Đám Đông Cô Đơn
Hai mươi năm sau – Lời tựa thứ hai
Khi Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đôngxuất bản, chúng tôi không mấy kỳ vọng chúng sẽ được đọc rộng rãi bên ngoài môi trường học thuật có liên quan. Đám đông cô đơn đã được các tạp chí chuyên môn chào đón bằng sự phê bình khắt khe thường lệ và chỉ dần dà thì cuốn sách mới đến tay đông đảo bạn đọc không có chuyên môn. Những độc giả không chuyên này cũng cần nhớ lại rằng ngày nay chẳng có mấy học giả đủ minh mẫn nào chịu khó ngồi viết ra một tác phẩm thiên về thực nghiệm và bao quát như Đám đông cô đơn. Điều dễ hiểu là những nghiên cứu có quy mô như vậy đã trở nên lỗi thời. Quả thực, trong một vài lĩnh vực học thuật mà Đám đông cô đơn dựa vào, bao gồm cả các khía cạnh lịch sử nước Mỹ, có lẽ số tác phẩm chuyên ngành đã xuất bản trong 20 năm qua cũng đã bằng với tất cả những năm trước đó gộp lại.
Năm 1960, khi Nhà xuất bản Đại học Yale dự định tái bản cuốn sách dưới dạng ấn phẩm bìa mềm, tôi đã nhân dịp này viết lời tựa mới (được in ngay sau lời tựa này) để vạch ra một vài điều mà tôi thấy dường như sai lầm chính trong cuốn sách, cả khi những sai lầm đó có thể được nhìn nhận đúng hơn tại thời điểm viết lẫn khi chúng được soi rọi trong cái nhìn sau này.[20] Và giờ đây, tám năm sau đó, 1968, tôi đọc lại Đám đông cô đơn để chuẩn bị cho lần in mới. Tuy không sửa đổi gì đáng kể, để bất cứ lời phê bình nào về ấn bản ban đầu mà độc giả có thể gặp vẫn còn nguyên giá trị, song tôi nhận thấy nhiều trang tôi có ghi chú ngoài lề để bày tỏ một nhận định nào đó, giờ đây tôi lại thấy nó mơ hồ hoặc cực đoan, hoặc rành rành sai.
Nếu như không vì thực tế là Đám đông cô đơn ở chừng mực nào đó đã đi vào bức chân dung người Mỹ cả quá khứ lẫn hiện tại mà nhiều người chúng ta – và cả một số độc giả ở các nước khác – mang trong đầu, thì điều này sẽ chẳng làm tôi băn khoăn cho lắm, bởi tri thức tiến tới là nhờ những cái gần đúng tiếp nối nhau, thậm chí nhờ cả những suy đoán mà về sau hóa ra là sai. Dù ở mức độ nhỏ nhoi đến thế nào đi nữa thì cuốn sách cũng đã đóng góp cho bầu không khí phê bình trong xã hội chúng ta, giúp tạo ra hoặc xác nhận lại quan điểm hư vô trong số rất nhiều người vốn vẫn đòi quyền bất tuân thủ (nonconformity) về luân lý hay trí tuệ, hoặc những người chỉ đơn giản là muốn “theo nó” để tránh bị xem là cổ lỗ lạc hậu. Kể từ lời tựa trước chúng tôi viết năm 1960, khuynh hướng tinh thần ở thanh niên Mỹ có giáo dục đã khác đi nhiều, và bối cảnh đời sống chung của chúng ta cũng vậy; cả suy nghĩ của riêng tôi cũng tiếp tục chuyển biến; vì vậy tôi cảm thấy cần phải viết thêm một lời tựa cảnh báo nữa.
