Đám Đông Cô Đơn

PHẦN II: CHÍNH TRỊ – CHƯƠNG VIII: Các phong cách chính trị kiểu truyền thống định hướng, nội tại định hướng, và ngoại tại định hướng: người dửng dưng, người giáo huấn, người dự đoán nội tình



Có những nước người dân chỉ chấp nhận với chút khó chịu các quyền chính trị do luật pháp đem lại. Làm cho ông ta quan tâm đến những lợi ích chung tưởng đâu như là lấy cắp thời giờ của ông ta vậy… Trái lại, khi mà người Mỹ bị buộc phải lo cho riêng công việc của chính mình thôi, khi đó tưởng như nửa cuộc đời họ bị cướp đoạt mất. Người dân Mỹ khi đó sẽ cảm thấy một sự trống rỗng mênh mông trong cuộc đời mình, và họ sẽ đau khổ không sao tưởng tượng nổi.

Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[196]

Ở phần này của cuốn sách tôi sẽ chuyển sang một nỗ lực có tính chất khơi mở để áp dụng vào chính trị Mỹ lý thuyết tính cách đã phát triển trong phần trước. Song, trước hết cần chỉ rõ các vấn đề và hạn chế của kiểu tiếp cận chính trị này. Chính đề chung của tôi là tính cách nội tại định hướng đã có chiều hướng và vẫn đang có chiều hướng thể hiện mình trong chính trị theo kiểu “người giáo huấn” (moralizer), trong khi tính cách kiểu ngoại tại định hướng thường thể hiện mình về mặt chính trị theo kiểu một “người dự đoán nội tình” (inside-dopester). Các kiểu này cũng gắn liền với một chuyển biến trong tâm trạng chính trị từ “phẫn nộ” sang “khoan dung”, và một thay đổi trong quyết định chính trị từ sự thống trị của một giai cấp cầm quyền sang sự phân tán quyền lực giữa nhiều nhóm áp lực nhỏ đang cạnh tranh. Một số dịch chuyển này có thể nằm trong các yếu tố nguyên nhân của sự xuất hiện kiểu ngoại tại định hướng.

Nói như vậy, tôi phải tức thì đưa ra một số sự dè dặt. Một lần nữa, tôi kêu gọi bạn đọc chú ý đến các hạn chế của tầng lớp xã hội và khu vực giới hạn bức tranh tính cách ở Mỹ mà tôi đã giới thiệu. Hơn nữa, như tôi cũng đã nói, con người thực tế là các kiểu pha trộn, phức tạp và đa dạng – những thứ mảnh vụn và miếng vá – hơn bất kỳ sơ đồ nào có thể bao quát. Ví dụ, họ có thể là kiểu ngoại tại định hướng về tổng thể, nhưng trong lĩnh vực chính trị họ có thể lại là kiểu nội tại định hướng hơn những lĩnh vực khác. Hoặc, người ta có thể hoạt động có hiệu quả trong chính trị – có một phong cách vượt hơn hẳn phong cách của người giáo huấn và phong cách của người dự đoán nội tình – dù nhìn chung ngoài đời họ có vẻ “lạc lõng”: chính trị có thể là hoạt động mạnh nhất của họ; hoặc chính trị cũng có thể là một lĩnh vực mà, vì nhiều lý do, họ không thích hợp bằng các lĩnh vực khác.

Nhưng các vấn đề tính cách này không phải là những yếu tố duy nhất ngăn trở chúng ta giải thích hay tiên đoán hành vi chính trị cụ thể chỉ trên cơ sở tâm lý. Lấy ví dụ duy nhất, tâm trạng khủng hoảng triền miên trong đó chính trị hiện đại nói chung bị đóng khung, và sự thiếu hụt chung về giải pháp thay thế giàu tưởng tượng, có thể đủ, hay gần đủ, để lý giải vì sao người ta không mở mang thêm được các phong cách chính trị mới – nhằm đưa những động cơ thúc đẩy mới vào chính trị và các cách định nghĩa mới về chính trị, dù tính cách họ có thể đã khác.

Điều tra của tôi không đề cập thêm đến người hoạt động chính trị như được định nghĩa theo quan điểm nhà nước hay theo quan điểm của các nhóm, các đảng phái và các giai cấp mà nhà nước được phân chia để có phân tích chính trị chính thức, mà đề cập đến quá trình người ta dần dần can dự vào chính trị, và sự phong cách hóa các tình cảm chính trị tiếp sau đó. Rõ ràng, không thể phân định quá rành mạch đường ranh giữa hai lĩnh vực này; truyền thống lớn của khoa học chính trị hiện đại đi từ Machiavelli và Hobbes[197] đến Tocqueville, và Marx quan tâm đến cả hai. Đây là lý do vì sao, khi nói đến các hệ quả chính trị của tính cách, tôi dùng thuật ngữ của chủ nghĩa ấn tượng là “phong cách”.[198] Nếu chính trị là một vở ba lê trên sân khấu mà lịch sử dựng lên thì phong cách không cho chúng ta biết các vũ công từ đâu ra hay họ sẽ di chuyển tới đâu mà chỉ cho biết họ đóng vai của mình như thế nào và khán giả phản ứng ra sao.

Khi tôi đi tiếp, về sau, từ vấn đề phong cách đến vấn đề quyền lực, mối liên hệ giữa cấu trúc tính cách và cấu trúc chính trị sẽ trở nên còn ít thực chất hơn từ “phong cách” hàm ý. Về một mặt, hiển nhiên là nhiều người ngày nay trốn khỏi các thực tại quyền lực mà chạy vào những giải thích tâm lý học về tập tính xã hội để tránh thách thức các niềm tin chính trị hiện đại, hoặc trả về cho chính trị tính dễ lèo lái đáng mong ước bằng cách dựa vào một công cụ phân tích mới. Dẫu vậy, điều hiển nhiên không kém là một chủ nghĩa hiện thực chính trị phớt lờ chiều kích tính cách, phớt lờ mọi người giải thích bố cục quyền lực ra sao trên cơ sở các nhu cầu tâm lý của họ, sẽ chỉ hữu ích trong các luận giải rất ngắn hạn và thậm chí không phải bao giờ cũng có sẵn.

I. Người dửng dưng

PHONG CÁCH CŨ

Cũng như quan điểm mọi thành viên trưởng thành trong cộng đồng phải có liên quan trong hoạch định chính sách của cộng đồng, quan điểm cho rằng sự dửng dưng và thờ ơ chính trị tạo thành những vấn đề cũng mới xuất hiện gần đây. Do đó, trong các xã hội phương Đông cổ đại, nơi chỉ có vương triều cùng một nhóm nhỏ quân sư và quý tộc có quyền tham gia, dân chúng còn lại không thể bị gọi là thờ ơ: họ chỉ là đang say ngủ về chính trị. Cũng giống như vậy, ở thị quốc Hy Lạp chúng ta có thể nghĩ sự thờ ơ là một vấn đề chỉ tồn tại trong các công dân của họ mà thôi – còn phụ nữ, ngoại kiều và nô lệ đã bị loại trừ khỏi mọi can dự tới lĩnh vực chính trị.

Một số ít ỏi người kiểu truyền thống định hướng ở Mỹ nằm trong số những người dửng dưng chính trị theo kiểu này. Sự dửng dưng của họ là sự dửng dưng cổ điển của đám quần chúng thời Cổ đại hay Trung đại – những người mà, xuyên suốt lịch sử, đã chấp nhận thói bạo ngược của giới cầm quyền, với nỗi hoài nghi cứ đều đặn trở đi trở lại và các cuộc nổi loạn lác đác. Họ không có phương tiện để diễn đạt hùng hồn về mặt chính trị, họ cũng không hề biết điều này có thể bao hàm cái gì. Họ thiếu các công cụ chính trị sơ đẳng là biết đọc biết viết, giáo dục chính trị và kinh nghiệm tổ chức.

Ở Hoa Kỳ ngày nay số người dửng dưng kiểu truyền thống định hướng như vậy rất ít. Có ít “khu bảo tồn” để người ta có thể tránh ảnh hưởng của các giá trị kiểu nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng hay cả hai. Song, trong một số nhóm nhập cư và người da đen ở nông thôn, sự dửng dưng kiểu truyền thống định hướng xưa vẫn còn, ít ra cũng trong một mức độ nào đó. Tôi sẽ lấy ví dụ từ bài phỏng vấn[199]một phụ nữ trung niên làm công việc vệ sinh dọn dẹp từ khu vực Tây Ấn của Anh đến, giờ đang sống ở Harlem. Dù bà đã chịu ảnh hưởng nhiều của kiểu nội tại định hướng, các thái độ chính trị của bà (có tính đến phản ứng thận trọng) lại có vẻ đại diện cho vài chủ đề của một sự dửng dưng dựa trên kiểu truyền thống định hướng.

Hỏi: Bà cho mình là người rất quan tâm đến chính trị, không quan tâm lắm, hay gần như không quan tâm?

Đáp: Không hề. Chồng tôi thì có. Ông ấy nói hay lắm. Ông ấy còn biết tranh luận nữa.

Hỏi: Bà có ý kiến về chuyện đang diễn ra không? Ví dụ bà có biết ai mà bà muốn đắc cử không?

Đáp: Không. Tôi tin người giỏi nhất sẽ thắng.

