7 Trò Chơi Tâm Linh
Trò chơi thứ 7: ĐƯỜNG SINH MỆNH
Bây giờ chúng ta sẽ bước vào trò chơi cuối cùng. Trò chơi này có tên gọi “Đường sinh mệnh”. Có thể nói bạn sẽ hỏi: Đường sinh mệnh là gì? Nó khác gì với đường sắt, đường hàng không? Đường sinh mệnh là thứ mà cả tôi lẫn bạn đều có. Mỗi người một đường, không thừa cũng không thiếu. Cuộc sống có bao nhiêu sinh mệnh thì có bấy nhiêu đường sinh mệnh. Đường sinh mệnh là con đường mà mỗi người đều phải trải qua trong cuộc đời này.
Trò chơi này sẽ yêu cầu bạn vẽ ra đường đi cho cuộc đời mình.
Sơ đồ bạn vẽ ra rất quan trọng. Nếu bạn nào yêu thích quân sự hay bơi lội thì sẽ thấy sơ đồ này vô cùng quen thuộc. Một lần tôi tình cờ đọc được một quyển sách nói về trang trí gia đình, trong đó có đề cập đến cách trang trí phòng bếp. Lúc đấy tôi mới hiểu ra rằng chiếc tủ bếp tốt nhất không chỉ có bao nhiêu chiếc tay kéo tiện dụng và chiếc tay cầm hợp lý, mà cũng không chỉ xét tới chất liệu của nó mà quan trọng hơn phải phù hợp với lối đi của người chủ bếp. Ngay cả chiếc tủ bếp đựng nồi niêu xoong chảo cũng có liên quan tới đường đi, lối đi, huống chi là cuộc sống của chúng ta.
Và chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé. Mời bạn hãy chuẩn bị một tờ giấy trắng.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, bạn đã dùng hết sáu tờ giấy trắng rồi. Tại sao trò chơi nào cũng yêu cầu phải có giấy trắng vậy? Đây quả là một câu hỏi rất hay. Mục đích của trò chơi là để cho bạn đối diện và khám phá ra tâm hồn mình. Nếu bạn cùng chơi với bạn bè thì sẽ có rất nhiều điều để tham khảo. Nhưng chúng ta cần phải chọn một chỗ yên tĩnh để chơi một mình vì chúng ta muốn “chạm” tới những chỗ sâu thẳm trong tâm hồn mình. Chính vì vậy tờ giấy trắng chính là người bạn đồng hành tốt nhất. Vốn dĩ tâm hồn của bạn, của tôi đều là tờ giấy trắng, và chúng được vẽ nên muôn hình vạn trạng bởi rất nhiều người. Nhưng sau khi được gột sạch thì tâm hồn chúng ta sẽ dần trở lại tinh khôi như thuở ban đầu. Một làn gió khẽ khàng thổi qua, mang theo những ký ức mà chúng ta không muốn lưu giữ và chỉ để lại một con đường rõ ràng, sáng sủa. Chúng ta cũng biết con đường đấy từ đâu tới, và cũng biết nó sẽ đi về đâu. Chúng ta trân trọng nó và biết rằng đó là màu sắc chân thực nhất về cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ phải dùng tay để biến tờ giấy trắng này trở nên vô cùng đẹp đẽ.
Mời bạn hãy chuẩn bị thêm một chiếc bút chì có hai đầu xanh và đỏ. Bạn cũng có thể dùng bút dạ. Nhưng phải chú ý là phải có hai màu, một màu sáng và một màu tối. Chúng ta sẽ dùng màu sắc để phân biệt các trạng thái tâm lý khác nhau.
Trước hết, hãy trải tờ giấy ra. Tốt nhất là đặt tờ giấy nằm ngang.
Nếu bạn muốn để tờ giấy theo chiều dọc thì cũng không sao. Nhưng lát nữa khi chơi mà không thoải mái thì xin đừng trách tôi không nhắc trước nhé! ở phần giữa trang giấy, bạn hãy vẽ một đường thẳng nằm ngang từ trái qua phải.
Dài bao nhiêu là tùy ở bạn. Ngắn hay dài đều được. Theo sở thích của tôi thì dài vẫn tốt hơn ngắn. Bạn có thể quyết định độ dài của đường thẳng tùy theo sở thích của mình.
Sau khi hoàn thành các bước trên thì trên trang giấy của bạn sẽ hiện ra hình sau:
Sau đó hãy vẽ một đầu mũi tên vào đầu phía bên phải của đường thẳng để nó trở thành một đường thẳng có hướng.
—————————————————>
Tiếp theo, bạn hãy viết số 0 vào đầu phía bên trái của đường thẳng, cạnh mũi tên phía bên phải của đường thẳng viết số tuổi mà bạn dự tính mình sẽ sống được. Bạn có thể viết số 68, hay cũng có thể viết số 100.
0 ——————————————–> 100
Sau đó, ngay phía trên đường thẳng, bạn hãy viết ra tên mình, sau đó viết thêm ba chữ “Đường sinh mệnh”. Phần chuẩn bị của trò chơi đã hoàn tất.
Đường sinh mệnh của 0 ——————————————–> 100 Một tờ giấy trắng, bên trên có viết “Đường sinh mệnh của xxx”. Ngoài ra còn có một mũi tên có hướng, đại diện cho độ dài cuộc sống của bạn. Nó có điểm đầu và cũng có điểm cuối. Bạn đã đưa ra một giới hạn cụ thể cho đường sinh mệnh của mình.
Bây giờ mời bạn hãy sờ vào đường thẳng này. Đây chính là sơ đồ những bước đi của bạn. cho dù bạn có đi tới đâu thì cũng không thể tìm ra hệ thống tọa độ của nó. Có người sẽ nói, tôi không thích lập kế hoạch cho đời mình.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài mẩu chuyện có các quan điểm khác nhau.
