Đám Đông Cô Đơn

PHẦN III: TÍNH ĐỘC LẬP – CHƯƠNG XII: Thích nghi hay độc lập?



Trong số những việc làm của con người, công việc mà đời người được sử dụng rất chính đáng để hoàn thiện và điểm tô, công việc đứng đầu về tầm quan trọng rõ ràng là chính con người. Giả sử có thể xây nhà, trồng ngô, đánh trận, gắng gỏi cho những chính nghĩa, và thậm chí xây nhà thờ và cầu nguyện, bằng máy móc – bằng các thiết bị tự động có dạng người – nhưng sẽ là một tổn thất ghê gớm nếu đổi lấy những người máy này bằng những đàn ông, đàn bà hiện đang sinh sống ở các vùng văn minh hơn trên thế giới, hiển nhiên là giống loài đói khát mà tự nhiên có thể sản sinh và sẽ sản sinh ra. Nhân tính không phải là cái máy được chế tạo ra theo một mô hình, và được cài đặt để làm đúng một công việc quy định trước, mà là một cái cây cần tăng trưởng và phát triển về mọi mặt, theo khuynh hướng các nội lực của nó, cái làm cho nó là một sinh thể.

John Stuart Mill, Bàn về tự do[272]

Nếu những người lãnh đạo đã mất quyền hành, tại sao người bị lãnh đạo lại chưa giành được nó? Điều gì ở tính cách và hoàn cảnh của người kiểu ngoại tại định hướng ngăn cản sự chuyển giao? Về mặt hoàn cảnh, có vẻ như mô thức cạnh tranh độc quyền của các nhóm phủ quyết cưỡng lại những cố gắng khuếch trương của cá nhân. Về mặt tính cách, đơn giản là người kiểu ngoại tại định hướng không mưu cầu quyền lực; có lẽ, đúng hơn là anh ta trốn và tránh quyền lực. Nếu tình cờ lại là một người dự đoán nội tình, anh ta sẽ tạo ra một công thức cho mình biết quyền lực nằm ở đâu, và rồi anh ta sẽ tìm cách làm cho mọi sự kiện từ đó trở đi tuân theo công thức này. Theo một nghĩa nào đó, điều này nghĩa là anh ta thà đúng còn hơn là làm tổng thống. Nhu cầu được am tường của anh ta, nhu cầu được tán thành, nhu cầu của anh ta trong các tầng lớp trên với sự dị biệt hóa biên tế, có thể dẫn đến những hành động trông giống như một thôi thúc phải giành được hay cầm quyền. Nhưng thực tế là càng đi xa khỏi kiểu nội tại định hướng, người dự đoán nội tình càng ít tham vọng, ít muốn kiếm chác và ít tính chất đế quốc. Anh ta chờ thấy “người khác” nào đó – một số kiểu Kwakiutl hay Dobu – làm cái việc kiếm chác đó. Anh ta tự làm cho mình, với tư cách một người điều khiển thứ yếu, và là người tự điều khiển, khớp với hình ảnh anh ta có về họ.

Nếu người kiểu ngoại tại định hướng không tìm quyền lực, vậy anh ta tìm cái gì? Tối thiểu thì anh ta tìm sự thích nghi. Tức là, anh ta tìm cách có tính cách mình phải có, cùng các cảm nghiệm bên trong cũng như các phụ tùng bên ngoài đi kèm. Nếu không đạt được sự thích nghi, anh ta sẽ trở thành người lệch lạc, một thuật ngữ tôi sẽ định nghĩa ngay sau đây. Bất quá thỉnh thoảng người kiểu ngoại tại định hướng mới tìm cách trở nên độc lập.

Cơ hội trở thành người độc lập cho anh ta nằm trong chính khoảng cách tồn tại giữa các áp lực thực hữu, khách quan, phải tuân thủ, không thể trốn thoát với các áp lực mang tính nghi thức nảy sinh không phải từ các định chế kiểu Kwakiutl ở Mỹ mà từ tính cách ngày càng theo kiểu ngoại tại định hướng của người dân. Nói cách khác, tôi không tin rằng tính cách xã hội mà cấu trúc xã hội ngày nay tạo ra, cụ thể là tính cách ngoại tại định hướng, là một mô phỏng y hệt cấu trúc xã hội đó, do các đòi hỏi của cấu trúc xã hội đó tạo ra.

I. Người thích nghi, người lệch lạc, người độc lập

Người ta rất có thể sẽ hỏi, làm sao có chuyện một nhóm lớn những người có thế lực trong một xã hội lại phải phát triển một cấu trúc tính cách thấp kém hơn các định chế của xã hội đó đòi hỏi? Một câu trả lời là nhìn vào lịch sử sẽ thấy những tất định thuộc định chế trước đây có chiều hướng tự duy trì trong ý thức hệ và tính cách, vận hành qua mọi cơ cấu hình thành tính cách tinh vi đã bàn đến trong các chương đầu Phần I. Tương tự như vậy, các khoảng cách giữa tính cách xã hội và vai trò xã hội của người trưởng thành có thể nằm trong số các lực đòn bẩy quan trọng đối với chuyển biến xã hội. Thật quá đơn giản khi nói rằng cấu trúc tính cách tụt hậu so với cấu trúc xã hội: như bất kỳ yếu tố nào trong các biến chuyển xã hội, mọi yếu tố khác cũng phải biến đổi về hình thức hay chức năng hay cả hai. Nhưng trong một xã hội lớn như xã hội Mỹ thì sẽ có chỗ cho độ chênh, và do vậy có chỗ cho cá thể chọn các phương thức dung hòa khác nhau. Trong các giai tầng thu nhập cao hơn ở Mỹ, các cá nhân cảm thấy có nhiều áp lực xuất phát từ lối giải thích chung giữa họ về điều cần thiết để có sự hòa hợp. Ngay khi một vài người của nhóm giải phóng mình khỏi các lối giải thích này, trong khi công việc hay thế giới của họ không tận diệt đi, thì cả những người khác nữa, không chừng cũng sẽ có can đảm làm như vậy. Trong trường hợp đó, tính cách sẽ thay đổi phù hợp với các cách hiểu đã thay đổi về hoàn cảnh.

Khi hỏi rằng một vài nhà cách tân có thể khởi phát từ đâu, chúng ta phải nhớ tính cách xã hội không phải là toàn thể tính cách. Cá nhân có thừa khả năng hơn điều xã hội vẫn đòi hỏi ở anh ta, dù chẳng dễ dàng xác định điều này, vì các khả năng tiềm tàng có thể ẩn kín không chỉ đối với người khác mà còn với chính cá nhân đó.

Dĩ nhiên, các cấu trúc xã hội hết sức khác nhau về mức độ chúng khơi dậy một tính cách xã hội, thứ đã làm đầy, đè bẹp hay chôn vùi tính cá thể trong quá trình xã hội hóa. Chúng ta có thể lấy các xã hội nguyên thủy Dobu hay Alor làm ví dụ, như những trường hợp cực đoan. Dân ở đó, từ thời thơ bé trở đi dường như bị đè bẹp bởi các tập quán đã thành định chế mà, mặc dù họ cũng xoay xở làm được cái mà nền văn hóa đòi hỏi ở họ, trong âm điệu đầy cảm xúc mà nền văn hóa khuyến khích, nhưng họ không thể làm gì nhiều hơn nữa. Các trắc nghiệm Rorschach thực hiện với người Alor chẳng hạn, chỉ ra rằng có rất nhiều đồng dạng tính cách học giữa các cá nhân với nhau, nhưng có rất ít nguồn dự trữ sâu rộng vượt quá chuẩn mực văn hóa hay cái mà Kardiner gọi là kiểu tính cách cơ bản. Một xã hội như vậy ắt sẽ tuyệt diệt bởi sự lãnh đạm và nghèo khổ của nó, nhất là khi còn bị rối ren hơn nữa vì tiếp xúc với người da trắng, và khó mà hình dung một sức hồi sinh nội tại được các thành viên độc lập hơn trong nhóm dẫn dắt. Kẹt cứng giữa tính cách xã hội và các định chế xã hội cứng nhắc, cá nhân và những khả năng tiềm tàng của anh ta chẳng có mấy đất dụng võ. Thế nhưng, ngay cả trong một xã hội như vậy cũng vẫn có những người lầm lạc; như Ruth Benedict đã chỉ ra, chúng ta không biết có nền văn hóa nào không có những người như vậy. Tuy nhiên, trước khi quay sang xem mức độ lầm lạc có liên quan tới giai đoạn dân số hay không thì cần phải hiểu chính xác hơn lầm lạc có nghĩa là gì.

