Đám Đông Cô Đơn
CHƯƠNG XI: Người Mỹ và người Kwakiutl
Những nhà đạo đức học không ngừng kêu ca chuyện cái xấu được thời đại ta ưu ái hơn cả là lòng tự hào. Trong phạm vi nào đó, nghĩ vậy là đúng: thực ra thì chẳng có con người nào không tin là mình cao hơn anh hàng xóm mà lại bằng lòng phục tùng cấp trên. Nhưng nghĩ như thế cũng lại rất sai xét trên khía cạnh khác. Bởi vì cũng cái con người đó, con người không chịu đựng nổi cả sự lệ thuộc lẫn sự bình đẳng bình quyền, thì cũng tự khinh bỉ mình, đến mức là anh ta cho rằng mình sinh ra ở đời là để chỉ còn lao vào nếm náp những thú vui thô kệch mà thôi. Anh ta sẵn sàng giao du với các ước mong tầm thường chứ không dám dấn thân vào những sự nghiệp cao quý mà anh ta chẳng mấy khi mơ đến. Xin đừng vội nghĩ là chúng ta cần phải khuyến nghị cho người đương thời cách sống nhún nhường, tôi những mong chúng ta tìm được cách tạo ra cho họ một tư tưởng khoáng đạt hơn nữa về bản thân họ và về nhân loại. Tính nhún nhường chẳng có lợi lộc gì cho họ hết. Theo tôi nghĩ, cái mà họ thiếu hơn cả, đó là lòng tự hào.
Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[258]
Hình ảnh quyền lực ở nước Mỹ hiện đại trình bày trong các chương trước tách khỏi những bàn luận ở đây về quyền lực thường dựa trên cuộc tìm kiếm một giai cấp thống trị (ví dụ, khám phá của Burnham về các nhà quản lý, của Mills về lãnh tụ công đoàn và những người khác). Và chính người Mỹ, khác những người dân ôn hòa và hợp tác mà tôi đã trình bày, đối với nhiều người quan sát và với chính họ, lại là người ám ảnh quyền lực, cuồng tiền hay mải lo phô trương hoành tráng. Hay như trong phúng dụ tôi sẽ dùng để minh họa luận cứ của mình, người Mỹ được mọi người cảm thấy, và tự họ cảm thấy mình giống các tù trưởng da đỏ Kwakiutl thích chơi trội và những người theo gót họ, hơn là những nông dân nhu hòa, hợp tác vùng Pueblo. Có lẽ bằng cách tiếp tục theo đuổi các hình ảnh quyền lực và cá tính này mà các khoảng cách (tôi thấy dường như vậy) giữa thực tế chính trị và ý thức hệ chính trị có thể được hiểu rõ hơn phần nào.
Cuốn sách của Ruth Benedict, Patterns of Culture (Các mô thức văn hóa), mô tả chi tiết sinh động ba xã hội nguyên thủy: thổ dân Pueblo (Zuni) ở Tây Nam nước Mỹ, dân đảo Dobu ở Thái Bình Dương, và thổ dân Kwakiutl ở bờ biển Tây Bắc châu Mỹ.[259]
Thổ dân Pueblo được mô tả là một xã hội nhu hòa, hợp tác, ở đó không ai mong được coi là vĩ nhân và ai cũng muốn được xem là một người bạn tốt. Quan hệ tình dục ít gây ra ghen tuông hay dạng phản ứng dữ dội nào khác; không chung thủy không bị trừng phạt nghiêm khắc. Cái chết cũng được nghĩ tới một cách nhẹ nhàng, ít cảm xúc mãnh liệt; nhìn chung, cảm xúc được làm mềm mại đi. Mặc dù họ có các biến đổi đáng kể trong địa vị kinh tế, nhưng ít có sự phô trương sức mạnh kinh tế và thậm chí còn ít phô trương quyền hành chính trị hơn nữa; họ có một tinh thần hợp tác với gia đình và cộng đồng.
Dobu, trái lại, được trình bày gần như là một xã hội hoang tưởng mà bàn tay mỗi người đều hại hàng xóm của mình bằng ma thuật, trộm cắp và ngược đãi; ở đó chồng và vợ luân phiên nhau làm tù nhân của bà con họ hàng người kia; và ở đó sự không chung thủy bị căm ghét ghê gớm. Đời sống kinh tế Dobu được xây dựng trên thủ đoạn bất lương trong sự đổi chác giữa các đảo với nhau, trên cảm giác mãnh liệt về quyền sở hữu, và trên hy vọng chiếm được cái gì đó mà không mất gì nhờ trộm cắp, tà thuật và gian lận.
