7 Trò Chơi Tâm Linh
Trò chơi thứ 4: HỆ THỐNG GIÚP ĐỠ CỦA BẠN
Sự giúp đỡ phải là một hệ thống lập thể hình khối chứ không phải là một mặt phẳng thông thường.
HỆ THỐNG GIÚP ĐỠ CỦA BẠN
Sau khi đã chơi xong ba trò chơi, bây giờ cảm giác của bạn như thế nào? Phải chăng cảm giác giống như đang ở trong bộ lông bị ngập nước, phần giữa rất nặng nhưng phần ngoài thì đã khô, dần dần lớp lông sẽ khô hết và sẽ mang lại một cảm giác vô cùng ấm áp.
Tên của trò chơi này là “Hệ thống giúp đỡ của bạn”. Gọi là “bạn”vì người nói là tôi nhưng khi dòng chữ này hiện lên trang giấy của bạn thì nó sẽ chuyển thành “Hệ thống giúp đỡ của tôi”.
Cũng có người thắc mắc, “tôi” với “bạn” cũng khác nhau nhiều đến vậy sao? Đúng vậy, “tôi” với “bạn” hoàn toàn không giống nhau. Nếu không tin thì bạn hãy để ý nhé. Trong cuộc sống có rất nhiều người khi nói về bản thân mình sẽ không nói “Tôi thấy thế này…”, “Tôi nghĩ thế này…” mà sẽ nói thành “Bạn nói chuyện này” như thế nào?”, “Bạn thấy chuyện đó ra sao…?”. Họ đã dùng chữ “bạn” để thay thế cho chữ “tôi”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần nào loại bỏ lập trường và thái độ của bản thân mình. Khi chúng ta nói “bạn” thì cho dù quan hệ giữa chúng ta với người đó có thân thiết tới mức nào thì đó cũng vẫn là một cá thể hoàn toàn riêng biệt. Nhưng khi nói tới “tôi” thì ý nghĩa của sự việc sẽ hoàn toàn khác. “Tôi” là duy nhất, là sự kết hợp giữa trạng thái tâm lý và sinh lý của riêng mình, là sự tổng hợp những suy nghĩ, quá khứ và lý tưởng của tôi. Cho dù “tôi” có trốn tới chân trời góc bể thì “tôi” cũng sẽ chẳng bao giờ rời xa được “cái tôi” của chính mình.
Sau khi đọc xong tên trò chơi, có thể có bạn sẽ thắc mắc: hai chữ “giúp đỡ” còn hiểu được, nhưng sao lại gọi là “hệ thống”?
Sự giúp đỡ phải là một hệ thống lập thể hình khối chứ không phải là một mặt phẳng thông thường.
Tục ngữ nói “Một hảo hán ba người giúp”
Hay “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Nhưng vì sao không nói “Một hảo hán một người giúp”hay “Một cây làm nên hòn núi cao”?
Bởi vì điều tôi cần là sự giúp đỡ từ nhiều phía, chính vì vậy, sự giúp đỡ cần phải được thiết lập thành một hệ thống.
Trò chơi này rất đơn giản, sau khi viết xong tên trò chơi lên một tờ giấy, bạn hãy viết ra các số thứ tự 1, 2, 3, 4…Viết bao nhiêu số là tùy ở bạn. Bạn có thể chỉ viết vài ba số nhưng cũng có thể viết liền một mạch mười số hay thậm chí nhiều hơn thế.
Sau khi viết xong, bạn hãy thử nghĩ xem, mỗi lần bạn gặp khó khăn, rơi vào tình trạng nguy cấp hay mỗi lần buồn vu vơ, bạn muốn dốc bầu tâm sự với ai? Khi bạn “kêu cứu”, ai sẽ giúp đỡ bạn?
Chúng ta ai cũng trầm trồ khen ngợi những cây cầu cáp treo kiên cố và đẹp đẽ. Nó không giống như những chiếc cầu làm bằng đá cũ kỹ, giản dị, cũng không giống như những chiếc cầu làm bằng thép mô phạm, đơn điệu. Nhưng chiếc cầu cáp treo được tạo thành từ hàng trăm hàng ngàn sợi cáp nhỏ, giống như những cung đàn đang hòa vang khúc nhạc giữa bầu trời bao la nhưng vẫn kiên cường chịu bao giông tố, mưa bão. Chúng có được sức mạnh bền bỉ này là nhờ vào sự đoàn kết và tập trung sức mạnh của những sợi cáp mỏng manh.