Sau khi hoàn thành phần quá khứ thì chúng ta sẽ cùng bước tới tương lại. Bởi vì đây là kế hoạch của cả một cuộc đời nên bạn nghĩ ra điều gì thì hãy ghi lại điều đó. Lúc này sẽ có rất nhiều người cảm thấy đắn đo. Không phải vì họ không có kế hoạch gì mà là rất hiếm khi họ đặt những kế hoạch này vào một thời điểm cụ thể. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, tôi luôn mong ước sau này mình sẽ trở thành một nhà văn. Nhưng tôi cứ kéo dài ước mơ này hết năm này qua năm khác. Cho đến năm nay tôi đã hơn ba mươi tuổi. Một hôm, em trai tôi nói với tôi rằng, em biết từ lâu chị đã mong ước được trở thành nhà văn nhưng giờ chị đã lớn tuổi thế này thì đến bao giờ chị mới thực hiện được ước mơ của mình? Câu nói này của em trai là một nguồn động lực lớn đối với tôi. Tôi biết thời gian còn lại của tôi không còn nhiều. Nếu tôi có một lý tưởng, có một nguyện vọng thì tôi sẽ phải thực hiện nó. Cũng giống như trong nồi nước tương, phải cho một chút nước muối vào trong để tào phớ dần đông lại, chuyển từ thể lỏng sang thể rắn. Vài ngày sau, khi phải trực đêm (khi đó tôi vẫn còn làm bác sĩ nội khoa, tranh thủ thời gian trực không có người bệnh tôi đều đọc sách và viết lách), tôi bắt đầu viết ra tập tiểu thuyết đầu tiên của đời mình. Thời gian là thứ vô cùng quý giá. Bạn không thể trở thành người lý tưởng sáo rỗng mà phải trải qua thời gian để trở thành một nhà lý tưởng thực thụ.
Trên đường sinh mệnh của mình, bạn hãy đánh dấu tất cả những điều bạn muốn làm trong cuộc đời này. Nếu có thể thì hãy ghi rõ thời gian cụ thể. Hãy xét xem chúng sẽ mang tới cho bạn niềm vui hay nỗi buồn mà viết trên hoặc dưới đường sinh mệnh. Nếu như đó là những điều bạn vô cùng trân trọng thì hãy dùng bút sáng màu để viết và hãy viết lên trên nơi cao nhất của đường sinh mệnh.
Đương nhiên trong tương lai phía trước không thể tránh khỏi những thất bại và khó khăn, ví như bố mẹ qua đời, ví như con bỏ nhà ra đi, ví như xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Bạn hãy dùng bút màu đen viết ra tất cả những điều đó phía dưới đường sinh mệnh. Chỉ có vậy thì đường sinh mệnh của bạn mới trở nên hoàn thiện.
Phần này có thể tốn khá nhiều thời gian của bạn, nhưng đây là tấm sơ đồ sẽ dẫn dắt bạn trong suốt quãng đời còn lại, chính vì thế rất đáng để bạn bỏ công sức chăm chút. Sau khi bạn đã hoàn tất thì tấm thời gian biểu này sẽ đại diện cho sơ đồ cuộc sống của bạn. Chính vì thế bạn hãy giữ nó cẩn thận vì sau nay nó sẽ là kim chỉ nam cho cuộc sống của bạn.
Bạn chính là nhà thiết kế của mình.Ngay bây giờ, chúng tôi sẽ cùng xem đường sinh mệnh của bạn.
Bạn có thể mạnh dạn tưởng tượng.
Nếu bạn vẽ đường sinh mệnh của mình lên tường nhà thì sẽ sao nhỉ?
Trước hết, bạn hãy xem xem những điều bạn tự tay viết ra nằm ở trên đường sinh mệnh nhiều hay nằm ở dưới đường sinh mệnh nhiều? Nói cách khác, hãy xem xem lúc vui nhiều hơn hay lúc buồn nhiều hơn. Đây không phải đánh giá lựa chọn của bạn là đúng hay sai, đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn là xấu hay tốt mà chỉ là xem cảm giác của bạn mà thôi. Nếu bạn cảm thấy như vậy vẫn ổn thì hãy tiếp tục công việc. Còn nếu bản cảm thấy không can tâm thì bạn có thể thử thay đổi xem sao.
Trong cuộc sống không có gì là hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt.
Đỗ đại học là việc tốt nhưng nếu bạn không đỗ được vào đúng trường và chuyên ngành mà bạn yêu thích thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không vui. Bố mẹ li dị là điều đáng buồn. Nhưng nếu hai người vẫn miễn cưỡng chung sống với nhau thì đó chẳng phải là một sự hành hạ về tinh thần sao? Người thân qua đời chắc chắn không phải là chuyện đáng mừng, nhưng nếu xét từ cái nhìn xa hơn thì vũ trụ cũng không thể kháng lại quy luật này. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận và phục tùng theo. Mọi thái độ phản kháng đều là điều thiếu khôn ngoan. Nhìn lại lịch sử phát triển loài người, ta sẽ thấy rất nhiều vĩ nhân toàn tâm toàn ý lo việc nước, đạt được những thành tựu to lớn sau khi người thân qua đời. Sự ra đi của cha mẹ khiến cho họ nhận ra trách nhiệm của mình. Nếu nói tới câu chuyện “Tái Ông thất mã, chưa biết là họa hay phúc” của Trung Quốc, bạn nói hãy để cho vị Tái Ông đó chơi trò chơi này thì liệu Tái Ông sẽ viết sự kiện mất ngựa này phía trên hay phía dưới đường sinh mệnh?