Hỏi: Vậy bà nghĩ ai thắng cũng thế, sẽ không có gì khác biệt?

Đáp: Chẳng khác gì cả. Người giỏi nhất sẽ thắng. Dù gì họ cũng giống nhau cả thôi khi đã trúng rồi. Cũng vậy cả thôi. Họ cũng làm chừng ấy thứ. Một người đảng Cộng hòa trúng, hay một người Dân chủ, họ như nhau cả.

Hỏi: Có bao giờ bà nghe thấy những thứ về chính trị trên đài và chúng làm bà bực tức không?

Đáp: Không, tôi không quan tâm nên tôi chả bực tức.

Hỏi: Có cái gì khác nghe trên đài làm bà bực không – không phải chính trị?

Đáp: Không.

Hỏi: Bà có nghe thấy cái gì làm bà vui mừng không?

Đáp: Không.

Hỏi: Bà nghĩ loại người nào quan tâm đến chính trị?

Đáp: Ồ… Tôi tin là đám giàu có hơn. Dân nghèo lẽ ra cũng quan tâm, nhưng họ chẳng có cơ hội.

Hỏi: Bà có nghĩ là tránh được chiến tranh không?

Đáp: Không. Kinh Thánh dạy rằng người La Mã sẽ đánh nhau. (Cái gì đó đại để như vậy – tôi không hiểu lắm.) Tôi tin bao giờ cũng sẽ có chiến tranh (nói gần như với sự đắc ý, kiểu như người ta thường nói “Bao giờ cũng vẫn sẽ có một nước Anh”). Đời này qua đời khác – Kinh Thánh bảo ta vậy.

Hỏi: Bà có nghĩ chúng ta có thể làm gì đó để tránh suy thoái không?

Đáp: Tôi nghĩ ta có thể làm việc và cố gắng có cái gì đó – nhưng có lúc sẽ khó khăn rồi cũng có lúc tốt đẹp hơn. Và nếu ta có một chút gì đó thì tốt hơn, nhưng kiểu gì ta cũng có thể xoay xở được…

Hỏi: Bà có nghĩ dân ở Washington biết rõ hơn dân nơi khác là sẽ có chiến tranh hay không có chiến tranh không?

Đáp: Chỉ có Chúa trên trời mới biết. Con người không biết đâu. Chúng tôi chỉ mong…

Hỏi: Bà có nghĩ rằng nhìn chung Hoa Kỳ là một nước dân chủ?

Đáp: Tôi xin nói một điều, đây là một đất nước may mắn. Trong tất cả các nước trên thế giới, đất nước này may mắn.

Tiêu biểu cho người dửng dưng kiểu truyền thống định hướng là thái độ coi chính trị là việc của ai khác; với người được phỏng vấn ở trên, chính trị là dành cho chồng bà, cho người giàu có, và rất có thể là cho câu lạc bộ của người da trắng. Độ sâu và tính dai dẳng của các quy ước ủy quyền này đạt đến mức độ là người dửng dưng chính trị kiểu này, dù không được trực tiếp tham gia chính trị, vẫn chẳng có nguyên cớ nào khiến họ cảm thấy hoang mang. Không có ý thức trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực chính trị, một người như thế không tìm quyền lực, và do vậy hiếm khi cảm thấy thất vọng hay có lỗi về chính trị. Thực vậy, ngoài những chăm lo của “người khôn, người tốt và người giàu” – dùng chữ của Fisher Ames – theo họ trách nhiệm đối với chính trị không phải là của con người, mà của Chúa.

PHONG CÁCH MỚI

Chẳng có gì đáng nói thêm về những người dửng dưng ngày càng hiếm mà phong cách chính trị của họ tương hợp với một tính cách kiểu truyền thống định hướng, với địa vị giai cấp thấp, sự nghèo khổ và tình trạng thiếu giáo dục chính trị. Quan trọng hơn nhiều là những người dửng dưng không còn là kiểu truyền thống định hướng, đã có được các công cụ chính trị sơ đẳng là biết chữ, một chút năng lực tổ chức, và một chút nhận thức về các lợi ích có thể tận dụng được từ hoạt động chính trị. Đúng là, khi chúng ta tìm hiểu các nỗ lực đưa tổ chức và giáo dục chính trị đến với những người sống ở các vùng nông thôn hay khu ổ chuột thành thị, thì hóa ra điều kiện sống của họ không rèn giũa cho họ các kỹ thuật hay động cơ chính trị (các kỹ thuật đơn giản, sử dụng dễ dàng như điện thoại), vốn được xem là điều đương nhiên trong một số khu vực năng động và có ý thức chính trị thuộc tầng lớp trung lưu. Thế nhưng trong thế kỷ vừa qua (thế kỷ 19), sự phổ cập giáo dục, việc giảm giờ làm và giảm tải, sự lớn mạnh của công đoàn và các hiệp hội ít nhiều chính thức khác, sự tăng kinh nghiệm về các thủ tục và biểu mẫu hành chính chính quyền, dường như đã làm tăng khả năng, nếu không nói là mong muốn, vận động trong lĩnh vực chính trị của các công dân nghèo hơn.

Dẫu vậy, những người này chủ yếu vẫn là dửng dưng với chính trị, dù đó không phải là sự dửng dưng cổ điển, thụ động của người kiểu truyền thống định hướng. Đây phần lớn là sự dửng dưng của những người biết đủ về chính trị để bác bỏ chính trị, biết đủ thông tin chính trị để từ chối thông tin, biết đủ trách nhiệm chính trị của mình với tư cách công dân để tránh trách nhiệm. Chúng ta có thể xếp loại một số người dửng dưng theo phong cách mới này là người kiểu nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng nhưng chưa chọn một phong cách chính trị tiêu biểu hơn cho kiểu của họ. Nếu không phải thế, thì họ là những người đang chuyển dịch, về mặt tính cách và xã hội, từ một kiểu tính cách và hoàn cảnh xã hội này sang một kiểu và hoàn cảnh khác: người kiểu truyền thống định hướng bị “nhổ rễ” vẫn chưa thích nghi văn hóa với kiểu nội tại định hướng, người kiểu nội tại định hướng chưa thích nghi văn hóa với kiểu ngoại tại định hướng, và mọi sắc thái xen ở giữa.

Tất nhiên là điều này mang tính suy đoán. Các nhân tố bên ngoài trong bối cảnh chính trị hiện nay thường đủ để giải thích một sự dửng dưng tương tự ở mọi tầng lớp và mọi kiểu tính cách. Rõ là một cá nhân có thể rút lui hoàn toàn khỏi chính trị bởi lẽ bối cảnh khả quan đến nỗi xem ra chẳng cần có hành động can dự nào. Người ta có thể biện luận rằng đời sống Mỹ có thể đủ vừa ý rồi, ngay cả đối với nhiều người trong các tầng lớp có thu nhập thấp, để biện minh cho sự dửng dưng trước các nỗ lực cải thiện chính trị: theo cách hiểu này, vì người Mỹ đủ giàu và đủ phong lưu để được hưởng nhiều thực phẩm hơn, nhiều điện thoại hơn, nhiều chuyến đi hơn so với hầu hết các dân tộc khác, trong sự yên ổn của mình họ có thể có cái quyền xa xỉ là được dửng dưng nhiều hơn về chính trị. Ngược lại, một người có thể rút lui hoàn toàn khỏi chính trị vì bối cảnh trông rối rắm đến độ hình như chẳng hành động nào là phù hợp hoặc tuyệt vọng đến nỗi không hành động nào có vẻ hứa hẹn; và cả những điều này nữa cũng là cảm nghĩ của nhiều người Mỹ. Không thể có hành động chính trị hay tự thông tin cho mình, được thúc đẩy theo cách nào trong hai cách này, không có nghĩa là sự dửng dưng của cá nhân có dính dáng gì đến tính cách anh ta. Song, một người qua một thời gian dài thường xuyên không có được phản ứng nào rõ rệt trước các kích thích chính trị thì có thể góp phần, hay thực ra cấu thành, một sự triệt thoái cảm xúc, và điều này có thể lan tràn từ chính trị sang các lĩnh vực khác và ngược lại, cùng với các hệ quả cho sự hình thành tính cách.

Để minh họa vấn đề, tôi sẽ dựa vào một loạt phỏng vấn (được Martin và Margy Meyerson thực hiện) trong một thị trấn nhỏ là thủ phủ một hạt thuộc bang Vermont, nơi thế hệ già hơn có vẻ thiên nhiều về kiểu nội tại định hướng, còn thế hệ trẻ hơn đang ngày càng trở thành người kiểu ngoại tại định hướng. Người già trong cộng đồng này bày tỏ thái độ trách nhiệm đối với chính trị. Mặc dù họ không tham gia trên thực tế, họ cảm thấy có can dự tới chính quyền, dù điều đó thường được bộc lộ chỉ trong những than phiền và cảm giác có lỗi. Do vậy, họ nói họ phải tham gia vào chính trị. Khi nhắc đến các sự kiện họ dùng đại từ “tôi”: “tôi” nghĩ, “tôi” muốn, “tôi” ghét, vân vân. Họ nói như thể họ có phận sự phán xét những cái xảy ra trong chính trị và dẫn dắt chính trị, cho đến tận cùng khả năng và sức lực họ có được.