Hệ thống giúp đỡ cũng giống như những cây cầu cáp treo, nếu chỉ có một sợi cáp trơ trụi thì sẽ chẳng ai trầm trồ khen ngợi. Nhưng nhờ vào sự kết hợp, sắp xếp hợp lý, khoa học của các nhà khoa học, nó đã trở thành một kiệt tác đáng ca ngợi, đảm bảo tính mạng cho không biết bao người và xe.
Hệ thống giúp đỡ của bạn chính là cây cầu cáp treo của bạn. Sau khi viết xong, mời bạn hãy cùng đọc và điều chỉnh lại. Trước hết bạn hãy xem xem ai là những người bạn tâm giao, ai là bạn bia bạn rượu, sau đó xem tỉ lệ giới tính có cân bằng không.
Một hệ thống giúp đỡ tốt chính là món quà quý giá của thời gian,
Nó chứa đựng tình thương và cả tấm chân tình.
Hãy nhớ rằng,
Lựa chọn một con đường đi mà mình yêu thích trong cuộc sống là điều tương đối dễ dàng. Nhưng để tạo ra một vòng tròn cuộc sống do những người bạn tri âm tạo thành lại rất khó.
Sẽ có tên rất nhiều người bạn được bạn viết ra trở nên đôi chút lạ lẫm…
Hệ thống giúp đỡ của bạn chính là cây cầu cáp treo của bạn.
Nếu hệ thống giúp đỡ của bạn toàn là nam hay toàn là nữ thì đều không ổn. Cách nhìn nhận vấn đề từ hai giới tính hoàn toàn khác nhau. Điều này vừa là ưu điểm nhưng cũng lại là nhược điểm. Ví dụ như chiếc cửa sổ, nếu đặt ở bức tường phía Nam hay đặt ở bức tường phía Bắc thì thời gian ánh sáng vào phòng sẽ không giống nhau. Khu vực được chiếu sáng và khu vực bóng râm cũng sẽ khác nhau. Có người sẽ nói, hệ thống giúp đỡ của tôi chỉ toàn một giới tính, điều này khá đơn giản, tôi cũng đã quen rồi. Rất có thể bạn chưa học được cách làm bạn thực sự với người khác giới. Quan hệ của bạn với họ dừng lại ở mức quá xa vời.
Kế đến chúng ta sẽ cùng xét đến khoảng cách độ tuổi của hệ thống giúp đỡ. Một hệ thống giúp đỡ tốt sẽ có độ tuổi giống như mưa xuân, phủ đều khắp mặt đất của độ tuổi thanh niên, trưởng thành và người già. Trải nghiệm cuộc sống của mỗi người mỗi khác. Những người ở vào các giai đoạn tuổi tác khác nhau sẽ có những kinh nghiệm và cảm nhận không giống nhau. Có người nói, tôi thích chơi với những người cùng tuổi. Thực ra tuổi tác của bạn bè cũng giống như chủng loại của lương thực, trong đó, loại lương thực hỗn hợp là tốt nhất. Tôi đã từng đọc một cuốn sách nói về dinh dưỡng. Cuốn sách đó nói rằng mỗi ngày chúng ta phải ăn ít nhất mười tám loại thực phẩm. Nghĩ lại mới thấy điều này không hề đơn giản. Nếu tôi không bỏ bữa thì chắc chắn sẽ ăn đủ từng ấy loại. Nhưng nếu ngồi đếm tỉ mỉ từng loại: Cơm, rau, tôm… thì mới thấy sao mãi vẫn chẳng đủ mười tám loại. Sau cùng tôi phải cố cho cả hạt tiêu vào để tính thì mới được tạm coi là đủ. Hệ thống giúp đỡ của con người cũng giống như ví dụ trên, phải phong phú thì mới tốt.
Tuổi tác của bạn bè chắc chắn không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đo “phẩm giá” của họ. Nếu bạn chỉ có một người bạn thì tuổi tác của người ấy sẽ chẳng thành vấn đề. Nhưng ở đây chúng ta đang nói tới một hệ thống, nghĩa là đang nói tới một nhóm người chứ không phải một người. Tuổi tác là tài sản vô cùng quý giá, và cũng như những mối mắt xích giúp cho hệ thống giúp đỡ của bạn chắc chắn và hiệu quả hơn.
