Sống Đời Đáng Sống
PHẦN THỨ NHẤT: ĐỜI SỐNG MỚI – Chương 1 LÀM SAO TẠO ĐƯỢC SINH LỰC?
~oOo~
Mấy năm trước tôi lại Forest Hills và sống trong ngôi nhà cũ của bà Helen Keller. Tôi thường ngồi trước lò sưởi của bà mà ôn lại dĩ vãng của bà. Trong phòng đó bà đã tập đọc bằng tay, tập nghe bằng ngũ quan và tập viết bằng tim. Đã đui lại điếc và câm mà bà học làm được rất nhiều việc.
Có lần tôi leo lên phòng trên thượng lương được bố trí làm phòng ngủ, ở đó ngó ra cái vũng mà sau này người ta đã lấp để xây dựng ngôi nhà của Liên hiệp quốc. Tôi đã khó nhọc leo lên những bậc thang và tưởng tượng bà đã phải rờ rẫm ra sao mỗi khi lên lầu đi ngủ. Và khi nghĩ đến hình ảnh một người được trời ban cho ít thế mà phân phát tình yêu cho đời được nhiều thế, tôi thường thấy trong lòng phấn khởi.[1]
Tôi lấy làm lạ khi phòng có rất nhiều cửa sổ. Ba bức tường thì có tới tám cái cửa sổ. Nhìn ra chung quanh, thấy sự mênh mông thăm thẳm của vũ trụ. Vậy mà đối với bà chỉ là tối đen như mực. Nhưng ánh sáng trong lòng bà phải rực rỡ thế nào, bà mới có thể sống cao đẹp như vậy mặc dầu trong cảnh tối tăm dày đặc.
“Đời sống mới” chan hòa trong tâm hồn bà, đã dẫn dắt bà suốt đời. Bà nói:
“Đời tôi thu hẹp trong một thế giới không màu sắc, không thanh âm. Nhưng ngay từ hồi còn là một sinh viên, tôi đã vui vẻ tin chắc rằng những cơ quan trên cơ thể tôi không đóng một vai trò quan trọng trong đời sống vì nó không thuộc về phần tinh thần của tôi. Lòng tin đó càng mạnh lên khi tôi đọc câu: Tôi suy nghĩ, vậy là có tôi của Descartes. Câu văn mạnh mẽ đó đã đánh thức một cái gì đó trong thâm tâm tôi cho tới suốt đời. Lúc đó tôi hiểu rằng tinh thần có thể tạo nên hạnh phúc cho tôi, bắt cầu cho tôi qua được cái hư vô tối tăm và yên lặng mà cảm thấy hạnh phúc chói lọi, nồng nhiệt. Tôi hiểu rằng chúng ta có thể tạo được ánh sáng, thanh âm và sự bình ổn trong nội tâm mặc dầu gặp tai nạn lớn lao đến đâu ở ngoại giới”.
Bạn thấy đấy, một người đui và điếc mà còn tạo ra được đời sống mới mẻ và phong phú hơn, huống hồ là chúng ta. Phép mầu xảy ra thường ngày ở trên đời. Có những người tiến từ tối tăm tới danh vọng, từ nghèo khổ đến giàu có, từ tuyệt vọng đến đạt nguyện, từ thất bại đến thành công.
Cái bùa gì làm được những phép thần đó? Đây, bùa đó như vầy: Những kẻ đó đã bắt được hình ảnh của đời sống mới.
Bắt được hình ảnh đó rồi bạn sẽ muốn thấy sống lại, thấy sự hăng hái làm cho sinh lực bạn đổi mới, làm cho hy vọng biến thành dự định rồi dự định biến thành sự thực.
Chính hình ảnh đó là cái hy vọng mà Horace đã ca trong bài ca Vita Nova[2]. Nó đã gợi cho loài người tư tưởng về tôn giáo và cảm hứng về nghệ thuật. Nó sẽ làm cho bạn tái sinh nếu bạn biết bắt lấy nó.
