Đám Đông Cô Đơn

Lời tựa cho ấn bản 1961



Mùa thu năm 1947 khi có cơ hội đến Đại học Yale theo sự bảo trợ của Ủy ban Chính sách Quốc gia, tôi đã dạy trong chương trình Khoa học Xã hội ở một trường trực thuộc Đại học Chicago. Tôi là chủ tịch một ban có nhiệm vụ xây dựng khóa học liên ngành về “Văn hóa và nhân cách” – khóa học sẽ không chỉ bao gồm đóng góp của các nhà nhân học, tâm lý học, xã hội học, mà còn trải rộng ra ngoài các giới này để đón nhận cả sự hợp tác của các nhà kinh tế học, khoa học chính trị, sử học. Niềm háo hức trong nỗ lực xây dựng một chương trình học không phân ban trong ngành khoa học xã hội được một số đồng nghiệp chia sẻ, trong đó có một người bạn lâu năm của tôi, Reuel Denney, người quan tâm đến truyền thông đại chúng từ góc độ khoa học nhân văn và phê bình văn học. Trong vài tháng đầu ở Yale, tôi tuyển Nathan Glazer, tác giả những bài phê bình sắc sảo về các công trình hàng đầu trong khoa học xã hội mà tôi đã đọc trong chuyên đề “Nghiên cứu con người” của tạp chí Commentary. Các cộng sự và tôi đã đưa ra nhiều lối tiếp cận trí óc trong công trình dẫn đến Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông. Dò lại một số bước sơ khởi khi chuẩn bị cho ấn bản Đám đông cô đơn này, tôi ngạc nhiên thấy có biết bao đổi thay trong đời sống trí thức và học thuật Mỹ từ năm 1948; những đổi thay này phần nào khúc xạ những chuyển biến lớn lao hơn trong đời sống dân tộc chúng ta và trong tình hình thế giới, phần khác là trong những chuyển biến tự quyết trong chính các ngành khoa học xã hội.

Trước chiến tranh, tôi là giáo sư luật chuyên trong lĩnh vực tâm lý xã hội về sự phỉ báng, đang tìm cách hiểu những ý nghĩa khác nhau trong vấn đề xúc phạm thanh danh và lạm dụng chính trị vốn đang lan tràn trong các giai tầng xã hội khác nhau, và ở một số nước phương Tây.[34] Tôi phấn chấn vì sự tiến triển của công tác thăm dò dư luận, vừa như một cách trả lời các câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu này vừa như một cách hiểu rộng hơn ý nghĩa của ý kiến dư luận; quả thực, khi phương pháp thăm dò dư luận mới được sử dụng một cách có hệ thống vào những năm 1930 thì hình như nó hứa hẹn – giống như các nghiên cứu cộng đồng đã hứa hẹn nhưng theo kiểu khác – đưa những người thấp cổ bé họng và những người tương đối thân cô thế cô vào quỹ đạo của nhà nghiên cứu xã hội. Trong nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn công cụ này, tôi đã dựa vào công trình của bạn bè tại Phòng Nghiên cứu Xã hội Ứng dụng và tại Văn phòng miền Đông của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc gia; và công trình đầu tiên mà Glazer cùng tôi hợp tác là một nỗ lực nhằm hiểu rõ kiểu truyền thông đang diễn ra trong một khảo sát chính trị và để xem một câu trả lời “không biết” có thể nghĩa là gì.[35]

Lúc đó, chưa đầy một thập kỷ trước, nghiên cứu khoa học xã hội hãy còn thiếu nước sơn bóng hiện nay, là quá trình và sản phẩm tầm vĩ mô. Có lẽ thay đổi này là đặc biệt ấn tượng trong nhân học văn hóa, cái làm chúng tôi quan tâm cũng không kém nghiên cứu dư luận.

Mặc dù Lloyd Warner đã dẫn đầu hay khuyến khích những chuyến khảo sát thực tế quan trọng vào các cộng đồng hiện đại, nhưng cho đến Thế chiến thứ hai, phần lớn các nhà nhân học vẫn còn là đại diện hàn lâm có phần đứng ngoài rìa của cái mà ta có thể gọi là dữ liệu “ít được quan tâm”, tức là dữ liệu từ các bộ lạc không có chữ viết, không có hải quân, không có cái vẫn được gọi là “văn hóa”. Hơn nữa, do tính chất của các cuộc đi thực địa thường là đơn thương độc mã, những nhà nhân học đành phải có một phong cách nghiệp dư mà trong đó nghệ thuật, kinh tế học, thần thoại học, tập quán nuôi dạy con cái, hệ thống luật pháp và hệ thống thân tộc, thảy đều nằm trong tầm quan sát của họ và cần được tổ chức theo một chỉnh thể nào đó. Khi ngành nhân học hãy còn nghèo khó, nó không thể lo nổi chi phí để cử nhiều người đến cùng một nơi; và cả các bộ lạc nữa, họ cũng nghèo khó, theo nghĩa là họ không biết tự che chở cho mình khi tiếp xúc với người da trắng và không thể được cho là vẫn còn nguyên vẹn tới chuyến thực địa lần sau của người da trắng. Hơn nữa, khi ngành nhân học còn nghèo khó, các nhà nhân học rất chuyên quyền và quý tộc; ý tôi là, như các nhà phân tâm học thời đầu, họ sẵn sàng khái quát hóa trên cơ sở bằng chứng nghèo nàn. Họ thực hành một phương pháp đòi hỏi trí tưởng tượng và sự tự tin, cũng như khả năng quan sát và ghi chép lại. Những nhà phiêu lưu can đảm như Margaret Mead, Ruth Benedict và Geoffrey Gorer, dưới tác động của chiến tranh, sẵn lòng đưa ra những lối giải thích [có tham vọng] bao quát tổng thể hay có tính phân tích loại hình về Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Liên Xô.

Phát hiện của họ vừa công bố chưa được bao lâu thì đã bị phê bình tới tấp do những kẽ hở rõ ràng về mặt phương pháp luận và khái niệm, cũng như sự suy diễn thái quá của họ, tương tự như (tuy kịch liệt hơn là) sự phê bình của giới chuyên môn khi Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông[36] ra đời. Bất chấp bị phê bình, công việc trong các lĩnh vực tính cách dân tộc, văn hóa và nhân cách vẫn tiếp tục, dù theo cách ít tham vọng hơn; các nhà nhân học trẻ hình như tránh xa lĩnh vực gây tranh cãi như vậy. Hiện nay, không còn có thể gọi các nhà nhân học là một giới tinh hoa bí truyền, tìm cách giúp đồng bào mình làm quen với những thứ trước đây nằm ngoài hay ở dưới tầm chú ý của họ: cái từng là bí truyền nay đã trở thành một phần trong hiểu biết chung của chúng ta, và các nhà nhân học, nay thuộc về một chuyên ngành mạnh hơn và được chu cấp tiền bạc khá hơn, cũng gánh vác những mục tiêu quan sát và phân tích vốn vượt quá khả năng của một nhà khảo sát thực địa đơn độc.

Cùng khoảng thời gian đó, một số chuyển biến tương tự đã diễn ra trong tư tưởng phân tâm học – và chính tâm lý phân tâm học là cái khích lệ nhất để các nhà nhân học và các nhà khoa học xã hội khác quan tâm đến nhân cách và văn hóa (hay, như Clyde Kluckhohn và Henry A. Murray diễn đạt, “nhân cách trong văn hóa”). Thuyết của Freud về các giai đoạn tâm lý tính dục, được Karl Abraham đi sâu thêm, đã áp dụng các khái niệm tính cách “môi miệng” hay tính cách “hậu môn” cho toàn bộ các nền văn hóa, bằng cách đó ngụ ý vai trò chủ chốt của thuyết phổ quát sinh học trong việc hiểu lịch sử. Ngược lại, nỗ lực của chúng tôi trong Đám đông cô đơn là bàn đến một vấn đề lịch sử rộng hơn khía cạnh sinh dục, tuy hạn hẹp hơn định mệnh. Do vậy, bản thân chúng tôi theo truyền thống của trường phái Freud Mới, nhất là Erich Fromm mà tôi đã nghiên cứu. Escape from Freedom (Trốn thoát tự do) và Man for Himself (Con người vị kỷ) của Fromm là những khuôn mẫu có ảnh hưởng quyết định khi áp dụng tính cách học phân tâm theo định hướng xã hội vào các vấn đề chuyển biến lịch sử. Giống như các nhà nhân học, các nhà phân tâm học đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dữ liệu trước kia bị bỏ lơ hay ít được quan tâm: ký ức thoáng qua, giấc mơ, trò chơi trẻ con, các phương thức cai sữa, nội dung biểu tượng của quảng cáo, các chuyện kể dân gian, và phim truyện – thảy đều đã trở thành chất liệu cho lịch sử. Các nhà phân tâm học đã thể hiện sự táo bạo khi thảo luận về tổng thể các nền văn hóa nhằm cố gắng kết nối sự tạo thành một kiểu cấu trúc tính cách cụ thể ở thời thơ ấu với phương thức sản xuất, tình yêu, chiến tranh và văn hóa dân gian (folklore) trong xã hội người trưởng thành. Trong toàn bộ công việc như vậy có một nỗ lực xem cái gì đi với cái gì, cái gì tập hợp với nhau, một xã hội chuyển hướng các thôi thúc tình dục và sự gây hấn bên trong nó ra sao, và chính điều này đã là một yếu tố khuyến khích các sử gia (như Richard Hofstadter đã chỉ ra)[37] suy nghĩ theo lối bố cục và phong cách, do vậy khuyến khích họ phác họa các khuôn mẫu cũng như mô tả các sự kiện. (Đúng thế, trước đây các sử gia đã làm việc theo cách này khi họ cho phép mình nói đến giai đoạn “baroque” hay thời kỳ “lãng mạn”, nhưng xung lực của phân tâm học bao hàm một liên kết rộng hơn và rõ ràng hơn giữa mọi loại động cơ cá nhân đối với các hình thái xã hội rộng lớn).

Freud[38] là kỵ sĩ, có thể nói thuộc đẳng cấp vương tôn, trong việc xử lý dữ liệu, và một số môn đệ chính thống của ông ngày nay có chiều hướng bắt chước tính cứng đầu của ông mà không có được tài năng như ông. Nhưng các nhà phân tâm học và tâm thần học khác thì đã thích nghi với môi trường khoa học xã hội rồi; nên thật dễ hiểu khi họ dè dặt với những khái quát hóa vốn chỉ là phép ngoại suy từ các trường hợp cá biệt, vì họ nhận ra rằng, để hiểu xã hội, không chỉ cần các tiểu sử mà còn cần cả lịch sử.[39]

Theo ý tôi, Freud và nhiều môn đệ của ông đã quá vội vã khi cho rằng mình biết cái gì là cơ sở hay “căn bản” trong một nền văn hóa cụ thể, và họ ấn định số phận con người quá sớm khi cho rằng chỉ duy có định mệnh là thứ cầm trịch những kinh nghiệm tâm lý tính dục [mà chủ thể] làm chủ được hay phải chịu đựng trong những năm đầu thời thơ ấu. Đám đông cô đơn, trong khi nhấn mạnh vai trò của nhóm ngang hàng và trường học ở giai đoạn tuổi mới lớn trong sự hình thành tính cách, có lẽ cũng đã đánh giá thấp khả năng thay đổi nhờ những kinh nghiệm ở tuổi trưởng thành. Và mặc dù cuốn sách nhìn chung nhấn mạnh những bước phát triển cụ thể trong lịch sử từ chỗ truyền thống định hướng sang nội tại định hướng và ngoại tại định hướng, nhưng Phần III cũng đã có một phác thảo mang tính tâm lý nhiều hơn mà ít tính lịch sử hay văn hóa hơn về các phương thức thích nghi – ở đấy được gọi là “độc lập”, “thích nghi” và “lệch lạc” – điều đó về nguyên tắc có thể thấy trong bất kỳ xã hội nào.[40] Không may, nhiều độc giả thường có xu hướng đánh đổ các chiều kích lịch sử và phổ quát, và như chúng ta sẽ thấy đầy đủ hơn ngay sau đây, họ xem tính độc lập và kiểu nội tại định hướng là tương đương nhau, đồng thời coi tính tuân thủ, vốn tồn tại trong mọi xã hội, như thể nó chỉ đặc trưng cho kiểu ngoại tại định hướng. Rõ ràng trọng tâm chúng tôi đặt ở tính tuân thủ – nói cách khác là thích nghi và điều chỉnh – và ở sự lầm lạc hay lệch lạc, phản ánh một số vấn đề trong một xã hội phân hóa sâu rộng như xã hội chúng ta. Nói khái quát hơn, trong khi các phép phân loại rõ ràng mang tính phân tâm học (như của Abram Kardiner) hướng “ra ngoài” từ cá thể tới xã hội, Đám đông cô đơn xuất phát từ hướng ngược lại: chúng tôi bắt đầu bằng xã hội công nghiệp và bằng các phát triển lịch sử đặc thù bên trong xã hội Mỹ. Hơn nữa, chúng tôi còn bàn đến giai tầng xã hội lớp trên, nhất là nhóm được gọi là “tầng lớp trung lưu mới” gồm những người làm chuyên môn và quản lý làm công ăn lương. Chúng tôi cho rằng sẽ có những hệ quả đối với tính cách cá nhân khi các chức năng xã hội cũ hơn bị mất đi hay giảm thiểu trên lĩnh vực sản xuất và khai thác, và khám phá ra các lĩnh vực khác trong địa hạt tiêu thụ và quan hệ cá nhân. Chúng tôi không cho rằng một cá nhân sẽ là bản sao vai trò xã hội của anh ta, mà đúng hơn là có thể tồn tại sự căng thẳng lớn giữa cuộc mưu cầu toại nguyện của một cá nhân với những đòi hỏi của các định chế mà anh ta là một phần trong đó hoặc cảm thấy xa rời lạc lõng khỏi nó.