Rõ ràng là các vấn đề làm những người Mỹ biết suy nghĩ ngày nay bận tâm đã khác với những thứ làm người ta bận tâm trong giai đoạn Đám đông cô đơn được viết ra; và giữa những người có suy nghĩ, một bầu không khí mà tôi thấy dường như là sự tự phê bình thái quá đã nối tiếp khuynh hướng tự mãn hời hợt trước kia. Theo tôi nghĩ xã hội Mỹ về cơ bản không suy đồi và tàn bạo hơn xưa. Mặc dù có chiến tranh hay chuẩn bị chiến tranh, và đứng trước căng thẳng sắc tộc gia tăng, song những cố chấp được mô tả trong Đám đông cô đơn vẫn tiếp tục giảm; giáo dục cải tiến và truyền thông đại chúng tự do hơn đã có tác động đến tính bài ngoại truyền thống. Thực tế rằng các biện pháp con người và quan điểm tiến bộ đã không mang lại được hòa bình trong nước hay ngoài nước khiến cho người Mỹ bị giằng xé giữa một đằng là nỗi thôi thúc [hành xử] độ lượng với một đằng là nỗi sợ. (Trái với quan điểm hiện tại cả của phái tả lẫn phái hữu, chủ nghĩa tự do không phải là thứ thống trị xã hội Mỹ mà chỉ là một truyền thống thiểu số đối diện với chủ nghĩa bảo thủ mang tính lịch sử, phi ý thức hệ). Cảm giác phiền muộn sâu xa tồn tại trong nhiều người Mỹ chúng ta về xã hội Mỹ ngày nay cho thấy những vấn đề gần như không thể vượt qua được; nhưng điều đó còn phản ánh mong muốn mãnh liệt hơn về một xã hội mà chúng ta cần hướng tới và những cống hiến mà chúng ta cần đóng góp cho nhân loại. Nhưng những gì ta tin tưởng ở bản thân cũng là một thực tế: nó giúp định hình thực tại của chúng ta – đây là ý nghĩa của tiên tri tự ứng[21] mà Robert K. Merton và các tác giả khác đã viết. Sự thất vọng vừa phải về xã hội chúng ta, được bộc lộ công khai, có thể dùng để cảnh báo chúng ta về thảm họa và đánh thức chúng ta tỉnh cơn mơ màng; tuy nhiên, nỗi thất vọng quá mức có thể dẫn một số người đến chỗ rút khỏi hoạt động văn hóa và chính trị, trong khi số khác lại cảm thấy những hành vi phá hoại là hoàn toàn chính đáng mà không hiểu được rằng vẫn có đó khả năng tiềm tàng cho sự đổi thay bằng biện pháp ôn hòa.
Nhiều người đọc Đám đông cô đơn có cảm tưởng cuốn sách lập luận rằng người Mỹ ngày trước tự do hơn và nhân văn hơn. Trong khi xây dựng một hệ thống các loại hình giữa kiểu nội tại định hướng và kiểu ngoại tại định hướng, chúng tôi tập trung vào những thay đổi mà hình như hầu hết bạn đọc đều cho là thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Còn những người khác lại cho rằng cuốn sách quá nhân từ khi chẩn đoán thời đại của chúng ta. Trong khi chúng tôi xem xét người Mỹ cả trong quá khứ lẫn hiện tại với sự châm biếm và tình cảm yêu ghét đan xen thì độc giả lại có chiều hướng tự hòa đồng với những nhược điểm mà họ cảm thấy ở mình hoặc là ở những người họ quen; và họ có thể nhìn sự tàn bạo và vô tình của người Mỹ trước kia với sự khách quan pha chút cảm thông giống như cái nhìn chúng ta vẫn dành cho những cái ác không còn đe dọa áp đảo chúng ta được nữa.
