Sống Đời Đáng Sống
Chương 3 QUI TẮC CỦA DISRAELI ĐỂ GÂY CẢM TÌNH
~oOo~
Disraeli[11] nổi tiếng là người hiểu tâm lý phụ nữ. Ông tiếp đãi các bà một cách lễ độ và nhã nhặn, nghe các bà các cô kể lể hằng giờ những chuyện mà đa số đàn ông cho là chuyện phiếm của bọn ngồi không. Ngay hồi trẻ ông đã viết trong nhật ký: “Nói chuyện với đàn bà càng nhiều càng tốt. Đó là cách để gây cảm tình với họ, rồi họ sẽ về phe với mình mà khi họ về phe mình thì không có gì là xúc phạm cho ta cả vì họ là đàn bà. Một thanh niên khi bước vào đời, được phụ nữ khen là điều rất quan trọng và rất có lợi”.
Suốt đời ông nghiên cứu tâm lý phụ nữ, dò xét họ, nói chuyện với họ và thường khen họ. Ông nhận thấy rằng nghiêm trang khen một người đàn bà là đẹp thì người đó sẽ vui lắm. Mặc dầu hiểu thấu tâm lý phụ nữ như vậy mà có lần ông cũng thất bại. Ông muốn được lòng nữ hoàng Victoria mà nữ hoàng tiếp ông một cách rất lạnh lùng. Ông suy nghĩ, tìm ra nguyên do: Thì ra chỉ tại nữ hoàng không tin ông.
Ông bèn ráng tìm cách làm cho nữ hoàng cảm động. Cơ hội tới: Chồng nữ hoàng mất; ông đem áp dụng sự hiểu biết của ông về đàn bà. Ông biết rằng nữ hoàng rất kính mến chồng, nên trong Nghị viện ông tán tụng chồng bà. Lần này ông đã gãi đúng chỗ, nữ hoàng gởi cho ông những lời này: “Nữ hoàng rất cảm động vì ông Disraeli đã tỏ lòng ngưỡng mộ người chồng yêu quý, cao cả của nữ hoàng. Đọc bài diễn văn của ông Disraeli, nữ hoàng đã khóc nhưng nghe lời khen tư cách trong sạch, siêu việt của chồng thì nỗi đau lòng của nữ hoàng cũng dịu được đôi phần”.
Disraeli không những gây được mà còn giữ được – điều này mới khó hơn – lòng tin của nữ hoàng Victoria. Ông kiên nhẫn chịu tánh kỳ cục, bướng bỉnh của bà và thường để bà làm theo ý bà. Khi người ta hỏi ông bí quyết thành công với người đàn bà cứng đầu đó, ông đáp: “Không khi nào tôi từ chối; không khi nào tôi cãi, thỉnh thoảng tôi quên đi”.
Thực là một quy tắc đơn giản để gây lòng tin cậy của đàn bà. Một quy tắc như vậy không thể coi là một luật bất di bất dịch trong phép xử thế được; chúng ta sẽ hóa thành những con người vô lý, kỳ cục mất. Ta chỉ nên nhớ rằng Disraeli muốn khuyên ta nên giữ ý, tránh những xô xát và ráng tìm cách hiểu người.
Chúng ta cần một lời khuyên như vậy vì chúng ta hay có thói phân tích để chỉ trích, bác sĩ David Impastato, nhà thần kinh bệnh học nói: “Chúng ta đã thành những nhà phân tích rất giỏi nhưng trị bệnh thì rất dỡ. Nguyên do? Là vì phân tích thì dễ, khoa học dễ, sắp loại dễ, mà sáng tác mới khó. Ra cái toa khó hơn là dò bệnh”.
Nào bây giờ ta thử áp dụng vào đời sống hàng ngày. Ngày mai nếu bạn thấy cái vui muốn mạt sát người khác, muốn làm cho người khác phải câm miệng, không cãi lại được thì bạn nên nhớ rằng nhắc lại lỗi của người khác không phải là cách để gây cảm tình.
Mấy năm trước, tôi nghe một ông khoa trưởng mới nhận chức trình bày chương trình hoạt động của ông trong sáu tháng, tôi muốn vạch chỗ lầm lẫn của ông ta thì giáo sư Maurice J. Hart kéo tôi ngồi xuống. Lúc ra, tôi phản đối thái độ đó: “Anh Maurice, anh biết rằng ông ta lầm lỗi nặng, và nếu để ông ta theo chính sách đó thì sẽ rắc rối cho chúng ta suốt sáu tháng. Tại sao anh không đứng lên nói hoặc để tôi nói?”
Ông Maurice đáp: “Tất nhiên là ông ta lầm, nhưng nếu anh vạch lỗi cho ông ta mà không để cho ông ta tự tìm lấy thì ông ta sẽ giận anh”.
Tôi bảo:
— Nhưng nói cho ông ta biết thì có phải hơn không, đỡ rắc rối cho chúng mình.
— Ông ta mới tới, phải có quyền lầm lẫn chứ. Nếu ta để cho ông tự tìm ra lầm lỗi, rồi sau này quên lỗi của ông đi thì ông sẽ mang ơn ta. Thử đợi xem.
Tôi nghe lời giáo sư Hart và thấy ông ấy có lý và tôi lập ra quy tắc này không phản đối một chính sách nào cả nếu chính tôi, tôi không thử trước nó. Thử rồi mà thấy nó đúng là tôi đã lầm lẫn; nếu thấy nó sai thì lúc đó tôi dễ chỉ được chỗ sai cho người khác thấy.