Điều ngầm ẩn chứ không lộ ra trong vấn đề chúng tôi vừa nói, là tính hướng nội của cá nhân nếu có thể thâu tóm được thì cũng chỉ là một cách vụng về bằng phép phân loại vốn dùng để hiểu chuyển biến xã hội trên quy mô lớn. Sẽ dễ hơn nếu phân loại cá nhân bằng cách xếp loại mà các nhà phân tâm học xây dựng chỉ cho mục đích này, và nhờ vậy chúng ta có thể nói ai đó là típ “môi miệng” hay “cởi mở”, hay típ “ác dâm”, đồng thời xét đến rất nhiều thứ liên quan tới anh ta với tư cách là một cá thể. Nhưng sẽ khó hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể, khi phân định một cá nhân riêng biệt là do ngoại tại định hướng hay nội tại định hướng, và khi chúng ta làm vậy, chúng ta có thể đưa ra một phát biểu giúp giải thích vai trò xã hội hay nghề nghiệp của anh ta, nhưng không thêm được gì nhiều về anh ta nữa – không phải điều chúng ta sẽ biết về anh ta nếu là bạn anh ta. Song, bất chấp những cảnh báo về hệ quả này, cả trong Đám đông cô đơnlẫn Những bộ mặt trong đám đông, nhiều độc giả, kể cả một số nhà khoa học xã hội chuyên nghiệp, không chỉ cảm thấy rằng có thể thực hiện các phân loại như vậy, mà còn vội vàng kết luận rằng các giả thuyết thăm dò về tính cách xã hội trong Đám đông cô đơn có thể được phát biểu dứt khoát và được xem là đã chứng minh.[41]

Những ý kiến dè dặt nhất về tính cách Mỹ – những quan niệm mà chính chúng tôi xem là chưa rõ hoặc dễ thay đổi – giờ đây được viện dẫn như là xác quyết, và theo kiểu giản lược một cách trí tuệ. Thật dễ hiểu, lối sử dụng sách như vậy là của những độc giả và người quảng bá, họ thích tin rằng toàn bộ cái công cụ tỉ mẩn của khoa học xã hội chẳng qua chỉ làm hao tổn đầu óc, và rằng những nỗ lực tỉ mỉ, có phương pháp nhằm tìm xem cái được tin như vậy có thực sự là như vậy không chẳng qua chỉ phản ánh thói mô phạm tự phụ của các nhà xã hội học hãnh tiến. Lúc này, đọc lại Đám đông cô đơn sau khi hiểu công việc thực nghiệm và lý thuyết trong khoa học xã hội theo lối bớt sơ sài hơn, tôi nhận ra những sự khái quát hóa quá mức ở nhiều điểm mà nếu viết bây giờ thì tôi sẽ có chiều hướng rút lại hoặc chờ thêm bằng chứng. (Tuy nhiên, ở phần dưới đây, tôi chỉ xét đến các lời phê bình và các khe hở lớn nhất, chứ không xét đến nhiều điểm nhỏ hơn vốn cũng cần phải chỉnh sửa nếu như bây giờ cuốn sách được viết ra hay viết lại.) Điều tôi muốn nhấn mạnh là cuốn sách đã không thể nào viết được nếu không có công trình khó nhọc của nhiều nhà nghiên cứu, chúng tôi dựa vào các dữ liệu và lý giải của họ; chúng tôi hy vọng, đến lượt mình, cũng góp phần vào nghiên cứu đang tiến hành bằng cách gợi ý những câu hỏi và khung thảo luận để tìm hiểu thêm. Nói tóm lại, các tác giả Đám đông cô đơn đã có đầu óc đa nguyên trong sự tiếp cận khoa học xã hội, đồng tình với nghiên cứu mang tính chỉnh thể và thậm chí cường điệu theo lối cũ, nhưng cũng nhiệt tình với các nỗ lực mới, khắt khe hơn – việc chúng tôi quan tâm đến các kỹ thuật khảo sát và phỏng vấn phản ánh những mối bận tâm thứ hai này.

Chúng tôi đã nhắc đến khuynh hướng trong số độc giả Đám đông cô đơn là đánh đồng kiểu nội tại định hướng với tính độc lập. Chỉ một thiểu số rất ít, đôi khi là những người được nuôi dạy trong môi trường khắt khe, nhiệt tình hưởng ứng các giá trị của kiểu ngoại tại định hướng, tính cởi mở và sự thiếu kiềm tỏa của nó, mối quan tâm của nó đến người khác, sự sẵn sàng thay đổi của nó. Rất có thể Đám đông cô đơn chưa nhấn mạnh đủ những giá trị này; dù gì đi nữa, đại đa số độc giả trong mười năm qua cũng đã quyết định rằng thà làm một gã cao bồi do nội tại định hướng còn hơn là một tay quảng cáo bị ngoại tại định hướng, vì nhìn chung họ đối diện không phải với những vấn đề của gã cao bồi, mà với những vấn đề của tay quảng cáo.[42] Tất cả mọi người từ doanh nhân tự do đến người theo chủ nghĩa xã hội đều ra mặt chống lại tính tuân thủ, đến độ mà, khi nghiên cứu của Elaine Graham Sofer đưa ra một kẻ cổ xúy nhiệt thành cho kiểu ngoại tại định hướng, thì hóa ra sinh viên được nói tới không phải là một kẻ ngây thơ bênh vực tính gắn bó mà là người tin vào các tiêu chuẩn của khu định cư hợp tác cộng đồng Israel với hy vọng chuyển đến đó sinh sống.

Sự khác biệt giữa cấu trúc tính cách và các biểu hiện của nó ở hành vi cùng lắm cũng chỉ là một sự phân biệt mờ nhạt. Hơn nữa, nội tại định hướng và ngoại tại định hướng là những khái niệm trừu tượng, và như cuốn sách này và cuốn song hành (Những bộ mặt trong đám đông) tìm cách làm rõ, không bao giờ có cá nhân nào hoàn toàn là kiểu này hay kiểu kia, nhất là nếu cuộc đời anh ta được xem xét toàn thể, chứ không vào một thời điểm nào. Do vậy, mặc dù thật thú vị khi so sánh các cá nhân về mặt mức độ nội tại định hướng và ngoại tại định hướng, song công việc ấy khó có thể kết luận dứt khoát, và những ai đòi hỏi một cuộc kiểm tra mang tính thực nghiệm quy mô lớn về các đặc điểm này, áp dụng cho toàn bộ dân cư, thảy đều đã đánh giá thấp tính phức tạp và phạm vi của phân tích lý thuyết cùng với điều tra thực nghiệm, những thứ cần phải có trước khi công trình như vậy còn chưa bắt đầu.

Những trích dẫn từ Tolstoy[43] trong chương đầu và trích dẫn từ Alexis de Tocqueville[44] đây đó khắp cuốn sách phản ánh mối băn khoăn của chúng tôi rằng kiểu ngoại tại định hướng có phải là cái gì đó đặc biệt mới trên thế giới hay chăng. Giáo sư Seymour Martin Lipset đã lập luận mạnh mẽ trong một bài viết gần đây rằng, dựa trên những gì du khách châu Âu đến nước này thuật lại (trong đó có cả Tocqueville), người Mỹ xưa nay vẫn là kiểu ngoại tại định hướng, điều này là kết quả tâm lý của một cấu trúc xã hội chưa có hệ thống thứ bậc cố định nhưng có một thôi thúc mạnh mẽ tiến tới bình đẳng và di động xã hội.[45] Khi viết Đám đông cô đơn, chúng tôi đã thất vọng vì sự thiếu thốn sử liệu trong nhiều lĩnh vực chúng tôi cho là liên quan, chẳng hạn, không thể tìm ra bằng chứng đáng tin cậy cho thấy tôn giáo có ý nghĩa ra sao đối với các giai tầng xã hội khác nhau vào thập niên 1830 thời Tocqueville còn sống. Chúng tôi có thể kiếm được dữ liệu về thành viên và các sinh hoạt nhà thờ, về nhiều phong trào thức tỉnh lòng mộ đạo khác nhau, và về các tranh luận thần học, nhưng không nhiều thứ cho chúng tôi cảm giác vững tin về sức nặng tình cảm của tôn giáo đối với nam giới lẫn phụ nữ, người lớn lẫn trẻ em, các tầng lớp được trọng vọng nhiều hay được trọng vọng ít, các giáo phái mới hơn hay cũ hơn. Chúng tôi chỉ có thể suy đoán lớp trẻ thế kỷ 19 sẽ trả lời ra sao cho các bảng câu hỏi chúng tôi đang phân phát theo kiểu cực kỳ sơ lược và dễ dàng đối với thanh niên giữa thế kỷ 20. Điều chúng tôi làm khi viết Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông là tìm những cá nhân có thể bằng cách nào đó đại diện cho thế kỷ 19 – những người mà, vì lý do nơi ở và nghề nghiệp, ít trực tiếp đi trên con đường hiện đại hóa hơn, chưa được chuẩn bị để bước vào tầng lớp trung lưu mới và xã hội sung túc. Nhưng lịch sử đã chôn vùi người chết, và những ai bảo tồn các truyền thống cũ trong một hoàn cảnh đã đổi thay thì tự họ cũng đã khác đi.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể đồng tình với Lipset và các nhà phê bình khác rằng người Mỹ ngày nay với ông cha họ 100 năm trước rất giống nhau nếu chúng ta xếp họ làm ví dụ để so sánh với các dân tộc chưa được giải phóng ở Nam Mỹ, châu Á hay châu Phi chẳng hạn. Vẫn còn đúng, như khi Tocqueville còn sống, rằng người Mỹ, ít nhất bên ngoài miền Nam, thiếu truyền thống phong kiến, thiếu một giáo hội được thiết lập vững mạnh, thiếu những mối ràng buộc gia đình nhiều thế hệ; họ là những người tin mình thực dụng, và đôi khi đúng vậy thật; nhìn chung (vẫn không kể miền Nam) họ thường lạc quan về bản thân họ, con cái họ, thành phố tươi đẹp của họ, đất nước của họ; và họ có khả năng di động về bình diện tầng lớp và vùng. Hơn nữa, như Harriet Martineau quan sát khi đến Mỹ, các bậc cha mẹ Mỹ ngay cả thời ấy cũng đã có vẻ là tù nhân hơn là chủ nhân của con cái họ: họ lấy lòng chúng và lo làm sao được chúng đánh giá tốt. Tôi nghĩ không nên xem nhận định này hàm nghĩa là thói quen nuôi dạy con cái ở Mỹ thế kỷ 19 cũng lấy đứa trẻ làm trung tâm như ngày nay, mà đúng hơn là thời đó người ta mong thấy trẻ em ở xứ này phải tự lực sớm hơn ở châu Âu và có phần đỡ phụ thuộc chặt chẽ hơn.

Lẽ tất nhiên, không có thay đổi lịch sử nào xảy ra bất thình lình cả. Tiền thân của cái chúng ta gọi là kiểu “ngoại tại định hướng” có thể thấy ở thế kỷ 19 và trước đó. Song, có nhấn mạnh bao nhiêu cũng không thừa rằng kiểu ngoại tại định hướng là một bước tiến xa hơn mối bận tâm làm sao để có được đánh giá tốt từ người khác của người có bản tính tuân thủ. Người Mỹ vẫn luôn tìm kiếm đánh giá tốt đó và đã phải tìm nó trong một thị trường không ổn định, nơi các bảng báo giá cho cái tôi có thể thay đổi mà không có sự chốt giá của một hệ thống đẳng cấp hay một tầng lớp quý tộc. Cái chúng tôi muốn nói khi dùng thuật ngữ “ngoại tại định hướng” (dù chính thuật ngữ cũng chỉ biểu thị được phần nào điều này) bao hàm một sự định nghĩa lại về cái tôi, rời bỏ những thứ bên ngoài mà William James từng nhấn mạnh như tên tuổi, áo xống, sở hữu, mà hướng tới các phẩm chất nội tại hay trong tương tác. Người do ngoại tại định hướng muốn được yêu thương hơn là được kính trọng; anh ta không muốn lòe bịp hay gây ấn tượng, nói chi tới áp chế người khác, mà anh ta, theo cách nói hiện nay, muốn liên hệ với họ; anh ta không mong cầu một địa vị hợm hĩnh trong mắt người khác bằng sự vững tin mình đã tương cảm được với họ. Anh ta sống trong nhà kính, chứ không phải sau màn ren hay màn nhung.

Trong xã hội tự ý thức thời chúng ta,[46] các khía cạnh tiêu cực trong những phẩm chất này đã được nhiều độc giả Đám đông cô đơn nhấn mạnh, còn các khía cạnh tích cực lại ít được nhấn mạnh. Các tác giả Đám đông cô đơn không phải là những kẻ thủ cựu lần đường trở lại cái chủ nghĩa cá nhân thô kệch đã từng là một lý tưởng Emerson cấp tiến.[47] Không người ưa thích tính cứng rắn và đức can trường nào lại nên quên những lợi ích mang lại nhờ tính ân cần, nhạy cảm và khoan dung vốn nằm trong số các phẩm chất tốt của kiểu ngoại tại định hướng. Người Mỹ trẻ, có học thức ngày nay cần ở cuộc sống nhiều thứ hơn và những thứ khác hơn là cha ông họ: sự an toàn và sung túc cho phép họ muốn có “cuộc sống tốt đẹp” chứ không chỉ hộp cơm đầy, dù đồng thời việc có vô số lựa chọn lại khiến người ta hoang mang không biết cái gì là tốt đẹp. Có một khuynh hướng chung, được giáo dục, tình trạng di động, truyền thông đại chúng tạo điều kiện thuận lợi, đó là mở rộng phạm vi đồng cảm vượt ra ngoài thị tộc của mình, thậm chí vượt quá giai cấp của mình, đôi khi còn ra ngoài xứ sở của mình nữa. Tức là, người ta không chỉ có cảm nhận tâm lý sâu sắc về những người ngang hàng với mình mà còn có thái độ sẵn lòng công nhận một phạm vi nhiều người hơn vào tư cách người ngang hàng, dù là trong nhóm gần gũi trực tiếp xung quanh hay nhóm gián tiếp thông qua truyền thông đại chúng. Vấn đề đối với người dân ở Mỹ ngày nay là những người khác. Phong cảnh xã hội và tâm lý trở nên rộng lớn hơn vì những người khác đó đã đông hơn và, có lẽ, đa dạng hơn bao giờ hết. Song những hình ảnh khác trong phong cảnh đó – bản thân thiên nhiên, vũ trụ, Thượng đế – thì đã lùi về hậu cảnh hay biến mất, do vậy các khía cạnh tính cách nào mà theo nghĩa nào đấy vẫn luôn “ở đó” hay sẵn đó thì trở nên nổi bật hơn, trong khi các khía cạnh khác thì lùi xa.