Người “thích nghi” là những người mà chúng ta đã mô tả phần lớn. Họ là người kiểu truyền thống định hướng, nội tại định hướng hay ngoại tại định hướng điển hình – những người từ trong cấu trúc tính cách của mình hưởng ứng các đòi hỏi của xã hội hay tầng lớp xã hội mình tại giai đoạn của riêng nó trên đường đồ thị dân số. Những người này ăn khớp với nền văn hóa như thể họ được chế tạo ra cho nó, như trên thực tế là vậy. Về mặt tính cách học mà nói, sự thích nghi của họ có tính chất dễ dàng không cần nỗ lực, dù như chúng ta đã thấy thì chính phương thức thích nghi có thể áp đặt những căng thẳng nặng nề cho kẻ gọi là người bình thường. Có nghĩa, người thích nghi là những người phản ánh xã hội của họ, hay giai cấp của họ trong lòng xã hội đó, mà ít bị méo mó nhất.

Trong mỗi xã hội, những ai không tuân theo mô thức tính cách học của người thích nghi thì có thể hoặc là người lệch lạc hoặc là người độc lập. Lệch lạc là từ tiếng Anh tạo mới từ chữ anomique (tính từ của anomie) của Durkheim, nghĩa là không theo quy tắc, phóng túng. Tuy nhiên, từ lệch lạc mà tôi dùng bao quát một phạm vi rộng hơn ẩn dụ của Durkheim: nó gần như đồng nghĩa với kém thích nghi, một từ tôi cố kìm không dùng vì các nghĩa rộng tiêu cực của nó; bởi có một số nền văn hóa mà tôi sẽ đánh giá cao người kém thích nghi hay lệch lạc hơn là người thích nghi. Người “độc lập” nói chung là những người có thể tuân thủ các chuẩn mực hành vi của xã hội mình – một khả năng mà người lệch lạc thường thiếu – nhưng được tự do quyết định xem có tuân thủ hay không.

Khi xác định sự thích nghi, việc kiểm tra không phải để xem hành vi công khai của một cá nhân có tuân theo các chuẩn mực xã hội hay không, mà là xem cấu trúc tính cách của anh ta có tuân theo hay không. Một người có tính cách hợp lúc hợp chỗ sẽ “thích nghi” ngay cả khi anh ta phạm những sai lầm và làm những điều sai lạc rành rành so với cái người ta chờ thấy ở anh ta – chắc chắn, hệ quả của những sai lầm tương tự cuối cùng có thể sinh ra tính kém thích nghi trong tính cách. (Rất giống như vậy, một nền văn hóa có thể là một doanh nghiệp ăn nên làm ra tuy rằng nó cư xử “phi lý” đối với các vị hàng xóm hay môi trường vật chất của nó.) Ngược lại, cũng như việc bất tuân thủ trong hành vi không nhất thiết là sự bất phù hợp trong cấu trúc tính cách, thì sự tuân thủ răm rắp trong hành vi cũng có thể được cá nhân trả một giá cao đến mức gây ra loạn thần kinh tính cách và lệch lạc: người lệch lạc có chiều hướng phá hoại bản thân hoặc xã hội của họ, hoặc có thể cả hai.[273] Do vậy “thích nghi”, như thuật ngữ được dùng ở đây, có nghĩa là khớp về mặt tâm lý-xã hội, không phải sự thích hợp mang nghĩa đánh giá phẩm chất; để xác định sự thích hợp của hành vi hoặc của tính cách thì chúng ta phải tìm hiểu không chỉ cá nhân mà còn cả chiếc hộp số mà, với đủ kiểu trượt và đảo chiều, trói buộc hành vi bằng các hình thức định chế. Người được định nghĩa là độc lập ở đây có thể hoặc không thể tuân thủ ngoài mặt, nhưng lựa chọn của anh ta là gì đi nữa thì anh ta cũng trả giá ít hơn, và anh ta được một lựa chọn: anh ta có thể đáp ứng cả các định nghĩa của văn hóa về sự thích hợp lẫn những định nghĩa (trong chừng mực vẫn còn được văn hóa định đoạt) hơi vượt lên trên chuẩn mực đối với người thích nghi.

Ba kiểu người phổ quát này (thích nghi, lệch lạc, độc lập), giống như ba kiểu người trong lịch sử của chúng ta (truyền thống định hướng, nội tại định hướng và ngoại tại định hướng), theo nghĩa của Max Weber, là “những kiểu lý tưởng”, tức là, các kết cấu cần thiết cho công việc phân tích. Mỗi người đều sẽ là một trong các kiểu này ở chừng mực nào đó; nhưng không ai có thể được thuật ngữ nào trong những thuật ngữ này mô tả trọn vẹn. Nói quá lên thì, ngay đến một người mất trí cũng không phải là kẻ lệch lạc trong mọi mặt đời sống; một người độc lập cũng không hoàn toàn độc lập, tức là anh ta không thể không bị ràng buộc theo lối phi lý trong phần nào đó của tính cách đối với các đòi hỏi văn hóa về tồn tại của anh ta. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể mô tả một cá nhân theo cách một phương thức thích nghi chiếm ưu thế, và khi chúng ta nghiên cứu các cá nhân, phân tích theo phương pháp như vậy sẽ đem lại đôi ba chiều kích hữu ích cho các mục đích mô tả và so sánh. Chúng ta còn có thể mô tả một xã hội bằng cách khảo sát tần suất tương đối mà ba phương thức thích nghi diễn ra, và tầm quan trọng tương đối của ba kiểu người trong cấu trúc xã hội.

Về những người lệch lạc nảy sinh như sản phẩm phụ, nếu có thể nói vậy, từ nỗ lực tạo ra kiểu nội tại định hướng và ngoại tại định hướng, rất nhiều điều đã được gợi ý trong các trang trước. Ngay một xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng cũng sẽ có một số người lệch lạc nhất định, những người về mặt hiến pháp và tâm lý không thể tuân thủ hay không cảm thấy thoải mái trong các vai trò mà một xã hội như vậy phân định cho những kẻ lầm lạc thường xuyên tái phạm của nó. Một số người này có thể khai thác hệ thống thân tộc để tiếp tục sống, nhưng trong một xã hội lớn nhỏ thế nào cũng sẽ có một số khác bị đẩy khỏi cái mạng nhện dày đặc đó. Ngoài tính cách lệch lạc có phần độc hữu và tình cờ trồi lên này, những xã hội phức tạp hơn đang trải qua sự đổi thay nhanh chóng sẽ thêm vào những người mà, khi đã có thể thích nghi được, bị xô qua một bên vì sự xuất hiện của một kiểu chủ đạo mới. Các kiểu được nuôi dạy trong một chế độ gia đình truyền thống định hướng về sau có thể sẽ thấy mình là những kẻ trật trìa trong một xã hội lúc đó đã phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng; cũng vậy, sự phát triển của kiểu ngoại tại định hướng có thể dồn kiểu nội tại định hướng cũng như truyền thống định hướng đến chỗ lệch lạc. Người ta đã bàn đến một số hệ quả chính trị có thể có của các kiểu tính cách lệch lạc như vậy ở Mỹ, sự dửng dưng chính trị của họ có thể được huy động bằng một chiến dịch lớn, kêu gọi sự bất lực của họ đương đầu với những đòi hỏi của văn hóa đô thị hiện đại trong xã hội.