Khi tôi đem ý đó nói với William Zorach, nhà điêu khắc Mỹ trứ danh, ông đã cảm hứng mà tạo được bức tượng nổi tiếng, bức Vita Nova. Về sau ông bảo tôi: “Ý tưởng đời sống mới ám ảnh tôi hoài cho tới khi tôi khắc được nó lên cẩm thạch. Nó đã đổi mới đời tôi”.
Cái năng lực sáng tạo chứa trong tư tưởng đời sống mới mạnh mẽ đến độ ta không ngờ. Cái mà mới lúc nãy đây ta cho là không làm được, mà bây giờ ta thấy là chẳng những làm được mà là điều tự nhiên nữa.
Bạn thấy như mọc cánh. Tư tưởng này gợi tư tưởng khác, kế hoạch này tạo kế hoạch khác, và rút cục một lối nên sống thành ra lối phải sống.
Một khả năng sáng tác cháy bùng lên và giải thoát những khả năng khác. Y như là leo lần lần lên ngọn núi trọc mà nhìn xuống một thung lũng phì nhiêu. Con đường leo núi đó là con đường đưa tới hạnh phúc của nhân loại. Xin bạn thử nhìn chung quanh xem. Ai là những người sung sướng nào? Chính là những kẻ xây dựng được một thế giới tin tưởng. Tin ở vận mệnh của mình. Tin ở lòng tốt của người. Tin ở mục đích của đời người. Tin ở lòng vị tha. Họ là những người làm việc và khuyến khích những người chung quanh làm nên việc. Họ là những người mà ta mến và tìm tới mỗi khi cần được an ủi. Họ là những người có tinh thần bình thản, sung sướng. Vì chúng ta cần tin để mà sống và càng tin thì đời ta càng phong phú.
Hiểu như vậy mà sao ta không thực hiện được sức mạnh làm cho đời ta thêm sinh khí đó? Theo tôi chỉ tại ta có xu hướng muốn ngó về dĩ vãng, để nó phá hủy hiện tại và tương lai của ta. Không có lầm lỡ nào nặng bằng ráng đội trên đầu cái bao nặng của quá khứ và bi kịch của loài người là cứ đòi cho được cái quá khứ khi mà chúng ta chỉ có thể có cái hiện tại.
Ân hận không lợi gì cả. Có ân hận thì chỉ nên ân hận trong một lúc rồi quyết định sống mạnh mẽ hơn.
Bạn bảo: “Nhưng tôi phải nghĩ về dĩ vãng vì tôi một phần của nó mà”. Đúng. Nhưng phải biết lợi dụng dĩ vãng để sáng suốt nhìn tương lai. Nó chưa có kinh nghiệm để sống lúc này đi. Muốn được như vậy thì phải làm bằng cách nào? Phải lập kế hoạch cho đời bạn. Bạn là một phần tử trong một vũ trụ có trật tự và hệ thống, nếu đời bạn không có trật tự, hệ thống thì bạn sẽ khổ sở. Bạn tự hỏi bạn câu này đi: “Tôi không biết” hoặc “tôi không biết chắc” thì bạn hỏng rồi, tương lai của bạn sẽ đen tối lắm, vì bạn sẽ để cho đời sống trôi qua mà không sống nó.
Xin bạn thử tính sổ cuộc đời bạn đi, tính ngay bây giờ đi. Tự xét lương tâm rồi xét nhu cầu cùng ước vọng của bạn không? Có phát triển tài năng của mình không? Bạn có đương lội xuống giữa một dòng nước chảy mạnh không hay là giữa một dòng nước lờ đờ? Những cao vọng bạn tiêu tan lần lần đi không? Nếu có thì quyết định sống đời mới mẻ, tươi thắm có mục đích, có hy vọng đi.