Các khái niệm nội tại định hướng và ngoại tại định hướng, được dùng một cách khá thoáng để nói đến đồng thời cả bối cảnh xã hội lẫn tính cách xã hội, giúp chúng ta sắp xếp thành từng cụm một số diễn tiến lịch sử có thể liên quan. Song, trong quá trình lịch sử, nhiều bố cục xã hội và tâm lý khác nhau có vẻ như bền vững đã vỡ tan tác để nhường đường cho những cách sắp xếp mới – rất giống các đảng phái chính trị ở đất nước này có vai trò phân chia một số quyền lợi song đồng thời cũng tập hợp những quyền lợi khác lại với nhau. Cũng vậy, một số điều thuộc về hành vi mà chúng ta gắn với kiểu nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng không còn có thể phân loại theo cách cũ được nữa. Chẳng hạn, nhiều người tầng lớp thượng lưu trong thập niên 1940 từng là kẻ đề xướng “thích nghi với thực tế” ở học đường, thì ngày hôm nay, sau chiến tranh Triều Tiên và vệ tinh Sputnik của Nga, có thể lại nằm trong những tốp người đòi kỷ luật và “cứng rắn”. Tương tự, một điều tra vùng ngoại ô thuộc bang California do Harold Hodges thực hiện đã chỉ ra rằng ngôn ngữ đại chúng và sự thích nghi nhóm được giai cấp trung lưu lớp dưới ưa chuộng còn giai cấp trung lưu lớp trên thì tránh né.

Khái niệm tính cách xã hội, như được dùng trong Đám đông cô đơn, bao hàm một quyết định thăm dò xem cái gì là quan trọng đối với các nhóm nổi bật trong xã hội đương thời. Do vậy, nó khác với tính cách dân tộc hay tính cách hình thái, những khái niệm thường là phát biểu mang nhiều tính kết tập hơn về các khuynh hướng cá tính trong một nhóm hay một dân tộc; chúng tôi chỉ quan tâm đến một số khía cạnh tính cách trong những bộ phận dân cư được xác định rất mơ hồ, mà ngay cả ở nhóm đó thì cũng chủ yếu tập trung vào những cái đang thay đổi. Nhưng chúng tôi đã không phân biệt cẩn thận đúng mức giữa tính cách, hành vi, các giá trị, và một phong cách hay đặc tính của các định chế đặc thù – việc phân loại này là một nhiệm vụ chưa hoàn tất để còn nghiên cứu. Khi viết Đám đông cô đơn, chúng tôi tin chắc rằng các ngành khoa học xã hội lâu đời hơn – lịch sử, khoa học chính trị, kinh tế học – có quá ít sức nặng hầu giúp người ta thấu hiểu biến đổi xã hội trong khi sự hiểu biết này có thể lượm lặt được nhờ lĩnh hội rõ hơn tâm lý học phân tâm; ngay cả vậy, trong cuốn sách chúng tôi đã tìm cách nhấn mạnh cả tính cách xã hội lẫn các định chế chủ yếu của thế giới hiện đại, chứ không cho rằng các định chế ấy chẳng qua chỉ là các hình thù đông cứng do những người lớn bị cầm tù khắt khe đem lại cho những giấc mơ ấu thơ của họ. Thế nhưng mọi kinh nghiệm về thế giới của chúng tôi từ khi cuốn sách được viết ra đã dẫn chúng tôi tới chỗ tin rằng xã hội công nghiệp hiện đại có thể trưng dụng rất nhiều kiểu tính cách xã hội. Vì vậy mà chúng tôi thấy ở Nhật các định chế hiện đại đủ mạnh để sáp nhập người ta mà không cần phải chờ 20 hay 30 năm để có một thế hệ mới. Cái người Nhật làm và cái họ nói đã thay đổi triệt để hơn tính cách xã hội của họ.[48]

Xã hội nào đủ rộng lớn cũng đều có thể lập nhanh một danh sách các kiểu tâm lý đa dạng đủ để gợi ý các khả năng theo nhiều hướng khác nhau; ví dụ, nếu nước Mỹ không phải là phát xít thì đấy không phải vì nó thiếu những kẻ bạo dâm hay độc đoán. Có rất nhiều những người như vậy để bố trí vào các nhà lao và bệnh viện tâm thần tăm tối hơn, hay để tranh ghế cảnh sát trưởng trong nhiều cộng đồng miền Nam; chính các hình thức định chế và pháp luật – cùng các hạn chế của chúng – là cái làm cho những người này khó tập hợp lại thành một phong trào chính trị. Thực vậy, những thứ bảo vệ tự do này sẽ đổ sụp khi thiếu những người có tính cách phù hợp để điều hành hay giám sát; nhưng quan niệm của chúng tôi là, trong phạm vi những giới hạn rộng, ở một xã hội lớn thì các định chế sẽ đánh thức tính cách thích hợp bên trong cá nhân. Hay chính xác hơn, căn cứ vào phạm vi các phản ứng mà người ta có thể có, các định chế có thể chọn ra một số trong những phản ứng này để củng cố (trong khi đó những cơn bốc đồng khác bất trị hơn, thì được tẽ ra qua mọi loại lối thoát); và một khi các định chế đã tồn tại – được tạo lập nhờ thành tựu của người tổ chức làm việc toàn thời gian như Kenneth Boulding đã chỉ rõ trong The Organizational Revolution (Cách mạng có tổ chức) – thì sẽ có đủ người với đủ những khía cạnh tỏ ra có thể thích nghi với mối quan hệ đang tiếp diễn. Karl Marx[49] đã nhìn thấy các xưởng máy của cách mạng công nghiệp là một sức mạnh to lớn, bòn rút sức lao động của công nhân và rồi bắt họ đối mặt với lao động đó dưới hình thức xa lạ[50] để đến lượt họ cũng trở nên xa lạ. Max Weber đã thấy các chế độ quan liêu trong giai đoạn sau của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội như một cái “lồng sắt”, con người bị tóm trong đó và anh ta chỉ có thể cam chịu bằng tinh thần khắc kỷ, quan điểm lịch sử của anh ta tô điểm cho ý thức phận sự của anh ta.

Chính là để phù hợp với quan điểm này mà nhiều nhà khoa học xã hội đã kết luận rằng tầm quan trọng của tính cách cá nhân và tính cách xã hội với tư cách “các yếu tố sản xuất” có thể ngày càng giảm nhẹ trong thế giới hiện đại; rằng thực ra, để giải thích xã hội, ta không cần phải tìm hiểu sâu các động cơ của con người, mà đúng hơn nên nhận thấy rằng các tình huống họ đối mặt rất giống nhau, rằng quyền năng của công nghệ và khoa học hiện đại, tổ chức kinh tế hiện đại, tổ chức ý thức hệ và tổ chức đảng hiện đại đang đạt tới mức mà một kiểu xã hội duy nhất đã trở nên khả dĩ ở khắp mọi nơi: một xã hội dựa trên các bộ máy quan liêu hiệu quả và sản xuất những lượng hàng hóa lớn, có thể dùng để làm tăng uy tín hay sức mạnh quốc gia hoặc để cải thiện hoàn cảnh sống vật chất. Nhiều người Mỹ, trong đó có cả các tác giả Đám đông cô đơn, đã miễn cưỡng chấp nhận các lối giải thích tất định chủ nghĩa này và nghĩ rằng có thể tiết chế những sự bất kham của các định chế, đặc biệt tin rằng điều đó tạo ra sự khác biệt to lớn, dù các định chế này được một nhóm đặc quyền đặc lợi ở trung ương tạo ra và kiểm soát nhằm những mục tiêu nhất định như ở các nước chuyên chế, hay được xây dựng với ít chỉ đạo từ trung ương hơn, phát triển dần theo kiểu tẻ nhạt đơn điệu hơn, như ở các nước dân chủ.

Nay xem xét lại, chúng tôi vẫn phản đối những câu trả lời quá giản lược cho câu hỏi về ảnh hưởng tương đối của tính cách xã hội và các định chế xã hội, ngay cả trong một thế giới băn khoăn vì cái thông điệp quyết liệt viết lên bầu trời trên đầu tất cả mọi xứ sở “Cả ngươi nữa cũng có thể hiện đại và công nghiệp”.

Mặc dù tính linh hoạt còn dư lại ở hầu hết người trưởng thành làm cho họ hữu dụng dưới mọi loại chế độ xã hội, nhưng vẫn có những giới hạn. Người Anh-điêng trở thành những nô lệ nghèo, người châu Phi là những nô lệ tốt – và điều này không chỉ vì (như Stanley Elkins chỉ ra trong cuốn Slavery [Kiếp nô lệ]) các tàu buôn nô lệ đã làm hỏng tinh thần và phá vỡ tính cố kết văn hóa của người Phi; một số bộ lạc châu Phi thích hợp hơn cho công việc đồn điền, số khác cho công việc quản gia. Vì những lý do có tính thực nghiệm của kinh nghiệm, không phải trên cơ sở ý thức hệ, người Tây Ban Nha nhận thấy mình đã loại trừ người Tây Ấn bản xứ và thay thế họ bằng những người du nhập có khả năng thích nghi hơn, có tính cách xã hội phù hợp để sống còn trong các điều kiện khắc nghiệt. Dưới sự giám hộ của chúng ta, người da đỏ Pueblo đã tỏ ra khó bị manh mún hơn các bộ lạc da đỏ khác, có sức chịu đựng hơn nếu không muốn nói là kiên cường hơn. Cũng vậy, lịch sử nhập cư ở đất nước này nhan nhản những ví dụ về sự phản ứng khác nhau trước các điều kiện rõ ràng là tương tự: người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ hai mưu cầu giáo dục, trong khi người Hoa thế hệ thứ ba vẫn còn trông coi hiệu giặt là và quán ăn – và cứ thế khắp cả danh sách người nhập cư, những người chỉ mới đến gần nhau trong thế hệ thứ ba và sau nữa. Hoàn toàn khác với tầm quan trọng của cá nhân trong lịch sử, và khác với tính cách độc hữu của cá nhân, vai trò của tính cách xã hội, không phụ thuộc vào các định chế, đôi khi có thể mang tính quyết định. Vả lại, như đã vạch ra trong Đám đông cô đơn, tuy có thể dùng nhiều loại tính cách xã hội khác nhau cho cùng một loại công việc bên trong một xã hội hay định chế, song chúng tôi tin rằng rốt cuộc sẽ có những hệ lụy từ thực tế là các kiểu tính cách kém phù hợp sẽ trả giá đắt ở sự lệch lạc, trái ngược với sự phóng tỏa sinh lực có được nhờ sự tương hợp giữa tính cách và nhiệm vụ.

Nói vậy không có nghĩa rằng những vị lãnh đạo của các dân tộc “đang phát triển” là đúng khi tin rằng họ có thể gìn giữ truyền thống văn hóa hay sắc tộc độc đáo của mình trong khi vẫn sống “hiện đại”; như nhiều người xót xa nhận ra, các phương tiện hữu hiệu họ dùng có chiều hướng trở thành mục đích của chính họ, để rồi có thể nhìn thấy trước là rốt cuộc thì các tôn giáo và văn hóa khác biệt mà mỗi vùng đã từng tạo ra và nuôi dưỡng, nếu không nói là nâng niu ấp ủ, rồi sẽ bị thay thế bởi những người thuộc tính cách xã hội rất khác. Chống lại các phương tiện này, chống lại hy vọng về quyền lực và sự sung túc (thỉnh thoảng như để trả thù những ai trước kia đã độc chiếm những thứ này), các giá trị truyền thống khắp nơi đang đánh tập hậu, với sự yểm trợ của các định chế rệu rã và tính cách xã hội thâm căn cố đế đã suy kiệt của thế hệ trước. Nếu điều này là đích đến của lịch sử nhân loại, ta có thể phát minh ra một thứ “người nhựa” mới, như nhiều tác giả khoa học giả tưởng và tâm lý học hành vi đã làm, để chiếm chỗ của con người kinh tế thế kỷ 19, bằng cách đó dẹp đi “vấn đề con người” trong các môn khoa học xã hội.

Biết đâu chúng ta có thể sẽ đi đến cái đích cuối của lịch sử nhân loại. Nhưng nếu con người qua được giai đoạn này, chúng tôi nghĩ ta sẽ thấy người nhựa chẳng qua chỉ là một trong những giai đoạn phát triển của lịch sử, trung gian giữa các kiểu tính cách xã hội muôn màu muôn vẻ trong một thế giới không-thống-nhất với tính cách cá thể thậm chí còn đa dạng hơn trong một thế giới thống nhất nhưng đỡ ngột ngạt hơn.

Nhìn lại lịch sử (Chương 12) chúng tôi thấy trong các thế kỷ “truyền thống định hướng”, các hình thái tính cách xã hội tương đối ổn định đương đầu nhau, và xung đột nhóm thường có vẻ ngoài là một va chạm giữa các chủng người chuyên biệt và chủng người đã được ấn định vị trí. Tất nhiên, điều này quá sức trừu tượng; các nhóm này đã học hỏi ở nhau, thế nhưng họ không nghĩ tới chuyện bắt chước nhau hay trở thành nhau. Và trong lịch sử phương Tây chúng ta, mà có lẽ còn trong cả những thời điểm khác và nơi chốn khác, một tính cách xã hội ấn tượng và hữu hiệu nhất được tạo ra (mà chúng tôi gọi là “nội tại định hướng”), thứ đã ban cho người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan, người Anh và người Pháp, người Nga và người Mỹ, sức mạnh áp đặt mục đích và các đặc điểm thể chất của chính họ lên những khối dân cư lớn (gồm cả số dân cư tăng lên rất nhiều thuộc dòng giống của chính họ) khắp các vùng đất rộng lớn trên địa cầu – đến mức một chỉ huy người Philippines gốc Tây Ban Nha thế kỷ 16 đã viết về cho thượng cấp ở quê nhà rằng với sáu nghìn quân họ có thể chinh phục được Trung Hoa.[51]

Trong Đám đông cô đơn chúng tôi không lý giải tính cách xã hội kiểu nội tại định hướng là như thế nào, dù chúng tôi theo sự hướng dẫn của Max Weber mà xem Đạo đức Tin Lành như một mắt xích nối kiểu duy lý Hy Lạp với kiểu luân lý thế tục Do Thái-Cơ Đốc. Chúng tôi cũng thấy hình như cấu trúc gia đình có tầm quan trọng quyết định, vì gia đình hạt nhân có thể nuôi dạy con trẻ bằng những gắn bó mật thiết với các khuôn mẫu cha mẹ, tuy chỉ riêng điều này là chưa đủ để giải thích cho tính xác định của chiều hướng và xác tín, cho phẩm tính cốt tủy và sự cứng rắn, vốn là thứ biến nhiều cá nhân kiểu nội tại định hướng thành những “tính cách” trong nghĩa thông thường. Điều tra lịch sử và điều tra đối chiếu văn hóa sẽ là cần thiết trước khi ta có thể hiểu rõ hơn kiểu nội tại định hướng diễn ra thế nào – và tại sao giờ đây nó có thể sẽ biến mất.