Dĩ nhiên là Đám đông cô đơn đã góp phần vào những ngộ nhận này. Ví dụ, Phần II cuốn sách bàn về chính trị đôi khi rơi vào một tâm trạng hoài cổ mà nó nói chung vẫn tránh. Vì thế có phần cường điệu khi nói rằng (như cuốn sách đề cập ở trang 174) nhìn chung, sự hoài nghi đối với chính trị là thực sự xa lạ vào thế kỷ 19, và cũng sai lầm chẳng kém khi tuyên bố rằng những vấn đề chính trị xác định ở thời kỳ đó “được cho là có thể điều khiển”.[22] Tương tự như vậy, mặc dù tôi thấy dường như chân dung người giáo huấn thế kỷ 19 trong sách cũng rõ rành rành như chân dung người dự đoán nội tình của thời nay, nhưng khuynh hướng tự giễu sẵn có đã khiến nhiều độc giả ngày nay cho rằng loại người dự đoán nội tình là một “phát minh” của thời đại suy đồi hiện tại của chính chúng ta.
Một vài bài viết đóng góp vào tuyển tập của Lipset-Lowenthal dám nói chắc rằng luân lý về bình quân chủ nghĩa và sự thành đạt là đặc điểm của người Mỹ từ thuở khai sinh nền cộng hòa và rằng tính cách Mỹ về cơ bản không thay đổi.[23] Theo ý tôi, ta nhấn mạnh ở tính kế tục hay ở tính gián đoạn là tùy thuộc vào cái ta quan tâm, cũng như tùy vào đánh giá của ta về các bằng chứng đối chọi nhau. Dĩ nhiên, tính kế tục còn rất nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng người Mỹ giàu có thuộc giai cấp trung lưu lớp trên được mô tả trong Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông khác với cha ông họ trên phương diện tính chất các mối tương quan của anh ta với người khác. Không phải người Mỹ ngày nay tuân thủ hơn – điều đó luôn bị hiểu sai trầm trọng; cũng không phải người Mỹ hiện đại kỳ quặc khi muốn gây ấn tượng với người khác hoặc muốn được người khác yêu thích; con người ta xưa nay nói chung vẫn vậy. Sự khác biệt nằm ở mức độ cộng hưởng lớn hơn với người khác, ý thức nhiều hơn về các mối tương quan với mọi người, và mở rộng phạm vi những người mà họ cảm thấy muốn được tiếp xúc. Khi tính chính đáng của những đại diện cho uy quyền người lớn và thế hệ ông cha sút giảm, lớp trẻ và hàng triệu người tìm cách để trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi quyền lực của người cùng thời hơn, cả qua giao tiếp cá nhân lẫn qua truyền thông đại chúng. Trọng tâm chú ý đó thường dẫn đến sự phản kháng và bất phục tùng, nhưng vấn đề đang tranh luận chủ yếu lại là mức độ cộng hưởng, chứ không chú trọng nhiều đến tính tuân thủ.
Từ năm 1950, sự sút giảm ảnh hưởng và quyền uy của người lớn được ghi lại trong Đám đông cô đơn còn đi xa hơn nữa. Ngày nay vào học các trường trung học và cao đẳng là con cái của những ông bố bà mẹ mang tâm trạng hoài nghi bản thân, những người cảm thấy hình ảnh mình bị phô bày trong các cuốn sách như Đám đông cô đơn. Sự mất tự tin từ bên trong ở người lớn là một hiện tượng toàn thế giới, cho thấy sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và các giá trị. Margaret Mead đã đề cập đến những bậc cha mẹ người Mỹ chính gốc nhưng cảm thấy mình như dân nhập cư vào đất nước của lớp trẻ. Thanh niên phản ứng lại tình trạng mất chủ quyền của nhóm người lớn với tâm trạng còn hồ nghi bản thân hơn, hoang mang hơn và nổi loạn hơn. Tất nhiên có những chênh lệch về mức độ, bởi vậy trong khi sinh viên từ Tokyo cho đến Praha có thể sống nhờ vào sự phản kháng lẫn nhau và học hỏi những mẹo mực của nhau, thì mâu thuẫn giữa các thế hệ lại không nơi nào giống nơi nào. Quả thực, tôi thấy các phong trào của sinh viên Mỹ độc đáo về một số mặt. Nam Phi có thể sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng sắc tộc trong tương lai sánh ngang với cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ, nhưng sự ưu tiên về tri thức và đạo đức mà cuộc khủng hoảng này hiện đang thúc ép trong những người da trắng nhạy cảm cũng như trong người da đen thì lại đặc biệt Mỹ. Các hoạt động quyền công dân trong những năm trước đã mang lại chất xúc tác tinh thần và phần nhiều kinh nghiệm chiến thuật sau này đã biến thành phản đối chiến tranh cũng như phản đối các trường cao đẳng và đại học. Và tuy sinh viên ở những nơi khác phản đối chiến tranh Việt Nam, song ngay cả ở Nhật họ cũng không trực tiếp dấn thân như các thanh niên Mỹ bị buộc đi quân dịch và phải đối mặt với những tình thế đạo đức khó xử, mâu thuẫn và không khoan nhượng.