Xã hội thứ ba, Kwakiutl, cũng kình địch quyết liệt. Nhưng sự kình địch chủ yếu ở tiêu thụ phô trương, điển hình với các cuộc yến tiệc gọi là “tiệc tặng quà”,[260] khi đó các tù trưởng hơn thua nhau ở chỗ đãi ăn, đốt chăn màn và đồng lá – những biểu tượng chính của sự giàu có trong xã hội; đôi khi ngay cả một căn nhà hay một chiếc xuồng cũng được châm lửa đốt trong một nỗ lực giành vẻ vang cuối cùng. Thực ra, xã hội này là một bức biếm họa tiêu thụ phô trương của Veblen; dĩ nhiên, tiệc tùng của các tù trưởng Kwakiutl này đóng vai trò “như kênh hợp pháp để sản phẩm thặng dư trong xã hội được dùng cạn kiệt và tiêu thụ, mang lại sự thư thái tinh thần nhiều hơn cho mọi bên liên quan”. Thực tế, Veblen đã quen với “tiệc xuất hàng” bờ Tây Bắc này.
Tôi đã hỏi các sinh viên từng đọc Ruth Benedict rằng theo họ thì nền văn hóa nào trong ba nền văn hóa này giống nền văn hóa dị biệt hóa cao của Hoa Kỳ nhất. Đại đa số thấy người Mỹ là dân Kwakiutl. Họ nhấn mạnh sự cạnh tranh kinh doanh của người Mỹ, tính ganh ghét trong tình dục và địa vị, và ham muốn quyền lực. Họ thấy dân Mỹ là những người cá nhân chủ nghĩa, chủ yếu quan tâm đến việc phô trương của cải và chức vị.
Một thiểu số sinh viên, mọi khi vẫn là những người cấp tiến chính trị hơn, nói rằng Mỹ giống Dobu hơn. Họ nhấn mạnh thủ đoạn bất lương trong đời sống kinh doanh Mỹ, chỉ ra sự ghen tị ghê gớm và cay đắng trong các mối quan hệ gia đình, và thấy chính trị Mỹ, về đối nội và đối ngoại, gần như chẳng kém hung hăng so với trạng thái con người tự nhiên của Hobbes.[261]
Không sinh viên nào tôi đã trò chuyện lập luận rằng có những điểm tương đồng quan trọng giữa văn hóa thổ dân Hopi và Zuni Pueblo với văn hóa Mỹ – mà nhiều người ước là có.
Thế nhưng khi quay sang khảo sát các khuôn mẫu văn hóa của chính những sinh viên này, chúng tôi không thấy nhiều bằng chứng về lối sống của Dobu hay Kwakiutl. Các sinh viên giàu có làm đủ mọi cách để không phô trương – mọi chuyện đã khác nhiều so với thời áo choàng lông gấu những năm 20. Đồng phục nghiêm chỉnh là một trong những sự xoàng xĩnh cố ý. Thực ra, không ai trong số những sinh viên này ngoại trừ một Lucullus[262] hiếm hoi dám để mọi người nghĩ mình tự cao tự đại. Cũng như không có Vanderbilt[263] nào thời nay nói “công chúng khốn kiếp”, thì cũng không có vị phụ huynh nào ngày nay nói: “Vanderbilt ngồi đâu thì đó là đầu bàn. Tôi dạy con tôi làm người giàu có”.[264]
Hơn nữa, các sinh viên từ bỏ lối sống Kwakiutl không chỉ vì lối tiêu thụ phô trương đã thực sự biến mất. Những phô trương khác về tài năng thiên bẩm hay thành công đạt được, cũng đã bớt. Một ngôi sao bơi lội hàng đầu trường cao đẳng đã nói với tôi: “Tôi thấy buồn phiền vì mấy gã tôi đua tranh. Có gì đó không ổn ở tôi. Tôi ước mình có thể giống như X thực lòng hợp tác với mấy anh chàng kia. Cậu ta không mấy để tâm đến chiến thắng”.
