Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG IX: Thuyết phục chính trị: phẫn nộ và khoan dung



Siêu thị nào “đem lại cho người mua hàng các giá trị tâm lý tinh tế sẽ có cơ hội tốt hơn để xây dựng một mạng khách hàng ủng hộ sinh lợi hơn siêu thị nào chỉ phụ thuộc vào giá rẻ và hàng hóa phẩm chất tốt, G.L Clements, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc chuỗi Cửa hàng Thực phẩm Jewel ở Chicago, hôm nay đã khẳng định ở đây…

Khi xác định làm thế nào để đem lại “các giá trị tâm lý” hấp dẫn khách hàng, ông Clements cho rằng doanh nghiệp nên tìm cách phát triển “chính những phẩm chất chúng ta ưa thích ở bạn bè mình”. Ông chỉ ra các phẩm chất này như sự sạch sẽ, vẻ ngoài hợp thời, phóng khoáng, lịch sự, trung thực, kiên nhẫn, chân thật, đồng cảm và tốt bụng. Ông nói: Mỗi người điều hành cửa hàng nên tự hỏi liệu cửa hàng của mình có những đặc điểm này hay không…

Ông Clements khẳng định khi tìm cách hiểu các sức mạnh tâm lý thúc đẩy khách hàng, “chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hỏi: ‘Người ta có thực sự biết mình muốn gì không?’” “Câu trả lời cho câu hỏi này chỉ ra rằng thiên hạ không biết cái họ ‘muốn’, ông Clements nói. Nhưng họ lại biết cái họ “thích hay không thích”, ông khẳng định…

Trích báo cáo hội Nghị thường niên lần thứ 12 của Viện Siêu thị.

New York Herald Tribune, ngày 10/5/1949

Người giáo huấn kiểu nội tại định hướng đưa vào chính trị một thái độ bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất. Người dự đoán nội tình kiểu ngoại tại định hướng đem vào chính trị một thái độ bắt nguồn từ lĩnh vực tiêu thụ. Chính trị phải được đánh giá về mặt các sở thích của người tiêu thụ. Chính trị gia là người càng hấp dẫn càng tốt. Hơn nữa, khi mô phỏng thương trường, chính trị trở thành một lĩnh vực mà cung cách và tâm trạng làm việc cũng vô cùng quan trọng như việc được làm. Điều này tương ứng với khuynh hướng của người kiểu ngoại tại định hướng là nhấn mạnh vào phương tiện, giảm nhẹ ở mục đích hơn là người kiểu nội tại định hướng.

Phương tiện truyền thông đại chúng có lẽ là các kênh quan trọng nhất đứng giữa các diễn viên kiểu ngoại tại định hướng và khán giả của họ trên sân khấu chính trị. Truyền thông phê bình các diễn viên và buổi biểu diễn nói chung, vừa trực tiếp vừa gián tiếp tập cho khán giả các kỹ thuật tiêu thụ chính trị. Truyền thông huấn luyện trực tiếp là phương tiện mang tính chính trị công khai, ví dụ như các hậu duệ ngày nay của Springfield Republican hay New York Tribune và một số ít ỏi báo thời xưa, có những người viết xã luận giáo huấn kiểu nội tại định hướng. Lớn hơn nhiều và có ảnh hưởng hơn nhiều là truyền thông huấn luyện gián tiếp: các phương tiện này bao gồm cả phạm vi văn hóa đại chúng hiện đại từ truyện tranh đến truyền hình. Chúng chiếm lĩnh việc sử dụng thời gian nhàn rỗi trong mọi tầng lớp Mỹ trừ tầng tít trên cùng và có lẽ cả tầng tận đáy; ảnh hưởng của chúng là rất lớn trong việc tạo ra các phong cách phản ứng tương hợp với kiểu ngoại tại định hướng.

Mặc dù mô thức của ảnh hưởng này phức tạp nhưng cũng có thể gói gọn trong ba khái quát hóa mang tính thăm dò.

Thứ nhất, vì văn hóa đại chúng trong cốt lõi là một chuyên gia về tiêu thụ, nó chỉ cho người kiểu ngoại tại định hướng tiêu thụ chính trị và xem chính trị, thông tin chính trị, thái độ chính trị như hàng tiêu dùng. Những thứ này là các sản phẩm, trò chơi, thú tiêu khiển, giải trí; còn anh ta là người mua, người chơi, khán giả hay người quan sát lúc nhàn rỗi.

Thứ hai, truyền thông, bằng chính khả năng nhạy cảm trước áp lực, có quyền lợi ở sự khoan dung. Nhưng ngay cả ở nơi truyền thông là kẻ có ý định giáo huấn, thì tâm trạng của khán giả nhóm ngang hàng cũng sẽ làm cho thông điệp phẫn nộ được đón nhận theo cách không phẫn nộ. Hơn nữa, thái độ này của cử tọa sẽ dẫn đến sự chú trọng không phải vào nội dung mà truyền thông nói mà vào “sự chân thật” ở trình bày. Sự chú trọng vào tính chân thật này, cả trong văn hóa đại chúng lẫn trong chính trị, dẫn cử tọa đến chỗ khoan dung bỏ quá cho sự kém cỏi ở phần thực hiện.

Thứ ba, trong khi vẫn còn tàn dư giáo huấn kiểu nội tại định hướng rất đáng kể trong hoạt động đưa tin và viết xã luận chính trị ở Mỹ, nó làm chậm lại nhưng không dừng hẳn sự thuyết phục mà văn hóa đại chúng thực hiện nhằm ủng hộ tính khoan dung và thụ động kiểu ngoại tại định hướng.

I. Chính trị như một đối tượng tiêu thụ

Việc người kiểu ngoại tại định hướng không biết mình muốn gì, trong khi lại bận tâm đến cái anh ta thích – như đã được nhà bán lẻ trích ở đầu chương nhận xét – cũng đúng với chính trị và các lĩnh vực khác trong đời sống. Trái ngược với điều này, người kiểu nội tại định hướng, trong các lĩnh vực đời sống, ví dụ như chính trị, mà anh ta đánh đồng với công việc, biết cái mình muốn nhưng không hẳn là cho phép mình biết cái mình thích.

