Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG IV: Người kể chuyện với tư cách chuyên gia về chiêu thức: sự thay đổi trong các tác nhân hình thành tính cách (tiếp theo)



Đáp: Cháu thích Siêu nhân hơn những người khác vì họ không làm được mọi thứ như Siêu nhân. Người Dơi không biết bay mà chuyện đó thì quan trọng lắm chứ.

Hỏi: Cháu có thích biết bay không?

Đáp: Cháu thích bay được nếu ai cũng vậy, còn nếu không chuyện đó sẽ có vẻ như chơi nổi.

Trích phỏng vấn một bé gái 12 tuổi[134]

Ngôn ngữ, như chúng tôi đã lưu ý trong chương trước, trở thành một công cụ tinh tế và uy lực của nhóm ngang hàng. Vì ngôn ngữ của người trong cuộc đã trở thành một thứ chìa khóa vạn năng bất cứ lúc nào cũng có thể mở được những xu hướng thị hiếu và tâm trạng đang thịnh hành trong nhóm. Với người ngoài cuộc, bao gồm cả những người lớn theo dõi, ngôn ngữ trở thành một thứ tối nghĩa khó hiểu, luôn luôn mang các thông điệp của nhóm ngang hàng đầy những nghĩa đặc biệt không thể luận ra được. 

Tìm hiểu kỹ hơn lối sử dụng ngôn ngữ ở nhóm trẻ ngang hàng, chúng ta sẽ thấy các khía cạnh của nó khác nhau như thế nào. Chính ngôn ngữ đã trở thành một thứ hàng tiêu dùng. Ngôn ngữ được dùng không phải để hướng dẫn mặt kinh tế của công việc, không phải để gắn kết cái tôi với người khác theo bất kỳ cách thức thân thiết thật tình nào, không phải để gợi nhớ quá khứ, lại cũng không như trò chơi chữ thuần túy. Đúng hơn ngôn ngữ được dùng trong các nhóm ngang hàng ngày nay chẳng khác nào những giai điệu thịnh hành hình như một thời từng được dùng: như một bộ thẻ đánh bạc dùng để chứng minh rằng ta là người “trong cuộc” và nhờ nó ta tham gia “công tác” tự hòa đồng gay go của nhóm ngang hàng. Còn các nhóm ngang hàng, trong khi thực hiện uy quyền nhiều hơn bao giờ hết thông qua sử dụng ngôn từ, thì hơn bao giờ hết là nạn nhân của chữ nghĩa. Trong khi chúng học cách bám khư khư lấy từ ngữ – hầu hết dấu hiệu đều được đưa ra bằng từ ngữ – thì đồng thời chúng cũng biết nghi ngờ chữ nghĩa. Như chúng ta đã thấy, các phán quyết trong nhóm ngang hàng thường hết sức mập mờ. Một số từ cũ hơn, ví dụ như “đồ con hoang” và “đồ đê tiện” vẫn còn, nhưng ý nghĩa đã mơ hồ hơn – thậm chí còn có thể vừa nói vừa mỉm cười! Cứ vài năm lại nảy ra cả mớ danh sách từ mới.

Nhóm ngang hàng đứng giữa cá nhân và những thông điệp bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Truyền thông đại chúng là người bán sỉ, các nhóm ngang hàng là người bán lẻ cho ngành truyền thông. Nhưng dòng thông điệp này không chỉ một chiều. Những kẻ đồng đẳng không chỉ quyết định xem sẽ duyệt, ở một mức độ lớn, những thị hiếu, tài nghệ và từ ngữ nào lần đầu xuất hiện trong nhóm, mà còn chọn ra một số để truyền bá rộng hơn ra các nhóm kế cận, rồi cuối cùng quay trở lại truyền thông đại chúng để phổ biến rộng hơn nữa. Nếu xem xét quá trình này, chúng ta sẽ thấy rằng cá nhân nào hình thành nên, giả dụ một phong cách diễn đạt riêng, thì sẽ hoặc bị nhóm ngang hàng phớt lờ hoặc được chấp nhận. Nếu cậu ta và phong cách của cậu ta được chấp nhận, cả nhóm sẽ chọn dùng phong cách của cậu ta, và ít ra trong nghĩa này thì phong cách đó không còn là của cậu ta nữa. Nhưng điều này cũng có thể xảy ra cho một nhóm ngang hàng cụ thể, đến lượt nhóm đó, sẽ giống như trong trường hợp cậu bé có phong cách chào riêng mà chúng ta đã đề cập ở cuối chương vừa rồi. Truyền thông đại chúng giữ vai trò quan trọng bậc nhất khi biến các phong cách riêng mà cá nhân và nhóm đã xây dựng nên thành cái không của riêng ai rồi phát tán ra khắp một vùng rộng lớn.

Tuy vậy, trong chương này, trọng tâm của chúng tôi sẽ không đặt nhiều ở chính truyền thông cùng các mô thức hoạt động và kiểm soát của chúng, mà ở các ảnh hưởng của hình tượng và sự kể chuyện lên khán giả trẻ em. Và dĩ nhiên những ảnh hưởng này không thể xem xét tách rời với cha mẹ, thầy cô, và các nhóm ngang hàng vận hành trên dây chuyền sản xuất tính cách. Giả dụ, nếu chúng ta thấy một đứa trẻ có vẻ chịu ảnh hưởng từ sách vở nhiều hơn mọi người, điều đó có thể vì đối với nó mọi người áp đảo đến độ nó phải náu mình trong sách vở. Hơn nữa, các nền văn hóa khác nhau rất nhiều về nhận thức mà chúng nhấn mạnh trong việc dạy trẻ biết phân biệt giữa các hình ảnh với nhau và biết phân biệt giữa người với người. Nhưng nhìn chung có vẻ như sẽ công bằng khi nói rằng những người kể chuyện là tác nhân xã hội hóa không thể thiếu. Họ hình dung ra thế giới cho trẻ và nhờ vậy đem đến cả hình dạng lẫn những giới hạn cho trí nhớ và trí tưởng tượng.[135]

Khi khảo sát cặn kẽ chủ đề này, chúng ta không nên lẫn lộn các thể loại văn học với vấn đề các ảnh hưởng tâm lý – xã hội. Tôi sẽ dùng từ “truyện kể” rộng rãi trong chương này để bao gồm không chỉ thơ ca và truyện hư cấu mà còn bất cứ miêu tả bịa đặt và thêu dệt nào: một phim thời sự “có thực” theo định nghĩa này cũng có thể là một truyện kể.

Các xã hội trong giai đoạn chớm giảm dân số có đủ khả năng, nói chính xác là cung cấp, và vừa có thời gian vừa có nhu cầu tiếp nhận một lượng dồi dào hình tượng từ các trung tâm truyền bá ở đô thị. Nền công nghiệp và khả năng biết đọc biết viết của dân chúng có vẻ như đi cùng với nhau. Hơn nữa, cũng chính những xã hội này, dựa vào các tác nhân hình thành tính cách bên ngoài gia đình nhiều hơn những người đi trước. Do vậy, như chúng ta nghĩ, những người kể chuyện thông qua phương tiện truyền thông đại chúng giữ một vai trò đáng kể trong nhóm trẻ bị ngoại tại định hướng. Chúng ta có thể thấy những gì đã thay đổi trong các thế hệ gần đây, chỉ cần đem đối chiếu kinh nghiệm ngày nay với kinh nghiệm của trẻ em trong các xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng và nội tại định hướng.

I. Bài hát và truyện kể trong giai đoạn truyền thống định hướng

Truyền thông bên lò sưởi. Gần như theo định nghĩa, một xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng sử dụng các hình thức truyền miệng truyền thống, thần thoại, truyền thuyết và bài hát như một trong những cơ cấu để truyền đạt tính thống nhất tương đối trong các giá trị của nó. Sự mập mờ không phải là không tồn tại trong các hình thức này. Nhưng vì truyện được một thành viên trong gia đình hay một người thân thích của gia đình kể cho bọn trẻ nên câu chuyện có thể được sửa đổi lại để hợp với chúng, và vì chúng có thể bình luận, hỏi han, thêm thắt, câu chuyện được chúng đặt vào một bối cảnh có thể tác động đến được. Tức là, kể chuyện vẫn là một tài nghệ, được tiếp nối trong gia đình và gắn liền với các quá trình xã hội hóa khác diễn ra ở đó.

Trong hoàn cảnh này, không có gì lạ khi bài hát và truyện kể được diễn tả bằng lối trình bày trực tiếp giữa họ hàng và bạn bè với nhau thường là những bài học răn dạy khô khan; chúng kể chuyện gì đã xảy ra với những kẻ không vâng lời cộng đồng hay các thế lực siêu nhiên. Hoặc truyện kể nhắc đến người lừng lẫy để làm gương phải là kiểu người thế nào trong nền văn hóa xét trên những đức tính tiêu biểu như can đảm hay nhẫn nại. Song, một số lượng đáng ngạc nhiên truyện kể trong nhiều nền văn hóa phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng lại không mang tính răn dạy theo nghĩa trực tiếp này. Như trong Kinh Thánh có một số câu chuyện thuật lại các cuộc nổi loạn, thành công hay thất bại bi thảm, chống lại những kẻ quyền thế – dù trong nhiều trường hợp chủ đề của nổi loạn đã được ngụy trang.

Những truyện kể về chuẩn mực và “trái chuẩn mực”. Nét nổi loạn gây chú ý trong những câu chuyện này cho thấy rằng ngay cả trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng thì cũng vẫn còn những cuộc tranh đấu không hòa nhập xã hội hoàn toàn. Mặc dù người ta chấp nhận sự kiềm tỏa từ nền văn hóa của mình, và hầu như khó hình dung nổi một sự kiềm tỏa khác, nhưng không phải họ không nhận thức được sự câu thúc: những truyện kể, cũng như những ước mơ của họ thường vẫn vậy, là nơi nương náu và sự cứu rỗi cho nhận thức này, giúp họ còn tiếp tục được cuộc sống thường nhật. Gánh nặng hổ thẹn và tội lỗi của cộng đồng được giảm nhẹ nhờ cuộc “xưng tội” chung, sự giải thoát chung mà chuyện hoang đường cho phép. Thế nên, trong những chuyện hoang đường này, có rất nhiều quan điểm hiện thực về bản tính con người ngang ngạnh, chưa thích nghi với xã hội – đây là một lý do mà chuyện hoang đường hấp dẫn chúng ta qua bao thế kỷ và vượt qua các biên cương văn hóa. Chúng cho thấy con người mãnh liệt hơn, sân si hơn, nổi loạn hơn là vẻ ngoài.

