Lối Mòn Của Tư Duy Cảm Tính
LỜI KẾT
Đứng trên bãi biển, một tay cầm tuýp kem chống nắng, tay kia nắm chặt chiếc còi, các nhân viên cứu hộ đã được huấn luyện phải luôn quan sát để đề phòng những nguy hiểm chết người có thể xảy ra với khách du lịch. Thoạt nhìn, những nguy hiểm này không tồn tại rõ ràng, nhưng thực chất nguyên do của 80% tai nạn chết đuối gần bờ lại xuất phát từ một vấn đề tiềm ẩn.
Những bãi cát ngầm gần bờ biển có vai trò giống như những con đập ngăn nước rút về đại dương. Sóng mạnh đập vào bờ sẽ tạo ra áp suất lớn, những đợt sóng này sẽ đánh vỡ bãi cát ngầm và tạo ra những luồng chảy xiết. Bất cứ người nào không may rơi vào luồng nước này sẽ bị cuốn ra xa khỏi bờ biển.
Theo phản xạ tự nhiên, khi rơi vào hoàn cảnh này, người ta sẽ cố gắng hết sức để bơi về phía đất liền, nghĩa là ngược với luồng nước chảy xiết. Nhưng ngay cả những tay bơi khỏe nhất cũng không thể chiến thắng được lực chảy dữ dội của luồng nước rút ra đại dương. Các nhân viên cứu hộ cho biết cách tốt nhất để thoát khỏi lực cuốn của dòng chảy mạnh đó chính là cứ bơi dọc theo bờ biển cho đến lúc bạn thoát khỏi dòng nước xiết.
Tương tự như thế, khi gặp phải những tác động tâm lý ngầm ẩn, cách tốt nhất để chế ngự chúng chính là bạn không cần phải tuân theo bản năng tự nhiên của mình. Bởi vì, làm như thế sẽ càng khiến cho những tác động tâm lý này phát huy mạnh mẽ hơn, và đôi lúc chính bản năng sẽ khiến chúng ta chệch hướng ngay từ ban đầu.
Dĩ nhiên, cũng có những giải pháp hữu hiệu để chúng ta tránh khỏi các tác động này. Để tìm kiếm phương pháp vượt qua tâm lý lo sợ tổn thất, chúng ta hãy quay lại với câu chuyện của Jordan Walters – chuyên gia tư vấn tài chính của công ty Smith Barney. Jordan đã chia sẻ một ví dụ cho quan điểm của ông trong việc vượt qua tác động tâm lý này: “Giả sử bạn đang đi trên một cuộc hành trình dài và bạn bị nổ lốp xe. Sau khi thay bánh xe, bạn băn khoăn giữa hai lựa chọn. Một là tìm đường tắt để bù lại khoảng thời gian sửa xe và thay đổi lộ trình đã định để có thể đến nơi đúng giờ; hai là vẫn tiếp tục đi theo lộ trình cũ và chấp nhận về đích muộn hơn”. Jordan ủng hộ phương án thứ hai, đó là phương pháp có “tầm nhìn xa”. Bạn có thể sẽ bị trễ chút ít, nhưng “bạn vẫn đang đi theo lộ trình định sẵn và biết chắc mình đang đi đâu”. Trong khi đó, việc điều chỉnh lộ trình mới có thể sẽ khiến cho bạn lạc lối hoàn toàn.
Khi có việc gì đó xảy ra ngoài dự định, chúng ta có thể vội vã tìm một giải pháp tức thời để đối phó hoặc vẫn quả quyết rằng trong cả hành trình dài của mình, điều vừa xảy ra chỉ là một sự cố nho nhỏ mà thôi. Rõ ràng việc hoạch định một kế hoạch lâu dài và tập trung nỗ lực để thực hiện mới là quan trọng và đó cũng chính là chìa khóa để chế ngự nỗi lo bị thiệt hại của chúng ta.