Người trẻ tuổi trong thị trấn thì trái lại, mặc dù họ có giáo dục hơn và có các công cụ chính trị sơ đẳng, lại cảm thấy rằng làm chính trị không phải việc của mình. Họ ít than phiền hơn và ít cảm thấy có lỗi hơn. Cả hai kiểu thái độ, vốn có thể liên hệ họ với chính trị, dù không thích hợp lắm, đã bị rút lại. Thay vào đó, họ nhận lấy bất cứ cái gì chính phủ trao cho họ, kể cả quân dịch, với một sự thụ động gần như hoàn toàn.[200] Khi họ nhắc đến chính trị thì gần như không có đại từ “tôi”; đôi khi họ nhắc đến một nhóm “chúng tôi” và nhất là một nhóm “họ”. “Xã hội hóa” hơn, hợp tác hơn cha mẹ họ, họ không phản ứng lại với tư cách cá nhân cái xảy ra với mình. Họ đã đi từ sự phẫn nộ của người già hơn đến sự dửng dưng. Rõ ràng, đây không phải là sự dửng dưng của người kiểu truyền thống định hướng. Có lẽ đó là sự dửng dưng của những ai kẹt giữa kiểu nội tại định hướng và kiểu ngoại tại định hướng.

Phong cách chính trị của họ – ngay cả tính cách của họ – có thay đổi không khi đến lượt họ trở thành thế hệ già hơn, không ai nói trước được. Rất có thể, có một vòng đời các phong cách chính trị cho cá nhân, trong đó sự gắn bó đạt được cũng như mất đi khi ta già đi. Dẫu vậy, tôi thiên về ý nghĩ rằng người dửng dưng phong cách mới, ngày nay đã thụ động và cam chịu, sẽ hiếm khi thay đổi thái độ chính trị khi họ già đi – dĩ nhiên, miễn là điều kiện xã hội chung không thay đổi rõ rệt. Các trải nghiệm sống của họ có thể đem lại cho họ một mức độ năng lực nào đó – nếu giả dụ họ tham gia Farm Bureau[201] hay công việc đi lại nhiều của chính trị công đoàn, nhưng ngay cả những thất vọng của họ cũng sẽ được chấp nhận, không bị cưỡng lại. Nếu các suy đoán này là đúng thì chúng ta thấy ở đây bằng chứng của biến đổi lịch sử dài hạn trong phong cách chính trị hơn là bằng chứng cho sự tồn tại của một đoạn trên vòng đời mà trong đó ai cũng có thể là người dửng dưng.

Những người dửng dưng, phong cách cũ và phong cách mới, như tôi định nghĩa, hẳn chiếm hơn đa số trong dân Mỹ. Họ không nhất thiết phải tương đương với người không bỏ phiếu: những người dửng dưng này có thể thực hiện khá nhiều việc lặt vặt hoặc nhàm chán trong chính trị, với một cái giá nào đó hay vì sức ép. Họ cũng không thiếu chính kiến. Thực ra, nếu chúng ta chấp nhận bằng chứng từ các cuộc thăm dò dư luận, hình như sẽ chỉ có khoảng 10% dân chúng hoàn toàn không chịu trả lời các câu hỏi thăm dò, trong khi độ 10% khác đánh vào cột “Không biết”. Từ điều này, chúng ta có thể nhận định rằng mọi người trong mọi vùng và tầng lớp xã hội đều có một ý thức về sự ảnh hưởng trực tiếp và dễ dàng trên diễn đàn ý kiến và chính sách, rằng sự tự nguyện có ý kiến và đưa ra ý kiến của họ là một dấu hiệu lành mạnh chính trị. Nhưng xem xét kỹ hơn các thái độ đi kèm quá trình phỏng vấn và thăm dò dư luận thì không chứng minh được nhận định đó. Thực ra, các chính kiến này không liên quan đến tư lợi chính trị trực tiếp cũng như đến các ràng buộc cảm xúc rõ ràng với chính trị. Đúng hơn, chúng giống như trao đổi của nhóm ngang hàng về các sở thích tiêu dùng, dù không như tiêu dùng, các sở thích hiếm khi được đưa vào thị trường chính trị và biến thành mua sắm hàng hóa chính trị. Vì những người dửng dưng không tin rằng bất cứ gì họ làm, biết hay tin có thể giúp họ mua được một gói hàng chính trị sẽ cải thiện một cách cơ bản đời sống họ. Và thế là, tuy thỉnh thoảng chịu sự điều khiển, họ có chiều hướng xem chính trị trong hầu hết các hình thức quy mô lớn của nó như thể họ là khán giả.

Song, vì những người dửng dưng phong cách mới này có giáo dục và năng lực tổ chức, và vì họ không cam kết tinh thần với các nguyên tắc chính trị mà cũng chẳng gắn bó tình cảm với các sự kiện chính trị, họ khá dễ bị gắn chặt vào lực lượng cán bộ nòng cốt cho hành động chính trị – cũng như có thể bị gắn chặt vào một đội quân cơ giới hóa và chuyên môn hóa hiện đại. Người dửng dưng kiểu truyền thống định hướng phong cách cũ, trái lại, không có tiềm năng như vậy; bất quá, họ có thể có hành động rời rạc và ít nhiều tự phát. Tuy nhiên, những người dửng dưng phong cách mới, không gắn bó với sự riêng tư của họ, thứ sẽ làm cho chính trị trở thành kẻ xâm nhập khó chịu, cũng không gắn bó với các nhóm giai cấp của họ, thứ sẽ làm cho chính trị bị hạn hẹp: đúng hơn, như các công dân Vermont trẻ đã mô tả trước đây, họ hòa nhập xã hội, thụ động và hợp tác – dĩ nhiên không chỉ trong chính trị. Lòng trung thành ở họ vẫn được tự do, nên sẵn sàng để bị bắt giữ bởi bất kỳ phong trào nào có thể xóa bớt nỗi hồ nghi yếm thế thường trực nơi họ hay biết khai thác lòng trung thành ấy. Trong tất cả những khía cạnh này, họ hầu như không dựng bất cứ rào cản nào, ngay cả rào cản về sở thích và cảm nhận riêng của mình, rào cản giữa họ và cộng đồng được tổ chức về mặt chính trị. Rào cản duy nhất là sự thờ ơ của họ.

Tính thờ ơ này cắt hai chiều. Nó tước đoạt ở họ khả năng có lòng nhiệt tình và có can dự chính trị đích thực, nhưng cũng giúp họ khỏi bị rơi vào nhiều chuyện hoang đường chính trị trong quá khứ đã từng huy động dân chúng vào các trò phiêu lưu chính trị. Và trong khi người kiểu truyền thống định hướng thỉnh thoảng có thể bị khích động, vì thiếu kinh nghiệm mà nổi cơn phẫn nộ, và thậm chí thỉnh thoảng còn thèm được nhồi sọ chính trị (giống như khát khao biết đọc biết viết thuộc bất kể loại nào), người dửng dưng hiện đại ở đất nước này đã hình thành được một khả năng miễn dịch chính trị khá cao và thường khá hữu dụng – dù không phải miễn dịch trước các công kích hoài nghi vào “chính trị”.

II. Người giáo huấn

Đôi khi người ta gọi tôi là một người theo chủ nghĩa lý tưởng. Vâng, theo cách ấy tôi biết mình là người Mỹ. Nước Mỹ là dân tộc lý tưởng chủ nghĩa duy nhất trên thế giới.

Woodrow Wilson[202]

Phong cách điển hình của người kiểu nội tại định hướng trong chính trị Mỹ thế kỷ 19 là phong cách người giáo huấn. Vì người kiểu nội tại định hướng có động cơ thúc đẩy là công việc và định hướng theo công việc, những tình cảm sâu sắc nhất ở anh ta gói vào trong công việc và trong năng lực để thực hiện công việc, nên khi quay sang chính trị anh ta thấy một lĩnh vực công việc – và đánh giá nó theo cách tương ứng. Được làm quen với một thông điệp chính trị, anh ta thấy ở đó một nhiệm vụ, và không tìm cách chứng tỏ hiểu biết của mình về ý nghĩa của nó ở khía cạnh các cá tính, anh ta hưởng ứng lại với sự bộc trực cảm xúc và thường ngây thơ. (Dĩ nhiên không phải người kiểu nội tại định hướng nào cũng đều nhiệt tình đáp lại chính trị và không phải người nhiệt tình đáp lại nào cũng đều là người giáo huấn.)

Một biến thể của người giáo huấn phóng chiếu vào vũ đài chính trị chiều hướng tính cách của anh ta hướng về tự hoàn thiện: anh ta muốn cải thiện tất cả mọi người và mọi định chế. Những bìa rừng của Phong trào nông dân chống độc quyền (Granger movement) chở che các kiểu như vậy trong phần tư cuối của thế kỷ 19, và có lẽ diễn văn Thập giá Vàng[203] đánh dấu một đỉnh cao giáo huấn nhiệt tình của “dân ngân khố”. Nhưng đến khi vấn đề nảy sinh là Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên, Wilson được nhiều người xem chỉ là người giáo huấn, một người lý tưởng chủ nghĩa, không có khả năng thuyết phục cả bạn lẫn thù, và có lẽ cả chính ông hiểu ra rằng ông ý thức được các vấn đề thực tiễn và việc điều khiển con người thế nào. Một biến thể khác của kiểu này thể hiện khả năng giáo huấn của anh ta bởi mong muốn ngăn ngừa cái xấu tái diễn liên tục hơn là mong muốn đạt được cái có thể tốt hơn. Mối quan tâm trấn áp cái xấu chứ không phải khuyến khích cái tốt này được chuyển sang từ cuộc chống chọi cá nhân của anh ta. Cái xấu tự xác định nó hộ anh ta khá dễ dàng và sáng tỏ: ví dụ, thái độ thiếu nghiêm túc đối với công việc là biếng nhác, thái độ thoải mái với lạc thú là trác táng, thái độ hoài nghi về tài sản tư hữu là xã hội chủ nghĩa.

