Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG XIII: Cá nhân hóa giả tạo: chướng ngại cho độc lập trong công việc



Chỉ con người mới có thể là kẻ thù của con người; chỉ anh ta mới có thể cướp mất của mình cuộc đời và ý nghĩa các hành động bởi vì nó cũng chỉ thuộc về anh ta để khẳng định nó trong sự tồn tại của nó, để nhận ra nó trong dữ kiện thực tế như một tự do… tự do của tôi, để thành tựu, đòi hỏi nó phải nảy sinh trong một tương lai rộng mở: chính người khác là người mở tương lai cho tôi, chính họ là người, trong khi xây đắp thế giới ngày mai, xác định tương lai của tôi; nhưng nếu, thay vì để tôi tham gia cuộc dựng xây này, họ buộc tôi lãng phí tính siêu việt của mình vô ích, nếu họ cứ giữ tôi dưới tầm cao họ đã chinh phục mà trên cơ sở đó các cuộc chinh phục mới sẽ thành công, thì họ đang tách lìa tôi với tương lai, họ đang biến tôi thành một vật…

Simone de Beauvoir, Bài học về tính đôi[293]

I. Các định nghĩa văn hóa về công việc

Các nguồn dự trữ cảm xúc của người kiểu ngoại tại định hướng là các nguồn có thể đem lại nhiều độc lập hơn. Nhưng cần phải nói rõ khi thảo luận về công việc, vui chơi và chính trị của người kiểu ngoại tại định hướng rằng, các nguồn dự trữ của anh ta, mặc dù có thể linh hoạt hơn các nguồn của người kiểu nội tại định hướng, lại liên tục bị tổ chức xã hội của anh ta dùng cạn kiệt. Chúng bị cạn kiệt nhất là bởi các định nghĩa văn hóa hiện tại của chúng ta về công việc, vui chơi và các mối tương quan giữa hai thứ này – những định nghĩa mà như chúng ta đã thấy, đưa “vui chơi” đầy căng thẳng vào công việc của những bàn tay niềm nở và đưa “công việc” bị điều chỉnh mạnh theo nhóm vào vui chơi của họ. Tất cả chúng ta đều buộc phải, trong một chừng mực nào đó, chấp nhận các định nghĩa văn hóa về công việc và vui chơi này, cũng như buộc phải chấp nhận một số định nghĩa văn hóa về giai cấp, giới tính, chủng tộc, vai trò nghề nghiệp hay xã hội. Và những định nghĩa bị áp đặt cho chúng ta bởi các lề thói văn hóa, bởi quá trình xã hội hóa chúng ta trải qua, dù các định nghĩa đó tình cờ mà hợp thời hay lỗi thời, hữu ích hay hủy hoại tính kiên cường và căn tính con người chúng ta.

Công việc có uy tín lớn hơn; hơn nữa, nó được xem là không có quan hệ gì với con người – nó là một kiểu chiến dịch cứu hộ có kỷ luật, giải cứu một sản phẩm xã hội hữu ích khỏi thói lười biếng cố hữu hỗn loạn và rối rắm ở con người. Cũng thời này, giai đoạn tăng dân số chuyển tiếp, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc nhất trong cuộc chế ngự thiên nhiên của con người, họ xem điều này là hiển nhiên, bắt chước mù quáng một loạt tác giả từ Malthus đến Sumner và Freud, rằng con người phải được thúc đẩy làm việc bởi nhu cầu kinh tế. Ngày nay, dầu đã biết thêm về bản chất con người và công việc, chúng ta vẫn còn có chiều hướng chấp nhận tiền đề tâm lý rằng công việc và năng suất là các kỷ luật áp dụng trái với bản chất con người. Chúng ta chưa thấy hết, dù chúng ta gần thấy, rằng cái trông như tính lười biếng có thể là một phản ứng lại kiểu công việc mọi người bị buộc phải làm và cách mà họ bị buộc phải định nghĩa nó.

Vì công việc được xem là quan trọng hơn vui chơi, nên có truyền thống xem nặng nhất công việc trông ít giống vui chơi nhất, tức là, công việc tay chân rõ ràng hay có hiệu quả vật chất. Đây là một trong những lý do tại sao uy tín của các nghề nghiệp trong khu vực thứ ba, nhất là các ngành nghề phân phối, nói chung là thấp.

Định nghĩa của chúng ta về công việc còn có nghĩa là bà nội trợ, mặc dù tạo ra một sản phẩm-công việc xã hội, không thấy công việc của mình được định nghĩa và tính tổng rõ ràng như một sản phẩm trả theo giờ hoặc một sản phẩm khoán trong điều tra dân số quốc dân hay trong suy nghĩ của mọi người. Và vì lẽ công việc của chị ta không được định nghĩa là công việc, chị ta kiệt sức vào cuối ngày mà cảm thấy không có quyền được như thế, do vậy mà sự xúc phạm còn được cộng thêm với sự tổn thương. Trái lại, những công nhân trong nhà máy ở Detroit hoàn thành chỉ tiêu sản xuất cả ngày của mình trong ba giờ rồi dùng thời gian còn lại la cà trong xưởng, lại được chính họ, vợ họ, và điều tra dân số định nghĩa là công nhân làm tám tiếng một ngày.