Nếu những sự kiện bạn ghi ra phần lớn đều nằm phía dưới đường sinh mệnh thì liệu bạn có nên xem xét tới việc điều chỉnh lại thế giới quan của mình không? Những dự tính của bạn trong tương lai có phải quá u ám không? Nếu đúng như vậy bạn có hài lòng với tình trạng này của mình không? Nếu bạn cảm thấy hài lòng thì đó là do tính cách của bạn sẽ quyết định tất cả cuộc sống của bạn. Nhiều giá trị quan và cách thức sống cùng tồn tại là một trong những đặc điểm của thế giới ngày nay. Nếu bạn có mong muốn thay đổi chúng thì bạn có thể thử nhìn thế giới dưới lăng kính khác. Còn nếu những điều bạn ghi ra phần lớn đều nằm trên đường sinh mệnh thì cũng không đồng nghĩa với việc đáng mừng. Mấy ngày trước, tivi có chiếu cảnh một nghệ sĩ bị mắc bệnh nặng. Nhưng bà ấy vẫn mong muốn được mang lại niềm vui cho mọi người, đồng thời cảm thấy rất buồn bã vì không thể mang tới nhiều niềm vui hơn nữa cho mọi người. Con người không thể lúc nào cũng vui vẻ, cả đời vui vẻ. Điều này không lôgíc và về căn bản là không thể thực hiện được.
Thừa nhận điểm yếu kém của mình,
Thừa nhận những cơn sóng lúc nổi lúc chìm của cuộc sống,
Chấp nhận những đau khổ và mất mát của mình
Đều là một phần bình thường trong cuộc sống.
Giống như hoàng liên và cam thảo, đều là những vị thuốc tốt để chữa bệnh. Không nên coi niềm vui như một trách nhiệm hay nhiệm vụ, không nên biến niềm vui trở nên giả tạo. Tôi tin rằng vui và buồn đều là những cảm xúc tương hỗ cho nhau. Chúng ta đều phải tôn trọng chúng. Mỗi người tùy theo mong muốn để lựa chọn tỉ lệ giữa niềm vui và nỗi buồn. Tôi không muốn trở thành nô lệ của nỗi buồn và cũng không muốn trở thành một người hầu của vui vẻ.
Có một học giả người nước ngoài mắc phải căn bệnh ung thư hiếm gặp. Ông ấy không ngừng đấu tranh với bệnh tật cho tới hơi thở cuối cùng. Ông ấy nói: “Kể từ khi tôi phát hiện ra tế bào ung thư cho tới khi tôi hoàn toàn phải ngồi trên ghế lăn, tôi không lúc nào quên rằng điều tôi mất đi không chỉ là đôi chân mà còn là mất đi một phần con người mình. Không phải do cách đối xử khác nhau của mọi người với tôi mà là tôi đã từng nghĩ, đã tự tưởng tượng ra những điều thay đổi đang diễn ra. Những điều vốn gần gũi với tôi giờ đây ngày một rời xa tôi… Tôi không dám nghĩ rằng bệnh tật là sự trừng phạt đối với tôi. Điều quý giá nhất mà tôi phải vứt bỏ mà tôi nghiệm ra khi tôi mắc bệnh chính là sự tưởng tượng, phần mà không ai có thể hủy hoại được. Tôi không ngừng suy nghĩ xem nếu như vậy thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì, còn có gì thiêng liêng? Trước đây tôi vốn cho rằng sinh mệnh là thứ có thể nắm bắt được, có thể nhìn thấy trước, có thể tồn tại mãi mãi, là thứ tôi có thể kiểm soát thì giờ đây, bệnh tật đã khiến tôi phải thừa nhận rằng mình yếu đuối và cuộc sống không thể tồn tại mãi mãi. Tôi muốn nói với các bạn rằng, mặc dù tôi là một người bệnh nhưng tâm hồn tôi vô cùng vui vẻ và bình yên. Tôi thấy mình đã khỏe lại. Tâm hồn tôi đã khỏe trở lại. Đây chính là điều tôi theo đuổi suốt cuộc đời này…”.
Khi đọc tới đây, nước mắt tôi nhạt nhòa. Nếu khi vẽ đường sinh mệnh theo thói quen thông thường thì chúng ta chắn chắn sẽ để sự kiện này ở phía dưới đường sinh mệnh, thậm chí là ở nơi thấp nhất. Nếu cái chết đang cận kề thì chắc chắn nó sẽ nằm ở vị trí còn thấp hơn nữa. Nhưng vị học giả đó đã đưa mình tới cõi niết bàn ngay cả khi đang lâm nạn. Đường sinh mệnh của ông đã đạt tới mức cao chưa từng có.
Sau khi vẽ xong đường sinh mệnh, xin các bạn hãy hết sức tập trung vào thời điểm hiện tại. Nếu bạn nói, tôi chưa bao giờ nghĩ kỹ về những việc trước đây, cả những việc sau này cũng không thể nói rõ ràng. Cớ sao chị lại bắt tôi phải tập trung vào hiện tại?
Những việc trước đây đều đã xảy ra, cho dù là điều đáng sợ đến mức nào thì nó cũng đã xảy ra rồi. Bạn không thể thay đổi nó. Điều duy nhất có thể thay đổi là thái độ của chúng ta đối với nó. Đối với một người trưởng thành thì điều then chốt nằm ở khả năng tự chữa lành vết thương cho mình. Quá khứ quan trọng nhưng nó sẽ không quan trọng bằng hiện tại.
Sống vì hiện tại, sống cho từng giây từng phút trong hiện tại là bí quyết để có một cuộc sống tràn ngập hạnh phúc.
