Đám Đông Cô Đơn
CHƯƠNG II: Từ đạo đức đến tinh thần: sự thay đổi trong các tác nhân hình thành tính cách
Hỏi: Bà có nghĩ thầy cô nên phạt bọn trẻ vì chúng trang điểm không?
Đáp: Có chứ, tôi nghĩ là nên phạt, nhưng hãy hiểu, tôi là một người mẹ tân tiến và dù nghiêm khắc với con gái, tôi vẫn tân tiến. Anh biết đấy, anh không thể phạt con cái quá nghiêm khắc, nếu không chúng sẽ nghĩ anh nhỏ mọn và những đứa trẻ khác cũng sẽ nói với chúng rằng anh thật nhỏ mọn.
Trích từ một bài phỏng vấn
Các đồ thị dân số và cấu trúc kinh tế chỉ là một phần trong sinh thái học hình thành tính cách. Xen vào giữa chúng và tính cách xã hội được tạo nên là các tác nhân con người trong quá trình hình thành tính cách: cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người kể chuyện. Họ là những người truyền giao di sản xã hội, có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời của trẻ em, do đó cũng ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Bởi vì trẻ em sống ở mặt sóng của các giai đoạn dân số nối tiếp nhau và là những cá thể dễ uốn nắn cho phù hợp phần nào với tính cách xã hội tương lai. Trong chương này ta sẽ xem xét vai trò đang thay đổi của cha mẹ và thầy cô trong quá trình hòa nhập xã hội cho lớp trẻ ở từng giai đoạn trong ba giai đoạn dân số. Chương III sẽ xem xét chức năng hòa nhập xã hội của nhóm ngang hàng. Chương IV sẽ bàn về sự thay đổi trong vai trò của những người kể chuyện, hay phương tiện truyền thông đại chúng, theo cách gọi hiện nay.
Trong phần này ta sẽ tập trung vào sự chuyển biến từ hình thái nội tại định hướng sang hình thái ngoại tại định hướng như phương thức bảo đảm tuân thủ căn bản trong giai tầng trung lưu đồ thị Mỹ. Tuy nhiên, tiếp theo ta cần xem xét qua những xã hội mà ở đó phương thức bảo đảm tuân thủ căn bản là hình thái truyền thống định hướng; và bởi các hình thái truyền thống định hướng vốn chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu ở Mỹ, tôi sẽ lấy ví dụ từ xã hội thời nguyên thủy và trung đại. Khi so sánh các phương pháp hòa nhập xã hội, ta sẽ thấy các hình thái mới hơn có gì mới – và đặc biệt hình thái ngoại tại định hướng có gì mới.
I. Những thay đổi trong vai trò của cha mẹ
Có một khuynh hướng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội hiện nay, chịu ảnh hưởng của phân tâm học, nhấn mạnh quá mức và kết luận vội vàng về tầm quan trọng của thời thơ ấu trong sự hình thành tính cách. Ngay trong giai đoạn đầu đời, đôi khi người ta dồn sự chú ý gần như chỉ mang tính kỹ thuật vào các mẹo nuôi dạy trẻ như: lịch ăn uống và rèn trẻ đi vệ sinh đúng giờ. Quan điểm hàm chứa trong sự chú trọng này hóa ra lại là một nhận định vừa lạc quan vừa bi quan. Lạc quan vì dường như nó cho rằng các thay đổi đơn giản mang tính máy móc trong cách đào tạo của cha mẹ sẽ biến đổi sâu sắc tính cách của con cái. Cùng lúc nó lại bi quan bởi thừa nhận rằng một khi đã tới, chẳng hạn như, giai đoạn cai sữa, cấu trúc tính cách của đứa trẻ đã định hình đến mức nếu không có sự can thiệp sâu về mặt tâm thần học, những sự kiện xảy ra sau đó sẽ không có mấy tác dụng ngoài việc giúp bộc lộ những chiều hướng đã ổn định.
Song, càng ngày người ta càng nhận ra là tính cách có thể biến đổi ghê gớm sau thời thơ ấu và rằng các tác nhân văn hóa ngoài cha mẹ cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Các nền văn hóa khác biệt nhau không chỉ ở sự phân định thời điểm của các bước trong quá trình hình thành tính cách mà còn ở các tác nhân chi phối trong từng bước. Mỗi giai đoạn lịch sử mới trên đường đồ thị dân số đều được đánh dấu bằng sự gia tăng tuổi đời và thời gian hòa nhập xã hội – tức là giai đoạn trước khi đứa trẻ đảm nhiệm hoàn toàn vai trò kinh tế và xã hội của người trưởng thành. Đồng thời, trách nhiệm đặt lên các tác nhân hình thành tính cách tồn tại bên ngoài gia đình, thị tộc hay làng xã cũng gia tăng.
VAI TRÒ CỦA CHA MẸ Ở GIAI ĐOẠN TRUYỀN THỐNG ĐỊNH HƯỚNG
Trong các xã hội phụ thuộc vào truyền thống định hướng, trẻ em có thể được chuẩn bị để đảm trách vai trò người trưởng thành từ rất sớm. Những vai trò dành cho người trưởng thành gần như không đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, và ngoài việc rèn luyện kỹ năng thủ công và mang tính kỹ thuật, thường là với cường độ cao, thì cuộc sống trưởng thành cần tới rất ít hướng dẫn phức tạp đòi hỏi phải sử dụng văn bản. Trẻ em từ rất sớm đã bắt đầu học cách hành xử như người đã trưởng thành chỉ bằng cách quan sát người lớn quanh mình. Trong giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số, sẽ có rất đông trẻ em noi theo một số ít người trưởng thành như là các hình mẫu của chúng. Thông thường, trẻ em sống trong các gia đình lớn. Những việc người lớn làm rất đơn giản nên lũ trẻ có thể nắm bắt, đơn giản đến mức chúng thường có thể hiểu và bắt chước ngay cả khi tay chân chưa đủ khéo léo để tham gia một cách trọn vẹn. Sự trưởng thành về mặt xã hội hỗ trợ cho sự trưởng thành về mặt sinh học. Tuy nhiên đối với nhiều trường hợp, vai trò sinh học trong đời sống người trưởng thành thực ra không mấy xa lạ với trẻ vị thành niên, bởi những trò chơi thuở nhỏ và thói tò mò vốn ít được kiểm soát, nên lũ trẻ sớm biết được điều cần biết về tình dục và những chức năng khác của người lớn – bất chấp những điều bí ẩn mang tính nghi thức có thể vẫn tồn tại nhằm chứng tỏ quyền năng của người lớn và sự yếu đuối của trẻ nhỏ.
Khuôn mẫu của sinh hoạt vật chất là yếu tố quan trọng trong bối cảnh này. Các ngôi nhà thông thường chỉ có một phòng, trong sinh hoạt không có tường để ngăn cách các nhóm tuổi tác cũng như nhu cầu dị biệt của từng nhóm. Hộ gia đình thường cũng là các đơn vị kinh tế; đàn ông không đến cơ quan hay nhà máy – và anh ta không đi đâu xa. Mọi người thời ấy vẫn chưa lo việc tiết kiệm thời gian đến mức cảm thấy lũ trẻ là mối phiền toái; thực ra, rất có thể họ cảm thấy mình chẳng khác mấy so với lũ trẻ.
Ngoài ra, các xã hội trong giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số còn mang đặc điểm là mức độ di động xã hội[102] rất thấp. Cha mẹ dạy con cái kế nghiệp họ hơn là “thành đạt” kiểu vươn lên trong hệ thống xã hội. Bất cứ giai tầng xã hội cụ thể nào cũng tuân theo thứ bậc tuổi tác, nên một cá nhân rồi sẽ đến lúc nổi lên như mẩu gỗ bần trong nước: đó chỉ là vấn đề thời gian, và bản thân anh ta không cần phải thay đổi nhiều từ bên trong.
Thực ra các nhóm thuộc giai tầng trên trong một xã hội như vậy trưởng thành nhanh không kém gì các nhóm thuộc giai tầng dưới; những vai trò mà trẻ em ở cả hai giai tầng xã hội này phải học chỉ khác nhau đôi chút ở sự phức tạp. Tuy vậy, so với các giai tầng dưới, thì mức cá thể hóa cao hơn thường xảy ra ở các giai tầng trên vào thời điểm lịch sử sớm hơn – ví dụ như vào thời Trung đại, các nhà quý tộc, nghệ sĩ lang thang và tu sĩ thường gần với mẫu nội tại định hướng hơn là với mẫu truyền thống định hướng của nông dân. Trong khi việc đào tạo các cá nhân lãnh đạo hiển nhiên có phần tốn thời gian hơn và tính cách của họ được cá thể hóa nhiều hơn, thì lớp trẻ ở tất cả các cấp xã hội lại nhanh chóng đảm nhận vị trí trong công việc, lễ nghi và vai trò sinh sản.
Tóm lại: tổ chức đóng vai trò chính yếu trong sự hình thành tính cách ở các xã hội phụ thuộc vào truyền thống định hướng là đại gia đình và thị tộc hay nhóm bao quanh gia đình. Các hình mẫu để bắt chước thường được gộp thành nhóm người trưởng thành nói chung chứ không chỉ giới hạn gồm cha mẹ. Cái được bắt chước là hành vi và những phẩm tính cụ thể như lòng can đảm hay sự khôn khéo. Đứa trẻ đang lớn không phải đương đầu với vấn đề lựa chọn những điều quá khác biệt so với những điều mà người lớn hơn phải đối mặt theo như nó quan sát thấy; và sự khôn lớn của trẻ được quan niệm như một quá trình trở thành một người hiểu biết truyền thống già dặn hơn, và vì vậy mà khôn ngoan hơn.
VAI TRÒ CỦA CHA MẸ Ở GIAI ĐOẠN NỘI TẠI ĐỊNH HƯỚNG
Tính cách và di động xã hội. Với sự bắt đầu của giai đoạn tăng trưởng chuyển tiếp trên đường đồ thị dân số, di động xã hội và di động địa lý có nhiều cơ hội để diễn ra hơn. Con người bắt đầu đi tiên phong trên những lĩnh vực mới: sản xuất, xâm chiếm thuộc địa và khám phá trí tuệ. Điều này tuy chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một nhóm thiểu số, nhưng xã hội với nhóm sơ cấp[103] làm trung gian không còn tuyên bố rõ ràng người ta phải làm thế nào thì mới là hành xử mẫu mực. Đúng hơn, đứa trẻ đang khôn lớn sẽ mau chóng nhận thức được có nhiều loại phong tục đối nghịch lẫn nhau – những con đường đời đối nghịch lẫn nhau – mà về nguyên tắc, đứa trẻ được tự do chọn lựa. Dù dòng dõi và gốc gác xã hội gần như vẫn mang tính định đoạt đối với phần lớn mọi người, một chân trời rộng lớn hơn chất chứa những triển vọng và nhu cầu cần đến một tính cách có thể theo đuổi các mục tiêu tổng quát và được xác định trừu tượng hơn. Một tính cách như vậy, bằng động lực của chính mình, phải tạo được các phương thức đặc thù thích hợp nhằm đạt đến những đích chung ấy.