Dường như có một khoảng chênh giữa nước Mỹ mà sinh viên tạo ra cho mình trong tư cách sinh viên với nước Mỹ họ nghĩ sẽ bước vào khi rời khỏi trường đại học. Hình ảnh nước Mỹ thứ hai ở trong họ phần lớn dựa trên các huyền thoại về nước Mỹ được giữ gìn trong nền văn học của chúng ta. Chẳng hạn, nhiều tiểu thuyết gia và nhà phê bình xứ ta vẫn còn tin rằng Mỹ, so với các nền văn hóa khác, là một dân tộc duy vật gồm những tù trưởng Kwakiutl tương lai. Có thể có đôi chút sự thật trong hình ảnh này vào Thời kỳ Vàng Son,[265] mặc dù Henry James đã thấy vấn đề chủ nghĩa duy vật mơ hồ thế nào giữa Mỹ và châu Âu ngay từ hồi ấy.
Chủ nghĩa duy vật của những nền văn hóa lâu đời hơn này bị che mất bởi các hệ thống địa vị của họ và bởi họ đã kế thừa nhiều giá trị từ giai đoạn phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng. Đơn giản là dân châu Âu chưa có tiền bạc và nhàn rỗi, cho đến những năm gần đây, để học đòi các mô thức tiêu thụ Mỹ; khi họ đã học đòi rồi, thì họ duy vật, nếu có thể nói như thế, đôi khi còn tầm thường hơn và duy vật hơn.
Tuy vậy, người châu Âu chỉ quá mừng vui nên chưa đến bảo người Mỹ là mình duy vật; còn người Mỹ, cảm thấy mình là người mới phất trong thế kỷ qua, trả tiền để được nghe người ta nói cho như vậy. Họ vẫn còn đang trả: không chỉ sinh viên của tôi không thấy được rằng đã đến lượt phần thế giới còn lại trở thành người mới phất, háo hức với các món đồ của một thời đại công nghiệp, mà hàng triệu người Mỹ đã buồn chán ngoảnh mặt quay lưng, không còn gán nhiều ý nghĩa tâm lý cho lĩnh vực hàng tiêu dùng nữa.[266]
Song, khi tôi cố chỉ ra những điều này cho những sinh viên đã ví người Mỹ với người Kwakiutl, thì họ trả lời rằng các quảng cáo cho thấy nhiều cảm xúc được gắn liền với tiêu thụ hàng hóa ra sao. Nhưng khi tôi hỏi họ có tin ở quảng cáo không, họ lại khinh miệt phủ nhận. Rồi khi tôi hỏi họ có biết ai tin không, họ thấy khó đưa ra ví dụ, ít nhất trong tầng lớp trung lưu. (Nếu quảng cáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân cùng khổ tầng lớp thấp và có ít hy vọng thay đổi, chắc chắn sẽ có một cuộc cách mạng!) Thế nhưng quảng cáo phải tới được ai đó, các sinh viên khăng khăng. Tại sao vậy, tôi hỏi, tại sao không thể có chuyện quảng cáo nói chung là một trò gian lận tuyệt hảo, trình bày một hình ảnh nước Mỹ chẳng ai nghe theo, ngay cả dân quảng cáo làm ra nó cũng không? Giống như truyền thông đại chúng thuyết phục thiên hạ rằng những người khác coi chính trị là quan trọng, thì dân quảng cáo cũng thuyết phục mọi người rằng những người khác đang phát sốt muốn có tủ lạnh mới, xe hơi mới hay bộ đồ mới. Trong cả hai trường hợp người dân đều không thể tin nổi là người khác cũng thờ ơ như họ tự cảm thấy. Và trong khi thái độ dửng dưng trước chính trị có thể khiến mọi người cảm thấy phải thủ thế, thì sự dửng dưng trước quảng cáo có thể cho phép họ cảm thấy hơn người. Quả thực, tôi nghĩ rằng một nghiên cứu về quảng cáo Mỹ suốt một phần tư thế kỷ qua có thể cho thấy chính dân quảng cáo ít nhất cũng âm thầm nhận ra người tiêu thụ đã mất đi tình cảm nồng nhiệt. Nơi từng đăng tải các quảng cáo xe hơi và tủ lạnh, thể hiện bà nội trợ hay ông chồng hớn hở vì các món sở hữu mới, thì ngày nay thường chỉ là hình ảnh trẻ con hân hoan với trò chơi Nash mới mà cha chúng vừa mua. Trong nhiều quảng cáo ngày nay sở hữu tự nó đã lùi vào hậu cảnh hoặc được trình bày một cách trừu tượng, siêu thực; nó không còn lóe lên những đốm sáng hay những dấu than nữa; chính bản sao đã thành tinh tế hơn hay thực tế hơn.