Đây không phải là cách nghĩ “hôm nay vui thì cứ vui cho hết mình” nông cạn mà là tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật. Quá khứ mãi là quá khứ, tương lai luôn phải phấn đấu. Thứ duy nhất đang nằm trong tay bạn là hiện tại. Bạn hãy mở rộng lòng mình với hiện tại. Hãy nhìn những thứ trước mắt bạn, nghe những âm thanh bên tai bạn, ngửi mùi vị gần bên cạnh, cảm nhận sự ấm áp bên người bạn, sờ vào những chiếc móng tay sắc nhọn, nếm vị ngọt trong miệng mình. Nắm chắc hiện tại để trân trọng cuộc sống của mình hơn.
Có một câu chuyện kể về một phật gia nổi tiếng. Câu chuyện đó như sau: Có một người bị ngã xuống một chiếc giếng vừa cạn vừa sâu. Nếu bị ngã xuống đáy giếng thì chắc chắn sẽ thịt nát xương tan. Nhưng may thay, trong lúc hoảng loạn, người đó kịp nhoài tay bám vào một sợi dây leo khô. Người đó nhìn lên trên thấy bầu trời sao mà cao, mà xanh đến thế; nhìn xuống dưới thấy đáy giếng chỉ toàn rắn độc. Đột nhiên ông ấy nghe thấy tiếng kẽo kẹt. Hóa ra có một con chuột đang cắn sợi dây leo, sợi dây sắp đứt đến nơi. Đúng lúc này, ông nhìn thấy một bông hoa nhỏ không rõ tên đang mọc trên thành giếng. Những cánh hoa xinh tươi đang đung đưa trong gió. Thế là ông mỉm cười một cách vui vẻ.
Đây là một ví dụ rất điển hình nói tới việc tập trung cho hiện tại. Quả như vậy, ngay sau đó, con chuột sẽ cắn đứt sợi dây leo và người đàn ông kia sẽ rơi xuống đáy giếng. Nếu ông ta không chết vì bị ngã thì cũng sẽ chết vì làm mồi cho lũ rắn độc đang đói bụng. Thời gian dành cho ông ấy rất ngắn ngủi, chỉ là vài phút hay vài chục giây nhưng ai có thể ngăn cản được ông ấy mỉm cười với bông hoa nhỏ kia? Ai có thể cướp đi niềm vui và sự tận hưởng nhẹ nhàng đó của ông? Ông ấy có thể sợ tới nín thở, có thể khóc như mưa, cũng có thể kêu cứu. Nhưng đứng cũng chết, nằm cũng chết, vậy sao lại không ngẩng mặt nhìn trời và cười cho thật sảng khoái?
Tập trung cho hiện tại là để xây dựng một tương lai rõ ràng, sáng sủa bằng một thái độ sống tỉnh táo. Có người nói, người đàn ông phải bám vào thành giếng sắp chết đến nơi mà vẫn còn tâm trí nhìn hoa cười, đúng là ngốc nghếch. Tại sao ông ta không tận dụng chút thời gian ngắn ngủi này để kêu cứu, ít ra thì vẫn còn chút hi vọng.
Tôi không thể phản bác giả thiết đó được, vì mọi ví dụ, giả thiết đều có lý do riêng của nó. Câu chuyện trên chỉ muốn nói rằng ngay cả trong những giờ khắc tuyệt vọng nhất nhưng chúng ta vẫn có thể giữ được sự bình thản, nhận ra vẻ đẹp ngay trước mắt mình.
Điều đáng quý nhất của cuộc sống không phải là chiều dài mà là chiều sâu và chiều rộng của nó.
Nếu chúng ta có thể sống đẹp từng giây từng phút thì cuộc sống của chúng ta nhất định sẽ là một cuộc sống tuyệt vời.
Khi nhìn vào đường sinh mệnh của mình, có lẽ trong bạn sẽ trào dâng cảm xúc yêu cuộc sống dạt dào. Cuộc sống của chúng ta là hữu hạn, cho dù bạn sắp xếp cho mình một cái kết xa xôi tới bao nhiêu thì nó cũng sẽ đến hồi kết. Nếu một người khi còn trẻ đã nhận thức được cuộc sống của chúng ta sẽ kết thúc vào một ngày đó thì tôi cho rằng đó là một điều đáng mừng. Thời thanh xuân bạn có thể phóng khoáng một chút nhưng nên có điểm dừng. Bạn có thể thỏa sức phóng khoáng vào ngày đầu xuân nhưng bạn không thể làm như vậy vào giữa hạ. Nếu bạn quên không gieo hạt vào mùa xuân thì bạn sẽ chẳng có gì để gặt hái vào mùa hạ.
Đường sinh mệnh không nằm trong tay người khác. Nó chỉ có một người chủ duy nhất. Chính là bạn. Cho dù đường sinh mệnh dài hay ngắn thì mỗi nét vẽ của nó đều do tay bạn vẽ nên.
Nếu bạn tìm kỹ thì bạn có thể nhìn thấy rất nhiều hình bóng mơ hồ lúc ẩn lúc hiện trên đường sinh mệnh. Tôi đã từng xem đường sinh mệnh của một cô gái. Nó chỉ dài tới 45 tuổi. Quả thực khi đó tôi nghĩ rằng đường sinh mệnh như vậy là hơi ngắn bởi vì bình quân tuổi thọ ở Trung Quốc là trên 70 tuổi, trong khi đó tuổi thọ của nữ giới lại cao hơn một chút. Tôi nói, sao bạn lại vẽ đường sinh mệnh của mình ngắn như vậy, có phải vì đã chán cuộc sống này rồi không? Cô ấy nói, ngược lại, tôi vô cùng lưu luyến cuộc sống này. Nghe vậy, tôi thấy làm lạ nói, nếu bạn lưu luyến cuộc sống này đến vậy, sao không vẽ đường sinh mệnh dài ra một chút, tại sao lại chỉ vẽ ngắn thế này?