Các mục tiêu và lý tưởng được áp đặt và minh họa cho trẻ dựa trên nền tảng những mục tiêu và lý tưởng của cha mẹ chúng, chắc chắn là khác biệt, với một bên là con người thế tục tự tin thời Phục hưng, tự hào về bản tính cá nhân và tự do thoát khỏi những trói buộc cũ, và bên kia là con người khắc kỷ kính Chúa, tuân thủ lương tri và âu lo về sự cứu rỗi linh hồn.[104] Dù vậy, cả hai loại người đó đều rất đông đảo, cùng chịu sự thúc đẩy nội tại, và đều có khả năng tiên phong. Cuối cùng, một xã hội có nhiều cá nhân chịu ảnh hưởng bởi sự thúc đẩy nội tại – cùng nhắm tới các giá trị về bản chất là có hạn như của cải và quyền lực – sẽ chứa đựng trong mình một động lực thay đổi từ chính các lực lượng cạnh tranh mà nó tạo ra. Thậm chí những cá nhân vốn chẳng màng đến việc tranh giành địa vị cao hơn cũng phải làm vậy để không bị tụt hậu trong hệ thống xã hội đã mở rộng hơn và bớt nặng nề về phân chia thứ bậc theo tuổi tác và dòng dõi.
Tất cả những khuynh hướng trên được củng cố thêm khi các vai trò trở nên phức tạp hơn cùng với sự phát triển phân công lao động. Sự tăng tốc của quá trình phân công lao động đồng nghĩa với sự gia tăng số lượng trẻ không còn lấy cha mẹ ra làm hình mẫu. Hiện tượng này đặc biệt đúng với nam giới; ở phương Tây, hiện tượng chuyển biến tính cách dường như đã xảy ra với đàn ông trước tiên. Cho đến gần đây thôi, những người bà và người mẹ vẫn có thể rèn luyện cho các con và cháu gái vai trò của người phụ nữ mà chỉ đơn thuần dựa theo truyền thống. Trong bộ phim House of Strangers (Ngôi nhà của những người xa lạ), tay chủ nhà băng gốc Ý – cũng giống như Giannini[105] hay Ponzi[106] – lớn lên từ môi trường dân nhập cư và sớm lìa bỏ khỏi khuôn mẫu của ông cha, đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng như quyền lực và tiền bạc mà anh ta tin là tiêu biểu cho một người Mỹ chính gốc, trong khi đó vợ anh ta lại là mẫu phụ nữ trung thành với những lề thói của truyền thống định hướng vốn chi phối nền tảng tuổi thơ của mình.
Trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, mặc dù các bậc phụ huynh không thể chắc chắn về vai trò lao động của người trưởng thành cũng như không thể biết được phương cách sống của con cái mình sau này sẽ ra sao, việc tuân thủ vai trò lao động không thể bị phó mặc cho may rủi và chủ nghĩa cơ hội hành vi. Để sở hữu động lực cần thiết nhằm thực hiện được các vai trò mang tính thách thức và trong tương lai sẽ còn thách thức hơn nữa, cần để tâm nhiều hơn đến việc đào tạo tính cách. Nhất là ở các nước theo đạo Tin Lành, đào tạo tính cách đã trở thành một phần quan trọng trong giáo dục, mặc dù dĩ nhiên điều này không có nghĩa hầu hết phụ huynh đều ý thức rõ được rằng họ cần đào tạo những đứa trẻ có thể đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội.
Hiện tượng di động xã hội tăng cao tạo ra một hoàn cảnh mới hàm ý rằng trẻ em phải thường xuyên được hòa nhập xã hội theo phương cách không phù hợp với vai trò của cha mẹ, nhưng lại phù hợp cho những vai trò vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có thể huấn luyện cho bồ câu bay về nhà, nhưng đứa trẻ theo nội tại định hướng thì phải được dạy để rời xa khỏi gia đình, với đích đến còn chưa rõ; lẽ tự nhiên là nhiều trẻ sẽ gặp số phận của Icarus.[107] Cái động lực thấm nhuần trong đứa trẻ là: phải sống xứng đáng với lý tưởng cũng như thử thách khả năng tự lực cánh sinh bằng những thử nghiệm liên tiếp với tính tự chủ – thay vì tuân theo truyền thống.
Đào tạo tính cách như một nhiệm vụ có ý thức của cha mẹ. Trong xã hội phụ thuộc vào truyền thống định hướng nhằm bảo đảm sự tuân thủ, phần nhiều nỗ lực của cha mẹ hướng tới mục đích làm sao để trẻ không trở thành mối phiền toái cho thế giới trưởng thành; và nhiệm vụ này thường xuyên được giao lại cho các anh chị hay người lớn khác. Đứa trẻ chẳng mấy chốc hiểu ra rằng tuân thủ hành vi là cái giá để được yên thân, và thế là nó học cách xoa dịu – hay ít ra cũng tránh gây bực mình – những người quanh nó. Mặt khác, phụ huynh theo nội tại định hướng đòi hỏi nhiều hơn ở con cái, cũng như họ đòi hỏi nhiều hơn ở chính bản thân. Họ làm được như vậy là vì, khi không còn phải chung sống với một đại gia đình là tập hợp của nhiều thế hệ, họ có thể chú tâm chăm sóc và quản lý con cái chặt chẽ hơn. Không bằng lòng với mức độ tuân thủ hành vi đơn thuần, họ còn yêu cầu con cái làm theo những đòi hỏi khắt khe hơn, ở đây tuân thủ được coi như bằng chứng cho tính cách lành mạnh và kỷ luật tự giác. Đặc biệt, các bậc cha mẹ theo Thanh giáo còn không ngừng đánh giá con cái cũng như bản thân nhằm tìm kiếm các dấu hiệu được chọn lựa lên thiên đường, tức là dấu hiệu cứu rỗi do Chúa Trời định đoạt. Cùng với quá trình thế tục hóa, những dấu hiệu này dần chuyển thành dấu hiệu báo trước cho sự di dộng xã hội – chúng là những dấu hiệu cho thấy khả năng “vươn lên”, nhưng không phải từ địa ngục lên thiên đàng, mà là trên nấc thang địa vị. Một mặt, cha mẹ tìm kiếm các dấu hiệu về sự thất bại tiềm tàng – cuộc truy tìm nảy sinh phần nào từ mặc cảm tội lỗi và mối khắc khoải âu lo về chính bản thân. Mặt khác, cha mẹ tìm kiếm ở con cái những dấu hiệu của tài năng – tài năng thì không được để lãng phí.
Và như vậy, bắt đầu quá trình trong đó cha mẹ kèm cặp con cái quá mức gắt gao, điển hình như trường hợp của John Stuart Mill,[108] người khi chưa lên mười đã học các tác phẩm kinh điển và viết những khảo luận dài dưới ánh mắt sốt sắng của người cha. Ngay cả khi các bậc phụ huynh thông thường không có ý thức giáo dục như James Mill,[109] họ cũng có thể áp đặt những đòi hỏi của mình lên con cái một cách vô thức đơn thuần chỉ bằng thái độ ép buộc, lo âu và nghiêm khắc quá mức. Bởi vậy, người kiểu nội tại định hướng thường rất khó khởi phát được những mối quan hệ xã giao. Đầu tiên là vì anh ta quá chú trọng đến những mối bận tâm của bản thân và do vậy không muốn phí thời gian; và vì bớt tốn thời gian vào những việc không cần thiết, anh ta tránh được lo âu và ưu tư về bản thân. Thứ đến, mối quan hệ của anh ta với mọi người, bao gồm cả con cái anh ta, được dàn xếp qua nhu cầu thường trực vốn định hình trong tính cách là thử thách và rèn giũa bản thân.
Xét theo tính cách điển hình thời Phục hưng-Cải cách mà chúng ta gọi là nội tại định hướng, tại các nước La tinh quá trình nói trên bớt căng thẳng hơn so với vùng theo đạo Tin Lành hay giáo phái Jansen ở phía Bắc, và ở miền Bắc thì trong cộng đồng Luther giáo hay Anh giáo, quá trình đó lại bớt căng thẳng hơn so với các giáo phái Calvin và Pietism. Tuy vậy, hễ nơi đâu hình thái nội tại định hướng đạt được ảnh hưởng khá chắc chắn trong một nhóm lớn thuộc tầng lớp trung lưu, thì việc sản xuất ra những cấu trúc tính cách cho thế hệ kế tiếp ngày càng được hợp lý hóa, tương tự như việc sản xuất trong một nền kinh tế hướng ngoại. Trong cả hai trường hợp, nhiệm vụ sản xuất không phải lệ thuộc vào sự phê chuẩn của nhóm bên ngoài cũng như không do tính bức bách của hoàn cảnh mà được cài đặt như một động lực tự thân, cũng vì thế mà những nguồn năng lượng to lớn được giải phóng liền nhắm tới cải tạo môi trường vật chất, xã hội, trí tuệ và hướng tới biến cải bản thân.
Những dàn xếp xã hội và thứ bậc trong đời sống của tầng lớp trung lưu làm cho đứa trẻ khó có thể nhìn thấu bản chất, chứ đừng nói đến việc thoát khỏi, những áp lực phải trở thành mẫu nội tại định hướng đang dồn lên nó. So với căn nhà một gian của người nông dân hay “nhà dài” của nhiều bộ lạc nguyên thủy, đứa trẻ lớn lên giữa bốn bức tường là biểu tượng vật chất cho sự cai trị riêng của cha mẹ nó. Không chỉ phân cách cha mẹ với con cái, văn phòng với nhà ở, những bức tường còn khiến trẻ khó có thể, nếu không nói là không thể, phê phán những mệnh lệnh của cha mẹ bằng một cái nhìn “vạch trần” về cha mẹ mình hay các bậc cha mẹ khác. Trong nhiều trường hợp lời cha mẹ nói còn trở nên thực hơn so với điều họ làm – sự đào tạo thiết yếu cho một xã hội trong đó ngôn từ ngày càng trở nên quan trọng như một phương tiện thảo luận, hướng dẫn và kiểm soát. Cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, bị gián đoạn vì khoảng cách xã hội vốn chia cách họ, được đứa trẻ tiếp tục với chính bản thân nó lúc chỉ có một mình.
