như thế, câu chuyện lại làm tôi nhớ mình vẫn chưa làm cho con Mập-Lông-Xù cái máy dò tìm xương.

Bây giờ tôi mười ba tuổi và tôi đang học lớp sáu. Vâng, tôi biết có cái gì đó không ổn. Tôi sẽ giải thích ngay đây, quý vị chẳng cần xòe tay ra tính đâu. Tôi đã ở lại lớp hai lần: lớp ba và lớp sáu.

Ở nhà, việc học hành của tôi luôn là một thảm kịch, chắc quý vị có thể tưởng tượng ra… Mẹ tôi khóc còn bố tôi mắng tôi, và nếu không phải thế thì là ngược lại, mẹ tôi mắng tôi còn bố tôi chẳng nói gì cả. Còn tôi, tôi rất đau khổ khi nhìn thấy họ như thế, nhưng tôi có thể làm gì được đây? Tôi có thể nói gì với họ trong những trường hợp như vậy? Chẳng gì cả. Tôi chẳng thể nói gì vì nếu tôi mở miệng ra, mọi chuyện còn tệ hơn. Họ chỉ biết lặp đi lặp lại có một điều như lũ vẹt:

“Học đi!”

“Học đi!”

“Học đi!”

“Học đi!”

“Học đi!”

Được rồi, hiểu rồi. Tôi có phải là đứa ngu đần toàn diện đến độ đó đâu. Tôi cũng muốn học lắm; nhưng khổ nỗi tôi không học nổi. Tất cả những gì diễn ra ở trường, tôi nghe cứ lùng bùng trong lỗ tai. Nó vào tai này, ra tai kia. Người ta đã mang tôi đi khám cả ti tỉ bác sĩ, khám mắt, khám tai, thậm chí cả khám não nữa… Kết luận cuối cùng sau hàng loạt những việc vô bổ ấy, đó là khả năng tập trung của tôi có vấn đề. Thế cơ đấy! Tôi thì tôi biết rất rõ là mình bị làm sao, nếu họ mà hỏi tôi sẽ nói ngay. Tôi không có vấn đề gì hết, hoàn toàn không. Chỉ bởi vì những điều đó không làm tôi quan tâm. Tôi không quan tâm, có vậy thôi. Chấm hết.

Chỉ có một năm duy nhất ở trường, tôi cảm thấy hạnh phúc, đó là khi học lớp mẫu giáo lớn, với một cô giáo tên là Marie. Không bao giờ tôi có thể quên được cô ấy.

Mỗi khi nghĩ lại, tôi tự nhủ, cô Marie trở thành cô dạy trẻ chính là để tiếp tục làm những gì cô ấy yêu thích trong cuộc sống, đó là sáng tạo, làm ra những thứ đồ vật nho nhỏ có ích. Tôi đã yêu mến cô ấy ngay lập tức, ngay từ buổi sáng đầu tiên của ngày học đầu tiên. Cô ấy luôn mặc những bộ đồ do chính cô may, những chiếc áo len cô tự đan và những món đồ nữ trang cô tự thiết kế. Không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không có cái gì đó mang về nhà: một con nhím bằng giấy bồi, một con mèo làm từ chai đựng sữa, một con chuột trong vỏ quả hồ đào, dây treo các vật trang trí, tranh vẽ, tranh màu nước, hình cắt dán… Cô không cần đợi đến Ngày Của Mẹ để dạy chúng tôi sử dụng đôi tay của mình. Cô thường nói rằng một ngày thành công là khi ta tạo ra được một thứ gì đó. Mỗi khi nghĩ về điều đó, tôi tự nhủ rằng cái năm hạnh phúc ấy cũng là nguồn cơn mọi nỗi bất hạnh của tôi, bởi chính từ lúc đó mà tôi hiểu ra một điều rất đơn giản: chẳng có thứ gì trên đời làm tôi quan tâm hơn là đôi tay của mình và những gì chúng có thể tạo ra.