Bây giờ chúng ta hãy cùng kiểm tra một chút thành phần của hệ thống giúp đỡ. Có người sẽ nói, quan hệ xã hội đâu phải là các vị thuốc, sao lại phải kiểm tra thành phần. Chúng ta đã nói tới “hệ thống”, mà các thành phần của một hệ thống cũng không nên quá sơ sài. Trong hệ thống đó, có phải đa phần đều là người thân của bạn? Nếu đúng là như vậy thì trước tiên, tôi xin chúc mừng bạn vì bạn luôn có những người thân bên cạnh tin tưởng, cổ vũ và giúp đỡ. Nhưng cũng xin nhắc nhở với bạn một điều rằng, nếu trong hệ thống này đa phần đều là người thân của bạn thì nó cũng sẽ ẩn chứa nhưng mối nguy hiểm không thể xem thường. Phần lớn những rắc rối chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày đều có mối liên hệ tới những người thân của chúng ta, đặc biệt là những vướng mắc về mặt tình cảm. Ví như nếu bạn khuynh gia bại sản, cuộc sống khốn khó thì họ cũng sẽ rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng.
Đặc biệt là khi chuyện tình cảm hay chuyện hôn nhân của bạn đang đứng trước bờ vực thẳm thì rất có thể những người thân của bạn lại chính là nguyên nhân gây ra chuyện, mà bạn thì lại chẳng thể nào trông chờ vào sự giúp đỡ của họ. Nói tóm lại thành phần trong hệ thống phải đa dạng, không nên quá phụ thuộc vào một nơi.
Chúng ta phải học cách tiếp nhận những ý kiến khác nhau của mọi người trong hệ thống. Đôi khi có những lời nói không dễ nghe nhưng nó thực sự có ích cho công cuộc “xây dựng tâm hồn” của chúng ta.
Hệ thống giúp đỡ phải có sự phân loại. Trong công việc chúng ta có bạn, trong cuộc sống cũng ta cũng phải có bạn, trong chuyện tình cảm chúng ta cũng phải có bạn… Điều này giống như việc chúng ta sở hữu những chiếc áo có độ dày khác nhau, tùy theo tình hình thời tiết mà mặc áo sao cho phù hợp. Nếu trời rét lạnh thì mặc áo da hoặc áo lông, nhưng khi trời nóng thì lại mặc áo lụa hoặc áo côtông. ở vùng Đông Bắc, Trung Quốc có một món ăn gọi là “Cơm thập cẩm”. Các loại rau như đậu, đậu cô-ve, ớt, cà tím… được trộn lại với nhau. Món ăn này là một trong những món ăn mang đậm hương vị địa phương nhưng nếu áp dụng chính sách thập cẩm này vào để duy trì hệ thống giúp đỡ của bạn thì quả là một hạ sách.
Để hệ thống giúp đỡ của mình luôn ở trong tình trạng tốt nhất thì mối quan hệ giữa bạn bè không nên quá bình đẳng. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chấm dứt quan hệ với bạn bè mà nên bắt đầu từ những mối quan hệ tốt nhất. Mỗi sợi cáp trong chiếc cầu cáp treo đều tồn tại độc lập chứ không chằng chịt, bó chung vào với nhau để tránh trường hợp khi chắc thì cùng sống, khi hỏng thì cùng chết. Có nhiều người thường có quan niệm bạn của bạn thì cũng là bạn của tôi, vì thế khắp thiên hạ đâu đâu cũng là bạn. Kiểu kết bạn tràn lan như thế này không chỉ không được coi như bạn bia bạn rượu mà còn đồng nghĩa với việc không có bạn, đến khi bạn gặp khó khăn thì chẳng hề có một bờ vai nào có thể nương tựa.
Nhiều người thường kêu ca tấm chân tình ngày nay thật khó tìm. Những người bạn thường ngày suốt ngày tíu tít với nhau nhưng tới khi gặp hoạn nạn thì chả thấy bóng dáng một ai. Những người như vậy về cơ bản không thể đưa vào hệ thống giúp đỡ của bạn. Trong một lúc tình cờ nào đó, họ có thể cùng bạn ăn cơm nhưng không thể cùng bạn lao vào bể lửa. Yêu cầu cao ở những người như vậy quả là điều phi lý.