Dĩ nhiên ở Mỹ vẫn còn nhiều người nhiệt tình tiêu thụ kiểu cũ chưa chịu tác động của sự lan tràn thói sành điệu và sự kìm nén phản ứng cảm xúc của người tiêu thụ kiểu ngoại tại định hướng. Ví dụ tuyệt vời là bà mẹ Ireland sống ở một thị trấn trong phim A Letter to Three Wives (Lá thư cho ba người vợ), niềm hãnh diện và niềm vui lớn nhất của bà trong túp nhà bẩn thỉu bên đường ray tàu hỏa là cái tủ lạnh mới, to, sáng loáng, chưa trả tiền. Và có thể biện bác rằng ngay cả người Mỹ trung lưu cũng chỉ phủ lên chủ nghĩa duy vật của họ một mã ngoài khiếu thẩm mỹ cao, mà không thay đổi các động cơ nền tảng. Thế nhưng người kiểu ngoại tại định hướng, vì hướng theo mọi người, đơn giản là không thể duy vật như nhiều người kiểu nội tại định hướng. Để có chủ nghĩa duy vật nội tại định hướng chính hiệu – gắn tích trữ với vật chất hẳn hoi – ta phải tìm tới giai cấp tư sản Hà Lan hay nông dân Pháp hay những người khác mà các lề thói xưa cũ vẫn còn tồn tại vì họ.
Chính kiểu ngoại tại định hướng ở người Mỹ là thứ ngăn họ nhận ra điều này; giữa một bên là dân quảng cáo với một bên là các tiểu thuyết gia và trí thức, người Mỹ đã cho rằng những người Mỹ kia là duy vật, trong khi không đủ tin vào cảm nhận của riêng mình. Quả thực, tình thế ngược đời trong một giai tầng định hướng theo người khác là người ta thường xuyên có những đánh giá sai trầm trọng về cái mà người khác cảm nhận và suy nghĩ, ít nhất là những người họ không tiếp xúc trong nhóm ngang hàng, nhưng thường là cả với những người mà họ cùng chia sẻ nhiều thời gian.
Đúng vậy, chính các doanh nhân cũng thường cố làm như vẫn có thể là một thủ lĩnh Kwakiutl ở Hoa Kỳ. Khi viết bài hay đọc diễn văn, họ ưa nói về tự do kinh doanh, về cạnh tranh khốc liệt, về mạo hiểm. Các doanh nhân này, dĩ nhiên, giống như lính lê dương Thế chiến thứ nhất, nói về những ngày oanh liệt đã qua. Sinh viên và nhiều người khác tin vào điều các doanh nhân nói trong những dịp thế này, nhưng sau đó có ít cơ hội nhìn thấy điều họ làm. Có lẽ bản thân các doanh nhân cũng là nạn nhân của những lời huyên thuyên và các nghi thức của chính mình giống như người Kwakiutl vậy.
Mấy sinh viên quả quyết rằng nước Mỹ giống Dobu thì không tìm thấy gì nhiều trong đời sống sinh viên để giữ vững quan điểm của mình, có lẽ chỉ trừ đôi chút lừa dối trong tình yêu hay trong thi cử. Đúng hơn họ thấy “hệ thống tư bản chủ nghĩa” là một môi trường cạnh tranh khốc liệt với những thủ đoạn bất lương, như thể chẳng có gì thay đổi từ thời Mark Twain, Jack London và Frank Norris.[267] Nước Mỹ với họ là xứ sở của những cuộc hành hình không xét xử, thói găngxtơ và trò lừa gạt của những cáo nhỏ cáo lớn. Thế nhưng, ngày nay, chỉ doanh nhân nhỏ (buôn bán ô tô hay sửa chữa lò sưởi chẳng hạn) mới có nhiều cơ hội để buôn bán kiểu “wabu-wabu”, tức là lối vơ vét của cải cực kỳ gian manh theo hình thức kim tự tháp[268] của dân đi xuồng Dobu.