Sự chớm biến mất của kiểu nội tại định hướng, cùng việc nới lỏng cảm thức về định mệnh cá nhân, dường như phần nào là hệ quả của các định chế đầy sức mạnh và hữu hiệu có tính cấm đoán mà người kiểu nội tại định hướng mang trong đầu, tổ chức và làm cho phổ biến. Một trong những định chế này là thị trường tự do, vào thời chủ nghĩa tư bản hậu kỳ, nó ảnh hưởng không chỉ đến thị trường tiền tệ và hàng hóa mà còn đến nghệ thuật tự tiếp thị cá nhân (như thuật ngữ của Erich Fromm trong Man for Himself, “định hướng tiếp thị”, đã lý giải). Thuật ngữ “ngoại tại định hướng” có thể nhấn mạnh quá nhiều vai trò của những người khác cụ thể (hay người đại diện họ trên truyền thông đại chúng) mà chưa nhấn mạnh đủ vai trò của các định chế, ví dụ như thị trường nhân cách; đối với những định hướng thường ngầm ẩn của thị trường này thì “người khác” chẳng qua chỉ là những tác nhân.[52]

Con người có xác tín chưa biến mất; lúc này họ rất quan trọng, chính vì họ khá hiếm hoi. Và họ có vẻ là hiếm hoi nhất trong số thanh niên trưởng thành. Khi chúng tôi xem kỹ tư liệu phỏng vấn để lựa ra các ví dụ cho Những bộ mặt trong đám đông, có rất ít người trả lời ở độ tuổi dưới 30 ta không đặt được dưới tiêu đề “Biến thể của Ngoại tại Định hướng” một cách hoàn toàn xác đáng; bất cứ cái gì khác nữa cũng có thể đúng khi nói về họ, vì họ có đủ tính uyển chuyển cho điều đó. Một phân tích về các cuộc phỏng vấn gần 200 sinh viên năm cuối đại học và cao đẳng sau này, dù ít đi sâu hơn nhiều, đã đem lại bức tranh còn rõ ràng hơn về tính dễ bảo và phục tùng.

Liệu từ đó có thể suy ra rằng tính cách xã hội đặc thù của giai cấp trung lưu lớp trên ở Mỹ mà chúng tôi gọi là ngoại tại định hướng cũng là tính cách xã hội của thanh niên nói chung ở nơi khác trên thế giới – những người có cái mà Daniel Lerner nhắc đến (trong The Passing of Traditional Society[Cái chết của xã hội truyền thống]) là “tính nhạy cảm di động”? Đã đành những khác biệt văn hóa rất lớn vẫn còn dai dẳng, nhưng từ các quan sát và nghiên cứu thực hiện ở nhiều nước thì dường như sinh viên khắp nơi giờ đây bắt đầu giống nhau ở vẻ ngoài cơ bản cũng như các mốt nhất thời hời hợt, bởi vậy, bất chấp nhiều phân cách, các sinh viên này giống nhau hơn là bất kỳ ai trong họ giống cha hay mẹ mình. Họ giống nhau, như chúng tôi đã gợi ý, ở tính uyển chuyển, sự phụ thuộc vào tình huống, vào hoàn cảnh, vào các định chế. Quả thực, sự tương tự ở họ đã gây chú ý cho nhiều người quan sát, buộc người quan sát phải nói rằng cả thế giới đang trở nên “Mỹ hóa”.

Nhưng không nên phóng đại sự tương đồng. Dù hay dù dở thì các kiểu cộng hưởng, lo âu và nhạy cảm cụ thể vốn tiêu biểu cho nhiều người Mỹ có ăn học đầy đủ hiếm khi thấy ở những nước còn đang bận xóa bỏ các rào cản đẳng cấp và chịu đựng những dằn vặt về sự dư dật. Mối bận tâm hiện nay ở đất nước này về mục đích quốc gia sẽ không thể thấy ở những nước có mục tiêu là chia sẻ (hay lật đổ) năng lực của [người Mỹ] chúng ta. Và dĩ nhiên còn nhiều sự khác biệt nữa, nơi màu da và tính cách địa phương ảnh hưởng đến tác động của các định chế xuyên văn hóa, cho nên một nhà máy Nhật Bản sẽ bảo tồn một số giá trị truyền thống mà một nhà máy của Mỹ hay Nga sẽ phá vỡ.

Nhưng các khác biệt này đang chịu áp lực từ sự khám phá – cũng quan trọng như thuyết tiến hóa của Darwin trong việc thay đổi diện mạo thế giới, và ở phương Tây nó phần nào phản ánh thuyết tiến hóa – rằng các nền văn hóa và tôn giáo không nắm giữ chân lý nào, uy quyền nào, sự hiển nhiên nào là tuyệt đối. Các tính cách xã hội cố định có thể duy trì bằng những niềm tin cố định. Kiểu nội tại định hướng đan dệt tính cách xã hội cố định vào hành vi linh hoạt, chứ không phải vào các giá trị có tính tương đối. Người nội tại định hướng có thể, trong một giai đoạn lịch sử khá ngắn, hành động như thể những người Hoa, người Ấn, người Mã Lai và người châu Phi mà họ chạm trán, mà những người đó hoàn toàn khác với họ (và khác với nhau); họ có thể hành động kiểu này vì họ rõ ràng ưu việt hơn nhiều về sức mạnh và từ đó, trong nhiều cuộc chạm trán, về cả sự tự tin. Nếu là nhà truyền giáo thì họ có thể đòi người khác, thậm chí giữa đêm hôm, phải học cách hành xử như người da trắng, và – thật kinh ngạc, giờ đây dường như hàng triệu người đã tìm cách làm vậy – và được cải đạo, do thấy ấn tượng trước tính chính trực cùng sức mạnh của những người bắt bớ họ và làm mẫu mực cho họ. Giờ đây thì người phương Tây có suy nghĩ, chưa bị định kiến và sự dốt nát đóng hộp, đã bắt đầu khó có thể xem văn hóa và tập quán của mình là chân lý tuyệt đối, họ không thể khẳng định như thế một cách tuyệt đối nghiêm túc, chỉ đơn thuần muốn vậy – thực ra, phong trào nói về Lối sống Mỹ hiện nay là một sự phòng thủ vô ích của kẻ tuyên truyền trước chính khám phá này.

Một cách nhìn khác về bước phát triển này là nhìn thấy rằng, bên dưới tất cả hay gần như tất cả sự tuyệt đối văn hóa đều có một tình thế yêu ghét nước đôi cơ bản của con người. Thật dễ hiểu khi các nhà nhân học nuối tiếc cho sự tan rã của hầu hết các nền văn hóa chưa có chữ viết lúc người da trắng đến (hay như ngày nay, người thuộc bất kỳ màu da nào chịu ảnh hưởng của người da trắng); và cả chúng tôi cũng cảm thấy rằng nhiều nền văn hóa trong số đó đã sáng tạo ra các giá trị mà xã hội chúng ta còn thiếu. Nhưng rất nhiều người thuộc những nền văn hóa chưa có chữ viết, không phải chịu sự cưỡng bức vũ lực hay phân tán, vẫn kết luận rằng nền văn hóa từng có vẻ mặc nhiên là của mình ấy vẫn thiêu thiếu cái gì đó; họ đã ra đi, từng người hay thành nhóm, gia nhập Cuộc Diễu hành Lớn – để rồi lại thường gặp những người phương Tây vỡ mộng hơn đi về hướng ngược lại. Nhắc lại: niềm say mê quan trọng nhất còn lại trên thế giới không phải dành cho các tập quán, văn hóa và tín ngưỡng riêng biệt, mà cho một vài thành tựu – công nghệ và tổ chức của phương Tây – và hậu quả tức thì của điều này là sự tan rã của mọi tập quán, văn hóa và tín ngưỡng khác biệt. Nếu đúng vậy thì có thể khuôn đúc cho các kiểu tính cách dân tộc đã cáo chung: con người có quá nhiều thứ để chọn nên không thể gắn bó với chỉ một thứ, và hoàn cảnh của họ càng trở nên tương đồng hơn thì họ càng có nhiều thuộc tính chung hơn, trái với những thuộc tính độc nhất của các quốc gia riêng biệt. Càng ngày, những khác biệt giữa con người với nhau sẽ càng hoạt động xuyên qua các biên giới quốc gia và trong nội bộ các quốc gia, cho nên chúng ta đã có thể thấy, trong những nghiên cứu về các giá trị nghề nghiệp ở xã hội công nghiệp, tính cách nhóm của các nhà quản lý hay bác sĩ – hay các nghệ sĩ – trở nên nổi bật hơn tính cách nhóm của người Nga, người Mỹ hay người Nhật, hay các hệ tư tưởng có ý thức được duy trì trong các xã hội này.

Dĩ nhiên nếu nói rằng các dân tộc không còn quan trọng nữa thì e quá sớm, vì các dân tộc vẫn đang có quyền năng sống chết đối với tất cả chúng ta; và vì tính cách xã hội và tính cách dân tộc là một di sản lịch sử, nên sẽ còn lại rất lâu dài những khác biệt to lớn về tính cách dân tộc, cũng như những khác biệt nảy sinh từ nghề nghiệp, giới tính và phong cách sống. Cũng vậy, tàn dư của chủ nghĩa địa phương hẹp hòi có thể còn dai dẳng – mặc dù ngay khi một nhóm hay một bộ lạc tìm cách bảo vệ di sản lịch sử độc đáo của mình bằng một phong trào bảo tồn văn hóa truyền thống hay thức tỉnh lại đức tin, thì chính nỗ lực này (như gợi ý trong Những bộ mặt trong đám đông) sẽ báo hiệu kết cục cho các nghi thức không tự ý thức, được cho là đương nhiên, và do đó thật ngược đời, chính nó sẽ đẩy nhanh sự gia nhập vào thế giới hiện đại, nơi mà truyền thống tự nó đã trở thành một hệ tư tưởng, một khía cạnh của sự mất gốc. Hiện đại hóa do vậy có vẻ đang tiếp tục một tác động gần như không thể đảo ngược, và không một bộ lạc hay dân tộc nào tìm được chỗ nào để trốn.

Trong một thời kỳ mà nhiều người Mỹ có học lo nghĩ đến tính chất của bản sắc và giá trị của họ, nhiều độc giả không chuyên đã đến với Đám đông cô đơn để tìm manh mối xem họ là như thế nào và họ có thể sống ra sao. Quả thực, nhiều người đã đọc nó như để làm trắc nghiệm tính cách mình, theo nghĩa lỗi thời và không chuyên môn của từ “tính cách”. Chúng tôi đã không lường trước một giới độc giả như thế, không chỉ khi cuốn sách được in lần đầu bởi nhà xuất bản của một trường đại học, mà cả sau này khi nó là một trong những cuốn “sách bìa mềm chất lượng tốt” đầu tiên, vì chúng tôi và nhà xuất bản đều nghĩ rằng sách chỉ có thể bán được vài nghìn bản như kiểu tài liệu đọc trong các khóa học ngành khoa học xã hội. Trong khi độc giả hàn lâm chuyên nghiệp sẽ dễ dàng xác định cuốn sách theo truyền thống là công trình về văn hóa và nhân cách, độc giả không có chuyên môn lại có chiều hướng khen ngợi chúng tôi quá mức, hay cho rằng chúng tôi phát biểu bằng đúng giọng điệu xã hội học thuần nhất. Chúng tôi đã giải thích trong Lời tựa cho ấn bản bìa mềm đầu tiên điều vẫn còn đúng cho ấn bản này, ấy là, chúng tôi chuẩn bị không chỉ một cuốn sách giản lược (bằng khoảng 4/5 nguyên bản) mà trong chừng mực nào đó còn là một ấn bản mới có nhiều đoạn viết lại, và một số đoạn khác được sắp xếp lại. Song, khi biên tập, chúng tôi chỉ nhằm sao cho sách trong sáng và súc tích hơn: chúng tôi không cố tính đến những phê bình đối với tác phẩm gốc ban đầu, cho nên độc giả có thể an tâm rằng bài phê bình nào họ có thể đã đọc về tác phẩm gốc cũng vẫn đúng cho các ấn bản bìa mềm; những cái chúng tôi rút bớt là để cho dễ hiểu, chứ không phải để giảm thiểu tranh luận.

Dĩ nhiên, tất cả những điều này được nói ra dựa trên giả định là độc giả sinh viên quen thuộc với tranh luận liên quan đến phương pháp, những cách giải thích và đánh giá khác nhau về cuốn sách. Với những ai cần có ví dụ thích hợp cho những điều nói trên, cho phép tôi lần nữa nhắc đến cuốn phê bình do các giáo sư Lipset và Lowenthal chủ biên. Giờ thì tôi muốn quay sang vài điểm mà mươi năm sau tôi thấy cuốn sách có lẽ đã sai, hoàn toàn đi quá các xem xét tổng quát về tầm quan trọng của tính cách xã hội vừa được bàn đến. Tôi sẽ đề cập đến các điểm này ít nhiều theo thứ tự xuất hiện của chúng trong cuốn sách.

Dân số. Các cộng sự và tôi đã biết rất rõ, trước khi chúng tôi xuất bản Đám đông cô đơn, rằng việc chúng tôi gắn liền các giai đoạn phát triển lịch sử với các giai đoạn trên đường đồ thị dân số hình chữ S là khá bấp bênh, mặc dù các nhà nhân khẩu học như Notestein cho là rất đúng; những người đọc bản thảo đã nhắc chúng tôi rằng các khái niệm truyền thống định hướng, nội tại định hướng và ngoại tại định hướng có thể hữu ích, ngay cả khi không có trình tự lịch sử tất định như Chương I trong cuốn sách của chúng tôi đề xuất.[53] Hơn nữa, các suy đoán của chúng tôi về dân số đã bị nghi ngờ gần như cùng lúc chúng thành hình. Ngay trước khi Đám đông cô đơn đến nhà xuất bản năm 1949, chúng tôi đã đọc tập sách mỏng của Joseph Davis ở Viện Nghiên cứu Thực phẩm Stanford chỉ trích các nhà nhân khẩu học, trong đó có Notestein mà chúng tôi dựa vào, và Davis khăng khăng cho rằng bùng nổ dân số sau Thế chiến thứ hai đã làm sụp đổ lý thuyết chớm giảm dân số. (Bản thân Davis cũng không dám liều đưa ra lý thuyết thay thế nào về các thay đổi dân số, mà chỉ chê bai các nhà nhân khẩu học đoán trật trong quá khứ). Chúng tôi bàn với nhau liệu có nên tính đến quan điểm của Davis và bằng chứng ngày càng nhiều thêm về một thay đổi quyết định, chứ không chỉ là một dao động tạm thời, về giá trị mà tầng lớp trung lưu gán cho việc có thêm con cái so với giá trị họ gán cho tiết kiệm hay mua sắm hàng tiêu dùng. Mãi về sau chúng tôi mới chợt nghĩ rằng, chọn lựa có thêm con chứ không phải tiết kiệm thêm hay theo đuổi sự lộng lẫy hào nhoáng tự nó có thể được xem là một biểu hiện cho sự thay đổi từ tiêu dùng hoang phí để phô trương hướng tới một giá trị cao về các mối quan hệ cá nhân, mà chúng tôi (cùng với Parsons và White) xem như là dấu mốc cho một khác biệt giữa người Mỹ hướng ngoại của Tocqueville và Veblen[54] với thế hệ con cháu hướng nội hài hòa và “mềm mỏng hơn” hôm nay. Dù gì thì năm 1949 chúng tôi cũng cảm thấy không nên vào phút chót lại cố xét đến vấn đề này, mà chỉ trình bày giả thuyết dân số như một ý niệm thú vị nhưng chưa được chứng minh.