Nói cho hết về Marie, tôi biết rõ có một điều mà cô ấy đã làm cho tôi. Chính nhờ cô ấy mà năm lớp một, tôi đã học không đến nỗi tệ. Bởi vì cô ấy hiểu tôi là đứa trẻ như thế nào. Cô ấy hiểu rõ rằng tôi chật vật ra sao khi phải viết tên của mình và nước mắt tôi cứ chảy ra, rằng tôi chẳng nhớ nổi cái gì và rằng đối với tôi, thật kinh hoàng khi phải đọc thuộc lòng một bài đồng dao. Ngày cuối năm học, tôi đã đến chào từ biệt cô. Cổ họng tôi khô lại và tôi chẳng nói được gì. Tôi chìa tay đưa tặng cô món quà của mình, đó là một cái ống đựng bút tuyệt đẹp có một ngăn kéo để đựng những chiếc kẹp giấy, một cái ngăn khác để đựng kim ghim, có cả một chỗ riêng để đựng cục tẩy nữa. Tôi đã ngồi hàng giờ để làm và trang trí nó. Tôi thấy rõ là cô ấy rất thích và cô có vẻ xúc động y như tôi. Cô bảo:

– Cô cũng vậy, cô có một món quà cho em, Grégoire…

Đó là một quyển sách lớn. Cô nói thêm:

– Năm sau, em sẽ lên lớp lớn hơn, lớp của cô Daret, và em sẽ phải cố gắng học rất nhiều… Em biết vì sao không?

Tôi lắc đầu:

– Để có thể đọc tất cả những gì viết trong này…

Ngay khi về đến nhà, tôi đã bảo mẹ đọc cho tôi tựa sách. Mẹ đặt cuốn sách to lớn đó lên đầu gối và đọc:

– Một ngàn ý tưởng dành cho những đôi bàn tay nhỏ. Ái chà chà, thế nào cũng bày ra đủ thứ trò đây!

Tôi đã rất ghét cô Daret. Tôi ghét giọng nói của cô ấy, ghét điệu bộ và cái thói luôn thiên vị mấy đứa học trò cưng của cô ấy. Nhưng tôi đã học để biết đọc bởi vì tôi muốn làm con hà mã bằng hộp các-tông đựng trứng ở trang 124.

Trong cuốn sổ học bạ cuối năm mẫu giáo lớn của tôi, cô Marie đã viết:

“Cậu bé này có cái đầu như một cái sàng thưa, những ngón tay thiên thần và một trái tim cũng to như thế. Chừng ấy hẳn là đủ để ta giúp cậu bé làm được một điều gì đó.”

Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng trong đời tôi không bị một thành viên của hệ thống giáo dục quốc gia vùi dập.

*

* *

Dù sao đi nữa, tôi biết có khối người chẳng thích học. Quý vị chẳng hạn, nếu tôi hỏi “Bạn có thích đến trường không?”, quý vị sẽ lắc đầu và trả lời rằng không, đương nhiên là vậy rồi. Chỉ có mấy đứa cực kỳ ra vẻ mới nói có, hoặc nếu không thì phải là loại người giỏi đến mức họ có thể cảm thấy thích thú với chuyện mỗi sáng đến trường kiểm tra khả năng của mình. Ngoài ra thì… Ai mà lại thực lòng thích đi học cơ chứ? Chẳng ai cả. Thế có ai hoàn toàn ghét đến trường không? Cũng chẳng có nhiều người thuộc loại này lắm. À mà có chứ. Có mấy người giống như tôi. Loại học trò mà người ta gọi là mấy thằng vừa lười vừa ngu, lúc nào cũng kêu đau bụng.