Tại sao lại như vậy? Hình như nếu mọi người chỉ “điều chỉnh” – nếu họ chưa bao giờ có dù chỉ một ý nghĩ vượt lên trên các cấm đoán văn hóa – cuộc đời thành vô vị đến nỗi sẽ gây nguy hại cho chính nền văn hóa. Các nền văn hóa phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng thường thể chế hóa được một mức độ nổi loạn không chỉ cho những người lầm đường lạc lối mà còn cho tất cả mọi người. Đôi khi điều này được thực hiện trên cơ sở vòng đời. Do vậy một số nền văn hóa cho phép, thậm chí còn khuyến khích tính hỗn xược ở trẻ em chỉ để kiểm soát người lớn chặt chẽ hơn; một số nền văn hóa khác cho phép đàn bà lớn tuổi được thô tục mà phụ nữ trẻ hơn không được phép. Thi thoảng sẽ có những ngày đặc biệt – những ngày hội – khi các rào chắn bị hạ xuống.

Chừng nào những khe hở dành cho nổi loạn nằm trong địa hạt tưởng tượng được văn hóa chấp thuận thì chức năng xã hội hóa của các thần thoại và truyện kể – tiền thân của truyền thông đại chúng – sẽ là chức năng kép. Các bậc bề trên dùng truyện kể để nói với lớp trẻ: các cháu phải giống như thế này thế kia nếu muốn được ngưỡng mộ và sống xứng đáng với các truyền thống cao quý của nhóm. Nhưng đám trẻ cũng được dạy – đôi khi trong cùng thông điệp – là đã có những kẻ như thế như thế phá luật, những kẻ đã làm nhiều điều xấu xa tồi tệ mà các cháu chưa từng làm, và có lẽ chưa từng dám nghĩ tới, và dù hắn ta có còn toàn mạng để kể chuyện hay không thì hắn cũng đã sống nên chúng ta mới nói về hắn. Chính cái thế lưỡng cực này trong các truyện kể đã giúp lớp trẻ hòa nhập với các kích động bị cấm đoán thông qua việc nhận ra chúng là một phần trong di sản dành cho mình với tư cách là con người, từ đó có thể hình thành một mối liên kết ngầm qua thần thoại, giữa các lĩnh vực bị ức chế của người lớn và các lĩnh vực của trẻ. Cuối cùng, truyện kể giúp trẻ nắm được vừa nhiều hơn vừa ít hơn so với cái chúng thấy xung quanh, cả hành vi được tán thành lẫn hành vi mà dù không được tán thành, cũng đã thực hiện; nói cách khác, truyện kể cung cấp cho hành vi những khuôn mẫu sẽ không tìm thấy trọn vẹn trong bất kỳ nhóm gần gũi nhất định nào.

Thế nhưng việc này còn phức tạp hơn thế nữa. Quả thực, chúng ta có thể cho rằng bước chuyển dịch sang kiểu nội tại định hướng diễn ra đầu tiên trong các nhóm mà, nhờ biết đọc biết viết hay thứ gì khác, tiếp cận được với nhiều nét mập mờ càng lúc càng tăng lên trong phương hướng. Như trong lý thuyết toán học về thông tin liên lạc thì mọi kênh đều có hòa lẫn cái mà trong chuyên môn gọi là tạp âm với cái gọi là thông tin và do vậy hạn chế tự do của người gửi, thì các thông điệp được nhắm đến hay được tin là sẽ xã hội hóa lớp trẻ cũng không thể không chứa tạp âm với các ảnh hưởng đa dạng, những ảnh hưởng có thể xã hội hóa thái quá hay phi xã hội hóa chúng.

II. Các chức năng xã hội hóa của sách báo trong giai đoạn nội tại định hướng

Khi các xã hội bước vào giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, giáo dục chính quy tăng lên, phần là để đào tạo con người cho các nghiệp vụ mới, chuyên môn hơn trong công nghiệp và nông nghiệp, phần là để thu hút lớp trẻ không còn cần thiết ở nông trại, và việc học hành của chúng có thể được năng suất tăng cao của xã hội lo liệu. Dĩ nhiên, những người trẻ này sẽ học đọc. Nhưng người già cũng như người trẻ đều bị cái háo hức và mới lạ là khả năng biết đọc biết viết tác động: khắp nơi người ta khao khát báo chí và sách vở – một sự khát khao mà công nghệ và các phương tiện truyền bá khơi dậy nhưng không thỏa đáp đầy đủ. Nỗi háo hức này, cơn đói khát này, là một dấu hiệu của cuộc cách mạng tính cách học đi kèm với cuộc cách mạng công nghiệp.

Ở Hoa Kỳ, cũng như ở các nước chớm giảm dân số khác, cơn đói khát này đã giảm; quả thực, với nhiều người thì kế tiếp cảm giác đói khát ấy là một kiểu no nê sách báo nghiêm túc, cộng với cái thèm khát vô độ những trò tiêu khiển và nghị trình văn hóa đại chúng. Để nhớ lại mô thức cũ, chúng ta có thể xem xét các nước như Mexico và Nga, hiện nay đang trải qua công nghiệp hóa, ở đó người già khao khát sách báo còn người trẻ được ngưỡng mộ vì học vấn. Chúng ta vẫn có thể thấy phần nào điều này trong số người da đen tự học là chính ở tận tít miền cực Nam Hoa Kỳ sống giữa những người da đen và da trắng mù chữ còn sót lại.

Bước tiến triển này đã tiếp sức cho sự chuyển đổi từ truyền thống định hướng sang nội tại định hướng ra sao được phác họa sống động trong Polish Peasant (Người nông dân Ba Lan) của Thomas và Znaniecki.[136] Hai tác giả đã mô tả cách thức mà báo chí nông thôn Ba Lan giúp sắp xếp lại các thái độ và giá trị trong tầng lớp nông dân ở đầu thế kỷ qua. Họ chỉ ra rằng một cá nhân nông dân học đọc lúc ấy không chỉ đơn thuần để có được một kỹ năng không mấy ảnh hưởng đến tính cách anh ta; mà anh ta thực hiện một cuộc đoạn tuyệt có tính quyết định với nhóm sơ cấp, với kiểu truyền thống định hướng. Báo chí đón lấy anh ta ở bước ngoặt này và nâng những bước chân anh ta ngập ngừng rời nhóm sơ cấp bằng cách chỉ trích các giá trị của nhóm đó và bằng cách cho anh ta cái cảm giác có đồng minh, dù là những đồng minh vô danh, trong bước đi này.

Bằng cách này, báo chí giúp kết nối người mới được cá thể hóa với xã hội mới đang hình thành. Báo chí Ba Lan còn tiếp sức cho các biện pháp “xây dựng tính cách” rất cụ thể, ví dụ như tính chừng mực và cần kiệm, thúc đẩy canh nông khoa học như các chương trình phổ biến kiến thức nông nghiệp của Mỹ đã làm; khoa học được xem như một kiểu đạo đức mang tính nội tại định hướng trái với thói mê tín của tầng lớp nông dân bị truyền thống định hướng còn sót lại. Các thái độ này, trình bày chi tiết trên báo chí phi hư cấu, được củng cố cũng trong chính phương tiện truyền thông đó bằng truyện hư cấu mang tính luân lý cao.

Nhờ đó người đọc có thể trốn vào sách báo để tránh các phê bình công kích của bà con chòm xóm và có thể trắc nghiệm kiểu nội tại định hướng của mình so với các khuôn mẫu báo chí đưa ra. Và bằng cách đích thân viết bài cho báo chí, như anh ta thỉnh thoảng vẫn làm ở cương vị một thông tín viên địa phương, anh ta có thể đưa bài viết của mình ra cho một cử tọa được tin là đầy ma lực gắn với ấn phẩm – hệt như những người Mỹ ở trong thế kỷ trước, đóng góp thơ ca cho báo chí địa phương. Bằng cách trình bày trước công chúng này, không còn cho một cử tọa mặt đối mặt nữa, người nông dân cũ khẳng định chính mình trên hành trình nội tại định hướng.

NGỌN ROI NGÔN TỪ

Người bị truyền thống định hướng không chỉ có chuẩn mực truyền thống về sống mà còn có một chuẩn mực truyền thống về việc anh ta phải làm việc cực nhọc và lâu dài ra sao; và sách báo, cùng với các lực lượng xã hội hóa khác, có chức năng đánh đổ cả hai chuẩn mực này. Người típ nội tại định hướng cởi mở đón nhận “lý lẽ” qua sách báo, nên thường hình thành một cấu trúc tính cách thúc đẩy anh ta làm việc nhiều giờ hơn, ít thời gian nhàn rỗi và biếng trễ hơn so với mức độ khả dĩ trước đây. Anh ta có thể được thúc đẩy vì anh ta sẵn sàng thúc đẩy chính mình.

Ngôn từ không chỉ ảnh hưởng nhất thời lên chúng ta; ngôn từ còn biến cải chúng ta, ngôn từ xã hội hóa hay phi xã hội hóa chúng ta. Chắc chắn chỉ riêng ấn phẩm báo chí thôi sẽ không thể tạo ra bất kỳ một hình thức ép buộc xã hội hóa hay phi xã hội hóa nào – và đương nhiên không phải trẻ em nào, ngay cả ở tầng lớp trung lưu do nội tại định hướng, cũng đều đọc sách. Nhưng sách báo có thể mạnh mẽ hợp lý hóa các khuôn mẫu, nó bảo mọi người rằng họ phải là người như thế nào. Đến với trẻ trực tiếp cũng như qua cha mẹ và thầy cô, sách báo có thể đưa quá trình xã hội hóa ra khỏi chỗ ngồi bên lò sưởi ở thời đại phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng, rồi thâm nhập phòng ngủ và thư viện riêng của tầng lớp trung lưu đang lên: trẻ được phép chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trận chiến cuộc đời trong vầng sáng nhỏ hắt ra từ ngọn nến hay đèn đọc sách.

