Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính

Chương 2 SA LẦY TRONG Ý THỨC TRÁCH NHIỆM



Chèo xuồng trên hồ Wauburg của Đại học Florida là một trải nghiệm rất thú vị. Cảnh vật ở hồ Wauburg mang đậm nét đặc trưng của miền Nam nước Mỹ. Quanh hồ nước này, hoặc cũng có thể gọi đó là một đầm lầy, là những đám cỏ hoang rậm rạp mọc đầy, những hàng cây cao che chắn, thân phủ rong rêu, rễ cắm sâu dưới dòng nước ấm. Rất nhiều loài côn trùng vo ve suốt cả ngày lẫn đêm, trong đó phải kể đến những bầy muỗi khát máu cứ liên tục lao tới.

Phong cảnh lãng mạn trên hồ sẽ nhanh chóng tan biến khi bạn bất chợt nhận ra cặp mắt sắc lạnh của một loài bò sát đang theo dõi bạn từ dưới mặt nước. Theo lời kể của những người sống quanh đây thì hồ này chính là nơi trú ngụ của một bầy cá sấu Nam Mỹ. Người ta nói chúng không tấn công người, nhưng nói chung cũng không ai dám chắc điều đó.

Hồ Wauburg là lãnh địa của rất nhiều cá sấu, nhưng đây không phải là đầm lầy khét tiếng có nhiều cá sấu nhất tại thành phố Gainesville, bang Florida. Nơi nổi danh hơn mà chúng tôi muốn nói đến là sân bóng đá của trường Đại học Florida, địa điểm này vốn bị gán cho biệt danh Đầm lầy. Mỗi mùa thu, nhiều đoàn cắm trại với các xe lưu động, xe thể thao đa tính năng lại di chuyển đến khu vực sân bóng này, và rất nhiều người được cử ra sân vận động để phát quang bụi rậm cũng như giải quyết những con cá sấu Nam Mỹ.

Bầu không khí nhộn nhịp đang náo nức đón chờ một sự kiện thể thao sôi nổi sắp diễn ra này chính là nơi để chúng ta tìm ra manh mối cuối cùng còn đang

ẩn giấu hòng giải đáp cho tai nạn khó hiểu đã xảy ra với Van Zanten.

Không khí chuẩn bị cho giải đấu đang diễn ra thật huyên náo, nhưng Steve Spurrier vẫn cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. Anh đã lớn lên ở miền Nam, chơi bóng cho Đại học Florida với vị trí tiền vệ và từng mang chiếc cúp Heisman về cho trường. Hai mươi ba năm sau, anh trở lại đây và đảm nhận vai trò huấn luyện viên cho đội bóng của trường.

Khi Spurrier tiếp nhận đội bóng Gator của trường vào năm 1990, thì đội này đang bị ví von là những cỗ máy cần được bảo trì. Đội bóng chưa hề đoạt được một danh hiệu vô địch nào. Thật ra, đội còn đang trong giai đoạn bị kỷ luật vì cựu huấn luyện viên của đội cho rằng các cầu thủ đã vi phạm nội quy nghiêm trọng.

Nếu chỉ nói Spurrier đã làm việc tốt thì nghĩa là đã nói giảm bớt đi rồi. Bởi vì quả thật khi đối mặt với những khó khăn ban đầu, huấn luyện viên Spurrier đã chọn lựa dẫn dắt đội bóng của mình theo một đường lối mới và rồi giành được nhiều thành tích bất ngờ, gây ấn tượng ngoạn mục với người hâm mộ mãi tận nhiều năm sau đó. Chính uy tín, sự hòa hợp của Spurrier với đội bóng cùng tài năng của huấn luyện viên này đã giúp đưa danh tiếng của đội bóng Đầm lầy vang xa. Có thể nói thành công quan trọng nhất mà Spurrier đã đạt được là nhận thấy điểm yếu trong chiến lược thi đấu của đội bóng của mình chính từ những đối thủ.

