Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính
Chương 6 Ở PHÁP, MẶT TRỜI QUAY QUANH TRÁI ĐẤT
Đôi môi cau lại, Henri trông cứ như thể vừa cho vào miệng một thìa bánh kem trứng đã bị hỏng. Anh liên tục chớp mắt như ước sao cảm giác đắng
nghẹn trong miệng, có thể tan biến ngay lập tức. Phía sau lưng anh, tiếng nhạc bắt đầu thôi thúc rền rỉ.
Ngày hôm đó đã mang đến cho Henri những hy vọng hết sức bất ngờ. Dù thế nào đi nữa thì Henri cũng đã trở thành người được chọn trong hàng ngàn ứng viên đang mong muốn được trở thành người chơi trong chương trình Qui veut gagner des millions – phiên bản ở Pháp của game show Ai là triệu phú (Who Wants to Be a Millionaire). Khi Henri vừa ngồi xuống chiếc ghế nóng trên sân khấu, ánh đèn bỗng rực sáng và người dẫn chương trình Jean-Pierre Foucault liền giới thiệu người chơi là anh cùng cô bạn gái Sophie đang cổ vũ từ hàng ghế khán giả.
Dù được tổ chức ở quốc gia nào, game show Ai là triệu phú cũng có cùng một luật chơi: người chơi sẽ phải trả lời các câu hỏi trắc nghiệm với độ khó tăng dần tương ứng số tiền thưởng cũng tăng dần. Những câu hỏi đầu tiên thường rất dễ dàng, đến mức cứ như cho không, kiểu như: Cô bé quàng khăn đỏ đã đi thăm ai?
A. Mẹ
B. Chị
C. Bà
D. Người anh em họ
Cuộc chơi sẽ tiếp tục với những câu hỏi về những điều ít người biết hơn, chẳng hạn như “Có bao nhiêu thủy thủ đã đi cùng Columbus trên chuyến hải trình từ Tây Ban Nha đến Tân thế giới?” Nếu người chơi gặp khó khăn, họ có thể dùng một trong ba quyền trợ giúp: gọi điện thoại cho người thân, loại bỏ bớt phương án trả lời sai hoặc hỏi ý kiến khán giả trong trường quay.
Henri đã vượt qua những câu hỏi đầu tiên rất tốt, nhưng mọi việc thay đổi khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi: “Qu’est-ce qui gravite autour de la terre?” nghĩa là “Tinh cầu nào quay quanh Trái Đất?”.
Henri cũng nhìn chăm chú vào bốn phương án trả lời trong khi người dẫn chương trình đọc to nội dung câu hỏi: (A) Mặt trăng, (B) Mặt trời, (C) Sao Hỏa và (D) Sao Kim. Henri đọc lại câu hỏi một lần nữa và suy nghĩ về bốn phương án để chọn lựa. Tiếng nhạc dồn dập thôi thúc, Henri cắn môi căng thẳng. Nhận ra trạng thái bối rối và thoáng chút lo ngại của người chơi, người dẫn chương trình đưa ra lời khuyên: “Anh hãy bình tĩnh, và nếu anh không chắc chắn lắm về câu trả lời, hãy nhớ đến quyền trợ giúp”.
Đây là lúc Henri cần đến những sự trợ giúp mà anh có thể có được, và Henri quyết định chọn quyền trợ giúp “hỏi khán giả”. Có lẽ bạn nghĩ rằng Henri đã khôn khéo khi chọn tham khảo ý kiến khán giả. Thông thường, ngay cả khi có một số người trả lời sai đi nữa thì phần đông khán giả sẽ đưa ra câu trả lời đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Henri đã gặp phải một bài học nặng nề rằng tư duy cảm tính của chúng ta về sự công bằng có thể tác động đến quyết định ở mỗi người.
Người dẫn chương trình hướng dẫn: “Xin mời các khán giả sử dụng bàn phím trả lời. Hãy giúp Henri trong câu hỏi này… Tinh cầu nào quay quanh Trái đất? Nếu các bạn biết câu trả lời, hãy chọn bấm nút tương ứng trên bàn phím. Nếu không chắc chắn, mọi người vui lòng không tham gia. Các chọn lựa là (A) Mặt trăng, (B) Mặt trời, (C) Sao Hỏa và (D) Sao Kim. Mọi người bắt đầu trả lời nhé. Xin cám ơn!”.