Sự nhạy cảm tăng lên trước những tình thế khó xử như vậy phản ánh, ngoài những vấn đề khác, một sự chuyển dịch – kể từ khi Đám đông cô đơn được viết ra – đến chỗ quan tâm nhiều hơn đến sự độc lập (autonomy) và phủ nhận sự thích nghi (adjustment) như một sự thỏa hiệp suy đồi. Trong nền văn hóa đại chúng và cao cấp của chúng ta còn có sự ưa chuộng tình trạng lệch lạc (anomie) hơn sự thích nghi, và có nhận thức rõ hơn về sự lệch lạc đang tồn tại. Chiều kích tính cách phổ quát này vẫn còn có ý nghĩa ngay cả khi một biến chuyển giả định từ kiểu nội tại định hướng sang kiểu ngoại tại định hướng có thể không còn là biểu đồ đúng nhất để phác họa tính cách xã hội của người Mỹ trung lưu lớp trên. Nhiều người trong giới trẻ ngày nay xem ra thuộc kiểu bị xung động định hướng hoặc hoàn cảnh định hướng nhiều hơn hẳn so với vài thập kỷ trước trong cùng giai tầng xã hội. Tuy nhiên, bởi lẽ không một nước nào – ngay cả Hoa Kỳ – có thể thình lình thay đổi, tôi thấy dường như nhiều điều trong Đám đông cô đơn bàn về tính cách xã hội đương thời nay vẫn còn xác đáng. Nhưng quan trọng hơn là phải tiếp tục tìm hiểu chính vấn đề tính cách xã hội. Có rất ít công trình thực nghiệm bàn đến cái phân biệt tính cách xã hội của một thời đại hoặc của một giai tầng với thời đại khác và giai tầng khác.[24] Nếu ta phải tách bạch tính cách xã hội với hệ tư tưởng hoặc hành vi, thì những minh họa chúng ta đã in trong cuốn Những bộ mặt trong đám đông gợi ý cần phải dùng đến vật liệu xạ ảnh. Chúng ta chỉ có thể hiểu xã hội mình nếu chúng ta biết phân tích con người cư xử và nói năng ra sao, rồi cả những tâm tính nền tảng hơn và thường là vô thức ở họ thế nào, những thứ này được lịch sử định hình ra sao và đến lượt chúng định hình lịch sử như thế nào.