Jordan giải thích: “Khách hàng của chúng tôi đều là những người theo đuổi mục tiêu tích lũy và bảo toàn vốn lâu dài. Thách thức đặt ra chính là họ không được để cho những biến động ngắn hạn, tương tự sự cố ‘nổ lốp xe’ nêu trên có thể tác động và làm xáo trộn cả kế hoạch dài hạn của mỗi người”.
Trong cuộc sống thường ngày, những điều tương tự như vậy vẫn thường xảy ra. Chúng tôi từng trò chuyện với Erin, một người bạn của chúng tôi, về những phát hiện xoay quanh hiện tượng tâm lý lo sợ tổn thất và làm thế nào mà tâm lý này gây lệch lạc, tác động vào tư duy cũng như khả năng nhận định của con người. Và Erin đã kể câu chuyện sau: “Có lần tôi đang lái xe trên một con đường đông nghẹt ở San Francisco thì một gã thanh niên kỳ quặc bỗng dưng chắn ngang trước đầu xe của tôi làm cho tôi không di chuyển được nữa. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, gã vẫn ỳ ra đấy mà không chịu nhúc nhích gì cả”. Lúc ấy, Erin đã đặt chân lên bàn đạp ga và sẵn sàng vô ga để rẽ sang làn đường bên trái đang đông nghẹt xe cộ nhằm vượt qua gã thanh niên. Nhưng ngay khi sắp làm vậy, Erin chợt nhớ lại những suy nghĩ của cô về Jordan: “Tôi nhận ra mình đã rơi vào tâm lý lo sợ thiệt hại. Rõ ràng tôi không muốn lãng phí thời gian của mình. Nhưng lúc ấy tôi chợt nghĩ: ‘Mình đang làm gì thế này chứ?’”. Vậy là thay vì phản ứng theo cơn bốc đồng thoáng qua (cố gắng tiết kiệm vài giây), Erin đã chọn cách suy xét cẩn thận hơn (nhận ra một vài giây không đáng để cô liều lĩnh với mạng sống của chính mình).
Bản năng né tránh những thiệt hại có thể xảy ra của con người sẽ có nhiều khả năng làm lệch lạc suy nghĩ vì chúng ta quá coi trọng những mục tiêu ngắn hạn. Trái lại, khi chúng ta hướng đến một tầm nhìn xa hơn thì những tổn thất trong thoáng chốc ấy không còn là mối đe dọa ghê gớm với chúng ta nữa.
Nhận ra được sức mạnh và tác động tiêu cực rõ ràng của những phán đoán nhất thời, Jordan đã dạy
các con của ông về giá trị của việc có được tầm nhìn xa. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ ra một trò chơi đầu tư với mục tiêu dài hạn”. Jordan dựa theo cách thức mà các trường học giới thiệu với trẻ em về đầu tư. “Nếu bạn quan sát các trò chơi đầu tư của các trường học, bạn sẽ nhận thấy vấn đề rắc rối chính là chỉ có thể thực hiện trò chơi trong một học kỳ: một thời hạn quá ngắn. Trong trò chơi đó bạn được nhận một khoản tiền mô phỏng nhất định, bạn có thể chọn một vài công ty, đoán xem công ty nào có thể sinh lời sau vài tháng. Nhưng hạn chế trong trò chơi này chính là bạn phải đặt mình vào một phạm vi nhỏ hẹp hơn là thị trường thực sự. Bạn đang tham gia vào một thị trường có thể sụp đổ hoặc tăng trưởng mạnh mẽ chỉ trong vòng ba tháng, nhưng ở đó bạn thật sự không thể nhận ra nguyên tắc và mục tiêu căn bản của một công ty. Chính vì thế, tôi đã dỡ bỏ rào cản thời gian trong trò chơi này”.
Jordan dành thời gian giúp các con đánh giá các công ty chuyên về những lĩnh vực mà chúng quen thuộc, chẳng hạn như công ty sản xuất đồ chơi, cửa hàng thực thẩm, hay các hệ thống nhà hàng, và giúp chúng mua loại cổ phiếu chúng chọn lựa. Nhưng ông không để các con tập trung nhiều vào các công ty mà định hướng chúng tập trung vào giới hạn thời gian. Vậy khoảng bao lâu thì các con của Jordan kiểm tra giá trị cổ phiếu của chúng một lần? Ông cho biết: “Chúng theo dõi diễn biến cổ phiếu theo chu kỳ từng năm”. Chỉ một lần trong suốt một năm, và đó quả là một khoảng thời gian thật dài.