Trong lúc khán giả lựa chọn câu trả lời, máy quay tập trung vào bạn gái của Henri. Cô đang mặc chiếc áo dài tay màu xanh lục và đeo một cặp kính đỏ thời trang, trông cô có vẻ lo lắng vì bạn trai của mình không thể tự chọn được đáp án đúng. Sau đó, máy quay hướng về phía khán giả và bắt lấy khoảnh khắc bối rối trên gương mặt họ, một dấu hiệu cho thấy họ đã có nhận xét nào đó về Henri.
Khi phần trả lời của khán giả được công bố, Henri hít một hơi thở sâu đầy khó khăn: lúc này, anh bắt buộc phải trả lời đúng câu hỏi này thì mới có thể tiếp tục cuộc chơi. Đương nhiên chẳng có khán giả nào chọn đáp án Sao Kim quay quanh Trái đất. Thế nhưng lại có 2% khán giả chọn câu trả lời Sao Hỏa. Và rồi điều gây ngạc nhiên nhất chính là đây. Chỉ 42% khán giả chọn phương án chính xác là Mặt trăng, nhưng có đến 56% khán giả chọn phương án Mặt trời quay quanh Trái đất.
Henri lặng người. Lúc này chúng ta có thể tự hỏi liệu hệ thống giáo dục Pháp mắc phải sai lầm nghiêm trọng nào không. Tuy vậy, chắc chắn câu trả lời của khán giả không hẳn là do họ thiếu kiến thức phổ thông cơ bản.
Khi phân tích chuyện xảy ra ở Pháp, chúng ta sẽ khám phá về tác động tâm lý tiếp theo: tác động tâm lý ảnh hưởng đến những mối quan hệ trong phòng họp, trong nhà tù và ở cả sân vận động. Câu chuyện bắt đầu từ một thí nghiệm ở Đức về những đối tượng buộc phải có cách phân chia mọi thứ như một đứa trẻ. Các nhà nghiên cứu ở Berlin đã sắp xếp ngẫu nhiên từng cặp hai người không quen biết nhau vào các căn phòng riêng biệt. Mỗi người tham gia được
thông báo rằng họ sẽ được sắp xếp thành cặp với một người bạn đồng hành chưa biết rõ danh tính. Hai người được nhận một số tiền trị giá 10 đô-la. Nhưng số tiền này được chia như thế nào là tùy họ. Tuy nhiên, vấn đề chính là những người tham gia không được trò chuyện, tung đồng xu may rủi hoặc thương lượng với nhau. Thay vào đó, một trong hai người được chọn lựa ngẫu nhiên để quyết định chia món tiền ấy như thế nào.
Người được chọn sẽ có quyền được tự ý chia đôi số tiền theo tỷ lệ mình muốn. Người nhận khi được biết đề xuất của đối phương phải quyết định có chấp nhận cách phân chia đó hay không. Trong trường hợp người nhận đồng ý, cả hai người tham gia sẽ nhận được phần chia của mình. Còn nếu người nhận từ chối lời đề nghị, cả hai sẽ ra về tay trắng.
Trò chơi này chỉ được chơi duy nhất một lần, do vậy người chơi sẽ không có cơ hội thứ hai. Hơn nữa, họ được thông báo rằng khi trò chơi kết thúc, cả hai đều được giấu tên và không liên hệ với nhau.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của người phải quyết định phân chia số tiền ấy như thế nào. Hầu hết chúng ta sẽ có nhiều khả năng chọn cách chia đều nhau. Thực tế thì khi đứng trước quyết định chọn lựa, phần đông những người tham gia đều chọn chia đều số tiền để mỗi bên nhận 5 đô-la. Và tất cả những người nhận khi biết cách phân chia này cũng đều chấp nhận.
Điều thú vị sẽ xảy ra đối với những trường hợp người chia chọn cách chia cho mình phần nhiều hơn. Bạn có thể hình dung người nhận sẽ cảm thấy khá bực bội. Nhưng liệu họ có nổi giận đến mức chấp
nhận ra về mà không được đồng nào hay không? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời là có. Thay vì chấp nhận số tiền ít hơn theo cách phân chia của người kia, thì hầu hết người chơi khi được đề nghị mức chia chênh lệch như vậy đã từ chối thẳng thừng và chọn phương án ra về mà không nhận được gì từ cuộc chơi.