Những định nghĩa văn hóa về công việc này có các hàm ý kỳ lạ đối với sức khỏe của nền kinh tế nói chung và do vậy, bắt nguồn cho các cơ hội của độc lập trong sinh sống. Chúng ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các khu vực có uy tín trong nền kinh tế và bỏ qua các cơ hội kinh tế ở những khu vục gần với vui chơi hơn. Chẳng hạn, vào thời các trại CCC,[294] nhiều người cho rằng công việc CCC trên các tuyến chữa lửa quan trọng hơn công việc CCC trong các lĩnh vực tiêu khiển, cũng như Nhà hát liên bang WPA[295]được xem là không quan trọng về mặt kinh tế bằng các tòa công sở đồ sộ ở Georgia của PWA.[296]

Trong xã hội chúng ta, tiêu thụ được định nghĩa là phương tiện hơn là mục đích. Điều này ngụ ý chúng ta tiêu thụ để đạt được toàn dụng – nên chúng ta tìm kiếm toàn dụng bằng cách sản xuất thêm sản phẩm hơn là sản xuất thêm đủ loại nguồn tiêu khiển mà thời gian nhàn rỗi của chúng ta, việc tập tành tiêu thụ của chúng ta, và nhà máy giáo dục, cho phép phát triển. Tuy vậy, bởi nghĩ đến việc mở rộng tiêu thụ về mặt thị trường cho hàng tiêu dùng lâu bền và bán lâu bền – háo hức tìm những món đồ mới như ti vi để ném vào công thức số nhân của Keynes – chúng ta bị bỏ lại chơ vơ trước một tập hợp các thói quen và giả định kinh tế đã xưa cũ. Nhờ bám vào chúng, một lối thoát tiết kiệm về kinh tế, khả thi về chính trị vẫn còn giữ lại cho các khu vực sơ cấp và thứ cấp bành trướng quá mức: một nền kinh tế phục vụ chiến tranh.

Thực vậy, cuộc đấu tranh giành độc lập, giành một định hướng hiệu quả cho cá nhân[297] dựa trên nhu cầu của con người được tham gia tích cực trong nhiệm vụ sáng tạo trở nên cấp thiết hơn, vì chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật sản xuất đã trong tầm mắt. Các định chế và tính cách của người do nội tại định hướng hợp lại ngăn anh ta không chọn công việc của mình, và khiến anh ta chấp nhận nó như một tất yếu Malthus. Cả các định chế lẫn tính cách người kiểu ngoại tại định hướng mang lại cho anh ta một mức độ linh hoạt tiềm tàng nhiều hơn khi định nghĩa lại và cấu trúc lại lĩnh vực công việc. Khách quan mà xét, hoàn cảnh mới xung quanh công việc cho phép giảm giờ làm; còn về chủ quan, nó cho phép rút lại mối bận tâm mà công việc đòi hỏi ở thời trước và dồn cả mối bận tâm này vào mảng không thuộc công việc. Tuy nhiên, thay vì tìm cách tiến hành cuộc cách mạng này, người kiểu ngoại tại định hướng lại thích dồn vào công việc mọi nguồn lực cá nhân hóa, sự niềm nở mà tính cách anh ta có khả năng tạo ra và chính vì anh ta dồn quá nhiều công sức và gắng gỏi vào công việc, gặt hái cái lợi là có thể tiếp tục nghĩ rằng điều đó là quan trọng.

II. Người hấp dẫn, người câu giờ, người cần thiết

Giờ chúng ta sẽ quay sang ý niệm đầu tiên trong cặp ý niệm song sinh sẽ liên quan đến chúng ta trong chương này và chương tiếp sau đây. Một cái, tôi sẽ gọi là “cá nhân hóa giả tạo”; cái kia, “tư hữu hóa ép buộc”. Chúng ta đã gặp cá nhân hóa giả tạo trong cuốn sách này, dưới dạng bàn tay niềm nở giả tạo và gắng sức. Tôi thấy cá nhân hóa giả tạo là một rào cản chính cho tính độc lập trong lĩnh vực công việc: chính nó, hơn cả những vấn đề kỹ thuật sản xuất vẫn còn duy trì, là cái vắt kiệt nội lực cảm xúc của người kiểu ngoại tại định hướng. Tư hữu hóa ép buộc là một rào cản chính cho độc lập nhưng, như chúng ta sẽ thấy, không phải là điều duy nhất trong lĩnh vực vui chơi. Tư hữu hóa sẽ là thuật ngữ khái quát của chúng ta để chỉ các hạn chế – chính trị, sắc tộc, thứ bậc, gia đình – ngăn người ta không có những cơ hội xứng đáng được nhàn rỗi, bao gồm cả tình bạn. Trong một chừng mực nào đó thì những ai chịu đựng cá nhân hóa giả tạo trong công việc nhiều nhất cũng sẽ chịu đựng tư hữu hóa ép buộc trong vui chơi nhiều nhất.