Nếu việc nhìn xa vào tương lai là cách để tránh gây ra những quyết định sai lầm vì tác động của tâm lý lo
sợ tổn thất nhất thời thì liều thuốc để chế ngự áp lực trách nhiệm – áp lực khiến chúng ta không thể từ bỏ một kế hoạch mà mình đã theo đuổi ngay cả khi kế hoạch này rõ ràng đã thất bại chính là áp dụng quan niệm Thiền tông và học cách quên đi quá khứ. Vấn đề nằm ở chỗ chính chúng ta phải chấp nhận rằng việc gì đã qua là đã qua, và lúc này, thay đổi hướng đi sẽ tốt hơn là cứ để mình càng lúc càng lún sâu thêm.
Quan niệm “để quá khứ ngủ yên” sẽ đúng dù bạn là một viên chức chính phủ có nhiệm vụ quản lý một dự án công cộng đang rơi vào bế tắc, hay một giám đốc tiếp thị tiếp tục tài trợ một chiến dịch đã thất bại vì không muốn bị đánh giá là kẻ bỏ cuộc. Ở lại tàu trong lúc nó sắp chìm không phải là cách xử trí phù hợp với tư duy duy lý. Một nhà đầu tư đã nói với chúng tôi về việc quản lý hiệu quả đầu tư như thế này: “Nhiều lúc bạn phải tự nhận biết khi nào cần phải vượt lên”.
Andy Grove, cựu giám đốc điều hành của hãng Intel, trong cuốn sách Vượt qua ảo tưởng của mình đã chia sẻ việc ông và người đồng sáng lập Intel – Gordon Moore – quyết định từ bỏ phân khúc vi mạch bộ nhớ và tập trung tất cả nguồn lực để phát triển thị trường vi xử lý đầy tiềm năng vào năm 1985. Thời điểm đó, ưu thế của Intel là các loại vi mạch bộ nhớ. Grove nói: “Chúng tôi đã có những định hướng dựa trên những đặc thù riêng, và cuối cùng, thị trường bộ nhớ vẫn thuộc về chúng tôi”. Nhưng Intel lại mất khá nhiều tiền vào phân khúc vi mạch bộ nhớ trong một khoảng thời gian vì sự xâm nhập của những sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản được sản xuất hàng loạt với chất lượng cao nhưng giá cả mềm hơn. Rõ
ràng Intel cần phải làm điều gì đó. Grove nói thêm: “Tôi ngồi trong văn phòng với chủ tịch Intel và giám đốc điều hành Gordon Moore, chúng tôi thảo luận về tình thế khó khăn này. Mọi người đều bối rối và thất vọng. Tôi nhìn ra cửa sổ, về phía vòng đu quay của công viên Great America đang chầm chậm quay đều, sau đó tôi nghiêng sang Gordon và hỏi: ‘Nếu chúng ta bị sa thải và ban quản trị thuê một giám đốc điều hành mới, anh nghĩ giám đốc mới ấy sẽ làm gì?’. Gordon trả lời không do dự: ‘Anh ta sẽ loại chúng ta ra khỏi bộ nhớ’. Tôi nhìn Gordon, lặng người đi rồi nói: ‘Vậy thì tại sao tôi và anh không bước ra cửa, rồi bước trở vào đây và chính chúng ta sẽ làm điều đó?’”. Và đó chính là cách mà Intel vượt qua áp lực trách nhiệm của chính họ để đưa ra quyết định táo bạo tập trung vào phân khúc thị trường vi xử lý, từ đó tạo điều kiện đưa Intel trở thành một trong những tập đoàn vững mạnh nhất của Mỹ.