Cô ấy trả lời, bà ngoại của tôi chỉ thọ 45 tuổi, tôi chẳng có lý do gì để sống lâu hơn bà cả. Thấy vậy tôi bèn hỏi, có phải bạn rất nhớ bà mình không? Nước mắt cô ấy dưng dưng và nói, bà ngoại là người thương tôi nhất, từ sau khi bà mất tôi cảm thấy chẳng ai trên đời này xứng đáng được sống qua 45 tuổi.
Ngày hôm đó chúng tôi đã trò chuyện rất lâu. Hóa ra đường sinh mệnh của một người lại chịu sự ảnh hưởng của một người đã không còn tồn tại trên cõi đời này. Đây có lẽ là điều mà người bà rất mực yêu thương cháu ngoại không thể tưởng tượng nổi. Người cháu gái đã biến tình thương của bà thành sự trừng phạt bản thân, thậm chí mọi kế hoạch trong cuộc sống của cô đều chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng của tình yêu đó. Tôi nói đùa với cô ấy rằng, may mà hôm nay chúng ta đã cùng chơi trò chơi này, giúp bạn cảm nhận được dòng nước ngầm đang chảy trong tâm hồn mình. Nếu không có lẽ trước năm 45 tuổi bạn sẽ ốm một trận ra trò, thậm chí còn có thể đe dọa tới tính mạng bạn cũng nên. Bởi vì tiềm thức của chúng ta lại chấp nhận sự tự kỷ ám thị này. Bạn có thể cho rằng hệ thống tiềm thức của chúng ta rất thông minh, nó có thể giải mã và ra chỉ thị cho rất nhiều câu hỏi nan giải ẩn chứa trong tầng tiềm thức của chúng ta. Nhưng ngược lại, bạn cũng có thể nói nó rất ngốc, nhiều khi lại chữa lợn lành thành lợn què. Bởi nó thường nghe ngóng những thông tin về bạn, nếu bạn luôn nói với mình rằng tôi không thể sống đến 45 tuổi thì nó sẽ biến điều đó trở thành nguyện vọng chân thành của bạn và sẽ thực hiện nó một cách vô cùng nghiêm túc. Trước thời hạn bạn đã định ra, nó sẽ khiến cho bạn ốm một trận thập tử nhất sinh, nó có thể đang giúp bạn nhưng có ai hiểu rằng đó đâu phải là nguyện vọng thực sự của bạn.
Trong một buổi lễ tốt nghiệp thạc sĩ của một trường đại học danh tiếng, mọi người sẽ phải viết ra lý tưởng cuộc sống của mình. Nhưng trong đó chỉ có một phần ba số người có chí hướng rõ ràng. Số còn lại có người không rõ ràng, còn có người dứt khoát không lên kế hoạch cho đời mình. Một vài năm sau, ngôi trường đó tiến hành điều tra tình hình phát triển của các cựu học sinh và phát hiện ra rằng những người có mục tiêu rõ ràng thành công hơn những người không có mục tiêu. Ngôi trường nổi tiếng này có tên là Harvard.
Có một nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng khác khi đi tới Nhật Bản, nhìn thấy người Nhật đều sắp xếp thời gian biểu của mình hàng ngày rất tỉ mỉ, thậm chí không sai lệch một phút. Có những người còn lên kế hoạch tới vài tháng hay tới nửa năm sau đó. Thấy vậy, vị doanh nhân này cũng bắt đầu lên lịch cho cuộc sống của mình. Sau một thời gian, ông ấy nhận ra rằng tuần nào không được lên kế hoạch trôi đi rất chậm, còn tuần nào được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ sẽ trôi qua rất nhanh vì ngay từ ngày đầu tuần ông ấy đã biết tuần này mình phải làm những gì. Hay nói cách khác, đây là việc làm rút ngắn cuộc sống, hay tối thiểu thì cũng có cảm giác mình đang rút ngắn cuộc sống. Nhưng điều khiến ông ấy không thoải mái là, những người ông ấy muốn gặp nhưng vì không có trong kế hoạch nên không thể gặp được. Chờ đến khi có thể gặp thì người ta có thể không muốn gặp bạn nữa hoặc có thể bạn cũng không muốn gặp người ta nữa. Những kế hoạch như vậy khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút rất nhiều. Chính vì thế, ông ấy dứt khoát không lên bất kỳ kế hoạch nào cho bản thân mình, để lại một khoảng trống cho lịch trình hàng ngày và khiến nó trở nên linh hoạt hơn.
Mỗi người có một cách nghĩ riêng. Chỉ nói đơn thuần thời khóa biểu thì mỗi người có cách sắp xếp thời gian khác nhau, chính vì thế không nên ép vào một khuôn khổ nhất định. Nếu nói tới cả một cuộc đời thì tôi cho rằng việc lập kế hoạch tốt hơn là không lập kế hoạch. Điều này không chỉ đúng với việc phát triển sự nghiệp mà còn đúng với việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Một bác sĩ nổi tiếng ở NewYork tuyên bố: “Sau khi kiểm tra 15.320 người dân NewYork tôi bắt đầu nhận ra rằng vấn đề cốt lõi của những bệnh nhân này là cuộc sống của họ thiếu giá trị quan, mục tiêu và kế hoạch”.