Tuy vậy, nếu các sinh viên này quay sang khoa học xã hội để tìm hình ảnh quyền lực ở Mỹ, họ sẽ thường xuyên thấy quan điểm của mình được chứng minh. Bản thân các nhận xét tản mát về Hoa Kỳ trong Patterns of Culture đã là một minh họa. Sinh viên của tôi còn đọc chương “Mô thức văn hóa Mỹ” của Robert Lynd trong Knowledge for What?[269] (Tri thức để làm gì?) Trong khi nhận thấy các hô hào cổ vũ cho tình bằng hữu và huynh đệ mâu thuẫn nhau, Lynd nhấn mạnh kinh doanh là thứ đầy cá nhân chủ nghĩa và tàn nhẫn chính trị; ở chỗ khác ông nhấn mạnh tham vọng độc đoán và lối tiêu thụ phô trương điển hình của thế hệ “gia đình X” cũ ở Middletown.[270] Mỉa mai thay, quan điểm của các nhà phê bình xã hội học này và các nhà phê bình xã hội học khác nữa về kinh doanh đã được các nhà kinh tế học tân cổ điển khẳng định và phản ánh – họ xây dựng các khuôn mẫu cho hoạt động quản lý duy lý của công ty – vô tình hay hữu ý đã trình bày doanh nhân là những “con người kinh tế” ủ ê.
Phần nào vì hình ảnh doanh nhân này mà nhiều sinh viên các trường đại học tư thục đâm ra miễn cưỡng cân nhắc các ngành nghề kinh doanh, và khi ngày càng có nhiều thanh niên kéo vào đại học, các thái độ này mỗi lúc một lan rộng. Những người giỏi giang muốn cái gì đó “cao hơn” và ra vẻ kẻ cả nhìn xuống mấy anh chàng ở trường Wharton hay thậm chí cả Trường Kinh doanh Harvard. Kinh doanh bị cho là tẻ nhạt, đáng ghét cũng như đáng ngờ về mặt đạo đức, và vấn đề đạo đức đích thực được bao hàm trong việc chọn nghề – ấy là, làm sao phát triển các tiềm năng của ta đến mức cao nhất cho một tồn tại trọn vẹn – bị ngu muội đi vì lựa chọn sai lầm nhưng được quan trọng hóa là kiếm tiền (và đánh mất linh hồn) trong kinh doanh, so với cảnh thanh bần (và cứu rỗi linh hồn) trong cơ quan nhà nước hay ngành giảng dạy. Ý niệm rằng kinh doanh ngày nay, nhất là kinh doanh lớn, bày ra các khó khăn và cơ hội thách thức trí tuệ, rằng nó rõ ràng không còn dính dáng đến thủ đoạn bất lương kiểu người Dobu hay sự so kè kiểu người Kwakiutl hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác, có vẻ không tồn tại ngay cả trong tâm trí những sinh viên có cha là doanh nhân (có lẽ kém ăn nói thảm hại).
Thế nên, rất có thể hình ảnh mà sinh viên có về kinh doanh, và đời sống Mỹ nói chung, sẽ có một số ảnh hưởng tự nhiễm. Ngành kinh doanh sẽ buộc phải tuyển dụng trong số những người kém tài và kém nhạy bén hơn, những người sẽ không thể tận dụng các cơ hội phát triển cá nhân mà kinh doanh có thể đem lại, và do đó sẽ không trở thành hình mẫu cho lớp trẻ hơn. Hơn nữa, những người trông chờ gặp sự thù địch và tính toán ở người khác sẽ biện minh cho sự thù địch và tính toán đón đầu ở chính họ.
Đúng vậy, có nhiều người Mỹ đáng ghét, xấu xa, ti tiện, cả trong và ngoài đời sống kinh doanh; nhiều băng nhóm tội phạm miền Nam dễ sợ, những đám lưu manh miền Bắc, bọn nhóc du côn mặc hoặc không mặc vét tông dạ hội. Có nhiều hòn đảo văn hóa ở Hoa Kỳ nhan nhản lề thói Dobu, cũng như có những tàn dư của mô thức Kwakiutl cuối thế kỷ 19. Nhưng các ốc đảo và tàn tích này không tạo ra được một hệ thống quyền lực, cũng không liên kết với nhau bằng bất kỳ âm mưu nào, dù là phát xít hay những gì khác.