Đàn ông nội tại định hướng, khi tiếp cận chính trị, có khuynh hướng đánh giá thấp các giá trị tính phóng túng thoải mái của mối nối chính trị. Anh ta không trông chờ chính trị định hướng trí tuệ trong một thế giới đầy hoang mang, và nói chung anh ta không thấy nó là một trò chơi để trông chờ các lợi ích con người. Đúng hơn, anh ta quay sang chính trị để bảo vệ các quyền lợi bất di bất dịch của mình, và dù các quyền lợi này thuộc loại “thực tế” hay loại “lý tưởng” thì anh ta cũng ít cảm thấy phân vân, lưỡng lự. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong cùng một phe tính cách và thậm chí cùng một phe chính trị một người chủ trương đánh đổi phiếu bầu kiểu “có đi có lại” và một người ủng hộ cấm rượu hoặc người cải cách chế độ lao tù, chỉ miễn là người thuộc loại đầu tiên có chút tâm tư tình cảm đằng sau áp lực chính trị của mình.

Như chúng ta đã thấy khi bàn về cuộc giao tranh tính cách học ở chương đầu, một kiểu tính cách đang thịnh hay đang suy tạo nên tình trạng khác biệt lớn. Người giáo huấn nắm quyền là đại diện của một giai cấp (giai cấp trung lưu “cũ”) và một kiểu tính cách (nội tại định hướng) ngự trị vào thế kỷ 19. Người giáo huấn rút lui đại diện cho cũng giai cấp đó và cũng tính cách đó trong sự suy tàn của họ giữa thế kỷ 20.

PHONG CÁCH NGƯỜI GIÁO HUẤN NẮM QUYỀN

Phần nhiều điều chúng ta biết về chính trị Mỹ thế kỷ 19 có thể được xem xét trên khía cạnh tư lợi kiểu nội tại định hướng và giáo huấn kiểu nội tại định hướng. Mặc dù ngày nay chúng ta có chiều hướng nghĩ giáo huấn và tư lợi là những cách tiếp cận chính trị đối nghịch nhau, chỉ có điểm chung ở thói đạo đức giả, nhưng chính cách nhìn này nói lên đôi điều việc chúng ta đã mất đi những sự giản dị chính trị. Vào thế kỷ 19, các thái độ giáo huấn và tư lợi là tương hợp bởi vì, khi so với ngày nay, có ít mâu thuẫn giữa những cảm xúc rõ ràng cảm thấy được và các lợi ích rõ ràng mà người kiểu nội tại định hướng công nhận. Federalist Papers (Báo Người ủng hộ chế độ liên bang) có lẽ là ví dụ cổ điển cho điều này. Sự thật là, cùng với sự mở rộng số cử tri, ngày càng khó mà thẳng thắn giống Các vị Công thần sáng lập[204] – như Nicholas Biddle[205] buồn bã nhận ra – và một hệ quả là khuynh hướng tách rời quyền lợi với đạo đức hay làm nhòa điểm tiếp nối giữa hai thứ đó bằng hệ tư tưởng mơ hồ, mị dân ngày càng tăng lên. Mặc dù vậy, cho đến cuộc Nội chiến, các quyền lợi kinh tế không che giấu thường xuyên xâm nhập vào lĩnh vực chính trị, thành hình trong những cuộc tranh luận kịch liệt về chính sách tài chính, phát triển nội bộ, thuế khóa, và các lợi ích tài sản trong chế độ nô lệ và chế độ chống nô lệ. Cũng vậy, những lợi ích giáo huấn tự bộc lộ khá công khai trong chính quyền các đô thị, trong các tranh luận về độ tuổi đi bầu cử, phổ cập giáo dục và chế độ nô lệ.

Cương lĩnh và chương trình của các công đoàn và Hiệp hội Thợ máy trước Nội chiến minh họa các mô thức liên quan chính trị của thế kỷ 19. Công nhân tự học của các tổ chức này nhiệt tình quan tâm đến các vấn đề công bằng chính trị, pháp lý và kinh tế, và chỉ gián tiếp quan tâm đến công xá và điều kiện làm việc. Những công nhân này là người giáo huấn không ngượng ngùng, họ hăm hở tham gia vào các giá trị giáo dục và tôn giáo của tầng lớp trung lưu. Trên báo chí và trong hội họp, họ nhìn mọi thứ không từ góc độ nghiệp đoàn. (Ngày nay quan điểm như vậy gần như đã biến mất khỏi báo chí và chương trình lao động, chỉ trừ một ít người theo đảng Xã hội thời xưa hay cựu thành viên lãnh đạo trong CIO.[206]Nó không được kế tục bằng một ý thức sắc bén về quyền lợi rõ ràng của người lao động, mà bằng một đường lối lao động được các lãnh đạo công đoàn vạch ra như một ý thức hệ cho đám đông thờ ơ của các thành viên công đoàn danh nghĩa.)

Nói chung báo chí trong thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng khích động độc giả đóng vai trò chính trị của họ – cam đoan với họ rằng họ có những vai trò, và rằng chính trị đang hưởng ứng lại việc họ đóng vai trò của mình. Giới báo chí hăm hở duy trì một thiên kiến cá nhân chủ nghĩa, cá nhân chứ không phải cá nhân hóa – bởi nó có thể làm bản mẫu soạn sẵn gửi bưu điện và chuỗi báo chí phát hành cả nước dễ dàng hơn trước thời của hãng thông tấn AP, – và chủ nghĩa cá nhân của báo chí giúp khuyến khích cảm nghĩ ở độc giả rằng quyết định chính trị cá nhân của anh ta luôn quan trọng đối với anh ta và thường hệ trọng cả cho đất nước. Thái độ hoài nghi đối với chính trị nói chung (so với thái độ hoài nghi về dân chủ hay chế độ chính trị đầu não[207] hay hình thức hoặc cách sử dụng chính trị cụ thể khác) gần như xa lạ. Quả thực, có một cảm giác ngự trị trong nhiều giới là thời đại hoàng kim đã gần kề. Các vấn đề chính trị đã xác định của giai đoạn đó cảm giác là có thể kiểm soát được bởi các tín đồ quen thuộc: một ít nhà chuyên môn (các ông chủ và một nhóm nhỏ các viên chức sự nghiệp) và những người nghiệp dư làm việc bán thời gian hay toàn thời gian (các chính khách và người tốt trong chính phủ).

Do vậy, các giới hạn của lĩnh vực chính trị cũng như ý nghĩa của nó là tự thân hiển nhiên với người kiểu nội tại định hướng thế kỷ 19. Hoạt động chính trị không rắc rối khó hiểu hơn công việc xét về mặt động cơ thúc đẩy. Vậy là có rất nhiều nhiệm vụ chính trị cần làm và rõ ràng bắt buộc dựa trên địa vị giai cấp của mỗi người, vị trí khu vực và đạo lý, rằng mỗi người tích cực hoạt động đều có thể tìm thấy việc làm chính trị đem lại thỏa mãn. Làm chính trị đem lại thỏa mãn vì nhiều vấn đề quả thực cuối cùng có thể vượt qua bằng nhiệt tình của người cải cách: không chỉ quyền bầu cử được mở rộng và giáo dục tự do được phổ biến, mà nhà tù và nhà thương điên cũng phần nào được cải thiện, luật pháp cho nhà máy được đặt ra, vân vân. Có lẽ chỉ bởi vì những thứ này, ít nhất khi được tách bạch riêng rẽ, là những mục tiêu khá hạn chế nên các nhà cải cách mới thành công đến vậy.

Thực ra, đặc trưng tiêu biểu cho người giáo huấn, và có lẽ cho người kiểu nội tại định hướng nói chung, là không nhận thức được các giới hạn gò bó họ áp đặt lên mối quan hệ của họ với lĩnh vực chính trị. Mỗi phong trào cải cách trong thế kỷ 19 đều xoáy mạnh mẽ vào sức lực của bạn hữu và kẻ thù, mặc dù nó không nhất thiết phải sản sinh ra trong nhóm nào một nhận thức chính trị rộng lớn hơn, toàn diện hơn và do vậy hiện thực hơn. Nếu mục tiêu tìm kiếm đã đạt được, dù đó là giải phóng con người hay luật lệ cho ngành hỏa xa, thì sự áp chế của người giáo huấn lên chính trị cũng biến mất trong thành công. Nếu mục tiêu tìm kiếm không thành, như phong trào phụ nữ đã thất bại vào thế kỷ 19, thì các thành viên của nó vẫn là tù nhân của một chiến dịch lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi ấy, họ cũng vẫn cảm thấy lĩnh vực chính trị là dễ uốn nắn: thành công sẽ đến, như nó vẫn thường đến cho những nỗ lực phất lên của chính họ, nếu họ làm việc đủ cật lực và có tính cách tốt.