Quay trở lại đường sinh mệnh. Mời các bạn hãy tìm ra vị trí hiện tại của mình trên đường sinh mệnh mà bạn vừa vẽ ra. Ví dụ, nếu bạn dự tính mình sẽ sống tới năm 75 tuổi mà bây giờ bạn mới có 25 tuổi thì mời bạn đánh dấu vào vị trí một phần ba đường thẳng. Sau đó, hãy dùng bút ghi lại những sự kiện có ảnh hưởng to lớn tới bạn trong quãng thời gian đó ở bên trái vạch đánh dấu. Ví dụ bảy tuổi bạn đi học thì bạn hãy tìm ra vị trí tương ứng với bảy tuổi, sau đó viết ra sự kiện bắt đầu đi học này. Chú ý rằng, nếu bạn nghĩ rằng đó là chuyện vui thì hãy dùng bút sáng màu để viết, và viết phía trên của đường sinh mệnh. Còn nếu bạn nghĩ đó là chuyện rất vui thì hãy viết cao lên trên một chút. Ví dụ năm mười tuổi bà ngoại bạn qua đời. Sự ra đi của người bà đã để lại một vết thương lớn trong lòng bạn thì khi đó bạn hãy tìm vị trí tương ứng với mười tuổi, đánh dấu lại, dùng bút sẫm mầu và ghi lại sự kiện đó phía dưới đường sinh mệnh. Chẳng hạn năm 17 tuổi bạn thi trượt tốt nghiệp, bạn cảm thấy vô cùng buồn bã thì hãy ghi lại sự kiện đó ở một vị trí thấp hơn dưới đường sinh mệnh. Cứ như vậy, bạn sẽ phải dùng bút khác màu và các vị trí cao thấp khác nhau để ghi lại lịch trình cuộc sống của mình trước đây.
Sau khi hoàn thành, đường sinh mệnh sẽ có hình dáng như sau: Bảy tuổi đi học được làm lớp trưởng 30 tuổi nhận được giải thưởng 7 30 0 —-|—|—-|———-|———————-> 100 10 17 10 tuổi bà ngoại qua đời 17 tuổi trượt tốt nghiệp
Đường sinh mệnh phía trên chỉ là một ví dụ tượng trưng. Tôi tin rằng các bạn sẽ khéo tay hơn tôi và sẽ vẽ ra những đường sinh mệnh đẹp hơn của tôi rất nhiều.
Việc ghi lại các sự kiện trong quá khứ đã hoàn thành. Bây giờ bạn hãy cùng nhìn lại và đếm xem trong số các sự kiện có sức ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn thì những sự kiện nằm phía trên đường sinh mệnh nhiều hơn hay những sự kiện nằm phía dưới đường sinh mệnh nhiều hơn? Biên độ lên xuống thế nào? Điều quan trọng là xem cảm giác của bạn đối với những sự việc đã qua chứ không phải ở sự đánh giá của người đời. Chẳng hạn ai cũng coi việc đau khổ vì cha mẹ qua đời là điều có thể hiểu được. Nhưng cảm giác đau buồn tột độ khi một con mèo qua đời thì không phải ai cũng có thể chấp nhận được. Thực ra, đối với một đứa trẻ, nếu trong thế giới của nó, con mèo đã trở thành một người bạn không thể tách rời, là một phần quan trọng không thể thiếu thì việc con mèo ra đi cũng khiến cho trẻ cảm thấy vô cùng buồn bã và cô đơn. Những lúc đó ta nên tôn trọng cảm xúc của trẻ. ở Ai Cập, đi trên đường phố đâu đâu cũng thấy mèo. Người Ai Cập cho rằng trong cơ thể mèo có chứa ánh sáng mặt trời, vì vậy ở quốc gia này người ta rất coi trọng mèo. Nói tóm lại cảm giác của bạn mới là điều quan trọng nhất.
Những giọt nước mắt của cô gái bị hong khô bởi sự căng thẳng. Cô ấy nói, chị đừng dọa tôi, có thật sẽ như vậy không? Tôi nói có rất nhiều nghiên cứu chứng minh điều này là đúng. Tuy nhiên cũng không phải là tuyệt đối. Không phải cứ mỗi lần mắc bệnh là thể hiện điều này. Nhưng trên thực tế có rất nhiều căn bệnh nặng đều mang ý nghĩa của tiềm thức. Điều này rất quan trọng, nó liên quan tới cả tính mạng, chính vì vậy bạn không nên coi thường. Hãy dành một phút để nhìn lại những ý nghĩa ẩn chứa đằng sau các căn bệnh. Những tình cảm và cảm giác tiềm thức của chúng ta thường dẫn tới bệnh tật, khiến cho bệnh phát tác hoặc không thể cứu chứa.
Quay trở lại đường sinh mệnh. Đường sinh mệnh còn mở ra rất nhiều thông tin liên quan tới bạn, xem bạn có biết tìm thấy những hình ảnh về tâm hồn mình trong nguồn thông tin quý giá này không. Nếu bạn tiện tay viết ra một con số cho đường sinh mệnh của mình, về cơ bản thì con số này cũng có ý nghĩa nhưng người khác không thể hiểu được ý nghĩa của nó. Chỉ có bạn, chỉ có trí tuệ và những hồi ức của bạn mới có thể giải mã ý nghĩa của con số đó. Đừng bỏ qua những điều đó, cho dù quá trình tìm kiếm đó vô cùng gian khổ nhưng nó lại rất có ích cho chúng ta.
Còn có một chàng thanh niên, anh ấy gặp khó khăn với phần bên trái của đường sinh mệnh. Anh ấy không thể tìm ra bất kỳ một sự kiện nào để ghi lại. Điều này cũng có thể nói rằng phần quá khứ trong đường sinh mệnh của anh ấy hoàn toàn trống trơn. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi anh ấy rằng, lẽ nào trong cuộc đời bạn chưa từng xảy ra bất kỳ chuyện vui, buồn, cảm động hay đau lòng nào sao?