Còn có một yếu tố nữa khiến chúng tôi quyết định giữ lại thuyết dân số bất chấp những hồ nghi của bản thân và lập luận thuyết phục của bạn bè đã đọc bản thảo rằng thuyết dân số không phải là cốt lõi đối với cuốn sách. Một trong những người bạn này, một nhà nhân học, quả đã nói: “Tỷ lệ chết và tỷ lệ sinh thực tế trong một nước, hay dân số thực tế của nước đó, có ra sao cũng chẳng can hệ gì, can hệ chăng là điều người ta tin về nó: nếu người Rumani nghĩ họ có kim tự tháp dân số giống như người Đức thì điều đó sẽ gây một ảnh hưởng ngang ngửa như vậy đối với cấu trúc tính cách”. Song, như Margaret Mead nêu ra rất xác đáng, giả thuyết nhân khẩu học “có thể được xem như một trong nhiều lựa chọn khả dĩ để khẳng định tầm quan trọng của các xu thế lịch sử quy mô lớn, ví dụ như tiến bộ công nghệ, cái đã ít nhiều trở nên không phụ thuộc vào các đặc điểm tính cách học của các dân tộc bị nó cuốn theo”.[55] Nỗ lực của chúng tôi là nỗ lực để nói rằng có một thế giới thực cũng như có một thế giới được lĩnh hội; song việc chúng tôi dùng chu kỳ dân số như một minh họa cho lập trường này có lẽ không được hiệu quả bằng việc bàn về phát triển kinh tế, đô thị hóa và phổ cập giáo dục.

Xin hiểu, chúng tôi không gợi ý rằng hình kim tự tháp dân số khiến cho một tính cách xã hội đặc thù xuất hiện; các phát triển tâm lý-xã hội luôn diễn ra thông qua các định chế. Thế nhưng, cũng như Karl Wittfogel đã lập luận (trong Oriental Despotism [Chế độ chuyên chế phương Đông]) rằng, nơi nào khan hiếm nước, các cá nhân sẽ không thể sống sót mà không có một cơ cấu xã hội phụ thuộc lẫn nhau để giữ gìn nguồn nước (trong khi nếu thức ăn khan hiếm định kỳ thì các nhu cầu không dứt khoát và thúc bách bằng), cũng vậy, theo một cách ít rõ rệt hơn, các mô hình dân số tăng hay ổn định cũng thường đi cùng các khuôn mẫu của xã hội để đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn dân số ấy. Hiện tại, các xã hội tiến bộ về công nghệ như xã hội chúng ta đã gặp phải hoàn cảnh tương thuộc lẫn nhau gần giống như hoàn cảnh của người Hopi,[56] những người sẽ tuyệt diệt nếu họ không cùng nhau giữ gìn lượng nước mưa. Quả thực, chính thực tế con người có thể hủy hoại mình và xã hội của mình giải thích tại sao các đòi hỏi sinh thái và công nghệ có khả năng thu hẹp diện các phương cách mà trong đó tính cách xã hội hình thành, nhưng không bao giờ có thể tạo ra một xã hội vốn là phản xạ giản đơn đối với cái “phải” được làm xong; do vậy, mọi “xã hội thủy lợi và trị thủy” đều có tính hợp tác, nhưng sự hợp tác này được bảo đảm bằng các cơ cấu và niềm tin rất khác nhau giữa người Hopi và giữa người Hoa hay người Ai Cập truyền thống.

Chính trị: các nhóm phủ quyết và nhóm quyền lực. Đám đông cô đơn phát triển từ một cái nhìn phê phán về đời sống công chúng Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một cái nhìn cự tuyệt nhiều giải thích hiện hành trong giới trí thức. Chúng tôi viết vào một thời kỳ khi thứ lam chướng tụ lại trên mảnh đất này trong thời Chiến tranh Lạnh và Chính quyền Eisenhower[57] vẫn chưa xuất hiện; tính tự mãn về nước Mỹ cùng với phong trào chống cộng chưa nhập vào Con đường Mỹ. Vào thời bấy giờ, anh vẫn chưa bị coi là dị giáo nếu anh xem Mỹ như xứ sở bị một nhúm doanh nhân cỡ bự cùng tay chân và đồng minh chính trị của họ thống trị; người ta sẽ nhớ lại nhiều người trong số các môn đệ của Henry Wallace[58]tuyên thuyết quan điểm này, gom được cả triệu phiếu bầu, trong khi Đảng Cộng sản năm 1948, dù bị mất tín nhiệm trong giới trí thức tiền phong, đã có hơn 50 nghìn đảng viên và chỉ mới bắt đầu mất ảnh hưởng trong phong trào lao động. Hơn nữa, nhiều người cấp tiến, vốn xem nước Mỹ như một xứ bị Phố Wall[59] thống trị, đã vào hùa với những người bảo thủ không biết mà cũng chẳng quan tâm Mỹ được cai trị ra sao, xem nước Mỹ là một hoang mạc văn hóa trong đó một ít nhân vật tách biệt vẫn giữ vững được cái nhìn cá nhân chân chính giữa sự hỏng hoại mà hàng hóa tiêu dùng và truyền thông đại chúng chế ra. Các tác giả của Đám đông cô đơn và Những bộ mặt trong đám đông không thấy dễ chịu với những lối sống đang lấn át ở Hoa Kỳ cả về mặt chính trị cũng như văn hóa, nhưng chúng tôi tin rằng giải thích sai cái gì đó bằng cách kết hợp phân tích giai cấp của Marx với sự miệt thị văn hóa quý tộc tức là nhìn trở lại một thời đã không còn tồn tại. (Sự miệt thị văn hóa không nhất thiết sai lầm vì tính quý tộc đó; đúng hơn, theo chúng tôi quan điểm truyền thống này đã bỏ qua các yếu tố sáng tạo dù vẫn chưa được điển lệ hóa trong văn hóa đại chúng Mỹ). Rõ ràng, sự kiên nhẫn đầy hoài nghi của chúng tôi nảy sinh không chỉ do nỗi tò mò mạnh mẽ muốn biết đời sống đương đại mà còn do lòng sẵn sàng hết mực để xem các giải thích truyền thống là đã lỗi thời.

Do vậy chúng tôi không xem những phàn nàn thường thấy về quyền lực và lòng tham của các tầng lớp kinh doanh, nhất là trong giới có đặc quyền hơn, như lời giải thích cho tình trạng bất ổn của nước Mỹ, chúng tôi cũng không nghĩ rằng sự nông cạn, thiếu xác tín của nhiều người Mỹ chỉ đơn thuần phản ánh sự mất quyền bá chủ của một giai cấp thượng lưu quý tộc và truyền thống, hay phản ánh sự vi phạm những quy trình dân chủ của các chính trị gia hủ bại. Khi nhấn mạnh tính thụ động và ủ ê của người Mỹ, rằng họ phục tùng các giá trị không thỏa đáng, là chúng tôi đang tiếp bước những người quan sát khác, nhất là Erich Fromm, Karen Horney, Harold Lasswell, C. Wright Mills và John Dollard. Khi nhấn mạnh các vấn đề văn hóa và tâm lý, chúng tôi ngầm làm rõ là mình thiếu tin tưởng vào các phương thuốc chính trị dễ dàng, dù rằng khi thúc giục cá nhân “cứ thoải mái đi”, chúng tôi đã nói giảm nhẹ chiều sâu nỗi thất vọng chính trị của chúng ta. Việc nói nhẹ đi không chỉ phản ánh sự thiếu sáng tỏ về luân lý mà còn cả nỗi hoài nghi thực sự về các xu thế đối chọi nhau trong đời sống Mỹ. Người Mỹ rộng lượng vô cùng, nhưng cũng có cả thói bần tiện và vô tâm ghê gớm. Sự cởi mở, khoan dung và đồng cảm đã tăng lên rất nhiều – không chỉ tồn tại một sự ngang bằng gây ra bởi lòng đố kỵ và nỗi sợ hãi quyền cao chức trọng mà còn bởi nhiệt tình đáp ứng sẵn lòng và nhân đạo hơn; sự tăng này phải được cân bằng với tính thụ động chính trị và èo uột cá nhân mà Đám đông cô đơn chỉ trích.

Đám đông cô đơn là một trong những cuốn sách những năm gần đây đã tránh tính giáo điều, cuồng tín mà chuộng tính cởi mở, đa nguyên và chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhiều trí thức, chịu ảnh hưởng của Reinhold Niebuhr hay George Kennan, đã mở cuộc chiến chống lại những xu hướng Mỹ là giáo huấn phi thực tế với hàm ý là hãy dấn thân toàn diện vào chiến tranh và chính trị. Ví dụ, chính chúng tôi trong Đám đông cô đơn cũng đã tìm cách chỉ ra rằng chế độ đảng phái bị giới chính trị gia hàng đầu ở Mỹ kiểm soát không hẳn là xấu xa và nhất định không xấu xa bằng những nỗ lực tiệt trừ nó hoàn toàn. Giống như vậy, chúng tôi cũng thấy chính các nhóm phủ quyết đang cho tự do được xoay trở đôi chút trong các kẽ hở của chúng. Về phần mình, tôi vẫn luôn cảm thấy điều quan trọng là nhìn nhận đồng thời trên hai bình diện: một vùng tầm trung cho các mối bận tâm và những khả năng về cải cách, ở đó người ta hoạt động trong phạm vi một hệ thống nhất định, và tầm xa hơn cho một mối bận tâm không tưởng liên quan đến những chuyển biến có tính nền tảng. Điều đó sẽ đơn giản hóa cả hiểu biết lẫn hành động để nhập hai bình diện này thành một cuộc tấn công không khoan nhượng vào hiện trạng, và nhu cầu cưỡng lại sức cám dỗ đơn giản hóa suốt nhiều năm là một yếu tố trong tính nghiêm khắc của Đám đông cô đơn khi phê phán thói cuồng tín, nhiệt tình và bức xúc chính đáng trong chính trị. Bây giờ tôi cũng chẳng thích cuồng tín hơn trước kia, khi nó được đem ra để bảo vệ một cách thiếu suy xét cho các quyền lợi ý thức hệ bất di bất dịch, dù ở miền Nam của chúng ta hay trong cả quốc gia, trong các vùng biệt lập toàn trị hay các quốc gia toàn trị. Thế nhưng thật sai lầm nếu gắn liền sự cuồng tín và kiểu bức xúc luân lý vốn là một lối thoát cho tính bạo dâm và chủ nghĩa độc đoán với những phẩm chất chỉ có vẻ ngoài là tương tự thế ở những người phản kháng lại bất công và áp bức hay đời sống bị phí hoài. Cả chục năm sau, cuối chính thể Eisenhower, các tình cảm chính trị “quá khích” là một mối nguy ở một số khu vực, nhưng nỗi sợ hãi các tình cảm đó lại là mối nguy ở các khu vực khác, và những tàn hại mà chủ nghĩa cực đoan có thể gây ra cho đời sống cá nhân và nhóm đã trở nên quá dễ nhận thấy. Trong thái độ đối với chính trị, Đám đông cô đơn có thể đã nhấn mạnh quá nhiều đến cái thứ yếu và cái phức tạp mà hy sinh đi cái hiển nhiên.

Ở một bình diện thực tế hơn, trong Đám đông cô đơn chúng tôi giả định rằng các thành tựu chính trị của chính sách kinh tế mới New Deal[60] – an sinh xã hội, việc làm đầy đủ hợp lý, quyền tổ chức của người lao động, vân vân – sẽ không thể đảo ngược và quả thực sẽ sẵn sàng được kéo dài. Dù đã xem New Deal là việc chuyển dịch quyền lực khỏi Phố Wall tới các nhà quản lý công nghiệp (mà chúng tôi cho là không sáng láng được như các chủ nhà băng), chúng tôi không xem cả Phố Wall lẫn doanh nghiệp lớn là vững như bàn thạch; và chúng tôi thấy nước Mỹ đã có cái khám phá không nói ra song không thể đảo ngược sau năm 1939, rằng nền kinh tế chiến tranh là một liều thuốc khả thi về mặt chính trị để chữa trị suy thoái; từ đây, chúng tôi xem nền kinh tế dư dật là điều tất nhiên, dù có bền vững thế nào. Điều này có lẽ là quá tự mãn. Stimson Bullitt đã đúng khi chỉ ra (trong To Be a Politician [Để trở thành chính trị gia]) rằng việc tăng quy mô và sự dư dật của tầng lớp trung lưu thời hậu chiến đã đẩy số người nghèo và chưa được tổ chức còn lại ra xa ảnh hưởng chính trị hơn nữa. Về các mối nguy đã quá rành rành của nền kinh tế chiến tranh, dưới đây chúng ta sẽ còn nói nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngày nay khi đánh giá Đám đông cô đơn, nên nhớ là vào năm 1948 trí tưởng tượng và linh hoạt chính trị, dù còn hiếm hoi, vẫn còn là một thứ mà người ta có quyền hy vọng. Kế hoạch Lilienthal-Baruch[61] nhằm kiểm soát năng lượng nguyên tử đã được đề xuất; Kế hoạch Marshall[62]cũng vậy. Cả hai sáng kiến đều bị Liên Xô bác đi và, chúng ta đã biết, điều này đã ngăn hai kế hoạch đó không trở thành vấn đề tranh cãi dữ dội trong nước, như đã có thể xảy ra cho bất cứ đề nghị nghiêm túc nào về chuyện “nhường chút gì” cho người Nga. Dẫu vậy, cả hai kế hoạch đều đã cho thấy rõ rằng những người ở vị trí chóp bu có thể có mục tiêu lớn; và theo Kế hoạch Marshall (bất kể lập luận Chiến tranh Lạnh giảo hoạt và cuối cùng là thất sách nào được triển khai tiếp theo đó), tiền bạc bị Quốc hội trưng dụng chỉ để viện trợ kinh tế. Trước chiến tranh Triều Tiên và phong trào chống cộng của McCarthy, chính sách đối ngoại vẫn có thể bị tranh luận, dù dĩ nhiên không phải là không có áp lực từ các phần tử sôvanh hiếu chiến, và một bài báo trên Time hay New York Times về Marốc hoặc Pakistan không phải gần như bao giờ cũng được trình bày dưới góc độ Chiến tranh Lạnh và các căn cứ của Mỹ. Chúng ta vẫn chưa đặt mình vào tình trạng đóng băng lưỡng đảng của mười năm qua, bằng cách khai thác khía cạnh trong nước của cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản thế giới.