Để kết luận, khi chúng ta nghĩ đến phong cách chính trị của người kiểu nội tại định hướng, chúng ta phải luôn nghĩ đến các lợi ích anh ta đem đến cho lĩnh vực chính trị. Anh ta tham gia không phải vì cảm thấy bắt buộc phải thúc đẩy một đời sống nhóm mang tính hợp tác cao mà vì anh ta có cái gì đó cụ thể bị đem ra đánh cược: một trách nhiệm đối với chính anh ta hay với người khác hay cả hai. Nói chung, và bất chấp sự phân ô khoanh vùng phần nào đó, lĩnh vực chính trị có vai trò thúc đẩy các lợi ích từ địa vị giai cấp của anh ta, từ những tham vọng giai cấp của anh ta, hay đối kháng giai cấp. Vì chính trị được xem như một diễn đàn để thỏa mãn các nhu cầu hơn là vui chơi và thoát ly tâm lý, có cảm giác nó phản ứng lại một cách thụ động trước áp lực từ những nhu cầu này; con người là chủ nhân chính trị của họ. Ngược lại, chính trị không thể và đã không xâm lấn sự riêng tư của một người, vì nó chỉ có thể động đến anh ta chừng nào anh ta cảm thấy chính trị đang đáp ứng lại, hay không chịu đáp ứng lại, áp lực của cái mà anh ta chắc chắn là quyền lợi của mình. Và điều này có lẽ là lý do chính tại sao chính trị vào thế kỷ 19 được xác định tương đối rõ ràng và quả thực thường được định nghĩa quá chi li, bó hẹp so với thế kỷ 20.

Cùng các tiến triển mới, phong cách của người giáo huấn nắm quyền không còn phù hợp nữa. Chính trị ngày nay không chịu khớp vào ngăn ô thế kỷ 19. Có truyền thông đại chúng sau lưng hậu thuẫn, nó xâm nhập vào sự riêng tư của công dân cùng với tạp âm và các yêu sách. Cuộc xâm nhập này làm tiêu tan các bước chuyển tiếp êm thấm, cũ xưa hơn từ các lợi ích cá nhân sang lợi ích địa phương, địa phương sang quốc gia, và quốc gia sang quốc tế mà nhồi thẳng cá nhân vào những rối rắm chính trị thế giới, nhưng không có ý niệm rõ ràng nào là lợi ích của anh ta nằm ở đâu.

Đồng thời chính trị đã trở nên khó hiểu hơn trong nghĩa đen thuần túy, phần vì nó xâm nhập các lĩnh vực trước đây gần như độc lập như kinh tế học, phần vì phạm vi và sự tương thuộc ngày một tăng của các quyết định chính trị. Chẳng hạn, trong chiến tranh hiện đại mọi người phải hiểu rằng thuế cao hơn là cần thiết, không phải để đáp ứng chi tiêu của chính phủ hay ngay cả tái phân phối thu nhập, mà vì phải giữ cho người tiêu thụ công nghiệp hay tư nhân không chi tiêu quá nhiều và châm thêm lạm phát, và vì chính phủ cần mua các hàng hóa cùng dịch vụ sẽ khan hiếm nếu người dân được để cho còn tiền mua chúng.

Sự không thể hiểu được của chính trị có được đà phát triển không chỉ từ sự phức tạp khách quan tăng lên mà còn từ sự giảm sút trình độ kỹ năng chung, ở một vài khía cạnh, liên quan đến việc hiểu chuyện gì đang diễn ra trong chính trị. Trong khi giáo dục chính quy đã tăng, kiến thức mang lại từ nỗ lực điều hành một nông trại, một cơ sở kinh doanh độc lập hay một cửa hàng, lại giảm cùng sự gia tăng số người lao động; và trong khi số doanh nhân độc lập có thể giảm không đáng kể hay không giảm, thì một tỷ lệ lớn hơn các yếu tố dẫn đến thành công hay thất bại không còn nằm trong tay những người vẫn là doanh nhân kia nữa. Người ta không còn có thể đánh giá công việc và năng lực của người điều hành chính trị hay quản trị chính quyền từ tiêu chuẩn tự tin, thường là quá tự tin, về công việc và năng lực của chính mình nữa.

PHONG CÁCH NGƯỜI GIÁO HUẤN RÚT LUI

Nhiều người giáo huấn thế kỷ 19 đã nhìn chính trị không chỉ theo cách lẫn lộn và gò bó đạo đức mà còn hơi hoang tưởng và tự kỷ nữa. Những người này, tiền thân của kiểu nội tại định hướng hiện đại đã bị mất chỗ, không điều khiển chính trị được bao nhiêu mà lại để cho mình bị dẫn dắt thái quá bởi nỗi sợ hãi của bản thân, nỗi sợ mà họ đã phóng chiếu vào chính trị. Còn cách nào khác để chúng ta lý giải cảm xúc do những chiến dịch bài ngoại lặp đi lặp lại, những cuộc vận động chống lại các dòng tu kín huyền bí như Thiên Chúa giáo, hội Tam Điểm, hội Phi Beta Kappa sinh ra? Một số người Mỹ thường khó thấy được sự khác biệt giữa hiệp hội tình nguyện có nghi thức rắc rối như hội Tam Điểm chẳng hạn, với một âm mưu xã hội và giai cấp. Cũng vậy, cảm giác của những kẻ bảo thủ chính trị rằng thế giới sẽ tận diệt nếu “người đó” được bầu không phải đến nhiệm kỳ thứ hai của Roosevelt mới xuất hiện lần đầu tiên.

Nỗi lo bệnh hoạn kiểu này là kết quả của lòng đố kỵ và hoang mang bắt nguồn từ trong tính cách. Trong khi những người dửng dưng kiểu truyền thống định hướng không cảm thấy bất lực về chính trị hay bị chính trị xâm phạm đời tư, chính nhờ bức màn phân cách họ với thế giới chính trị, thì những người phẫn nộ kiểu nội tại định hướng lại có thể dễ dàng cảm thấy bất lực và bị xâm phạm khi mọi chuyện không suôn sẻ với họ. Như chúng ta đã thấy ở Chương V, đàn ông kiểu nội tại định hướng trở nên dễ tổn thương trước chính mình khi anh ta không đạt được các mục tiêu đã bản thân hóa. Anh ta có thể quên bàn tay vô hình chừng nào còn thành công, nhưng trong thất bại hoang mang anh ta lại tìm cách làm cho nó trở nên hữu hình để còn đánh nó được. Chính trị của anh ta, giống như tính cách anh ta, trở nên chai sạn khi sự thiếu thành công để lộ ra và thể hiện sự thiếu hiểu biết không thể nào chấp nhận nổi ở anh ta.

Phần nào chính tình trạng không hiểu đầy hoang mang của người phẫn nộ làm anh ta thấy người thành thị giỏi giang có một vẻ tự tin ngời ngời khó chịu của sự thấu hiểu khi so với anh ta. Anh ta ghen tị với điều này, và đánh giá nó quá cao. Những ông trùm tư bản và luật sư thành thị thế kỷ 19, trong tính cách của mình, hầu như cũng rõ ràng là kiểu nội tại định hướng như địch thủ của họ ở thị trấn và nông thôn. Thế nhưng, sự giao tiếp giữa họ, cũng giống như giữa các vùng và các giai cấp, bao giờ cũng mấp mé tan vỡ.

Ngày nay người ta thường cho rằng, vì khoảng cách trong giáo dục giữa thành thị và nông thôn đã thu hẹp và vì các phương tiện truyền thông đại chúng như radio thu hút cả khán giả nông thôn lẫn thành thị, nên suy ra khoảng cách trong cấu trúc tính cách cũng đã thu hẹp. Có lẽ ở một số nơi trên nước Mỹ thì điều này đã xảy ra. Nhưng tôi nghĩ điều có khả năng xảy ra nhiều hơn chính là khoảng cách giữa dân thành thị kiểu ngoại tại định hướng và dân quê kiểu nội tại định hướng đã gia tăng và rằng các nỗ lực có thiện chí làm giảm khoảng cách thường chỉ làm cho người dân quê cảm thấy đố kỵ hơn và bất an hơn.

Đố kỵ và cảm giác bị mất chỗ – cội nguồn của phong cách chính trị phẫn nộ chai sạn – dĩ nhiên cũng sẽ được thấy trong số dân nông thôn nhập cư vào thành phố, những người chỉ là dân thành thị trên danh nghĩa. Chừng nào những người như vậy, dù là nông thôn hay thành thị, có quyền lực chính trị, thì nỗi khó chịu của họ khi đối mặt với các yếu tố kiểu ngoại tại định hướng trong đời sống Mỹ có thể nguôi đi; họ có thể uốn nắn thế giới của mình và buộc nó trở nên dễ hiểu đối với họ. Nhưng khi ngay cả lối đi tới hiểu biết này cũng bị cắt đứt thì người phẫn nộ chai sạn bất thần bùng lên cơn thịnh nộ bất lực hay dịu đi thành kiểu phản kháng thụ động, thất vọng mà chúng ta đã bình luận trong Chương I liên quan đến các nghiên cứu về thổ dân Mỹ của Erikson.