Một minh họa nổi bật cho điều này được tìm thấy trong loạt phỏng vấn tiến hành tại khu ngoại ô Park Forest mới xây gần Chicago. Park Forest là sự phát triển của một công ty tư nhân được liên bang hỗ trợ gọi là Hiệp hội Xây dựng Cộng đồng Mỹ (ACB); nhà cửa cho người cư trú thuê, còn ACB giữ lại các chức năng tài chính của chính phủ, hợp tác với một phần hội đồng thành phố của cư dân sống ở đó. Người cư trú được hỏi trong các cuộc phỏng vấn là họ cảm thấy thế nào về ACB, và nếu có, họ tiếp nhận chính trị địa phương ở góc độ nào, kể cả phàn nàn và chuyện phiếm. Nhiều người than phiền về khu vực sinh sống và việc sắp xếp cộng đồng nói chung. Điều đáng chú ý là những lời than phiền này thường xuyên nói về mặt được cho là “quan hệ công chúng kém” – và thực ra đúng thế – của ACB. Tức là, phê bình trực tiếp dựa trên các nhu cầu và cảm nhận của người cư trú bị ỉm đi; đúng hơn, “họ” bị chỉ trích vì điều hành quan hệ công chúng tồi đến nỗi làm mọi người – mọi người chứ không phải người đang phát biểu – chỉ trích. Nói đúng ra, người ta than phiền không phải về chính các bất bình của mình mà vì họ chưa được dẫn dắt để “làm cho họ thích”. Các nhu cầu của họ (về các sắp xếp đời sống cụ thể) đứng hàng thứ hai sau những cái họ ưa thích hơn (ví dụ trình độ kỹ năng chuẩn mực xét thấy phù hợp cho một tổ chức lớn).[215]

Trong hoàn cảnh tiêu dùng thụ động này có thể chúng ta sẽ tưởng mọi người bỏ liên minh người dự đoán nội tình mà theo đám đông khổng lồ những người dửng dưng phong cách mới. Nếu được để mặc, có lẽ nhiều người sẽ làm vậy. Nhưng họ không được để mặc. Phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai một kiểu người rao hàng cho vở diễn chính trị. Truyền thông đã khám phá ra một phương thuốc thần hiệu, là sức hấp dẫn, để trị mối nguy dửng dưng và thờ ơ. Cũng như sức hấp dẫn trong tình dục thay thế cho cả tình yêu lẫn các mối quan hệ gia đình khá lạnh lùng khách quan của người kiểu truyền thống định hướng, và cũng như sức hấp dẫn trên bao bì và quảng cáo sản phẩm thay thế cho cạnh tranh giá cả, thì sức hấp dẫn trong chính trị, dù đó là uy tín – bao bì – của lãnh đạo đó hay là cách xử lý sự kiện bốc đồng của truyền thông đại chúng, đã thay thế cho các kiểu tư lợi chi phối người nội tại định hướng. Nói chung: nơi nào ta thấy sức hấp dẫn ở đối tượng được quan tâm thì ta phải nghi ngờ nơi đó có một sự thờ ơ cố hữu ở khán giả.

Kết quả cuộc tìm kiếm sức hấp dẫn trong chính trị là nỗ lực, không phải không giống với nỗ lực của nhà bán lẻ trích dẫn ở trên, “đem lại ‘các giá trị tâm lý’ hấp dẫn khách hàng”. Và, như ông Clements đã nói với Viện Siêu thị, các giá trị đó là “chính những phẩm chất chúng ta ưa thích ở bạn bè mình”, ấy là, “sự sạch sẽ, vẻ ngoài hợp thời, phóng khoáng, lịch sự, trung thực, kiên nhẫn, chân thật, đồng cảm và tốt bụng”. Nhiều thủ đoạn chính trị có thể được giải thích bằng những từ này. Năm 1948, công chúng cảm thấy Truman thiếu vẻ ngoài tân thời; Dewey, thiếu sự chân thật, đồng cảm, và tốt bụng.[216] Eisenhower có vẻ hấp dẫn khó cưỡng theo tất cả những điểm này – ông có “tất cả mọi thứ”.[217] Thiên hạ muốn một ứng cử viên có cả hai sức hấp dẫn, và các phần tử tự phát trong phong trào Eisenhower ở một mức độ lớn là cống vật cho cuộc tìm kiếm ráo riết sức hấp dẫn của dân chúng. Trên thực tế, những người ủng hộ Eisenhower trong cuộc vận động năm 1948 đã nói rằng một ứng cử viên “có mọi thứ” – là người mà công chúng có thể thích hết lòng – chắc chắn sẽ biết cái công chúng cần.

Khi các phẩm chất khả ái mờ nhạt đi ở Eisenhower, dân chúng cố hết sức tìm ra một ứng cử viên có sức hấp dẫn. Hẳn vậy, điều này đúng trong các thời trước, nhưng tôi nghĩ có thể phong cách chính trị hấp dẫn này đã tăng đều đều ở Hoa Kỳ vào kỷ nguyên radio. Vì ngay cả các vị lãnh đạo chính trị ngang ngạnh ở Mỹ, trong khi duy trì kinh nghiệm của mình về Franklin Roosevelt, cũng đã tính đến các sức hút này; đương nhiên, khu vực cử tri càng lớn, sức hấp dẫn càng có chiều hướng thế chỗ các vấn đề hay các cân nhắc ủng hộ đã lỗi thời. Nhưng điều này vẫn chỉ là một xu hướng; tôi không định gợi ý rằng người dân giờ đây mặc kệ các mong muốn của mình mà bầu cho những người họ thích, hay sự hiểu biết tính cách ngoại tại định hướng sẽ giúp chúng ta dự đoán được các cuộc bầu cử tốt hơn là hiểu biết các trào lưu kinh tế, truyền thống dân tộc và tổ chức chính trị.

II. Truyền thông – chuyên gia về sự khoan dung

Có một số lý do vì sao phương tiện truyền thông đại chúng lại phát triển một thái độ khoan dung, khiến thái độ đó trở thành lối cảm nhận và nhìn nhận mọi thứ, trong đó có cả chính trị.

Yếu tố mạnh mẽ nhất dẫn đến thiên kiến này chỉ đơn thuần là quy mô cử tọa. Báo chí, dù ít bị khủng bố hơn phim ảnh, cũng chịu đủ thứ áp lực mà các nhóm tìm kiếm sự bảo vệ khỏi tấn công gây ra; và các áp lực này đã được chủ thể hóa trong chính cấu trúc quản lý và phân phối của truyền thông.

Nhắc lại, phạm vi của phương tiện càng lớn thì nó có thể càng được biên tập và sản xuất trong một trung tâm đầu não lớn nơi các sức ép đối với sự khoan dung kiểu ngoại tại định hướng là lớn nhất. Trong khi được tự do khỏi áp lực của dân quảng cáo và mấy tay gàn dở địa phương hơn các biên tập viên, phát thanh viên thị trấn, nói chung thường mạnh bạo hơn đáng kể, nhưng phương tiện truyền thông ở thành phố lớn với một cử tọa khắp thành phố không thể không biết những thái độ đó có thể làm phật ý các đơn vị bầu cử phức tạp của mình. Trong khi biên tập viên đầu thế kỷ 19 có thể đánh cược vào một chiến dịch lớn có thể đem lại cho anh ta cả một vụ kiện bôi nhọ thanh danh lẫn một số lượng phát hành, nhà xuất bản thế kỷ 20 thường không thể để biên tập viên của mình đánh cược ngay cả vào số phát hành tăng thêm. Như công ty hiện đại nói chung, biên tập viên ấy muốn một đường cầu tương đối bất di bất dịch cho sản phẩm của mình; anh ta không thể liều để số báo phát hành sút giảm mạnh và thường cũng không mạo hiểm để có số tăng mạnh, vì các giám đốc của anh ta đã cam đoan số báo phát hành với các nhà quảng cáo, hoạch định nguồn cung báo, giao anh ta cho những hợp đồng và các mối quan hệ phân phối với Hiệp hội Báo chí từ lâu trước đó.