Tuy nhiên, dù cho người ta có nhớ lại bầu không khí chính trị tương đối đỡ ngột ngạt và kinh hoàng hơn vào năm 1948, giờ đây cũng thật khó mà biện minh cho giả định ngầm trong Đám đông cô đơn rằng sự manh mún quyền lực chính trị Mỹ do các nhóm phủ quyết và sự thờ ơ chính trị của phần lớn người Mỹ tạo ra có thể xem xét ở mức độ không đáng kể, bởi vì nhiệm vụ chính của đời sống dân tộc chúng ta là nhiệm vụ phát triển cá nhân, loại bỏ “tư nhân hóa” và xây dựng quy hoạch đô thị. Trong khi mải lo nghĩ về đất nước gây lắm hoang mang của mình, chúng ta chỉ quan tâm rất ít đến việc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh bước lên vũ đài vốn do dân châu Âu chiếm lĩnh. (Năm 1948, Ấn Độ vừa mới được độc lập, giữa các cuộc thảm sát; phe cộng sản lúc bấy giờ chỉ đang củng cố quyền lực trong một nước Trung Hoa rối ren; nước công nghiệp hóa duy nhất không phải Tây phương đang bị Mỹ chiếm đóng;[63] và không kể Liberia với Ethiopia, vẫn chưa có nhà nước châu Phi da đen nào độc lập hay sắp có triển vọng độc lập). Khi tìm cách mô tả bầu không khí tinh thần của sự dư dật Mỹ, Đám đông cô đơn luận giải điều này tách riêng với một thế giới chỉ mới bắt đầu hò hét đòi những sung sướng tương tự, và trong thế giới đó những người Mỹ nhạy cảm và thông minh nhất đã nhận ra công lý, tính hiện thực và các phức tạp của yêu sách này.

Đây là những vấn đề trọng tâm, là tinh thần chung và chiều hướng của cuốn sách, nhưng tranh luận nhiều nhất có liên quan tới Phần II trong Đám đông cô đơn là vấn đề ai nắm quyền lực; tức là, liệu có phải như chúng tôi dám chắc, không có hệ thống thứ bậc quyền lực rõ ràng và sự kiềm chế từ phía các nhóm phủ quyết đối với hành động quyết định của giới lãnh đạo, hay như C. Wright Mills lập luận, liệu có một giới chóp bu quyền lực hay không.

Khái niệm nhóm phủ quyết tương tự với khái niệm quyền lực đối trọng đã trình bày trong American Capitalism (Chủ nghĩa tư bản Mỹ) của Galbraith, dù khái niệm sau lạc quan hơn khi gợi ý rằng quyền lực quá mức có xu hướng bộc lộ hết sự hạn chế của nó bằng quyền lực đối lập, dẫn đến nhiều tự do và công bằng hơn cho tất cả (với cái giá không đáng kể có thể có là lạm phát). Cả hai cuốn sách đều đồng tình rằng không hề có một giới chóp bu quyền lực cố kết và tự ý thức duy nhất nào, mà chỉ có một tập hợp vô định hình những nhân vật chóp bu tương lai, tìm cách đạt được và hình thành nên các liên minh. Trong Đám đông cô đơn chúng tôi lập luận rằng cục diện này làm cho việc dừng hành động dễ hơn là khởi xướng nó trong bối cảnh quốc gia (địa phương thì đã có các ông trùm và nhóm chóp bu), kết quả là một xã hội không có người cầm đầu trong đó thiên hạ rút lui khỏi các vấn đề đã trở nên không thể kiểm soát được và không thể hiểu nổi.[64]

Chúng tôi không thấy rằng bức tranh chung này đã thay đổi tận gốc; nó chỉ thay đổi đôi chút. Chúng tôi thấy Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược (SAC) có vẻ đã có quyền lực lớn hơn đáng kể so với bất kỳ cơ quan riêng lẻ nào vào năm 1948. Trong một thời gian, nó cho Hải quân tháp tùng (bằng cách chia sẻ khả năng hạt nhân) và giáng cấp Lục quân xuống vai trò nhóm phủ quyết nhỏ rầy rà năm thì mười họa mới lên tiếng. Trong liên minh với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC), nó ép các phiên điều trần vụ Oppenheimer,[65] nhất thời bịt miệng được những người chống đối Teller[66] và chính sách đối ngoại bom khinh khí. Trong liên minh với các nhà thầu lớn nhỏ, các công đoàn và công nhân của họ, các thượng nghị sĩ “của họ”, SAC đã làm cho kinh tế chiến tranh trở thành trọng tâm đối với toàn bộ nền kinh tế của chúng ta đến nỗi thị trường chứng khoán tăng khi hội nghị thượng đỉnh thất bại. Nhiều thứ như vậy đã xảy ra, không phải vì SAC đã trù tính như vậy, mà đúng hơn là vì nó có ý thức sứ mệnh rõ ràng hơn các lực lượng khác, được những người vô cùng tận tụy dẫn dắt, và thường làm việc trong một tình trạng chân không về lãnh đạo dân sự. Dù vậy, SAC không phải là không bị phản đối. Mặc dù được các bế tắc và khiêu khích ngoại giao tiếp tay, nó cũng không thuyết phục được tổng thống Eisenhower ban bố tình trạng báo động thường trực; và bất chấp ảnh hưởng ghê gớm của nó ở Quốc hội, SAC vẫn đều đặn cảm thấy – cũng như hầu hết những kẻ giàu có – eo hẹp tiền nong. Cũng vậy, AEC đã đụng phải quyền lực đối trọng, từ nguồn rất khó tin (nếu ta tin theo Mills) là cộng đồng khoa học; quả thực, với Mills thì thậm chí một nhà cách tân nhiệt tình như Teller chắc cũng chỉ là một sĩ quan phụ tá cho giới chỉ huy chóp bu, các doanh nhân cỡ bự, các chính trị gia tai to mặt lớn.[67] Ngẫm lại riêng một số quyết định từ cuối Thế chiến thứ hai, ví dụ như quyết định không can thiệp vào Đông Dương hay loạt quyết định về chính sách giải trừ quân bị và hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân,[68] chúng tôi nghĩ người ta rất có thể sẽ đi đến chỗ cảm thấy như chúng tôi, rằng có không nhiều những nhóm cố kết trước sau như một biết mình muốn gì và có được thứ đó (dù một số người trong SAC và trong AEC quả đã có các mục đích rõ ràng, tập trung), mà đúng hơn đấy là một cuộc đấu đá nội bộ thường trực, không chỉ dựa trên các mối tư thù của một nhóm vệ binh hoàng gia (cả điều đó nữa) mà còn trên những quyền lợi kinh tế và quyền lợi ý thức hệ bất đồng, cũng như trên những cách hiểu biết khác nhau về thế giới và cách ứng phó với nó.

Thế thì vấn đề chính trong lối tiếp cận của chúng tôi không nằm ở chỗ chúng tôi nhắm mắt làm ngơ trước sự tồn tại của giới chóp bu quyền lực, hay ở chỗ chúng tôi bị lừa bởi cái mà Mills xem là trò ảo tưởng và gây sao nhãng mà người ta đang chơi ở các cấp quyền lực trung gian, vốn đã từng là các cấp chủ yếu. Điều chúng tôi đã không hiểu đúng được là chính quyền của chúng ta vừa quá hùng mạnh, có thể đe dọa làm tuyệt diệt cả thế giới, trong đó bao gồm người Mỹ (và có những trò bịp khiêu khích liều mạng có khả năng dẫn tới cái kết cục này), đồng thời lại quá bất lực khi đối mặt các nhóm phủ quyết, không tiến tới kiểm soát được mối đe dọa này. Cũng như các thành phố của chúng ta bất lực trước các xe ủi báo hiệu đường xa lộ, đường xa lộ báo hiệu tình trạng giao thông tắc nghẽn và sự tháo chạy ra khỏi thành phố – các ngành công nghiệp ô tô trở thành bản sao trong thời bình của SAC – thì nhà nước của chúng ta cũng chỉ làm được việc giữ ổn định những kẻ bán “vũ khí phòng thủ” đông đảo, bởi vì một ông tướng làm tổng thống đã quan tâm sâu sắc đến hòa bình và có phần ít lo sợ thiên hạ cho là mình yếu đuối hay nhân nhượng hơn phần lớn người của công chúng, và vì sự thỏa mãn cộng với nỗi lo lạm phát tốt đẹp mà ông ta có chung với các ông trùm Coca-Cola và các bạn chơi gôn theo hướng bất phòng thủ khác.

Nhưng như chúng tôi đã chỉ ra, thiếu sự gắn kết, thiếu khả năng hành động của chính quyền không thể mang lại an ninh cho công dân. Các nhóm phủ quyết thời kỳ trước đây trong các kẽ hở và xung đột của mình đã cung cấp một số vùng tự do cho cá nhân. Thế mà giờ đây, tính bất lực tương đối của chính quyền thường có tác động là làm cho công dân cảm thấy bất lực nhiều hơn thay vì ít đi. Khi một người có thể ra lệnh hay phạm sai lầm mà sẽ tàn phá cả hành tinh, thì quyền lực đối trọng bây giờ cũng chẳng làm được gì khá khẩm hơn sự cân bằng quyền lực truyền thống được quy định trong hiến pháp. Việc đã rồi của một nhóm có vị trí chiến lược – thường là các viên chức hay sĩ quan cấp dưới, không nhất thiết là những người giữ “vị trí chỉ huy” – có thể thế chỗ nền chính trị dân chủ. Trong tình cảnh như vậy, nhiều người xem một nhà lãnh đạo quốc gia được tăng cường sức mạnh như là lối thoát duy nhất, dù một hệ quả có thể xảy ra là sự tăng cường chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa sôvanh, những thứ sẽ góp phần vào tình trạng hỗn loạn quốc tế, vào khả năng chiến tranh toàn diện hay gần như toàn diện.

Song, chủ nghĩa dân tộc, dù ở trong lốt sáng tạo như một nguồn cho cảm giác tự hào và tính hiệu quả khi việc vượt qua được tính bộ lạc, hay trong giai đoạn “co cứng tử thi” giữa các cường quốc lớn, vẫn hơn là một công cụ bị giới chóp bu quyền lực điều khiển trong khi bản thân giới này vẫn tách rời và miễn nhiễm: giới chóp bu quyền lực vừa là tù nhân vừa là người sáng tạo của chủ nghĩa dân tộc. Và thất bại của các sáng kiến Mỹ năm 1953 không phải là hệ quả của một quyết định do một nhóm chóp bu như vậy đưa ra, khi cái chết của Stalin[69] khiến có thể nghĩ và bàn tới việc xích lại gần với Liên Xô; những nguyên nhân nằm sâu xa hơn và còn nghiêm trọng hơn.

Chính khi quay sang bàn đến các nguyên nhân này, một cách hết sức vắn tắt, chúng tôi mới bắt đầu thấy những hạn chế của phân tích về các nhóm phủ quyết và quyền lực đối trọng. Vì các nhóm này, ngoài các quyền lợi kinh tế cụ thể mà họ có thể đã dựa vào, không thể tránh khỏi bị định hình trong cung cách quan niệm và hành động bởi bầu không khí của một nền văn hóa kinh doanh. Các giá trị tư bản cũ đã suy tàn, theo những cách mà Đám đông cô đơn gợi ý, nhưng các định chế được định hình bởi những giá trị này vẫn còn lại; không có cái gì khác chiếm chỗ ấy. Chúng tôi không chỉ nói đến thái độ xem trọng lợi nhuận cá nhân, thái độ mà người nhạy cảm hơn hay thờ ơ hơn trốn tránh, mà còn nói đến những ấn tín [credential] nhờ đó các định chế tồn tại và được đánh giá. Ngoài các hình thức sở hữu ra, một xã hội công nghiệp còn nuôi dưỡng một khuynh hướng hay động cơ tâm lý nhất định: nó có chiều hướng bành trướng, nên người ta sẽ cảm thấy thua kém nếu tổ chức “của họ” không lớn mạnh lên hay tiến triển; một số giá trị có thể đo lường, tính toán, “hợp lý” thì được hiểu, trong khi các giá trị khác hiếm khi được nêu ra, huống hồ là được ủng hộ. Ở đây một lần nữa, các định chế mà người kiểu nội tại định hướng cho vận hành bây giờ có vẻ đang chạy theo quán tính tự thân, có thể nói vậy, bằng chính tồn tại của mình tước mất một số giải pháp thay thế trong khi lại mở ra những giải pháp thay thế khác. Con người không còn hăng hái hiệp lực trong sự lạc lõng của chính mình nữa: họ thường có phần bất mãn, nhưng họ không có cái xác tín rằng vẫn còn cách khác để giải quyết mọi chuyện – và do vậy không thể thấy mọi chuyện trục trặc ở đâu, có chăng là chỉ thấy ở ngoài rìa.