Thế thì, dĩ nhiên việc chỉ ra người Mỹ không giống người Kwakiutl mà cũng chẳng giống người Dobu sẽ không chứng minh được rằng họ giống người Zuni và thổ dân Hopi. Rõ ràng, bất luận thế nào, các so sánh đều sẽ rất đại khái; theo lập trường về các kiểu tính cách của tôi thì cả ba bộ lạc, chừng nào họ còn trong giai đoạn tiềm năng tăng cao dân số, sẽ ít nhiều phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng. Mục đích của tôi là đưa ra một phúng dụ, không phải một mô tả. Có bằng chứng, dù có lẽ phần nào chưa được Ruth Benedict nhấn mạnh đủ, rằng thổ dân Pueblo thực ra không dịu dàng và hòa nhã như bề ngoài, rằng trong một chừng mực nào đó họ là những người hợp tác đối kháng, với rất nhiều thù địch và ghen tị được kiềm chế nhưng trồi lên trong các giấc mơ và những chuyện phiếm ác ý. Nhưng điều này chỉ củng cố thêm sự tương đồng với người Mỹ trung lưu, sự hợp tác kiểu ngoại tại định hướng của họ cũng không hoàn toàn ôn hòa mà hàm chứa các yếu tố đối kháng kìm nén.
Quả thực toàn bộ sắc thái cảm xúc về đời sống ở người Pueblo gợi nhắc tôi mạnh mẽ đến nhóm ngang hàng Mỹ, với câu xúc phạm “Anh nghĩ anh ghê lắm”. Trong khi người Kwakiutl lấy làm hãnh diện về những cảm xúc mạnh mẽ dẫn họ tới chỗ phạm tội giết người, phóng hỏa và tự sát, thì người Pueblo lại bất bình với bất kỳ cảm xúc dữ dội nào.
Ruth Benedict viết:
Một người tốt có… “một cách nói năng dễ chịu, một tâm tính nhường nhịn, và tấm lòng quảng đại”… Anh ta nên “nói nhiều, như người ta nói – tức là, anh ta phải luôn làm cho mọi người dễ chịu – và anh ta nhất định phải dễ dàng hợp tác với người khác ở ngoài đồng hoặc trong nghi lễ, không bao giờ để lộ ra một chút thói kiêu căng hay một cảm xúc mạnh mẽ”.
Trích dẫn này gợi nhớ lại một trong những khuôn mẫu nổi bật nhất trong các phỏng vấn của chúng tôi với thanh niên. Khi chúng tôi hỏi về đức tính tốt đẹp nhất ở họ thì họ khó trả lời, mặc dù đôi khi họ nhắc đến khả năng “hòa hợp với mọi người”. Khi chúng tôi hỏi họ: “Tính xấu nhất ở anh là gì?” thì câu trả lời thường có nhất là “tính nóng nảy”. Và khi chúng tôi hỏi tiếp: “Thế ra tính nóng nảy ở anh tệ vậy sao?” thì thường hóa ra là người được phỏng vấn không hiểu nhiều về tính nóng nảy. Nếu chúng tôi hỏi tính nóng nảy ở anh ta có làm anh ta gặp rắc rối gì nhiều không, anh ta chỉ nêu được rất ít bằng chứng cho thấy là có. Các câu trả lời này – dĩ nhiên không có ví dụ tiêu biểu thích đáng – có thể mang ý nghĩa gì? Ấn tượng của tôi là tính nóng nảy được xem như tính nết xấu nhất trong xã hội bàn tay niềm nở. Nó được cảm nhận như một mối đe dọa nội tại đối với thái độ hợp tác của ta. Hơn nữa, nhóm ngang hàng xem thịnh nộ và nóng nảy là hơi lố bịch: ta phải biết mỉm cười chịu đựng nếu không sẽ bị kết tội nào đó tệ hơn cả tính nóng nảy, thứ tội chẳng ai chịu tự phán ngay cả trong một cuộc phỏng vấn – sự thiếu khiếu hài hước. Người theo típ nội tại định hướng cũng có thể lo về tính nóng nảy, chẳng hạn nếu anh ta theo đạo, nhưng những cấm đoán day dứt lương tâm và sự hình thành phản ứng của anh ta làm cho cảm xúc vẫn còn sống động, như núi lửa trong lòng anh ta – luôn chực phun trào trong sự phẫn nộ chính trị – còn người theo ngoại tại định hướng lại cho phép hay buộc cảm xúc của mình phải lành lại, trong một bầu không khí cưỡng bức thân thiện và khoan dung, dù không phải không để lại vết sẹo.