Trong suốt nhiều năm, các đội bóng tham dự giải đấu đều cùng theo đuổi lối chơi kiểu bào mòn sức lực: họ chuộng lối chơi thận trọng, dè dặt và cố gắng giữ

bóng càng nhiều càng tốt, hy vọng có thể chiến thắng trong cuộc chiến phòng thủ. Các cầu thủ không chịu sức ép phải ghi bàn thật nhiều. Họ được định hướng chơi bóng theo lối phải bào mòn sức lực của đối thủ và tập trung câu giờ càng lâu càng tốt. Nói cách khác, các huấn luyện viên trước đây dẫn dắt đội bóng chơi bóng chỉ để không bị thua.

Điều này có thể tạo liên tưởng rằng các huấn luyện viên bóng đá cũng đang hành động rất giống vị khách của Jordan Walters – người đã đánh rơi vận may của mình vì công ty công nghệ sinh học: thay vì tập trung để đạt được mức lợi nhuận cao nhất thì anh ta lại chú tâm làm cách nào tránh né những tổn thất có thể xảy ra. Chính tác động tâm lý này đã mở ra một cơ hội mới cho Spurrier. Đơn giản là Spurrier đã hướng dẫn đội bóng cách chơi để đạt được chiến thắng bằng phương pháp anh gọi tên là “Fun-n- Gun” – chơi để ghi bàn.

Khi chúng tôi đến gặp Spurrier, anh giải thích rằng giống như tất cả các huấn luyện viên khác, anh cũng có hàng loạt phương án chơi bóng theo lối phòng thủ: “Nhưng anh cũng biết đấy, khi đích ngắm di chuyển, tầm bắn cũng phải di chuyển theo. Làm như vậy, anh mới chắc chắn đạt được thành công cuối cùng”. Nhưng Spurrier cũng đồng thời áp dụng những lối chơi khác để “khi có cơ hội thuận lợi, các cầu thủ của bạn có thể ghi bàn”. Nhờ vậy, đội bóng của Spurrier chơi tốt hơn hẳn, linh hoạt, năng động, thiện chiến và ghi được nhiều bàn thắng hơn.

Chiến lược Fun-n-Gun đã phát huy hiệu quả tại giải bóng đá của khu vực Đông Nam. Sân vận động Đại học Florida trước đây vẫn được gọi bằng biệt

danh Đầm lầy giờ được giải thích là vì nơi đây là chốn những chú cá sấu Nam Mỹ tài ba của đội Gator vùng vẫy.

Và với chúng ta, đây cũng chính là nơi để tìm hiểu về một trong hai tác động tâm lý của con người đang còn bị che giấu. Spurrier có được lợi thế và đã thành công, vì các huấn luyện viên khác đều chỉ chú tâm dẫn dắt đội bóng của mình thi đấu theo lối phòng thủ với mục tiêu tránh né mọi tổn thất có thể xảy ra. Bạn hãy hình dung mình là một huấn luyện viên bóng đá ở trường đại học. Khi bạn xuống phố, đi qua các cổ động viên vốn tự coi mình như những chuyên gia bóng đá, họ sẽ chẳng e dè gì và sẵn sàng tuôn ra hàng loạt suy nghĩ và nhận định của họ về những hành động hay quyết định sai lầm của bạn trong trận đấu ngày hôm qua. Bạn đã không làm tốt và vì thế, bạn bị các cổ động viên và giới bình luận chỉ trích ngay lập tức. Trong khi đó, doanh thu từ tiền vé, quỹ quyên góp của hội sinh viên nhà trường và cả công việc của bạn nữa, tất cả đều phụ thuộc vào thành công của đội bóng. Những áp lực ấy đè nặng lên bạn ngày càng nhiều hơn. Hãy nhớ lại kết quả cuộc khảo sát của Putler về những người mua trứng, ấn tượng về những tổn thất mà chúng ta gặp phải luôn luôn rất lớn. Huấn luyện viên Spurrier cũng giải thích với chúng ta: “Điều các huấn luyện viên nghĩ đến đầu tiên khi cầm quân chính là không được để thua trận dù bất cứ lý do gì”.

Có thể bạn nghĩ rằng, sau một vài trận thua, nhưng không hẳn là một giải đấu hoàn toàn thất bại, thì đáng ra các huấn luyện viên của đội bóng Gator

của trường Đại học Florida sẽ phải đánh giá lại lối chơi phòng ngự của mình.

Nhưng thực tế họ lại không làm vậy!