Hơn nữa rõ ràng là, khi số lượng các thị trấn và thành phố chỉ có một tờ báo tăng lên, ông chủ độc quyền chẳng được lợi lộc gì nhiều khi công kích một nhóm hùng mạnh. Ông ta sẽ thích sự thoải mái của thương mại sòng phẳng, như được gìn giữ nâng niu trong Hiệp hội Xuất bản Báo chí Mỹ hay Luật Phát thanh viên, hơn là tự do mậu dịch mạo hiểm bằng nắm đấm và quan niệm. Do vậy, mọi thứ khác đều là ngang nhau, phạm vi của phương tiện càng lớn thì nó càng có chiều hướng được sản xuất cũng như tiêu thụ trong một tâm trạng khoan dung kiểu ngoại tại định hướng và càng ít có sức hút đối với người phẫn nộ. Quả thực, vì chiến lược quan trọng hàng đầu của truyền thông với tư cách chuyên gia về tiêu thụ là giới thiệu và hợp lý hóa các thay đổi, những thứ làm phong phú thêm, hay làm gián đoạn các thị hiếu và phong cách chính thống, nên truyền thông có quyền lợi ở thị hiếu khoan dung. Họ không thể làm cho mọi người gắn bó quá sâu nặng với một thị hiếu mà ngày mai họ có thể muốn thay đổi. Nhưng họ khó mà biết đây có lẽ là khía cạnh cơ bản nhất trong cam kết của họ với sự khoan dung.

Mặt khác, chính sự cố chấp của một số đại gia báo chí và phát thanh cũ, những người đầy tham vọng với một thông điệp cho phép họ cùng với các ủy viên trong ban xã luận mà họ khuyến khích, có lối tiếp cận “cứng rắn”, để tìm ra và duy trì một nhóm khán giả trong số những người dửng dưng, kém thích nghi, vốn không tìm kiếm tin tức chính trị mà tìm cơn kích động và trò tiêu khiển từ sự thờ ơ của mình. Hearst, McCormick, Gannett hay Shepherd của mạng lưới phát thanh Yankee – những người này muốn giành quyền lực qua báo chí và radio hơn là tiền bạc hay sự tán thưởng. Thế nhưng các nhóm cử tọa của họ lại không hình thành chủ yếu từ những người phẫn nộ chính trị mà từ những người dửng dưng chính trị kiểu mới – người dự đoán nội tình tương lai thấy hấp dẫn bởi sự bất kính của ông trùm truyền thông Hearst, tờ Chicago Tribune, và nhất là New York Daily News, vì kiểu xử lý tin tức này có vẻ hứa hẹn với họ câu chuyện nội bộ không giả mạo. Đã được huấn luyện liên tưởng sự sùng kính với văn hóa chính thống gồm các thuyết giáo, trường học và sách báo, họ xem bất cứ thứ gì xuất hiện tương phản mang vẻ tinh vi, nghiệt ngã, bất hợp pháp hay bí ẩn là trung thực theo định nghĩa từ này, và nghĩ rằng biên tập viên chân thật vì đã cho họ biết.

KHOAN DUNG VÀ SỰ SÙNG BÁI TÍNH CHÂN THẬT

Cuộc thăm dò xem chân thật nghĩa là gì sẽ đưa chúng ta đến chỗ hiểu thêm các cách thức mà văn hóa đại chúng dạy cử tọa của nó về sự khoan dung. Chúng ta phải nhắc mình rằng chân thật là một trong những phẩm tính nhờ đó một cửa hàng bán lẻ có thể giữ được lượng khách hàng trung thành, theo các nhận xét của Clements trích dẫn ở trên.[218]

Trong một nghiên cứu về các thái độ đối với nhạc pop, chúng ta bắt gặp không biết bao lần những phát biểu như, “Tôi thích Dinah Shore vì cô ấy rất chân thật”, hay “đó là một đĩa rất chân thật”, hay “Ta có thể cảm nhận được rằng anh ta [Frank Sinatra] chân thật”. Trong khi đã rõ là mọi người muốn cá nhân hóa mối quan hệ với các người hùng tiêu thụ, và rằng khát khao sự chân thật của họ là một nhắc nhở đáng lo ngại về chuyện họ ít tin tưởng ở bản thân hay người khác ra sao trong cuộc sống hằng ngày, thì cái họ thấy “chân thật” ở một ca sĩ hay những người trình diễn khác[219] lại rất mơ hồ. Có thể đó là sự tự do rõ ràng của người trình diễn được bộc lộ những tình cảm mà người khác không thể hay không dám bày tỏ. Nhắc lại, chân thật có nghĩa là trình diễn theo một phong cách không gây hấn hay hoài nghi, thậm chí có thể là thiếu phòng thủ, như kỹ thuật hỏi đáp hay họp báo mà một số chính trị gia thể hiện. Người trình diễn phó mặc bản thân cho lòng khoan dung của cử tọa và cảm xúc của mình. Do vậy, sự chân thật ở phía người trình diễn khơi dậy lòng khoan dung của khán giả dành cho anh ta: sẽ không công bằng khi quá khắt khe với người đã cởi mở và chìa ra bàn tay niềm nở thân tình.

Nhưng sự chú trọng phổ biến vào tính chân thật có nghĩa nhiều hơn thế. Nó có nghĩa là tiêu chí để đánh giá đã chuyển từ nội dung trình diễn với sự hay dở của nó về mặt thẩm mỹ, sang tính cách người trình diễn. Anh ta được đánh giá vì thái độ của anh ta đối với khán giả, chân thật hoặc giả dối, hơn là theo mối quan hệ của anh ta với tài nghệ, tức là sự trung thực và kỹ năng của anh ta.

Bằng cách lờ đi thứ khán giả tin mình thiếu (khả năng trình diễn) và nhấn mạnh các phẩm tính mà khán giả ngầm tin là mình có (khả năng chân thật), khán giả được phép, trong một chừng mực nào đó, cổ vũ nghệ sĩ cũng như họ cổ vũ người tham gia vụng về trong một trò chơi truyền hình dễ đoạt giải. Cũng rất có thể khán giả nhấn mạnh một phẩm tính cảm xúc của một người trình diễn, ví dụ như chân thật, để thoát khỏi đòi hỏi phải có hưởng ứng cảm xúc với chính phần trình diễn của anh ta. Dù người nghe thích một ngôi sao mà, như thanh thiếu niên nói, có thể làm mê mẩn tâm hồn, họ lại không muốn đi quá xa; họ có thẻ thành viên trong liên minh người tiêu dùng nên phải cân nhắc. Bằng cách làm cho tính chân thật có vẻ như một phẩm chất khách quan, hay ít nhất một phẩm chất có thể bàn tán trong nhóm ngang hàng, họ sẽ có chút giải tỏa cảm xúc trong khi vẫn duy trì được sự an toàn trong nhóm. Họ có thể “chìa tay cho cô bé” mà không cần đưa ra một đánh giá về trình độ điêu luyện của cô bé. Trong ý nghĩa này thì người nghệ sĩ chân thật giống như người nghệ sĩ đã cố gắng hết mình.