Nhiều thanh niên ngày nay còn đặt cho mình một lý tưởng trong đời sống tình dục riêng không quá khác với chuẩn mực Zuni. Họ cảm thấy mình phải nhìn nhận tình dục với ít cảm xúc giữa cá nhân và đương nhiên không có ghen tuông. Câu nói của người hiểu biết nói với thanh niên – “Đừng để dính” – đã thay đổi ý nghĩa trong một thế hệ. Có thời nó từng mang nghĩa: đừng để có thai, hay làm cho ai có thai; đừng đùa với pháp luật; đừng dính vào báo chí. Ngày nay huấn thị này tìm cách kiểm soát trải nghiệm cảm xúc của cá nhân, thứ có thể phá hoại tình bạn trong nhóm ngang hàng.
Nỗi lo hàng đầu của thổ dân Pueblo không hướng tới hành vi của nhau mà tới thời tiết, và các nghi lễ tôn giáo của họ chủ yếu hướng tới cầu đảo. Để làm vơi nỗi lo âu người da đỏ thực hiện các nghi thức, chúng phải chính xác từng li từng tí. Thanh niên Mỹ không có một nghi thức, nhưng như vậy để bảo đảm thành công của cá nhân hay bộ lạc. Tuy nhiên, ta có thể thấy một sự tương đồng trong khuynh hướng tạo ra các nghi thức giả tạo ở mọi lĩnh vực đời sống. Người ta biến học hành, công việc, vui chơi, tham gia chính trị như một người dự đoán nội tình hay như người phẫn nộ, và vô số cưỡng bức riêng tư, thành nghi thức. Nhưng các nghi thức, dù riêng tư hay công khai, thường được biện bạch là cần thiết; và vì điều này không hiển nhiên, vì dấu hiệu thành công không sờ sờ ra đó như một cơn mưa rào, thanh niên Mỹ khó mà có được nhiều an ủi từ các nghi thức bằng thổ dân Pueblo.
Những thanh niên bày tỏ quan điểm mà tôi vừa mô tả đã bắt đầu rời khỏi nhóm thanh thiếu niên ngang hàng; nhưng họ lại chưa chiếm được chỗ của mình trong mô thức định hình của người trưởng thành trong đời sống Mỹ. Ảnh hưởng của độ chênh giữa hình ảnh họ có về Hoa Kỳ như một xứ được các thủ lĩnh Kwakiutl dẫn dắt, dẫn dắt những người theo gót phong cách Kwakiutl, với thực tại là họ phát triển theo “Lối Hopi” sẽ ra sao? Họ có tìm cách mang đến những thay đổi, qua hành động chính trị và xã hội, làm nước Mỹ dễ chịu hơn cho những người kiểu ngoại tại định hướng khoan dung? Hay họ sẽ tìm cách làm theo hành vi tàn nhẫn kiểu Kwakiutl, được cho là tương hợp hơn với đời thực? Hoặc, may ra, họ sẽ thừa nhận rằng họ cũng là người Mỹ, suy cho cùng chẳng phải độc nhất vô nhị, và điều này có thể đòi hỏi xem xét lại các hình ảnh về quyền lực mà họ có, để biết hình ảnh người Mỹ nói chung là thế nào trong họ?
Chắc chắn, tất cả những điều này có thể xảy ra, và nhiều chuyện nữa. Nhưng có lẽ còn một yếu tố bổ sung sẽ hình thành nên cả ý thức hệ đang thay đổi lẫn tính cách đang thay đổi. Các sinh viên, nhận biết tính tranh đua và đố kỵ kìm nén ở chính mình, nghĩ rằng người khác có thể thử làm với họ cái mà chính họ sẽ không dám làm với người khác. Xã hội với họ có cảm giác giống như Kwakiutl hay thậm chí Dobu, không chỉ vì đó là ý thức hệ về Mỹ họ đã học mà còn vì chính tính hợp tác ở họ cũng đã nhuốm một sự đối kháng mà họ chưa dập tắt được hẳn. Và có lẽ điều này đem lại cho chúng ta câu trả lời cho một câu đố về sự khoan dung kiểu ngoại tại định hướng: tại sao, nếu người ngoại tại định hướng có tính khoan dung, anh ta lại sợ sự bất tuân thủ như vậy? Anh ta không thể dựa vào sự khoan dung của người khác hay sao? Có lẽ anh ta cảm thấy sự khoan dung của chính mình bấp bênh, tính khí nóng nảy tệ hại ở anh ta sẵn sàng văng ra khi được phép; nếu anh ta cảm thấy mình tồi tệ như vậy, dù hành vi anh ta có ôn hòa đến thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng phải e sợ người khác, dù cho họ cũng có vẻ thân ái đến thế nào.