Rõ ràng là theo quan điểm duy lý đơn thuần, người chơi – với vai trò là những người tiếp nhận phương án đề xuất – có thể chấp nhận bất kỳ cách phân chia nào. Dù sao, có một ít tiền thì vẫn tốt hơn không được xu nào. Hai đô-la, dĩ nhiên không bằng năm, nhưng vẫn tốt hơn con số 0. Tuy nhiên, trái với cách suy luận lôgic này, đa phần những người chơi khi nhận được lời đề nghị không công bằng thì đều từ chối. Họ chấp nhận ra về tay trắng nhưng bản thân có cảm giác công lý đã được thực thi.
Hơn nữa, thái độ sẵn sàng từ chối cách phân chia không công bằng này của họ cũng không phụ thuộc vào tổng giá trị số tiền được đưa ra. Khi thực hiện cuộc thử nghiệm tương tự với số tiền 100 đô-la thay vì chỉ 10 đô-la thì người chơi cũng không chấp nhận cách phân chia không công bằng.
Cuộc nghiên cứu đã khẳng định niềm tin cố hữu về sự công bằng và mức độ sẵn sàng bảo vệ công lý của chúng ta. Chính việc tuân theo những quy luật về sự công bằng đã tác động đến các khán giả người Pháp của chương trình Ai là triệu phú. Liệu Henri, người không nắm được kiến thức thiên văn cơ bản, có thật sự xứng đáng được nhận số tiền thưởng một triệu euro hay không? Đối với khán giả Pháp, số lượt
trả lời sai, chiếm đến 56% so với 42% của số lượt chọn câu trả lời đúng đã hàm ý sự không đồng tình. Họ cố ý chọn câu trả lời sai bởi vì bản thân họ nghĩ sẽ không công bằng khi để cho Henri tiếp tục cuộc chơi nhờ sự giúp sức của họ trong khi anh ấy thậm chí không thể trả lời được một câu hỏi đơn giản.
Khi Henri đồng tình với câu trả lời của khán giả, bạn có thể nghe thấy tiếng cười kín đáo của các cổ động viên. Với họ, việc giúp một người chơi không xứng đáng chọn câu trả lời đúng cũng giống như việc đồng ý để cho người phân chia không công bằng nhận số tiền chênh lệch nhiều hơn. Đơn giản chỉ vì việc đó là không công bằng.
Nhiều kiểu khảo sát thử nghiệm về “cách phân chia” đã mở ra nhiều điều thú vị về vấn đề này. Những người tham gia cuộc nghiên cứu đều hành động theo một quy luật nhất định, trừ phi họ được thông báo rằng bạn cùng chơi với họ là một chiếc máy tính chứ không phải là một con người, và người bạn máy tính ấy có nhiệm vụ phân chia số tiền. Trong trường hợp máy tính truy xuất những đề nghị “thiếu công bằng”, thì người chơi cũng không từ chối. Họ sẵn sàng chấp nhận cách phân chia không đồng đều do máy tính đưa ra, trong khi với cùng lời đề nghị đó, họ sẽ từ chối nếu bắt cặp với họ là một người thật.
Nói cách khác, khi vấn đề công bằng được đưa ra, thì chính cách thức thực hiện chứ không phải kết quảcủa sự việc có thể khiến chúng ta phản ứng không hợp lý lắm. Hiện tượng này được gọi là thể thức công bằng. Chúng ta không yêu cầu máy tính phải công
bằng, nhưng lại đòi hỏi một con người thật sự phải thực hiện điều đó.
Hãy cân nhắc điều có thể xảy ra nếu chúng ta tham gia vào một thử nghiệm tương tự nhưng trong tình huống là người có quyền đề xuất cách phân chia có thể trao đổi với chúng ta. Giả sử họ nói với chúng ta rằng họ đang gặp khó khăn về tài chính và cần sự hỗ trợ, có nhiều khả năng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận một mức chia không có lợi cho mình. Với lý do chính đáng cho một đề xuất thiếu công bằng, chúng ta sẽ không cảm thấy bị lợi dụng và dễ dàng chấp nhận lời đề nghị đó hơn.