Và rồi Spurrier cùng đội bóng tiếp tục chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình trước những đối thủ đến từ Alabama, Tennessee và Auburn. Hơn sáu năm sau, huấn luyện viên cùng đội bóng của mình đã chiến thắng bốn giải đấu vòng loại và đoạt ngôi vô địch quốc gia. Trong lúc đó, huấn luyện viên của các đối thủ vẫn tiếp tục theo đuổi đấu pháp phòng ngự kiểu cũ.

Các huấn luyện viên không chỉ rơi vào hiện tượng tâm lý lo sợ bị thiệt hại, mà còn chịu sức ép từ trách nhiệm của bản thân. Họ đảm nhận một trách nhiệm nặng nề và vẫn tiếp tục áp dụng chiến thuật cũ. Thực tế là vì họ đã chọn giải pháp an toàn đến mức gần như không thể chấp nhận bất kỳ một thay đổi nào cả. Tâm lý tuyệt đối né tránh tổn thất khiến các huấn luyện viên vẫn tôn sùng lối chơi phòng thủ, cùng với trách nhiệm phải duy trì những gì đã làm trong suốt nhiều năm qua khiến họ không thể tiếp nhận phong cách mới đầy ưu thế của Spurrier.

Một thực tế không thể phủ nhận là tất cả chúng ta đều đã từng trải qua áp lực trách nhiệm, có thể ở dạng này hay dạng khác; chẳng hạn như khi chúng ta đầu tư tiền bạc và thời gian vào một dự án đặc biệt nào đó hay dồn hết tâm trí vào một mối quan hệ phức tạp, thì đúng là hết sức khó khăn để quyết định ngừng lại ngay cả khi mọi việc đang diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, rất khó để thừa nhận thất bại và buông xuôi mọi việc bởi vì áp lực

trách nhiệm sẽ còn khiến chúng ta bị tổn thương trong suốt một thời gian dài.

Cảm giác lo sợ thiệt hại và áp lực trách nhiệm, cả hai trạng thái tâm lý này đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mỗi chúng ta theo một cách riêng. Nhưng khi hai tác động tâm lý đó kết hợp với nhau thì chúng ta sẽ càng khó phá vỡ mối liên kết đó cũng như chế ngự được chúng.

Điều này hoàn toàn chính xác, bởi nhờ hiệu ứng cộng hưởng từ hai tác động tâm lý này mà các sinh viên trong lớp học của giáo sư Max Bazerman ở Đại học Harvard đã làm rất tốt để có thể giữ chặt ví tiền của mình khi Max giới thiệu cuộc đấu giá 20 đô-la.Người ta vẫn thường nói “dễ như dụ kẹo trẻ con”, còn giáo sư Bazerman đã phát hiện ra rằng lấy tiền từ các thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Harvard cũng dễ không kém.

Trong buổi học đầu tiên, giáo sư Bazerman giới thiệu một trò chơi có vẻ như vô thưởng vô phạt và không mang lại nhiều điều thú vị. Ông phe phẩy một tờ 20 đô-la và đề nghị cả lớp hãy tham gia đấu giá để mua được tờ giấy bạc đó.

Mọi người được tự do tham gia nhưng bắt buộc phải tuân thủ hai điều kiện. Thứ nhất: mỗi giá đấu đưa ra phải chênh nhau một đô-la. Thứ hai: rất thú vị và gay cấn, người thắng dĩ nhiên sẽ được sở hữu tờ 20 đô-la đó. Nhưng người về thứ hai, tức người ra giá thấp hơn người chiến thắng một đô-la, sẽ là người phải trả tiền mà không nhận được gì cả. Nói cách khác, người ra giá cao thứ nhì mới chính là người quyết định mức giá cuối cùng.

Vậy là cuộc đấu giá đã diễn ra. Ban đầu nhận thấy cơ hội có thể kiếm được 20 đô-la với một giá hời, mọi người nhanh chóng giơ tay ra giá đấu, và cuộc chơi hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Các mức giá liên tục được nêu ra. Bazerman cho biết: “Cách thức ra giá của mọi người luôn giống nhau. Giá đấu ban đầu tăng nhanh và liên tục cho đến khi đạt đến khoảng 12 đến 16 đô-la”.