Anh ấy buồn bã nhìn tôi và nói rằng, thực sự tôi không thể nhớ ra bất cứ điều gì để ghi lại. Nhưng ở phần bên phải của đường sinh mệnh, phần tương lai, tôi đã viết ra rất nhiều điều, ví dụ như tôi muốn trở thành một nhà khoa học ưu tú, tôi muốn đi du lịch khắp năm châu, tôi muốn cưới một người vợ xinh đẹp và có thật nhiều con, tất nhiên là không được vi phạm kế hoạch hóa gia đình, có thể tôi sẽ chuyển ra nước ngoài sinh sống…
Tôi nhìn kỹ đường sinh mệnh của anh ấy. Quả thực phía bên trái là một khoảng trống rỗng còn phía bên phải lại đầy ắp những sự kiện. Mặc dù lời nói của anh ấy rất biện bạch nhưng tôi vẫn có cảm giác có điều gì không ổn ở đây.
Sau đó, tôi đã chuyện trò với anh ấy. Tôi nói, bạn nghĩ rằng nửa đời trước của bạn chẳng làm nên điều gì nên dồn mọi hi vọng vào quãng đời còn lại phải không? Bạn đã tạo ra một tờ chi phiếu trống phần đầu. Tôi không tin rằng một người không làm nên điều gì trong quá khứ lại có thể đạt được nhiều thành quả trong tương lai. Đương nhiên có một số người bộc lộ khả năng của mình muộn, có thể im hơi lặng tiếng trong một thời gian rất dài nhưng đột nhiên lại tỏa sáng khiến người khác ngỡ ngàng. Nhưng bạn không giống họ. Tôi tin rằng nếu để những người này vẽ ra đường sinh mệnh thì họ sẽ không bi quan như bạn. Họ sẽ ghi lại quá trình không ngừng phấn đấu của mình. Họ hiểu rõ quá trình tích lũy của mình, còn bạn lại phủ nhận điều đó.
Nghe thấy tôi nói vậy, chàng thanh niên đùng đùng nổi giận, nói, tôi viết cái gì bây giờ? Từ khi đi nhà trẻ tới khi đi học, rồi tới đỗ đại học đều do bố mẹ tôi lo liệu, tôi không phải bỏ ra chút công sức, cũng không phải do thành quả lao động của tôi, chính vì vậy tôi mới để trống phần đó.
Tôi nói, từ đường sinh mệnh của bạn, tôi có thể nhìn thấy quyết tâm thay đổi của bạn. Nhưng cho dù là thay đổi thì cũng nên bắt đầu từ bây giờ. Tôi không tin rằng trong suốt hai mươi năm qua, không có việc gì là do bạn tự quyết định. Nếu bạn không tìm thấy điều gì do mình tự làm thì e rằng việc thay đổi sau này rất khó trở thành hiện thực.
Anh ấy nghĩ một hồi rồi nói, có một chuyện tôi đã tự hoàn thành. Đó là khi đến trường đại học, trên suốt đường đi chẳng có một người quen, bố mẹ nhất định đòi đưa tôi đi. Nhưng tôi nói, con sẽ tự đi.
Con đâu phải là học sinh tiểu học. Sau này, do tôi nhất quyết tự đi nên họ đã quyết định để cho tôi tự đi một mình. Nhưng chuyện này chẳng có gì là to tát, vì bạn tôi ai cũng tự đến trường, chính vì vậy tôi viết ra làm gì?
Tôi nói, nhất định bạn phải viết ra. ở đây không nói tới con đường đi dài hay ngắn mà là nói tới việc bạn tự hoàn thành một công việc nào đó. Đó là một sự kiện quan trọng trên đường sinh mệnh của bạn.
Sau này tôi nhìn thấy chàng trai ấy đang viết một cách trân trọng dòng chữ “21 tuổi tự đến trường đại học” phía bên trái đường sinh mệnh. Sự phát hiện và khẳng định này là một kinh nghiệm mới mẻ với chàng trai ấy. Trên con đường vạch ra kế hoạch cho mình, cảm giác này là một trong những phương pháp quý báu để làm nên chiến thắng nhưng hi vọng rằng chàng trai ấy sẽ biết trân trọng và không từ bỏ cảm giác đó.
Nếu bạn có rất nhiều kế hoạch cho tương lai, phía trên, bên phải đường sinh mệnh của bạn có quá nhiều thành quả thì tôi xin nhắc nhở bạn nên chú ý tới sự cân bằng sinh thái. Khả năng của con người có hạn. Nếu bạn không phải là người có khả năng thiên bẩm hay vô cùng may mắn thì có lẽ gặt hái được những thành quả rất to lớn là điều tương đối khó khăn. Nhưng nếu kế hoạch của bạn được đặt ra quá ít hoặc quá thấp thì tôi xin tặng một đoạn văn dưới đây. Đoạn văn này không phải do tôi nói mà là do một nhà tâm lý học chủ nhĩa nhân bản vĩ đại Maslow nói:
Nếu bạn cố ý tránh né sự vất vả, hướng tới những công việc nhẹ nhàng thì hãy làm những việc vặt thấp hơn khả năng của mình.
Nhưng tôi xin cảnh báo bạn rằng những ngày về sau bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc bởi vì bạn luôn tránh những công việc và những cơ hội phù hợp với năng lực của mình.
Tôi thường gặp những người vô cùng tức giận nhưng không biết trút giận ở đâu. Họ lúc nào cũng nghĩ rằng cả thế giới này đều đối xử không tốt với họ. Tại sao họ luôn có cảm giác oán giận, trách móc như vậy? Trong suốt một quãng thời gian dài, tôi không tìm ra câu trả lời, mãi cho tới sau này tôi mới đọc được đoạn văn trên của Maslow và mới hiểu ra căn nguyên của sự việc.
Những người tư duy tiêu cực luôn tìm ra mặt tiêu cực trong mọi sự vật, và đương nhiên họ luôn tìm ra lý do để trách móc, sau cùng họ sẽ nhận được những kết quả rất tiêu cực. Mà những kết quả tiêu cực lại tạo ra những tư duy tiêu cực, từ đó lại khiến cho những người vốn đã suy nghĩ tiêu cực lại càng trở nên tiêu cực hơn.