Bạn làm như vầy: Trước hết, lựa một mục đích có thể làm cho đời bạn mãn nguyện, đầy đủ về thể chất cũng như về tinh thần. Tin rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn.
Coi chừng những mục đích nhỏ. Nó không làm thỏa mãn ta đâu. Phải dám nhìn cao, dám yêu cái cao cả.
Làm sao có được mục đích đó? Rất giản dị: Nhìn tới trước mười năm đi. Tự hỏi trong mười năm nữa mình muốn thành người như thế nào.
Lập được chương trình mười năm rồi, chia ra từng năm một rồi bắt đầu thực hiện ngay chương trình năm tới. Cứ tiến đều đều nhiều năm như vậy. Chương trình mỗi năm lại chia ra từng tháng, từng tuần, tuần ngày.
Tiến được bước đầu là một niềm vui quý giá. Nó làm cho ta tin tưởng rằng những bước sau sẽ thực hiện được.
Phương pháp tôi mới chỉ đó phải là không tưởng không? Không. Nó là một sự thật, về tâm lý. Bác sĩ Charlotte Buhler và các nhà hợp tác với bà ở Viện Nghiên cứu Tâm lý tại đại học đường Vienne đã nghiên cứu đời sống của trên hai trăm danh nhân trong số đó có Rockefeller, Foethe, Oscar Wilde, Jenny Lind và Isadora Duncan.
Mỗi danh nhân đều tự lựa một mục đích, đều sống vì mục đích đó, đem hết cả khí lực ra thực hiện nó.
Có mục đích nhất định thì hoạt động của ta mới đầy đủ ý nghĩa và ta mới được lòng nhiệt thành, thứ bảo vật mà trời tặng cho ta đó. Nhiệt thành, Anh ngữ gọi là “Enthusiasm”, mà Enthusiasm do tiếng Hy Lạp “Enthoes” nghĩa là có Thượng đế ở trong. Một số người sống có mục đích thì hơn hẳn con người thường, mà gần như có linh cảm. Người đó tìm được sự liên quan giữa hành động hôm nay và mục tiêu ngày mai. Nhờ vậy đời sống sẽ thành một cuộc mạo hiểm để thực hiện lần lần những ước mộng của mình.
Những người thành công đều có lòng nhiệt thành, chẳng hạn nhà toán học Poincare mê man với công việc của ông. Xin bạn hãy để ý: Ông không phải chỉ thích công việc, cần mẫn làm việc, mà mê man với công việc. Thành thử khí lực của ông không phí đi đâu mà hướng cả vào công việc đó. Struthers Burt nói: “Người ta thất bại không phải vì ngu mà vì không đủ hăng hái”.
Làm sao để hăng hái với công việc của mình? Ông Thomas Buxton đã trả lời câu hỏi đó như sau: ”Càng sống tôi càng tin chắc rằng con người sở dĩ khác nhau – người thì yếu, kẻ thì mạnh, người thì thành vĩ nhân, kẻ thì là phàm phu – chính là ở chỗ có nghị lực hay không, có chí cương quyết biết biến hay không, có định rõ mục đích hay không, có điều độ thì ở đời này làm việc gì cũng được, không có nó thì tài năng, hoàn cảnh cũng chẳng giúp ta làm nên được cái gì cả.
Disraeli cũng tìm ra được điều đó: “Một người đã vạch mục đích rồi thì phải thực hiện nó, và không có cái gì có thể chống nổi cái chí lớn chịu hy sinh cả tính mạng để thực hiện mục đích.”
Có mục đích thì bao nhiêu năng lực tích cực của ta sẽ được giải phóng, những hành động của ta cũng không tản mác lộn xộn nữa. Người bắn cung phải biết mình nhắm cái gì rồi mới dương cung nhắm cái đó. Chương trình của ta cũng sẽ trật hết nếu không có định hướng. “Không có ngọn gió nào có thể giúp một kẻ không biết mình muốn tới bến nào.”