Nếu so với thời đại trước ta sẽ thấy, chính áp lực ép lên quá trình hòa nhập xã hội thông qua việc giáo dục con cái quá mức nghiêm khắc là tác nhân kéo dài giai đoạn hòa nhập xã hội của trẻ. Freud đã mô tả rất hay tình trạng này trong khái niệm về cái siêu ngã luôn luôn canh chừng ngay trong đầu như một cơ quan đảm trách nhiệm vụ hòa nhập xã hội được gắn sẵn vào đứa trẻ, theo nó suốt cuộc đời với những huấn thị liên tục được đổi mới. Khái niệm này, dù ít thành công hơn khi áp dụng vào các xã hội khác, lại có vẻ phù hợp với tầng lớp trung lưu trong suốt thời hoàng kim của hình thái nội tại định hướng ở phương Tây. Thậm chí có thể nói cấu trúc tính cách của người nội tại định hướng bao gồm sự đối đầu giữa siêu ngã, bản ngã và tự ngã.[110] Theo một lối nói rập khuôn phổ biến thì trẻ được “dạy dỗ” hơn là được “yêu thương”; và ngay cả khi đã rời khỏi mái ấm gia đình, chúng vẫn tiếp tục dạy dỗ chính bản thân. Trẻ có chiều hướng cảm thấy tính cách của mình cần phải được trau giồi suốt cả cuộc đời. Thói quen ghi nhật ký có thể coi là một dấu hiệu quan trọng của tính cách mới và được xem như một nghiên cứu hoạt động nội tâm theo thời gian mà cá nhân dùng để ghi lại cùng lúc đánh giá thành quả của mình ngày này qua ngày khác. Đó là bằng chứng cho thấy sự khác biệt giữa cái tôi hành xử và cái tôi giám sát.
Thoát ly khỏi gia đình. Khi đứa trẻ đang khôn lớn tiếp nhận từ cha mẹ trách nhiệm tự giám sát và đào luyện tính cách, nó đã có thể sẵn sàng đối mặt và thích ứng với những hoàn cảnh lạ lẫm. Quả thực, nếu người đó vươn lên trong hệ thống thứ bậc sự nghiệp ngày một phức tạp đúng vào giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp hoặc tiến tới nhiều lĩnh vực khác đang rộng mở, anh ta sẽ nhận thấy mình có thể linh động điều chỉnh hành vi của mình mà không cần phải thay đổi tính cách. Anh ta có thể thiết lập sự cách biệt giữa hành vi và tính cách bởi lẽ anh ta đã là cá nhân sở hữu mức độ ý thức tự giác mới.
Nhận thức trên về cái tôi là nguyên nhân và hệ quả của việc lựa chọn không còn được tự động cung cấp – hay, đúng hơn, bị loại trừ – bởi bối cảnh xã hội của nhóm sơ cấp. Trong những hoàn cảnh mới, mỗi cá nhân phải quyết định xem anh ta cần làm gì và làm gì với chính bản thân. Ngoài gia đình hay thị tộc mình ra, cảm giác về trách nhiệm tự thân, rằng anh ta quan trọng với tư cách một cá thể, khiến anh ta trở nên nhạy cảm với các tín hiệu phát ra từ lý tưởng anh ta đã nội tại hóa. Nếu lý tưởng, như ở người Thanh giáo, là làm người “tốt”, hay như với đứa trẻ thời Phục hưng, là trở nên “vĩ đại”, thì cá nhân phải làm gì để thực thi được huấn thị đó? Và làm sao cá nhân biết mình đã làm tròn những đòi hỏi khó khăn tự đặt ra cho bản thân? Như Max Weber và R.H Tawney đã nhìn thấu trong mô tả của họ về người Thanh giáo, sẽ chẳng có mấy thanh thản cho những người tự đặt cho bản thân những câu hỏi như vậy.
Bầu không khí gò bó trong những gia đình thiên về nội tại định hướng – thiếu vắng sự nuông chiều và khoan dung trong cung cách cha mẹ đối xử với con cái – khiến cho trẻ bị quen cô độc và không vững vàng trước những vấn đề và hoàn cảnh xã hội mà nó có thể phải đối mặt sau này. Nói đúng hơn, tính cách của trẻ sẽ khiến nó chỉ thấy thoải mái trong môi trường nào tương tự như gia đình mình, có thể nói tính cách đứa trẻ sẽ trở nên khắt khe và nó phải rất cố gắng để tự chủ.
Ta có thể nói, phụ huynh theo nội tại định hướng đã cài đặt và khởi động một con quay hồi chuyển tâm lý vào con mình; con quay này được chế tạo dựa theo tiêu chuẩn của riêng họ và của những người khác có thẩm quyền; nếu đứa trẻ gặp may, người điều khiển sẽ không quay con quay quá nhanh (nguy cơ gây ra chứng loạn thần kinh) hoặc quá chậm (nguy cơ là những thất bại trong xã hội).
VAI TRÒ CỦA CHA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN NGOẠI TẠI ĐỊNH HƯỚNG
Tính cách và sự di động xã hội. Trong giai đoạn chớm giảm dân số, các điều kiện cho sự tiến bộ biến đổi đáng kể.
Trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, người kiểu nội tại định hướng có thể thấy trước các triển vọng trong ngành công nghiệp và thương mại cũng như làm việc với lòng hăng say và quyết tâm cần có bằng cách mở rộng biên giới mọi lĩnh vực. Các xã hội trong giai đoạn chớm giảm dân số lại không cần tới sự sốt sắng hay tính độc lập như vậy. Doanh nghiệp, chính phủ, giới chuyên môn đã trở nên quan liêu nặng nề, ví dụ điển hình nhất là ở Pháp. Những xã hội như vậy ngày càng dựa nhiều hơn vào thành phần bất kham còn lại của quy trình công nghiệp: những người vận hành máy móc. Dưới những hoàn cảnh nêu trên, di động xã hội vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng nó phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì về cá nhân hơn là cá nhân đó là gì và làm gì – phụ thuộc cả vào khả năng điều khiển người khác và khả năng để người khác điều khiển. Nhìn từ góc độ khác, khi cơ sở vật chất cơ bản của xã hội sắp được xây dựng, hay đúng hơn là khi việc xây dựng đó được quản lý và hoạch định theo khuôn khổ, những cá nhân kiểu ngoại tại định hướng sẽ dần có nhiều cơ hội ở những vị trí cao, bởi họ có khả năng nhìn ra những cơ hội dễ bị bỏ qua trong môi trường xã hội.[111] Ngay cả khi sự dư dật vật chất đã trở thành hiện thực nhờ khoa học tân tiến, người ta vẫn tiếp tục làm việc – và tạo ra việc làm – theo một nhịp độ phù hợp hơn so với giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp trước đó: khuynh hướng thúc đẩy tính di động xã hội đã ăn sâu trong tính cách của họ. Nhưng sản phẩm được ưa chuộng giờ đây chẳng phải ghim dập hay máy móc, mà là cá tính.
Về việc kết hợp kiểu tính cách ngoại tại định hướng và quan điểm kinh tế điển hình của một cá nhân, trước hết cần nhận thấy rằng trong quy trình sản sinh tính cách có tồn tại kiểu dị biệt hóa sản phẩm đặc trưng cho cạnh tranh độc quyền nói chung. Các nhà kinh tế học dùng thuật ngữ “dị biệt hóa sản phẩm” để chỉ nỗ lực của một công ty nhằm làm nổi bật sản phẩm không phải bằng giá cả mà bằng những khác biệt nhỏ nhưng vừa đủ, đi kèm với quảng cáo, mục đích là đưa sản phẩm của họ ra khỏi cuộc cạnh tranh giá cả trực tiếp với các sản phẩm tương tự. Vậy nên mới có loại thuốc lá điếu dài hơn các loại khác một chút, có loại điếu thuốc hơi bèn bẹt, trong khi loại khác nữa thì có đầu lọc hay hộp đựng màu xanh lá. Những tạp chí như Time và Newsweek đều tham gia công cuộc dị biệt hóa sản phẩm. Các hãng chế tạo ô tô, tàu cao tốc, kem đánh răng… cũng làm điều đó, kể cả các chủ khách sạn và nhà quản lý trường đại học. Tương tự, những cá nhân đang tranh giành vị trí trong hệ thứ bậc của doanh nghiệp, chính phủ và các ngành chuyên môn đều cố dị biệt hóa tính cách bản thân (trái ngược hẳn với những kỹ năng thực tế họ sở hữu) – cùng lúc cố không đi chệch hướng quá xa, lấy ví dụ như chiếc Chrysler đời 1934.[112] Trong nghiên cứu này, khía cạnh xã hội của quy trình cạnh tranh được gọi là “dị biệt hóa biên tế” [marginal differentiation] sẽ được mở rộng để bao quát cả về con người, dịch vụ cũng như hàng hóa, và do vậy khác biệt với khái niệm có liên quan mà các nhà kinh tế học sử dụng.
Freud là người đầu tiên đặt ra cụm “hội chứng ái kỷ dựa trên những đặc thù nhỏ nhặt” [narcissism with respect to minor differences] để chỉ niềm kiêu hãnh mà các cá nhân, nhóm hay dân tộc biểu hiện mà chỉ dựa vào những đặc thù nhỏ nhặt nhằm phân biệt họ với các cá nhân, nhóm và dân tộc khác. Dị biệt hóa biên tế đôi khi chứa đặc tính của lòng kiêu hãnh hay của “ham muốn khác biệt do tự ái” [invidious distinction][113] là cụm từ do Veblen nghĩ ra. Nhưng hiện tượng tôi nhắc đến ở đây mang nhiều âu lo hơn là kiêu hãnh, là sự cạnh tranh úp mở hơn là đối đầu công khai; tính ái kỷ bị kìm nén, hay như ta thấy về sau, nó hòa trộn vào các yếu tố khác mạnh hơn nó.
Trong những điều kiện này, bậc phụ huynh nào – theo cung cách của hình thái nội tại định hướng – cố thúc ép khao khát theo đuổi các mục tiêu rõ ràng một cách kỷ luật vào tâm trí con mình, thì họ có nguy cơ khiến phong cách của đứa con bị loại khỏi thị trường tính cách. Lệnh định hướng của con quay hồi chuyển tâm lý không đủ linh hoạt để đứa trẻ nhanh chóng thích nghi được với những đòi hỏi về mặt tính cách, chính xác là bởi sẽ có những đối thủ cạnh tranh không bị gắn sẵn con quay hồi chuyển tâm lý. Do không dám biểu lộ hình ảnh hiện thực của bản thân và xã hội trước con cái, phụ huynh ở thời đại chúng ta chỉ có thể dạy bảo con trẻ làm hết sức mình, bất kể kết quả có là gì. Chuyện thế nào là làm hết sức mình lại không nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ mà trong tay nhà trường và nhóm ngang hàng, là những đối tượng sẽ giúp đứa trẻ xác định được vị trí của nó trong hệ thống thứ bậc. Nhưng ngay cả những đối tượng trên cũng chỉ có thể nhận định mơ hồ; những nguyên tắc chọn lọc từng hướng dẫn các cá nhân có tính cách nội tại định hướng giờ không còn áp dụng được nữa. Chẳng hạn, người ta sẽ phải thay đổi quan điểm về việc vươn lên trên nấc thang xã hội vì rõ ràng điều đó không còn hấp dẫn, nếu xét trên góc độ mong muốn cá nhân. Như một số khảo sát của tạp chí Fortune chỉ ra, người ta ưa thích một công việc ổn định và bảo đảm hơn là một công việc mạo hiểm kèm theo rủi ro cao. Vả lại, dùng cách nào mới có thể vươn lên giờ không còn rõ ràng, ngay cả khi người ta muốn vươn lên, vì các mô hình thứ bậc cũ tan rã cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu mới, và chẳng dễ mà so sánh địa vị cao thấp giữa các hệ thứ bậc đang tồn tại. Một đại tá quân đội có “sánh ngang” với người đứng đầu một hiệp hội quốc tế không? Giáo sư vật lý so với phó giám đốc ngân hàng thì sao? Bình luận viên liệu có bằng giám đốc công ty dầu hỏa?