Ngay cả những chuyên gia tính toán giỏi nhất cũng bị vấn đề công bằng chi phối. Khi nhắc đến những người kinh doanh ô tô, chắc hẳn bạn sẽ luôn muốn một sự công bằng với họ. Tuy nhiên, dù có sở trường về kinh doanh và đàm phán với khách hàng, nhưng trên thực tế họ là đối tượng thường xuyên phải chịu nhiều áp lực từ các nhà sản xuất ô tô. Hầu hết những đại lý kinh doanh ô tô đều hoạt động ở quy mô vừa phải và ít có khả năng điều chỉnh giá như các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Chẳng hạn, nếu bạn là một đại lý kinh doanh cho hãng Ford, khi đó Ford sẽ là nhà cung cấp duy nhất của bạn. Họ đưa ra mức giá và có thể quyết định những mẫu xe mà bạn phải bán được. Các đại lý kinh doanh thường phải trả giá cao và đối mặt với nguy cơ phải giải quyết hàng tồn kho, những mẫu xe không bán chạy mà nhà sản xuất cần thanh lý.
Khi các nhà nghiên cứu nói chuyện với các đại lý kinh doanh ô tô, họ khám phá ra rằng giới kinh doanh đánh giá rất cảm tính về mối quan hệ giữa họ
và nhà sản xuất. Một khảo sát về các đại lý kinh doanh ô tô trên toàn nước Mỹ đã chỉ ra: thay vì quan tâm đến kết quả giao dịch giữa hai bên (Mức giá tôi phải trả có quá cao hay không? Những mẫu xe tôi nhận được chất lượng có tốt không?) thì các nhà kinh doanh lại quan tâm nhiều hơn đến cách nhà sản xuất đối xử với mình. Kết quả khảo sát cho thấy điều mà các đại lý kinh doanh quan tâm không chỉ là việc họ có hài lòng với hoạt động kinh doanh hay không, mà họ còn đánh giá dựa vào những chi tiết có vẻ như không quan trọng mấy, chẳng hạn việc các nhà sản xuất có “chịu khó quan tâm tìm hiểu tình hình địa phương nơi các đại lý kinh doanh đang hoạt động”, có thái độ “lịch sự” và “tôn trọng các đại lý kinh doanh” hay không. Những yếu tố mang tính công bằng này dường như quan trọng hơn những con số ưu đãi trong việc tác động đến mức độ hài lòng nói chung của các đại lý kinh doanh ô tô.
Nhóm nghiên cứu kết luận: nhà sản xuất ô tô cũng như nhà quản lý kinh doanh đều thích “đề cao các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận”, trong khi một điều rõ ràng quan trọng hơn đối với khách hàng chính là sự công bằng trong các giao dịch. Họ yêu cầu các nhà quản lý dù trong bất kỳ ngành nghề nào, cũng phải dành nhiều “nỗ lực, vốn đầu tư, thời gian và sự kiên nhẫn” để xây dựng và củng cố các mối quan hệ. Nghiên cứu về những đại lý kinh doanh ô tô cũng cho thấy cách chúng ta được đối xử theo một thể thức công bằng đã góp phần tạo nên sự hài lòng cũng như hiệu quả cuối cùng của chúng ta.
Điều đặc biệt thú vị ở hai chữ “công bằng” là tầm quan trọng của việc giúp người khác cảm nhận được
rằng tiếng nói của họ được tôn trọng. Một nhóm nghiên cứu yêu cầu hàng trăm tội phạm từ Baltimore, Detroit và Phoenix tham gia vào một cuộc khảo sát. Những người đàn ông này từng phạm các tội như tàng trữ ma túy, lừa gạt và cướp có vũ trang. Phần đầu tiên của cuộc khảo sát bao gồm những câu hỏi thực tế chẳng hạn về tội danh và thời gian họ lãnh án. Ở phần thứ hai, cuộc khảo sát đề cập đến quan niệm về sự công bằng: Các anh được đối xử như thế nào?
Các anh có thiện cảm với thẩm phán không? Các luật sư có đối xử tốt với các anh không? Tất cả câu hỏi trong cuộc khảo sát đều tập trung vào hai phương diện chính, đó là kết quả xét xử, gồm hình thức xử phạt, án treo hoặc án tù và về mức độ công bằng trong quá trình xét xử – sự công bằng mà các tội phạm cảm thấy họ được đối xử dựa trên hệ thống pháp luật.