Đám đông cô đơn là một trong những nghiên cứu dùng phép phân tích nội dung truyện thiếu nhi, phim ảnh, truyện hư cấu và văn chương giáo dục[25] như một cách để đánh giá thái độ độc giả và thính giả. Nghiên cứu như vậy mang tính suy luận, bao hàm một nhận định về điều mà một nhóm cử tọa có thể thấy trong một tác phẩm – và giả sử như cử tọa đó đã không còn, không thể gặp mặt phỏng vấn được nữa thì những phân tích nội dung tinh tế nhất cũng chỉ là suy đoán. Đồng nghiệp của tôi là David McClelland đã biến loại hình phân tích chất liệu hư cấu – như một manh mối để hiểu thái độ của thời trước – thành một nghệ thuật tinh tế, tuy có phần mạo hiểm.[26] Những nghiên cứu đối chiếu về các nhóm cử tọa cho văn hóa đại chúng thì khá hiếm, dù cho hồ sơ của những người nghiên cứu thị trường phải bao gồm các dữ liệu có khả năng phân tích theo lịch sử. Hiện nay sẽ rất thú vị nếu có vài ba nghiên cứu về “chuyên viên dẫn chương trình tọa đàm” (“talk jockey”), tuy họ dành khá nhiều không gian cho những người thấp cổ bé họng trước đây, nhưng lại đôi lúc truyền bá và đôi lúc đả phá chứng hoang tưởng dễ lây lan ở những người thân cô thế cô.
Phép thăm dò dư luận đã tiếp tục cải thiện và chúng tôi được cung cấp thêm nhiều khảo sát lặp đi lặp lại và đáng tin cậy liên quan đến việc ai nghĩ gì về sắc tộc, bom hạt nhân, chiến tranh Việt Nam, hạnh phúc cho nhân loại, uy tín của các nhà lãnh đạo và ai được cho là người sẽ điều hành nước Mỹ. Mặc dù vậy, như nhiều người đã nhận thấy, các chỉ báo của chúng ta về nạn thất nghiệp và tổng sản phẩm quốc gia cùng những số liệu kinh tế khác thường khả quan hơn các chỉ báo về những thứ không sờ thấy được như sự toại nguyện trong tình yêu và công việc, hoặc những cảm xúc tiềm ẩn vẫn chưa được huy động bởi lời hiệu triệu của chính trị và văn hóa.
Thế nhưng các chỉ số mà chúng tôi đưa ra chỉ giúp ích phần nào trong việc đánh giá những câu hỏi chính trị, văn hóa lớn hơn mà việc tổng sản phẩm quốc gia liên tục tăng đặt ra, và trong mối quan tâm đến cách thức chúng ta sử dụng sự dư dật tương đối của mình. Đám đông cô đơn đã đưa ra giả định, khá mới mẻ vào thời điểm đó, rằng vấn đề kinh tế dư dật đã được giải quyết xong xuôi về phương diện sản xuất, nếu như không phải về phương diện phân phối – Lời tựa viết năm 1960 được in kèm sau đây bàn về quan niệm mà nay tôi cho là sai lầm, rằng vấn đề kinh tế không còn quan trọng nữa và rằng chúng ta có thể cho phép ra đời những thái độ thời hậu công nghiệp hiện giờ đang rất thịnh hành. Nhiều người khác nữa cũng hấp tấp phát biểu cùng quan điểm như vậy, kể cả nhà kinh tế học Robert Theobald và nhà phê bình Paul Goodman; John Kenneth Galbraith, có thể nói là nhà phê bình xã hội học có ảnh hưởng nhất, đã nhất quyết cho rằng Hoa Kỳ không cần sản xuất nữa, không cần giàu có sung túc nữa, mà cần có thêm những hàng hóa mang tính “công cộng”, ví dụ như không khí trong lành hơn, đường phố sạch sẽ hơn và nước tinh khiết hơn, thay vì những thứ hàng hóa mang tính “tư nhân”[27] chóng lỗi thời hơn. Không thể phủ nhận rằng chạy theo sản xuất như mục đích tự thân là bệnh hoạn, dù cho điều đó đỡ nguy hiểm cho xã hội hơn việc chạy theo quyền lực như mục đích tự thân.