Một loại người giáo huấn nữa, chúng ta có thể gọi là “người nhiệt tình”, còn lâu mới cam chịu thất vọng chính trị. Họ giải quyết các nhiệm vụ cam go nhất với hy vọng tràn đầy. Ý nghĩa thay đổi của từ ngữ “người nhiệt tình” nói lên nhiều điều về lịch sử các phong cách chính trị. Người nhiệt tình vào thời Cromwell[208] và Nghị viện Dài hạn là những người có chí khí và tầm nhìn, phái Quaker, phái chủ trương bình đẳng mọi mặt hay phái đòi xóa bỏ tư hữu đất đai ở Anh. Nhưng ở Anh thế kỷ 18 “người nhiệt tình” đã bắt đầu mất đi ý nghĩa tôn giáo và lại trở thành một thuật ngữ chế giễu hơn là sợ hãi hay ngưỡng mộ. Có lẽ cũng chính một phần trong sự phát triển ngữ nghĩa kiểu đó đã thêm vào vốn từ thông tục của chúng ta các thuật ngữ khinh thường hay bài bác suồng sã như “do-gooder” (nhà cải thiện xã hội không tưởng), “world improver” (người cải thiện thế giới), “reformer” (nhà cải cách), và “Boy Scout” (hướng đạo sinh): muốn “cải thiện” trong chính trị thì rõ là ngây thơ!

Người nhiệt tình giống người phẫn nộ ở chỗ các cảm xúc chính trị thường lấn át trí thông minh chính trị của anh ta; các cảm xúc dẫn anh ta vào những chiến dịch nông nổi. Nhưng anh ta khác với người phẫn nộ ở tính chất các cảm xúc này: các cảm xúc của anh ta lạc quan và vui vẻ so với sắc thái cảm xúc u ám hơn ở người phẫn nộ.[209] Vào thế kỷ 19 người nhiệt tình hoạt động không ngừng. Nếu bị thách thức, anh ta đã tranh cãi, như anh ta sẽ tranh cãi ngày nay, rằng bao giờ cũng có việc, và cả việc chính trị, cho những bàn tay rảnh rỗi làm. Một lập luận như vậy dựa trên các cảm giác khổ hạnh của nghĩa vụ dấn thân hay dính líu tới chính trị, và cũng dựa trên thiên hướng hoạt động như vậy của người Mỹ – một thiên hướng tồn tại lâu hơn niềm tin vào tiến bộ, vốn đã hợp lý hóa hoạt động không ngừng nghỉ cho nhiều trong số những người kiểu nội tại định hướng ở thế kỷ 19.

Chiến tranh và các thay đổi công nghệ, cũng như chuyển dịch từ kiểu nội tại định hướng sang kiểu ngoại tại định hướng, đã làm cho phong cách giáo huấn, hoặc trong dạng phẫn nộ hoặc trong dạng nhiệt tình, mang tiếng xấu. Nội chiến, tự nó là một thứ thuốc tẩy phức tạp cho sự phẫn nộ đạo đức đi kèm lĩnh vực chính trị trong những năm trước, đã khởi động một quá trình vẫn tiếp diễn từ đó tới nay. Có lẽ những cựu binh ít ỏi còn sống từ Nội chiến vẫn giữ một niềm tin kiên định vào tính chính nghĩa trong sự nghiệp của họ. Các cựu binh Thế chiến thứ nhất ít kiên định về sự nghiệp của mình hơn, dù cũng vẫn kiên định trong những trải nghiệm. Còn các cựu binh Thế chiến thứ hai hiếm khi hé lộ một dấu vết nào của tính chính nghĩa đạo đức trong việc tham gia chính trị hiếm hoi của mình. Những người này “chẳng thù giận ai”. Có vẻ như tính từ Nội chiến thì đã có một sự suy giảm tính đa cảm trước các khác biệt chính trị, một sự suy giảm về tính chất dữ dội diễn kịch của vận động tranh cử, và một sự suy giảm về nguồn cơn phẫn nộ và nhiệt tình có sẵn dành cho bất kỳ phía nào của một vấn đề dễ dàng bị giáo huấn.

Đương nhiên, các ví dụ nổi bật nhất cho phong cách phẫn nộ vẫn còn. Những cuộc phá vây của Mencken trong những năm 20 nhắm vào các nhóm xã hội mà hầu hết trong đó thói giáo huấn quá khích vẫn sẽ còn được tìm ra: dân quê, dân miền Trung Tây Hoa Kỳ, dân Tin Lành thị trấn, người Mỹ gốc châu Á Thái Bình Dương ở miền Nam, các giáo phái ăn ngô và hò hét, các doanh nhân tham gia Hội Tam Điểm. Các nhóm như vậy đã có phần toàn cầu hơn trong những năm gần đây trong khi kiểu ngoại tại định hướng lan tràn, nhưng thế không có nghĩa là các mẫu người cũ hơn đã biến mất.

Song, ngày nay, cũng như kiểu nội tại định hướng trong tính cách phần nào là kết quả của một phong cách chính trị giáo huấn, quá giàu xúc cảm trong chính trị sẽ dẫn đến kiểu ngoại tại định hướng trong tính cách. Nói cách khác, chính chính trị, khi tác động đến đời sống của mọi người, định hình trải nghiệm và sự giải thích của họ, sẽ trở thành một trong những lực lượng hình thành tính cách. Ảnh hưởng qua lại phức tạp này là lý do tại sao, bên trong sơ đồ rộng lớn các kiểu tính cách của chúng ta nối với đường đồ thị dân số, chúng ta sẽ thấy, và sẽ mong thấy, các biến thể quốc gia khác nhau bắt rễ trong các kinh nghiệm lịch sử quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, Anh và Mỹ đều là những nước đã tới giai đoạn chớm giảm dân số do công nghiệp hóa, đô thị hóa và phổ biến các biện pháp ngừa thai thay thế cho nguyên tắc Malthus. Nhưng cả hai nước đã gặp phải những khủng hoảng lịch sử quan trọng này, cũng như họ đối mặt với nội chiến, vào các thời kỳ rất khác nhau trong sự phát triển chính trị của mình. Congreve, sống dưới một chế độ cai trị bao dung hậu chiến, rất có thể đã ngạc nhiên vì sự tái diễn của đạo đức giáo huấn ở thời Victoria, khi sự kết hợp của phong trào phục hưng phúc âm với nhịp độ và đời sống chính trị của công nghiệp hóa làm đảo lộn các phong cách chính trị cũ hơn. Cũng vậy, khi xem xét những bất định của lịch sử, sẽ là vội vàng khi tiên đoán rằng phong cách giáo huấn sẽ tàn lụi và rằng không thể nào có phục hưng tôn giáo ở Mỹ. Thực ra, nếu những người có thế lực trở thành người giáo huấn, thì người kiểu ngoại tại định hướng, chính vì anh ta là kiểu ngoại tại định hướng, cũng sẽ tìm cách trở thành một người giáo huấn.

III. Người dự đoán nội tình

Vì tất cả dân Athens và dân ngoại tỉnh ở đó chẳng dành thời gian làm gì khác cả, ngoài để hoặc nói, hoặc nghe cái gì đó mới mẻ.

Thánh Paul

Sự lan rộng kiểu ngoại tại định hướng đã đưa vào khung cảnh chính trị thái độ của người dự đoán nội tình, bắt nguồn không phải ở lĩnh vực công việc mà ở lĩnh vực tiêu thụ. Thái độ này không hẳn là mới, cũng như kiểu ngoại tại định hướng không hoàn toàn mới. Ở đây lại một lần nữa, vấn đề là thay đổi mức độ.

Người kiểu ngoại tại định hướng sở hữu một kho dồi dào các kỹ năng xã hội – những kỹ năng anh ta cần để sống còn và xoay trở trong môi trường xã hội của mình; một số kỹ năng anh ta có thể triển khai ra ở dạng kỹ năng chính trị. Một trong số đó là khả năng duy trì ngọn lửa cảm xúc, điều anh ta cố hết sức làm vì mô thức sống hợp tác mà anh ta đã nguyện theo. Kỹ năng này liên quan đến nhận thức không thể tránh được của anh ta, vốn không có ở người kiểu nội tại định hướng, rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì người cũng quan trọng như sự vật.

Người dự đoán nội tình có thể là người đã kết luận (có lý do chính đáng) rằng bởi vì không thể làm gì để thay đổi chính trị cho nên anh ta chỉ có thể hiểu nó. Hay anh ta có thể thấy mọi vấn đề chính trị theo cách là có thể liên lạc được với một kẻ tay trong nào đó qua điện thoại. Tức là, một số người dự đoán nội tình thực ra khao khát được  trong nội bộ, tham gia vào một nhóm nội bộ hay chế ra một nhóm; số khác thì chẳng nhắm gì cao xa hơn là biết nội bộ, để có bất kỳ sự thỏa mãn nhóm ngang hàng nào mà điều này có thể mang lại cho họ.