Khi các nhà nghiên cứu tổng hợp và phân tích những kết quả điều tra, họ phát hiện một điều khá đặc biệt. Có thể chúng ta sẽ cho rằng các bị cáo dựa vào kết quả xét xử để đánh giá mức độ công bằng của cả quá trình xét xử, nghĩa là người nào nhận mức án nhẹ sẽ nghĩ rằng quá trình xét xử là công bằng nhiều hơn những người nhận mức hình phạt cao nhất.
Nhưng kết quả lại khẳng định: dù các phạm nhân phạm tội gì và phải chịu hình phạt như thế nào, họ đều cân bằng trong việc đánh giá cả kết quả lẫn quá trình xét xử.
Một trong những nhân tố được các phạm nhân đặt lên hàng đầu chính là lượng thời gian mà các luật sư dành cho họ. Thời gian trao đổi với luật sư càng
nhiều, họ càng cảm thấy thoải mái hơn khi nhận mức án cuối cùng. Tới đây, bạn sẽ nghĩ rằng kết quả phải là ngược lại: một phạm nhân phải nhận mức án cao, nhất là sau khi đã trải qua nhiều thời gian với luật sư bào chữa thì sẽ tỏ ra tức giận. Nhưng dường như chính cách hành xử của vị luật sư đã tạo nên sự khác biệt lớn. Nói cách khác, mặc dù kết quả chắc hẳn không thay đổi, nhưng nếu không thể bày tỏ được những nỗi lo lắng của mình, chúng ta sẽ cảm nhận sự công bằng theo một cách hoàn toàn khác.
Nhu cầu được lắng nghe không chỉ giới hạn trong trường hợp của các phạm nhân. Khi rảo bước trên đường Sand Hill ở thành phố Menlo Park – bang California – dọc theo những tòa nhà văn phòng hai tầng khiêm tốn, bạn sẽ không chú ý đến những chi tiết phù phiếm khác xung quanh. Nhưng quan sát kỹ hơn, và sau khi một vài chiếc Ferraris chạy qua, bạn chợt nhận ra sự sung túc của khu vực này. Bên trong những văn phòng kia, rất nhiều công ty sản xuất công nghệ cao nổi tiếng nhất nước Mỹ đã được hình thành.
Những nhà tư bản ở thung lũng Silicon và nhiều nơi khác trên nước Mỹ được hỏi về những nỗ lực mà họ đã kiên trì theo đuổi, tuy các câu hỏi đặc thù không giống những câu dùng để khảo sát các phạm nhân nhưng những nhà tư bản đều hướng câu trả lời chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh: kết quả và quá trình. Cuộc khảo sát bao gồm những câu hỏi nhất định về giao tiếp giữa họ với các chủ doanh nghiệp, chẳng hạn: “Các CEO gửi đến các ông báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động như thế nào?” và “Mức độ cập
nhật thông tin về các hoạt động của công ty từ các CEO đến các ông là như thế nào?”.
Chắc hẳn bạn nghĩ rằng những nhà tư bản đầu tư sẽ tính toán và phân tích kỹ lưỡng câu trả lời hơn là những phạm nhân. Công việc của họ đơn giản là đưa ra một quyết định đầu tư tốt và như vậy là sẽ có tiền. Nhưng khi nhìn vào bản trả lời của các nhà tư bản, chúng ta cũng nhận thấy một điều rõ ràng rằng chính họ cũng đề cao việc bản thân mình phải được tôn trọng.
Khi phân tích các kết quả, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng “những phản hồi định kỳ từ chủ doanh nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng và ủng hộ các quyết định mang tính chiến lược của chủ doanh nghiệp và hạn chế việc kiểm soát chặt chẽ dự án đầu tư”. Nếu doanh thu tài chính từ hoạt động đầu tư được đánh đồng với mức án của một phạm nhân, thì giám đốc điều hành của một công ty có vai trò tương tự một luật sư bào chữa. Một CEO tạo dựng mối quan hệ tốt sẽ để lại ấn tượng tích cực với chủ đầu tư hơn là một CEO không khéo léo và thiếu cởi mở.