Tôi ấy à, ít nhất một tiếng trước khi đồng hồ báo thức đổ chuông, tôi đã mở mắt ra, và trong suốt một tiếng, tôi thấy rõ cái cảm giác đau đớn trong bụng cứ lớn dần lên, lớn dần lên… Khi trèo xuống khỏi chiếc giường tầng, tôi cảm thấy buồn nôn đến mức tôi có cảm tưởng như đang đứng trên một con tàu lênh đênh giữa biển. Bữa sáng là một cực hình. Sự thật là tôi chẳng thể nuốt bất cứ cái gì vào bụng, nhưng vì mẹ cứ hối thúc sau lưng, tôi đành nhai tạm mấy lát bánh mì sấy. Ngồi trong xe buýt, chỗ đau trong bụng chuyển thành một cục cứng ngắc. Nếu tình cờ gặp mấy đứa bạn và nói chuyện về Zelda 1 chẳng hạn, tôi sẽ thấy đỡ một chút, cái cục trong bụng giảm xuống, còn nếu ngồi một mình, nó sẽ khiến cho tôi không thể thở nổi. Nhưng trên hết thảy, điều tồi tệ nhất, đó là khi tôi vào đến sân trường, chỗ hàng hiên có mái che. Mùicủa trường học là cái tôi sợ nhất. Năm tháng trôi qua, cảnh vật thay đổi, nhưng cái mùi đó thì vẫn y nguyên. Một thứ mùi của phấn bảng và mùi giày basket cũ trộn lẫn với nhau, nó siết chặt lấy cổ họng tôi, làm cho tôi nôn nao muốn ói.

1. Tên một trò chơi điện tử.

Vào khoảng bốn giờ, cái cục sợ bắt đầu tan dần, và khi tôi về đến nhà, mở cửa phòng của mình ra thì nó biến mất hẳn. Nó quay trở lại khi bố mẹ đặt cho tôi hàng tá câu hỏi về ngày hôm đó và lục cặp của tôi để lấy cuốn sổ ghi những bài tập phải làm và sổ liên lạc ra kiểm tra. Lúc ấy nó quay lại nhưng đỡ hơn, bởi vì bây giờ tôi đã quen với những cơn giận dữ của họ.

Mà cũng không hẳn, tôi đang nói dối đấy… Tôi chẳng hề quen được với điều đó. Những cơn giận dữ nối tiếp nhau nhiều nữa, vậy nên tối nào họ cũng có nhu cầu cãi cọ nhau; và bởi vì họ không biết bắt đầu như thế nào, tôi và những điểm số tồi tệ của tôi trở thành cái cớ. Bao giờ cũng phải có một người có lỗi. Mẹ tôi trách bố tôi không bao giờ dành thời gian chú ý đến tôi, còn bố tôi thì trả lời rằng đó là lỗi của mẹ. Rằng mẹ đã quá nuông chiều tôi.

Tôi hết chịu nổi rồi, không thể chịu nổi nữa rồi…

Tôi chán ngấy đến độ quý vị thậm chí không cũng không thể tưởng tượng nổi đâu.

Vào những lúc đó, trong thâm tâm tôi tự bịt kín tai mình, và cố gắng tập trung nghĩ về những thứ tôi đang làm dở: một con tàu vũ trụ cho Anakin Skywalker2 bằng bộ Légo System, hay một cái máy ép tuýp thuốc đánh răng làm từ bộ Meccano3, hay cái kim tự tháp khổng lồ bằng bộ Kaplas. Sau đó là một cực hình khác, bài tập. Nếu mẹ là người hướng dẫn tôi làm bài, cuối cùng thế nào bà cũng ngồi khóc. Nếu thay vào đó là bố tôi, đến lượt tôi là người phải khóc.

2. Nhân vật chính của bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”.

3. Bộ chơi chế tạo gồm nhiều mảnh, thiết bị cơ khí rời bằng kim loại.

Tôi kể với các bạn tất cả những điều này, nhưng các bạn đừng nghĩ rằng bố mẹ tôi chẳng biết dạy con, hay họ chỉ chăm chăm làm khổ tôi, không, không phải thế, họ là những người tuyệt vời… tuyệt vời cũng không hẳn, biết nói thế nào nhỉ… Tóm lại họ là những người bình thường. Chỉ tại trường học làm hỏng tất cả. Mà thực ra, cũng vì thế mà năm ngoái tôi chỉ ghi phân nửa số bài tập thầy cô giao về nhà vào trong sổ bài tập, để tránh những cơn giận dữ và những buổi tối bất hạnh đó. Quả thực đó là lý do duy nhất, nhưng tôi đã không dám nói điều đó với cô hiệu trưởng trường cấp hai vào cái ngày mà tôi ngồi trong phòng cô, nước mắt giàn giụa. Thật là ngốc.