Một cô gái trước đây có rất nhiều bạn và tôi cũng là một trong số đó. Sau này cô ấy kết hôn thì mối quan hệ đấy cũng nhạt dần. Vài năm sau cô ấy đột nhiên tới tìm tôi nói mình đã li hôn, nay đến một người bạn cũng không có. Có lúc muốn tâm sự nhưng không biết nói với ai, chỉ biết một mình gặm nhấm nỗi buồn và cô đơn. Nghe thấy vậy, tôi lập tức ngừng lại mọi việc đang làm để tới một quán trà nói chuyện với cô ấy. Cô ấy nước mắt nhạt nhòa nói rất muốn được họp mặt với bạn bè. Tôi nói, chuyện đó thì có gì mà khó, để tôi đứng ra tổ chức. Cô ấy ngượng nghịu nói, bao nhiêu năm rồi không liên lạc gì với bạn bè, thật ngại quá. Trước khi li hôn, nhà mình lúc nào cũng chật ních bạn bè. Cứ mỗi dịp lễ tết là mình lại đi mua thức ăn về nấu nướng, bận rộn suốt cả ngày. Nhưng sau khi li hôn, mình giở quyển danh bạ điện thoại ra, tròn mắt ngạc nhiên vì những người bạn ngày thường hay qua lại toàn là bạn của chồng mình. Mình cứ nghĩ rằng bạn của anh ấy thì cũng là bạn của mình. Giờ mình mới hiểu ra rằng, bạn bè cũng có nhóm này nhóm khác. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ cũng là lúc mình nhận ra mình đã mất tất cả bạn bè. Mình đã thiếu coi trọng những người bạn của mình. Để giờ đây mình như người cô quả. Mình phải lấy hết can đảm mới dám gọi cho bạn. Cảm ơn bạn đã không để bụng chuyện mình không quan tâm tới bạn bè mà vẫn tới đây trò chuyện cùng mình…
Sau này cô bạn ấy xây dựng lại cho mình một hệ thống giúp đỡ. Cũng từ đó mà tôi đã rút ra một kinh nghiệm là: Hệ thống giúp đỡ là điều bí mật riêng tư của mỗi người, là nơi kín đáo nhất và an toàn nhất, chính vì vậy không thể coi nhẹ nó.
Khó khăn và hạnh phúc đều cần có người cùng chia sẻ. Đây là nhu cầu về tâm lý mà bạn không thể kháng cự lại được. Xét về bản chất thì con người là loài động vật cô đơn. Tình cảm ấm áp và sự giúp đỡ của người khác chính là một loại vitamin tinh thần. Bất kỳ sự coi thường hệ thống giúp đỡ nào không chỉ được coi là ngu ngốc mà còn được coi là vô tri và thiếu suy tính. Tôi đã từng nghe thấy một người đàn ông cô đơn thốt lên xót xa rằng, nỗi đau lớn nhất của anh ấy không phải là không có người trút bầu tâm sự lúc cô đơn, mà chính là không có người cùng chia sẻ, cạn ly chúc mừng lúc vui vẻ. Tất cả đều là áo gấm đi đêm, cô đơn vô cùng!
Nếu bạn muốn tìm cho mình một bến cảng để tránh mưa gió và giông bão thì hãy thiết lập cho mình một hệ thống giúp đỡ. Nếu bạn muốn tìm một khe núi để dưỡng thương thì hãy xây dựng cho mình một hệ thống giúp đỡ. Nếu bạn không muốn một mình lặng lẽ đi hết cuộc đời này, muốn nhân đôi niềm vui, xóa tan muộn phiền thì hãy tạo dựng cho mình một hệ thống giúp đỡ nhé! Nó không chỉ là chỗ dựa tâm lý mà còn là lý do để chúng ta tiếp tục tồn tại trên cuộc sống này.