Xem bối cảnh chính trị như một thị trường cho các cảm xúc có thể sánh với nhau, dường như ma lực của nhiều ứng cử viên chính trị của chúng ta thiên về loại này. Buộc phải chọn giữa tài nghệ và chân thật, nhiều người trong số khán giả sẽ thích cái sau hơn. Họ chấp nhận những ấp úng và vụng về trông thấy rành rành nếu nhà lãnh đạo hết sức cố gắng.[220]

Chân thật và hoài nghi. Người dự đoán nội tình kiểu ngoại tại định hướng không đơn giản là một người hoài nghi. Sự hoài nghi là một nét tương hợp với cả kiểu nội tại định hướng lẫn kiểu ngoại tại định hướng, nhưng nó có một ảnh hưởng khác nhau đối với hai nhóm. Người hoài nghi do nội tại định hướng có thể là một người cơ hội, tàn nhẫn khi theo đuổi các mục tiêu. Hoặc anh ta có thể là một người lý tưởng chủ nghĩa bất bình, trong thực tiễn vẫn còn một lòng với sự chính trực. Khi theo đuổi mục tiêu dù tốt hay xấu, anh ta có thể sẵn sàng lợi dụng người khác, cũng như người giáo huấn kiểu nội tại định hướng có thể sẵn sàng buộc người khác cũng phải có đạo đức. Tuy vậy, người do ngoại tại định hướng, dù thường mang vẻ hoài nghi, nhưng nói chung anh ta quá phụ thuộc vào người khác nên không thể hoàn toàn hoài nghi về họ: anh ta có thể vẫn tiếp tục tìm kiếm sự chân thật – tức là những cá nhân mà nếu họ lợi dụng các cảm xúc của anh ta thì việc đó cũng sẽ kéo theo cảm xúc của chính họ. Niềm mong muốn có một ứng cử viên tổng thống chân thật, như Eisenhower, bấy giờ sẽ phần nào là mong muốn thoát khỏi tính hoài nghi và thờ ơ mà bước vào sự gắn bó và nhiệt tình – một cái cớ cho sự trở lại của các phẩm tính đã bị trấn áp. Cái ở đây có vẻ giống sự hoài nghi thì thường là sự sốt sắng của người kiểu ngoại tại định hướng khoan dung chấp nhận các chuẩn mực của bất cứ nhóm trưởng thành ngang hàng nào có anh ta trong đó. Nhưng sự chấp nhận èo uột này đúng hơn là một nguồn cơn cho sự hoài nghi về bản thân chứ không phải cho sự hoài nghi về người khác mà anh ta bám lấy khi tìm kiếm các mục tiêu. Thực ra, thói hoài nghi bản thân của người kiểu ngoại tại định hướng là một trong những lý do chính mà, trong khi anh ta sẵn lòng nói ra cái mình thích, lại không thể đủ lòng tin ở mình để biết cái mình muốn.

Người kiểu nội tại định hướng, khi xem xét chính trị, có thể cực kỳ hoài nghi về con người nhưng không hoài nghi về các thể chế, hiến pháp, và như chúng ta đã thấy, các giá trị của bản thân chính trị. Ngược lại, người kiểu ngoại tại định hướng, có phần đa cảm về con người, có thể sẽ rốt ráo hoài nghi về các thể chế luật pháp và chính trị, cũng như anh ta hoài nghi bản thân chính trị – một trò chơi lớn. Cộng vào với cái nhìn này, mối bận tâm của anh ta về tính chân thật ở các nhân vật chính trị trở thành một tật xấu. Trong khi mối bận tâm về tính chân thật có thể hàm ý sự từ chối không để bất kỳ ý niệm trừu tượng nào về tốt và xấu lừa bịp, cùng niềm tin khăng khăng rằng sắc thái cảm xúc cá nhân của người lãnh đạo có tầm quan trọng quyết định, thì có nhiều tình huống mà sự định hướng này sẽ dẫn người ta đến chỗ lạc lối.

Trước hết, sự niềm nở hay chân thật của lãnh đạo không phải luôn quan trọng; điều đó tùy thuộc vào tình huống. Cấu trúc của chính trị và của cử tri có thể đủ vững mạnh để khiến một ứng cử viên thiếu chân thật khó có thể gây nên những tai họa tày trời cho dù ông ta có muốn đi nữa. Người kiểu ngoại tại định hướng, vì chú trọng ở con người, có thể bỏ qua định chế cứng rắn của thế giới bên ngoài. Do đó, cũng như người giáo huấn lãng mạn hóa một chính phủ vị luật pháp chứ không vị nhân sinh, thì người dự đoán nội tình cũng lãng mạn hóa một chính phủ vị nhân sinh mà không vị luật pháp.

Thứ hai, đánh giá sự chân thật hiển nhiên là khó nhất. Trong khi khán giả dùng từ chân thật nghĩ rằng họ, trong tâm trạng khoan dung, đang chạy trốn khỏi tình thế khó khăn phải đánh giá khả năng, quả thực họ đang bước vào một địa hạt quá ư phức tạp. Chính vì có một tầm quan trọng như vậy được dành cho sự chân thật mà cũng có một tầm quan trọng được dành cho hành động ngụy tạo vẻ chân thật.

Rõ ràng, chính nhu cầu tâm lý của người kiểu ngoại tại định hướng, chứ không phải nhu cầu chính trị, là cái sai khiến anh ta chú trọng vào sự niềm nở và chân thật. Với nhóm lãnh đạo, khả năng là kẻ bị ghét thường có thể quan trọng hơn. Thêm nữa, người nghĩ mình chân thật có thể lừa dối mình và người khác; còn người biết mình không chân thật có thể theo dõi mình và bị người khác theo dõi.[221]

III. Truyền thông có thoát khỏi chính trị?

Khám phá của Hollywood về vấn đề người da đen đã đem đến cho các xưởng phim một chu kỳ mới, và cho các nhà phân phối một vấn đề gai góc: miền Nam sẽ đón nhận các phim lên án thành kiến chủng tộc ra sao?… Sau khi đã chiếu Home of the Brave với chín tuần hốt bạc ở Manhattan, rồi đến Dallas và Houston… Ở Dallas, người da đen điều hành thang máy cố tổng kết những ý kiến nghe lỏm được: “Được, để tôi nói anh nghe, 99% thiên hạ nói nó mang tính giáo dục, 1% kia nói nó hay”.

Time, ngày 18/7/1949

Các nhà bình luận của truyền thông đại chúng nhìn chung cho rằng truyền thông cổ vũ sự thờ ơ chính trị, rằng nó cho phép và khuyến khích khán giả thoát ly thực tại chính trị lẫn thực tại đời sống nói chung, rằng, bằng một kiểu quy luật Gresham,[222] truyền thông hất cẳng tiền cứng của chính trị bằng tiền mềm của giải trí đại chúng. Thỉnh thoảng người ta hỏi, làm sao Washington địch nổi Hollywood và Broadway[223]?