Ngày càng băn khoăn không rõ phải giáo dục con cái ra sao, các bậc phụ huynh quay sang tìm lời khuyên từ những người sống cùng thời; thậm chí họ trông chờ cả vào phương tiện truyền thông đại chúng; và như lời người mẹ được trích dẫn ở đầu chương này, về bản chất họ còn quay sang tìm lời khuyên từ chính con mình. Họ có thể nhất mực tuân theo một phương pháp giáo dục cứng nhắc nào đó. Thế nhưng, bởi chính những âu lo của bản thân, phụ huynh không thể giấu được con mình, sự thật là ảnh hưởng của họ lên con cái rất nhỏ và ảnh hưởng từ các nguồn khác mới là đáng kể. Dù có chỉ dạy con cái điều gì, thì cha mẹ cũng không tránh được việc truyền lại những âu lo dễ lây lan cho con mình. Họ củng cố phương pháp dạy dỗ này bằng cách tỏ ra hài lòng về đứa con – và qua đó, họ hài lòng với chính bản thân – khi đứa trẻ thành công.
Cố nhiên, phụ huynh theo nội tại định hướng thường chỉ “yêu thương” những đứa con thành đạt ngoài xã hội. Nhưng ít ra thì các tiêu chuẩn đánh giá sự thành đạt cũng khá rõ ràng. Ngược lại, đứa trẻ kiểu ngoại tại định hướng không chỉ đối mặt với đòi hỏi phải thành công mà còn cả vấn đề xác định thế nào mới là thành công. Đứa trẻ khám phá được rằng cả định nghĩa lẫn giá trị bản thân nó đều tùy thuộc vào những mối quan hệ xã hội mà nó sở hữu: trước hết là bạn học và thầy cô; sau nữa là bạn bè đồng lứa và các bậc bề trên. Phải chăng chính bản thân những mối quan hệ xã hội đó là sai lầm? Thế thì ai cũng có thể tự do chọn lựa “những mối quan hệ” ưa thích khác qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong hoàn cảnh như vậy, bản thân sự ủng hộ, bất kể việc đó có là gì, gần như đã trở thành tiêu chuẩn độc nhất: ta thành công khi được mọi người ủng hộ. Do vậy toàn bộ uy quyền, chứ không phải một phần, đều nằm trong tay nhóm người ủng hộ dù nhóm đó có thực hay chỉ là tưởng tượng; và từ những phản ứng của cha mẹ, đứa trẻ học được rằng không gì trong tính cách của nó, không gì mà nó sở hữu, không sự thừa hưởng tên tuổi hay tài năng, không việc gì đứa trẻ làm được đánh giá vì chính bản thân điều đó, việc nào cũng chỉ được thẩm định dựa trên tác động của nó lên người khác. Thành công gần như đồng nghĩa với việc quen được nhiều bạn, hay ít nhất thì cũng phải là những người bạn đáng giao du. “Ai đã được ủng hộ, sẽ còn được ủng hộ nhiều hơn nữa.”
Từ việc giáo dưỡng con cái đến việc “giáo dưỡng người cha”. Đứa trẻ kiểu ngoại tại định hướng điển hình lớn lên trong một gia đình ít người ở các khu đô thị san sát, hay một vùng ngoại ô. So với thời đại trước, người cha còn rời nhà đi làm xa hơn, xa đến mức không tiện về nhà ăn trưa. Hơn nữa, ngôi nhà không còn là nơi trú ẩn hoàn toàn riêng tư nữa. Khi quy mô cũng như không gian sống của gia đình thu hẹp và người ta dần bỏ lối sống chung với các thế hệ lớn tuổi như ông bà chú bác, đứa trẻ phải trực tiếp đối mặt với những căng thẳng về cảm xúc của cha mẹ. Trong hoàn cảnh này, đứa trẻ dần tăng nhận thức về cái tôi trong mối tương quan với mọi người xung quanh, nhất là bởi các bậc phụ huynh cũng ngày càng có ý thức hơn về điều đó.
Trong điều kiện kinh tế và xã hội mới, địa vị của trẻ được nâng lên. Chúng không phải chịu giai đoạn túng thiếu và khổ cực dẫn đến phải mơ ước về cuộc sống an nhàn và vui thú như một sự bù đắp. Không như ở các xã hội trước, con gái không còn đầu tắt mặt tối ở nhà, rồi đến tuổi dậy thì chúng bỗng nhiên được trao cho cái “vốn” duy nhất có thể tìm được – thân thể chúng – như một nguồn thu nhập để sống dựa vào, hay cạn đi như một nguồn vốn gốc. Cho đến gần đây, ngay cả con trai các gia đình sung túc cũng có khi phải ra đường đi giao báo lúc bình minh hay làm những việc vặt khác vì lợi ích kinh tế và nhằm “rèn luyện tính cách”.
Các bậc phụ huynh không chỉ thiếu sự quyết đoán của kiểu nội tại định hướng thành công mà còn thiếu chiến lược rút lui mà nhiều kiểu nội tại định hướng thất bại vốn có sẵn. Sự biến mất của lòng tin cũ vào công việc và quan hệ xã hội làm xuất hiện lòng nghi ngờ về các phương pháp giáo dục con cái. Chưa hết, cha mẹ không còn cảm thấy mình vượt trội con cái. Trẻ em không còn tượng trưng cho giá trị kinh tế có thể nhanh chóng khai thác, chúng cũng không còn đông như trước, về số lượng chúng “khan hiếm” hơn so với người lớn: xét mặt khách quan, người ta có thể sinh bao nhiêu con tùy ý muốn và nuôi nấng tất cả cho đàng hoàng. Người ta đánh cược vào từng đứa con nhiều hơn so với trước kia – cái thời mà nhiều đứa không sống được cho đến khi trưởng thành. Ngoài ra, chưa nói tới việc con trẻ có thể là những người Mỹ vượt trội so với cha mẹ chúng, về mặt sắc tộc hay xã hội – như đứa con gái của Jiggs[114] tân thời hơn hẳn ông ta – hiển nhiên luôn tồn tại những lý do xác đáng khác (mà tôi không đi sâu vào) cho việc chú trọng vào lớp trẻ – thế hệ có điều kiện nếm trải mọi hình thức văn hóa đại chúng.[115]
Những chuyển biến mang tính lịch sử trong đời sống của thanh thiếu niên thể hiện khá rõ, nếu ta nhìn lại, những cuốn tiểu thuyết giáo dục hồi thế kỷ 19 thường kể về những đứa trẻ không được thấu hiểu chống lại sự chuyên quyền cay nghiệt hay thói đạo đức giả của cha mẹ, nhất là nếu ta so sánh một trong những cuốn hay nhất thời đó, là The Way of All Flesh (Con đường của chúng sinh, 1903) của Samuel Butlers, với một trong những truyện đương đại cùng loại hay nhất, như truyện ngắn The Other Margaret (Margaret khác, 1945) của Lionel Trilling.[116] Truyện ngắn của Trilling mô tả sinh động về một cô bé sớm phát triển thuộc giai tầng tri thức và trung lưu lớp trên ở thành thị. Được theo học tại một trường tân tiến, Margaret tin rằng người da đen bị bóc lột, và cô bé tỏ ra bất bình trước địa vị thấp kém của “Margaret kia”, một người làm da đen trong nhà. Nhưng chính cô con gái Margaret mới là người tự cho mình là đúng, chứ không phải cha mẹ cô bé.
Đối mặt với chỉ trích của con, nhất là khi điều đó được nhà trường ủng hộ, cha mẹ Margaret, vốn cũng là người có tư tưởng tiến bộ, đành miễn cưỡng phòng thủ. Họ lo âu và quan tâm đến những gì con gái nghĩ – và nghĩ về họ. Rốt cuộc, cả ba người lớn đã thành công trong việc làm tan vỡ ảo tưởng của cô bé Margaret về những đức tính của bà người làm Margaret – cha mẹ thì bằng lý lẽ; còn bà người làm Margaret thì bằng thái độ xấu. Nhưng cuối cùng cha mẹ cô bé lại lo âu về chính thắng lợi đó, họ e sợ làm tổn thương đứa con nhạy cảm. Họ không sở hữu sự chắc chắn và bảo đảm mà cha mẹ của Theobald trong The Way of All Flesh có được.
Trong sự thay đổi thái độ này của các bậc phụ huynh, phương tiện truyền thông đại chúng đóng một vai trò kép. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng – radio, phim ảnh, truyện tranh – cũng như từ chúng bạn, trẻ có thể dễ dàng học hỏi được chuẩn mực hành vi của bậc phụ huynh, và quay sang đòi hỏi ở cha mẹ mình tiêu chuẩn tương tự. Nhờ vậy mà trẻ được hoàn lại khả năng nhìn nhận thực tại, thứ vốn là sở hữu của nó theo cách đơn giản hơn nhiều nếu sống trong một xã hội phụ thuộc truyền thống định hướng: đứa trẻ kiểu ngoại tại định hướng thường hiểu biết hơn cha mẹ nó – như anh chàng Harvard[117] trong câu ngạn ngữ, người ta chẳng thể dạy bảo gì nhiều cho anh ta.[118]
Như đã nói, các bậc phụ huynh còn có nguồn định hướng giáo dục là các phương tiện truyền thông đại chúng. Băn khoăn không biết giáo huấn con cái ra sao, họ ngày càng dựa nhiều hơn vào sách báo, tạp chí, tờ rơi tuyên truyền, và cả các chương trình phát thanh. Những nguồn này khuyên các bà mẹ vốn đang lo lắng: hãy chấp nhận đứa trẻ như chính bản thân nó. Người mẹ hiểu ra vấn đề không nằm ở đứa con, mà là ở cha mẹ; và bà học cách tự vấn lại bản thân mỗi khi muốn từ chối con cái điều gì, bao gồm cả việc thể hiện tình yêu thương dạt dào. Nếu đứa trẻ nổi cáu, có lẽ người mẹ đã giữ lại không cho con điều gì đó. Ngay cả khi các nhà quân sư khuyên người mẹ “hãy thoải mái” và “vui cùng con cái”, thì chính lời khuyên đó cũng trở thành một huấn thị mà người mẹ phải làm theo dù trong lòng hãy còn âu lo.