Nhóm lệch lạc không chỉ bao gồm những người mà, trong tính cách, được huấn luyện để dõi theo các tín hiệu không còn được phát ra nữa, hoặc không còn báo hiệu ý nghĩa hay sự thành đạt nữa. Họ cũng có thể, như vừa nói, là những người thích nghi quá mức, lắng nghe quá chăm chỉ các tín hiệu từ bên trong hay bên ngoài. Do vậy, chúng ta thấy rằng trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng có thể sẽ có những trẻ em bị dẫn dắt thái quá và người lớn bị dẫn dắt thái quá, họ là những người bị siêu ngã kiểm soát quá khắt khe nên không thể cho phép mình có được ngay cả những toại nguyện bình thường, và họ chạy trốn khỏi bạn bè. Cũng vậy, trong số những người phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng, một số có thể không biết tắt cái rađa nội tại dù chỉ giây lát; sự tuân thủ thái quá biến họ thành một thứ biếm họa của mô thức thích nghi – một mô thức mà họ không nắm bắt được vì lẽ họ gắng sức quá mức để có nó.

Chẳng hạn, chúng ta đã thấy nỗ lực của người kiểu ngoại tại định hướng đạt được một phong cách khoan dung về mặt chính trị và cá nhân, cảm xúc cạn khô, tính khí cáu giận và tâm trạng ủ dột. Nhưng hiển nhiên, điều này có thể quá trớn đến độ sự tê liệt cảm xúc cuối cùng sẽ giống một triệu chứng lâm sàng. Nhà phân tâm học Ralph Greenson, khi quan sát những người lính nhập viện vì chứng thờ ơ trong Thế chiến thứ hai, đã viết về họ:

Đặc điểm nổi bật nhất ở bệnh nhân thờ ơ là anh ta rõ ràng thiếu cảm xúc và động lực. Thoạt nhìn anh ta có vẻ như bị trầm cảm; tuy nhiên, quan sát kỹ hơn thì sẽ thấy là thiếu xúc động. Anh ta có vẻ chậm đi trong các phản ứng tâm lý và vận động; anh ta cho thấy một vẻ vô hồn và một nhân diện như mặt nạ… Họ cư xử rất đàng hoàng trong bệnh viện, tuân theo mọi phép tắc, nội quy. Họ chẳng mấy khi kêu ca và không đòi hỏi… các bệnh nhân này không có thôi thúc giãi bày những cái họ chịu đựng và không có khả năng nhìn thấu hoàn cảnh của mình.[274]

Riêng tôi thì tin rằng con bệnh đi lại được trong khu bệnh viện văn hóa hiện đại thể hiện nhiều triệu chứng tương tự: tuân thủ quá nhiều, hiểu biết sáng suốt quá ít, dù dĩ nhiên các triệu chứng của họ không đột ngột và trầm trọng như vậy. Sự vô cảm và vẻ mặt vô hồn ở họ còn là nét đặc trưng ở nhiều người lệch lạc thời nay, cũng giống như chứng động kinh hay tình trạng ngoài vòng pháp luật vốn tiêu biểu cho những người lệch lạc trong các xã hội phụ thuộc vào những hình thức định hướng trước đây.

Nhìn chung lại, người lệch lạc – từ những kẻ ngoài vòng pháp luật công khai cho tới những kiểu lơ mơ đến cả tia lửa để sống còn không có, nói chi đến làm loạn – gộp thành một số lượng đáng kể ở Mỹ. Người ta biết rất ít về họ ở khía cạnh kiểu cá tính, giai cấp xã hội, “những ưu tiên” của họ trong bệnh tình, vân vân. Thực ra, khoa học xã hội và tâm lý học cho đến gần đây đã quan tâm tìm hiểu người lệch lạc, gợi ý các biện pháp trị liệu, cũng như y khoa đã lo diệt trừ các tác nhân bên ngoài gây bệnh cho con người hơn là hiểu biết những bí ẩn bên trong thân làm cho họ khỏe mạnh. Thực ra, thường không quá khó để giải thích tại sao ai đó lệch lạc, bởi bi kịch và sự lầm lạc của đời sống, giống như mầm bệnh, ở đâu cũng có, và bất kỳ bất hạnh cá nhân nào cũng có thể lần dò được về “căn nguyên” của nó.

Hiển nhiên chúng ta còn biết ít hơn về những người mà tôi gọi là độc lập. Nhiều người thậm chí sẽ phủ nhận có những người như vậy, kẻ có thể vượt lên trên nền văn hóa của mình bất kỳ lúc nào hay ở bất kỳ khía cạnh nào. Những người trở nên độc lập trong xã hội chúng ta chẳng hạn, có vẻ xuất thân từ một nền tảng gia đình và giai cấp hay bối cảnh địa phương có các hệ quả hoàn toàn khác đối với người khác. Thực ra, các kiểu độc lập, thích nghi và lệch lạc có thể là anh chị em một nhà, bạn bè đồng nghiệp trong cùng một công việc, người cư trú trong cùng một dự án nhà ở hay ngoại ô. Khi ai đó không trở thành người độc lập được, chúng ta thường thấy những chướng ngại vật nào chắn đường họ, nhưng khi ai đó thành công trong cùng bối cảnh hiển hiện mà người khác thất bại, thì bản thân tôi không có sẵn những lý giải cho điều này, và đôi khi tôi bị lôi kéo dựa vào các yếu tố hiến pháp hay di truyền – cái mà người thời xưa gọi là thần khí. Dĩ nhiên, nếu quan sát những đứa trẻ sơ sinh một tuần tuổi trong nhà trẻ của bệnh viện, ta sẽ thấy ngạc nhiên vì khả năng phản ứng đa dạng và sự sống động của chúng trước khi có nhiều cơ hội cho văn hóa chiếm lấy. Nhưng vì đây là một cuốn sách về văn hóa và tính cách, nên tôi phải dành lại các suy đoán ấy cho người khác.

Có vẻ hợp lý khi giả định rằng bước quyết định trên con đường đi tới độc lập có liên quan đến các chuyển biến xã hội mà tôi đã gắn với đường đồ thị dân số. Nói một cách tiêu cực, trong một xã hội có tiềm năng tăng cao dân số, thật khó, hoặc gần như không thể, để một người nhận ra triển vọng anh ta có thể sẽ thay đổi, rằng có nhiều vai trò mở ra cho anh ta, những vai trò mà người khác đã chọn trong lịch sử hay trong môi trường của anh ta. Như triết gia G.H Mead[275]đã thấy, việc nhận vai của những người khác dẫn đến nhận thức được những dị biệt thực tế và những tương đồng tiềm tàng giữa người khác và cái tôi. Đó là lý do tại sao chỉ riêng tiếp xúc văn hóa thôi sẽ không dẫn mọi người đến chỗ thay đổi, khi mà cách họ hiểu sự tiếp xúc này xuất phát từ một lối sống bị truyền thống định hướng. Tiềm năng tăng cao dân số, kiểu truyền thống định hướng, và cá nhân không đủ sức đổi vai – nhưng lại nghĩ mình là một cá nhân có thể thay đổi như vậy – những điều này như chúng ta đã thấy, đều đi cùng với nhau.

Hàng thế kỷ nông dân ở Libăng chịu sự xâm lăng của dân du mục Ả Rập. Sau mỗi cuộc xâm lược nông dân lại quay sang canh tác từ đầu, dù có thể họ làm vậy chỉ để cống nạp cho kẻ cướp lần tới. Quá trình này tiếp diễn cho đến cuối cùng các thung lũng tươi tốt trở thành hoang mạc thực sự, ở đó cả nông dân lẫn dân du mục không thể mong đợi được gì hơn. Rõ ràng là những nông dân này chưa hề nghĩ tới chuyện họ có thể biến thành dân du mục; và đám kẻ cướp hiển nhiên chưa nghĩ tới chuyện cả họ cũng có thể trở thành người canh tác đất đai. Thiên sử thi này không có tính chất của lịch sử nhân loại mà là đời sống động vật. Các động vật ăn cỏ không thể ngừng ăn cỏ dù chúng có ăn cũng chỉ để bị động vật ăn thịt ngấu nghiến. Còn động vật ăn thịt không thể ăn cỏ khi chúng đã làm thưa thớt dần động vật ăn cỏ. Trong các xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng này, hiếm khi có ý niệm rằng người ta có thể thay đổi tính cách hay vai trò.