Hạnh phúc là một dạng cảm giác chủ quan. Nếu bạn không tạo cho mình cơ hội để phát huy khả năng của bản thân thì tài năng của bạn sẽ chẳng bao giờ có đất dụng võ và bạn sẽ chẳng bao giờ có được cảm giác hạnh phúc. Có rất nhiều người cả đời chỉ biết cống hiến cho sự nghiệp mặc dù không phải lúc nào cũng thành công nhưng họ vẫn cảm thấy rất vui vì họ đã tìm thấy lĩnh vực phù hợp với khả năng của mình. Trong quá trình tìm tòi họ đã tự tìm thấy niềm vui cho mình. Nếu bạn luôn trốn tránh, né tránh thử thách, làm những việc dưới tầm khả năng của mình, xét bề ngoài thì bạn đang làm giảm bớt rủi ro, giúp bản thân luôn ở trong trạng thái an toàn nhưng bạn đâu biết rằng mình đang vô tình trói chặt khả năng – thứ quý giá nhất của mình, giám sát nó và không cho nó cơ hội phát huy. Nếu những động lực đó không được giải phóng thì nó sẽ biến thành nguồn cơn của mọi đau khổ, không ngừng dâng trào trong tâm hồn bạn, hi vọng một ngày nào đó bạn sẽ chú ý và thay đổi suy nghĩ, cho nó cơ hội tỏa sáng.
Các bạn thân mến, nếu bạn không may rơi vào những chiếc vòng khuôn sáo thì hãy tự cứu lấy mình. Hãy nhìn vào phần bên phải đường sinh mệnh của mình, xem xem có phải bạn đang né tránh một sự nghiệp xứng tầm với khả năng của mình hay chăng? Có phải bạn đang không ngừng thuyết phục bản thân hạ thấp tiêu chuẩn vì bạn cho rằng làm như vậy là có trách nhiệm với bản thân nhưng không hề nhận ra rằng không để cho năng lực của mình được phát huy một cách tối đa mới là sự thiếu trách nhiệm với bản thân mình. Có thể nói rằng trong cơ thể chúng ta ẩn chứa những bông pháo hoa. Nếu chúng ta không bắn thì chúng sẽ không bao giờ tỏa sáng.
Có người nói, bây giờ tôi vẽ ra đường sinh mệnh cho mình, vậy sau này liệu nó có thay đổi không? Theo tôi, bạn không nên nghĩ một trò chơi lại có khả năng kỳ diệu tới vậy. Nó chỉ giúp bạn đánh thức những cảm giác, trong cuộc sống bộn bề lo toan, giúp bạn dành chút thời gian nhìn về bốn phía, mở ra con đường nhỏ cho riêng mình mà thôi. Vài năm sau những kế hoạch mà bạn đã đặt ra từ bây giờ có thể thay đổi nhưng nhìn xa trông rộng là điều nên làm, thay đổi là điều cần thiết.
Đừng vì sự thay đổi ở tương lai mà không dám đưa ra quyết định cho ngày hôm nay.
Nếu một người mà cả đời không cần thay đổi thì hoặc họ là những thiên tài có năng lực nhận thức rất tốt và có tầm nhìn xa trông rộng, hoặc đó là những tảng đá hóa thạch từ hàng nghìn năm.
Đừng chỉ mãi nhìn vào những quả ngon trên cây mà hãy bắt tay làm những việc mà bạn yêu thích.
Nếu bạn cảm thấy có hứng thú thì vài năm sau hãy dành ra chừng mười phút để chơi trò chơi này, sau đó tìm lại những mảnh giấy trước đây để so sánh và đối chiếu. Biết đâu đấy, bạn sẽ ngẫm ra được nhiều điều!
Tối nay hãy thỏa sức vui chơi nhé! Vì bạn không còn là mình trước đây!
Tới đây, chúng ta đã cùng nhau chơi hết bảy trò chơi. Xin cảm ơn quãng thời gian khó quên này. Tôi đã làm mất thời gian của các bạn và cũng xin cảm ơn sự tin tưởng và tình cảm các bạn đã dành cho tôi trong suốt những ngày qua.
Cách đây khoảng 35 năm, tôi đi bộ đội ở Tây Tạng. Núi cao đường xa, tuyết cao như núi, ban đêm ngẩng đầu ngắm bầu trời mới thấy nơi đây cách xa trời chừng nào. Những vì sao vừa to vừa sáng, giống như những mảnh vụn của dải băng hà được tráng thiếc.
Người đồng đội nằm phía sau tôi vừa hi sinh và đang yên nghỉ. Tôi biết sinh mạng của anh ấy cũng quý giá như sinh mạng của tôi, giờ đã chấm dứt. Tôi nhìn lên trời cao và ước, đời này kiếp này sẽ trân trọng tất cả những gì tôi có và xin chúc phúc cho tất cả mọi người.
Chúng ta cần phải có một tâm hồn mạnh khỏe, một trái tim khỏe mạnh, phải học cách chung sống hòa bình với thế giới này. Sự tôn nghiêm của một con người là niềm vinh dự được sinh mệnh trao tặng, mà “sự mạnh khỏe và tôn nghiêm của con người không thể tách rời”. Đó là câu nói của bác sĩ Urbani đã hi sinh do bị lây nhiễm bệnh SARS.
Tôi yêu thời đại thuần phác đơn sơ, kính phục những người dũng cảm. Tôi mơ ước được nhìn thấy cuộc sống xanh tươi như thảm cỏ, rực rỡ như rừng hoa, cho dù có sâu nhưng cũng có chim gõ kiến. Tôi thích để cho những giọt mồ hôi của mình thấm trên đất rồi đâm chồi nảy lộc, mọc ra những hạt lúa vàng óng, soi sáng gương mặt của tôi và bạn trong đêm tối.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.