Khi cảm thấy không chắc chắn về việc nên hay không nên tiếp tục một nhiệm vụ nào đó, sẽ tốt hơn nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: “Nếu tôi là người mới đến và được quyền lựa chọn ngừng ngay dự án này hay tiếp tục xúc tiến nó, liệu tôi có quyết định ngừng dự án ở điều kiện hiện nay không?”. Nếu câu trả lời là không, rất có thể chúng ta đã rơi vào áp lực trách nhiệm tiềm ẩn. Quyết định dừng lại có thể sẽ khiến cho chúng ta không thoải mái, nhưng đó lại có thể là cách tốt nhất.
Tuy nhiên, để quyết định không tiếp tục thực hiện một điều gì đó cũng cần đến một phương pháp như Thiền tông. Phương cách hữu hiệu nhất để chế ngự tư duy tiêu cực, kết quả của hiện tượng quy kết giá
trị, chính là hãy lưu tâm và quan sát mọi việc như bản chất vốn có của chúng, chứ đừng chỉ dựa vào dáng vẻ bên ngoài mà nhận định. Bạn phải chuẩn bị để chấp nhận rằng những ấn tượng ban đầu của mình về một người, một sự việc có thể là hoàn toàn sai.
Việc nhận ra chúng ta đang phán xét chỉ dựa trên những giả định về tình huống hay giá trị của một người có thể giải phóng chúng ta khỏi tác động tâm lý này. Ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ khảo sát về thức uống SoBe, kết quả là những người được hưởng giá rẻ hơn lại có biểu hiện tinh thần kém hơn những người cùng uống loại thức uống này với giá thực của nó? Trong một nghiên cứu khác về nước uống, các nhà nghiên cứu đã thực hiện lại khảo sát này, nhưng họ đề nghị người tham gia trước hết hãy thử đánh giá xem liệu khoản tiền mà họ phải bỏ ra cho loại thức uống này có ảnh hưởng đến khả năng tập trung của họ hay không. Nếu câu trả lời được khẳng định, vấn đề đã rõ ràng. Các nhà nghiên cứu mong muốn người tham gia cân nhắc thực tế rằng giá cả của thức uống không liên quan đến tác dụng mà nó mang lại. Kết quả của cuộc khảo sát là điểm đánh giá năng lực tinh thần của những sinh viên nhận chai SoBe giá rẻ hơn và được đề nghị trả lời câu hỏi trên đã không hề giảm đi sau khi họ thưởng thức SoBe, và các sinh viên thử thức uống SoBe đúng giá cũng có kết quả giống như vậy.
Tương tự trường hợp trên, Elizabeth Gibson có lần đã vượt qua khuynh hướng tự nhiên của tâm lý quy kết giá trị khi cô đang đi dọc theo con đường dốc phía Tây Manhattan và trông thấy một tác phẩm nghệ
thuật đang nằm dựa vào hai túi rác. Lúc ấy, cô đã cảm thấy thôi thúc hãy cứ đi tiếp, nhưng rồi cô dừng lại và nhìn kỹ tác phẩm đó hơn. Gibson chia sẻ với tờ New York Times: “Tôi thật sự cảm thấy mâu thuẫn với chính mình. Tôi gần như đã bỏ đi. Bởi vì bức tranh ấy dù thật tuyệt vời nhưng nó lại được lồng trong một khung tranh rẻ tiền”. Cuối cùng, Gibson quyết định mang bức tranh đó về nhà và treo lên tường. Bức tranh đó là Tres Personajes – tác phẩm của Rufino Tamayo, một họa sĩ nổi tiếng người Mêhicô. Tác phẩm này đã bị đánh cắp và sau đó bị vứt ra đường. Nếu Gibson đến đó chậm hơn hai mươi phút, có lẽ những người thu gom rác đã mang bức tranh đi cùng với rác. Sau đó, bức tranh đã được hãng Sotheby bán đấu giá và đạt mức giá hơn một triệu đô-la. Nếu người qua đường đi ngang qua bức tranh và biết tác phẩm này từng được đưa vào bảo tàng, chắc hẳn họ sẽ nhặt nó ngay. Tuy nhiên, người ta đã đánh giá giá trị tác phẩm chỉ dựa vào khung tranh trông có vẻ rẻ tiền và đống rác tầm thường xung quanh nó, và thế là họ cứ đi qua mà không bận tâm gì.