Đến thời điểm này thì ai cũng muốn chiến thắng để sở hữu ngay tờ 20 đô chứ không muốn trở thành một kẻ khờ bị xỏ mũi. Nhưng chiến thắng không dễ dàng như họ nghĩ. Có vẻ như cảm nhận được cơn say giá đang diễn ra, phần lớn sinh viên bắt đầu bồn chồn. Bazerman cho biết: “Tất cả mọi người ngoại trừ hai sinh viên đang có mức giá đưa ra cao nhất đã rút khỏi cuộc đấu giá”.

Nhưng vì không nhận thấy tình huống thực tế của mình nên cả hai sinh viên này vẫn cứ tiếp tục ra giá. Giáo sư Bazerman kể tiếp: “Một trong hai người đưa ra mức giá 16 đô-la và người kia đẩy lên 17. Người đưa ra giá 16 hoặc phải nâng giá thành 18 hoặc phải nhận thua và mất 16 đô-la”. Đến lúc này, hai sinh viên đều ra giá đấu thật nhanh, vì cũng không ai muốn mình trở thành người bị mất tiền mà lại không được gì. Đây chính là lúc hai sinh viên rơi vào hiện tượng tâm lý né tránh thiệt hại tương tự trường hợp của những huấn luyện viên bóng đá luôn áp dụng chiến thuật phòng thủ trong thi đấu. Họ trở nên bị cuốn hút vào chiến lược của mình và cố gắng làm mọi cách để không phải thua cuộc.

Như một chuyến tàu đang lao đi vội vã, cuộc đấu giá vẫn diễn ra với giá đấu tăng lên đến 18, 19 và 20 đô

-la. Khi giá tiếp tục được nâng lên, những sinh viên còn lại bối rối không biết sự việc sẽ đi đến đâu. Bazerman nói: “Tất nhiên, những sinh viên đã dừng cuộc đấu giá bắt đầu hò hét và bật cười khi giá đấu đã vượt mức 20 đô-la”.

Nếu suy nghĩ sáng suốt và hợp lý, quyết định hiển nhiên nhất chính là những người chơi phải chấp nhận thua để dừng cuộc đấu giá lại trước khi mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng nói vẫn dễ hơn làm. Các sinh viên bị cuốn vào sức hút của trò chơi đồng thời e ngại bị tổn thất nếu họ dừng lại – mà thiệt hại đó thực chất lại đang lớn dần theo các mức giá được đưa ra. Đồng thời, hai sức hút trên lại có khả năng tác động lẫn nhau: sự thôi thúc tiếp tục theo đuổi cuộc đấu giá khiến họ càng đẩy giá lên cao hơn, và vô hình trung càng làm cho mức độ tổn thất của họ cũng lớn hơn.

Và thế là hai sinh viên tiếp tục ra giá đấu: 21, 22, 23… 50 đô-la rồi 100 đô la và giá kỷ lục là 204 đô-la. Giáo sư Bazerman đã thử nghiệm trò chơi này trong nhiều năm, và ông không hề giữ tiền cho riêng mình mà quyên góp tất cả số tiền sau cuộc đấu giá cho quỹ từ thiện. Và một điều hiển nhiên là dù người ra giá đấu có là ai đi nữa, là sinh viên đại học hay một nhân viên kinh doanh thì tất cả họ đều bị lôi cuốn đến mức sa lầy vào trò chơi này.

Cái hố họ tự đào cho chính mình càng sâu thì họ càng cảm thấy bị thôi thúc để đào nó sâu hơn nữa.

Chúng ta đã hiểu được cơ trưởng Van Zanten bị tâm lý lo sợ thiệt hại tác động như thế nào: ông nhận thức được tầm quan trọng của các quy định về thời

gian nghỉ đáp tại Tenerife; ngoài ra, chính áp lực phải giữ gìn uy tín của mình bằng mọi giá đã đẩy ông vào tình huống bi kịch mà ngay cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm và thành thạo nhất cũng không tránh khỏi.

Ngay khi Van Zanten tiến đến điểm cuối của đường băng giữa màn sương dày đặc, cảm nhận nguy cơ tổn thất trong ông dường như quá lớn. Ông tự mình đặt nặng trách nhiệm phải nhanh chóng rời khỏi hòn đảo Tenerife, đến nỗi trong tâm trí Van Zanten lúc đó không thể nghĩ ra một phương án nào khác ngoài việc liều lĩnh cho máy bay cất cánh.