Có lẽ có người sẽ nói, làm như vậy không phải là quá tốn công tốn sức hay sao? Tôi thích những tình bạn tự nhiên chứ không thích sự sắp đặt. Trên đời này tất nhiên không thiếu những tình bạn cao quý, vô tư nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là những điều ngàn năm mới gặp. Là một người bình thường, muốn cuộc sống của mình phong phú, đa dạng hơn , muốn những lúc tổn thương, đau khổ ít phải chảy máu hơn, bình tĩnh hơn và sớm vượt qua khó khăn hơn thì bạn không chỉ thể dựa vào sự giúp đỡ của thượng đế mà phải dựa vào mối quan hệ bạn bè được thiết lập theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Chăm chỉ lấy phấn hoa vào những ngày nắng đẹp để gây mật thì kể cả vào những ngày hoa không nở thì bạn vẫn sẽ có những giọt mật ong thơm ngọt.
Không biết tự làm chủ bản thân, không biết cách quan hệ xã hội chính là những điểm yếu của con người thời hiện đại. Chính bởi vì chúng ta xuất sắc nên mới có một lượng tinh thần dự trữ dồi dào, đón nhận mọi sự thay đổi. Ngày thường không quan hệ qua lại, tới lúc cần mới tới gặp nhờ vả thể hiện thái độ thực dụng và vụ lợi. Không chỉ có vậy, nó còn thể hiện sự thiếu tôn trọng của chúng ta với chính tâm hồn mình.
Một hệ thống giúp đỡ tốt không nên có quá nhiều người. Nếu hệ thống giúp đỡ của chúng ta có quá nhiều người thì quả thực chúng ta không có đủ sức để giữ quan hệ tốt với tất cả mọi người. Có người cho rằng bạn bè mà càng đông thì càng tốt chứ sao. Thêm một người bạn, thêm một sự giúp đỡ. Nhưng trên thực tế, bạn bè và hệ thống giúp đỡ không hoàn toàn là một khái niệm chung, mặc dù chúng giống nhau trên khá nhiều phương diện. Khái niệm bạn bè khá rộng, nhưng chỉ có những người bạn thân thiết nhất thì mới được đưa vào hệ thống giúp đỡ của chúng ta.
Những năm gần đây, hai chữ “bạn bè” dường như bị lạm dụng quá nhiều. Bạn bè có thể vì lợi ích mà tập hợp lại với nhau thành một nhóm. Và đương nhiên khi lợi ích không còn thì cũng là lúc bạn bè dần dần đường ai nấy đi. Nhưng hệ thống giúp đỡ thì khác. Nó sẽ vẫn tồn tại ngay cả trong những điều kiện khắc nhiệt nhất. Hệ thống giúp đỡ quan tâm tới chính bạn chứ không chỉ đơn thuần là lợi ích mà họ sẽ nhận được. Cho dù có một ngày, giá trị sử dụng của bạn có tan biến thì hệ thống giúp đỡ vẫn sẽ sánh đôi bên bạn.
Hệ thống giúp đỡ cần sự chăm sóc và vun xới thường xuyên, bổ sung năng lượng để ngày càng mới mẻ. Bạn phải bỏ công sức để chăm sóc thì mới mong có được một hệ thống giúp đỡ tốt. Điều này cũng giống như việc bạn thường xuyên tập luyện sức khỏe để có một cơ thể, tinh thần khỏe mạnh. Nhưng nếu bạn coi hệ thống giúp đỡ này như một chiếc máy không biết mệt mỏi thì tôi xin nói với bạn rằng, đó là một quan niệm vô cùng sai lầm. Ngay cả khi người đó là bố mẹ hay con cái bạn, nếu bạn không thường xuyên giữ gìn mối quan hệ với họ thì khi bạn gặp phải khó khăn, họ cũng rất khó là những người đầu tiên hiểu được nỗi khổ và nhu cầu của bạn để giúp đỡ.
Hãy nhìn vào danh sách tên trong hệ thống giúp đỡ của bạn và nghĩ:
Đã bao lâu rồi bạn không trò chuyện tâm sự với họ?
Đã bao lâu rồi bạn không thông báo chi tiết cho họ biết tình hình và những thay đổi của bạn?
Đã bao lâu rồi bạn không cùng họ nhâm nhi chén trà và ngồi ăn bữa cơm?
Đã bao lâu rồi bạn không cùng họ ngồi ngắm sao trời?