Nếu người Ả Rập có thể hình dung mình thành người canh tác, và ngược lại, thì không cần phải nói thêm, sinh thái cộng sinh của hai nhóm chính sẽ thay đổi. Các kiểu truyền thống định hướng này có thể vẫn tiếp tục làm cái họ nhận ra là không cần phải làm. Dẫu thế, khi kiểu nội tại định hướng phát triển, ngay khi mọi người biết rằng họ, với tư cách cá thể, có một định mệnh riêng không bị ràng buộc vào mô thức sinh thái nhất định nào, thì cái gì đó mới toanh sẽ xảy ra trong lịch sử cá nhân và xã hội. Bấy giờ mọi người sẽ có thể nghĩ đến chuyện tự thích nghi không chỉ nội trong những biên cương chật hẹp của loài thú mà còn trong phạm vi rộng các triển vọng lựa chọn đã được minh họa bởi kinh nghiệm nhân loại cho đến nay, nhưng không quá cái đã được minh họa đó. Có lẽ đây là ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc khám phá luôn luôn mới mẻ về tính nhất thể của nhân loại như một loài: rằng tất cả mọi kinh nghiệm con người đều trở nên liên quan với nhau.

Người Ả Rập nào có thể thấy mình là nông dân, dù anh ta, vì những lý do khí chất hay các yếu tố khác, sẽ không thể có một thay đổi tận gốc như vậy, thì cũng đã có được một cái nhìn mới mẻ về mối tương quan: người Ả Rập-nông dân. Anh ta có thể nghĩ đến chuyện cấu trúc nó theo một cách khác, bằng điều khiển hơn là bằng vũ lực chẳng hạn. Nhưng nếu anh ta làm vậy, anh ta sẽ thay đổi, và người nông dân cũng sẽ thay đổi: các mối tương quan giữa họ không bao giờ có thể có cái bình dị cầm thú ngày xưa nữa.

Công nghệ nói chung càng tiến bộ thì càng nhiều khả năng đông đảo nhân loại hình dung mình là ai khác. Đầu tiên vì công nghệ sẽ thúc đẩy sự phân công lao động, điều này, đến lượt nó, sẽ tạo ra khả năng có nhiều loại kinh nghiệm và tính cách xã hội hơn. Thứ hai, cải tiến công nghệ đem lại thời gian nhàn rỗi đủ để chiêm nghiệm sự thay đổi – một kiểu dự trữ tư bản về sự thích nghi của con người đối với tự nhiên – không phải ở phần một thiểu số cai trị mà ở phần số đông. Thứ ba, sự kết hợp công nghệ và nhàn rỗi giúp con người làm quen với các giải pháp khác trong lịch sử – tức là, chúng không chỉ đem lại cho họ nhiều hàng hóa hơn, nhiều kinh nghiệm hơn mà còn thêm đủ loại khuôn mẫu cá nhân và xã hội.

Thời kỳ Phục hưng đã cho thấy một ảnh hưởng như vậy có thể mạnh mẽ ra sao. Thời ấy, một bức tranh tráng lệ hơn về quá khứ đã giúp nó sống hướng tới một tương lai rộng mở hơn. Người Ý, mới phất và tự ý thức, cố học theo người Hy Lạp; còn người phương Bắc, như người Anh thời Elizabeth, thì cố học đòi người Ý. Kiểu tính cách nội tại định hướng với tư cách kiểu chủ đạo nảy sinh từ các khả năng mới được tạo ra ở giai đoạn này; con người ráp cả các khả năng đó lẫn các giới hạn mà anh ta gán cho chúng vào tính cách mình. Từ trong các đám đông do truyền thống định hướng xuất hiện nhiều người có khả năng di động, quyết ý là họ có thể trở thành “dân du mục” và không còn phải là “dân canh tác” nữa; rồi công nghệ mới và các vùng đất mới bên kia biển cho họ nguồn dự trữ trí tuệ, thể chất cần cho cuộc đổi thay, cùng lúc làm cho người canh tác có thể chu cấp cho nhiều người không canh tác nữa. Kể từ đó, ở các nước tăng dân số chuyển tiếp, con người đã tước mất phẩm vật của trái đất và hậu duệ của nông dân để xây đắp nền văn minh công nghiệp (với sinh suất giảm) ngày hôm nay. Trong quá trình này con cháu của người nông dân phải học cách trở thành gì đó chứ không phải là người canh tác.

Cũng ngày hôm nay, tại các nước chớm giảm dân số, con người đứng trước ngưỡng cửa những triển vọng mới để là và trở thành người khác – dù lịch sử cung cấp một hướng dẫn chưa sẵn sàng, hoặc có lẽ chỉ là một hướng dẫn sai lạc. Họ không còn cần phải hạn chế lựa chọn của mình bằng sự thích nghi kiểu con quay hồi chuyển, mà có thể đáp lại một biên độ các tín hiệu rộng hơn nhiều so với bất kỳ biên độ nào đã được chủ quan hóa ở thời thơ ấu. Tuy vậy, cùng với tiến bộ hơn nữa của công nghệ và sự chuyển đổi các lĩnh vực từ sản xuất sang tiêu thụ, những triển vọng mới không xuất hiện trong cùng hình thức di chuyển đầy kịch tính từ tầng lớp này sang tầng lớp khác, gia nhập phe này hay phe khác – bóc lột hay bị bóc lột – trong nhà máy và tại các rào chắn. Thực tế, những người, cụ thể là Cộng sản, cố cấu trúc mọi thứ theo các hình ảnh quyền lực cũ hơn này, có lẽ đã trở thành lực lượng phản động nhất và đe dọa nhất trong chính trị thế giới.

Ở một xã hội dư dật đã đạt tới giai đoạn chớm giảm dân số, đấu tranh giai cấp biến tướng đi khi tầng lớp trung lưu bành trướng cho đến lúc nó có thể chiếm hơn nửa dân số về mặt nghề nghiệp, với một tỷ lệ còn lớn hơn về mặt thu nhập, sự nhàn rỗi và các giá trị. Những triển vọng mới này mở ra cho cá nhân không phải để gia nhập một giai cấp mới mà là để thay đổi phong cách sống và tính cách của con người bên trong tầng lớp trung lưu.

Trong hoàn cảnh này khả năng độc lập sẽ không liên quan đến giai cấp. Ở giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng, khi tính cách phần lớn được hình thành cho công việc và trong khi làm việc, chuyện ta có sở hữu tư liệu sản xuất hay không là vô cùng khác biệt. Thế nhưng ngày nay, các lợi thế tâm lý của quyền sở hữu sút giảm nhiều về tầm quan trọng; tính cách ngày càng được hình thành cho sự nhàn rỗi và trong lúc nhàn rỗi – mà cả nhàn rỗi lẫn phương tiện tiêu thụ đều được phân phối rộng khắp. Do vậy, người thích nghi, độc lập hay lệch lạc thường là kết quả của chính các biến thể rất khó nhận thấy trong cách giáo dục đối xử với con người và cách con người phản ứng lại nền giáo dục, phản ứng lại cuộc huấn luyện làm người tiêu thụ của họ, và nói chung, các cuộc chạm trán của họ với mọi người – tất thảy đều nằm trong nhóm có phạm vi rộng lớn là tầng lớp trung lưu.

Đúng thế, có thể có những tương quan chưa được nhận ra, giữa tính độc lập và nghề nghiệp. Công việc không hề mất đi sự liên quan với tính cách, ngay cả hiện nay. Và tình trạng nghề nghiệp ảnh hưởng đến tình trạng nhàn rỗi. Những ai tiềm tàng khả năng trở thành người độc lập có thể chọn một số nghề này hơn là những nghề khác; ngoài điều đó ra, kinh nghiệm làm việc hằng ngày của những người thuộc các nhóm nghề nghiệp khác nhau sẽ nhào nặn nên tính cách. Tuy nhiên, nhìn chung lại thì dường như những khác biệt có thể phân hóa các xã hội trong giai đoạn chớm giảm dân số sẽ không còn là khác biệt giữa một bên là công việc lao nhọc và một bên là địa vị của kẻ ngồi mát ăn bát vàng, giữa nghèo khổ và xa hoa, giữa thọ mệnh và yểu mệnh ở giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp – mà những khác biệt ấy đã ngự trị suy nghĩ của nhiều người như Charles Kingsley, Bellamy, Marx và Veblen. Hầu hết người ở Mỹ ngày nay – giả dụ rằng hai phần ba “có quá nhiều cơ hội”, so với một phần ba thiệt thòi – có khả năng theo dõi, và để cho tính cách của họ được uốn nắn bởi những khác biệt về mặt hoàn cảnh có tính chất tinh tế hơn những khác biệt nảy sinh từ nhu cầu kinh tế cơ bản và các mối tương quan của chúng với tư liệu sản xuất.