Có lẽ ngày nay trẻ không đạt được thứ sức mạnh mà người lớn – không còn theo nội tại định hướng nữa – đã đánh mất. Sức mạnh đó tuy thường là giả tạo, như Samuel Butler đã nhìn ra; nhưng nó lại vừa đủ để triệt tiêu tính bồng bột và làm tê liệt sự âu lo trong trẻ. “Bóng tối trong ngôi nhà như ngục thất bắt đầu trùm lên cậu bé đang khôn lớn” – tù nhân có thể cảm thấy bị đè nén, thậm chí là có tội, nhưng nó sẽ không còn quá âu lo vì bị giam sau song sắt. Trái lại, điều mà đứa trẻ kiểu ngoại tại định hướng “học” được từ cha mẹ mình chính là sự âu lo – hiệu chỉnh cảm xúc phù hợp theo ngoại tại định hướng.
Sự ngự trị của “lý trí”. Mặc dù uy quyền đã giảm sút, các bậc phụ huynh vẫn cố kiểm soát mọi thứ; nhưng vì đã mất sự tự tin nên cách thức quản lý của họ cũng khác đi. Cha mẹ không thể lấy bản thân ra làm gương – cả họ lẫn đứa con đều hiểu quá rõ – cũng không thể viện đến hình phạt khắt khe, mà không cảm thấy thương tâm, như đánh đập và ngăn cấm con cái. Cùng lắm đứa trẻ chỉ phải nhận vài cú phát vào mông, còn việc sử dụng vũ lực công khai thường chỉ giới hạn ở các gia đình thuộc giai tầng thấp.
Đặc biệt là ở giai tầng trung lưu lớp trên, các bậc phụ huynh chỉ còn cách viện đến phương pháp “con người” – gây ảnh hưởng dưới dạng tranh luận, hay chính xác hơn, là nói lý. Đứa trẻ phản ứng lại theo cùng một cách thức. Theo trình tự lịch sử, ta có thể tóm tắt rằng đứa con kiểu truyền thống định hướng thường thuận theo cha mẹ; đứa con kiểu nội tại định hướng chống đối hay nhượng bộ cha mẹ; đứa con kiểu ngoại tại định hướng thì “chi phối” cha mẹ và đến lượt nó cũng bị chi phối lại.
Có một bộ phim, The Curse of the Cat People (Lời nguyền của người mèo), đã cung cấp ví dụ thú vị về những mối quan hệ mang tính chất chi phối giữa cha mẹ và con cái, dù thực ra bộ phim muốn bày tỏ mối bận tâm của người Mỹ về một số đề tài không liên quan trực tiếp đến nội dung ở đây. Một bé gái sống trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô với sự ngăn nắp, những khu vườn và người hầu da đen. Cũng như truyện The Other Margaret, người lớn trong phim – bao gồm cha mẹ và người hầu – dồn sự chú ý rất lớn vào đứa trẻ này. Cô bé định mời các bạn hàng xóm đến dự tiệc sinh nhật của mình; nhưng vì tin vào câu nói đùa của cha rằng cái cây to trong sân là một hòm thư, cô bé để thư mời chỗ gốc cây và bởi vậy thư không được gửi đi. Đến ngày sinh nhật cô bé, bọn trẻ mà cô bé đã hứa là sẽ mời bèn chọc ghẹo và không chịu chơi với cô bé nữa. Người cha quở trách cô bé vì đã quá cả tin, cô bé còn gặp rắc rối vì không thể làm hòa với đám bạn. Nhưng cha mẹ cô bé (và người hầu) quyết định vẫn tổ chức tiệc sinh nhật và “làm như không có vấn đề gì”. Tiếp đó là một “bữa tiệc” nhằm cố thuyết phục cô bé là chẳng có thảm họa nào hết, rằng bữa tiệc này cũng tuyệt vời dù không có bạn bè đến dự.
Cha và mẹ ra sức đòi hỏi cô bé bằng cách nào đó phải hiểu, mà không cần biết đến những quy tắc giao tiếp, khi nào sự việc được nhắc đến là “thực” và khi nào thì là “giả vờ”. Cái cây kiêm hòm thư là ảo; bữa tiệc thì là thực. Cảm thấy không ai hiểu mình và vô cùng lẻ loi, cô bé kết thân với một bà cụ xa lạ sống ẩn dật trong một ngôi nhà lớn. Cha mẹ không bằng lòng về “người bạn” này cùng với món quà là chiếc nhẫn bà tặng cô bé. Về sau cô bé bắt đầu nói chuyện với một người bạn tưởng tượng xuất hiện nơi tận cùng khu vườn, một phụ nữ trưởng thành xinh đẹp. Người cha làm sao có thể thấy được, theo đúng nghĩa đen, người bạn tưởng tượng này, bèn phạt con mình vì tội nói dối.
Hãy để ý, trong gia đình hư cấu này, rõ ràng là đứa trẻ thiếu quyền riêng tư. Việc người lớn phát hiện ra chiếc nhẫn tặng vật chứng tỏ rằng hầu hết mọi cảm xúc của cô bé đều không thoát khỏi sự giám thị của cha mẹ. Hơn nữa, chính việc người cha gợi ý cho con gái về “hòm thư giả vờ” là tượng trưng cho sự can thiệp của ông về mặt tri thức: con gái không được phép có những giả tưởng của riêng mình mà phải thổ lộ với người cha, chịu sự định đoạt của ông khi nào thì giả tưởng đó là thích hợp. Việc cô bé và cha mình đi đến mâu thuẫn về người bạn tưởng tượng là điều đã được lường trước; cô bé không thể khóa trái cửa phòng cũng như cánh cửa tâm tư của riêng mình. (Trong những gia đình ở giai tầng thấp hơn, trẻ ít được riêng tư hơn về mặt không gian; nhưng ở đó trẻ có thể được riêng tư về mặt tinh thần nhiều hơn vì trong điều kiện vật chất khó khăn, cha mẹ thường khó quan tâm được nhiều đến trẻ.)
Thứ đến, hãy lưu ý đến sự “hợp lý” nhưng ít nhiều mang tính chi phối trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con gái họ. Có thể chứng minh điều này qua việc cha mẹ cô bé thu xếp buổi tiệc cho con gái và các bạn hay qua việc họ tỏ ra khó chịu khi kế hoạch bị phá sản. Minh chứng rõ hơn là việc gia đình họ mâu thuẫn vì khủng hoảng giao tiếp. Sự khủng hoảng này được tượng trưng bằng hòm thư không có ai tới lấy thư – một thảm họa mà nguyên do bởi cô bé và cha mẹ mình không thể thống nhất khái niệm thế nào là thực và thế nào là ảo.
Thảm họa trên, đã quá rõ, đòi hỏi phải có hành động sửa sai tức thì; hầu hết các bậc phụ huynh, trong tình thế tương tự, nên làm điều gì đó. Nhưng cha mẹ của đứa trẻ trong phim này lại chẳng làm gì; họ chỉ nhắc đi nhắc lại vấn đề, hòng thuyết phục đứa con chấp nhận một cách hiểu sai mang tính hình thức về việc tổ chức tiệc. Kết quả là nảy sinh tình trạng cường điệu và ngớ ngẩn tựa trò hề mà trong đó những người kiểu ngoại tại định hướng, trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái cũng như trong tất cả những mối quan hệ khác, thường xuyên phải viện đến biện pháp chi phối và phản chi phối.
Trái với những điều trên, phụ huynh kiểu nội tại định hướng thường không mấy băn khoăn về sự oán giận hay đối nghịch của con cái. Họ cũng không dễ dàng nhận thức được điều đó. Cả phụ huynh và con cái đều được bảo vệ bởi cái khoảng cách vẫn luôn tách biệt hai phía. Phụ huynh theo ngoại tại định hướng thì ngược lại, họ mong đợi ở con mình không chỉ là xử sự ngoan ngoãn mà còn cả thiện chí của đứa trẻ. Do vậy, cha mẹ có khuynh hướng dùng kỹ năng biện chứng vượt trội để “nói lý” với con mình. Và khi đứa con cũng học được cách tranh luận – khả năng này là một phần thuộc trí óc tinh nhạy của đứa trẻ – thì bậc cha mẹ bị giằng xé giữa hoặc là nhượng bộ hoặc đành phải cầu đến các phương pháp cứng rắn hơn như phụ huynh của họ, những người kiểu nội tại định hướng, trước đây từng sử dụng. Người cha trong The Curse of the Cat People, sau khi thất bại không thuyết phục được con mình từ bỏ niềm tin vào người bạn tưởng tượng, cuối cùng đã đét đít cô bé. Nhưng theo sau những tình huống như vậy luôn là nỗ lực giảng hòa của cha mẹ, biến chính hình phạt đét đít thành một bước trong chuỗi các hành động chi phối.
Cuối cùng, ta cần xét tới sự thay đổi về mặt nội dung trong các vấn đề gây bất hòa giữa cha mẹ và con cái. Các phụ huynh cứng nhắc và quyết liệt theo nội tại định hướng thường thúc ép con cái họ làm việc, tiết kiệm, lau dọn nhà cửa, không thì học bài hay cầu nguyện. Những phụ huynh khác vẫn theo nội tại định hướng nhưng bớt khắc kỷ hơn thì muốn con trai mình nam tính, con gái nữ tính và tiết hạnh. Những đòi hỏi đó là hợp lý trên cả phương diện kinh tế và ý thức hệ, khi mà dân số còn đang trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp. Nhà cửa rộng rãi thường đòi hỏi lượng rất lớn sức lao động; ngay cả ngày nay những ai hay tất tưởi trong những căn nhà và vườn nhỏ vẫn tìm được khối việc để làm. Phụ huynh thường làm gương cho con cái, điểm này thì họ có được sự hậu thuẫn của nhà trường, trong công việc và học hành: những việc được tin là con đường dẫn tới sự thăng tiến cả ở thế giới này lẫn thế giới bên kia.
Trái lại, trong gia đình theo ngoại tại định hướng, vấn đề nảy sinh giữa cha mẹ và con cái chủ yếu liên quan đến mặt giải trí của đời sống. Vì trong giai đoạn chớm giảm dân số – hiển nhiên rõ rệt nhất là ở Mỹ, và ở cả một số nơi khác – trẻ em thành thị hầu như không có việc nhà để làm, cả những việc làm bên ngoài cũng không nhiều. Chúng không cần phải lau dọn nhà cửa (ngoại trừ việc cho chính bản thân) – vì máy hút bụi làm tốt hơn chúng. Đứa trẻ cũng không cần phải trông nom cả một đàn em. Người mẹ Mỹ, có học thức, khỏe mạnh và đầy năng lực, sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với việc chăm lo cho căn hộ hay ngôi nhà nhỏ của mình. Và thường thì, khi không đi làm, bà sẽ cảm thấy vô dụng nếu để con cái đảm đương việc nhà. May mắn thoát khỏi tình cảnh còng lưng vật lộn với một đàn con như phụ nữ thời xưa, bà mẹ hiện đại giờ phải đối mặt với – cả chồng bà cũng thế – vấn đề của sự nhàn rỗi; chăm lo cho nhà cửa và con cái thường là sự tự bào chữa và lối thoát cho bà.