Tuy nhiên, thực tế thì truyền thông bị chỉ trích nhiều – nhất là báo chí – có vẻ đã duy trì một thái độ kiểu nội tại định hướng đáng ngạc nhiên đối với chính trị. Quả thực, họ chú ý đến chính trị nhiều hơn khán giả dường như đòi hỏi. Ngay cả các báo lá cải cũng thường in tít và tin ảnh trên trang nhất, chứ không phải những chuyện rẻ tiền. Đúng, ở đấy thường có “tin tức” về tình dục, tội phạm và những bài phanh phui để giải trí chẳng liên quan gì đến chính trị, nhưng một vài chủ đề chính trị lớn cũng tính toán đến cơ hội xuất hiện này. Ông già Hearst Phẫn nộ thích in các bài xã luận “của Tổng biên tập” hơn là ảnh khỏa thân trên trang nhất. Các đài phát thanh địa phương với những người giới thiệu đĩa hát xây dựng lòng tự trọng của mình (và làm hài lòng Ủy ban Truyền thông Liên bang) bằng việc phát tin mỗi giờ, mà tin tức ấy cũng như các tiết mục quảng cáo, thiên hạ chẳng buồn tắt. Cũng vậy, chương trình thời sự thường mở đầu bằng các cảnh quay một nhân vật chính trị tầm cỡ hay sự kiện nào đó, hoãn Lew Lehr[224] hay biểu diễn thời trang đến cuối. Do vậy, nhiều cơ quan truyền thông đại chúng cho tin tức chính trị giữ một vai trò lớn hơn sự áp chế của những cân nhắc khắt khe từ nghiên cứu thị trường. Bằng cách này truyền thông giúp duy trì uy tín chính trị như một quyền lợi đương nhiên đối với một phần khán giả của mình – mặc dù, cùng lúc đó, truyền thông hiếm khi nói ngược lại mẫu rập khuôn phổ biến liên quan đến những bê bối của các chính trị gia.

Việc vị trí uy tín được trao cho chính trị đặc biệt quan trọng đối với người típ ngoại tại định hướng, vì anh ta trông chờ truyền thông đại chúng hướng dẫn mình trong kế hoạch sống và thang bậc giá trị. Anh ta được dẫn dắt để nhận định rằng người ta phải đánh giá chính trị như chính truyền thông đại chúng làm – rằng họ là những người giáo huấn am tường chính trị mà anh ta thì không. Anh ta còn được khuyến khích với nhận định này bằng các cuộc thăm dò mà báo chí đăng tải. Trừ ra một “tay phó nhòm tọc mạch” đây đó, các cuộc thăm dò này đặt nhiều câu hỏi và tường thuật nhiều câu trả lời về các vấn đề chung, nhưng hỏi tương đối ít về cuộc sống hằng ngày hay thể thao. Truyền thông, còn xa mới là một âm mưu làm cùn nhụt ý thức chính trị của người dân, nhưng có thể được xem là một âm mưu ngụy trang mức độ dửng dưng chính trị.

Quả thực người dân trong hầu hết các tầng lớp xã hội đều sẽ lấy làm xấu hổ nếu không cập nhật thông tin mới nhất về chính trị, nhất là cánh đàn ông. Người ta thường không khám phá ra là người khác cũng chán ngấy hay thờ ơ với chính trị (hoặc với các thứ khác được truyền thông trao cho sự khả kính) như họ biết về bản thân mình. Ở thành phố, nơi mọi người không quen nhau, “những kẻ bất tín” chỉ biết được họ đông đảo thế nào qua truyền thông đại chúng, nhưng chính họ lại là các kênh cho chính trị quyền ưu tiên.[225]

Một lý do của vấn đề này là những người làm việc cho truyền thông đại chúng mong muốn làm điều đúng hay được những người mà họ trông chờ sẽ lãnh đạo xem là đúng. Cũng như các nhà xuất bản muốn in những cuốn sách có uy tín dù họ có thể mất tiền vì chúng, theo những lý giải khác nhau đầy thiện chí, thì các ông chủ báo chí và phát thanh cũng muốn nâng mình lên trên “mẫu số chung thấp nhất” mà không thăm dò đầy đủ khả năng sinh lợi tài chính tiềm tàng của việc “được người sẽ lãnh đạo cho là đúng”. Ông vua trong ngành điện ảnh ủng hộ giải trí đơn thuần cảm thấy phải giữ thế thủ trước nhà sản xuất táo bạo phim Home of the Bravevà các phim có vấn đề tương tự.

Vì thực chất, những người làm trong các ngành truyền thông đại chúng, bất chấp phong cách giáo huấn mà họ dùng để tiếp cận chính trị, đều là kiểu ngoại tại định hướng điển hình. Chiếc rađa cực nhạy – người bao ăn của họ – được chỉnh trong những lúc rảnh rỗi không phải theo khán giả tiêu thụ món hàng họ bán, mà theo các giai tầng trí thức xung quanh và trên họ. Các giai tầng này thường khinh khỉnh với văn hóa đại chúng.

Rõ ràng, một hệ thống thứ bậc trong các kiểu giải trí khác nhau vẫn luôn tồn tại. Nhưng trong khi thứ bậc ở thời trước được dựa vào các tiêu chuẩn nghệ thuật tối thiểu ở một mức độ nào đó, thì thang bậc ngày nay hình như có phần dựa vào chủ đề hơn là vào phương thức xử lý. Vì chính khán giả được đòi hỏi xê dịch trên một thang độ đề tài và sở thích liên tục nâng cao, từ truyện tranh cho tuổi thơ đến những nhà bình luận vấn đề cho tuổi trưởng thành, thì những người làm ra truyền thông đại chúng, khi kết hợp di động xã hội với nâng cao đạo đức, bao giờ cũng nôn nóng đi tới tiêu điểm giáo dục và nâng cao dân trí trên phương diện chủ đề, bên cạnh tính giải trí. Như tạp chí láng bóng đẳng cấp hơn sách báo giật gân, thì chính trị cũng đẳng cấp hơn tình dục. Phóng viên thể thao muốn trở thành một người đứng chuyên mục chính trị; phát thanh viên hộp đêm trước tiên chuyển sang chuyện phiếm chính trị, rồi sau là nhiệt huyết chính trị; nhiều nhà xuất bản báo chí khởi sự là một doanh nhân “cố chấp” cuối cùng lại trở thành người giáo huấn chính trị đôi chút. Cũng như người giàu mới phất là “được giáo dục” về lòng nhân ái nhờ các bạn đồng liêu, thì người mới chân ướt chân ráo vào ngành truyền thông đại chúng cũng được dạy dỗ để tránh các động cơ thương mại “tầm thường” sang các động cơ có thanh thế hơn. Lấy một ví dụ, các tạp chí hình ảnh lâu đời hơn, như Life và Look, hay thậm chí một số tờ không nổi tiếng bằng, đã dần dần chuyển từ hình ảnh, tranh ảnh khỏa thân sang nghệ thuật, từ xu hướng giật gân của báo phụ trương Chủ nhật đến đề tài đọc “nghiêm túc” và sự cổ xúy chính trị; hình ảnh chỉ là nét hấp dẫn cho các vấn đề xã hội mà thôi.