II. Người độc lập giữa những người kiểu nội tại định hướng

Người độc lập, sống cũng như mọi người trong một bối cảnh văn hóa nhất định, sử dụng các nguồn dự trữ tính cách và địa vị của mình để tránh khỏi sự thích nghi trung bình của cùng bối cảnh. Do vậy, chúng ta không thể nói thỏa đáng về một “người kiểu ngoại tại định hướng độc lập” (cũng không chính xác là một “người kiểu ngoại tại định hướng lệch lạc”) mà chỉ có thể nói về một người độc lập xuất hiện từ giai đoạn hay từ nhóm phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng (hay về một người lệch lạc đã trở thành lệch lạc qua xung khắc với các mô thức ngoại tại định hướng, hay nội tại định hướng, hay một kết hợp nào đó của cả hai). Vì tính độc lập, giống như lệch lạc, là lệch khỏi các mô thức thích nghi, dù là một sự đi trệch được kiểm soát trong phạm vi và ý nghĩa của nó bởi sự tồn tại của các mô thức đó.

Người độc lập trong một xã hội phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng, giống như người thích nghi trong cùng xã hội, có các mục tiêu rõ ràng, chủ quan hóa và được rèn giũa cho những cuộc chạm trán khắc nghiệt với một thế giới đang thay đổi. Nhưng trong khi người thích nghi được thúc đẩy tới các mục tiêu bởi một con quay hồi chuyển mà anh ta hầu như ít kiểm soát được tốc độ và phương hướng, đôi khi anh ta cũng không biết là nó hiện diện, thì người độc lập cùng thời lại được chọn các mục tiêu và chỉnh lại nhịp độ của mình. Các mục tiêu, và sự thôi thúc hướng tới các mục tiêu đó là hợp lý, không độc đoán và không có xu hướng ép buộc đối với người độc lập; với người thích nghi, những mục tiêu này đơn giản là đương nhiên.

Tuy vậy, hiển nhiên chừng nào các kiểm soát hành vi chuyên quyền hay thần quyền khắt khe còn tồn tại, thì khó mà “tự mình chọn” trong công việc hay vui chơi. Vì tuy rằng có thể được độc lập bất kể sự giám sát hành vi có chặt chẽ đến thế nào miễn là tư tưởng được tự do – và tư tưởng như vậy không bị xâm phạm thực sự cho đến khi có chế độ độc tài hiện đại – nhưng trên thực tế hầu hết mọi người đều cần cơ hội để có chút tự do hành vi nếu họ muốn phát triển và khẳng định sự độc lập tính cách của mình. Sartre,[276] tôi tin đã sai lầm trong quan niệm là con người – chứ không phải một vài cá nhân anh hùng – có thể “tự mình chọn” trong hoàn cảnh chuyên chế cực đoan.

Không nên đánh đồng người độc lập với các anh hùng. Tính anh hùng có thể hoặc không thể là dấu hiệu của tính độc lập; định nghĩa về người độc lập hướng đến những người mà trong tính cách họ có khả năng tự do, dù họ có thể, hay muốn đánh liều chọn lấy sự lầm lạc công khai hay không. Trường hợp Galileo[277] minh họa cho cả hai điểm này. Để hoàn tất công việc, Galileo cần đôi chút tự do, ví dụ như tự do trao đổi các tài liệu và dụng cụ thiên văn, ghi lại các kết quả, vân vân. Thế nhưng ông đã chọn con đường không hào hùng. Ở Liên Xô và các nước chư hầu của họ ngày nay thì ông đã chẳng thể chọn lựa, vì sự lựa chọn hoặc tử vì đạo hoặc bảo mật không tồn tại dưới chế độ rùng rợn NKVD.[278]

Bốn thế kỷ từ thời Phục hưng đã chứng kiến sự hưng thịnh và suy vong của nhiều thời kỳ khi các kiểm soát chính trị thần quyền, vương quyền hay chuyên quyền khác không gắt gao như ở nước Nga Xô viết ngày nay; cũng là những thời kỳ đời sống chính trị đối với nhiều người được nâng cao hơn sinh kế đơn thuần, do vậy đem lại các cơ hội cho tính độc lập. Và còn có các lỗ thoáng cho độc lập ngay cả trong những giai đoạn chuyên chế trước đó, vì các bạo chúa bất tài, thối nát và hạn hẹp trong mục tiêu. Chế độ độc tài ngày nay cũng bất tài hơn và thối nát hơn thường được quy kết, nhưng các mục tiêu của nó là vô hạn và vì lý do này mà nó phải tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện với độc lập – kết cục cuối cùng của cuộc chiến như thế nào thì chúng ta vẫn chưa biết. Vì sự chấp nhận uy quyền chính trị và xã hội với người độc lập luôn có điều kiện: anh ta có thể hợp tác với người khác về hành động mà vẫn duy trì quyền có phán xét riêng. Chế độ độc tài không có bất kỳ công nhận nào cho một quyền như vậy – đấy là lý do tại sao ở Liên Xô các tác phẩm nghệ thuật và các lý thuyết khoa học bị săm soi nghiêm ngặt xem có “trệch đường lối” hay không, sợ chúng che đậy các mầm mống ngay cả là sự vô thức riêng tư và nhận thức độc lập.

May cho chúng ta, kẻ thù của tính độc lập ở các chế độ dân chủ ngày nay không triệt để và ráo riết bằng. Tuy nhiên, như Erich Fromm đã một mực chỉ ra trong Escape from Freedom(Trốn thoát tự do), uy quyền lan tỏa và độc lập của các chế độ dân chủ hiện nay ít thuận lợi cho người độc lập hơn ta có thể giả định. Một lý do, có lẽ lý do quan trọng hàng đầu, là người kiểu ngoại tại định hướng được dạy để không hưởng ứng uy quyền công khai, để tinh vi hóa nhưng làm thui chột kỳ vọng giữa các cá nhân với nhau. Quả thực, tính độc lập trong giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng xem ra dễ đạt được hơn tính độc lập ngày nay. Tuy nhiên, độc lập trong phương thức nội tại định hướng không còn khả thi đối với hầu hết mọi người. Để hiểu tại sao như vậy thì cần phải nhìn qua những thành trì hay sự phòng thủ vững chắc cho tính độc lập mà giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng đem lại, và là những thứ ngày nay không còn mạnh mẽ thế nữa. Những thành trì này bao gồm, trong các xứ Tin Lành, là một số thái độ đối với lương tâm, và ở mọi nơi, là những bức tường thành công việc, tài sản, giai cấp, nghề nghiệp, cũng như các khả năng an ủi là chạy trốn tới biên giới.

Trước hết, một xã hội Tin Lành hay Tin Lành-thế tục của các kiểu nội tại định hướng đã thích nghi trông đợi mọi người tuân thủ, không phải bằng việc để ý theo người khác mà bằng sự phục tùng con quay hồi chuyển và lương tâm bên trong họ. Điều này ban cho họ sự riêng tư, vì trong khi xã hội có thể phạt người ta ít nhiều vì cái họ làm, nó lại thiếu quan tâm và thiếu khả năng tâm lý để biết xem người ta  gì. Thiên hạ giống như những chiếc thuyền buồm trong một cuộc đua ở Bermuda, không chú ý đến nhau mà đến gió thuận và cái đích trong tầm mắt.

Thứ hai, bao giờ cũng có sẵn một phòng tuyến trong sự tồn tại các biên giới định cư và quyền tị nạn. Khả năng đi khắp địa cầu vào thời gian trước khi có hộ chiếu đặt ra những giới hạn cho tầm với của các bạo chúa và đem thực tế vào ý niệm về các quyền bất khả chuyển nhượng.[279] Roger Williams đơn độc bỏ đi; Voltaire tới lui khắp châu Âu; Karl Marx tìm thấy nơi nương náu trong Bảo tàng Anh; Carl Schurz[280]chạy trốn tới Mỹ – đây là những cảnh tượng từ một quá khứ gần như không còn.