Thế là cha mẹ và con cái bất đồng về thời gian ăn ngủ, về sau họ còn bất đồng về chuyện sử dụng xe hơi của gia đình. Rồi họ tranh cãi gay gắt, như trong phim The Curse of the Cat People, về các mối liên hệ của đứa con với “những người khác” và về sắc thái cảm xúc của chính cuộc tranh luận. Nhưng do tính chất của các cuộc bàn cãi này, bậc phụ huynh khó giành chiến thắng hơn. Trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, họ có thể chỉ ra cho con cái những nghĩa vụ hiển nhiên cần làm – ít ra là theo các chuẩn mực đã được chấp nhận còn lưu lại từ thời đại trước. Nhưng trong giai đoạn chớm giảm dân số, những vấn đề liên quan đến tiêu thụ hay nhàn rỗi không còn là hiển nhiên nữa; để có thể phân định chúng, nếu cần làm vậy, người ta phải viện tới các ví dụ mẫu cụ thể bên ngoài gia đình – tìm các chuẩn mực luôn luôn thay đổi của cộng đồng mà ngẫu nhiên các phụ huynh cũng là một phần trong đó. Radio và xuất bản phẩm đã đưa những ví dụ mẫu đó tới từng gia đình, như hồ sơ vụ kiện mà từ đó các công dân tuân thủ pháp luật là phụ huynh và con cái họ tham khảo để viết văn bản tố tụng.[119]
Tổng kết: có thể nói phụ huynh trong nhóm phụ thuộc ngoại tại định hướng cài đặt vào trí óc con mình chiếc rađa tâm lý – một thiết bị không phải dùng để điều hướng theo bất cứ lựa chọn cụ thể nào và cùng lúc giữ vững nội tâm của cá nhân mà đúng hơn là được chỉnh để dò và học hỏi hành động của người khác, nhất là các hành động có tính tượng trưng. Sau đó, các phụ huynh chỉ gây ảnh hưởng đến tính cách con mình trong trường hợp: (a) hiệu lệnh riêng của họ bị lẫn với hiệu lệnh của người khác qua rađa, (b) họ có thể xác định vị trí của con mình ở một môi trường xã hội nào đó nhằm thay đổi những hiệu lệnh chúng sẽ nhận được trong một chừng mực rất hạn hẹp, (c) họ chấp nhận chỉ kiểm duyệt một phần rất nhỏ và nhất thời các thông tin đến với con mình. Như vậy, về tầm quan trọng, vai trò của phụ huynh theo ngoại tại định hướng giảm đi so với phụ huynh theo nội tại định hướng.
II. Những thay đổi trong vai trò của người thầy
Có nhiều điều để nói về sự thay đổi cấu trúc uy quyền của những người lớn mà không phải là phụ huynh, khi xã hội đi từ chỗ phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng sang phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng. Chủ yếu vì lý do kinh tế mà những bà bảo mẫu, vú em hay gia sư, đại loại như vậy, gần như biến mất khỏi các gia đình thuộc giai tầng trung lưu và trên trung lưu. Một hệ quả đáng chú ý là trẻ không còn được dạy dỗ bởi những người luôn có thể nhắc nhở chúng tuân theo chuẩn mực của gia đình hay giai tầng xã hội. Chuẩn mực đó là sự rèn luyện hữu ích trong giáo dục kiểu nội tại định hướng – trong quá trình tiến tới những mục tiêu khái quát; đồng thời, chuẩn mực đó phần nào đóng vai trò như một bộ đệm chống lại ảnh hưởng hỗn tạp của các nhóm ngang hàng. Nhưng còn một hệ quả khó nhận thấy hơn. Đứa trẻ đã được một bảo mẫu chăm nom và được một gia sư chỉ dạy thường có ý thức rất mạnh về quyền uy trong gia đình và ngoài xã hội. Khi nó vào trường nội trú hay đại học, rất có thể nó sẽ tỏ ra hờ hững trước thầy cô – như trường hợp người mẹ giai tầng thượng lưu nói với một hiệu trưởng: “Tôi không hiểu sao các thầy lại không hợp với Johnny; mấy người giúp việc đều yêu quý thằng bé.” Một đứa trẻ như vậy sẽ không thích bị thầy cô khuyên bảo về các mối quan hệ với bạn bè đồng lứa hay đời sống cảm xúc.
Hơn nữa, sự hiện diện trong gia đình của những người lớn như vậy – gợi lại hoàn cảnh như đại gia đình thời trước – góp phần giảm bớt những căng thẳng trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái. Dù đứa trẻ biết ai là chỉ huy trong nhà, nó vẫn có thể dựa vào những “viên chức” khác này nhằm đối đầu với uy quyền của cha mẹ. Và thực ra, cha mẹ kiểu nội tại định hướng thường không quá thiết tha sự nồng ấm từ con cái, nên rất bằng lòng chấp nhận con mình gắn bó tình cảm với những người có địa vị thấp hơn. Chàng trai theo nội tại định hướng được nuôi dạy trong điều kiện như trên sẽ học cách giải tỏa cảm xúc với gái mại dâm và những người có địa vị thấp. Cậu rèn được khả năng duy trì các mối quan hệ hời hợt với mọi người nhưng đôi khi hoàn toàn vô dụng với những mối quan hệ kiểu khác. Đây là một trong những cái giá mà cậu ta phải trả cho sự thờ ơ của mình trước các nhu cầu và đòi hỏi của các nhóm ngang hàng, nó góp phần giải thích cho khả năng tôi luyện bản thân của cậu ta trước sự lãnh đạm hay đối nghịch của chúng bạn, khi theo đuổi mục đích cậu ta xem trọng.
Những người bà, trước vốn được coi là nhân vật có nhiều uy quyền, nay gần như cũng trở nên lỗi thời như các bảo mẫu. Không có chỗ cho các bà trong những căn hộ hiện đại, họ cũng không có khả năng đóng một vai trò kinh tế hữu ích, chẳng khác gì bọn trẻ. Dẫu vậy họ vẫn chịu đựng, cùng với tuổi thọ ngày một tăng của các giai đoạn dân số về sau. Sự cá nhân hóa mạnh mẽ các mối quan hệ mà kiểu ngoại tại định hướng đem lại hàm nghĩa rằng sự xuất hiện của “người dưng” trong gia đình ngày một trở nên khó chấp nhận: vấn đề con dâu với gia đình nhà chồng và ngược lại, đề tài giễu cợt quen thuộc của nhiều nền văn hóa qua hàng thế kỷ, mang diện mạo mới khi những người quá nhạy cảm và khác biệt sống chung mà không có sự phòng vệ về mặt tính cách.
Việc loại người bà ra khỏi vai trò trung tâm gia đình phản ánh những đổi thay nhanh chóng mà ta đang nói đến ở đây. Người bà bị ngăn cách với những thói quen đang thịnh hành trong xã hội tiêu dùng ngày nay đến hai thế hệ. Trong khi các bậc cha mẹ cố theo kịp các con, vừa như một cách giữ cho mình trẻ trung vừa như một cách duy trì ảnh hưởng lên con cái, thì bậc ông bà hầu như không thể làm được. Do vậy, vai trò của ông bà trong sự hình thành tính cách ngoại tại định hướng là không đáng kể. Thay vì đưa ra cho trẻ một “chân dung gia đình” nhất quán, đứng sau lưng cha mẹ và yểm trợ họ, ông bà chỉ là những điển hình cho thấy trong những việc quan trọng thời nay, người ta chỉ học hỏi được chút ít giá trị từ các bậc cha ông.
Một tiến triển song song khiến một nhóm khác có thể thay thế cha mẹ cũng phải lui vào bóng tối, các thời trước họ đóng một vai trò quan trọng: anh chị, những người mà, như sinh viên năm hai đối với tân sinh viên, bắt em mình phải tuân theo khuôn mẫu kỷ luật trong gia đình. Ngày nay anh chị trong nhà – nếu có – thường sẵn sàng đi giữ trẻ để kiếm tiền hơn là coi sóc giáo huấn các em mình. Sự cám dỗ của đồng lương có thể thúc đẩy trẻ ra ngoài làm việc; điều đó có ý nghĩa đối với chúng. Nhưng trong chính nhà mình thì chúng là những vị khách được ưu đãi của một khách sạn hạng hai, nơi mà các quản lý dù căng thẳng nhưng vẫn phải tươi cười và luôn bị chúng thúc bách phải đổi mới.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY TRONG GIAI ĐOẠN NỘI TẠI ĐỊNH HƯỚNG
Tuy vậy, vẫn còn một nhà cầm quyền giữ vị trí quan trọng: người được ủy quyền của cha mẹ với tầm ảnh hưởng ngày một tăng lên do hệ quả của bước chuyển dịch sang ngoại tại định hướng. Đó là thầy cô, và bây giờ ta sẽ tìm hiểu đầy đủ hơn những thay đổi trong vai trò của họ.
Vào thời đại mà sự tuân thủ ở tầng lớp trung lưu được bảo đảm nhờ kiểu nội tại định hướng, mạng lưới trường học phát triển khá muộn – trường mẫu giáo rất hiếm hoi. Nhiệm vụ của thầy cô chủ yếu là rèn cho trẻ về lễ và tri thức. Lễ ở đây là kỷ luật tối thiểu cần để giữ trật tự trong lớp, cũng có thể là sự tao nhã tối đa cần thiết để làm đẹp cho các thiếu nữ giai tầng thượng lưu. Khi nhiều nhà trường được mở thêm và bắt đầu thâu nhận rộng rãi nhiều thành phần học sinh, trách nhiệm rèn giũa cử chỉ và cung cách ăn nói của tầng lớp trung lưu – có thể giúp trẻ vươn lên cao hơn địa vị hiện thời của cha mẹ chúng – chuyển sang cho thầy cô. Nhưng thầy cô không theo sát tầng bậc cảm xúc của trẻ. Họ nhận thức công việc của mình như một nhiệm vụ có giới hạn, được phân định rạch ròi với nhiệm vụ của gia đình cũng nặng nề không kém.
Khung cảnh thường thấy ở trường học phản ánh tình trạng này. Xếp chỗ ngồi phải theo quy củ – tất cả xoay mặt về phía trước – và thường là theo thứ tự bảng chữ cái. Thời đó các bức tường trong trường được trang hoàng hình ảnh di tích Pompeii và tượng bán thân Caesar. Ngoại trừ một số ít trẻ đặc biệt xuất chúng có thể vượt qua các hình thức giáo dục cổ điển cứng nhắc và qua đó thế giới cổ đại trở nên có hồn, đống tranh khắc và tượng chỉ cho thấy nhà trường không có tác động mấy đến tâm tư tình cảm của trẻ.
Bản thân thầy cô không có đủ sự thấu hiểu cũng như thời gian cho những vấn đề cảm xúc này, và mối quan hệ của trẻ với các bạn khác chỉ lọt vào sự chú ý của họ trong các trường hợp kỷ luật. Thường thường thì một giáo viên không có mấy uy quyền: chỉ như bà cô bẳn tính phải đối phó với một đám trẻ quá đông. Thầy cô có thể duy trì được kỷ luật bằng những phê bình nghiêm khắc và hình phạt. Nhưng chính sự trừng phạt ấy lại trở thành trung tâm cho tâm lý chán ghét của trẻ và thường khiến trẻ cùng đoàn kết chống lại uy quyền đó.