Do vậy, có vẻ như là truyền thông đại chúng, trong số các hiệu quả rất mơ hồ và phức tạp của chúng, quả thực đã giúp làm chỗ dựa cho uy tín của lĩnh vực chính trị ở Hoa Kỳ, và rằng trong lĩnh vực này, truyền thông gây ấn tượng là ủng hộ các phong cách chính trị giáo huấn lâu đời hơn. Điều này đúng với báo chí hơn với điện ảnh và phát thanh, cũng như trong chính báo chí thì nó đúng đối với một số báo và tạp chí nhất định hơn những tờ khác. Dù vậy, bất chấp các thiện ý này, ảnh hưởng tổng thể của truyền thông đại chúng đối với thái độ chính trị của người Mỹ đã làm rất nhiều điều để khuyến khích tính khoan dung kiểu ngoại tại định hướng hơn là duy trì sự phẫn nộ kiểu nội tại định hướng. Việc nhấn mạnh đơn thuần vào các kỹ năng người tiêu dùng trong truyền thông đại chúng, một sự nhấn mạnh vừa khuyến khích vừa phục vụ cho người kiểu ngoại tại định hướng, mang lại hiệu lực nhiều tầng lớp. Một trong những hiệu lực cơ bản nhất là người kiểu nội tại định hướng và những mối quan tâm của họ bị đẩy khỏi truyền thông đại chúng trong mọi lĩnh vực trừ chính lĩnh vực chính trị.

IV. Nguồn phẫn nộ

Quả thực, ngoài món chính trị ra, truyền thông đại chúng cung cấp cho người phẫn nộ một chế độ ăn khá thiếu thốn. Các vấn đề đạo đức đề cập trên phương tiện truyền thông đại chúng được đặt trong hình thức ngày càng khó nhận ra, và như chúng ta đã thấy trong Chương VII, chúng chủ yếu phản ánh các vấn đề quan hệ cá nhân. Hơn nữa, nhịp độ của phương tiện truyền thông đại chúng quá nhanh, quá phức tạp đối với nhiều độc giả vẫn còn là kiểu nội tại định hướng. Họ phải làm gì, chẳng hạn với một cột của Billy Rose về các bài học và tục lệ của Broadway? Họ sẽ phải phiên dịch tiếng lóng chuyên biệt trong nhiều chuỗi truyện tranh ra sao đây? Làm sao họ có thể hiểu sự khó nắm bắt và tính bóng gió của phim luận đề hạng “A”? Người phẫn nộ dễ nhận ra rằng ngay cả phim cao bồi cũng đã trở thành khung cảnh điền viên cho bạo dâm, tình dục và các vấn đề xã hội, không còn giống các phim miền Tây xưa lấy ngựa làm nhân vật chính và các vấn đề luân lý của nó gần như không liên quan đến các loài phức tạp hơn. Kịch nhiều kỳ với người nghe bình thường tầng lớp trung lưu lớp trên chừng như vẫn đẫm trong vẻ dạy đời và sướt mướt. Nhưng đặc tính tiêu biểu là các nhân vật của họ phải lo chải gỡ một mạng rối mù các cảm xúc hời hợt, thường cần đến những giúp đỡ đặc biệt của người trợ giúp chuyên môn hay bán chuyên môn. Người phẫn nộ chai sạn điển hình, nhất là đàn ông, đơn giản chỉ vì họ không quan tâm đến những thứ như thế.

Chúng ta có thể để ý sự biến đổi thực đơn văn hóa đại chúng trong một phương tiện mới hoàn toàn, bằng cách nhận xét bước chuyển biến vài năm trước của tạp chí Scientific American mới. Tờ Scientific American cũ từng được những người kiểu nội tại định hướng yêu thích khoa học đọc; giờ đã trở thành một tạp chí định kỳ giấy bóng láng, phục vụ vẻ lấp lánh, cầu kỳ cho người tiêu dùng khoa học, kể cả khoa học xã hội và triết học; một người đặt mua báo già cả than phiền là tờ tạp chí không còn được biên tập để cho những người thợ bàn tay lấm lem dầu mỡ đọc trên bàn làm việc nữa – gần như cột sở thích duy nhất còn lại là mục thiên văn học. Cũng vậy, chúng ta có thể để ý rằng Street & Smith, những nhà xuất bản truyện răn dạy đạo đức như Alger và Nick Carter, năm 1948 đã cắt bỏ hết chỉ còn chừa lại mỗi một mảng truyện giật gân, trong đó có Truyện trinh thám, Truyện miền Tây, vân vân, để tập trung vào ba tạp chí bóng láng đắt hàng: Mademoiselle (Thanh nữ), Charm (Quyến rũ), và Mademoiselle’s Living (Thanh nữ và cuộc sống). Người giáo huấn cố hữu phải làm gì với chúng bây giờ?

Sự thâm hụt dần mòn của truyền thông đại chúng khả dĩ chấp nhận này có lẽ sẽ đỡ phiền phức hơn đối với người giáo huấn nếu thế giới anh ta sống vẫn dường như là kiểu nội tại định hướng, tức là được bàn tay vô hình kiểm soát. Nhưng kinh nghiệm sống của anh ta thường gây thất vọng; anh ta bị tước đoạt cảm giác có năng lực và chỗ đứng. Tính cách của anh ta hay công việc của anh ta đều không được đền đáp. Trong hoàn cảnh đó, anh ta thường trở nên thù địch với cả hai – vì anh ta dễ bị thiếu hiểu biết đời thường, có lẽ hơn cả thiếu thành công trong đời – và thù địch cả thế giới. Trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng xoay đất nước trở lại lộ trình kiểu nội tại định hướng để làm cho nó dễ sống đối với mình, anh ta sẵn sàng tham gia một phong trào chính trị mà động lực cơ bản là sự phẫn nộ. Một thế giới từ chối cho anh ta chỗ đứng – một thế giới oanh tạc anh ta bằng những thông điệp làm anh ta cảm thấy bất bình – xem ra không đáng để cứu vớt, dù sự phá phách của anh ta có thể được biện bạch bằng nhiều ý thức hệ khác nhau.

Truyền thông đại chúng chăm lo cho thái độ này trong chính trị, dù không còn bận tâm về nó trong các lĩnh vực khác. Chúng ta đã thấy một lý do của điều này: thực tế là nhiều lãnh đạo ngành truyền thông, vì uy tín và các lý do riêng khác, tán thành thái độ giáo huấn đối với chính trị hơn là thái độ dự đoán nội tình. Và chúng ta cũng vừa thấy một lý do nữa: thực tế là truyền thông thu hút và đem lại cho khán giả thuộc nhóm người phẫn nộ một thông điệp đơn giản. Trong khi hầu hết khán giả của truyền thông là người dửng dưng kiểu mới bị niềm háo hức chính trị kích thích, thì một số là người phẫn nộ thấy phản ứng của mình được chào đón trên trang xã luận và trong các cột bình luận nếu không phải ở đâu khác.