Tương tự như vậy, ngay cả đối với những quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cũng không tránh khỏi tác động của sức cộng hưởng giữa tâm lý lo sợ thiệt hại và những trách nhiệm do chính bản thân tạo ra.

Nếu hoạt động chính trị của những năm 1950 giống như những tình tiết trong loạt chương trình Survivor (Người sống sót) thì Lyndon Baines Johnson (LBJ – Tổng thống thứ 36 của Mỹ) chắc chắn là người thắng cuộc.

LBJ là người luôn có những chiến lược hoàn hảo. Giữa sự quả quyết và thái độ hăm dọa chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh, và LBJ đã rất khéo léo để vượt qua ranh giới này. Khi được đề cử vào Quốc hội, ông vẫn thường gọi điện cho các thành viên lập pháp suốt đêm chỉ để kiểm tra nhân lúc họ không đề phòng. Sau đó, với cương vị tổng thống, trong các cuộc họp ở Nhà Trắng, ông đã khiến những người

tham gia bị sốc khi thông báo tạm nghỉ để đi bơi, rồi trút bỏ quần áo và nhảy xuống hồ bơi.

Nhưng ông không dùng những cách thức này chỉ để làm trò đùa. LBJ có một lý do riêng mà ông luôn tâm niệm. Trong khi những chính trị gia khác bị chôn chân trong thế giới của những đặc quyền và sự tôn vinh thì LBJ lại sinh trưởng trong hoàn cảnh nghèo khó. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân nghèo ở miền Nam nước Mỹ. LBJ từng nói: “Một số người mong muốn có quyền lực chỉ đơn giản để có thể nghênh ngang đi khắp thế giới và nghe những tiếng tung hô chào đón quan chức. Những người khác lại muốn tạo dựng uy thế để sưu tầm những món đồ cổ hay để mua sắm những món đồ xa hoa. Riêng tôi, tôi mong muốn nắm giữ quyền lực để mang lại những điều tốt đẹp cho tất cả mọi người”. Thật vậy, LBJ đã cống hiến sức mình để giúp những người dân nghèo có cuộc sống dễ chịu hơn và mang lại cho người Mỹ gốc Phi – cũng như những sắc dân thiểu số khác – quyền dân chủ mà họ xứng đáng được nhận.

Johnson cố gắng hoàn thành những việc do Cục dự trữ liên bang đề ra trong thời kỳ suy thoái và xem đây là sứ mạng của mình. Ông rất hài lòng với những tiến bộ xã hội đã đạt được sau giai đoạn thực hiện chính sách kinh tế mới (New Deal) nhưng vẫn cảm thấy rằng mục tiêu cuối cùng của Cục dự trữ liên bang nhằm tạo ra những thay đổi xã hội vẫn chưa thật sự hoàn thành.

LBJ kiên trì theo đuổi và thực hiện chiến dịch tầm cỡ nhất trong cuộc đời chính trị của ông: cuộc chiến chống lại đói nghèo. Với chiều cao vượt trội, LBJ có

thể nhìn thẳng vào mặt người đối diện, chiếm lĩnh không gian của họ và áp đảo khiến người đó phải phục tùng. Cùng với chiến dịch hành động vì quyền dân chủ, các chương trình kêu gọi cộng đồng tham gia xóa nghèo, chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chương trình bảo hiểm y tế và ra mắt quỹ giáo dục liên bang, những thay đổi nhằm thực hiện chiến lược “Đại xã hội” – một trong những chương trình cải cách xã hội quy mô nhất trong lịch sử nước Mỹ – nhanh chóng được triển khai.

Năm 1964, LBJ đang ở đỉnh cao quyền lực chính trị của mình. Đó cũng là thời gian, nước Mỹ bắt đầu lấy lại cân bằng sau bi kịch John Fitzgeral Kennedy, tổng thống thứ 35 bị ám sát. Quốc hội đang nghiêng về đảng Dân chủ, chỉ số lòng tin của người dân dành cho Johnson cao ngất, và phần lớn những nhà lập pháp hoặc tán đồng với sự nghiệp của ông hoặc có nguy cơ cạnh tranh với ông. Về sau, có một lần Johnson tâm sự: “Tôi hiểu Quốc hội cũng như hiểu phu nhân Lady Bird của mình”.