Nhưng phải tế nhị khi vạch chỗ lầm cho người khác. Đừng như Sở trữ bơ sữa nọ ở Richmond. Sở sai người đại diện tới Washington để xin sửa đổi lại giá sữa nhưng nhân viên chính phủ không muốn vậy, bảo họ về điều hòa số sữa sản xuất sao cho phù hợp với giá qui định. Người đại diện bảo không thể điều hòa số sữa được. Nhân viên chính phủ hỏi:
— Tôi không hiểu tại sao mà mùa hè lại vắt được nhiều sữa hơn mùa đông.
Người đại diện nổi giận, la lên:
— Này nghe này, nghe này, đồ ngu như bò, tôi sẽ giảng cho ông nghe để phá cái cục ngu của ông ra. Mùa hè ngày dài, bò ăn nhiều cỏ hơn, uống nhiều nước hơn nên có nhiều sữa hơn. Mùa đông ngày ngắn, bò ra bãi cỏ ít thời giờ hơn, ăn ít hơn, uống ít hơn, nên ít sữa. Kẻ nào không hiểu cái lẽ đó thì nên vô nhà thương điên đi thôi.
Bạn đã đoán được: Kết quả là giá sữa không sửa đổi. Dù lý lẽ của bạn đúng cả mười phần đi nữa thì cũng phải nghĩ tới danh dự, lòng tự ái của người khác. Người đại diện đó có lý nhưng lối cư xử của người đó vụng.
Một lần tôi lại hỏi ý kiến ông Murray Kavanaugh, một luật sư nổi tiếng ở Nữu Ước về một bức thư tôi muốn gởi cho một người đã làm cho tôi mất mặt và nổi giận. Tôi đem cái tài viết thư của tôi ra để chỉ rằng người đó đã bất công với tôi. Đọc xong bức thư, ông Kavanaugh nói:
“Các ông luật sư thích được đọc những bức thư như vậy lắm. Có những bức thư như vậy thì họ mới có công việc.“ Tôi nhận rằng lời lẽ trong thư hơi mạnh, nhưng vẫn nghĩ rằng phải gởi mới được. Ông Murray nói: “Này, nếu ông muốn có việc ra tòa suốt đời thì lựa nghề luật sư đi, nhưng nếu ông muốn giao thiệp với người khác thì chép lại câu này mà đặt trên bàn viết: ”Bức thư này có đem lại một vụ làm ăn nào cho một luật sư không?”
Vạch thẳng lỗi của người khác ra mà không tiếc lời – dù người đó có đáng vậy đi chăng nữa – là một việc tai hại vô cùng. Sau này không thể nào vui vẻ giao thiệp với nhau được nữa mà khả năng sáng tạo của ta cũng mất. Phải tránh thói đó đi.
Vâng, tôi cũng nhận rằng có lúc bạn phải vạch lỗi cho người khác thấy. Nhưng cả những lúc đó, bạn cũng nên có một thái độ thản nhiên, nếu có thể được, tìm cái giọng trào phúng cho lời của bạn khỏi cay độc. Ông Dale Carnegie, tác giả cuốn How to win friends and influence people có lần buồn bực lắm vì người giúp việc là bà Abigail Connell vẩy mực làm dơ cả tấm giấy hoa Nhật Bản quý dán trên tường. Bạn và tôi gặp trường hợp đó chắc đã nổi dóa lên rồi. Ông Carnegie chỉ viết ít chữ này cho người phụ tá:
“Chị Abbie[12],
Có lần Martin Luther ném một bình mực vào một con quỷ. Con quỷ chắc đã tránh được vì mực bắn tóe trên tường.
Có bầy quỷ nào lảng vảng chung quanh góc bàn giấy của tôi và quấy rầy chị đấy? Nếu có thì đáng kiếp cho chúng.
Trong lúc chờ đợi, chúng ta thử tìm xem có thể kiếm được một cuộn giấy dán tường nào cùng thứ đó không?
Phải diệt con quỷ đó đi, cũng như diệt thành Carthage vậy.”
Bà Abigail có buồn không? Ba giữ miếng giấy đó và năm năm sau đưa cho tôi coi, bảo: “Không thể nào không mến một người vậy được, cả khi chúng ta bị vạch lỗi. Ông ấy có một cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng ông ấy không giận chúng ta, chỉ giận cái thói nào đó mà vô tình chúng ta có”.
Đối với bạn thân ta hay có cái thói thành thực chỉ trích. Ta nghĩ rằng tinh thần cho ta cái quyền đó. Ta nên đọc bốn câu thơ sau này của ông George Canning, vị thủ tướng danh tiếng của Anh:
“Xin Trời cho tôi một kẻ thù ra mặt, một kẻ thù của nhân loại.
Ta có thể can đảm chống cự hắn, có thể đánh lại hắn được nữa;
Nhưng lại Trời, Trời có giận thì giận, có bắt tôi chịu tai họa gì thì bắt.
Xin Trời tránh cho tôi, tránh cho tôi cái nạn có một người bạn nói thẳng.”
Nếu bạn muốn giữ lòng yêu mến của người khác thì phải tránh cái thói nói thẳng đi. Thường thường những điều bạn nói đó chính là những điều người ta đã biết rồi, mà ráng quên nhưng không được. Vậy thì nhắc lại cho người ta làm gì? Tìm hiểu người khác đi rồi họ sẽ hiểu họ.
George Eliot nói: “Loài vật thân thiết với nhau lắm vì chúng không hỏi nhau điều này điều nọ, chỉ trích nhau thế này thế khác”. Chúng theo cái bản năng âu yếm, còn loài người thì có khi giết cái mà mình yêu.
• Muốn gây được cảm tình, bạn làm như vầy:
1. Nên giữ ý, tránh sự xô xát mà tìm hiểu người.
2. Tránh cái thói vạch lỗi của người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.