Trong giới những người Mỹ khá giả, đặc biệt là ở con cái họ, các mức tiêu thụ của họ thường bị chỉ trích là hoang phí. Tuy nhiên, căn cứ vào cơ cấu chính trị của những nhóm có quyền phủ quyết, tôi thấy thật khó hình dung là, về mặt chính trị, người ta có thể giúp cho nhóm người thực sự nghèo bên trong nước Mỹ – chưa nói đến ở bên ngoài nước Mỹ – hội nhập được mà không đồng thời nâng cao đáng kể mức sống của những nhóm kinh tế xã hội thấp hơn song chưa phải nghèo. Tức là, không thể thuyết phục được tầng lớp trung lưu lớp dưới sung túc một cách bấp bênh và tầng lớp công nhân lớp trên phải hào phóng với nhóm người thật sự cùng quẫn, đặc biệt khi nhóm này là dân da đen và bất trị (cho dù đa số dân nghèo ở Mỹ là người da trắng), nếu như chính bản thân họ không sống dựa vào xu thế thỏa mãn người tiêu dùng đang tăng lên không ngừng. Người nghèo, cả da trắng lẫn da đen, và các đồng minh sung túc có lương tâm của họ chỉ là thiểu số (cả nhóm phủ quyết cũng thế), họ là những người có tác động về mặt chiến thuật trong nhiều hoàn cảnh địa phương (với khả năng gây biến loạn), nhưng lại không thể thúc đẩy sự phân phối công bằng hơn các nguồn lực ngày càng tăng trên phạm vi quốc gia. Quả thực, thành công chiến thuật thường đạt được với cái giá là sự suy yếu chiến lược về lâu dài.[28] Đám đông cô đơn đã không đặt nặng đúng mức vấn đề tiếp tục mở mang các nguồn lực để làm dịu những đố kỵ và oán giận của nhóm không-đến-nỗi-nghèo mang bức xúc chính đáng.
Tôi đã là thành viên trong Ủy ban Quốc gia về Mục tiêu và Nguồn lực Hoa Kỳ của Hiệp hội Hoạch định Quốc gia, nhiệm vụ của ủy ban này cho thấy rằng để đương đầu với các đòi hỏi mà nền kinh tế Mỹ tự đặt ra là giải quyết đói nghèo trong các khu ổ chuột và ở những nơi khác, chúng ta cần mở rộng sản xuất, dĩ nhiên là ngoài việc từ bỏ chi tiêu cho chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh. Ủy ban đã cố ước tính chi phí cho các mục tiêu mà đến nay vẫn được mọi người chấp nhận là chính đáng, ví dụ như chăm sóc y tế cải thiện hơn, nhà ở, chế độ phúc lợi, kiểm soát ô nhiễm tốt hơn và nhiều thứ nữa mà chúng ta mưu cầu; đạt được những mục tiêu này, ngay cả khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, cũng sẽ vượt quá cả khả năng sản xuất hàng loạt của chúng ta trong tương lai thấy được – mà đó là chưa lưu tâm đến đòi hỏi viện trợ trong khối các nước đang phát triển.[29] Trái với điều tôi từng nghĩ, nền kinh tế không phải tự nó thúc đẩy nó. Chúng ta có thể thấy ở Anh những vấn đề nảy sinh khi một xã hội đã trở thành hậu công nghiệp về mặt tâm lý rất lâu trước khi hạ tầng kinh tế đủ mạnh để gánh các kỳ vọng cứ đều đặn tăng thêm. Những thanh niên Mỹ tài giỏi nhất đang tiếp tục tránh những nghề có bất cứ liên quan nào đến sản xuất và các vấn đề kinh tế, rồi giờ đây họ còn tránh các nghề nghiệp trong các ngành khoa học tự nhiên (trừ y khoa) – những nghề này được xem là không có mấy ý nghĩa.[30] Ấy thế mà nền kinh tế càng ngày càng phức tạp của chúng ta đòi hỏi vừa phải làm việc tận tâm hơn lại vừa phải có trí tưởng tượng bay bổng hơn, song trên thực tế đòi hỏi như vậy là quá nhiều chừng nào quan niệm ở giới trẻ về quản lý chỉ dừng lại ở chỗ coi đó là nghề dành cho những tay phụ việc, “những gã làm công tác tổ chức”.