Người dự đoán nội tình thuộc kiểu nào đi nữa cũng đều có chiều hướng biết rất nhiều về cái người khác đang làm và nghĩ trong các lĩnh vực quan trọng hay “đại sự” của đời sống; anh ta là người thế giới chủ nghĩa hơn là địa phương cục bộ trong chính trị. Nếu anh ta không thể biến cải những người khác đang chi phối quan tâm chính trị của anh ta, xung động tính cách học sẽ dẫn anh ta tới chỗ tự điều khiển mình không phải để thay đổi người khác mà để giống họ. Anh ta sẽ làm đủ mọi cách để mình trông không có vẻ và có cảm giác là người ngoài cuộc thiếu am tường. Không phải người kiểu ngoại tại định hướng nào cũng đều là người dự đoán nội tình, nhưng có lẽ, vì thiếu một khuôn mẫu hoàn thiện hơn, nhiều người trong họ khao khát được như vậy.

Người dự đoán nội tình có năng lực theo cách mà hệ thống trường lớp và truyền thông đại chúng đã dạy anh ta. Ý thức hệ đòi hỏi là, sống trong một môi trường bão hòa chính trị, anh ta phải biết tường tận thực tế chính trị nhiều tương đương như biết tường tận thực tế trong các lĩnh vực giải trí khác, ví dụ như thể thao.

Đa số người dự đoán nội tình không tham gia tích cực vào chính trị, nhưng có những người làm vậy. Do đó, chúng ta sẽ thấy nhiều quan chức chính phủ và đảng phái xử lý các tin tức chính trị theo cách mà công việc của họ khuyến khích, trong các mẩu chuyện phiếm ở văn phòng. Có những ký giả và phát thanh viên chính trị, sau một thời gian dài huấn luyện, đã loại trừ được mọi phản ứng tâm lý đối với chính trị và tự lấy làm tự hào là đã đạt được mục tiêu của người dự đoán nội tình: không bao giờ để bất kỳ người nào, lý do nào hay sự kiện nào lừa phỉnh. Mặt khác, một số người dùng tin nội bộ, nhất là các phần tử chịu ảnh hưởng của thuyết trung ương tập quyền Stalin, trong nhiều biến tướng khác nhau, có vẻ rơi vào số những người phẫn nộ chính trị. Thường xuyên, họ dùng hiểu biết nội bộ của mình chỉ như một phương tiện để nổi giận trước các lạm dụng chính trị Mỹ: họ dễ bị kích động quá mức trước những bằng chứng phân biệt chủng tộc, hành động tàn bạo của cảnh sát, mưu mẹo đoàn thể, vân vân. Lập trường chính trị này trở nên có tính bắt buộc trong một số nhóm; trong các giới này tuân thủ theo nhóm không dẫn đến bao dung và tiêu thụ chính trị mà đến phẫn nộ và hành động chính trị. Điều có vẻ nghịch lý này có thể dùng như một lời nhắc rằng, tôi nói đến kiểu ngoại tại định hướng về mặt các mô thức tuân thủ và hưởng ứng trước người khác, chứ không nói về mặt ý thức hệ và nội dung hành vi của phản ứng đó. Thường thường, sẽ có tính tương hợp giữa cơ chế tuân thủ với các giá trị và thực tại mà ta cố tuân theo, nhưng đây chỉ là một chiều hướng và có nhiều trường hợp, như trường hợp này, khi kiểu ngoại tại định hướng thành công sẽ dẫn đến hành vi khuyến khích kiểu nội tại định hướng (chúng ta sẽ gặp các ví dụ khác trong Chương XV).

BẢNG KẾT TOÁN TIN NỘI BỘ

Vào thời mình cầm quyền, người giáo huấn kiểu nội tại định hướng hết sức tự tin vào tính liên tục của cấu trúc xã hội – khái niệm bàn tay vô hình tượng trưng cho điều này – ngay cả khi và có lẽ nhất là khi anh ta không hiểu nó vận hành ra sao. Trái lại, người dự đoán nội tình biết quá nhiều về chính trị nên không dễ dàng thoải mái, nhưng vẫn còn là biết quá ít để đánh giá được các cơ hội thay đổi hữu dụng cho anh ta. Vì hiểu biết của anh ta bị cản trở bởi mối bận tâm phải phân loại thật kỹ càng các sự kiện được phân phát ra như chuyện nội bộ, hay được làm cho hấp dẫn hơn bằng việc đóng dấu công bố đấy là tin nội bộ hay tin mật. Bận tâm chuyện làm sao cho “đúng”, sợ bị lừa phỉnh, hay sợ bị nghĩ là có lỗi vì mơ tưởng (điều này anh ta đánh đồng với bất kỳ chuyện đưa tình cảm con người vào các phán đoán của anh ta), người dự đoán nội tình tước mất của mình một trong những tiêu chuẩn tốt nhất mà anh ta có thể tích cực dùng để kiểm soát trải nghiệm riêng, ấy là các phản ứng của anh ta như một người tham gia nhạy cảm vào đời sống chính trị thời mình. Không chỉ việc rút tình cảm trung thành khỏi bối cảnh chính trị khiến anh ta thấy chính trị quá phức tạp và khó lèo lái – mà chính trị khiến anh ta thấy như vậy phần nào chính vì anh ta đã rút lui.[210]

Vả chăng, để theo kịp nhánh chính trị của liên minh người tiêu dùng, người dự đoán nội tình phải chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi nhanh chóng của dòng sản phẩm. Ở khía cạnh này anh ta giống như người đàm phán mà chúng ta đã bàn lúc trước, tốt hơn cả là đem về được thiện chí nếu anh ta vẫn còn mơ hồ và chưa thúc ép các quyền hợp pháp của mình trong vấn đề cụ thể; người dự đoán nội tình có thể dễ dàng đổi ý hơn nếu anh ta đã mất khả năng của người giáo huấn là gắn các sự kiện chính trị vào anh ta và các quyền lợi thiết thực của anh ta. Có lẽ đó là lý do vì sao chân dung người dự đoán nội tình là một viên chức, trong Anna Karenina (hình tượng Stepan Arkadyevitch Oblonsky như được trích dẫn trong Chương I), Bilibin trong Chiến tranh và Hòa bình, và Ivan Ilyitch trong truyện ngắn “Cái chết của Ivan Ilyitch” của Tolstoy – tại sao những người Nga thế kỷ 19 này, hòa hợp theo phương tiện truyền thông kiểu giai tầng của triều đình, dưới những tên gọi kỳ lạ của mình lại có vẻ rất hiện đại như vậy.

Có bằng chứng cho thấy là ở Mỹ sự dao động quan điểm liên tục sẽ chủ yếu bị bắt gặp trong các nhóm có giáo dục tốt hơn, mà trong đó chúng ta còn tưởng sẽ bắt gặp người dự đoán nội tình. Do vậy, khảo sát hết sức thú vị thực hiện tại Ban Quan hệ Xã hội thuộc Đại học Harvard về các thái độ đối với nước Nga đã cung cấp bằng chứng rằng quan điểm của tầng lớp trung lưu về nước Nga đã dao động rộng hơn nhiều so với quan điểm của tầng lớp thấp hơn, bao giờ cũng thù địch và hoài nghi. Đối với tầng lớp trung lưu, Nga đã trở thành một đồng minh thời chiến, và trong một thời gian, là một người bạn thời hậu chiến; điều này được nối tiếp bằng sự thù địch gay gắt. Các khảo cứu khác cũng cho thấy điều tương tự liên quan đến chủ nghĩa biệt lập và chiến tranh. Về tất cả những vấn đề này, các tầng lớp trung lưu, bị mắc kẹt trong chính trị, và nhìn chung dễ bị ảnh hưởng theo cung cách truyền thông đại chúng trình bày các sự kiện, có thể dõi theo một sự thay đổi tín hiệu liên tục hơn nhiều so với các tầng lớp thấp hơn.

Thực ra, chính trị phục vụ người dự đoán nội tình chủ yếu như một phương tiện để tuân thủ theo nhóm. Anh ta phải có những quan điểm chấp nhận được, và khi dấn thân vào chính trị thì anh ta phải làm vậy theo những cách thức chấp nhận được. Trong tầng lớp thượng lưu, như trong các nhóm cấp tiến, ảnh hưởng của phong cách giáo huấn vẫn còn mạnh, và nhiều người đặt định ra các mô thức văn hóa vẫn tiếp tục với một ý thức hệ trách nhiệm chính trị; họ cư xử như thể chính trị là một lĩnh vực đầy ý nghĩa đối với họ. Sinh viên cao đẳng hay người chuyên môn trẻ tuổi hay doanh nhân thuộc giai tầng trung lưu lớp trên có thể chọn chính trị như anh ta chọn gôn hay bất kỳ sở thích riêng nào khác chấp nhận được: đó là làm tròn vai trò chính trị và ngoài ra nó là trò vui, là vụ kinh doanh tốt, và một cách để gặp gỡ những con người thú vị. Dĩ nhiên, tình cờ là những người đi vào chính trị, ở mức độ này hay mức độ khác, có các động cơ dự đoán nội tình, có thể thấy mình trở nên liên can về cảm xúc, và ở lại với chính trị vì các lý do hoàn toàn khác. Có lẽ thường hơn cả là những người dự đoán nội tình dùng kinh nghiệm chính trị để biện minh cho bệnh thiếu máu cảm xúc của mình, dựa vào sự am tường nội tình của mình để khinh thị những kẻ nào trở nên phấn khích.

