Sống Đời Đáng Sống

Chương 2 HAI ĐỨC TÍNH VẠN NĂNG



                                                           ~oOo~

Tướng Omar N. Brandley, một nhà quân sự giỏi có lần cho tôi hay rằng cái hồi đổ bộ lên Normandie, tiếng xe tăng chạy dưới cửa sổ làm ông thức giấc, mà ông không hiểu là xe của Mỹ hay xe của Đức.

Tôi hỏi ông:

— Thế rồi ông làm gì?

Ông giản dị đáp:

— Còn làm gì nữa? Lại về giường ngủ. Nếu kế hoạch của tôi mà đúng giờ thì đó là những xe tăng của chúng tôi; còn như kế hoạch của tôi sai thì đành vậy vì tôi đã cố gắng hết sức rồi, không thể làm khác được nữa.

Tướng Grant cũng gặp tôi trong một trường hợp tương tự. Trong một trận nọ, ông quấn chăn nằm ngủ dưới một gốc cây. Ba giờ sau một sĩ quan hốt hoảng chạy lại đánh thức ông, báo tin rằng hữu quân phải rút lui, tả quân yếu thế, trung quân đương bị nguy sẽ tan tành mất. Grant suy nghĩ một lúc, bảo sĩ quan đó đi ra rồi nằm xuống ngủ. Ông đã sắp đặt kế hoạch kỳ lưỡng lắm rồi nên biết rằng lời báo cáo đó chỉ là lời đồn bậy.

Thượng nghị sĩ Albert W. Hawkes ở New Jersey thích triết lý bình thản đó của Tướng Brandley nên treo hình ông trên một tấm bảng trong phòng giấy ở Washington để làm gương. Trên bảng có mấy hàng chữ này:

“Tôi làm hết sức hiểu biết của tôi, hết khả năng của tôi và tôi ráng giữ được như vậy cho tới cùng. Nếu kết quả là tôi có lý thì ai muốn chê trách gì tôi, tôi cũng coi là thường. Nếu tôi lầm lẫn thì dù có muời vị thần cam đoan rằng tôi đúng, tôi cũng vẫn làm.”

Abraham Lincoln.

Rồi xin tướng Brandley cho biết thế nào là tinh thần chỉ huy. Ông đáp: “Tôi tin rằng một người chỉ huy thành công phải có một vài đức tính căn bản nào đó luôn luôn hướng dẫn tư tưởng và hành động của mình. Ở Abraham Lincoln, đức tính đó là tài hiểu người, ở tướng Lee thì đức tính đó là liêm khiết, ngay thẳng, ở tướng Grant, đức tính đó là sự kiên quyết mạnh mẽ tiến tới”.

Chúng ta đã xét đức tính thứ nhất tức đức hiểu người. Trong chương này chúng ta xét hai đức tính khác là ngay thẳng và kiên nhẫn.

Đức làm cho người khác mến phục ta nhất là đức ngay thẳng. Mình thành thực thì người khác cũng thành thực với mình, và một người càng tự nhiên thì càng được người khác quý mến. Mới rồi ông James F. Farley bảo tôi: “Ai cũng phải là ”chính mình“, nghĩa là ai cũng phải tự nhiên. Người tự nhiên thì được người khác quý mến; hễ tự nhiên thì không sợ ai và cũng không làm cho ai sợ; hễ mình đáng tin thì được người khác tin. Mười lần thì có tới chín lần như vậy và tôi không thấy có quy tắc nào dễ hơn quy tắc đó”.

Ông J. Pierpont Morgan nói trước một ủy bản sưu tầm: “Một người đến phòng giấy của tôi và tôi đã ký cho người đó tấm ngân phiếu một triệu đôla mặc dầu tôi biết người đó không có lấy một xu nhỏ. Nhưng người nào mà tôi không tin cậy thì đừng hòng nhận được tiền của tôi dù có trình cho tôi tất cả các thứ phiếu ở Thiên đường”.

Một người ngay thẳng thì được lòng tin cậy ngay của người bạn thứ nhất của mình tức chính thân mình. Mình có tin và trọng mình thì mới chỉ huy hoặc ảnh hưởng đến người khác được. Tin ở lòng ngay thẳng của mình thì tự nhiên can đảm lên, dám làm, không nao núng trong vận bĩ và làm cho người chung quanh vững bụng.

Ông Thống đốc Walter E. Edge viết cho tôi: “Điều kiện thứ nhất để chỉ huy người khác là được lòng tin cậy của họ, như vậy họ mới trung thành, tận tâm với ta.

Lời nói của ta phải có giá trị hơn cái chi phiếu của ta. Thì những lời hứa miệng thường gây nhiều cuộc kiện cáo hơn những lời ghi trên giấy. Không có gì làm cho uy tín của một cơ quan mau tiêu tan hơn là cái cảm giác cơ quan đó không giữ lời hứa”.

Một người giám đốc hoặc chủ sự phải tin chắc tình trạng của mình trước khi hoạt động. Một lời hứa càn cho xong chuyện, một lời hứa thưởng ai mà không xét kỹ kết quả sẽ ra sao, hoặc một quyết định vội vàng, không kịp nghiên cứu kỹ sự kiện đều có thể làm cho cả cơ quan sụp đổ.