Đám đông cô đơn đã góp phần sinh ra sự coi rẻ đầy trịch thượng các ngành nghề kinh doanh, khi nó bàn đến sự chuyển dịch từ tay nghề thủ công sang tài điều khiển, và qua việc đánh giá thấp yếu tố trí tuệ ở phần lớn công việc trong các tổ chức phức tạp. Không nên xem sự từ bỏ việc điều khiển bằng tay chân để chuyển sang điều khiển dựa trên ý niệm và từ bỏ phương thức làm việc với vật để chuyển sang làm việc với người là một điều gây phương hại. Công việc kinh doanh của công ty lớn ngày nay phụ thuộc nhiều vào những ý tưởng chứ ít phụ thuộc vào những mò mẫm kiểu thử-và-sai tàn khốc như trước đây. Thế nên Đám đông cô đơnquả thực đã chỉ ra [xu hướng] trở nên nhạy cảm hơn và ít khoan thứ hơn đối với sự bóc lột trong đời sống công ty của chúng ta. Thế nhưng, như thường thấy, những tiến bộ như vậy lại làm nảy sinh vấn đề mới. Chúng ta nhận thức được rõ hơn rằng con người phụ thuộc lẫn nhau, điều đó dẫn chúng ta đến chỗ thấy rõ hơn các mối tương quan có tính điều khiển vẫn còn. Trong khối dân cư đông đúc hơn, tính đồ sộ của các tổ chức nơi con người làm việc và khoảng cách xa hơn từ tổ chức đến thành phẩm làm nảy sinh cảm giác phi thực cho nhiều nhân viên chuyên môn và giới nhân viên văn phòng “cổ trắng”. Sự dư dật, dù được phân phối không đồng đều, cho phép những ai sở hữu nó đòi công việc của mình phải có ý nghĩa và không bằng lòng nếu làm việc đơn thuần để tìm kế sinh nhai, và tình trạng tương đối thiếu tính thách thức mà sự dư dật tạo ra làm cho nhiều người càng thấy khó lòng tìm thấy cái ý nghĩa ấy. Vào thời xưa hơn và trên một số khía cạnh là ngây thơ hơn, người Mỹ thường bóc lột mà không nhận ra điều đó, hay không quan tâm theo cách này cách khác; họ muốn có những kết quả và không tìm kiếm ý nghĩa công việc như vậy.
Một thế hệ trước, Joseph Schumpeter[31] đã nói về sự rút lui khỏi ảnh hưởng của hệ thống kinh doanh. Khi con cái của những người sung túc phản đối việc lấy lòng tham làm động cơ, phản đối thói tham công tiếc việc có tính truyền thống, có thể họ đã thấy khó khám phá ra được các nguồn khác để gắn bó tận tụy mà đồng thời mang lại nhiều tự do hơn. Tôi thấy nhiều người trẻ hôm nay trông chờ bén duyên một giao kết tận tụy, một bản sắc hay một ý nghĩa cho đời mình, như kiểu thanh niên lãng mạn trông chờ tình trạng phải lòng khi yêu. Họ miễn cưỡng, thường là vậy, trải mình ra để tìm thấy bản thân mình. Khi tính chính đáng của uy quyền người lớn liên tục suy yếu, sự chi phối của nhóm ngang hàng tiếp tục tăng, về mặt tính cách xã hội, điều này có thể bao hàm một mức độ nào đó tình trạng ngoại tại định hướng. Nhưng người khác mà ta đáp lại thường là trong một phạm vi hạn hẹp gồm những người thân thiết; do vậy kiểu ngoại tại định hướng chưa tăng nhiều xét về khía cạnh cởi mở với người khác. Sự chấp nhận và cởi mở chỉ mở rộng ra đến các mạng lưới nhỏ, không mấy gắn bó, mà các chuẩn mực trong đó bao gồm cả việc không chấp nhận người khác bên ngoài mạng lưới.