Thứ ba, người độc lập trong giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng tự cho mình có sẵn hàng rào phòng thủ mà chính công việc đem lại, trong một giai đoạn mà người thích nghi cũng chủ yếu thiên về công việc. Dù khó thừa nhận là ở các nước Thanh giáo người ta tìm thấy niềm vui trong công việc, nhưng có thể chấp nhận được khi xem nó như một mục đích tự thân, cũng như một phương tiện để đạt đến các mục đích khác. Quả thực “độ cứng của vật chất” hấp dẫn người độc lập – lần nữa, như các bạn bè kém độc lập hơn của mình – thường làm họ rắn lại trước mọi cân nhắc khác. Đoạn trích sau đây từ Experimental Medicine (Y học thực nghiệm) của Claude Bernard, lần đầu công bố vào năm 1865, bộc lộ cách nhìn này:

Sau tất cả những chuyện này, chúng ta có nên để mình động lòng trước những lời kêu gọi tinh nhạy của những người thức thời hay sự phản đối của những người xa lạ với các ý tưởng khoa học hay không? Mọi tình cảm đều đáng được trân trọng, và tôi sẽ rất cẩn thận để không bao giờ đụng chạm đến cảm nhận của bất kỳ ai. Tôi dễ dàng giải thích những tình cảm ấy cho mình, và đó là lý do họ không thể ngăn tôi… Một nhà sinh lý học không phải là kẻ xu thời, anh ta là người của khoa học, đắm chìm trong ý tưởng khoa học mà anh ta theo đuổi; anh ta không còn nghe thấy tiếng thú kêu, anh ta không còn nhìn thấy máu chảy, anh ta chỉ thấy ý tưởng của mình và chỉ nhận biết được những cơ thể che giấu các vấn đề mà anh ta định giải quyết. Tương tự, không có bác sĩ giải phẫu nào dừng tay bởi những tiếng than van thổn thức não lòng nhất, vì anh ta chỉ tìm ý tưởng của mình và mục đích ca mổ của mình… Sau những gì đã xảy ra trước đây, chúng ta sẽ cho mọi bàn luận về giải phẫu sống là vô bổ hay phi lý. Con người không bao giờ có thể nhất trí, khi đánh giá các dữ kiện bằng các ý tưởng khác nhau như vậy; và vì không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhà khoa học chỉ nên để tâm đến ý kiến của giới khoa học hiểu anh ta, và nên lấy các quy tắc hành xử chỉ từ chính lương tâm mình.[281]

Một người như Claude Bernard nhìn vào các đồng nghiệp làm khoa học của mình, không phải để trông chờ sự tán thành ông với tư cách một con người, mà để xác nhận giá trị công việc khách quan của ông. Ông ít cần mọi người hay sự hưởng ứng nồng nhiệt giữa các cá nhân với nhau, bằng một người độc lập nổi bật lên giữa các nhóm phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng.

Thứ tư, tài sản và giai cấp là các hàng rào phòng thủ đáng kể cho những ai cố gắng có được sự độc lập. Những thứ này không chỉ bảo vệ thói tiêu thụ phô trương của nhà triệu phú điên cuồng mà còn bảo vệ sự bất kính của Bentham[282] ẩn dật và đời sống hai mặt không thể tách rời của tay kị sĩ thuần thục – nhà công nghiệp ở Manchester, Friedrich Engels.[283]Mọi người không chỉ được công việc và tài sản của họ bảo vệ mà còn cả địa vị của họ, dù cao quý hay hạ tiện. Nếu thiên hạ có thể xoay xở làm tròn vai trò nghề nghiệp của mình thì cái họ làm ngoài giờ làm việc sẽ ít nhiều tùy ở họ. Charles Lamb[284] như một công chức quèn có thể viết những khi rỗi rảnh. Hawthorne,[285] và nhiều nhà văn Mỹ thế kỷ 19 khác, giữ các chức vụ không yêu cầu họ phải cống hiến bản thân nhiều – dứt khoát không phải sự tự bóc lột trong và ngoài công việc đòi hỏi cho các nhà văn viết thuê ngày nay được trả hậu hĩ hơn. Dây xích thứ bậc nghề nghiệp, khi người ta đã đạt được một vị trí trong đó, sẽ giữ mọi người yên vị cùng một mức độ an toàn nào đấy, mà vẫn chừa phần dây đủ dài cho người độc lập. Bên trong những giới hạn về tài sản và địa vị nhất định đã có, người ta có thể loay hoay mà không khuấy động đối kháng căm phẫn, không gây ra đau buồn cả trong cảm nhận lẫn trong số phận trần thế của họ.

Tuy vậy, cũng chính nhiều hàng rào phòng thủ này đã vận hành thường xuyên như những rào chắn đối với độc lập hơn là hàng rào bảo vệ cho nó. Một xã hội được tổ chức về mặt giai cấp, tư hữu và nghề nghiệp sẽ chống lại tính độc lập bằng mọi thứ vũ khí là gia đình, của cải, tôn giáo và quyền lực chính trị: những than phiền, phản đối của các nhà cải cách chính trị và tôn giáo, của các nghệ sĩ và thợ thủ công chống lại kiểu tổ chức xã hội chủ yếu là tư sản này, giờ đang biến mất, là đúng đắn và vừa đủ. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng các rào cản này thường được tổ chức như những phòng vệ của cá nhân; một khi các rào cản này đã bị nghị lực và tài năng đi vòng tránh được, chúng sẽ đem lại tình trạng tự do mà trong đó sự độc lập, cũng như tính tự mãn của “kẻ ngồi mát ăn bát vàng” có thể nảy nở.

Trong các tiểu sử và hồi ký vài trăm năm qua, chúng ta có thể dựng lại con đường mà các cá nhân bắt đầu cuộc đấu tranh giành độc lập nội trong các bức tường chuyên chế của gia đình phụ hệ, có thể nói như vậy. Gia đình, hơn nhà nước nhiều, hoạt động như “ban chấp hành” của giai cấp tư sản kiểu nội tại định hướng, rèn luyện tính cách xã hội cho các thành viên tương lai của nó lẫn các nô lệ tương lai cho nó. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, sách báo có thể cứu rỗi một đứa trẻ trong cuộc chiến đơn độc chống lại cha mẹ, thầy cô, và các uy quyền của người lớn khác – dù một cuốn sách cũng có thể sẽ làm nó mất phương hướng và tăng thêm áp lực cho nó. Nhưng nếu gặp may thì một cuốn sách, như một người thầy hay người thân thích đồng cảm, có thể phá tan mặt trận quyền uy vững chắc trong gia đình.

Mãi đến tuổi mới lớn thì đám trẻ con khác mới giúp ích được nhiều, dù khi ấy, nhất là khi các nhóm trẻ mới lớn về sau mang hình thức định chế, chúng vẫn có thể giúp một tay trong cuộc thoát ly gia đình. Tuổi mới lớn, thực ra thường là giai đoạn khủng hoảng cho cậu bé cô bé mưu cầu độc lập. Trong khi ngay cả đứa trẻ thích nghi cũng phải tìm lối ra khỏi nhà, từ đó chúng tiến vào một hệ thống xã hội vẫn giữ chặt chúng, thì việc gặp những người độc đoán thay thế cha mẹ như vậy là cần thiết để điều chỉnh các tín hiệu của cha mẹ đã chủ quan hóa trong chúng. Tuy nhiên, thanh niên độc lập tương lai, khi đoạn tuyệt với cha mẹ cũng tức là đang đoạn tuyệt với uy quyền đã được chủ quan hóa bên trong lẫn ở bên ngoài ấy. Ta có thể lần dò quá trình này với tất cả nỗi thương tâm của nó trong sự trưởng thành của John Stuart Mill, người thoát được sự kèm cặp của cha chỉ khi đã tiến xa trong đời, hay Franz Kafka,[286] người chưa hề thoát được.