Nhưng việc tập trung quá nhiều vào việc báo cáo thông tin có thể sẽ gây bất lợi cho một chủ đầu tư mong muốn nhận được mức sinh lời cao từ nguồn vốn đầu tư của mình. Mối quan hệ giữa nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp thật ra chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc, và việc thường xuyên giữ liên lạc giữa hai đối tượng này hầu như không thể làm cho vốn đầu tư sinh lợi. Đánh giá của chủ đầu tư về một khoản đầu tư chỉ là ở tiềm năng và triển vọng của công ty đến mức nào. Và tất cả những điều họ biết là một CEO
không cởi mở có thể là người luôn bận rộn vì công việc để giúp cho đồng vốn của họ sinh lời.
Trong khi tác động của thể thức công bằng và khát vọng được tôn trọng có sức ảnh hưởng mạnh đến tất cả chúng ta, dù chúng ta là những nhà kinh doanh ô tô, các phạm nhân hay những nhà tư bản đầu tư, thì cách chúng ta nhìn nhận về hai từ “công bằng” cũng thay đổi đáng kể tùy theo từng nền văn hóa. Trong câu chuyện về trò chơi truyền hình Ai là triệu phú, Henri đã đổi tên thành Henry và lần này thi đấu trước các khán giả Mỹ. Kết quả cho thấy khán giả Mỹ rất sẵn lòng giúp đỡ người chơi bất kể anh ta có những khả năng gì. Dữ liệu thống kê cho thấy ở Mỹ, quyền trợ giúp “hỏi ý kiến khán giả” đã cho ra kết quả đáp án đúng với xác suất lên đến hơn 90%.
Tuy nhiên, khi phiên bản Ai là triệu phú được giới thiệu ở Nga, nhóm sản xuất đã lưu ý rằng khán giả ở đây thường đưa ra câu trả lời sai, hơn nữa không chỉ là trong những trường hợp người chơi tỏ ra bối rối như Henri. Khán giả Nga không có sự phân biệt, họ cố ý nhìn nhận những người chơi hiểu biết nhiều và ít hiểu biết hơn là như nhau. Trên thực tế, khán giả Nga có nhiều khả năng cho đáp án sai đến nỗi người chơi luôn phải thận trọng với quyền trợ giúp “hỏi ý kiến khán giả”.
Khi chúng tôi liên hệ với nhóm sản xuất chương trình Ai là triệu phú với ý định tìm lời giải thích cho hiện tượng các khản giả ở Nga, họ cũng khá bối rối. Nhưng Geoffrey Hosking, một chuyên gia về lịch sử Nga, đã cung cấp cho chúng tôi một vài điều thú vị. Chúng tôi gặp Hosking suốt một tuần lễ cuối cùng
trong khoảng thời gian ông đến thăm Princeton với vai trò một giáo sư, khi ông chuẩn bị quay về Anh, về nơi ông làm việc tại Đại học Luân Đôn. Ban đầu, Hosking cảm thấy hứng thú với văn hóa Nga trong suốt thời kỳ Khrushchev. Chắc hẳn ông cũng không ngờ nghiên cứu của mình đã giúp mọi người giải thích những hiện tượng khác biệt trong chương trình Ai là triệu phú.
Để có lời giải đáp cho bí ẩn về điều đã khiến các khán giả Nga luôn cố tình lựa chọn đáp án sai, Hosking đưa chúng ta ngược thời gian đến những ngôi làng ở vùng quê nước Nga. Ông giải thích rằng trước thế kỷ hai mươi, người nông dân bị quản lý bằng nguyên tắc “trách nhiệm chung”. Tất cả mọi người sẽ cùng nhau làm mọi việc – chi trả tiền thuế, tham gia quân đội, giữ gìn hòa bình trong cộng đồng và bắt tội phạm. Từ đó, mọi người đều có suy nghĩ mình sống là để giúp đỡ nhau.