Hơn nữa, sự phẫn nộ của các ông chủ báo chí, người phụ trách phần bình luận và chuyên mục không phải là không có ảnh hưởng đối với những độc giả kiểu ngoại tại định hướng trong số khán giả của họ như thoạt nhìn ta có lẽ tưởng thế. Nhiều người trong số này đã dùng phong cách giáo huấn làm của riêng – nhiều người nữa dĩ nhiên chỉ là kiểu ngoại tại định hướng không cần bàn đến. Nhưng kể cả người kiểu ngoại tại định hướng khoan dung cũng thường thấy bị cuốn hút trước sự giận dữ của người phẫn nộ, không phải vì nó tương hợp với cấu trúc tính cách của anh ta mà chính vì nó không tương hợp. Trong thể thao thương mại chẳng hạn, anh ta thích sự đua tài và việc bộc lộ tính nóng nảy – ngay cả nếu theo một cách nào đó anh ta biết kết quả được bày sẵn cho anh ta – đặc tính đó đang biến mất hay đã bị trục xuất khỏi các lĩnh vực khác trong cuộc đời anh ta. Kết quả là, sự bộc lộ tính gây hấn và phẫn nộ trên vũ đài chính trị là chuyện phổ biến với tất cả mọi típ người – người phẫn nộ, người dự đoán nội tình và người dửng dưng. “Hết mình đi, Harry!” những đám đông gào lên với tổng thống Truman. Như người Mỹ, bất kể giai cấp hay tính cách, có thể hứng thú một trận đấm bốc hay cuộc biểu diễn mô tô, thì họ cũng xem một cuộc khẩu chiến chính trị chẳng khác nào một phần di sản Mỹ của mình, bất chấp khuynh hướng thiên về khoan dung.

Điều này dẫn chúng ta tới suy xét quan trọng rằng bản chất của quá trình bầu cử là khuyến khích người phẫn nộ tham gia theo cách của anh ta. Trong chiến dịch vận động, một truyền thống giáo huấn vẫn còn sống sót khi cạnh tranh với cuộc tìm kiếm mới sức hấp dẫn. Các bộ máy, dù nhạy cảm trước sức hấp dẫn, cũng nhận thức được về quyền lực chính trị của người phẫn nộ từ các thất bại trong quá khứ, ấy là những người đã chống lại guồng máy hành chính. Ngay cả người kiểu ngoại tại định hướng cũng có thể bầu cho các chính trị gia giáo huấn kiểu nội tại định hướng vì họ thể hiện một thái độ quen thuộc hơn, kịch tính hơn, có vẻ thích hợp hơn đối với chính trị.

Vì người phẫn nộ lưu giữ một trong những truyền thống lớn của chính trị Mỹ, đó là truyền thống đòi hỏi một chính phủ để lãnh đạo hơn là một chính phủ biết phải lãnh đạo ra sao – như với lệnh cấm – một tàn dư còn đến ngày nay của thời kỳ mà bang Connecticut, trước sự kinh ngạc của Tocqueville, không thể biện bạch được chuyện đã không đưa luật Hêbru vào luật vựng của mình, và cũng không thể biện bạch được chuyện buộc thi hành các điều luật phạt khắt nghiệt. Cùng với truyền thống này, người phẫn nộ ngày nay có thể cố gắng trong chính trị để “đưa luật” vào các phong trào trong văn hóa – trong văn học, điện ảnh, đại học, thư viện – những thứ tượng trưng cho sự phức tạp và khoan dung thành thị. Trong nỗ lực này họ ít bị người kiểu ngoại tại định hướng khoan dung chống đối hơn là người kiểu nội tại định hướng mà với anh ta khoan dung là một nguyên tắc đạo đức, không phải một nét tính cách. Những người bảo vệ nhiệt thành nhất cho tự do công dân ở Mỹ nhận được sức mạnh chính trị từ các nguyên tắc và xác tín vững vàng của người phẫn nộ, chứ không phải từ hiểu biết ai là ai trong chính trị. Trái lại, người dự đoán nội tình khoan dung có thể trở thành “khách quan” trước sự cố chấp: anh ta biết đủ về mọi người để nghi ngờ hiệu lực của lý do hay chắc chắn về phản kháng của mình. Những đặc tính nhạy cảm ở anh ta, cũng như khả năng của anh ta, bắt nguồn từ thực tế là anh ta để mắt tới người khác mà không quan tâm tới các nguyên tắc hay nguyện vọng của mình.

Thực ra, người kiểu ngoại tại định hướng cố tự vệ trước các cuộc công kích chính trị dữ dội của người phẫn nộ bằng những vận động bên trong hơn là bằng giáo huấn ngược trở lại. Không ưa chiến đấu cá nhân, để tránh đặt mình vào thế chơi vơi, họ gây áp lực qua các nhóm và hiệp hội phát ngôn nhân danh họ. Như những người xử lý tài tình các chiến thuật nội bộ và quá trình truyền thông – dĩ nhiên, họ như người nhà giữa truyền thông đại chúng, và không phải tất cả các phương tiện truyền thông ấy đều bị người giáo huấn kiểm soát – họ thường có thể hãm lại cái mà người phẫn nộ muốn làm. Như một công tố viên tòa án khu vực khôn ngoan khi phải đệ trình một bản cáo trạng lên đại hội đồng xét xử, anh ta có thể giảm nhẹ cơn thịnh nộ của họ bằng cách thỏa thuận với luật sư bên bị chấp nhận lời thỉnh cầu tội trạng giảm nhẹ, thì người dự đoán nội tình cũng thường, trong chính trị quốc gia và địa phương, có thể hoãn người phẫn nộ lại bằng một nhượng bộ. Anh ta có thể nhượng bộ, vì anh ta không yêu cầu chính trị phải làm thế giới trở thành ngăn nắp cho mình. Quả thực, nếu người phẫn nộ đòi hỏi quá nhiều ở chính trị, thì người dự đoán nội tình khoan dung lại đòi hỏi quá ít.