Khi đã ra đời, người đấu tranh giành độc lập đối mặt với các rào cản tài sản – nếu anh ta không có nó; thang bậc – nếu anh ta tìm cách trèo lên hay chống đối nó; tôn giáo – nếu anh ta vi phạm các kiểm soát về thể hiện của nó. Trong các cộng đồng Tin Lành mạnh mẽ nói riêng, hành vi ngoài mặt thận trọng của ta không thể bảo đảm cho ta cái tự do mà Erasmus hay Galileo đã tận dụng được. Kết quả là giữa người bị dẫn dắt quá mức và được dẫn dắt chưa đủ chẳng có mấy chỗ cho độc lập. Trận chiến để biến các chướng ngại vật này thành hàng rào phòng thủ thường rất cam go, và cá nhân sẽ mang vết thương suốt đời, như Marx, Balzac, Nietzsche, Melville, E.A Robinson,[287] và nhiều vĩ nhân khác ở giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Thế mà vẫn còn những người khác nữa – John Dewey,[288] con người mảnh khảnh xứ Vermont, là một ví dụ tuyệt vời, và cũng vậy, theo một cách rất khác, là Bertrand Russell[289] – được số phận ưu ái hơn, có thể sống hai cuộc đời va chạm và phiêu lưu trí tuệ, riêng tư mà ít có giằng xé nội tâm.

III. Người độc lập giữa những người kiểu ngoại tại định hướng

Các luật sư và nhà lập pháp có một kỹ thuật gọi là “sáp nhập bằng dẫn chiếu”; thông qua cách đó họ có thể trong một quy chế hay tài liệu này đề cập đến quy chế, tài liệu kia mà không cần trích dẫn đầy đủ. Cũng theo cách ấy tôi muốn sáp nhập bằng dẫn chiếu ở đây các trước tác của Mill bàn về tính cá thể: Autobiography (Tự truyện), các khảo luận On Liberty (Bàn về tự do), On Social Freedom (Bàn về tự do xã hội) và The Subjection of Women (Sự khuất phục của phụ nữ). Những trước tác này đưa ra một báo hiệu phi thường các vấn đề của cá nhân độc lập, khi mà cùng với sự sụp đổ của các rào chắn tự do cũ, các rào chắn mới và khó thấy hơn là dư luận trong một chế độ dân chủ sẽ xuất hiện. Quả thực, khi đọc các tác giả hiện đại, như Sartre, Simone de Beauvoir, Erich Fromm, José Ortega y Gasset[290] và Bertrand Russell, những người đã đề cập đến các đề tài tương tự, người ta sẽ ngạc nhiên vì mức độ mà bên dưới những khác biệt về thuật ngữ, quan điểm triết học của họ giống với quan điểm của Mill ở nhiều khía cạnh quan trọng.

Mill viết: “Trong thời kỳ này chỉ riêng ví dụ về sự không tuân thủ, chỉ riêng sự từ chối uốn gối theo phong tục thôi, tự nó đã là một sự giúp đỡ”. Nhưng ông quan tâm đến cá nhân hơn là sự giúp đỡ. Ông quan sát hai xu hướng đã phát triển mạnh mẽ hơn từ thời ông viết. Ông thấy, như nhiều người khác đã thấy, rằng người ta không còn tìm manh mối “ở các chức sắc cao trọng trong giáo hội hay nhà nước nữa, ở những người có vẻ như là lãnh đạo, hay ở sách vở” mà đúng hơn ở nhau – từ nhóm ngang hàng và các cơ quan truyền thông đại chúng, như chúng ta thường nói. Ông thấy, mà ít người thấy được, rằng điều này xảy ra không chỉ trong các vấn đề công cộng mà còn trong các vấn đề cá nhân, trong sự theo đuổi thú vui và trong việc hình thành cả một lối sống. Tất cả những gì đã thay đổi, từ khi ông và Tocqueville viết, có lẽ là các hành động dựa trên nỗi sợ hãi điều thiên hạ có thể nói – tức là về chủ nghĩa cơ hội hữu ý – ngày nay là kết quả tất yếu hơn của một cấu trúc tính cách bị chi phối bởi các tín hiệu từ bên ngoài, không chỉ từ nhỏ mà suốt đời. Do vậy, một khác biệt chính giữa các vấn đề thời của Mill và thời của chúng ta là kẻ ngày nay không chịu “uốn gối theo phong tục” sẽ thôi thúc tự hỏi: “Phải chăng đây là cái mình thực lòng muốn? Có lẽ mình muốn nó chỉ vì…”

So sánh này có thể cường điệu các chuyển biến lịch sử; người độc lập bao giờ cũng là người nghi vấn. Tuy vậy, người độc lập trong số người kiểu nội tại định hướng, phần nào được uốn nắn bởi một môi trường trong đó người ta xem nhiều sự kiện tâm lý là điều hiển nhiên, trong khi người độc lập giữa những người do ngoại tại định hướng sống ở một môi trường nơi mọi người tự hỏi mình một cách có hệ thống khi lường trước câu hỏi của người khác. Quan trọng hơn, trong các tầng bậc kinh tế xã hội lớp trên ở các nước dân chủ Tây phương ngày nay – đây là những tầng bậc, trừ tầng cao nhất, bị kiểu ngoại tại định hướng tràn ngập mạnh nhất – sức ép cho người tìm độc lập không phải là những rào cản thấy được sờ được như gia đình và uy quyền vẫn điển hình kiềm tỏa người ta trong quá khứ.

Đây là lý do tại sao khó quyết, như một vấn đề thực nghiệm, xem ai là độc lập khi chúng ta nhìn đời sống có vẻ thoải mái và dễ dàng của một tầng lớp xã hội không còn “vấn đề”, chỉ trừ ra những người cố gắng đạt được độc lập. Những người này, đến lượt họ, không thể định nghĩa kẻ thù một cách tương đối dễ dàng như khi người độc lập đối mặt với một môi trường kiểu nội tại định hướng. Người dự đoán nội tình có phải là kẻ thù không, với sự khoan dung cảm thông của anh ta – nhưng đấy lại là cái hờ hững che đậy, và với sự bất khả tri những cảm xúc mãnh liệt? Họ có phải kẻ thù không, những bạn bè kề bên, không phải để cản trở mà để vui chơi, để hiểu và tha thứ tất cả? Một người độc lập ngày nay phải hành động không ngừng để gỡ mình ra khỏi những liên lụy không rõ rệt với cái tầng trên cùng do nội tại định hướng này – rất khó mà đoạn tuyệt bởi lẽ các đòi hỏi của nó có vẻ rất hợp lý, thậm chí còn vụn vặt nữa.

Một lý do cho điều này là người độc lập ngày nay là người thụ hưởng sự nhạy cảm nhiều hơn đã được đưa vào xã hội chúng ta với cái giá cá nhân cao ngất, bởi những người độc lập tiền bối ở giai đoạn nội tại định hướng. Người độc lập tiền bối, khi bác bỏ chuẩn mực Philistin,[291] luôn hết sức để tâm đến sở thích, đến cái họ thích; khi mở rộng giác quan ra cho cảm nghiệm, cho nhận thức về sắc thái cá nhân, nhiều thi sĩ lãng mạn và các nghệ sĩ khác thế kỷ 19 đã hiện đại đến lạ lùng. Cái họ đưa vào bài thơ và các tác phẩm khác của mình, trong sự tinh tế và tính chủ quan, là một phần di sản họ để lại cho vốn từ vựng cảm xúc thời chúng ta. Hơn nữa, các tiền nhân này không băn khoăn chuyện ai là kẻ thù của mình: họ là dân trung lưu thích nghi xông xáo biết cái mình muốn, và đòi hỏi sự tuân thủ theo nó – những người mà đời sống với họ không phải là cái để thưởng thức mà là cái phải triệt hạ. Những người như vậy dĩ nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều, nhưng trong các giai tầng có giáo dục tốt hơn ở các thành phố lớn hơn, họ giữ thế thủ; và với họ sự chống đối không còn đủ để một người có thể nổi lên như người độc lập nữa.