Dù mua sắm tại một gian hàng thanh lý hay ở một cửa hiệu sang trọng, chúng ta cũng hay đấu tranh với chính mình khi quyết định không mua một món hàng nào đó chỉ vì giá cả của nó. Thay vì băn khoăn như vậy, chúng ta chỉ nên tự hỏi: “Nếu nhận món hàng này như một món quà, thì tôi có thích nó hay không? Nếu nó trị giá 1 đô-la, hoặc 1.000 đô-la, liệu suy nghĩ của tôi về nó sẽ thay đổi như thế nào?”. Càng hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng đến giá trị được quy kết cho một người hoặc một sự vật, chúng ta càng ít bị tâm lý quy kết giá trị chi phối.
Nhưng không phải mọi tâm lý tiêu cực đều có thể chế ngự dễ dàng. Chúng ta hầu như không thể không phán xét về một người, một sự việc nào đó xuất hiện trước mắt mình. Chúng ta luôn nhận định và quy kết tất cả mọi thứ tồn tại trong thế giới xung quanh mình (và đồng thời cũng tiếp nhận những nhận xét từ người khác). Trong trường hợp phỏng vấn tuyển dụng, chúng ta có thể chế ngự xu hướng sa vào hiện tượng sai lệch chẩn đoán bằng cách thiết lập những cấu trúc riêng để dẫn dắt chúng ta tập trung vào các dữ liệu khách quan. Nhưng với những trường hợp chúng ta không thể thực hiện theo một khuôn mẫu nhất định nào đó, hoặc không có được những thông tin căn bản cần thiết thì sao? Liệu có phương pháp thực tiễn nào giúp giảm thiểu sai lệch trong những nhận định ban đầu?
Nhà tâm lý Franz Epting đề xuất rằng chúng ta có thể chiến thắng hiện tượng tâm lý sai lệch chẩn đoán nhờ “thuyết ý niệm cá nhân”. Một trong những nguyên tắc quan trọng của lý thuyết này là chúng ta sẽ dễ mắc lỗi trong nhận định khi thu hẹp hình dung của mình về các khả năng cũng như khi hầu như chỉ tập trung vào một nhận định duy nhất về ai đó hay tình huống nào đó. Tất cả chúng ta đều có một lăng kính riêng hoặc những ý niệm riêng để sàng lọc luồng thông tin vô tận mà chúng ta tiếp nhận được. Chẳng hạn: khi mới tiếp xúc với một người nào đó, chúng ta sẽ thường đánh giá họ kiểu như người này ăn mặc sang trọng hay nghèo nàn, giày có sáng bóng hay không, phóng khoáng hay dè dặt, có theo một tôn giáo nào đó hay không, thời trang hay quê mùa… Ở một mức độ nào đó, những ước lượng như thế khá
hữu ích vì có thể giúp chúng ta nhanh chóng đánh giá và tạo lập những hình dung tạm thời về đối tượng để có thái độ cư xử phù hợp. Hình thành những ý nghĩ, những ấn tượng ban đầu là một trong những cách để chúng ta có thể cố gắng cảm nhận về những gì tồn tại xung quanh trong một khoảng thời gian và thông tin hạn chế. Nhưng chúng ta cần phải cẩn trọng và không nên phụ thuộc quá nhiều vào những phán xét tức thời, bởi vì chúng có thể không đủ bao quát và sâu sắc. Chúng có thể làm hạn chế nhận thức của chúng ta và khiến chúng ta có xu hướng sa vào những phán xét vội vàng, khinh suất.