Để hiểu điều này đầy đủ hơn, chúng ta phải nhận ra rằng trình độ biết đọc biết viết tăng lên không chỉ ảnh hưởng đến nội dung và phong cách các thể loại văn chương, báo chí mà còn đến sự tiếp nhận của độc giả. Lượng nội dung tăng thêm dẫn đến quyền chọn lựa của mỗi trẻ em nhiều lên gấp bội, so với thời truyền thống định hướng. Do vậy, ngày càng có nhiều độc giả bắt đầu thấy các thông điệp không dành cho mình. Và họ đọc các thông điệp đó trong những hoàn cảnh không còn được người kể chuyện – hoặc sự tham gia của chính họ – kiểm soát và sắp xếp. Sự gia tăng về số lượng, sự đa dạng, và “mức độ phát tán” của thông điệp, cùng với tính khách quan hóa chung của sách báo gây ra những hiệu ứng cụ thể này, trở thành một trong những nhân tố mạnh mẽ trong chuyển biến xã hội. Ví dụ kinh điển trong lịch sử phương Tây, dĩ nhiên, sẽ là bản dịch Vulgate[137] sang ngôn ngữ nói, cho phép người ta đọc một cuốn sách mà trước đây chỉ các tu sĩ mới đọc được.

Một số khó khăn khi bàn về sự chuyển dịch từ thời phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng sang thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng nảy sinh từ sự dịch chuyển mục đích luận của thứ ngôn ngữ mà rất có thể chúng ta dùng. Chẳng hạn, chúng ta thiên về bỏ sót cử tọa không được dự kiến vì chúng ta luôn dễ dàng thừa nhận một phương tiện nhất định sẽ cân nhắc kỹ càng khi nhắm vào nhóm cử tọa mà trên thực tế nó đã tiếp cận thành công. Thế nhưng không có bằng chứng cho thấy truyền thông đã bao giờ chính xác về mục tiêu. Chính tính khách quan của hoàn cảnh trong đó sách báo được hấp thụ làm tăng thêm các khả năng sách báo được đón tiếp lạnh nhạt hay nồng nhiệt. Bởi vậy mà các nhà quý tộc thường bất bình với cái họ xem là sự chào đón quá nồng nhiệt trước các ý niệm về khả năng di động ở nhiều thứ mà họ muốn “để yên tại chỗ”.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng quá trớn tôi nhớ nhất là ảnh hưởng ở các cá nhân mà những lỗi lầm và căng thẳng tính cách học của họ bị tăng thêm vì áp lực từ sách báo. Đơn giản là cấu trúc tính cách của họ không thể xử lý nổi đòi hỏi đặt ra cho họ trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Con quay hồi chuyển của họ quay vù vù và thất thường. Không tìm thấy lý lẽ chính đáng trong sách báo – không tìm thấy, như nhiều độc giả hiện đại, một “công đoàn của những tội đồ”, “một đại công đoàn” nhân loại kéo dài tít tắp về quá khứ – họ cảm thấy sách báo chỉ như một bằng chứng mạnh mẽ hơn về tính kém thích nghi của mình. Một nhà huyền giáo thực dân được trang bị sách báo có thể khiến độc giả tự ném mình vào hỏa ngục những ngày trong tuần, dù cho ông ta chỉ có thể trực tiếp nói chuyện với họ vào các ngày Chủ nhật.

Do vậy, trong khi những chuyện hoang đường và chủ nghĩa tượng trưng của các xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng yểm trợ truyền thống bằng cách kết hợp các khuynh hướng nổi loạn của người nghe vào một mô thức của nền văn hóa, thì chữ nghĩa trên sách báo lại có thể định hướng cũng như làm mất phương hướng độc giả của nó. Điều này bộc lộ rõ ràng ở yêu cầu có kiểm duyệt, yêu cầu đó tăng lên ngay khi tình trạng biết đọc, biết viết trở nên phổ biến, mà không phải chỉ là kiểm duyệt kiểu hình thức. Ở Hoa Kỳ sự sùng bái sách báo ngày càng tăng, chẳng hạn nếu chúng ta so sánh báo chí ngày nay với báo chí của nền cộng hòa non trẻ, có thể phần nào được giải thích bằng ảnh hưởng to lớn của áp lực không chính thức mà tình trạng biết chữ phổ cập gần hết đặt ra cho các chủ bút, những người xem nặng trách nhiệm của mình. Như chủ bút một tờ báo thủ đô thường nói nếu nhân viên sắp sửa dùng ngôn ngữ hạ lưu: “Thưa quý vị, xin đừng quên là tờ báo này vào mọi gia đình.” Hay như The New York Times diễn đạt: “Mọi tin tức là những cái thích hợp để in”.

Dù cân đo chính xác xem phương tiện truyền thông đại chúng ở thời đầu tư bản chủ nghĩa có thể khiếm khuyết đến mức độ nào khi hướng tới độc giả không được dự kiến theo những cách thức không được dự kiến là việc vượt quá khả năng của tôi, nhưng hình như hợp lý khi cho rằng sách báo lẫn nhiều tạp âm trong các kênh của nó hơn là lối truyền miệng trực tiếp.

NHỮNG MẪU MỰC TRONG SÁCH BÁO

Một trong những mục đích chính của sách báo giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng là dạy trẻ đôi điều về các vai trò đa dạng của người lớn mà trẻ có thể nhập vai và cho phép mình thử các vai này trong tưởng tượng. Cuộc sống trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp này khác với các giai đoạn trước ở chỗ người lớn thường xuyên tham gia vào các hoạt động mà trẻ đang lớn không còn quan sát hay hiểu được nữa. Trẻ không chỉ cần đặc tính đồng cảm dạt dào của sách báo mà còn cả một lối định hướng nội tại khác với truyền thống để chỉ dẫn nó trong những nơi chốn và hoàn cảnh chưa quen. Cả phương tiện truyền thông sách báo lẫn các hình thức văn hóa đại chúng khác đều đáp ứng nhu cầu này bằng cách bổ sung vào những khuyên răn của cha mẹ sự khuyến khích nhân danh hoài bão, cũng như bằng cách đưa thêm dẫn dắt cụ thể hơn về những lối đi mới phong phú đến thành công.

Các lối đi mới này, ở các xứ phương Bắc và phương Nam sau thời Phục hưng, được quan niệm và mô tả bằng ngôn ngữ người lớn. Vì trong các giai đoạn tăng dân số trước kia, đời người trưởng thành không dài, chỉ ở mức trung bình; cách biệt tuổi tác – và có lẽ cách biệt về độ chín chắn – giữa đứa trẻ biết chữ và người lớn đã trưởng thành hẹp hơn trong giai đoạn chớm giảm dân số. Hơn nữa, trong khi hình ảnh và sách báo được truyền bá rộng rãi hơn, rẻ hơn trước đó, vẫn còn nhiều người bị cái nghèo loại trừ khỏi thị trường người kể chuyện; một số là thanh niên phải làm việc cật lực. Trong một xã hội như vậy thì những truyện kể người lớn và phong cách kể chuyện người lớn thường được làm cho phù hợp với trẻ em. Ngay cả khi mẹo dùng chính ngôn ngữ của trẻ đã bắt đầu, mà về sau rất thịnh hành, người kể chuyện vẫn còn ý nghĩ rằng họ có thể làm thấm dần các tư tưởng người lớn thành công hơn nếu dùng ngôn ngữ của trẻ con.

Trong số những bảng chỉ đường đầu tiên dựng lên trên con đường sách báo dẫn đến thành công, ngoài các hướng dẫn gián tiếp của sách giáo lý vấn đáp và việc dạy giáo lý, còn có các tài liệu đáng tin cậy về phép tắc xã giao. Một cuốn như The Courtier (Thị thần) của Castiglione chẳng hạn, được viết nhắm cho người lớn; nhưng chẳng còn gì thêm về đề tài này cho người sắp trưởng thành đọc. Đồng thời người ta sẵn lòng cho rằng, cũng như Huân tước Chesterfield, người trẻ giữa đám bạn thanh thiếu niên của nó đã sẵn sàng để ứng xử thành công trong các tình huống đòi hỏi phép tắc xã giao. Tuy nhiên ở các xứ và tầng lớp Tin Lành, khoảng sau năm 1600, mục đích của sách báo là ngày càng quan tâm trực tiếp hơn đến chuyện làm sao để thành tựu trong kinh doanh, chứ không phải trong tình yêu hay giao tế. Tiếp theo là văn chương truyền cảm hứng thương mại đã đạt đến một đỉnh cao ở nước Anh thời Victoria bằng tiểu sử những người thành đạt do Samuel Smiles viết – còn ở Mỹ là các sách của Horatio Alger, những cuốn gần như nghiêng về thị trường tuổi thanh thiếu niên.

