7 Trò Chơi Tâm Linh

NĂM ĐIỀU QUÝ GIÁ TRONG CUỘC SỐNG CỦA TÔI



Trò chơi đầu tiên có tên là “Năm điều quý giá trong cuộc sống của tôi”.

Cuộc sống ngày nay thật phức tạp biết bao.

Mỗi lần có chuyện gì, chúng ta đều mong muốn có thể lập tức đưa ra quyết định.

Chuyện “nhỏ” thì sáng sớm sẽ ăn gì? Uống sữa đậu hay ăn Mac Donal, KFC? Chuyện “lớn” thì khi sự nghiệp phát triển sẽ chuyển ngành hay ra nước ngoài du học? Chuyện “chậm” thì nếu như mua nhà thì sẽ mua ở đâu, mua lúc nào, giá bao nhiêu và chọn nhà loại nào? Chuyển “khẩn” thì nếu có người ngã rơi xuống sông thì có nên quên mình cứu người hay không? Chuyện “lâu dài” thì có cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi chọn người bạn đời cho mình không? Chuyện “trước mắt” thì nên mua chiếc áo màu gì để hợp mốt nhất? Chuyện “vẩn vơ” thì hôm nay chủ nhật nên đi bơi hay ở nhà đọc sách? Chuyện “nghiêm trọng” thì nếu chẳng may phát hiện ra mình bị ung thư thì nên làm phẫu thuật hay uống thuốc Đông y để chữa trị…?

Có rất nhiều điều buộc bạn phải đưa ra quyết định khi đối mặt với rất nhiều lựa chọn. Điều này dường như đã trở thành một bài toán nan giải đối với những con người thời hiện đại. Vì bạn tự do nên bạn có quyền lựa chọn. Đây là một hình thức tiến bộ xã hội nhưng mỗi khi phải đứng trước một sự lựa chọn, chúng ta thường đưa ra những lựa chọn sai lầm. Cuộc sống hôm nay của bạn được quyết định từ những năm trước đó. Quyết định của bạn ngày hôm nay sẽ quyết định cuộc sống của bạn những năm về sau. Nếu như Bill Gates không bỏ học giữa chừng, nắm lấy cơ hội phát triển thì đâu đạt được “kỳ tích” như ngày nay.

Một sự lựa chọn

Quyết định một con đường đi

Một con đường đi sẽ dẫn đến một điểm đến

Một điểm đến sẽ mở ra một cuộc sống

Một cuộc sống sẽ tạo nên một số phận.

Đưa ra quyết sách sai lầm là sự tổn thất to lớn nhất. Ai trong chúng ta cũng mong muốn phải ít đi đường vòng nhất, quyết định đúng đắn hơn và ít phải cảm thấy hối tiếc hơn.

Vậy điều kiện tiên quyết để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn là gì?

Đó chính là:

Hiểu rõ bản thân mình

Giám đốc một công ty nọ khi phỏng vấn người xin việc, câu hỏi đầu tiên mà ông ta hỏi là “Bạn muốn đạt được điều gì?”. Bất ngờ thay, hơn 70% ứng viên phỏng vấn không trả lời nổi câu hỏi này.

Chắc chắn khi nghe xong câu chuyện trên, bạn sẽ cảm thấy rất khó tin nhưng đây là điều thường xuyên xảy ra. Ngày nay, để tìm được một công việc ưng ý, rất nhiều người đầu tư thời gian và tiền bạc để in thư xin việc bằng giấy loại tốt, mời chuyên gia về quan hệ công chúng huấn luyện cho mình khả năng biểu đạt. Một số bạn gái muốn “đi tắt” còn chi một khoản tiền lớn để đi thẩm mỹ viện. Khi đi phỏng vấn, rất nhiều người diện hàng hiệu, chọn đi chọn lại chiếc ca-ra-vát sao cho phù hợp với bộ cánh, nhiều lần đứng trước gương để tập cách nói năng, cử chỉ… Sau khi đã đầu tư biết bao thời gian và tiền bạc như vậy, mọi người lại dễ dàng thất bại trước những câu hỏi vô cùng đơn giản và thiết thực. Bởi vì ngay bản thân mình muốn điều gì, họ cũng không biết.

Trên thực tế, có rất nhiều người dù đã đi hết cuộc đời mình nhưng vẫn không tìm ra điều mình cần rốt cuộc là gì. Trong số ít người tự hỏi mình “muốn đạt được điều gì trong cuộc sống”, rất nhiều người đưa được ra một câu trả lời rõ ràng. Trong số ít người trả lời được câu hỏi này thì cũng chỉ có rất ít người có thể biểu đạt được rõ ràng điều mình muốn nói.

Nếu bạn không xác định được bạn sẽ đi về phía nào thì nơi bạn đang đứng chính là nấm mồ của bạn.

Để tránh rơi vào tình trạng trên, chúng ta sẽ cùng nhau chơi trò chơi đầu tiên. Chỉ khi nào bạn biết được bản thân mình muốn gì thì bạn mới có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn.