Trong bộ phim Torment (Nỗi đau khổ) của Thụy Điển, ta có thể thấy mô thức nói trên vẫn còn hiệu lực trong hoàn cảnh cận đại. Thầy cô và cha mẹ cùng chia sẻ nhiệm vụ truyền dạy các giá trị nội tại định hướng. Nhân vật phản diện là một ông thầy tiểu học khắt khe độc đoán, bị loạn thần kinh. Bọn con trai đứa nào cũng căm ghét ông; một số đứa còn khiếp sợ ông; chẳng đứa nào có lòng tự trọng lại nghĩ tới việc làm bạn ông, mặc cho những cố gắng xoa dịu của ông thầy. Nhân vật nam chính là một cậu bé nổi loạn, không phải vì cậu muốn thế mà đúng hơn là vì thầy giáo dồn cậu đến mức đó. Cậu và bạn bè phải chịu đựng rất nhiều, nhưng cha mẹ và thầy cô không hề can thiệp đến cuộc sống của chúng, đám con trai có quyền được riêng tư với nhau và với các bạn gái, miễn là không có hành vi nghiêm trọng nào phạm vào lễ nghĩa. Cuộc nổi loạn này – thành công của nó không phải là vấn đề đáng kể – tự nó là một phần trong quá trình phát triển tính cách nội tại định hướng.
Antonia White có đưa ra một ví dụ khác cũng cảm động như vậy trong cuốn tiểu thuyết về một trường nữ tu với nhan đề Frost in May (Sương giá tháng Năm). Dù các xơ tại trường tu có hơi quá đà trong việc “uốn nắn tính cách”, ác liệt triệt hạ những dấu hiệu tự phát và phóng khoáng trong tư tưởng của nhân vật nữ chính tài năng, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ biết dựa vào các biện pháp trừng phạt lỗi thời là bắt sám hối và giảng giải về sự cứu rỗi. Những cô bé được họ trông nom không suy sụp thì quy phục, trốn chạy hay đi tu – họ không mở lòng với các xơ như những người bạn. Như trong trường quân sự, bộ đồng phục tượng trưng cho các rào cản thứ bậc và ràng buộc vốn luôn phân cách những người có uy quyền với con trẻ.
Ta có thể tóm tắt tất cả những điều nói trên lại bằng cách nói rằng nhà trường trong thời này chủ yếu chú trọng vào những nội dung phi cá nhân. Nam nữ được học tách riêng. Nền giáo huấn dồn trọng tâm vào nội dung tri thức vốn không có nhiều ảnh hưởng đến đời sống cảm xúc của phần đông bọn trẻ. Kỹ năng ăn nói lưu loát trước công chúng, giống như công dung ngôn hạnh, cũng không mang tính cá nhân; đứa trẻ không được yêu cầu “cứ là chính mình” – nhà trường cũng không có mục đích mô phỏng lại “thực tế xã hội”. Các cô giáo, dù là chưa chồng hay đã làm mẹ, cũng không hiểu biết đủ, ngay cả khi họ có thời gian và sức lực, để tích cực hỗ trợ quá trình hòa nhập sở thích hay những mối quan hệ đồng lứa của trẻ vào xã hội. Trong khi cha mẹ có thể cho phép thầy cô đẩy mạnh một số quy tắc đạo đức liên quan trực tiếp đến học đường, ví dụ như ăn mặc giản dị và trung thực trong thi cử, và rèn luyện một số phép tắc xử sự ảnh hưởng cụ thể đến việc tiến thân trong xã hội, thì họ lại hầu như không cho phép thầy cô can thiệp vào các hoạt động vui chơi của trẻ, cho dù đó là nhằm tránh kỳ thị về sắc tộc hay về kinh tế. Thầy cô có phận sự giám sát trẻ tiếp thu hết một chương trình học, chứ không phải để chúng nảy sinh hứng thú với bài học hay hiểu được cách hợp tác nhóm. Ngày nay, trước khi quyết định việc nhận học sinh, các trường học tân tiến thường cho đứa trẻ học thử trong một nhóm đồng lứa rồi xem đứa trẻ thích nghi ra sao với các bạn mới, phương pháp này trước đây người ta khó có thể hình dung ra nổi.
Bất chấp khoảng cách xã hội giữa thầy và trò, việc nhà trường chú trọng vào khả năng trí tuệ là vô cùng quan trọng trong sự hình thành tính cách nội tại định hướng. Điều đó khẳng định với đứa trẻ rằng người ta chỉ coi trọng những gì mà nó đạt được, chứ không quan tâm nụ cười của nó trông dễ thương hay thái độ của nó có vẻ hợp tác. Dù ngày nay ta có lý khi nghi ngờ tính khách quan của các tiêu chuẩn đánh giá năng lực thời đó – ví dụ, có thể thấy rõ sự thiên vị giai cấp qua các bài trắc nghiệm trí thông minh và bài thi viết – nhưng nhà trường theo kiểu nội tại định hướng chưa nhận thức được những thiên vị như vậy, và vì thế các chuẩn mực khi đó có vẻ đáng tin và bất di bất dịch. Vì lý do ấy, các chuẩn này có thể được cả những trẻ xuất sắc lẫn trung bình tiếp thu. Các chuẩn này được nhìn nhận là thực tế và cụ thể, chứ không phải là hứng thú nhất thời của ai đó. Như vậy nhà trường hậu thuẫn cho gia đình trong việc đặt ra cho trẻ những mục tiêu rõ ràng, đem lại phương hướng và ý nghĩa cho cuộc đời về sau của trẻ.
Bất kể cảm giác an toàn trẻ có được nhờ hiểu rõ vị trí của mình – sự an toàn chúng sẽ không có được ở các ngôi trường tân tiến theo kiểu ngoại tại định hướng – ta không nên quên rằng hệ thống này khắc nghiệt thế nào với những trẻ không đạt chuẩn: chúng thường suy sụp; không có mấy sự khoan dung dành cho chúng trên cơ sở tâm lý. Trí thông minh, địa vị xuất thân, có lẽ cả sự nghe lời chiếm được cảm tình của thầy cô hơn là “cá tính” hay sự “khó bảo”. Một số trẻ có thành tích kém nổi loạn. Nhưng ngay cả những trẻ này cũng bị nhà trường trui rèn cho thành hình – một hình thù móp méo. Đôi khi ranh giới và các cơ hội di động xã hội đem lại một lối thoát cho những trẻ cá biệt trong học tập; và còn hiếm hoi hơn, khi kẻ nổi loạn quay về, như một anh hùng trong thần thoại, sau khi đã nguôi ngoai được những muộn phiền của mình, nhằm làm giảm bớt mặc cảm của những kẻ lạc lõng khác và đem tới cho chúng niềm hy vọng về tương lai. Tuy nhiên, nhìn chung chính sự rạch ròi trong các tiêu chuẩn của nhà trường, vốn giúp trẻ cảm thấy an tâm ở mức nào đó, còn hàm nghĩa rằng các tiêu chuẩn đó sẽ khắc sâu vào tâm trí những trẻ có thành tích kém. Chúng sẽ mang theo mình những dư chấn cảm xúc tàn khốc không tài nào nhận định nổi – đôi khi thậm chí khiến chúng không thể nào nhớ lại.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY TRONG GIAI ĐOẠN NGOẠI TẠI ĐỊNH HƯỚNG
Nền giáo dục tân tiến khởi đầu như một phong trào giải phóng trẻ em khỏi nguy cơ bị triệt tiêu mọi tài năng và ý chí, vốn đã là số phận của nhiều đứa trẻ, thậm chí của cả những đứa nếu quan sát từ bên ngoài thì có vẻ thiên về nội tại định hướng và có sự phát triển khá ổn định. Mục tiêu của nền giáo dục mới, và trong một chừng mực đáng kể, thành tựu của nó, là nhằm phát triển cá tính của trẻ; trong phương pháp giáo dục này, thầy cô chú trọng quan tâm đến nhiều khía cạnh khác của trẻ hơn là chỉ quan tâm đến khả năng trí tuệ. Song ngày nay, giáo dục tân tiến thường không còn tân tiến nữa; khi tính cách con người dần thiên nhiều về ngoại tại định hướng, các phương pháp giáo dục từng giải phóng cá nhân nay lại có chiều hướng ngăn trở sự phát triển cá nhân thay vì nâng đỡ và bảo vệ nó. Câu chuyện này có thể được tóm tắt đại khái như sau.
Các trường theo phương pháp tân tiến đã đóng góp vào việc hạ thấp tuổi nhập học; các nhóm trẻ từ hai đến năm tuổi bắt đầu liên tưởng hình ảnh trường học với – không phải những người lớn nghiêm khắc và các môn học tẻ nhạt – mà là với sự vui chơi cùng những người lớn biết cảm thông. Những người lớn này – ngày càng đông các sinh viên mới tốt nghiệp trẻ trung – đã được chỉ dạy cách quan tâm đến đứa trẻ về phương diện thích nghi tâm lý và xã hội hơn là tiến bộ về mặt học hành – thực chất là theo dõi thành tích học tập để kịp thời tìm ra dấu hiệu cho thấy trẻ khó hòa nhập được với xã hội. Những giáo viên mới này được đào tạo nhiều hơn về mặt chuyên môn. Tuy không tự nhận là “thấu hiểu trẻ em”, nhưng họ đã nghiên cứu các công trình của Gesell về lứa “tuổi lên năm” hay “lên chín”; và những hiểu biết rộng rãi hơn đó không chỉ giúp ngăn đám trẻ liên kết thành một khối luôn ngờ vực thầy cô hay cùng thông đồng chống lại nhà trường mà còn cho phép thầy cô gây ảnh hưởng nhiều hơn vào việc hòa nhập các lĩnh vực – tiêu dùng, tình bạn, năng lực tưởng tượng – những điều mà giáo viên của nền giáo dục trước đây, dù mong muốn cũng không chạm đến được. Xã hội giàu có hơn của chúng ta có thể chấp nhận mức độ cá biệt hóa và những giáo huấn “không cần thiết” này.
Sự xếp đặt vật chất – như xếp chỗ ngồi, phân hạng theo độ tuổi, trang hoàng lớp học – phản ánh những thay đổi trong vai trò của thầy cô. Con trai và con gái được học chung. Chỗ ngồi được sắp xếp “không theo quy tắc cụ thể nào”. Nghĩa là, kiểu sắp xếp theo vần chữ cái bị loại bỏ và thường được thay thế bằng phương pháp trắc lượng xã hội giúp tập hợp những đứa trẻ hợp tính nhau thành từng nhóm. Điều này thường có nghĩa chỗ ngồi giờ đã trở thành vấn đề – một manh mối cho thấy vị trí của cá nhân trên sơ đồ tình bạn. Cách xếp hạng Gesell cũng khắt khe không kém gì cách xếp hạng trí lực ở thời đại trước; bất kể khả năng trí tuệ bẩm sinh, trẻ vẫn sẽ ngồi chung với những đứa chúng xem là bạn bè đồng đẳng về mặt xã hội.[120] Bàn học cũng thay đổi hình dạng; trở thành những chiếc bàn dễ di chuyển có giá mở hơn là ngăn kín để giấu đồ. Thầy cô không còn ngồi trên bục hay khệnh khạng trước bảng đen nữa mà hòa vào các nhóm như một gia đình.