Poor Richard’s Almanac (Niên lịch của Richard nghèo) của Franklin có phần văn bản được Max Weber chọn ra làm tài liệu tự khích lệ điển hình cho giai đoạn luân lý Tin Lành, tiếp bước những cuốn như Pilgrim’s Progress (Chuyến hành hương) hay Robinson Crusoe, những cuốn sách mặc dù không đề cập rõ ràng đến tư cách chân chính cho những người dám dấn thân mạo hiểm trong tương lai, nhưng lại đưa ra rất nhiều hô hào tương tự. Do vậy, trong Pilgrim’s Progresschúng ta có thể lần ra mô-típ về sự chọn lựa và cứu rỗi xã hội, các mô-típ có thể dễ dàng được thế tục hóa, trong khi đó ở Robinson Crusoe chủ đề tự lực kinh tế lại được thể hiện trong khuôn mẫu cổ điển điển hình của nó. Cả hai tác phẩm đều nhằm thắp lên ngọn lửa hoài bão và nhiệt tình, mang tính tinh thần và phiêu lưu, ở giới thanh niên típ nội tại định hướng. Do vậy, cùng với thị trường giai cấp tư sản đang bành trướng, các thay đổi rõ rệt đã xảy ra trong phong cách chuyện hoang đường, trái với thời kỳ tiền công nghiệp phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng. Chẳng hạn, vào thời Trung đại, cá nhân tìm hiểu về bản tính con người từ các câu chuyện cũng chẳng kém phần hiện thực vì được diễn đạt bằng ngôn ngữ tượng trưng – dù đó là tượng trưng Cơ Đốc, cổ điển hay dân gian. Thường thì, như mọi người đã rõ, những chuyện này không hề diễn tả ở dạng ngôn từ, mà giống những thông điệp tràn ngập trên kính và đá của một nhà thờ. Đứa trẻ được dạy cho hiểu – hay tốt hơn, nó không được dạy để khỏi hiểu – các ý nghĩa tượng trưng. Trái lại, tầng lớp trung lưu đang lên phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng kiến tạo cho mình một phong cách hiện thực chủ nghĩa mới mà bất kỳ lối sử dụng trực tiếp tượng trưng chủ nghĩa nào cũng bị nghiêm ngặt loại trừ.

Phong cách mang tính tài liệu này là một thước đo văn chương cho một thời đại ngày càng phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Thời đại này dành sự nhàn rỗi cho truyện hư cấu – nhưng lại có ít chỗ cho khả năng tưởng tượng. Defoe[138] có thể được xem là nguyên mẫu. Ông dùng đủ loại thủ pháp, ví dụ như kể chuyện theo ngôi thứ nhất, mô tả tường tận thức ăn, quần áo, chỗ ở, những tường thuật như kiểu ghi nhật ký về các cuộc tiếp xúc, và các nhân chứng cộng tác, để đem lại một bối cảnh hiện thực cho các câu chuyện thêu dệt phiêu lưu hoang dã của mình. Về mặt này tác giả nhất định là ông tổ của truyện tranh, loại truyện xuất sắc ở chỗ nó khai thác chủ nghĩa hiện thực của tình tiết như một thủ pháp làm sao nhãng để che đi tính phi hiện thực của hoàn cảnh. Lối xử lý chất liệu văn học như vậy được gắn kết theo những cách ý nhị với lối xử lý các kinh nghiệm sống nói chung đối với tín đồ Tin Lành trung lưu kiểu nội tại định hướng. Với anh ta cuộc đời là để sống giữa những thứ tiểu tiết bên ngoài; các ý nghĩa tượng trưng phải được vất vả gạn lọc qua cái cụ thể.

Dần dà, chủ nghĩa tự nhiên thời đầu của Defoe nhường chỗ, cả ở Anh lẫn ở lục địa châu Âu, cho một cách xử lý cặn kẽ hơn các mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân với nhau trong đời sống thành thị, nảy sinh trong giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, khi mà thiên hạ đổ về các thành phố. Cùng với sự lớn mạnh của các tầng lớp xã hội theo nghĩa hiện đại, tiểu thuyết bắt đầu bàn đến những khác biệt giai cấp khó thấy giữa các cá nhân: những thăng trầm và va chạm địa vị có lẽ là mối quan tâm căn bản của nó. Đứa trẻ được chỉ dẫn trong một đời sống xã hội bất định mà sau này nó sẽ bước vào, bằng cách học nhận ra các đặc điểm đã cá thể hóa tinh tế cho biết địa vị giai cấp và đạo lý giai cấp.[139] Nhờ vậy mà truyện hư cấu cũng như niên giám và sách giáo khoa đã cung cấp hướng dẫn nghề nghiệp (và cả phi nghề nghiệp định hướng theo địa vị).

Với chúng ta ngày nay thì nhiều cá nhân trong các tiểu thuyết thời đầu Victoria, hay trong các kịch mê-lô của Mỹ thời Victoria như East Lynne hoặc Intolerance (Cố chấp) – hay ngay cả trong một số tiểu thuyết của Balzac – có vẻ là những mẫu rập khuôn. Tuy vậy, đối với độc giả thời đầu, các khảo cứu cá tính và giai cấp trong một xã hội có các triển vọng đang thay đổi này – một xã hội đông dân hơn, và có nhiều người dời đổi chỗ ở hơn – có lẽ không phải là những khuôn sáo ngăn trở hiểu biết mà là những thám thính thăm dò một thế giới khó hiểu, giúp làm sáng tỏ thế giới đó cho lớp trẻ. Người ta vẫn còn có thể đến xem một trường trung học nông thôn hiện đại trình diễn Aaron Slick of Punkin Crick (Aaron Slick ở Punkin Crick) rồi xem một nhóm khán giả típ nội tại định hướng chất phác phản ứng lại đến mức nào “chủ nghĩa hiện thực” tính cách học của vở diễn trên các khuôn mẫu cũ: giai cấp, tham vọng và phẩm hạnh.

Truyện tiểu sử cũng như truyện hư cấu cho phép trẻ em, trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng, rời gia đình trong tưởng tượng để bước vào một thế giới đã được hợp lý hóa – bằng cách này hợp tác với cha mẹ lắp đặt các quá trình tự hướng dẫn nội tại. Trong huyền thoại George Washington chẳng hạn, các cậu bé biết được là lớn lên chúng có thể thành tổng thống, được trao các thang giá trị để cân đo và rèn giũa bản thân cho nhiệm vụ này khi còn niên thiếu: nếu chúng không nói dối, nếu chúng học hành chăm chỉ, vân vân – tức là nếu ở thời niên thiếu chúng hành xử như Washington huyền thoại đã xử sự thời niên thiếu – thì chúng có thể kế tục vai trò người lớn của ông. Hơn nữa, vai trò này, bởi chính bản chất của nó, là một vai trò nối tiếp; bao giờ cũng có một ai đó làm tổng thống; do vậy các người hùng của vai trò đó không có phẩm chất “một lần cho mãi mãi” ở người hùng trong thần thoại và truyền thuyết thời trước. Trong mơ tưởng cậu bé không chỉ xem mình như chàng thanh niên Washington trong các cuộc chiến đánh Pháp và thổ dân mà còn trong vai trò người lớn là tổng thống – vai trò nào thì cũng sẽ đưa cậu lìa xa gia đình, về mặt xã hội và địa lý.

Câu chuyện về George Washington[140] đối với một cậu bé da trắng cũng giống như câu chuyện về Booker T. Washington[141] đối với một cậu bé da đen. Có thể mô tả toàn bộ sự nghiệp của Booker T. Washington là nỗ lực đưa người da đen ra khỏi sự phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng sang phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Một trong những cuốn sách của ông hướng đến dân da đen có nhan đề là Character Building (Hình thành tính cách); và The Negro Worker (Người lao động da đen), một tạp chí xuất bản tại Tuskegee, với việc nhấn mạnh tính tiết kiệm, chuyên cần và phép tắc xã giao, là một trong những tàn dư lạc hậu (dĩ nhiên, chịu sự công kích dữ dội từ người da đen thành thị miền Bắc) của một nền văn học đồ sộ không quan tâm đến hoàn thiện “cá tính” mà đến hoàn thiện “tính cách”.

ĐỨA TRẺ BỊ DẪN DẮT THÁI QUÁ

Tuy nhiên, có một mối nguy cho trẻ trong các chân dung tiểu sử đáng ca tụng của những con người và vai trò mẫu mực như vậy là ở chỗ trẻ có thể đọc riêng một mình, không có người lớn hay bạn cùng lứa xen vào; nó có thể bị “dẫn dắt thái quá”, tức là thấy mình được đặt trên một lộ trình mà thực sự nó không thể theo. Trẻ kiểu nội tại định hướng, khi cố uốn nắn tính cách mình theo các lý tưởng trình bày trong sách báo, lại không quan sát được những mẫu mực này trong thực tế, cũng như nó không thể nhìn thấy cha mẹ nó trong tình trạng không quần không áo. Không có chút quen thuộc nào với bậc anh hùng, ngay cả với các vị thần giả dạng làm anh hùng vẫn có trong các truyện thần thoại truyền miệng ở xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng. Do vậy mà Washington hay Cromwell, Garibaldi hay Bismarck, Edison hay Ford[142] có được đôi chút vẻ uy nghi đáng sợ của Chúa Trời theo kiểu phái Calvin. Kết quả đối với nhiều trẻ là một nỗi hoang mang khủng khiếp: không biết chúng có sống xứng đáng với các mẫu mực cao quý của mình hay không. Nỗi bất an này ngay cả cha mẹ (khi chính họ không làm cho chuyện tồi tệ hơn bằng cách cố là những mẫu mực như thế) cũng chẳng thể dễ dàng làm nguôi dịu.

Dẫu vậy, sức ép không thuyên giảm này đối với hoạt động kiểu nội tại định hướng khi tìm kiếm tư cách đạo đức và danh tiếng, như chúng ta biết, trong nhiều trường hợp đã sản sinh ra được một người “điều chỉnh” vì các điều kiện xã hội tưởng thưởng những kiềm chế và xoa dịu những bất an. Song, ở các trường hợp khác, khoảng cách giữa đòi hỏi về kiểu nội tại định hướng và khả năng đáp ứng trở nên quá lớn, nên cá nhân suy sụp – cuộc hội họp tôn giáo để gây dựng lại đức tin, ở một tầng giai cấp nào đó, đã vừa giải tỏa lại vừa đổi mới một số áp lực tình cảm phát sinh từ xung đột như vậy.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây các nguy cơ khi dồn một số nhiệm vụ xã hội hóa đứa trẻ vào những người không thường sát sao bên cạnh đứa trẻ. Cũng như các thần linh tổ tiên Kachina hay ra roi trừng phạt của người da đỏ Hopi có thể điều chỉnh ngọn roi để trừng phạt hay đánh lấy lệ cho vừa với một đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm, thì người lớn ở thời truyền thống định hướng cũng có thể xoay xở để tác động của truyện kể không quá ác nghiệt đối với bất kỳ ai trong đám thính giả. Tuy vậy, trẻ trong thời nội tại định hướng rời gia đình vừa để đi học vừa để bước vào địa hạt sách vở và các phương tiện truyền thông đại chúng khác; nên ở đây việc điều chỉnh kiểu như vậy không còn khả dĩ nữa.