Khi đất nước phát triển theo định hướng công nghiệp hóa trong thời kỳ Xô Viết, người dân vẫn gìn giữ lối sống cũ và vận dụng vào môi trường thành thị. Hosking giải thích thêm rằng mặc dù cuộc sống trong các khu nhà công cộng khá khó khăn và tù túng nhưng nhà nhà đều giúp đỡ nhau bằng cách cho vay tiền, hoặc cho mượn những vật dụng nhỏ như các dụng cụ nhà bếp hoặc que diêm. Ông nói: “Cuộc sống khá bình dị và dĩ nhiên là bạn có thể tìm thấy những điều tương tự xảy ra ở những cộng đồng khác chứ không phải chỉ ở nước Nga. Nhưng tôi cho rằng cuộc sống ở Nga lúc bấy giờ có hệ thống và mang lại nhiều sự kỳ vọng hơn”. Lối xử sự này cũng phổ biến tại các nhà máy, nơi “các công dân Nga luôn quan
tâm và có trách nhiệm với cuộc sống của mỗi người khác”.
Nhưng một cộng đồng phụ thuộc vào nhau quá nhiều cũng có thể quay lưng lại với bạn nếu bạn đứng tách rời hoặc có sự khác biệt với mọi người. Theo ý kiến của Hosking, xu hướng này bắt nguồn từ quan niệm “người nào không giống những người còn lại có thể sẽ trở nên nguy hiểm với cả cộng đồng, dù cho họ rất giàu hay rất nghèo. Do vậy, xã hội tồn tại xu hướng tìm kiếm cái chung và loại bỏ những con người không phù hợp”.
Và Hosking giải thích rằng đây chính là chìa khóa của vấn đề: “Nếu một người trở nên quá nghèo, người đó sẽ là gánh nặng cho những người còn lại trong cộng đồng. Còn nếu họ giàu có, điều này lại có nghĩa là họ không lương thiện: có thể họ là tội phạm hoặc đã làm những việc gì đó gây nguy hại cho cộng đồng”.
Quan niệm về sự giàu sang ở Nga hoàn toàn khác biệt với quan niệm của phương Tây. Hosking chia sẻ: “Nhìn chung, người Mỹ xem việc một người giàu lên là điều có thể giải thích được. Lúc này ở Nga, giới đầu sỏ chính trị (một nhóm các chủ doanh nghiệp tìm ra cách kiếm thật nhiều tiền sau khi chính quyền Xô Viết sụp đổ) đã nhanh chóng phất lên bằng những cách đáng ngờ nhất. Đây là điều đầu tiên khiến dân chúng Nga phẫn uất. Điều thứ hai tôi cho rằng chính là việc họ không đồng tình với sự thật những con người này bỗng trở nên giàu có hơn những người còn lại”.
Từ quan điểm này có thể khẳng định rõ ràng khán giả của chương trình Ai là triệu phú ở Nga đã xem
người chơi như là những người đang cố gắng làm giàu bằng công sức của khán giả, như vậy thì tại sao họ lại phải ủng hộ hành động không công bằng đó chứ?
Bằng cách của họ, Henri và những người chơi ở Nga đã đi ngược lại quan niệm cố hữu về sự công bằng trong nền văn hóa riêng của họ. Nhưng những gì được coi là công bằng ở Moscow thì không nhất thiết cũng được cho là công bằng ở Paris hay Berlin. Và khi nền kinh tế thế giới trở thành nền kinh tế toàn cầu, sự khác biệt giữa những quan niệm về sự công bằng lại ngày càng trở nên quan trọng.
Nhà nghiên cứu Joseph Henrich quyết định khảo sát tính phổ biến của sự công bằng dựa vào nền văn hóa. Henrich bắt đầu bằng việc làm lại khảo sát về việc phân chia với các sinh viên tốt nghiệp ở trường Đại học California, thành phố Los Angeles. Ông quyết định sử dụng số tiền mà ông biết rằng có thể khiến họ lưu tâm. Và số tiền cuối cùng dành cho cuộc thử nghiệm này là 160 đô-la – tương đương với mức thù lao của khoảng 2,3 ngày làm việc, tính theo mức lương tiêu chuẩn của các sinh viên tốt nghiệp đại học là 9 đô-la/giờ. Luật chơi của Henrich cũng giống như quy định của cuộc khảo sát ban đầu: bạn chỉ được ra quyết định một lần và bạn không được biết về người bạn cùng chơi với mình.