Tôi đã trải qua một chuyện như thế này:

Cứ cuối tháng hai hàng năm sẽ có rất nhiều người gặp tôi và nói: Mời chị đến nói chuyện với chị em đơn vị chúng tôi trong dịp ngày Quốc tế Phụ nữ. Lời mời thì rất nhiều nhưng tôi lại chẳng thể “phân thân”, vì vậy tôi đã nhận lời theo thứ tự trước sau của lời mời. Ai gọi điện đến trước thì tôi sẽ nhận lời trước, còn những người gọi đến sau, tôi sẽ nói với họ rằng, tôi xin lỗi, có mấy cơ quan đã liên hệ với tôi trước. Kết quả là vấn đề “xếp lịch” đã được giải quyết. Nhưng đến năm sau, những người năm trước vì gọi muộn nên không hẹn được tôi lại gọi điện sớm hơn. Từ đầu năm các cuộc điện thoại và lời mời dồn dập tới. Tình hình thay đổi khiến tôi cũng phải nhanh trí thay đổi “chiến thuật”. Mỗi lần nhận được lời mời, tôi đều nói xã giao rằng, tôi sẽ xem xét rồi quyết định sau.

Năm đó, trường đại học Thanh Hoa liên hệ với tôi từ rất sớm, hi vọng vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi sẽ đến nói chuyện với các nữ sinh của trường. Nhận được lời mời từ các nữ sinh của một trường đại học danh tiếng, tôi cảm thấy rất phấn chấn và cảm động. Tôi thích được giao lưu với các nữ sinh để cảm nhận được sức sống của tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết đầy thách thức. Về cơ bản mọi chuyện đã được quyết định. Nhưng chẳng ngờ, lúc đó, tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại. Một nữ giám ngục mời tôi đến gặp mặt và giao lưu với 300 nữ phạm nhân.

Tôi chợt lặng người, một lúc sau nói, từ trước tới giờ tôi chưa có kinh nghiệm nói chuyện với những người phụ nữ hư hỏng.

Nghe thấy vậy, vị nữ giám ngục nhẹ nhàng phản bác, nói, thưa cô giáo Tất, họ không phải là những người phụ nữ hư hỏng, họ chỉ là những nữ phạm nhân đang cải tạo.

Tôi biết là mình đã quá lời khi nói ra những lời nói vô cùng thiếu suy nghĩ như vậy. Con người không thể chỉ dựa vào vài tiêu chuẩn đơn giản để phân thành người xấu hay người tốt. Ngay lập tức tôi vội vàng nói, cho tôi xin lỗi! Nhưng tôi thực sự chưa từng tiếp xúc với những nữ phạm nhân bao giờ. Vị nữ giám ngục cười hiền hòa, nói, hãy coi như chị đang nói chuyện ở một nơi khác. Nói về nhân sinh, lý tưởng, điều gì cũng được.

Tôi gác máy và biết mình đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Một bên là những nữ sinh đại học tràn đầy sức sống, một bên là những nữ phạm nhân đang phải giam mình sau chấn song nhà tù. Nếu gặp gỡ với các nữ sinh thì chắc chắn sẽ rất thoải mái, vui vẻ và hấp dẫn. Nhưng còn nếu gặp gỡ với các nữ phạm nhân, không khí chắc chắn sẽ rất trầm lắng, căng thẳng và bó hẹp… Nếu chỉ đơn thuần xuất phát từ cảm nhận cá nhân thì đương nhiên tôi sẽ chọn gặp các nữ sinh trường đại học Thanh Hoa. Nhưng mặt khác, tôi lại nghĩ đến trách nhiệm của mình (trước đây tôi là một bác sĩ vì vậy tinh thần trách nhiệm rất cao). Đứng trước một lời đề nghị chân thành như vậy, tôi không thể từ chối, chính vì thế tôi quyết định đi đến trại giam của các nữ tù nhân.

Sau khi đưa ra quyết định, tôi vẫn cảm thấy căng thẳng bởi vì tôi không biết nên nói gì với họ. Những điều nên nói đều đã có người nói với họ rồi, những điều nên nghĩ chắc họ cũng đã nghĩ trong suốt một quãng thời gian dài rồi. Những cái khác chưa nói, chỉ tính đến việc khi mở đầu bài nói chuyện, nên gọi họ là gì đã quả là một vấn đề nhức đầu rồi. Nếu gọi họ là “các đồng chí” theo thói quen thông thường đương nhiên không được. Nếu tôn trọng họ mà gọi là “kính thưa các quý bà” thì xem ra khung cảnh nhà giam không hợp lắm. Thông thường vào những ngày lễ như thế này, mọi người có thể gọi nhau thân thiết là “các chị em”, nhưng tôi chẳng thế nào mở miệng nói ra câu này vì tôi không gọi họ là chị, là em. Thậm chí cách gọi thông thường nhất là “các bạn” tôi cũng thấy không phù hợp bởi vì họ nào phải là bạn bè của tôi. Sau hai ngày trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra cách xưng hô, gọi họ là “các nữ đồng bào”. Tôi nghĩ cách gọi này về cơ bản không có gì “sơ hở”. Cho dù họ có phạm tội nặng đến đâu thì họ vẫn là phụ nữ, lại là người Trung Quốc. Chính vì vậy, họ là đồng bào cùng giới của tôi.

Sau khi tìm ra cách xưng hô chuẩn xác, cái khó tiếp theo là nên nói gì? Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định cho các nữ phạm nhân chơi trò chơi. Đây là một quyết định rất mạo hiểm. Tôi không thể hình dung ra lúc đó mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Tôi chưa bao giờ tới trại giam nên không biết các quy định ở đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.