Nhưng chỉ ngay khi ước mơ thực hiện cuộc cải cách toàn diện và sâu rộng từ việc xóa bỏ các khu nhà ổ chuột của người da màu đến việc cung cấp các dịch vụ y tế cho cộng đồng bắt đầu hình thành, LBJ không ngờ mình lại trở thành một người chơi trong cuộc đấu giá của Bazerman.

Có ba giai đoạn quan trọng trong cuộc đấu giá này. Giai đoạn thứ nhất tương ứng với mức 2 đô-la: đó là khi mọi người hài lòng, tin rằng có thể nắm chắc phần thắng tương đương một bữa trưa miễn phí. Và giai đoạn cuối cùng là khi những người chơi đẩy giá đến ngưỡng 20 đô-la, cơn say giá khiến họ càng đào

sâu chiếc hố chôn mình mà không cách nào thoát ra được. Nhưng giai đoạn được xem là thú vị nhất chính là giai đoạn thứ hai – tương ứng với mức giá đấu từ 12 đến 16 đô-la – khi đó, người chơi bắt đầu nhận ra bản chất của cuộc đấu giá. Đây cũng chính là lúc tâm lý lo sợ thiệt hại và tâm lý theo đuổi đến cùng xuất hiện và chế ngự con người.

LBJ bước vào cuộc chơi cũng tương tự như các sinh viên của Bazerman. Nhưng thay cho hiện vật đấu giá là tờ bạc mệnh giá 20 đô-la, giải thưởng dành cho LBJ lúc này là cơ hội thể hiện quyền lực ở khu vực Đông Nam Á. Đối với Tổng thống Johnson, miền Bắc Việt Nam có vẻ là một đối thủ yếu thế hơn. Quân đội ở đây không được trang bị nhiều vũ khí tối tân, không có những kỹ thuật hiện đại như quân đội Mỹ. Mức giá đấu đầu tiên – tương ứng với 2 đô-la – mà LBJ đưa ra là việc phát động chiến dịch ném bom vào năm 1965. Mỹ là nước có tiềm lực quân sự mạnh mẽ, có kho vũ khí khổng lồ, viễn cảnh về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam – một đối thủ yếu thế hơn rất nhiều – có vẻ rất dễ hình dung. Tình huống cũng giống như những gì đã diễn ra trong giai đoạn đầu của cuộc đấu giá thú vị mà Bazerman đã đề xướng.

Nhưng chỉ vài năm sau, LBJ thật sự sa lầy vào giai đoạn thứ ba của cuộc đấu giá. Với hơn năm trăm nghìn lính bộ binh được đưa đến Việt Nam vào năm 1968 và hơn mười nghìn người tử nạn, LBJ đã vượt xa mức giá đấu 20 đô-la. Ông lo lắng: “Sẽ có ánh sáng ở cuối mỗi đường hầm, nhưng chúng ta không có một đường hầm nào; thậm chí chúng ta cũng không biết ở đâu có đường hầm”. Tương tự như những huấn luyện viên đối thủ của Spurrier, tổng thống đang dần

sa vào bế tắc nhưng không thể dừng lại hay chuyển hướng được nữa.

Cuối cùng, Johnson không chỉ thất bại trong chiến tranh Việt Nam mà cuộc chiến còn khiến ông không còn đủ sức thực hiện chương trình “Đại xã hội” như mong muốn. Chỉ số tín nhiệm của mọi người dành cho ông giảm sút; ông quyết định không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, vậy là Johnson đã chấm dứt cả sự nghiệp chính trị của mình.

Nhiều năm sau đó, Johnson kể lại: “Tôi biết ngay từ đầu mình sẽ gánh chịu thiệt hại dù tôi có chọn hướng nào đi chăng nữa. Nếu tôi từ bỏ giấc mơ cả đời mình – chương trình ‘Đại xã hội’ – để lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở tận bên kia thế giới, khi đó tôi sẽ mất tất cả những thứ tôi có ở quê hương: nỗ lực để thực hiện các chiến dịch… chương trình thúc đẩy giáo dục, các chương trình y tế…”. Nhưng Johnson cũng nhận ra rằng: “Nhưng nếu tôi từ bỏ cuộc chiến ở Việt Nam thì cũng có nghĩa là tôi thất bại”.