Những người dự đoán nội tình thuộc giai tầng trung lưu lớp trên này nên được đưa ra đối chiếu với những người ta thấy trong các thị trấn và vùng nông thôn dễ dàng được tiếp cận với các quan chức ở địa phương họ và thậm chí ở cấp nhà nước. Trong các thị trấn, khoảng cách xã hội giữa người có ảnh hưởng chính trị và người không có ảnh hưởng không lớn, và trong bộ máy chính quyền có rất ít thứ mù mờ – đường dây điện thoại đảng phái mà ai cũng lắng nghe có thể được xem là tượng trưng cho thực tế này. Dù bình thường những người này có thể dồn khá nhiều phẫn nộ lên các vấn đề địa phương, tình hình không phải bao giờ cũng vậy; nên chúng ta sẽ thấy dân thị trấn và nông thôn thỉnh thoảng đưa vào chính trị phong cách thế giới của các kiểu ngoại tại định hướng, để mô phỏng thật giống người dự đoán nội tình ở thành thị.[211]

Thực ra thì sự khác biệt giữa người dự đoán nội tình và người dửng dưng thường khó vạch ra. Điều này có thể coi như một minh họa khác cho luận điểm đã nói ở trên, rằng có các tương đồng thấy rõ giữa kiểu truyền thống định hướng và kiểu bên ngoài định hướng. Cả hai nhóm đều cảm thấy bất lực trước chính trị, và cả hai đều đã dùng đến đủ thứ thuyết định mệnh mà người giáo huấn kiểu nội tại định hướng thường lạnh lùng bác bỏ. Tuy vậy, có những khác biệt quan trọng. Người dự đoán nội tình, không như người dửng dưng, phụ thuộc vào một nhóm ngang hàng trong đó chính trị là thứ hàng tiêu dùng quan trọng và trong đó thái độ đúng – tức là lãnh đạm – về tiêu thụ của ta cũng quan trọng tương đương. Người dửng dưng phong cách mới có thể chấp nhận chính trị hay để mặc nó, trong khi người dự đoán nội tình ràng buộc với chính trị bằng các động cơ hầu như không kém hấp dẫn so với các động cơ của người giáo huấn.

Người dự đoán nội tình đem vào chính trị một kiểu hiện thực chủ nghĩa nào đó mà người giáo huấn thường thiếu. Ý niệm vượt lên trên cái không thể tránh được chưa hề nảy sinh cho người dự đoán nội tình. Là khán giả, cũng như người điều hành, anh ta hình dung rất rõ các giới hạn là gì; anh ta không đặt tầm nhìn quá cao. Người kiểu ngoại tại định hướng mang cái mà về cơ bản là các kỹ năng chính trị vào nhiều lĩnh vực nằm ngoài khoa học chính trị chính thức theo như định nghĩa của người giáo huấn – chẳng hạn, vào lĩnh vực quy hoạch đô thị và các quan hệ quản lý lao động. Hơn nữa, ngược với những đơn giản hóa thái quá của nhiều người giáo huấn, người dự đoán nội tình đưa vào một đội chuyên gia hiểu biết hơn nhiều so với những người phẫn nộ và người nhiệt tình đảng phái, vốn thường hạn hẹp ngay cả ở thời họ cầm quyền, huống hồ đến thời họ suy yếu. Nhiều người, không chỉ các chuyên gia, đã trở nên quen suy nghĩ trên bình diện chính trị thế giới và bình diện xuyên văn hóa, tất cả những thứ khó mà tìm thấy được trong các thuyết vị chủng – hay các chủ nghĩa lý tưởng thế giới đại đồng – ngay cả ở một thế hệ trước. Vào thế kỷ 19, hầu hết các luận bàn báo chí về chính trị quốc tế dựa vào những khẩu hiệu địa phương chủ nghĩa như “danh dự quốc gia” – trong trường hợp của Mason và Slidell[212] chẳng hạn, hay Maine[213]. Thế nhưng ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng, dù có nhiều ngoại lệ, có vẻ như bàn về chính trị thế giới trên bình diện đã được chiến tranh tâm lý làm cho quen thuộc, còn các sự kiện thì được giải thích theo ảnh hưởng của chúng đối với sự tuyên truyền của bên này hay bên kia. Công chúng thường được kêu gọi ủng hộ một chính sách bởi vì sự ủng hộ đó, theo kiểu một hành vi thăng bằng tự dẫn dắt, sẽ tác động đến công luận; các lập luận như vậy chỉ có thể thực hiện nhờ hiểu biết đã được nâng cao của các lực lượng tâm lý trong chính trị, ở một thời ngày càng phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng.

Một số người có thể thấy cuộc thảo luận hiện nay về “lối sống” của chúng ta gợi nhớ các thảo luận về danh dự quốc gia. Nhưng sự đổi mới không chỉ đơn thuần là đổi mới cách diễn đạt. “Danh dự quốc gia” có thể là một cụm từ đạo đức giả để che đậy các quyền lợi giai cấp rành rành như đã dẫn đến việc chúng ta xâm lược Haiti, hay nó có thể được gộp chung với nhiều kiểu bài ngoại khác nhau của thế kỷ 19. Thế nhưng dù nội dung của cụm từ có mơ hồ thế nào đi nữa thì cái nó đòi hỏi ở kẻ thù dân tộc lại hoàn toàn rõ ràng. “Lối sống của chúng ta”, trái lại, có nhiều nghĩa tâm lý rộng hơn; nó khá cụ thể trong nội dung quốc nội nhưng rất mù mờ ở chỗ các hệ quả của khẩu hiệu này trong chính sách đối ngoại là gì, hay cần là gì. “Danh dự quốc gia” đôi khi bó buộc chính sách đối ngoại của chúng ta bằng cách xây dựng một vị trí đầu cầu đạo đức mà chúng ta không sẵn lòng, cũng chưa được chuẩn bị tâm lý để bảo vệ. Trái lại, “lối sống của chúng ta” gần như không đem lại hướng dẫn đạo đức nào cho chính sách đối ngoại, do vậy, nó dường như bị bỏ lại cho Chính sách thực dụng. Tuy nhiên, cũng chỉ dường như thôi. Vì cũng như cụm từ “danh dự quốc gia” gợi nhớ một dạng đạo đức giả thời Victoria, nên cụm từ “lối sống của chúng ta” gợi chúng ta nhớ lại rằng người kiểu ngoại tại định hướng giấu chính mình cũng như người khác cái đạo lý mà anh ta có được bằng cách trốn trong các cân nhắc có vẻ thiết thực. Một cựu chiến binh trẻ được Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát Đại học Michigan phỏng vấn năm 1947, khi được hỏi theo anh ta Hoa Kỳ đã nhượng bộ hay làm theo ý mình ở Liên Hợp Quốc, đã đáp:

Điều này nghe sẽ có vẻ buồn cười, nhưng tôi nghĩ chúng ta đang làm theo ý mình quá lố. (Sao anh nói vậy? Người ta hỏi anh ta.) Vì chúng ta không muốn các quốc gia khác cảm thấy rằng chúng ta đang cố tiếp quản xứ họ. Họ biết rằng Nga muốn thế và tôi nghĩ ấy là lý do có lắm tranh cãi như vậy. Nhưng nếu họ cảm thấy chúng ta đang cố thâu tóm, họ sẽ không tin cậy chúng ta nữa và rồi chúng ta sẽ không thể giật dây cả chương trình này, mà đấy là điều tôi nghĩ chúng ta nên làm. Thế nên khi chúng ta không có được cái mình muốn mà các tít báo lại kêu rằng chúng ta đã bị đánh bại ở việc gì đó, tôi nghĩ như thế thật hay vì nó khiến các nước khác cảm thấy chúng ta cũng giống họ thôi và rằng chúng ta cũng đang có rắc rối. Điều đó sẽ làm họ đồng cảm với chúng ta và thân thiện hơn.[214]

Hiểu biết tâm lý đến như vậy thể hiện một tiến bộ thực sự. Người giáo huấn bình thường sẽ không thể có những ý nhị như vậy, hay quan tâm đến những điều ý nhị đó.

Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn còn lại. Tại sao có quá nhiều nhóm ngang hàng trong đó hoạt động kiểu ngoại tại định hướng tiếp tục đưa chính trị lên thực đơn của họ, và tại sao xu thế đó lại không thay thế cái gì khác, ví dụ như tôn giáo, như nó đã làm vậy với nhiều trí thức? Cái hẳn làm chúng ta ngạc nhiên ở Mỹ không phải là số người dửng dưng mà là tại sao họ không đông hơn nữa, tại sao mọi người vẫn còn nấn ná với tư cách người giáo huấn và tìm cách moi tin tức như người dự đoán nội tình. Tôi gợi ý như lời giải thích một phần nào rằng phương tiện truyền thông đại chúng giữ một vai trò phức tạp trong việc huấn luyện và duy trì người (có tính cách thích hợp) trong cả hai phong cách sau này. Phương tiện truyền thông đại chúng đồng thời vừa là người mang thông tin liên tục và hướng dẫn khoan dung cho những người dự đoán nội tình tương lai, vừa là người hướng dẫn và kích thích sự phẫn nộ cho người giáo huấn tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.