Do vậy mà, vào thời khắc này của lịch sử, nhân loại không thể tự hào và hy vọng ở vấn đề giải phóng năng lượng nguyên tử, dù cho điều này xem ra mang đầy tưởng tượng bay bổng và hấp dẫn đến thế nào đối với thời sau; con người cũng không thể tự hào ở các định chế công nghiệp mà sự giỏi giang và tận tụy đã tạo ra, những định chế giờ đây không còn khuyến khích được cả sự tận tâm lẫn cái nhìn mới về những gì con người có thể làm được. Phần nhiều, cái gọi là nhà lãnh đạo chỉ là những tù nhân được nuông chiều hơn và bị bắt làm việc quá sức hơn, nhưng hầu như chẳng đỡ bất lực đi. Họ “có” quyền lực lớn hơn so với những người khác, nhưng thường lúng túng không biết làm sao triển khai quyền lực đó. Người ta không cần phải học cùng trường, chia sẻ cùng những quyền lợi kinh tế như nhau hay tham gia cùng câu lạc bộ như nhau (theo chúng tôi hiểu là Mills nói thế) thì mới nhìn thấy thế giới theo cùng một cách cằn cỗi này. Chúng tôi tin rằng vẫn còn các kho trí tưởng tượng dồi dào và ý thức trách nhiệm trong người Mỹ, nhưng việc kích hoạt những cách nghĩ mới trong chính trị không thể tiếp tục phụ thuộc vào sự thâu tóm quyền lãnh đạo của một nhóm không-chóp-bu chưa được tổ chức với tư cách là cơ sở cho một phong trào chính trị; khi sự sung túc tăng thêm, chính tình trạng bất ổn của nhóm đặc quyền đặc lợi, chứ không phải của nhóm chịu thiệt thòi, mới là cái ngày càng trở nên quan trọng.[70]

Trong sự nhấn mạnh của mình và đương nhiên trong tâm trí độc giả, Đám đông cô đơn hướng sự chú ý sang các vấn đề “tự do thoát khỏi” cái gì hơn là các vấn đề “tự do được quyền” làm gì. Ở điểm này, tất nhiên, không như những người tự do theo trường phái Manchester, chúng tôi xem nhà nước như một đồng minh chứ không phải kẻ thù, dù là nhà nước bị các nhóm phủ quyết làm cho suy yếu và bất lực. Nhưng chúng tôi tập trung chủ yếu vào các vùng bên ngoài chính trị chính thức: các áp lực nhóm, các đòi hỏi vòng quanh – đòi được quyền tham gia, đòi sự đồng ý, đòi sự tán thành cả trong tâm khảm chứ không chỉ ở hành vi. Chúng tôi góp phần tạo ra nỗi sợ ngấm ngầm dằng dai đối với tính tuân thủ – một nỗi sợ vốn thường nhầm lẫn hành động hợp tác khi theo đuổi mục đích chung với sự mặc nhận đầy lừa dối và các giá trị bắt chước theo một nhóm quy chiếu nào đó, hay các giá trị được chấp nhận thoát khỏi nỗi sợ bị mang vẻ khác người, dù vấn đề đó có quan trọng hay không hoặc liệu nó có bao hàm một vấn đề nguyên tắc hay không.

Một mối bận tâm hoàn toàn khác trong cuốn sách, ấy là “tư nhân hóa”, ít gây ảnh hưởng hơn nhiều, có lẽ vì độc giả của chúng tôi không bao gồm những người bị hoàn cảnh biệt lập tách khỏi cộng đồng và các tư tưởng, hoặc họ thuộc những nhóm thiểu số, hoặc họ là phụ nữ phụ thuộc, hoặc họ nghèo hay cao tuổi. (Rõ ràng sự tư nhân hóa đã giảm, khi ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, khi nông dân các vùng quê hẻo lánh đã tiếp xúc được với thành thị và truyền thông đại chúng, khi tình trạng biết chữ đã phổ biến, và cả sự nhàn rỗi nữa). Tuy luận giải tình trạng bầy đàn bị áp đặt và rỗng tuếch theo kiểu “tự do thoát khỏi” là chủ yếu (tự do thoát khỏi các áp lực xã hội theo lối tự do chủ nghĩa xưa kia và thoát khỏi sức ép từ phía các tổ chức “tư nhân” theo lối mới hơn), nhưng chúng tôi lại luận giải tư nhân hóa theo kiểu “tự do được quyền”. Dẫu vậy, chúng tôi ước gì mình có thể nói nhiều hơn về kiểu xã hội trong đó những cảm nhận của cá nhân về tự do và tính hiệu quả có thể nảy nở, cái xã hội không tưởng ấy có thể làm cho tính độc lập không chỉ trở thành một thành tựu cá nhân, đương cự lại bản chất đời sống chung của chúng ta, mà còn là một sự tiệm tiến đến tính hiệu quả của đời sống đó và do vậy đến cảm thức của cá nhân đó về bản thân.

Truyền thông đại chúng. Khi bàn đến truyền thông đại chúng, Đám đông cô đơn phản ánh khám phá của các nhà nghiên cứu, nhất là Paul F. Lazarsfeld, rằng tuyên truyền chính trị và các cuộc vận động chính trị không có một chiến thắng dễ dàng, vô lương tâm trước các thành viên bạc nhược và cô thế trong khối quần chúng vô danh, mà các nhóm và “tiểu tổ” làm trung gian chuyển thông điệp từ các trung tâm truyền bá đến cá nhân, hướng dẫn sự diễn giải và chọn lựa của cá nhân này. Chẳng hạn, chúng tôi nhấn mạnh cách thức hoạt động của truyền thông đại chúng trong việc xã hội hóa thanh niên, bằng cách đưa ra một chương trình hành động cho nhóm ngang hàng cũng như các thứ hàng hóa vật chất chóng vánh cho nhóm đó tiêu thụ. Và chúng tôi thấy chính những người kiểm soát truyền thông đại chúng cũng dễ tổn thương trước áp lực nhóm, bị lòng mong muốn được trọng vọng của mình dẫn dắt đến việc biến chính trị thành một phần nổi trội trong chương trình tin tức chứ không chỉ chăm chăm nghe theo mệnh lệnh kiếm lời. Do vậy, chúng tôi thấy truyền thông đại chúng không làm người Mỹ sao nhãng khỏi các nhiệm vụ chính trị của họ, mà như một lời mời gọi vào chính trường – một lời mời mà, quả vậy, đã bị bóp méo đi nhiều bởi thói sùng bái cá nhân và bởi những phẫn nộ bộc phát hấp dẫn quần chúng.

Không quá ấn tượng vì tính đồ sộ của truyền thông đại chúng trong các cuộc vận động ngắn hạn để bán hàng hoặc để bán ý tưởng – khi thấy ở đây còn cả các nhóm phủ quyết và quyền lực đối trọng đang hoạt động – chúng tôi đã tập trung vào vấn đề có các ảnh hưởng lâu dài. Chẳng hạn, chúng tôi băn khoăn rằng bầu không khí chính trị Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng ra sao từ truyền thông đại chúng, dù với tư cách người quảng cáo hay người bán chương trình giải trí và tin tức, trình ra một hình ảnh đời sống tươi cười, khoan dung, hòa nhã, và (ngoại trừ trong thể thao và chính trị) khá vô cảm. Điều đó có làm tăng sự định hướng theo người dự đoán nội tình hay không, với cái giá là một số người liên lụy sâu hơn, còn số khác lại có một thái độ dửng dưng hơn nữa? Kết quả ra sao đối với bầu không khí văn hóa từ việc truyền thông đại chúng trưng ra những món hàng tiêu dùng hào nhoáng như vậy, cạnh tranh với các giá trị khác không được chào mời bằng – một chủ đề đã được lập luận của Galbraith làm sáng tỏ rõ ràng trong Xã hội sung túc rằng khu vực tư nhân cạnh tranh khốc liệt với các nhu cầu không được quảng cáo và hàng hóa không phô trương trong khu vực công cộng?[71] Ảnh hưởng đối với đời sống cảm xúc và đời sống riêng tư (phân biệt với khu vực tư nhân) của người Mỹ thế nào từ việc truyền thông đại chúng cứ tới tấp nhấn mạnh các mối quan hệ cá nhân, nhất là khi điều này được thực hiện một cách tinh vi hơn các nhà phê bình đắm mình trong truyền thống văn hóa cao sẵn sàng công nhận?

Theo chúng tôi thấy, lúc này trả lời các câu hỏi như vậy cũng không dễ hơn so với hồi viết sách. (Sự ra đời của truyền hình, ào tới sau khi cuốn sách của chúng tôi viết ra, không dẫn đến sự nghiên cứu nhọc nhằn về những khác biệt giữa tính chất đời sống của nhóm trước và sau khi có truyền hình – không gì sánh được với điều tra gần đây ở Anh do Hilde Himmelweit và các cộng sự của bà thực hiện.)[72] Rõ ràng là không thể tách bạch rạch ròi truyền thông khỏi bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn của nó, cũng như không thể tách các thông điệp quảng cáo trong truyền thông với “thông điệp” mà chính hàng hóa truyền đạt, được trưng bày trong các siêu thị, trên phố xá, trong nhà. Chúng tôi vẫn tin rằng tác động lâu dài của truyền thông đối với lối nhận thức, hiểu biết (hay, thường xuyên hơn, sự hiểu nhầm) về đời sống, ý nghĩa của việc ta là một chàng trai hay cô gái Mỹ, đàn ông hay đàn bà, hay người già, tác động đó vô cùng to lớn – quan trọng hơn cái quyền năng thường được đánh giá quá mức của truyền thông là đẩy một sản phẩm hay ứng viên được dị biệt hóa biên tế lên trên sản phẩm khác hay ứng viên khác.

Nhưng ngay cả trong lĩnh vực này, nơi mà suy đoán phải ngự trị vì không có thăm dò, trong Đám đông cô đơn chúng tôi đã từ chối và đến nay vẫn từ chối vào hùa với cuộc tấn công không phân biệt vào hàng hóa thứ phẩm mang tính biểu tượng do truyền thông tiến hành. Lượng thời gian lớn mà đa phần người Mỹ dành cho truyền hình thật đáng kinh hoàng, nhưng các lựa chọn khác vào thời chưa có truyền hình, ví dụ như chạy xe loanh quanh không chủ đích, ngồi không, xem thể thao hay chơi bài, cũng khó là “thiết thực” hơn hay đỡ gây kinh hoàng hơn.

Thế nhưng chắc chắn có nguy cơ Đám đông cô đơn bị hiểu là lời mời gọi các nhà trí thức lăn lộn vào trong truyền thông đại chúng, và mời họ cổ vũ hơn là tìm cách thay đổi những theo đuổi bình dân của người có học vấn thấp. Dẫu vậy, chúng tôi nghĩ rằng cuốn sách có thể giúp những ai muốn cải tổ truyền thông đại chúng thực hiện việc đó một cách thông minh hơn. Trước tiên, chúng tôi khuyến khích mọi người biết phân biệt giữa các phương tiện truyền thông đại chúng với nhau; và ngày nay chúng tôi muốn chỉ ra rằng điện ảnh đã đỡ rụt rè hơn thời chúng tôi viết, phần nào vì bị truyền hình đánh bại giống trường hợp của phát thanh trước đây, điện ảnh có tự do tương đối của một quyền lực nhỏ. Ngay cả trong truyền hình, các mạng cũng khác nhau về ý thức trách nhiệm, và các đài riêng lẻ đôi khi cũng cho thấy sự can đảm trong các chủ đề họ chọn cho một số ít kịch và phim tài liệu, dù rằng chúng hiếm khi thể hiện trí tưởng tượng trong sắc thái đề cập (một chủ đề Reuel Denney bàn đến trong cuốn The Astonished Muse [Nàng thơ sững sờ]). Hơn nữa, các nhóm phủ quyết hoạt động với uy lực đặc thù trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, nên chỉ cần có một lá thư thịnh nộ gửi đến một mạng, hay một nhà bảo trợ, hoặc một hạ nghị sĩ thì nó cũng đã có thể ảnh hưởng đến cả chương trình – thường là bất lợi.

Tuy vậy, mối bận tâm sâu đậm nhất của chúng tôi về truyền thông đại chúng không phải là tác động về lâu dài của nó đối với văn hóa, mà về một thực tế là báo chí, tạp chí tin tức và nhất là phim thời sự đã trở thành vị chủng hơn nhiều nếu không phải là bớt tính địa phương đi so với năm 1948; những loại hình truyền thông này đưa tin tức quốc tế có phần nhiều hơn, chỉ là để che giấu nó trong các khẩu hiệu tự phục vụ và mỹ từ lừa mị của Chiến tranh Lạnh. Theo cách nhìn này, các sự kiện và ý nghĩ đang phát triển của chúng tôi đã buộc chúng tôi phải xem xét truyền thông đại chúng một cách tỉnh táo hơn và bớt hy vọng so với thời viết Đám đông cô đơn.

Độc lập và không tưởng. Trong một bài phê bình Đám đông cô đơn, Richard L. Meier và Edward C. Banfield viết:

Kiểu người độc lập là người thế nào trong một xã hội thiên về hình thái ngoại tại định hướng rất có thể có trong tương lai? Đây là một câu hỏi mà các tác giả chỉ bàn sơ qua. Chúng tôi gợi ý rằng – nếu con cháu chúng ta và sinh viên chúng ta là một tiêu chuẩn nào chăng – kiểu độc lập mới sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi lượng thông tin khổng lồ mở ra cho anh ta, và bởi các định chế tương đối công tâm, có tác dụng nhanh, toàn diện mà anh ta có thể sử dụng. Mối quan hệ của anh ta với máy móc sẽ là mối quan hệ của người thiết kế hay người chẩn đoán, chứ không phải của nô lệ. Logic của anh ta sẽ là đa giá trị, thường đi cùng việc lập ra những công thức cụ thể mang tính thống kê. Khi các xác suất là như nhau cho mọi lựa chọn, anh ta sẽ chọn một cách tự phát. Lòng trung thành của anh ta sẽ không mãnh liệt; song, chủ nghĩa quốc tế như một lý tưởng sẽ cuốn hút anh ta. Trò chơi của trí tưởng tượng sẽ đa dạng hơn, nhưng các kế hoạch cho tương lai sẽ nổi bật hơn (mốt khoa học giả tưởng hiện nay có thể là một triệu chứng của điều này). Quan điểm đạo đức của anh ta là ham tìm hiểu và thực dụng: hoàn cảnh bất hạnh sẽ dẫn đến hành động phản xã hội. Tội lỗi, do vậy, sẽ được thanh minh khi các nguyên nhân được thấu hiểu. Nhưng hành động phản xã hội vẫn là một thứ mà những nhân cách độc lập về mặt khác sẽ phải tránh. Cái mà sự đồng lòng xây nên như thiện chí xã hội vẫn sẽ thiêng liêng.[73]

Thái độ của các nhà phê bình này khác rõ rệt với thái độ của phần lớn các nhà phê bình và, trong chừng mực chúng tôi có thể nói dựa trên trao đổi thư từ và thảo luận, những độc giả Đám đông cô đơn mạch lạc nhất, những người, như đã nói, có chiều hướng xem kiểu nội tại định hướng và tính độc lập gần như là cùng một thứ, và là những người sẽ kinh hãi nhìn những sự nhạy cảm dễ biến đổi và có lẽ đầy ứ mà các ông Meier và Banfield hình dung đầy hy vọng. Tôi cho rằng sự lẫn lộn giữa kiểu độc lập và kiểu nội tại định hướng mà nhiều độc giả mắc phải phần nào cho thấy chúng tôi chưa thể làm cho tính độc lập trở thành một ý niệm sống động hơn và bớt hình thức hơn – cho nó nội dung, như kiểu nội tại định hướng đã có được nội dung vì khái niệm đó gợi lên trong óc nhiều ví dụ lịch sử mà ai cũng đã kinh qua. Ngoài ra, một nét suy tưởng hoài niệm vẫn luôn mãnh liệt ở Mỹ bất chấp các làn sóng lăng xê và lạc quan hướng tới sự tiến bộ vẫn thường ngự trị.