Trớ trêu thay, đó đúng là những gì đã xảy ra. Nhưng chính những gì diễn ra ở giai đoạn thứ hai của cuộc đấu giá – giai đoạn đẩy giá vào khoảng 12 đến 16 đô-la – là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được Johnson đã sa lầy trong việc ra quyết định như thế nào. Một mặt, LBJ đã nhận thấy trước viễn cảnh tiêu cực của cuộc chiến. Một cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa tổng thống và một nhà tư vấn quân sự vào tháng Năm năm 1964 đã cho biết điều đó. LBJ thổ lộ: “Đêm qua tôi không ngủ được và cứ mãi suy nghĩ về chuyện này. Càng nghĩ, tôi càng không biết chuyện gì đang và sắp xảy ra, có vẻ như chúng ta đang lao vào

cuộc chiến với một Triều Tiên khác nữa chăng. Tôi thật sự lo lắng. Tôi không biết chúng ta có thể trông mong gì ở nơi đó – nơi chúng ta đã từng một lần thất bại… Tôi nghĩ chúng ta không nên theo đuổi cuộc chiến này và nếu theo đuổi, tôi cũng không tự tin chúng ta sẽ chiến thắng. Đó là tất cả viễn cảnh mà tôi có thể hình dung ra”.

Nhưng mặt khác, chỉ một lát sau đó, LBJ lại lo lắng đến chuyện: “Nếu ta trốn chạy, ta có thể sẽ bị rượt đuổi đến cùng”.

Sức thôi thúc trong cuộc đấu giá của Bazerman và nỗi sợ phải thỏa hiệp với những thiệt hại đã khiến LBJ không cho phép mình dừng lại. Và mọi việc diễn tiến chính xác như trong giai đoạn thứ hai của cuộc đấu giá khi giá đấu đưa ra ở trong khoảng từ 12 đến 16 đô-la. Nhưng cũng thật kỳ lạ, sự cộng hưởng của hai tác động tâm lý trên lại có thể mang đến một niềm lạc quan chắc chắn. Khi nhìn thẳng vào một tổn thất tiềm ẩn có thể xảy ra, chúng ta lại càng hy vọng mọi việc sẽ có khả năng trở nên tốt đẹp hơn.

Thật ra, nếu bạn để ý kỹ những bài diễn văn của LBJ, bạn sẽ nhận thấy cách tiếp cận vấn đề của ông. Thông điệp của LBJ và thậm chí là một số từ ngữ nhất định mà ông dùng để nói về Việt Nam rất giống với những nhận định của Tổng thống George W. Bush dành cho Iraq.

LBJ tuyên bố: “Không có câu trả lời dễ dàng, không có giải pháp ngay lập tức”. Trong khi đó, Bush lên tiếng như sau: “Không có một công thức thần kỳ nào cho sự thành công trong cuộc chiến tại Iraq”.

Nét tương đồng trong hai suy nghĩ không phải là sản phẩm của những chia sẻ mang tính cá nhân hay sự đồng điệu trong tư tưởng chính trị, mà đó là một hệ tư tưởng chung – cả hai tổng thống đều đã sử dụng ngôn ngữ theo kiểu được dùng trong cuộc đấu giá của Bazerman.

Hai vị tổng thống của nước Mỹ đều sa lầy vào cùng một vấn đề và đều kiên quyết không thoái lui.

LBJ khẳng định: “Chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta sẽ không gục ngã. Chúng ta sẽ không đầu hàng dù là công khai hay thông qua một bản hiệp ước”. Tổng thống Bush lại quả quyết: “Chúng ta sẽ không khuất phục. Chúng ta sẽ kiên trì giải quyết nhanh gọn đối thủ và lập lại hòa bình trên mảnh đất này”.

Và khi đó tâm lý lạc quan bắt đầu xuất hiện. Khi cuộc chiến tại Việt Nam dần trở nên mất kiểm soát, LBJ tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta đã có nhi


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.