Hơn nữa, đứa trẻ vào thời kỳ trình độ biết đọc, biết viết tăng cao hơn thì nhiều khả năng sẽ biết đọc hơn so với cha mẹ nó. Nhờ vậy, khi một số trẻ học hỏi ở sách vở và trò chơi cách cư xử trong một nghề nghiệp khác hẳn với nghề nghiệp của cha mẹ chúng – hay thực sự có một nghề nghiệp như vậy – thì số trẻ khác, ít có khả năng tuân thủ theo những cách thức được quy định theo tính cách học, ví dụ như kém tự giác kỷ luật và kém tính hệ thống hơn, sẽ biết được từ chính kênh truyền thông ấy rằng chúng đang “lạc lõng” ra sao. Chúng nghiệm ra được điều này, nhất là nếu cha mẹ chúng thiếu các đặc tính thích hợp và không có khả năng truyền cho chúng sự rèn luyện đúng cách từ sớm về kiểu nội tại định hướng. Số khác có thể nhận ra là sách báo khẳng định thêm cảm nhận của chúng về sự bất xứng khi đối mặt cha mẹ nếu chúng là “con chiên ghẻ” về mặt tính cách học, không thể đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của gia đình.

Trong khi luồng sách báo có nhiều mối nguy thì cũng thường có một số xu hướng làm khuây khỏa, ngay cả trong các chính thể chính trị thần quyền. Gần như bao giờ cũng có một thế giới ngầm mang vẻ giang hồ hơn mà ở đó cậu bé đang lớn, có khi cả chị cậu, có thể tìm nơi nương náu. Đúng thế, quyền hành của cha mẹ ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng có thể ngăn chặn thứ văn chương như thế, cũng như mục sư ở các xứ Thanh giáo có thể ngăn chặn nó thâm nhập cộng đồng. Nhưng họ khó lòng hủy diệt được nơi nương náu là chính sách báo – và chúng ta không được quên rằng kho sách lớn trong giờ đọc ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng chính là Kinh Thánh, và rằng Kinh Thánh không phải là một cuốn mà là nhiều cuốn, với đủ loại thông điệp không bao giờ cạn.

Một chốn trú ẩn như vậy có thể khuyến khích, cho phép trẻ chạy trốn gia đình và nhóm sơ cấp; cậu bé có thể biết cách chỉ trích cái mà cậu đã bỏ lại sau lưng, như các độc giả tự giải phóng của báo chí dành cho nông dân Ba Lan đã làm. Nó mở ra cho cậu đủ loại khuôn mẫu – có cả “tủ áo mét rưỡi” để cậu có thể thử các vai mới. Thời Phục hưng là một minh chứng cho uy lực này của chữ in. Những đấu tranh cá nhân chủ nghĩa tìm thấy sự nâng đỡ và cả sự nâng đỡ quá mức trên những con đường đời đa dạng mô tả trong sách vở và kịch. Một mình với cuốn sách là một mình trên một con đường mới.

III. Truyền thông đại chúng trong giai đoạn ngoại tại định hướng

THỊ TRƯỜNG TRẺ EM

Như chúng ta đã thấy, trong giai đoạn chớm giảm dân số, trẻ em bắt đầu tập làm người tiêu dùng ở độ tuổi ngày càng sớm. Trẻ em ở tầng lớp trung lưu Mỹ có tiền tiêu vặt riêng ngay từ lúc lên bốn lên năm; như những người dẫn dắt ý kiến trong nhà, chúng có đôi chút tiếng nói về ngân quỹ gia đình. Tiền tiêu vặt là để tiêu pha, trong khi ở thời trước tiền tiêu vặt thường được tiết kiệm như cây gậy phòng xa. Hơn nữa, cuộc cạnh tranh độc quyền đặc trưng cho thời này có khả năng, và có mối quan tâm tạo lập ở trẻ các thói quen tiêu dùng mà nó sẽ hành xử khi trưởng thành. Vì nó sẽ còn sống lâu, mà sự độc quyền cũng vậy. Thực tế ra, độc quyền khác biệt bởi chính khả năng hoạch định tương lai, vì nó có thể cung cấp các chuyên gia để hoạch định cũng như các nguồn tiết kiệm được từ lợi nhuận để trả cho hoạch định và việc thực hiện những gì đã hoạch định sau này.

Thế nên, tất cả những lẽ đó đã đáng để những người kể chuyện chuyên nghiệp chú trọng đến thị trường trẻ em; và khi truyền thông đại chúng có thể cung cấp chuyên gia cùng với nghiên cứu thị trường về các mảng văn hóa theo độ tuổi cụ thể và các mảng văn hóa giai tầng liên quan, trẻ được dạy dỗ quá nhiều so với tuổi của chúng hơn bao giờ hết. Nhưng trong khi nhà giáo dục các thời trước có thể dùng ngôn ngữ trẻ em để diễn giải một thông điệp người lớn, thì ngày nay ngôn ngữ của trẻ có thể được dùng để diễn giải quan niệm của người quảng cáo và người kể chuyện về việc trẻ em là như thế nào. Người ta không còn nghĩ phận sự của trẻ con là hiểu thế giới người lớn như người lớn thấy nữa; trước tiên là vì, thế giới như người lớn thấy ngày nay có lẽ là một thế giới đã phức tạp hơn rồi.[143] Thay vì vậy, truyền thông đại chúng bảo trẻ thấy thế giới như đứa trẻ – tức là, như đứa trẻ khác – thấy. Đây phần nào là kết quả từ các tiến bộ kỹ thuật làm cho phim ảnh có thể sáng tạo ra thế giới trẻ thơ của Margaret O’Brien và các bạn ngang hàng, giúp radio có đội quân những Hardy, những Aldriche và các trẻ vị thành niên khác, giúp quảng cáo và nghệ thuật làm bìa sách lợi dụng những người mẫu nhí chuyên nghiệp. Truyền thông đã tạo ra một hình ảnh về tuổi thiếu nam và thiếu nữ (như trong thời chiến họ tạo ra chân dung lính Mỹ, lại dùng ngôn ngữ lính tráng đã được biên tập đáng kể) và họ buộc trẻ em hoặc là chấp nhận hoặc là hung hăng cưỡng lại hình ảnh của chính mình.

Đứa trẻ bắt đầu bị radio và truyện tranh dội bom từ lúc nó biết nghe và vừa mới biết đọc. Những trận oanh tạc mà – dĩ nhiên không thể tránh những cú nhắm trượt lên quá cao và xuống quá thấp – nhằm trúng chuẩn xác vào các độ tuổi với biên độ rất hẹp. Chẳng hạn, đối với nhiều trẻ em dường như có một sự thay đổi tiệm tiến đều đặn trong các giai đoạn đọc truyện tranh: từ các truyện về thú vật như chú thỏ Bugs Bunny đến các anh hùng bất khả chiến bại như Siêu nhân, và từ đó đến các anh hùng như Người Dơi, với bề ngoài hóa trang, dễ bị tổn thương, dù dĩ nhiên họ luôn chiến thắng. Khảo sát được trích dẫn ở đầu chương này thấy rằng bản thân trẻ em cũng biết đến tiến bộ, biết những đứa lạc hậu vẫn còn đọc sách dành cho lũ trẻ còn mặc quần liền áo, trong khi lẽ ra chúng phải tiến lên quần jean xanh rồi.

Đúng như vậy, ở Mỹ sự thay đổi từ thời nội tại định hướng trước đó không đột ngột; những thay đổi như vậy không bao giờ đột ngột. Trước đây truyền thông đại chúng phục vụ thị trường trẻ em ít nhất trong ba lĩnh vực: sách giáo khoa hay giáo huấn, tạp chí dành cho trẻ em, và các truyện ly kỳ rùng rợn. Nhưng khi so sánh những thứ này với truyền thông hiện đại, chúng ta sẽ tức thì nhận thấy những khác biệt. Đánh giá thị trường của các nhà văn trong dòng văn học này thời trước chỉ là tay mơ khi so với nghiên cứu thị trường ngày nay. Hơn nữa, họ thường nhắm thúc đẩy những động cơ và khuyến khích tính di động hơn là tác động đến bất kỳ sự xã hội hóa thị hiếu nào. Các tuần báo Anh dành cho con trai, như Orwell mô tả,[144] thường phản đối rượu và thuốc lá – như các tác giả tu sĩ của độc giả trường học và nhà thờ. Những khiển trách như vậy nhắc chúng ta nhớ bài học “tội ác chẳng đem lại lợi lộc gì” của truyện tranh, một vẻ bề ngoài để tải các thông điệp quan trọng hơn. Các báo tuần cho con trai và những tờ tương tự của Mỹ lo đào luyện lớp trẻ cho các lĩnh vực sản xuất (bao gồm cả chiến tranh), và như một sự tình cờ của huấn luyện, vận động viên mầm non có thể sẽ phải kiêng thuốc lá và rượu. Truyền thông tương ứng ngày nay huấn luyện lớp trẻ cho các lĩnh vực tiêu dùng – để biết phân biệt sự khác nhau giữa Pepsi-Cola và Coca-Cola, về sau là giữa hai loại thuốc lá Old Gold và Chesterfield.

Chúng ta có thể đánh dấu sự thay đổi bằng cách trích dẫn một bài hát ru xưa:

“Chú lợn con này đi chợ;

Chú lợn con này ở nhà.

Chú lợn con này ăn thịt bò nướng;

Chú lợn con này chẳng có chi.

Chú lợn con này vừa đi vừa tè

Suốt dọc đường về nhà”.

Bài ru này có thể được xem là một kiểu mẫu cho sự cá biệt hóa và hành vi chưa xã hội hóa trong đám trẻ thời trước. Song hôm nay, chú lợn con nào cũng đi chợ; chẳng chú nào ngồi nhà; chú nào cũng được ăn bò nướng, nếu ăn được; và thảy đều sẽ nói “đi tè”.

NGƯỜI CHIẾN THẮNG CÓ TẤT CẢ?