Một người giám đốc có tài thì phải biết quyết định mau mắn, nhưng phải biết mình hứa cái gì, sẵn sàng giữ lời hứa và giữ lời hứa cho được.

Đức ngay thẳng trong sự kinh doanh quan trọng đến nỗi công ty Scribble & Sons đã nêu cao bài học dưới đây:

Hồi xưa ở Bagdad có một vị hiền triết tên là Hakeem. Người tứ xứ lại xin ông chỉ bảo và ông sẵn sàng chỉ bảo mà không đòi đền ơn gì cả. Một hôm, một thanh niên bỏ vốn ra nhiều mà kiếm được ít lời, đến hỏi ông phương pháp nhất bản vạn lợi, ông đáp:

— Một vật mua bán không có một chút giá trị nào cả trừ phi có chứa một cái gì không thể mua hay bán được. Con thử xét cái yếu tố quý giá vô ngần mà xem.

Thanh niên hỏi:

— Nhưng thưa cụ, cái gì là yếu tố quý giá vô ngần ạ?

Nhà hiền triết đáp:

— Này con, yếu tố quý giá vô ngần của bất kỳ thứ hàng hóa nào ở chỗ là “cái Danh dự và sự Ngay thẳng của người chế tạo ra thứ hàng hóa đó. Phải coi tên tuổi của người làm ra nó trước khi mua”.

Ông John D. Rockefeller nói: “Tôi tin rằng lời hứa là thiêng liêng; rằng lời của một người phải có giá trị như chi phiếu của người đó; rằng tư cách – chứ không phải của cải, uy quyền hoặc địa vị – là cái có giá trị nhất”.

Ông Bernard Baruch là người đã sắp đặt bộ máy kinh tế của Mỹ một cách rất hoàn hảo trong đại chiến thứ nhất, làm cho Hindenberg phải viết trong tập hồi ký: “Baruch đã đánh bại chúng ta”. Ông nói: “Không biết rõ cái gì thì đừng nói về cái đó, và hễ nói về cái gì thì phải nói cho đúng. Không ai tin một người nói sai hoặc hay thay đổi ý kiến”.

Một người có được sự thông minh và một đức siêng năng trung bình cũng có thể tiến xa được. Như một danh nhân Pháp nào đó đã nói: “Nếu siêng năng không phải là thiên tài thì nó cũng có thể thay được thiên tài”.

• Vậy đức vạn năng thứ nhất để làm cho người khác quý mến bạn là đức ngay thẳng.

Đức tính thứ nhì là đức của tướng Grant, đức kiên nhẫn. Đừng tưởng chỉ những người giữ những địa vị quan trọng thì mới cần đức tính đó. Không phải vậy đâu. Những người thường cũng phải có những đức tính đó.

Tôi lấy thí dụ một sinh viên của tôi ở Boston. Bà ta kể: “Khi hai đứa con trai của tôi được ba và năm tuổi, tôi muốn có thêm một đứa con gái lắm. Lúc có mang, tôi tin chắc rằng sẽ sinh gái. Rồi thì vận xui tới. Tôi đau nặng phải nằm nhà thương ba tháng, và đẻ non, hồi bảy tháng. Đẻ sinh đôi: “Một trai, một gái, nhưng chúng chỉ sống được có vài giờ”. Tôi đòi được coi mặt đứa con gái, người ta bồng lại cho tôi một cái thây bé tí teo, trông thấy mà tôi muốn đứt ruột. Tôi khóc lóc. “Được mỗi một đứa con gái thì như vậy!” Sau đó, cái ý muốn sinh một đứa con gái ám ảnh tôi hoài. Khi đi dạo phố hoặc coi ca nhạc, chiếu bóng. Vợ chồng tôi thường gặp những cái xe chở em bé, và về nhà tôi khóc lóc thẩn thờ hằng giờ: “Ai cũng có con gái trừ tôi ra”.

Hồi đó bạn bè tôi thường hay khuyên bảo: “Cứ như vậy hoài thì chị sống không nổi đâu”. Tôi không muốn chết nên đi gặp một bác sĩ, hỏi: “Tôi có thể sanh được không?” Bác sĩ đáp: “Bà uống thuốc cho mạnh lên rồi muốn có bao nhiêu em bé cũng được”. Tôi nghe lời bác sĩ và mười tám tháng sau tôi sanh một đứa nữa – con gái.

Nửa đêm, tôi thường thức giấc, nghĩ: “Bây giờ mình có một đứa con gái rồi đây – Không. Có thể là mình chiêm bao rồi chăng?” Thế là tôi nhảy xuống sàn, chạy lại giường của cháu, rờ cháu Priscilla.”

Calvin Coolidge nói: “Không có cái gì thay thế được đức kiên nhẫn. Tài năng không thay thế nó được: Ta thường thấy những người không tài giỏi mà thất bại. Thiên tài cũng không, có thiên tài mà chẳng làm nên gì cả là lời chê bai ở cửa miệng mọi người. Chỉ có đức kiên nhẫn và quả quyết là vạn năng”.