Tương tự cuộc khảo sát ban đầu, khi tỷ lệ phân chia trong khảo sát ở Đại học California là 50/50 thì lời đề nghị này luôn được người còn lại chấp nhận. Sau khi trò chơi kết thúc, Henrich phỏng vấn những người tham gia để tìm hiểu họ nghĩ gì khi cân nhắc lời đề nghị. Kết quả lại một lần nữa đưa ra cùng câu
trả lời: đó là sự công bằng. Những người tham gia nói: “Tôi nghĩ rằng nếu đưa ra lời đề nghị thấp hơn một nửa, có nhiều khả năng người cùng chơi với tôi sẽ không chấp nhận”. Và có vẻ như suy nghĩ của những người chơi ở vị trí đề xuất tỷ lệ phân chia đã đúng. Khi được hỏi liệu họ có chấp nhận tỷ lệ 80/20 không, nghĩa là số tiền nhận được tương ứng với 32 đô-la, hầu như tất cả người chơi đều tỏ ý cười cợt. Họ tuyên bố: “Thật không công bằng”. Và họ sẵn sàng chấp nhận ra về tay trắng. Một số người còn tiết lộ họ sẽ từ chối bất kỳ lời đề nghị nào dưới 50% tổng số tiền.
Tiếp theo, Henrich quyết định thực hiện cuộc khảo sát này ở bên ngoài. Ông đến một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái đất, vào tận rừng rậm Amazon ở Pêru để tiếp cận bộ lạc Machiguenga. Cách thành phố gần nhất tám tiếng đi đường, người Machiguenga vẫn giữ cuộc sống tách biệt với xã hội hiện đại trong nhiều thế kỷ qua. Họ sống trong những ngôi làng nhỏ; mỗi gia đình đều độc lập trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm, chế tạo các công cụ và sinh tồn.
Henrich đi cùng một thông dịch viên nói được phương ngữ Arawakan, tiếng bản xứ ở vùng này. Sau đó, ông tính toán ra một số tiền tương ứng với 2,3 ngày lao động của người Machiguenga. Bởi vì bộ lạc Machiguenga vốn không có đồng tiền riêng nên Henrich đã dựa vào những gì họ kiếm được từ việc đốn củi và làm thuê cho các công ty sản xuất dầu ở địa phương. Thù lao của 2,3 ngày làm việc ấy tương ứng khoảng hai mươi đồng Pêru.
Quyết định dùng số tiền này làm mức chuẩn để phân chia, Henrich cẩn thận giải thích luật chơi cho
những người Machiguenga. Và ở đây, trò chơi này diễn ra theo một hướng hoàn toàn khác.
Không giống những người tham gia ở Đại học California hay những người chơi ở Nhật, Indonesia và Israel, phần lớn người Machiguenga đều chia cho người bạn cùng chơi một phần ít hơn của mình. Trong khi tỷ lệ chia phổ biến trong cuộc khảo sát ở Đại học California là 50/50 thì hầu hết người Machiguenga lại đưa ra tỷ lệ 85/15. Điều này cũng có nghĩa là người ra quyết định phân chia là người được lợi nhiều hơn.
Ấn tượng hơn, không giống phản ứng giận dữ của những người đóng vai trò tiếp nhận lời đề nghị phân chia ở Đại học California, khi gặp tỷ lệ phân chia không có lợi cho mình, người Machiguenga vẫn chọn phương án chấp nhận. Hành động đó chứng tỏ họ tuân theo một hình thái kinh tế duy lý kiểu mẫu: từ quan điểm hoàn toàn khách quan và thiết thực, rõ ràng là rất hợp lý khi chấp nhận bất kỳ lời đề nghị nào vì dù cho có nhận được ít hơn thì vẫn tốt hơn là không nhận được gì.
Sau đó, khi được phỏng vấn, những người Machiguenga chấp nhận lời đề nghị thua thiệt đã cho biết lý do họ đã hành động như vậy. Henrich giải thích: “Nhiều cá nhân xác định rằng họ sẽ luôn chấp nhận bất kỳ món tiền nào mà không cần quan tâm người đề xuất phương án [người quyết định tỷ lệ phân chia] nhận được bao nhiêu”. Thay vì nghĩ rằng mình đang bị người bạn chơi lấn lướt, “họ dường như cho rằng họ đã không may mắn khi là người tiếp nhận [người chọn lựa] mà không phải là người đề xuất”. Những người Machiguenga ở vai trò người tiếp
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.