Người giáo huấn và người dự đoán nội tình gộp chung lại hẳn là một đa số trong số những người có giáo dục cao hơn, nhưng chắc chắn chỉ là một thiểu số trong toàn bộ người dân. Thế mà, người dự đoán nội tình lại không có gì nhiều để đưa ra cho người dửng dưng theo kiểu cổ tức tinh thần: chính kiến thức của anh ta dẫn anh ta đến chỗ hiểu rằng rất ít thứ có thể thành tựu trong chính trị và tuyệt vời làm sao khi hy vọng “từ bỏ chính trị.” Nhưng khi khuấy động người dửng dưng, sự phẫn nộ có các tiềm năng lớn lao. Nó không chỉ làm ra một vở diễn hay hơn mà còn lợi dụng được những nỗi bất bình mà người dửng dưng có. Đôi khi có thể đưa những bất bình này vào lĩnh vực chính trị bởi các trát tòa chống chính trị. Những lời hứa hẹn đầy căm hận của người phẫn nộ có thể hấp dẫn đối với nhiều người mà thái độ dửng dưng chính trị của họ không dựa vào sự an toàn của kiểu truyền thống định hướng mà vào sự bất lực và vô cảm. Từ các nguồn tương tự, sự liên kết đã hình thành giữa nhiều thành viên đảng Quốc xã thời kỳ đầu, một cánh lớn của phe De Gaulle,[226] và nhiều nhóm khác ở các nước khác nhau, tất cả đều đặt mình đứng “trên chính trị”, “trên đảng” và “trên dư luận”. Những nhóm như vậy tấn công các đảng viên truyền thống và các phần tử miệng lưỡi chính trị khéo léo trong xã hội, đòi hỏi tự do tách khỏi chính trị – khỏi các cương lĩnh, nguyên tắc và nghị trường. Một thái độ như thế đối với hệ thống đảng phái và mô thức đàm luận chính trị ở Mỹ không phải là không thường xuyên. Do vậy, nếu bất cứ lúc nào người phẫn nộ có thể phối hợp với người dửng dưng, thì người phẫn nộ có thể trở nên rất mạnh mẽ. Mặt bên trong, sự phẫn nộ có thể dựa vào các nguồn lớn là chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại trong tầng lớp thấp hơn. Mặt bên ngoài, phẫn nộ có thể gặp phản phẫn nộ, và liên minh người phẫn nộ với người dửng dưng nhất thời bị khích động có thể đưa ra cho người khoan dung một sự thể dường như đã rồi. Và người dự đoán nội tình khoan dung, so với những người khoan dung từ nguyên tắc nội tại định hướng, là người được đào luyện để nhận ra một sự đã rồi, chứ không phải phản kháng lại nó.

Rất lâu trước khi người khoan dung có thể tổ chức chính trị theo phong cách và tâm trạng của mình, thì hành động bộc phát của người phẫn nộ có thể đã dẫn đến một cuộc bùng nổ và đẩy chính nghĩa khoan dung với tính cách khoan dung vào chỗ trì đọng.

V. “Trách nhiệm bắt nguồn từ ước mơ”

Để kết luận, tôi mạo muội đưa ra gợi ý là nếu truyền thông khuyến khích, và nếu khán giả chấp nhận một cuộc chạy trốn thành thật hơn “khỏi tất cả”, thì người Mỹ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn về tâm lý và sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm đánh thức trí tưởng tượng chính trị cùng với cam kết chính trị. Bằng cách kéo dài mô thức phê bình truyền thông đại chúng hiện nay của mình, chúng ta làm cho truyền thông có thể tiếp tục duy trì uy tín chính trị ngay cả khi, như đối với phần lớn đời sống của ta lúc này, chính trị không có nội dung thực chất – vì chính sự thiếu nội dung này chỉ có thể thoáng thấy từ một lối nhìn ít hiện thực mà nhiều tưởng tượng. Ảnh hưởng trực tiếp của truyền thông đối với quyết định chính trị có thể dễ dàng trở thành mong manh như ảnh hưởng của Thượng nghị viện Anh đối với dư luận Anh. Báo chí nghiêm túc không chịu đối mặt với tình huống này, và không hề tìm cách khám phá những dòng cảm xúc mới trong đời sống Mỹ, nó vất vả tìm cách trình lên Hạ viện truyền thông – là radio, ti vi, phim ảnh và sách báo giật gân – một lịch trình tranh luận chính trị còn thừa lại. Vì chính trị thật ra ít thực chất hơn là các trùm báo chí đang vờ vịt bản thân và khán giả, nên tiêu thụ sự phỉ báng chính trị hơn bao giờ hết dễ dàng trở thành một lối thoát theo nghĩa thường gây ác cảm, được biện minh bằng uy tín cao do truyền thông nâng đỡ của chính trị. Do vậy, các nguồn trong nghệ thuật và văn hóa đại chúng từ đó sự sáng tạo chính trị cuối cùng phát sinh phần nào bị chặn lại bởi các suy xét sai lầm về uy tín, bởi các tội lỗi bị thay thế và các thôi thúc về luân lý mà những người kiểm soát truyền thông, cùng những người trông chờ ở họ một thực đơn văn hóa, chia sẻ.

Có thể xảy ra các khả năng rằng truyền thông, trong tác động mang thông điệp trực tiếp của mình, ít trợ giúp hay ít làm tổn thương khán giả hơn là những người kiểm soát truyền thông và các nhà phê bình. Vỡ lẽ điều này có thể cho phép cả người kiểm soát lẫn nhà phê bình của truyền thông định hướng lại sự chú ý của mình. Họ được tự do, tự do hơn họ nhận ra nhiều, để chú tâm vào bản thân phương tiện chứ không phải vào thông điệp nó cung cấp hay được tin là cung cấp. Nhà sản xuất phim hay nhà phê bình vốn quan tâm chủ yếu đến các thông điệp, ví dụ như lòng khoan dung chủng tộc, thực tế có thể khinh miệt phim ảnh vì nó là một hình thức nghệ thuật. Người viết xã luận hay nhà khoa học xã hội vốn chỉ bận tâm đến chuyện kích động cử tri có thể căm ghét tiếng Anh vì đối với anh ta nó đơn thuần trở thành một công cụ. Phát thanh viên muốn kiếm lương cao và kiếm các nhà bảo trợ cho mình bằng cách chèn vào một câu châm biếm chống kinh doanh có thể không mấy tôn trọng các nguồn thẩm mỹ trong phương tiện của anh ta.

Bằng cách này hay cách khác, những người làm trong ngành phát thanh, điện ảnh và văn chương có chiều hướng đem cho chính trị, như báo chí và những người đề cao báo chí thấy, một uy tín mà họ đã từ chối đối với nghệ thuật, nhất là nghệ thuật bình dân của chính truyền thông. Trong chuyện này có điều bi đát đối với đời sống cá nhân của họ, vì nó dẫn họ đến chỗ khinh bỉ vô cớ chính nghề nghiệp của mình. Trong chuyện này có nỗi mỉa mai cho chính trị Mỹ, vì tôi thấy hình như một đất nước tạo ra phim ảnh, báo chí và truyền thanh thượng hạng về mặt nghệ thuật – thực vậy, bất luận chủ đề là gì và bất luận việc hạ thấp tầm quan trọng của toàn bộ vấn đề chủ đề – lẽ ra phải là một xứ sở sống động hơn và hạnh phúc hơn về mặt chính trị cũng như văn hóa. Các nghệ sĩ tử tế của truyền thông đại chúng cũng quan trọng như vậy, có lẽ họ còn hiếm hoi hơn các nhà bình luận có trách nhiệm và chống thoát ly.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.