Thật ra, trong thập niên 1950, như chúng tôi đã nói, đôi khi có vẻ như nhiều thanh niên có học chỉ thấy có hai vai trò khả dĩ cho họ: một là vai trò của người tổ chức lắm tiền nhiều của (ngoại tại định hướng), hai là vai trò của chàng cao bồi đi ủng da tiện dụng (nội tại định hướng); chính là trong giai đoạn này mà “cảm giác cùng bên nhau” [togetherness] hợp với “nhà cải cách hoang tưởng” [do-gooder] thành một từ để chỉ sự khinh thường. Trong tình cảnh eo hẹp của các lựa chọn thay thế này, những cử chỉ nhỏ nhặt khẳng định bản thân – hay thiếu quan tâm đến người khác kiểu duy ngã – thường đội lốt tính độc lập. Sự biến chất từ cá tính sang thói vị kỷ và lập dị là chuyện không có gì mới ở nước Mỹ.

Không phải chúng tôi không biết gì về những khả năng có thể xảy ra này khi viết Đám đông cô đơn, khi viết chương cuối về “Độc lập và không tưởng”, chúng tôi đã tìm cách giảm nhẹ việc nhấn mạnh vào “tự do thoát khỏi” và đem lại một bức tranh về sự gắn bó thân thiết của nhân loại, bức tranh ấy sẽ mang tính tiên tri mà không hình thức hay đa cảm quá. Những điều chúng tôi tưởng tượng tỏ ra không tương xứng với nhiệm vụ sáng tạo một xứ sở không tưởng phù hợp với phân tích của mình.

Giờ đây chúng tôi thấy nét không tưởng mạnh mẽ vẫn còn lại trong cuốn sách dường như là nét ít làm chúng tôi hài lòng nhất, cụ thể là, toàn bộ quan niệm rằng tính độc lập trong nền văn hóa hậu công nghiệp sẽ có thể tìm thấy trong vui chơi giải trí và sự nhàn rỗi, chứ không phải trong công việc. Chúng tôi đã đúng khi kết luận rằng các động cơ sinh kế ngày xưa là cái đói và lợi lộc nay đang biến dần. Chúng tôi cũng đúng khi bác bỏ phương án thay thế là thuyết phục công nhân rằng việc họ đang làm là có ý nghĩa, bằng cách làm cho công việc đó trở nên thân thiết và bằng sự tham gia giả tạo được khuấy lên trong một đại gia đình công ty hạnh phúc. Rõ ràng đối với nhiều người, có lẽ nhất là đối với phụ nữ mà mối bận tâm chính là gia đình của họ, một công việc không cần phải “có ý nghĩa”, miễn sao giờ làm ít và thuận tiện, đi lại không khó khăn, bản thân công việc không quá nhọc nhằn mà cũng chẳng hạ thấp nhân phẩm. Đối với nhiều người, trung tâm của sức hút, của tính hệ trọng có thể và quả thực đã nằm ngoài nghề nghiệp của họ. Thế nhưng chúng tôi đã không đánh giá được đầy đủ những cái giá phải trả cho sự thay đổi trung tâm như vậy, không chỉ đối với nam giới được đào tạo trong thời đại công việc là động lực mà còn đối với con cháu họ trong tương lai gần. Lời Daniel Bell nhận định chúng tôi – “những nhà tiên tri về vui chơi” – trong Work and Its Discontents (Công việc và những bất mãn) chúng tôi thấy có vẻ xác đáng.[74]

Cả ở điểm này, vấn đề trước mặt chúng ta là trí tưởng tượng, có lẽ còn là vấn đề can đảm nữa. Đối với hàng triệu người mà công việc rõ ràng không có tầm quan trọng sống còn cho xã hội, giải pháp thay thế để khỏi trôi dạt tới tình trạng một mặt việc làm cho hết thời gian còn mặt khác vui chơi là một cuộc tái tổ chức công việc và do vậy tái tổ chức xã hội một cách triệt để đến mức khó hình dung. Chúng ta không chỉ phải loại bỏ công việc thừa, ăn bám mà còn phải giảm quy mô nơi làm việc và biến việc quản lý nó thành một công cuộc cùng nhau chia sẻ. Lần đầu tiên, nhờ của cải xã hội và kiến thức về tổ chức mà ta có thể nghĩ đến chuyện đi theo hướng này, để công việc trở nên đòi hỏi khắt khe hơn, đa dạng hơn, nhiều tính tham dự hơn, và bớt ngăn ô dựng rào với giáo dục và chính trị. Cái gì đó giống như vậy là mục tiêu của các nhà xã hội chủ nghĩa phường hội; các yếu tố có thể nhận thấy – than ôi, hầu như là thứ trang trí ý thức hệ – trong các phân xưởng ở Nam Tư; và những điềm báo trước xảy ra ở một số công ty của Mỹ, ví dụ như Polaroid. Bất luận thế nào, chúng tôi vẫn đồng tình với Paul Goodman trong Growing Up Absurd (Lớn lên phi lý), rằng con người cần cảm thấy mình xứng đáng: giữ được một việc làm, và rồi được liên hệ với đời sống qua tư cách người tiêu dùng, chừng ấy chưa đủ. Thực vậy, chúng ta đã sớm nhận ra rằng gánh nặng dồn cho nhàn rỗi do sự phân rã việc làm đã lớn đến mức không đối phó nổi; bản thân nhàn rỗi không giải cứu được công việc, mà chết chìm cùng với nó, và sự nhàn rỗi chỉ có thể có ý nghĩa đối với hầu hết mọi người nếu công việc có ý nghĩa, để chính các phẩm chất chúng ta tìm kiếm trong nhàn rỗi dễ có khả năng thành hiện thực hơn nếu hành động xã hội và hành động chính trị tiến hành cuộc chiến hai-mặt-trận là công-việc-và-nhàn-rỗi.

Đám đông cô đơn có chiều hướng giảm thiểu các áp lực khách quan đang khiến cho công việc của tầng lớp các nhà chuyên môn và quản lý thành ra khó khăn hơn, ngay cả khi giờ làm việc được rút ngắn và điều kiện lao động khắc nghiệt đã giảm bớt tại các khu vực đang ngày càng thu hẹp là trang trại, dịch vụ cá nhân và công nhân “cổ xanh”. Một sự phân công lao động khó lòng đạt đến lý tưởng chừng nào còn đòi hỏi một tuần làm việc 70 giờ đối với bác sĩ, quan chức điều hành cấp cao và công chức cấp cao mà ít tính đến nhịp điệu riêng của họ (giới giáo sư và nghệ sĩ có thể ngẫu hứng làm việc suốt nhiều giờ, nhưng chịu áp lực bên ngoài có phần ít hơn), trong khi phần dân cư còn lại thấy công việc của mình nhàm chán và vô nghĩa đến mức họ tìm cách giảm ngày làm việc và nghỉ hưu sớm nếu tài chính cho phép.[75]

Dù một số người phê bình Đám đông cô đơn rành mạch hơn đã chỉ trích là cuốn sách hơi quá lạc quan về sự nhàn rỗi và dư dật của nước Mỹ, nhưng lại có những người khác (nhất là đồng nghiệp Talcott Parsons của tôi) phê phán nó là nhấn mạnh quá mức đến cảm giác xa lánh với công việc và đời sống gia đình khi mà, như nhiều bằng chứng khách quan chỉ ra, rất nhiều khía cạnh trong đời sống Mỹ đã được cải thiện.[76] Một điều đã xảy ra như là hệ quả của chính trật tự các thay đổi mà Đám đông cô đơn bàn luận là sự gia tăng những kỳ vọng vào cuộc đời ở nhiều người Mỹ đã vượt lên khỏi mưu cầu sinh kế. Đây là “cuộc cách mạng gia tăng kỳ vọng” kiểu Mỹ với phương châm “Nếu mọi chuyện đã tốt đẹp rồi thì sao lại không thể tốt đẹp hơn nữa?” Alexis de Tocqueville, trong cuốn sách về chế độ cũ (ancient régime), có lẽ là người đầu tiên quan sát thấy rằng các cuộc cách mạng xảy ra không phải khi con người bị áp bức tàn tệ mà là khi tiêu chuẩn sống tăng lên và đàn áp chính trị trở nên bớt gay gắt phần nào; cuộc cách mạng ở Hungary và cú lật đổ lãnh đạo ở Ba Lan năm 1956 chỉ là một vài trong số những minh họa gần đây nhất. Kenneth Keniston mới đây đã mô tả tình trạng xa lạ (alienation) đã lan rộng trong nhiều thanh niên Mỹ có đặc quyền đặc lợi.[77] Nhiều người đi tìm một sự nghiệp, một giao kết tận tụy, và một số tìm kiếm điều này ở bên ngoài nước Mỹ, nhưng rất ít khi ở phía sau Bức Màn sắt,[78] mà là ở Ấn Độ, châu Phi, Cuba hay Israel. Có vẻ như con người không thể sống được lâu trong một thế giới tĩnh tại, tỉnh táo cạn kiệt hệ tư tưởng – một thế giới của những nhóm phủ quyết và quyền lực đối trọng với những thành tựu vừa phải, hợp tình hợp lý bên trong chế độ; cũng không còn hiệu nghiệm nữa khi lớp già dạy lớp trẻ rằng cố đạt được cái gì đó tốt đẹp hơn nữa thì sẽ kéo theo những cái xấu xa còn tệ hại hơn: nỗi sợ chỉ có thể đóng vai trò cản trở hy vọng trong một xã hội tĩnh tại hay trong một giai đoạn ngắn.

Nếu trong các nước “đang phát triển” ngày nay con người thấy trước mục tiêu xóa bỏ đói nghèo và bóc lột, thì trong các nước “quá phát triển” con người lại trở nên ý thức rõ về những nỗi thất vọng tinh tế hơn, sự xa lạ gián tiếp hơn. Vậy nhưng, họ không biết làm sao để tiến hành một chương trình chính trị xuất phát từ đòi hỏi cá nhân là phải có công ăn việc làm có ý nghĩa, có những quan hệ cá nhân chân tình, và chính sách đối ngoại phi quân phiệt. Chỉ trong lĩnh vực quan hệ chủng tộc, nơi mà sự bao dung có thể được thực hành một cách cá nhân và bộc lộ giữa các đồng nghiệp với nhau, và nơi mà vấn đề đã rõ ràng, những thanh niên nhạy cảm hơn mới có thể nói lên quan điểm của mình và làm cho nó có hiệu lực. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, nhóm khoan dung vẫn còn phó mặc [mọi sự] cho nhóm phẫn nộ định đoạt; và nhiều người Mỹ không có kiểu xã hội không tưởng nào hay hơn là sự quay lại điên rồ với thời đại Theodore Roosevelt,[79] học đòi cả thói hiên ngang táo tợn trong quá khứ của chúng ta lẫn của Liên Xô – cứ như một lần nữa có thể biến cả dân tộc này trở thành kiểu nội tại định hướng bằng cách chủ thể hóa cuộc chạy đua vũ trang dưới nhãn mác mục đích quốc gia. Nếu họ thắng cuộc, sẽ không còn cả cái cơ hội mong manh là biết đâu Mỹ sẽ mách nước cho thế giới làm sao để vận dụng tình trạng biết chữ và sự dư dật.

Đến đây chúng tôi thấy mình trở lại vấn đề ranh giới dân tộc, dù trước đó, khi bàn về tính cách xã hội, chúng tôi đã nhất trí rằng thế giới đang trở nên đồng nhất hơn, và rằng các vùng biệt lập, dù mang tính dân tộc hay khu vực, chắc chắn sẽ biến mất, miễn là các vùng biệt lập hiện nay sẽ không làm hết thảy chúng ta biến mất. Song, ngược với điều mà nhiều người hoài cổ tin, các ranh giới cố định lâu đời hơn giai cấp, đẳng cấp và dân tộc có biến mất đi chăng nữa thì cũng không nhất thiết có nghĩa là sự tương đồng xét về mặt phát triển phong cách sống cá nhân trên thế giới sẽ tăng lên. Các khác biệt ngoại lai không còn nữa thì sẽ chỉ làm khách du lịch chưng hửng, nếu như các khác biệt đã từng nảy sinh giữa con người với nhau do vị trí địa lý có thể được thay thế bằng những khác biệt nảy sinh từ những tiềm lực chưa được khám phá là khí chất, sở thích và tính hiếu kỳ của con người. Mối bận tâm hiện nay về bản sắc ở đất nước này (nhất là chịu ảnh hưởng lớn từ công trình của nhà phân tâm học Erik H. Erikson) phản ánh sự giải phóng con người thoát khỏi địa hạt của tính tất yếu về tính cách học. Quyền năng của cá nhân trong việc hình thành tính cách của riêng mình thông qua chọn lọc giữa nhiều kiểu mẫu và kinh nghiệm đã được gợi mở qua khái niệm độc lập (autonomy) của chúng tôi; khi điều này xảy ra, con người có thể thu hẹp tính địa phương cục bộ của việc sinh ra trong một gia đình cụ thể ở một nơi chốn cụ thể. Với một số người, điều này đem lại chỉ một triển vọng là sẽ có những kẻ không có cội nguồn gốc rễ và sự lệch lạc tăng vọt mà thôi. Với những người tiên tri mang nhiều hy vọng hơn thì, một ngày nào đó, những mối ràng buộc dựa trên ý thức về tính tương thuộc có thể sẽ thay thế các mối ràng buộc máu mủ quê hương.[80]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.