Song, chính các bức tường mới thay đổi nhiều nhất. Trên tường các trường tiểu học ngày nay, người ta trang hoàng tranh của bọn trẻ hay các tác phẩm cắt dán của chúng trong giờ nghiên cứu xã hội. Do vậy, những vấn đề của chính bản thân đám trẻ, về sự ganh đua cũng như các khúc mắc hiện thời, ngày nào cũng nhìn xuống chúng từ trên các bức tường, nơi mà, cũng như các giáo viên, không còn mang tính dửng dưng nữa. Điều này có vẻ tiến bộ, như một lời chào đón tính sáng tạo và đề cao tính cá nhân; nhưng một lần nữa ta lại gặp phải nghịch lý. Trong khi trường học không còn quá chú trọng vào điểm số và phiếu thành tích học tập nữa, những vật trưng bày lại như muốn hỏi chính bọn trẻ: “Gương kia ngự ở trên tường, trường ta ai giỏi được dường như ta?”[121]
Trong khi tranh vẽ và tác phẩm cắt dán của trẻ cho thấy khiếu tưởng tượng đáng kể trong giai đoạn thiếu niên, thì chính trường học lại vẫn là một trong những lực lượng hủy diệt khả năng tưởng tượng, không khác gì thời trước. Trí tưởng tượng bị thui chột ở hầu hết trẻ khi đến tuổi thiếu niên. Những gì còn sót lại không phải là tài năng mỹ thuật hay khả năng tưởng tượng, mà là sự hòa nhập khiếu thẩm mỹ và sở thích đang diễn ra qua cách trẻ phong cách hóa những cảm nhận trong tranh vẽ và chuyện kể của chúng. “Chủ nghĩa hiện thực” có thể coi là đặc điểm chính của những chuyện xảy ra ở các lớp học thời tiến bộ sau này. Chủ nghĩa hiện thực này chịu ảnh hưởng từ các lý tưởng của phong trào tiến bộ. Caesar và Pompeii được thay bằng các chuyến tham quan cửa hàng và nhà máy chế biến sữa, bằng các bản đồ trong tuần báo Life, và tạp chí học đường The Weekly Reader; chuyện cổ tích thì được thay thế bằng chuyện kể về tàu hỏa, điện thoại, cửa hàng tạp hóa, rồi về sau, bằng tài liệu về các mối quan hệ chủng tộc, về Liên Hợp Quốc hay các xứ Mỹ La tinh.
Các thay đổi nêu trên góp phần phá đổ những bức tường ngăn cách thầy cô và học trò; và điều này đến lượt nó giúp xóa bỏ những bức tường ngăn cách giữa những học sinh với nhau, nhờ vậy sự lan truyền các thị hiếu trở nên nhanh chóng dễ dàng, đây chính là khúc dạo đầu cho quá trình hòa nhập xã hội theo ngoại tại định hướng. Trong khi học sinh kiểu nội tại định hướng có thể giấu truyện và bức vẽ của mình dưới giường – như người lớn cất giữ nhật ký – thì trẻ theo ngoại tại định hướng lại đọc truyện cho cả nhóm nghe và treo tranh lên tường. Các trò chơi, ở thời trước được coi là chương trình ngoại khóa và sở thích riêng, cùng lắm cũng chỉ được chia sẻ trong một nhóm nhỏ, giờ đã trở thành một phần trong chính sách giáo dục của nhà trường với mục đích rất “thực tế”.
Trong hoàn cảnh này, giáo viên thường đóng vai trò dẫn dắt quan điểm. Giáo viên là người truyền bá cho học sinh thông tin liên quan đến thị hiếu xuất xứ từ các trung tâm đô thị tân tiến. Thầy cô truyền đạt cho trẻ rằng điều quan trọng nhất không phải sự siêng năng hay kiến thức của chúng mà là khả năng thích nghi và hợp tác trong nhóm, sáng kiến (đã được phong cách hóa và giới hạn cẩn thận) và năng lực lãnh đạo của chúng.
Điều đặc biệt quan trọng là khả năng hợp tác, lãnh đạo được gieo mầm và mong đợi ở trẻ lại thường thiếu nội dung. Ở trường mẫu giáo, người ta không quan trọng việc Johnny nghịch xe tải đồ chơi hay là xô cát, nhưng lại rất để tâm tới việc cậu bé có thân thiện với bạn Bill không – dù là thông qua bất kỳ đối tượng nào. Chắc chắn là, có rất ít trường thực sự tân tiến nơi mà trẻ được học tập theo chương trình Dalton[122] và các chương trình tương tự, nơi mà trẻ thực sự chọn lựa chương trình phù hợp riêng, tiến dần theo mức độ lĩnh hội riêng, và xem thầy cô như là nguồn tham khảo thân thiện; nơi mà hợp tác là cần thiết và có ý nghĩa khi thực hiện các đề tài nghiêm túc trên thực tế. Tuy vậy, việc giáo viên tiếp tục nắm giữ và che giấu uy quyền của mình – như những người ngang hàng giáo viên là các phụ huynh theo ngoại tại định hướng – dưới cái lốt “tranh luận” và chi phối, lại diễn ra thường xuyên hơn. Giáo viên định đoạt chương trình và mức độ tiến triển bài học – thật ra điều này thường kìm hãm trẻ vì giáo viên không nhận ra rằng nếu được suy nghĩ tự do, trẻ có thể phát sinh hứng thú với các vấn đề mang tính trừu tượng cao. Giáo viên có thể cản trở trí tưởng tượng của học sinh khi minh họa sao cho số học “gần với hiện thực” hay lấy ví dụ để ngôn ngữ trở nên vui nhộn – cũng như khi lấy các bài khảo cứu xã hội đưa vào môn sử. Nếu tình trạng bị đẩy đến mức cực đoan, trẻ sẽ chẳng phải hợp tác vào bất cứ việc gì để hoàn thành bài học. Vì đằng nào giáo viên cũng sẽ làm hộ chúng, do vậy khi yêu cầu bọn trẻ phải biết hợp tác, thực ra giáo viên chỉ đang yêu cầu chúng ngoan ngoãn mà thôi.
Tuy nhiên, dù yêu cầu có vẻ đơn giản, nhưng lại không được tùy tiện: giáo viên rất căng thẳng về vấn đề này. Vì không được dùng tới các phương pháp kỷ luật cũ, giáo viên còn khó xoay xở hơn bậc phụ huynh vốn luôn có thể cầu viện đến các hình phạt đó những lúc ngặt nghèo, dù về sau có thể cảm thấy hối hận, ngoài ra phương pháp đó cũng không đem lại kết quả gì nhiều. Giáo viên vừa không dám vừa không cần phạt học trò kiểu đó; họ đã được dạy rằng cách hành xử không tốt của trẻ hàm ý sự quản lý tồi của chính giáo viên. Hơn nữa, chính bản thân giáo viên không mấy quan tâm đến nội dung tri thức của những gì được truyền tải, điều này cũng không thường được nêu lên khi họp chuyên môn hay trong các buổi thảo luận của hội phụ huynh. Nhóm người lớn này thường bận tâm đến việc truyền dạy lòng bao dung, cả trên phương diện chủng tộc lẫn kinh tế; và việc chú trọng vào kết quả nghiên cứu xã hội có nghĩa là người ta ngày một ít quan tâm đến nội dung tri thức và kỹ năng. Hệ quả là, hầu hết năng lượng và sự chú tâm của giáo viên đều dồn cả vào lĩnh vực giao tiếp nhóm. Kỹ năng xã hội của giáo viên tiến triển mạnh; thầy cô trở nên nhạy cảm với những nhóm học sinh liên kết dựa trên “tình bạn đơn thuần” và tìm cách phá vỡ các nhóm đó, nhằm đảm bảo rằng không học sinh nào bị gạt ra rìa. Vì lẽ đó, thầy cô có thể mất đi tình cảm ưu ái dành cho một số học sinh riêng biệt. Hơn nữa, giáo viên cần sự hợp tác chung của tất cả học sinh để được an tâm là đang làm phận sự của mình, vẻ hòa nhã và thân thiện bên ngoài, đi liền với sự lo âu ngấm ngầm trước phản ứng của học sinh, hẳn là khiến bọn trẻ bối rối, chúng sẽ kết luận rằng không chịu hợp tác gần như là điều tồi tệ nhất trên đời.
Dĩ nhiên giáo viên sẽ thu xếp để trẻ tập cách hợp tác trong những chuyện nhỏ: quyết định xem sẽ nghiên cứu người Peru hay người Colombia, bầu ban cán sự lớp như một cách thực tập sớm các thủ tục quan trọng về sau như vận động bầu cử và tranh cử vào nghị viện, rồi tổ chức các buổi đóng góp cho Hội Chữ Thập Đỏ hay cho một ngày quyên tiền. Trẻ em học được hy vọng tiếp thu các nguyên tắc dân chủ bằng cách xem nhẹ năng lực trí tuệ và chú trọng vào khả năng hòa đồng và hợp tác. Trên thực tế, một môi trường dân chủ mở rộng cho tài năng, dựa trên sự tôn trọng khả năng thực hiện điều gì đó, có chiều hướng chỉ còn tồn tại trong lĩnh vực thể thao điền kinh.
Vì thế, có một sự giống nhau lạ lùng giữa vai trò của người thầy trong trường học hiện đại với một lớp ít học sinh – vai trò được lan truyền từ các trường tư tân tiến sang một số lớn trường công – với vai trò của ban quan hệ lao động trong nhà máy hiện đại. Tương tự như người thầy, ban quan hệ lao động ngày một quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác giữa công nhân với công nhân và giữa công nhân với ban lãnh đạo, cũng như ngày một ít bận tâm đến tay nghề kỹ thuật của công nhân. Trong một số nhà máy tiến bộ hơn thậm chí còn xuất hiện thể thức quyết định dân chủ về những vấn đề gây tranh cãi – đôi khi cũng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến lương bổng và quy định thâm niên, nhưng thường thì không có gì đáng kể, cũng giống như những quyết định tương tự của ban giám hiệu trường tiểu học. Do vậy, trẻ ngoại tại định hướng được học ngay trong nhà trường cách tìm chỗ đứng cho mình trong một xã hội, nơi mà nhóm xã hội không chú trọng nhiều đến cái mà nhóm tạo ra so với các mối quan hệ nội nhóm, so với tinh thần chung của nhóm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.