Các sinh viên này thích sống trong nền văn hóa Pueblo hơn, nếu phải chọn trong số ba nền văn hóa mà Ruth Benedict đã mô tả. Và trong khi lựa chọn này tự thân nó không mâu thuẫn thực tế, thì điều quan trọng lại là họ không biết mình đang sống trong một nền văn hóa như vậy rồi. Họ muốn xã hội an sinh, không phải những thành tựu vĩ đại. Họ muốn sự tán thành, không phải danh tiếng. Họ không hăm hở phát triển tài năng có thể đưa họ tới chỗ xung đột; trong khi thanh niên do nội tại định hướng thường ép mình tới tột cùng tài năng và hơn thế nữa. Ít người day dứt như thanh niên thời trước, rằng họ “đã 20 rồi mà chưa đạt được gì nhiều”. Trong khi chàng trai trung lưu kiểu nội tại định hướng sau tuổi 20 thường phải học điều chỉnh, từ bỏ những khát vọng tuổi xuân và bằng lòng với số phận khiêm nhường của một người dân tình, thì anh chàng ngoại tại định hướng không bao giờ có những ước mơ như thế. Vì học cách tuân thủ theo nhóm gần như cùng với lúc học mọi thứ khác, nên anh ta không đối mặt, ở tuổi mới lớn, với nhu cầu phải chọn giữa thế giới của gia đình mình và thế giới của thế hệ anh ta, hay giữa những ước vọng của anh ta và một thế giới anh ta chưa hề tạo ra.
Hơn nữa, vì sự điều chỉnh theo thực tại của anh ta như đã được xác định bởi nhóm khởi sự từ trước, nên nó trở thành vấn đề tuân thủ tính cách hơn là vấn đề tuân thủ hành vi. Bài hát quen thuộc, “tôi không muốn châm lửa đốt thế gian”,[271]biểu đạt một đề tài điển hình. Người Kwakiutl muốn làm chính điều đó, nghĩa đen là châm lửa đốt thế gian. Người kiểu ngoại tại định hướng thích tình cảm hơn vinh quang. Như Tocqueville đã thấy, hay đã tiên đoán: “Anh ta sẵn sàng giao du với các ước mong tầm thường chứ không dám dấn thân vào những sự nghiệp cao quý mà anh ta chẳng mấy khi mơ đến.”
Có một mối liên hệ giữa cảm nhận của các sinh viên này cùng những người trẻ khác về số phận của mình và các quan niệm hiện thời về vấn đề ai điều hành đất nước. Chúng ta đã thấy rằng sinh viên cảm thấy mình bất lực, chỉ yên ổn khi thực hiện một nghi thức trong sự chấp thuận của nhóm. Dù họ có thể tìm cách bảo tồn sự độc lập cảm xúc bằng việc không can dự, nhưng đòi hỏi này tự nó đã là một mệnh lệnh của nhóm ngang hàng. Thế thì, khi nhìn quanh trong nước Mỹ, họ giải thích sự bất lực của mình như thế nào? Ai đó phải có cái họ chưa có: tình trạng không có quyền hành của họ phải tương ứng với việc có quyền hành ở đâu đó. Họ thấy Mỹ gồm những người Kwakiutl, không chỉ vì các khuynh hướng Kwakiutl còn sót lại và bị kìm nén ở họ mà thậm chí còn hơn nữa, vì tính hợp tác bị ép buộc của họ. Một số lãnh đạo lớn hẳn đang làm công việc điều hành này cho họ, họ cảm thấy vậy. Họ không thấy rằng, trên một phạm vi lớn, chính họ là người đang điều hành, qua tính cách của mình.
Các lãnh đạo đã mất quyền, nhưng những người theo gót chưa giành được nó. Người dã man tin rằng y sẽ giành được nhiều sức mạnh hơn bằng cách uống máu hay lột da đầu kẻ thù. Nhưng người kiểu ngoại tại định hướng, còn lâu mới giành được sức mạnh, họ chỉ trở nên yếu hơn từ sự yếu kém của đồng hữu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.