Có người sẽ nói, vì cuộc sống mưu sinh mà tôi chẳng còn thở ra hơi, lấy đâu là thời gian mà làm những việc này? Nếu như bạn đã thực sự quên đi hệ thống giúp đỡ của mình thì cũng đừng trách móc khi bạn cần sự giúp đỡ thì chẳng có lấy một sự cảm thông hay khuyên bảo nào. Trên con đường đời, nếu bạn đã quên thắt dây an toàn, thì khi phanh gấp khó tránh khỏi đổ máu.
Sự giúp đỡ về cơ bản là mối quan hệ hai chiều. Mong muốn nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện của người khác cũng giống như hành động của một người ăn mày. Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng giống như bạn mong muốn. Xét ở một khía cạnh nào đó thì chỉ biết nhận mà không biết cho cũng giống như một kiểu ăn xin đầy mạo hiểm.
Nếu danh sách hệ thống giúp đỡ của bạn quá dài thì hãy cắt bớt nó đi, cũng giống như cánh đồng cũng cần có không gian trống để cây cối phát triển tốt hơn.
Tâm hồn giống như một khán đài có hạn, không thể xếp quá nhiều ghế vào trong đó.
Nhưng nếu danh sách hệ thống giúp đỡ của bạn lại quá ít thì hãy tùy theo hoàn cảnh mà bổ sung thêm. Người xưa có câu, trong cuộc đời chỉ cần có một tri âm là đủ, nhưng xem ra nếu “nhiều binh” thì vẫn tốt hơn phải không nào?
Có một lần tôi đã được xem qua danh sách hệ thống giúp đỡ của một người đàn ông. Danh sách này chỉ vẻn vẹn có 3 chữ. Tôi vẫn cứ nghĩ đó là tên người yêu hay bố mẹ anh ta nên không xem kỹ. Hóa ra ba chữ đấy lại là “Giới thiên nhiên”. Sau khi xem xong, tôi ngây người, anh ấy hỏi một cách khiêu khích, sao thưa chị, như thế không được à, có nhất định phải là tên người không? Những lúc tôi đau buồn nhất, chỉ có hòa mình vào thiên nhiên thì tôi mới cảm nhận được sự bao dung và thông cảm, mới khiến tôi bình tâm trở lại mà tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Nghe xong tôi nói, không ai nói rằng hệ thống giúp đỡ nhất định phải là người. Nhưng trong hệ thống giúp đỡ của anh lại không xuất hiện bóng dáng của một người nào cả. Điều này hơi lạ. Có phải điều này nói lên rằng con người không đáng tin cậy? Chỉ có hòa mình vào thiên nhiên, vào cỏ cây hoa lá thì tâm hồn anh mới được giải phóng, mọi vết thương lòng mới dần dần hồi phục?
Anh ấy nói, đúng như vậy. Tôi nói tiếp, hòa mình vào thiên nhiên cũng là một cách tốt để nạp năng lượng cho tâm hồn, chính vì vậy thời xưa các nhân sĩ mới thích cuộc sống ẩn dật hay nay đây mai đó. Nhưng danh sách hệ thống anh vừa viết ra quá cứng nhắc và lạnh lùng, và anh cũng nhất quyết giữ như vậy cũng có thể vì có lý do nào đó. Nhưng nếu anh là một người yêu thiên nhiên thì anh sẽ nhận thấy tình yêu bao la của tự nhiên dành cho con người. Cho dù là cây cổ thụ hay chỉ là một nhánh cỏ non thì anh cũng sẽ nhận được từ nó sự chăm sóc. Thiên nhiên giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở, nó không bi quan, không biết bỏ cuộc, không biết thiên vị cũng không biết kể công và tự mãn…
Cách bạn chọn hệ thống giúp đỡ cho mình, xét ở một khía cạnh nào đó thì nó cũng thể hiện con người bạn, thể hiện cách sống của bạn. Sẽ khó tưởng tượng ra rằng một người con nhà quyền quý sẽ có một hệ thống giúp đỡ vững như thành đồng và tỉnh táo. Và bạn cũng khó mà hình dung ra được một hiền triết tài giỏi, nhất cử nhất động đều nghĩ tới đại cục lại có một hệ thống giúp đỡ rối loạn và mánh khóe.