Một thiểu số nhỏ trong thiểu số này đã lao vào chính trị, tìm thấy trong các phong trào phản chiến, quyền công dân và chống đối đại học một thứ tôn giáo thế tục mới và thường là một gia đình mới, vì từ trước tới giờ họ chưa bao giờ được tự do thoát ly gia đình của cha mẹ, nền tảng sắc tộc, nền tảng tôn giáo và xóm giềng trong vùng đến mức như vậy.[32] Rất có thể một tỷ lệ không cố định trong thiểu số này sống với ý thức rằng vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt chính công cuộc của con người, làm trầm trọng thêm nỗi lo âu sâu xa, sự ngờ vực và cảm giác đứt đoạn lịch sử ở họ.[33]
Tôi đã quan tâm đến hiểm họa hạt nhân từ thời Hiroshima và với tư cách công dân tôi cho nó ưu tiên hàng đầu. Người ta dễ đâm ra ám ảnh bởi mối nguy này (ví dụ, quyết định không sinh con vào một thế giới khủng khiếp và bấp bênh như vậy), cũng như tôi đã thấy những người khác sao nhãng khỏi mọi thứ còn lại vì mải lo nghĩ đến những tàn ác, bất công và xuẩn ngốc khác trong xã hội. Đám đông cô đơn cổ xúy cho công cuộc khó khăn cả về mặt tinh thần lẫn thực tế là sống đồng thời trên hai bình diện: bình diện các lý tưởng hay thậm chí những cái nhìn không tưởng và bình diện sinh tồn mỗi ngày. Đời sống thường nhật và chủ nghĩa lý tưởng của chúng ta phải vun đắp cho nhau và đối thoại với nhau. Ngược với điều này, ở Mỹ có một truyền thống mạnh mẽ và đôi khi cuồng tín rằng con người độc lập phải là một nhà tiên tri và phải hành xử theo các xác tín của anh ta gần như chẳng hề đếm xỉa đến hệ quả cá nhân và xã hội – một truyền thống xung đột với tính thực dụng mà họ vốn cũng ngưỡng mộ. Người độc lập được phác họa hết sức vắn tắt ở chương cuối trong Đám đông cô đơn là người có khả năng và sự can trường để nhìn thẳng, dù anh ta có lòng can đảm hay quyền lực để hành động theo nhận thức của mình hay không. Hầu hết chúng ta không phải là anh hùng hay thánh nhân, và nếu chúng ta cứ khăng khăng rằng con người phải luôn hành xử theo lý tưởng của mình, điều này có thể hàm nghĩa các lý tưởng phải được điều chỉnh lại cho khớp với mức độ can đảm và nghị lực của cá nhân, hoặc cá nhân đó sẽ đâm ra hoài nghi về bản thân hay huyễn hoặc về xã hội của mình hay cả hai. Do vậy niềm tin đặc trưng kiểu Mỹ này, rằng ta không chỉ phải nhìn thẳng mà còn phải chân thật và hành động thẳng thắn, có thể trao quyền chi phối lúc thì cho kẻ tự mãn, lúc khác lại cho những ai biết phẫn nộ chính đáng và biết cống hiến. Các cộng sự của tôi và tôi, ngày viết Đám đông cô đơn và hôm nay vẫn vậy, chọn một cách nhìn ôn hòa và bình tâm hơn về cái có thể tồn tại hay có thể diễn ra về mặt lịch sử, do vậy tin rằng hy vọng lớn nhất cho sự thay đổi chiều hướng các lý tưởng của chúng ta không nằm ở những nỗ lực hoàn thiện tổng thể của bản thân ta và xã hội, mà là ở công cuộc kiên trì hướng tới sự đổi thay dần dần trong ánh sáng một ý thức thăm dò về nhiều tương lai khả dĩ.
Stanford, California
Tháng Tư 1969
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.