Thế nhưng có lẽ thay đổi quan trọng nhất là chuyển biến trong hoàn cảnh diễn ra việc nghe và đọc. Trái với độc giả đọc sách một mình ở thời nội tại định hướng, ngày nay chúng ta có nhóm trẻ con nằm trên sàn, đọc, trao đổi cho nhau truyện tranh và những thứ ưa thích nhất trong các truyện tranh, hay nghe chương trình đọc truyện The Lone Ranger (Chàng biệt động cô đơn).[145] Khi đọc và nghe không phải là việc tập thể trong thực tế, nó lại dễ là việc tập thể trong cảm nhận: ta gần như luôn ý thức được sự có mặt mọi lúc mọi nơi đầy hăm he của nhóm ngang hàng. Do vậy, mà cô bé hâm mộ Siêu nhân trích dẫn ở đầu chương này không thể tự cho phép mình là Siêu nhân – mọi người sẽ cho là cô bé ngu ngốc – trong khi họ sẽ không nghĩ cô bé ngu ngốc vì tin rằng biết bay là rất quan trọng.

Trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng thì trẻ em, như chúng ta đã thấy, được người lớn kể chuyện dẫn dắt vào các truyện kể. Người lớn này không cảm thấy mình đang cạnh tranh quyết liệt với đám trẻ. Vì vậy, họ có thể khuyến khích, hay ít nhất nâng đỡ, các phản ứng ngây ngô của trẻ như hoảng sợ hay háo hức trước những câu chuyện được kể cho chúng nghe – rồi sau đó, khuyến khích những phần tán thêm hay thêu dệt của đứa trẻ. Nhưng những trẻ ngang hàng đọc hay nghe cùng nhau không có sự hiện diện bao bọc của người lớn lại không nằm trong mối quan hệ đầm ấm theo kiểu “các cháu ơi, hãy lắng nghe rồi sẽ thấy…”[146] Chúng không thể thả mình để tự do bay.

Một yếu tố tương liên là truyện tranh khác với truyện cổ tích ở vài khía cạnh quan trọng. Trong truyện cổ tích vai chính thường là nạn nhân của sự bất công, một trẻ nhỏ, một vịt con xấu xí, một người dân đen, trong khi đó nhân vật phản diện lại thường là một người quyền thế, một ông vua, một người khổng lồ, một bà dì ghẻ. Trong truyện tranh nhân vật chính thường là một người lớn bất khả chiến bại hay gần như bất khả chiến bại, được trang bị, nếu không phải là những quyền năng siêu nhiên thì chí ít cũng là hai khẩu súng, và người đó có thể trạng cao lớn, phi thường. Sự phò trợ thần diệu sẽ đến với nạn nhân của bất công – vẫn là một nhân vật phụ – chỉ qua sự can thiệp của nhân vật anh hùng này. Do vậy, trong khi cậu bé Jack của truyện cổ tích Jack and the Beanstalk(Jack và cây đậu thần) được sự phò trợ màu nhiệm chủ yếu nhờ lòng can đảm, tính hiếu kỳ và may mắn, thì Jack truyện tranh lại có được sự cứu giúp màu nhiệm chủ yếu nhờ một vị cứu tinh đầy quyền phép. Trong khi các chủ đề na ná có thể bắt gặp trong truyện Robin Hood và hiệp sĩ Galahad, truyện tranh lại cho thấy sự gia tăng nhân vật anh hùng quyền uy ít nhiều bất khả xâm hại.

Đổi thay tương đối trong mô thức này[147] không phải là lỗi của truyện tranh. Truyện tranh chỉ đáp ứng một lối tiếp nhận vừa khớp với thị hiếu đọc của nhóm ngang hàng. Quả thực, nếu những cô cậu bé kiểu ngoại tại định hướng yêu thích truyện tranh thiếu nhi đọc hay nghe các câu chuyện không phải là truyện tranh thì chúng cũng sẽ đọc như thể đó là truyện tranh. Chúng sẽ có chiều hướng để ý xem ai thắng và bỏ qua những lắt léo bên trong của câu chuyện, bỏ qua bài học luân lý hay cái gì khác gài trong đó. Thế nên, nếu người ta hỏi chúng làm thế nào phân biệt được “người tốt” với “kẻ xấu” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì câu trả lời chung quy vì lẽ người tốt luôn thắng; theo cách xác định ấy thì họ là người tốt.

Nhưng dĩ nhiên đứa trẻ muốn biết trước kết quả, nên nó tìm các manh mối bên ngoài giúp nó phân định xem ai là người thắng. Trong truyện tranh thì điều này hiếm khi khó đoán: người tốt trông thế này, là những người có khuôn mặt chữ điền, mắt sáng, cao to; bọn người xấu thì trông thế này, vì những lý do sùng đạo, bọn chúng không thuộc nhóm dân tộc nào dễ nhận ra được mà nói chung mang dáng vẻ Nam Âu nhếch nhác – đần độn vụng về, râu tóc bù xù, trông nhợt nhạt như thây ma hoặc bóng bẩy quá đáng. Nhưng trong phim ảnh (và trong một số truyện tranh có các mỹ nữ lả lơi) những đặc điểm nhận dạng như thế chẳng dễ: chính những kiểu người tốt trong hầu hết truyện tranh có thể rốt cuộc lại là tay đểu cáng. Một ví dụ đáng chú ý tôi đã quan sát được là vẻ hoang mang của một vài đứa bé yêu thích truyện tranh trước mô tả điện ảnh về Nữ bá tước de Winter (Lana Turner đóng) trong Ba người lính ngự lâm. Nếu bà ta trông xinh đẹp nhường ấy, sao bà ta lại có thể xấu xa thế kia?

Do vậy chúng ta đi đến một nghịch lý. Trẻ kiểu ngoại tại định hướng được huấn luyện để nhạy cảm với mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, và thường nó hiểu những mối quan hệ này với sự sành sỏi mà ít người lớn có được trong thời nội tại định hướng. Thế nhưng nó có thể vô tình lạ lùng trước những vấn đề tính cách mà người kể chuyện ưa thích của nó bày ra; nó thường lướt nhanh qua câu chuyện đến đoạn kết hay đọc trước đoạn kết, và bỏ qua những vấn đề phát triển cá nhân không tiết lộ manh mối dẫn đến kết cục. Có cảm tưởng rằng bối cảnh đọc nhóm, tựa như phải ngồi ở bồi thẩm đoàn ban ra các đánh giá Hooper,[148] đã thúc ép nhịp độ đọc của trẻ kiểu ngoại tại định hướng. Nó không thể cà kê ở tình tiết không liên quan hay mơ màng về các anh hùng. Để trao đổi những thị hiếu trong việc đọc và nghe, nó không cần biết gì nhiều về các anh hùng cũng như người đổi tem, chẳng cần biết nhiều về xuất xứ của con tem.

Chuyện thần tiên và sách của Frank Merriwell cũng chú trọng chiến thắng; do vậy điều quan trọng là thấy chính xác các khác biệt mà truyền thông đại chúng cùng với trọng tâm chú ý đã thay đổi của độc giả tạo nên. Một khác biệt nổi bật là khác biệt giữa hoài bão thời trước và hợp tác đối kháng thời nay. Tôi định nghĩa hoài bão là phấn đấu đạt được các mục tiêu rõ ràng tiêu biểu cho giai đoạn nội tại định hướng; đó có thể là một nỗ lực để đạt đến tiếng tăm hay cái thiện: kiếm được việc làm, thắng trận, xây cầu. Đua tranh trong thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng thường khốc liệt, nhưng đồng thời người ta chẳng thắc mắc về vị thế của mình trong cuộc đua – và rằng có một cuộc đua. Nếu họ có cảm thấy tội lỗi thì đó là khi họ thất bại, chứ không phải lúc họ thành công. Ngược lại, hợp tác đối kháng có thể được định nghĩa là một phấn đấu đã thấm nhuần, tiêu biểu cho các nhóm bị kiểu ngoại tại định hướng tác động. Ở đây mục tiêu không quan trọng bằng mối quan hệ với “người khác”. Trong cuộc cạnh tranh kiểu mới này người ta thường nghi nghi hoặc hoặc chẳng biết có cuộc đua nữa hay không, và nếu có, thì các mục tiêu của nó là gì. Vì họ phải hợp tác hơn là đối đầu, rất có thể họ sẽ cảm thấy có lỗi khi thành công và thậm chí cảm thấy một trách nhiệm nhất định về thất bại của người khác.

Tất nhiên, chính hoài bão là một đặc điểm nổi bật gây chú ý của những người hùng trong văn chương dành cho bé trai ở thời nội tại định hướng. Hơn nữa, đó là một hoài bão mà độc giả trẻ em có thể đồng cảm, ngay cả khi mục tiêu cụ thể như đánh nhau với người da đỏ, hoặc tìm ra kho báu ở Bắc Cực, hoặc bơi qua những con sông đóng băng hay phát hiện tội phạm – lúc đó là một mục tiêu xa vời; tức là độc giả có thể thi đua trong tưởng tượng với các phẩm chất đạo đức của người anh hùng, như lòng dũng cảm và tự chủ của anh hùng đó. Do vậy, mặc dù các anh hùng này gần như bách chiến bách thắng như những người hùng ngày nay, nhưng độc giả được khuyến khích không chỉ quan tâm đến kết quả là thắng lợi sau cùng mà đến cả những xâu xé nội tâm diễn ra trước kết cục và làm cho kết cục xảy ra.