Vài năm sau, tôi lại gặp lại người bạn yêu thiên nhiên đó. Anh ấy cười và nói với tôi rằng, bây giờ vợ và con tôi đều trở thành hệ thống giúp đỡ của tôi rồi, à, cả những người đồng nghiệp nữa chứ. Giờ đây, anh ấy không chỉ nhận được những lời khuyên và cảm giác yên bình từ thiên nhiên mà còn từ con người.
Hệ thống giúp đỡ của chúng ta đôi khi cũng gặp phải sự cố, đôi khi cũng cần phải thay đổi và sửa chữa bổ sung. Trên thế gian này không có cuộc vui nào là không tàn. Khi phải từ biệt một ai đó, xin bạn đừng buồn lòng vì có thể bờ vai người đó không còn đủ sức để bạn nương tựa nữa rồi. Khi bạn coi ai đó là hệ thống giúp đỡ của mình nhưng người đó lại phụ sự tin tưởng của bạn thì cũng xin đừng trách móc họ. Giúp đỡ là mối quan hệ hai chiều giữa cho và nhận. Nếu điều này chỉ xuất phát từ một phía thì sự giúp đỡ đó sẽ không hiệu quả và lâu bền.
Họ trở thành hệ thống giúp đỡ của bạn, và bạn cũng là hệ thống giúp đỡ của họ. Đây không phải là một cuộc mua bán sòng phằng. Nó đơn thuần chỉ là nguyên tắc của một tình bạn qua lại, biết bổ sung và tương trợ lẫn nhau. Khi bạn của bạn khóc thổn thức và tâm sự với bạn thì mong rằng bạn đừng nghĩ mình là “thùng rác” bởi trong những câu chuyện tưởng chừng như vụn vặt ấy lại chứa đựng rất nhiều bí mật quý giá. Chúng ta sở dĩ trở thành những cá thể khác nhau, xét ở một phương diện nào đó là do trải nghiệm của mỗi người không giống nhau. Là một người bình thường, chúng ta không biết được những cơ mật hay những chuyện quốc gia đại sự và cũng chẳng có khả năng dời núi lấp biển chỉ trong nháy mắt. Vô số chuyện nhỏ tích lại thành đống khiến cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta đều có dư vị khác nhau. Điều khiến chúng ta luôn buồn chán, than ngắn thở dài chẳng phải do chúng ta thường xuyên đứng núi nọ trông núi kia, mà đơn thuần chỉ vì thường xuyên “có sạn trong giầy” mà thôi.
Trong thời đại mà máy tính cứ mười tám tháng lại nâng cấp một lần thì những người bạn đã cùng chúng ta chia sẻ mọi vui buồn chính là những tài sản quý giá nhất. Khi cùng một quan chức trước kia từng làm việc trong chính trường Mỹ tới công viên Thiên Đàng ngắm cảnh, tôi tự hào giới thiệu với ông những công trình kiến trúc cổ kính lâu đời. Ông nói: “Kiến trúc nơi đây rất đẹp, chúng tôi có thể học tập các bạn để xây một nơi giống như thế này. Nhưng chúng tôi không có cách nào để “xây” được một vẻ đẹp cổ kính giống như nơi đây”.
Quả đúng là những công trình nổi tiếng thì khó xây, những chiếc cây cổ thụ thì khó kiếm. Những người bạn cũ cũng giống như những chiếc cây cổ thụ, không thể chỉ lớn nhanh trong có vài năm, nhưng lại có thể mất đi trong từng đấy quãng thời gian.
Cần phải có thời gian chăm sóc thì cây mới có thể thành rừng. Ngày nay khoa học phát triển như vũ bão, thậm chí tôi nghe nói họ còn có thể di dời cây cổ thụ tới nơi khác. Cây có thể chuyển nhà nhưng tình bạn tuyệt đối không thể di dời. Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là hệ thống khi bạn khóc sẽ âm thầm đưa khăn cho bạn, khi bạn vẫn không ngừng khóc sẽ hỏi bạn lý do vì sao. Nếu bạn không nói thì nó sẽ tôn trọng bạn. Nhưng nếu bạn nói thì nó sẽ không bao giờ ngắt lời bạn.
Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là hệ thống ngay cả khi chúng ta mỗi người một ngả, lâu ngày không gặp, nhưng mỗi khi gặp mặt sẽ nối lại những câu chuyện từng bị đứt đoạn, ân cần kể tiếp cho nhau nghe. Điều này không có nghĩa chúng ta có trí nhớ rất tốt hoặc rất để tâm tới mọi chuyện, mà chỉ bởi vì trong lòng họ có bạn. Chỉ cần nhìn thấy bạn là những câu chuyện về bạn sẽ sống lại trong tâm trí họ.
Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là ngay cả khi bạn vì giàu có mà quên đi tất cả
Khi bạn bị dội một gáo nước lạnh,
Lạnh buốt cột sống,
Giúp bạn chợt nhận ra bản thân mình
Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là người cùng bạn than thở mỗi khi bạn buồn, tìm mọi cách giúp bạn tìm ra lối thoát. Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là những người khi bạn mâu thuẫn, họ sẽ không trách móc, cũng không phê bình mà chỉ cùng bạn vượt qua khó khăn. Họ tin tưởng bạn sẽ tìm ra ngọn ngành mọi chuyện để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Trách nhiệm của họ là cùng bạn chèo lái con thuyền vượt qua thác ghềnh. Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là người sẽ cảm thấy vui hơn cả bạn khi bạn vui nhưng sẽ chẳng bao giờ tâng bốc hay bợ đỡ bạn. Hệ thống giúp đỡ tốt nhất là người sẽ đau hơn bạn khi bạn đau, sẽ buồn hơn bạn khi bạn buồn nhưng không bao giờ để cho bạn nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má bạn vì họ sợ những giọt nước mắt đó sẽ làm bỏng đôi tay bạn…
Giúp đỡ không phải là lên núi đánh cáo, không phải là dời non lấp biển. Sự giúp đỡ phải dựa vào chất lượng thay vì dựa vào số lượng. Nếu thành phần trong hệ thống giúp đỡ quá đơn điệu thì sẽ không ứng phó nổi sự phức tạp của cuộc sống ngày nay. Hệ thống giúp đỡ không thể quá cũ kỹ, nó cần phải thường xuyên “thay máu”. Hệ thống giúp đỡ không giống như kẹo mạch nha vừa mềm vừa dai mà nó giống như cơn gió mạnh sau khi thổi qua, gột sạch mọi điều thì để lại một vùng yên tĩnh, lắng lại hơi thở của vạn vật.
Chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức để chăm chút cho hệ thống giúp đỡ của mình, nhưng sự báo đáp của nó dành cho bạn cũng hoàn toàn xứng đáng. Điều sau cùng tôi muốn nhắc nhở là bạn phải thường xuyên dùng năng lượng ở một phần nào đó trong hệ thống giúp đỡ của mình để bổ sung cho những phần thiếu hụt năng lượng. Đây không chỉ là sách lược mà còn thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với hệ thống giúp đỡ của mình.
Hãy vẽ ra một bức tranh tươi mới cho hệ thống giúp đỡ của bạn. Bức tranh này đương nhiên chưa phải là hiện thực. Nhưng đã có giấy thì chắc chắn sẽ có hi vọng. Hãy dùng cả cuộc đời của bạn để vẽ nên một hệ thống giúp đỡ tốt đẹp cho mình nhé. Khi bạn tích góp những giá trị vật chất thì cũng đừng quên tưới nước cho mảnh đất của hệ thống giúp đỡ. Ngoài những nơi bạn bè gặp nhau ăn chơi nhậu nhẹt chỉ vì chuộc lợi thì vẫn có cảnh những người bạn tri âm cùng nhâm nhi hai tách cà-phê trút bầu tâm sự. Khi bạn mua được nhà hàng, nhà chung cư, hay những ngôi nhà cao cấp thì cũng là lúc bạn bạn buộc thêm được một sợi gai vào chiếc hàng rào của mình.
Hệ thống giúp đỡ luôn im lặng.
Nếu bạn đang ở trên trời thì nó sẽ là chiếc ô bồ công anh đang rơi.
Nếu bạn đang ở dưới nước thì nó sẽ là chiếc thuyền cứu hộ.
Nếu bạn đang ở giữa cuộc đời thì nó sẽ là bến bờ tránh mưa tránh gió trong tâm hồn bạn.
Sau khi hoàn thành trò chơi này, bạn có cảm thấy lòng mình ấm áp không?
Nhìn kìa, chú gấu trúc mà bạn bè tặng bạn đang ngủ rất say trên ghế sô-phađấy…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.