Sự từng trải của ta phải giúp ta khéo lựa những mục tiêu nào hợp với ta rồi đem tất cả năng lực thể chất và tinh thần ra để theo đuổi. Ta không nên để cho hoàn cảnh lôi cuốn mà phải tạo ra hoàn cảnh.
Bạn có biết rằng bạn có thể làm được nhiều hơn trước. Bạn đã phí sức vì không hướng nó về một mục đích nhất định, và bạn đã thất bại. Bây giờ bạn phải tập thói quen hành động theo khuôn phép để thành công. Không phải chỉ thành công về vật chất đâu, còn phải thành công về sự luyện tư cách và hiểu người.
Muốn vậy, bạn phải tự hỏi mỗi ngày: “Hôm nay chương trình của ta đã thực hiện được đến đâu?” Tự vấn tâm như vậy, bạn sẽ tìm hiểu bạn. Hơn nữa, bạn còn tìm ra những phương tiện để thỏa mãn ý muốn của mình, thực hiện được chương trình của mình.
Các trường đại học thời Trung cổ bắt sinh viên mỗi buổi sáng phải trầm tư rồi mới học. Dante thích làm việc đó, còn Thomas Aquinas thì đặt một sọ người trên bàn mỗi khi trầm tư để tránh cái tật phù phiếm. Tương truyền Socrate có lần trầm tư trọn một ngày. Montaigne ca tụng sự trầm tư, ông nói: “Trầm tư là một hoạt động phong phú, đầy năng lực đối với người nào biết tự xét mình và tu nhân”.
Nhưng bao giờ bạn bắt đầu trầm tư? Và trầm tư về cái gì?
Phải trầm tư ngay từ bây giờ và suy nghĩ về bản thân bạn. Hạnh phúc của bạn ra sao? Bạn đã làm được cái gì cho mình và cho đời chưa? Ngày hôm nay đâu, bạn có hoạt động hợp với mục đích không?
Trầm tư như vậy, tự hỏi những câu đó mỗi ngày, bạn có thói quen lập chương trình mỗi ngày một cách sáng suốt, rồi có đủ nghị lực để thực hiện chương trình để làm việc đó bổ ích mà không tốn nhiều thì giờ.
Sau cùng với mỗi ngày sau khi suy nghĩ về mình, phải có một quyết định. Quyết định đó không cần lớn lao, nhưng phải xác định. Đừng mà mơ hồ, viễn vông; chỉ quyết định cái gì làm được, và quyết định rồi thì phải làm cho được. Như vậy mỗi ngày ghi một thành công, mỗi ngày gây được đức can đảm cho ngày hôm sau. Tiếp tục được hàng tháng, hàng năm thì thành một đời sống mới, chứ có gì lạ đâu.
Nhưng, điều quan trọng nhất là phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu nán lại thì rồi bạn sẽ ân hận. Có thể nán lại mọi thứ, trừ sự sống. Trời ban cho ta ngày hôm nay thì mọi việc tốt phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Và nếu bạn không biết điều này thì bạn không biết một chút gì hết. Đây là một đời sống mới. Nó bắt đầu bằng cái phép mầu này là mặt trời lại mọc mà khí lực của ta lại đổi mới: Đêm tối đã qua mà ta lại có cái may là được sống. Thế thì nắm lấy nó đi. Vì ngày mai đã bắt đầu tiến từ ngày hôm nay.
• Nếu bạn muốn sống đời mới thì làm như vầy:
1 – Bắt lấy hình ảnh của một đời sống mới.
2 – Quên quá khứ đi. Chỉ nên nghĩ tới nó để rút kinh nghiệm thôi.
3 – Lựa mục đích đem lại cho bạn một đời sống mới hơn và phong phú hơn.
4 – Trầm tư mỗi ngày để cho đời sống mỗi ngày ăn khớp với mục đích của bạn.
5 – Nắm lấy ngày hôm nay. Bắt đầu ngay bây giờ đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.