Dù sao đi nữa, tôi đã đúng khi im lặng. Nếu tôi nói ra, liệu cô ấy sẽ hiểu được gì, con gà tây mập thù lù ấy? Chẳng gì cả, bởi vì tháng sau cô ấy đã đuổi học tôi.

Cô ấy đuổi học tôi vì môn thể dục.

Phải nói rằng tôi ghét môn thể dục gần như ghét trường học. Không hoàn toàn giống nhưng gần như vậy. Nếu các bạn gặp tôi, các bạn sẽ hiểu tại sao mà sàn tập thể thao và tôi chẳng bao giờ đội trời chung với nhau! Tôi không cao lắm, không to con lắm và không khóc lắm. Thậm chí, có thể nói còn tệ hơn thế; tôi không cao lắm, không to con lắm và vô cùng yếu ớt èo uột.

Đã có lần tôi đứng hai tay lên hông, căng lồng ngực lên và nhìn vào trong gương. Một hình ảnh khá bất ngờ, giống như một con giun đất đang tập thể hình, hay giống như nhân vật muốn gia nhập vào đội chiến binh trong truyện Asterix chiến binh La Mã4: người ta cứ ngỡ hắn cũng khá đô con, nhưng khi hắn cởi chiếc áo choàng bằng da thú ra, mọi người mới vỡ lẽ hắn chỉ là một tên ốm yếu gầy còm toàn diện. Khi tôi nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương, tôi nghĩ ngay đến nhân vật ấy.

4. “Astérix légionaire”, một tập trong bộ truyện tranh của Pháp.

Mà thôi, tôi cũng không nên tự dằn vặt mình vì tất cả mọi chuyện trong cuộc sống, đôi khi cũng phải biết bỏ bớt một số áp lực không cần thiết, nếu không tôi sẽ thành một thằng khùng khùng mát mát. Và năm vừa rồi, tôi đã quyết định bỏ đi cái áp lực ấy với môn Giáo dục thể chất. Chỉ cần viết ra những từ này thôi cũng đủ khiến tôi cười toác miệng… Bởi vì chính nhờ cô Berluron và giờ Giáo dục thể chất của cô ấy mà tôi có được những trận cười nắc nẻ tuyệt vời nhất trong đời.

Mọi chuyện đã bắt đầu như thế này:

– Dubosc Grégoire. – Cô ấy vừa nói, mắt vừa dò trong sổ của mình.

– Dạ.

Tôi biết trước thế nào mình cũng sẽ lại làm hỏng bài tập liên hoàn và trở thành trò cười cho mọi người. Tôi tự hỏi khi nào thì tất cả những chuyện này sẽ kết thúc.

Tôi tiến lên phía trước, và những đứa khác trong lớp bắt đầu nhếch miệng ra cười.

Nhưng lần đầu tiên trong đời, chúng không cười nhạo sự dốt nát của tôi, chúng cười vì điệu bộ kỳ cục của tôi lúc đó. Tôi để quên quần áo tập ở nhà, và vì đó là lần thứ ba tôi quên đồ tập trong vòng một học kỳ, tôi quyết định mượn đồ của anh thằng Bejamin mặc tạm để khỏi bị phạt. (Trong vòng một năm, tôi đã bị phạt nhiều hơn số lần quý vị có thể bị phạt trong cả đời!) Điều mà tôi không ngờ trước, đó là anh thằng Bejamin là thứ sinh sản vô tính từ Người khổng lồ xanh5, anh ấy cao đến một mét chín mươi…

5. Biểu tượng trên các nhãn hàng của một công ty thực phẩm chế biến nổi tiếng ở châu Âu, chuyên bán rau quả đông lạnh và đóng hộp.