Lý thuyết ý niệm cá nhân giúp chúng ta có thể giữ sự linh hoạt và xem xét sự việc từ nhiều góc độ khác nhau. Epting giải thích rằng phương pháp này được gọi là “suy nghĩ gợi mở”. Nghĩa là chúng ta nên đánh giá ước đoán hơn là xác định cụ thể, tập cách cảm thấy thoải mái với những thông tin phức tạp đôi khi trở nên mâu thuẫn, và dành thời gian để cân nhắc mọi việc theo nhiều góc độ khác nhau trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Điều này cũng tương tự như việc tự dành cho mình một khoảng “thời gian chờ” trước khi chính thức nhận định.
Khi đề cập đến vấn đề công bằng, phản ứng cảm xúc của chúng ta có vẻ khó thay đổi và cũng không dễ từ bỏ. Cách thức để chế ngự điều này là cố gắng cân nhắc mọi việc theo chiều hướng khách quan và không để những tác động cảm tính cũng như những phán xét thuộc về đạo đức tác động (Tôi nên nhận lấy phần của mình dù bị thiệt thòi, hay bất chấp điều đó để dạy cho người khác một bài học về sự công bằng?). Nhưng chúng ta có thể làm gì trong tình huống như
thế này khi hành động của chúng ta được đánh giá dựa theo quan điểm của người khác về sự công bằng mà họ được hưởng?
Từ nghiên cứu của Đại học Duke, một câu trả lời được đưa ra. Kết quả của cuộc nghiên cứu nghe như mở đầu của một truyện cười kém hấp dẫn: Giữa một công nhân kỹ thuật, một giám đốc ngân hàng và một đại lý bán thuốc thì có điểm chung nào? Nhà nghiên cứu Jack Greenberg đã nghiên cứu xem những lao động thuộc các lĩnh vực khác nhau sẽ đánh giá năng lực của mình như thế nào. Ông phát hiện rằng dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều quan trọng chính là khiến cho các nhân viên cảm thấy họ cũng góp phần tích cực vào quy trình đánh giá năng lực nhân sự ở công ty. Người lao động sẽ cảm nhận được quy trình đánh giá này là công bằng khi được những người giám sát khuyến khích cho ý kiến về việc đánh giá nhân sự và dùng những ý kiến đó trong suốt quá trình; hoặc khi cách thức trao đổi hai chiều tồn tại trong các cuộc phỏng vấn, và khi các nhân viên có cơ hội thay đổi hoặc phản bác một đánh giá nào đó. Nói cách khác, nếu nhân viên được tham gia vào các quy trình đánh giá, họ sẽ cảm thấy mình được đối xử bình đẳng hơn. Một nghiên cứu khác tìm hiểu về quan điểm của nhân viên trong việc ra quyết định tăng lương cũng cho kết quả tương tự.
Khi chúng ta ra một quyết định hoặc thực hiện một hành động có khả năng gây ảnh hưởng cho người khác, hãy nhớ rằng việc thông tin cho họ biết về những quyết định đó sẽ giúp họ cảm thấy quá trình này là công bằng. Việc cho người khác biết về quá trình ra quyết định của chúng ta cũng như trao
đổi về những điều chúng ta đang suy nghĩ là rất quan trọng: “Tôi biết đây là một tình huống phức tạp, tôi cũng không chắc mình phải làm gì. Và tôi cũng nghĩ cách tốt nhất là làm như vầy và như vầy”. Việc chúng ta biểu lộ cảm giác bất an và không chắc chắn sẽ giúp lôi kéo sự tập trung của người khác vào vấn đề.
Thông báo về tiến trình của chúng ta cũng rất quan trọng vì điều đó có thể đưa quan điểm của chúng ta ra trước những người phản biện. Trong những tình huống tập thể, sự xuất hiện của người ngăn cản có thể giúp quá trình ra quyết định trở lên duy lý và hạn chế khả năng đi lệch khỏi quỹ đạo đã vạch ra từ đầu. Điều này mang đến cho chúng ta những nhận định mới hơn về những người có xu hướng đảm nhận vai trò “kẻ bán mình cho quỷ dữ”. Thuật ngữ này xuất phát từ Vatican để ám chỉ một tu
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.