Nhiều khi chúng ta cần có một chút tự tin. Nếu bạn chê khả năng của bạn hoặc tệ hơn nữa, tin rằng mình thiếu khả năng thì nên nghe lời khuyên của Emerson: “Sở đoản của một người đối với người đó có giá trị ra sao thì đối với những người khác cũng có giá trị như vậy. Nếu mình khinh thường sở đoản của chính mình thì người khác cũng khinh thường nó”.

Ông Perc Westmore, nhà chuyên môn hóa trang nổi tiếng ở Hollywood khuyên: “Đừng bao giờ chú ý hoài đến cái mà bà cho là vẻ xấu của bà. Đừng bao giờ nói cho người khác biết hoặc suy nghĩ về nó“. Trước khi hóa trang một cô đào nào thì việc đầu tiên tôi làm là cải hóa cái óc của cô ta làm cho cô ta tin rằng cô không có một vẻ xấu nào hết. Không phải ai sinh ra cũng có cái miệng tươi bông hồng, và cặp mắt đen như mắt bồ câu, nhưng người đàn bà cũng có vẻ sinh tươi riêng. Nếu tin rằng mình đẹp thì người đàn bà nào cũng có thể làm cho người đàn ông mê được”.

Owen D. Young khuyên như vầy: “Những lầm lẫn của ta có giá trị đối với ta. Chúng là vật sở hữu duy nhất của đời và may mắn nhất cho ta là rất dễ có được vật sở hữu đó. Không cần gắng sức chúng ta cũng sưu tập được vô số lầm lẫn, nhưng bạn có học được cái gì nhờ những lầm lẫn của bạn không? Có xét tình thế để rút kinh nghiệm không? Có biển chuyển lầm lẫn hoặc thất bại ra thắng lợi không? Nếu có thì bạn sẽ thành công đấy. Nếu không thì thế nào cũng thất bại”.

Đời của Disraeli là một điển hình cho điều đó. Ông thử làm một tiểu thuyết gia và thất bại. Ra làm ăn và lại thất bại. Thử lại lần nữa, cũng thất bại. Như vậy có làm cho ông nản chí không? Chính trong lúc thất vọng, nghe tin người bạn được tái cử vào Quốc hội, ông viết thư cho một người chị:

“…Macaulay giỏi thật; nhưng giữa chị và em, em có thể nói rằng em thắng cả bọn họ. Không bao giờ em tin điều gì bằng điều này: Em sẽ vào Quốc hội và sẽ làm nên sự nghiệp, vận hội sẽ tới…”

Ông đã tiến tới thành công vì ông biết rằng thành công là tiến từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất lòng hăng hái.

Mấy năm trước đây, một y sĩ trẻ tuổi phải đổi gió vì sức khỏe. Ông ta qua Scotland và ở đó ráng viết một tiểu thuyết. Khi viết xong, đọc lại ông thấy nó dở quá, dở nhất đời, ông ta tự như: “Sẽ chẳng ai thèm đọc nó đâu. Mình là thằng điên khùng đã tưởng rằng mình có tài, nên phí sức làm việc đó”. Thế là ông ta liệng nó vào thùng đựng tro. Ông ta kể chuyện đó cho một ông già ở trong miền, tự thú là mình điên, ông già đó đáp: “Bác sĩ có lý đấy, chính tôi mới lầm lẫn. Phụ thân tôi suốt đời đào hào chung quanh cánh đồng này để rút nước làm thành một bãi cỏ và tôi cũng đào suốt đời mà không thành được bãi cỏ. Nhưng dù thành hay không thành thì tôi cũng không thể không đào được và phụ thân tôi với tôi đều biết rằng nếu đào hoài thì sẽ thành một bãi cỏ”.

Viên y sĩ trở về nhà, mắc cỡ, moi bản thảo ở trong thùng tro ra, đặt lên bàn, rồi cương quyết viết lại như một người tuyệt vọng, nhất định không chịu thua. Viết hăng hái hơn trước. Sau ba tháng thì viết xong. Lúc đó ông thấy nhẹ người một cách không tưởng tượng nổi, thế là đã làm xong một công việc, đã tạo được một tác phẩm nó hay hay dở, ông ta không cần biết. Chính tác phẩm đó đã được một hội văn chương lựa chọn, được đem diễn kịch, được đăng báo, dịch ba mươi chín thứ tiếng được Hollywood mua để quay phim. Cuốn đó đã bán được ba triệu bản, đã thay đổi hẳn đời sống của ông ta, nhờ ông đã học được một bài về đức kiên nhẫn.

Bác sĩ đó sau đã bỏ nghề và trở thành một văn sĩ, ký tên A. J. Cronin. Tiểu thuyết đó là cuốn Hatter’s Castle, kế sau là những tiểu thuyết The Citadel, The Key of the Kingdom và nhiều cuốn khác nữa. Sức mạnh của đức kiên nhẫn là như vậy đó.

• Nếu bạn muốn chỉ huy người khác thì làm như vầy:

1. Luyện đức ngay thẳng trước hết.

2. Kiên nhẫn! Kiên nhẫn và kiên nhẫn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.