Kết quả là tôi đang bước đi xúng xính trong bộ quần áo quá khổ cỡ XXL và đôi giày tennis cỡ 45. Khỏi cần phải nói tôi đã thành công đến mức nào…

– Lại cái gì nữa đây, bộ đồ này là thế nào hở? – Cô Berluron gào lên.

Tôi làm ra vẻ ngây ngô và nói:

– Ôi, em không hiểu, thưa cô, tuần trước nó còn vừa với em lắm mà… Em không thể hiểu nổi…

Cô ấy có vẻ như hết chịu nổi:

– Trò sẽ làm bài tập lăn người hai vòng phía trước, chân chụm lại.

Tôi làm một vòng nhào lộn thảm họa đầu tiên và tuột mất một chiếc giày tennis. Tôi nghe tiếng những đứa khác trong lớp cười phá lên, thế là, để làm cho chúng khoái chí, tôi làm thêm một vòng thứ hai, và tôi đã xuất sắc cho chiếc giày còn lại bay lên tận trần nhà.

Khi đứng dậy, quần dài của tôi bị tụt xuống, để hở một khoảng quần sịp bên trong. Cô Berluron giận đỏ mặt, còn những đứa bạn trong lớp thì được một trận cười thừa sống thiếu chết. Nghe được những tiếng cười ấy giống như một cái lẫy kích hoạt được bật lên, bởi vì lần đầu tiên trong đời, đó không phải là những tiếng cười ác ý, mà là những tiếng cười tuyệt vời, giống như những tiếng cười ở rạp xiếc và kể từ giờ học hôm đó, tôi quyết định sẽ trở thành tên hề của lớp thể dục. Tên hề của cô Berluron. Nghe người khác cười vì mình, bạn cảm thấy ấm áp trong tim, và sau đó. Giống như một thứ thuốc phiện: mọi người càng cười, bạn càng muốn làm cho họ cười thêm nữa.

Cô Berluron phạt tôi nhiều đến mức chẳng còn một trang trắng nào trong cuốn sổ liên lạc của tôi. Cuối cùng, thậm chí tôi đã bị đuổi học vì tất cả những chuyện này, nhưng tôi không hề nuối tiếc. Cũng nhờ cô ấy mà tôi đã cảm thấy hạnh phúc hơn một tí xíu ở trường, cảm thấy mình có ích hơn một tí xíu.

Phải nói là tôi đã gây ra một tình hình lộn xộn không thể tưởng tượng được. Trước đây, chẳng có ai muốn nhận tôi vào nhóm của họ vì tôi quá tệ, nhưng sau đó, là bạn đánh nhau để kéo tôi về phía mình. Bởi vì với những trò hề kiểu đó, tôi khiến cho phe đối thủ bị phân tâm. Tôi nhớ một ngày nọ, tôi được giao làm thủ môn… Thật hết chỗ nói… Khi quả bóng đến gần, tôi leo lên lưới như một con khỉ điên và gào lên những tiếng kinh hoàng, và khi phải đưa bóng trở lại sân, bao giờ tôi cũng tìm ra cách để ném quả bóng ngược lại phía sau và ghi cho đội nhà thêm một bàn trực tiếp nữa.

Thậm chí có một lần, tôi nhào ra phía để chụp quả bóng. Đương nhiên là tôi không chạm được vào nó, nhưng khi đứng dậy, tôi ngậm trong miệng một nắm cỏ, giống như một con bò, vừa nhai vừa kêu “bò…ò…ò, bò…ò…ò”. Ngày hôm đó, Karine Lelièvre đã tè ra quần, còn tôi thì bị phạt suốt hai tiếng… Dù sao thì cũng đáng.

Tôi đã bị đuổi học vì bài ngựa tay quai. Cũng thật trớ trêu bởi vì đúng vào lần đó, tôi không cố ý làm trò hề. Cả lớp phải nhảy lên cái của khỉ bằng nệm mút đó, hai tay nắm chặt vào hai bên quai. Khi đến lượt tôi, tôi nắm trật tay và thế là tôi tự làm mình bị đau kinh khủng ở đúng cái chỗ… chỗ… tóm lại là các bạn biết tôi muốn nói gì rồi đấy. Thế nào nhỉ, cái chỗ đó của tôi giống như biến thành mứt nghiền. Tất nhiên, những đứa khác trong lớp tưởng tôi giả vờ kêu “ui chaaaaaa” để pha trò cho chúng cười, còn cô Berluron đã lôi thẳng tôi đến gặp cô hiệu trưởng. Tôi gập cả người lại vì đau, nhưng tôi không khóc.