Đôi khi người ta nói phóng là chuỗi truyện tranh chỉ tiếp tục bộ đề tài cũ này trong một phương tiện mới, nhưng thực tế là các đề tài thay đổi và các đặc điểm nhân dạng còn thay đổi nhiều hơn. Như vẫn thường xảy ra, khi trẻ thích truyện tranh hơn, trong đó người hùng không phải là người thường mà là Siêu nhân hay Người Nhựa có các quyền năng rõ ràng độc nhất vô nhị, sự đồng cảm sẽ yếu đi: dù sức mạnh ý chí có ghê gớm thế nào, dù có bao nhiêu khóa học qua thư từ với Lionel Strongfort[149] đi chăng nữa thì cũng không thể biến một người thành Siêu nhân, thậm chí trong ý tưởng viển vông nhất. Và những ý nghĩ không thực tế như vậy ngày nay có vẻ ít đi. Bị phơi ra trước phương tiện truyền thông ngày càng tinh vi hơn, trẻ em cũng biết tỏng những mộng mị “phi thực tế”; khi xem phim chúng sẽ dễ dàng nhận ra các chi tiết tinh vi và sẽ phê bình một bộ phim cao bồi miền Tây vì gã người hùng trong phim bắn bảy phát từ khẩu súng lục chỉ nạp được có sáu viên đạn. Truyền thông đến lượt mình khuyến khích chủ nghĩa hiện thực này bằng các hiệu ứng âm thanh và màu sắc, cho đến nay vượt xa chủ nghĩa hiện thực của những tiểu tiết mà Defoe và những người kế tiếp ông đã cố gắng đạt được. Các nhân vật trong phần lớn truyện hư cấu ở thời phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng là chỗ tựa – khuôn mẫu của kiểu đã được chỉ ra ở phần trước. Trong truyện Jules Verne[150] chẳng hạn, chính cuộc phiêu lưu, các chi tiết máy móc, chứ không phải nhân vật, là cái được mô tả rõ ràng; còn nhân vật là những đồng phục rộng thùng thình mà nhiều cậu bé có thể tự khoác lên mình. Những hình minh họa tưởng tượng, u ám của một họa sĩ như Howard Pyle cũng để ngỏ cho sự liên tưởng ở phía độc giả muốn mường tượng mình là người hùng đó.

Chẳng còn lại mấy khoảng rộng này để trí tưởng tượng của độc giả hay người nghe hiện đại lấp đầy. Dù mô tả tính cách của chuỗi truyện tranh và tạp chí truyện tranh, nếu có, ít sắc nét hơn, nhưng các tiểu tiết bên ngoài lại được xác định rõ dứt khoát: từng chi tiết trang phục và lời nói được đưa ra. Điều này cần thiết hơn vì, khi có quá nhiều anh hùng trên truyền thông đại chúng chen nhau giành sự chú ý, thì những người thể hiện chân dung các anh hùng phải lao vào sự dị biệt vụn vặt để tìm kiếm thương hiệu cho mình. Những hình người do Milton Caniff vẽ phải nhận ra ngay được, cũng như những hình người của Fisher.

Có điều nghịch lý trong sự tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực này. Một mặt, mỗi nét cọ mà họa sĩ vẽ truyện tranh thêm vào sẽ loại trừ các đặc điểm nhân dạng cho hàng triệu người; chẳng hạn, cô bé ngực nhỏ có thể sẽ chỉ thấy sự chê bai dành cho mình trong truyện tranh. Mặt khác, cũng chính chủ nghĩa hiện thực ấy là căn nguyên nỗi lo bị quá nổi bật trong lòng Nữ Siêu nhân bé bỏng của chúng ta trích ở đầu chương. Nếu cô bé là Siêu nhân, cô bé sẽ tức thì được nhận ra. Cô bé sẽ thiếu cái riêng tư được tự trầm trồ ngưỡng mộ mình mà độc giả của thời trước có được, để họ có thể hả hê vì mình là Vidocq hay Sherlock Holmes[151] – chỉ có điều chẳng ai biết về chuyện đó.

Không nên đẩy những khái quát hóa này đi quá xa. Có những đứa trẻ – ít nhất người ta cũng đã nghe nói về chúng – tự đồng nhất mình với Siêu nhân, hay dễ dàng hơn, với Terry hay Ông Thánh.[152] Cũng không phải là không thể cùng lúc đồng nhất, trên một tầng bậc ý thức, với người anh hùng và trên một tầng bậc khác với kẻ được người anh hùng giải cứu. Và trong khi các anh hùng truyện tranh đều trường sinh bất lão, sau khi đã khám phá ra bí quyết trẻ mãi không già, đứa trẻ đang lớn có thể chuyển từ anh hùng này sang anh hùng khác khớp hơn với các nhu cầu và hoài bão đang thay đổi của mình. Các xu hướng ngược này được sự khuyến khích từ các thứ phụ tùng – bộ đồ Siêu nhân, vân vân – gắn liền trẻ em với các người hùng trong radio, phim ảnh, truyện tranh của chúng. Nhưng sẽ sai lầm khi cho rằng ai khoác áo Siêu nhân cũng đồng nhất mình với Siêu nhân; cậu ta có thể chỉ là một kẻ hâm mộ, khoác màu cờ sắc áo người hùng của mình.

Một điều có lẽ cũng nổi bật là truyện tranh dồn nội dung vào và chỉ cần vài phút là đã đọc được một chuỗi sự kiện mà trong thời trước bị kéo lê thê qua hàng trang sách. Cứ nghĩ đến những năm Bá tước Monte Cristo[153] trong ngục thất, nỗi khổ nhục của ông, đức kiên nhẫn phi thường của ông, sự cần cù và học hỏi giáo huấn từ cha bề trên; cả thành tựu lẫn cuộc phục thù của ông đều được răn dạy bằng những đoạn kéo dài lê thê này, và ông đã già khi chiến thắng, sau nhiều chương hồi. Ngược lại, người hùng truyện tranh hay kịch truyền thanh chiến thắng gần như không mất mấy công sức; chính sự rút ngắn thời gian kể chuyện làm cho điều này rõ ràng hơn. Thật vậy, tương tự như trên phim ảnh, người hùng này thường xuyên bị hành hạ, nhưng điều ấy làm tăng thêm phần háo hức, chứ không phải tăng thêm đạo đức hay chuyển biến nội tâm, và giúp biện minh cho một trận đòn còn thê thảm hơn giáng xuống quân lừa đảo.

Còn một khía cạnh nữa trong sự thay đổi này đáng để xem xét. Nếu người ta không đồng nhất mình với người thắng nhưng đồng thời lại mải nghĩ đến chính quá trình chiến thắng, như cách ứng xử hay nhất để hiểu thấu một câu chuyện, thì nghĩa là họ được chuẩn bị tâm lý cho vai trò người tiêu thụ chiến thắng của người khác. Tức là, người ta được chuẩn bị cho vai trò người lớn đánh cược con ngựa thắng, mà không quan tâm đến tay nài ngựa hay con ngựa, hay kiến thức về một trong hai thứ đó. Nội dung đồng nhất nghèo đi đến độ gần như mối liên kết duy nhất giữa người đọc và người hùng là chi tiết người hùng sẽ thắng. Khán giả – điều này cũng đúng trong một trò đố vui, một cuộc thi đấu thể thao, và như chúng ta sẽ thấy, trong một cuộc chạy đua chính trị – muốn liên quan đến người chiến thắng chỉ để làm cho cuộc thi thố có ý nghĩa: hy vọng chiến thắng này làm cho sự kiện hấp dẫn, trong khi trò chơi, cuộc thi hay câu chuyện không được thưởng thức đánh giá vì chính bản thân nó.

Thế nên, chiến thắng của người hùng chỉ có vẻ bề ngoài là một chiến thắng luân lý. Đúng thế, tàn dư các đạo lý xưa cũ vẫn còn dai dẳng, thường là những quy ước mà sự kiểm duyệt hay nỗi sợ kiểm duyệt áp đặt. Nhưng đạo lý theo nghĩa phát triển tính cách nhân vật văn học, chứ không phải đạo lý theo nghĩa đúng về phía luật lệ và lẽ phải, lại không được khai thác trong câu chuyện. Do vậy, đạo đức có chiều hướng trở thành một sự can thiệp của chiến thắng. Cũng như trong truyện trinh thám, dường như ai cũng bị nghi là có tội cho đến khi họ được minh oan nhờ việc tìm ra kẻ sát nhân thực sự, thì chiến thắng của người hùng cũng sẽ biện minh cho những việc làm tốt và xấu trước đó của anh ta. “Người chiến thắng có tất cả” trở thành một công thức nhai đi nhai lại.

TOOTLE: MỘT TRUYỆN RĂN DẠY HIỆN ĐẠI

Các bậc cha mẹ đôi khi dễ cho rằng truyện tranh và radio, những phương tiện truyền thông đại chúng rẻ nhất và phổ biến nhất, là công cụ chính chuyển tải các thái độ và giá trị mới này, rằng trong một gia đình đã được ngăn ngừa Roy Rogers và Steve Canyon,[154] thì các kiểu phản ứng này của cử tọa trẻ cũng sẽ bị loại trừ. Song, sự thực là nhiều đề tài quan trọng kiểu ngoại tại định hướng đã được đưa vào các sách có tính chất xã hội hóa và đầy ắp thông tin, không thuộc loại truyện tranh dành cho trẻ em các giai tầng trung lưu và trung lưu lớp trên – ngược lại, những quyển sách “giáo dục” này không phải là không thể ảnh hưởng đến các nghệ sĩ trên đài phát thanh và họa sĩ truyện tranh có ý thức xã hội. Tất cả các loại phương tiện truyền thông đại chúng này dạy trẻ bài học mà cha mẹ và thầy cô đã được cung cấp trong nhiều tác phẩm gần đây về sự phát triển của trẻ em. Thiên kiến của bài học đó được ngụ ý trong một đoạn trích từ cuốn sách mà các thầy cô và các hội phụ huynh học sinh-nhà giáo đang sử dụng:

Hình ảnh phát triển thông thường và được mong đợi là sự tự giác ngày càng cao ở phía cá nhân trẻ, với những kỹ năng vui chơi hay giao tiếp xã hội ngày càng thuần thục, và với sự xuất hiện các hình thức hợp tác cao hơn ở thanh thiếu niên hay tuổi mới lớn. Thanh thiếu niên phải biết cách “chấp nhận” tốt hơn trong sinh hoạt nhóm, phải phát triển một sự tự giác hoàn chỉnh hơn, dù chưa hoàn hảo, và phải có cái nhìn thực sự thấu suốt những mong muốn của người khác.[155]