Tính độc lập, tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó phải luôn tương đối so với các phương thức tuân thủ thắng thế trong một xã hội nhất định; đây không bao giờ là chuyện được ăn cả ngã về không, mà là kết quả của một cuộc chiến khi thì đầy kịch tính, lúc lại không thể nhận thấy đối với các phương thức đó. Xã hội công nghiệp hiện đại đã đẩy rất nhiều người đến chỗ lệch lạc, và sinh ra sự tuân thủ èo uột ở số khác, nhưng chính những bước phát triển đã gây ra điều đó cũng mở ra các triển vọng không ngờ cho tính độc lập đến nay. Khi chúng ta cuối cùng cũng đã hiểu xã hội mình rõ hơn, và các lựa chọn thay thế xã hội dành sẵn cho chúng ta, tôi nghĩ chúng ta sẽ có thể tạo ra nhiều lựa chọn thay thế hơn nữa, do vậy mà có nhiều không gian hơn nữa cho tính độc lập.

Điều này dễ tin hơn là chứng minh hay thậm chí minh họa nó. Thay vì vậy cho phép tôi chỉ ra một số lĩnh vực trong đó mọi người ngày nay cố đạt tính độc lập – và những khó khăn to lớn họ gặp phải.

Phong cách Bohemia.[292] Như vừa được chỉ ra, trong các nhóm phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng thì cá nhân lầm lạc có thể chạy trốn, về địa lý hay trong tinh thần, đến Bohemia; mà vẫn là một cá nhân. Ngày nay, toàn thể các nhóm đều đương nhiên là người kiểu Bohemia; nhưng các cá thể tạo nên nhóm không nhất thiết là người tự do. Trái lại, họ thường sốt sắng dò theo các tín hiệu của một nhóm đã tìm thấy ý nghĩa đời sống, hoàn toàn không có trở ngại, mang ảo tưởng tấn công vào một đa số được cho là thống trị và ưa trừng phạt gồm các thủ lĩnh Babbitt và Kwakiutl. Tức là, dưới sự che chở của các nhóm phủ quyết, lớp trẻ ngày nay có thể tìm thấy một nhóm ngang hàng ở đủ hạng người và nơi chốn của đời sống thị thành mà sự tuân thủ theo họ ít phải trả giá trên con đường kiếm tìm nguyên tắc.

Người không tuân thủ ngày nay có thể thấy mình ở thế của một người lập dị mà Mill chưa lường trước được, anh ta phải như một ngôi sao điện ảnh, chấp nhận các vai được giao, để không làm thất vọng những mong đợi háo hức của bạn bè. Chính sự thực rằng những nỗ lực vì độc lập của anh ta được “người khác” xem như tín hiệu để làm theo buộc anh ta phải ý thức về khả năng nỗ lực tiến tới độc lập có thể biến tướng thành trò đóng kịch kiểu ngoại tại định hướng.

Tình dục. Con đường độc lập ở đây là gì? Cưỡng lại đòi hỏi có vẻ như tự nhiên của nhóm ngang hàng sành điệu rằng các thành tựu của ta phải được nhìn nhận một cách tự nhiên, hay chấp nhận thái độ “tân tiến” này? Những khuôn mẫu nào ta nên theo? Như các cụ tổ của ta, vây quanh là những đàn bà tiết hạnh và nhún nhường? Hay như các vận động viên Kinsey ngày nay khoe “tự do” và “kinh nghiệm”? Lại nữa, khi phụ nữ đã trở thành những người tiêu thụ am tường hơn, câu hỏi nên chăng hay khi nào phải mào đầu trở thành một chuyện để phấp phỏng suy đoán. Có lẽ ngay cả các vai trò khó khăn hơn cũng được áp đặt cho phụ nữ. Cũng là người đi tiên phong trên lĩnh vực tình dục, họ phải khuyến khích sự xông xáo và giả vờ nhún nhường. Họ có ít cơ hội thoát khỏi lĩnh vực này dù chỉ tạm thời qua công việc, vì nếu có một nghề nghiệp, cả đàn bà và đàn ông đều sẽ dễ nghĩ rằng kỹ năng của họ được xén từ đời sống tình dục, hay đời sống tình dục xén bớt phần kỹ năng của họ. Nhiều phụ nữ trung lưu có vẻ đã quay lại, trong một nỗ lực hoài công nhằm giành lại các mô thức cũ hơn và có vẻ chắc chắn hơn.

Khoan dung. Khoan dung không thành vấn đề khi có một khoảng cách lớn giữa người khoan dung và người được khoan dung. Sự bày tỏ thiện ý đơn thuần, và có lẽ một đóng góp đây đó, là tất cả những gì được yêu cầu. Nhưng khi nô lệ trở thành người tự do, còn vô sản thành các công nhân tự trọng, khoan dung trong nghĩa ban đầu này phải được thay thế bằng một thái độ tinh tế hơn và phù hợp hơn. Lần nữa, cá nhân độc lập tương lai khó mà tiếp cận điều này.

Người ta thường nhận xét rằng, trong các nhóm đã được giải phóng, người da đen cư xử xấu được tha thứ mọi chuyện, vì họ là người da đen và đã bị ngược đãi. Điều này mấp mé tiến đến định kiến ngược lại. Các vấn đề đạo đức mù mịt đi ở cả hai bên lằn ranh chủng tộc, vì cả người da trắng lẫn người da đen đều không được chờ đợi phản ứng với tư cách những cá nhân gắng gỏi tìm độc lập, mà chỉ như những thành viên của chủng tộc khoan dung hay chủng tộc được khoan dung. Rõ ràng, ngày nay để tách ra cái có cơ sở vững chắc trong tâm trạng khoan dung với cái hồ nghi thì cần phải có một mức độ tự ý thức cao.

Khả năng tự ý thức cao này, trên tất cả, cấu thành biểu trưng của người độc lập trong một giai đoạn phụ thuộc vào kiểu ngoại tại định hướng. Vì khi người do nội tại định hướng tự ý thức hơn vị tiền bối do truyền thống định hướng, và khi người do ngoại tại định hướng còn tự ý thức hơn nữa, người độc lập lớn khôn trong hoàn cảnh khuyến khích tự ý thức có thể gỡ mình khỏi những người đã thích nghi khác chỉ bằng một bước tiến nữa tới sự tự ý thức cao hơn. Tính độc lập của anh ta không phụ thuộc vào việc anh ta dễ dàng phủ nhận hay che giấu cảm xúc mà, trái lại, vào nỗ lực thành công của anh ta để công nhận và tôn trọng các cảm xúc riêng, các khả năng tiềm tàng, các hạn chế của mình. Đây không phải là vấn đề định lượng, mà phần nào là một nhận thức về chính sự tự ý thức, là đạt được một nấc trừu tượng hóa cao hơn.

Như chúng ta ai cũng biết thừa, một thành tựu như vậy là điều khó khăn; nhiều người đạt được nó lại không thể xoay xở nặn nó thành một cấu trúc đời sống độc lập mà đành cam chịu lệch lạc. Thế nhưng, có lẽ sự lệch lạc của các quá trình ấy còn dễ ưa hơn nỗi lo âu ít tự ý thức của người thích nghi, dù được xã hội ủng hộ, họ thà bóp méo chính mình chứ không chịu vặn vẹo hay giải thích lại văn hóa lẫn mục đích của mình.

Cuộc giao tranh tính cách học nằm ở trung tâm chú ý ngày nay là cuộc giao tranh giữa kiểu ngoại tại định hướng và kiểu nội tại định hướng, trái với một nền tảng mà trên đó kiểu truyền thống định hướng dần dà biến mất khỏi hành tinh. Giờ đây chúng ta đã nhận ra trên đường chân trời có một phân cực mới giữa những người bám vào một sự thích nghi ép buộc nhờ kiểu ngoại tại định hướng và những người sẽ cố vượt qua môi trường này bằng sự độc lập. Nhưng tôi thấy hình như cuộc giao tranh giữa những người cố gắng có được tính độc lập và những người do ngoại tại định hướng không thể trở thành người độc lập, hay không muốn người khác trở thành độc lập, khó có thể là một cuộc giao tranh khốc liệt. Vì kiểu ngoại tại định hướng cho người ta sự nhạy cảm và di động tức thời, mà dưới các định chế Mỹ hiện hành, nó đem lại một cơ hội lớn để thăm dò các nguồn tính cách – lớn hơn so với nó được nhận biết về đại thể hiện nay, như tôi sẽ cố chỉ ra trong các chương sau – và những nguồn này ít nhất cũng gợi ý cho tôi triển vọng tính độc lập sẽ phát triển hữu cơ từ kiểu ngoại tại định hướng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.