Tôi không muốn tặng cho họ niềm vui đó.

Bố mẹ tôi cũng không tin tôi, và khi họ biết tôi bị đuổi học thật, đó là lúc “ngày hội” của tôi bắt đầu. Lần đầu tiên họ gào lên theo cùng một hướng, và họ đã quạt tôi một trận ra trò.

Cuối cùng, họ cũng để cho tôi đi về phòng. Vào đến nơi, tôi đóng cửa lại và ngồi xuống đất. Tôi tự nhủ: “Hoặc là mày lên giường và khóc. Và cũng đáng để khóc bởi vì cuộc sống của mày chẳng có nghĩa lý gì và mày nữa, mày cũng chẳng đáng giá gì trên đời, mày có thể chết ngay lập tức được. Hoặc là mày đứng dậy và làm một cái gì đó.” Tối hôm đó, tôi đã chế ra một con vật gớm ghiếc bằng đủ thứ đồ vớ vẩn tôi nhặt được từ một công trường, và tôi đặt tên nó là “Berlu-Lông-Lá”.

Làm thế chẳng có gì hay ho, tôi thừa nhận, nhưng ít ra nó khiến cho tôi cảm thấy dễ chịu và tránh cho tôi khỏi làm ướt gối.

*

* *

Người duy nhất an ủi tôi vào lúc đó là ông tôi. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi vì ông Léon-cao-lớn của tôi luôn luôn an ủi tôi khi có chuyện gì xảy ra từ khi tôi còn bé tí bằng củ khoai và biết theo ông đến túp lều ở cuối vườn.

Túp lều của ông Léon là cả thế giới đối với tôi. Đó là nơi ẩn náu và là kho tàng Ali Baba của tôi. Khi bà làm chúng tôi phát chán, ông quay về phía tôi và thì thầm:

– Grégoire, ta làm một tua đến Léonland6 chứ, cháu thấy sao?

6. Tiếng Anh trong nguyên bản, có nghĩa là “mảnh đất của Léon”.

Và thế là chúng tôi chuồn êm, bà chỉ còn biết trách lẫy:

– Thế đấy! Ông đi mà đầu độc thằng nhỏ này đi…

Ông nhún vai và trả lời:

– Tôi xin bà đấy, Charlotte, tôi xin lỗi. Grégoire và tôi, chúng tôi muốn ở riêng một lúc, bởi vì chúng tôi cần yên tĩnh để suy nghĩ.

– Suy nghĩ chuyện gì, tôi có thể biết được không?

– Tôi thì suy nghĩ về quãng đời đã qua của mình, còn thằng Grégoire, nó nghĩ về tương lai của nó.

Bà tôi quay người đi và nói thêm rằng thà bà bị điếc còn hơn là nghe mấy lời đó. Thế là bao giờ ông cũng trả lời:

– Trái tim nhỏ của tôi, bà đã điếc rồi đấy thôi.

Ông Léon-cao-lớn của tôi cũng thích sửa chữa hay làm ra cái này cái kia giống như tôi, chỉ khác là thêm vào đó, ông vô cùng thông minh. Khi còn đi học, ông luôn là một học trò cừ: bao giờ ông cũng đứng nhất lớp ở tất cả các môn. Có một hôm, ông đã thú nhận với tôi rằng ông chẳng bao giờ học bài vào ngày Chủ nhật cả (Tại sao? – Bởi vì ông không thích, vậy thôi). Ông đứng nhất lớp về môn toán, môn tiếng Pháp, tiếng La tinh, môn tiếng Anh, môn lịch sử, tất cả! Mười bảy tuổi, ông thi đậu vào trường Bách khoa, trường khó nhất của Pháp, sau đó ông xây toàn những thứ khổng lồ: xây cầu bắt ngang qua sông, xây cầu nối chuyển làn đường cao tốc, xây hầm, xây đập, vân vân. Khi tôi hỏi cụ thể công việc của ông là gì, ông châm lại điếu thuốc cháy dở và chậm rãi vừa suy nghĩ vừa nói:

– Ông không biết nữa. Chưa bao giờ ông biết định nghĩa chức năng của mình như thế nào… Nói đơn giản là người ta yêu cầu ông đọc lại các bản vẽ và cho ý kiến: liệu công trình đó có thể bị sập không, có hay không?

– Chỉ có vậy thôi sao?

– Chỉ vậy thôi, vậy thôi đấy… Nhưng vậy cũng đủ rồi, nhóc của ông ạ! Nếu cháu nói không, và rồi cái đập vẫn bị sập, cháu sẽ thành ra một thằng nhóc đại ngốc đấy, tin ông đi!

Túp lều của ông là nơi tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trên trái đất này. Ấy thế mà nó chẳng có gì là to tát: một túp lều con làm bằng những tấm ván, mái lợp tôn lượn sóng, nằm tận cuối vườn, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng. Bất cứ khi nào có thể là tôi lại chạy ngay đến đó. Để làm mấy thứ đồ của tôi, để mượn dụng cụ hay mấy mẩu gỗ, để xem ông Léon-cao-lớn của tôi làm việc (lúc này ông đang đóng một cái tủ do một nhà hàng đặt làm), để xin ông một lời khuyên, hay chỉ là vậy thôi, chẳng có mục đích gì cả. Tôi đến chỉ vì tôi muốn được ở một nơi giống với tôi. Lúc nãy, tôi vừa nói với quý vị về cái mùi của trường học khiến cho tôi buồn nôn; thế nhưng ở đây thì ngược lại, khi tôi bước vào cái lồng nhỏ chật chội này, tôi mở căng mũi để ngửi hít mùi của hạnh phúc. Mùi của dầu mỡ bẩn, mùi của chiếc lò sưởi điện, của que hàn sắt, keo dán gỗ, mùi thuốc lá và mùi của nhiều thứ khác. Một thứ mùi tuyệt vời. Tôi tự hứa rằng một ngày kia, tôi sẽ tìm ra cách chiết xuất thứ mùi này, và tôi sẽ phát minh ra một lại nước hoa mới mà tôi sẽ đặt tên là “Mùi thơm của túp lều”.

Tôi sẽ lấy nó ra để ngửi vào những lúc cảm thấy bất hạnh trong cuộc đời.

Khi ông Léon-cao-lớn biết được tôi bị ở lại lớp ba, ông đã đặt tôi lên đùi và kể cho tôi câu chuyện con thỏ và con rùa. Tôi vẫn nhớ rất rõ tôi đã vùi sâu người vào lòng ông và nghe giọng ông dịu dàng đến thế nào:

– Cháu thấy không, cháu dũng cảm của ông, chẳng ai thèm đặt cược một xu vào con rùa khốn khổ đó, bởi vì nó quá chậm chạp… Ấy thế mà, nó lại là người chiến thắng… thế cháu có biết vì sao nó thắng không? Nó đã thắng bởi vì nó là một con rùa nhỏ dũng cảm và kiên cường. Cháu cũng vậy, Grégoire, cháu là một cậu bé dũng cảm… Ông biết điều đó, ông đã nhìn thấy cháu làm việc ra sao. Ông đã thấy cháu ngồi hàng giờ, hàng giờ trong cái lạnh để mài nhẵn một mẩu gỗ, hay để sơn những cái mô hình của cháu… Đối với ông, cháu giống như con rùa nhỏ đó.

– Nhưng ở trường người ta có bao giờ yêu cầu bọn cháu mài gỗ đâu! – Tôi vừa trả lời vừa khóc nức nở. – Người ta chỉ toàn bắt bọn cháu làm những cái khó thật khó!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.