Tootle the Engine (Tootle Đầu máy xe lửa) (lời của Gertrude Crampton, tranh của Tibor Gergely) là một cuốn nổi tiếng và hấp dẫn về nhiều mặt trong “Tủ sách vàng cho trẻ em”. Đó là sự răn dạy dù nó có vẻ chỉ là một trong nhiều sách về xe cộ nhân cách hóa – xe tải, xe cứu hỏa, taxi, tàu kéo, vân vân – được chủ định mang lại cho trẻ một hình ảnh về đời thật. Tootle là một đầu máy thiếu nhi đi học trường của những đầu máy, nơi người ta dạy hai bài học chính: dừng lại khi thấy cờ đỏ và “luôn ở trên đường ray dù có chuyện gì xảy ra đi nữa”. Học hành chăm chỉ sẽ giúp đầu máy thiếu nhi trở thành một tàu tốc hành lớn dáng thuôn hiện đại. Tootle vâng lời được một thời gian nhưng rồi một ngày nọ phát hiện niềm vui khi ra khỏi đường ray và tìm thấy những bông hoa ngoài đồng. Tuy vậy, chuyện vi phạm nội quy này không thể giữ kín; có những dấu vết tố cáo trong cái khung chắn gạt chướng ngại vật lắp ở phía trước đầu máy. Dẫu vậy, thú chơi của Tootle ngày càng trở thành một nỗi khát khao, và bất chấp cảnh báo cu cậu vẫn cứ ra khỏi đường ray để tha thẩn ngoài đồng. Cuối cùng hiệu trưởng trường đầu máy tuyệt vọng. Ông thỉnh thị ý kiến của thị trưởng thị trấn nhỏ Engineville nơi có ngôi trường này; thị trưởng bèn triệu tập một cuộc họp thị trấn, và những khuyết điểm của Tootle được đem ra bàn – dĩ nhiên Tootle chẳng hay biết gì về chuyện này cả. Cuộc họp quyết định một phương án hành động, thế là lần tiếp theo khi Tootle đi dạo chơi một mình và vừa ra khỏi đường ray thì cậu đụng phải ngay một cờ đỏ nên dừng lại. Cậu quay sang một hướng khác thì lại đụng đầu một cờ đỏ khác; hướng khác nữa cũng vậy. Cậu chạy loanh quanh vòng vèo nhưng cũng không thể tìm thấy một khoảnh cỏ nào mà cờ đỏ không xuất hiện, vì mọi công dân trong thị trấn đều hợp tác trong bài học này.

Bị uốn nắn và hoang mang, cậu nhìn về phía đường ray, nơi cờ xanh mời gọi của thầy giáo ra hiệu cho cậu quay về. Lúng túng vì các phản xạ có điều kiện trước những bảng báo dừng, cậu quá đỗi vui mừng vì được quay trở lại đường ray và sung sướng khóc ròng. Cậu hứa sẽ không bao giờ rời đường ray nữa, cậu trở về nhà chứa đầu máy để được thưởng những tiếng reo hò cổ vũ của thầy cô và toàn thể công dân cùng với lời quả quyết chắc chắn lớn lên cậu sẽ thành tàu tốc hành hiện đại.

Câu chuyện có vẻ là một truyện kể thích hợp để nuôi dạy trẻ theo cách thức tuân thủ kiểu ngoại tại định hướng. Chúng học được rằng đi khỏi đường ray và chơi hoa là không tốt, và rằng về lâu dài, chúng sẽ tìm thấy không chỉ thành công và sự tán thưởng mà thậm chí còn tự do nếu đi theo đèn xanh.[156] Bài học này rất khác với bài học trong Cô bé quàng khăn đỏ. Cô bé cũng không đi theo đúng đường khi đến nhà bà; cô bé được một con sói dạy về cái đẹp của thiên nhiên – một biểu tượng che đậy về tình dục. Thế rồi cô bé bị ăn thịt – một số phận hãi hùng – nhưng cuối cùng cả cô bé và bà ngoại đã được chàng tiều phu đẹp trai cứu khỏi bụng sói. Câu chuyện, dù có thể được hiểu như một lời răn, bàn đến các đam mê con người thực, đam mê tình dục và đam mê gây hấn; nó không đưa ra phần thưởng cho đức hạnh dưới hình thức rõ ràng nào hay thể hiện thế giới người lớn theo cách nhìn bao dung nào. Do vậy, về cơ bản câu chuyện là hiện thực, dưới cái vỏ tưởng tượng, hay nói đúng hơn, nhờ có tính tưởng tượng.

Có lẽ, có một hơi hướng chủ nghĩa hiện thực tương tự trong Tootle. Ở đó người lớn đóng vai trò mà chúng ta đã mô tả từ trước: họ dẫn dắt đứa trẻ phải tuân thủ theo nhóm ngang hàng và rồi thưởng cho nó vì hành vi mà họ đã chuẩn bị sẵn. Hơn nữa, các công dân của Engineville bao dung với Tootle: họ hiểu và không nổi cơn tam bành. Họ xúm vào trị cậu bằng cờ đỏ là để tốt cho cậu, và họ thưởng cậu vì sự vâng lời như thể họ đã không hề góp sức đem lại điều đó. Mặc dù vậy, có cái gì đó được tô vẽ thái quá trong truyện này. Thế giới người lớn (các thầy) không nhân từ đến vậy, đám công dân (nhóm ngang hàng) không có tinh thần tham gia và hợp tác đến vậy, các tín hiệu không rõ đến vậy, và phần thưởng là trở thành một con tàu tốc hành hiện đại cũng không lớn đến thế hay chắc chắn đến thế. Dẫu vậy, đứa trẻ có thể thấy ấn tượng vì tất cả đều rất tử tế – không có cái u ám như trong Cô bé quàng khăn đỏ. Do đó, trong toàn bộ chuyện này có một sự bịp bợm – một sự giả dối ở chỗ công dân làm ra vẻ vì lợi ích của Tootle. Cuối cùng cả Tootle cũng quên là cậu đã từng yêu hoa – hoa hoét mới trẻ con làm sao khi so với những đầu máy, tín hiệu, đường ray, và các cuộc hội họp của thế giới người lớn to lớn vĩ đại!

NHỮNG KHOẢNG TỰ DO

Chúng ta đã bàn về hoàn cảnh xã hội trong đó truyền thông đại chúng ngày nay được độc giả trẻ em hấp thụ. Chúng ta đã thấy các ảnh hưởng của hoàn cảnh này đối với quá trình độc giả đồng nhất họ với nhân vật chính và vai trò của họ. Chúng ta đã đặc biệt nhấn mạnh tính chất cạnh tranh mơ hồ của những đồng nhất này, một mặt nhấn mạnh chiến thắng, còn mặt kia hạn chế nghiêm ngặt mọi sự đồng nhất về mặt cảm xúc bằng bộ luật của nhóm ngang hàng.

Nếu chỉ có vậy, chúng ta ắt phải kết luận rằng nhóm ngang hàng, là một trong những lực lượng trung gian dàn xếp trong nhóm trẻ em đọc và nghe, chỉ đơn giản là chịu sự dẫn dắt của những người kể chuyện chuyên nghiệp. Nhưng tôi muốn nêu lên rất vắn tắt khả năng thay thế: ấy là, nhóm ngang hàng có thể có một bộ tiêu chí tương đối độc lập giúp nhóm duy trì không chỉ các dị biệt nhỏ nhặt, mà còn cả chút không gian để vùng vẫy trong tương quan với truyền thông. Điều này có thể hiểu được, vì rằng những nhóm ngang hàng phản hồi thành công các phong cách và giá trị đối với truyền thông đại chúng sẽ có chút cảm giác về thành tựu, cảm giác đóng góp của mình được công nhận. Đúng thế, cảm giác bị tính đại chúng hay phi đại chúng xâm lăng rồi đuổi ra khỏi hòn đảo cá thể hóa của ta cũng sẽ hiện diện, và hậu quả toàn diện có thể phụ thuộc vào việc nhóm ngang hàng có cảm thấy truyền thông đại chúng đang truy đuổi mình không, hay liệu nhóm có hứng thú chơi trò vâng lời chỉ huy không, khi mà truyền thông là chỉ huy.

Một nhóm trẻ ngang hàng hiếm khi có thể buộc truyền thông đại chúng – và do vậy là các nhóm ngang hàng khác – nghe theo sự dẫn dắt của mình. Khả năng thường xảy ra hơn là cơ hội của nhóm ngang hàng định ra các chuẩn riêng để phê bình truyền thông. Các nhóm hâm mộ nhạc jazz trẻ chẳng hạn, có những chuẩn mực rất cầu kỳ để đánh giá nhạc pop, những chuẩn có sự chính xác gần như mô phạm. Vậy thì, chúng ta phải tiến xa hơn, và đặt vấn đề liệu trẻ em có biết tìm các khoảng riêng tư bên trong một sự thích nghi bề ngoài đối với nhóm ngang hàng, và bên dưới lớp vỏ thẩm thấu hời hợt đối với truyền thông đại chúng hay không. Nói cách khác, chúng ta phải khám phá lại giả định vẫn tồn tại đến nay rằng trẻ kiểu ngoại tại định hướng gần như không bao giờ sống một mình, rằng đến sáu bảy tuổi nó đã không còn ngồi nói một mình, nghĩ ra các bài hát, hay mơ những giấc mơ không được giám sát nữa.

Chúng ta biết rằng trẻ em được nuôi dạy qua radio có thể tắt tiếng ồn của nó giống như các thiết bị tự động được tưởng tượng ra để làm tắt tiếng những chương trình quảng cáo. Có lẽ những đứa trẻ đó cũng tắt được tiếng ồn của nhóm bạn cùng lứa, ngay cả khi chúng đang góp phần tạo ra nó. Hơn nữa, bản thân các truyện tranh có thể không chỉ là một phần trong những mô thức tiêu thụ của nhóm ngang hàng mà thỉnh thoảng còn là nơi chạy trốn nhóm ngang hàng, và là một thách thức đối với thế giới người lớn trịnh trọng ghét cay ghét đắng những truyện tranh đó. Ở Phần III chúng ta sẽ trở lại với câu hỏi liệu truyền thông đại chúng có thể nuôi dưỡng sự tự chủ cũng như sự điều chỉnh, sự độc lập cũng như sự tuân thủ với nhóm ngang hàng hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.