Có một phép biện chứng về tiến bộ xã hội và cá nhân rất có thể, nếu các rào cản độc lập này được vượt qua thì bấy giờ, làm cho chúng ta hân hạnh biết thêm những rào cản khác nữa. Tự do của con người, vì phải giành lại nó trong mỗi thế hệ, chỉ tăng lên đôi phần. Thế nhưng sẽ có ý nghĩa khi chỉ rõ một số khó khăn chính rành rành cản trở tính độc lập ngày nay bằng cách rút cạn sinh lực, thứ có thể được sử dụng hữu ích hơn, ngay cả nếu cho rằng chúng ta hiếm khi biết được mặt mũi độc lập trông ra sao, hay sẽ đòi hỏi gì, khi mà các thứ cản trở này đã được dỡ bỏ đi rồi.

CÁ NHÂN HÓA NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG: TIẾN TỚI SỨC HẤP DẪN

Ông giám đốc kiểu nội tại định hướng không bao giờ “thấy” thư ký của mình. Thư ký, như thành viên của một tầng lớp khác, và thường thường, một nhóm sắc tộc khác, cũng hiếm khi “thấy” ông chủ như một cá nhân. Được bàn tay vô hình gom lại một chỗ, cả hai tập trung vào công việc chứ không phải vào nhau, nói cách khác đây như là một chính sách gia trưởng rộng lượng nhưng vô cảm nối lại khoảng cách xã hội. Ngược lại, giám đốc kiểu ngoại tại định hướng, trong khi vẫn ra vẻ bề trên với nhân viên văn phòng, buộc phải cá nhân hóa các mối quan hệ với lực lượng lao động văn phòng dù muốn dù không, dẫu chẳng phải vì ông ta là một phần trong hệ thống đã thuyết phục tầng lớp văn phòng nói chung tin vào các giá trị ưu việt của cá nhân hóa. Cá nhân hóa là giả dối ngay cả khi nó không chủ ý mang tính khai thác, bởi vì tính chất cưỡng bức của nó: giống như sự hợp tác đối kháng mà nó phần nào tạo thành, nó là một mệnh lệnh điều khiển và tự điều khiển giữa những người trong các thứ bậc nhân viên và cao hơn.

Chúng ta có thể thấy sự đổi khác khi so sánh các thái độ đối với công việc văn phòng của phụ nữ mà hai tờ nhật báo của Chicago biểu thị. Một tờ, Tribune, ủng hộ các giá trị lâu đời là niềm hứng thú với công việc; tờ kia, Sun-Times, ngầm biện hộ cho các giá trị mới hơn của cá nhân hóa. Tribunequản lý một cột báo hằng ngày đều đặn gọi là “Nữ nhân viên văn phòng”, rao giảng các ưu điểm của tính hiệu quả và lòng trung thành. Giọng điệu của nó gợi ý rằng nó được viết cho nữ nhân viên văn phòng, những người muốn một phản ứng gia trưởng từ ông chủ có phần xa cách mà không mong gì thêm nữa. Nó nhắm vào những độc giả nhìn chung chấp nhận mô thức nội tại định hướng cổ điển trong quản trị văn phòng – dù như vậy họ cũng sẽ không phản đối nếu ông chủ cá nhân hóa chút nữa, trong khi vẫn dứt khoát là ông chủ.

Tờ Sun-Times nói với một nhóm được cho là có phần phóng khoáng và tiến bộ hơn, trong cùng giai tầng nghề nghiệp nhưng được phân loại chung là “cô gái lo sự nghiệp”. Cô gái lo sự nghiệp hơn lập gia đình được kêu gọi không phải trong một cột báo tập trung vào quan hệ nhân viên mà trong đủ loại cột, nhấn mạnh sự nghiệp, tự thăng tiến thành đạt bằng hình ảnh những phụ nữ lộng lẫy, các bài viết tâm lý học về những mối quan hệ văn phòng. Các bài báo này phóng chiếu ý nghĩa của một mảng kinh tế quản lý nhân sự trong đó hầu hết các giám đốc điều hành là người kiểu ngoại tại định hướng đầy tinh thần trách nhiệm và, dù đó là bà giám đốc điều hành hay ông giám đốc điều hành, đều quan tâm đến mấy cô nhân viên không chỉ như những “hỗ trợ”, mà đúng ra, như các cá nhân tỏa sức hấp dẫn.

Tờ Sun-Times tạo ra một mối nối về phong cách hòa hợp giữa lúc nhàn rỗi và khi làm việc sát sao hơn tờ Tribune. Nó truyền đạt ý niệm rằng ông chủ lúc nào cũng đang cá nhân hóa, cũng như ông ta biết rằng vấn đề – gần như duy nhất – cho nữ nhân viên văn phòng là xác định phong cách để phản ứng lại ông chủ và khiến ông ta nhiệt tình đáp lại. Tờ Tribune, ít quan tâm hơn nhiều cái chúng ta có thể gọi là công nghệ tâm trạng, mà duy trì sự tôn trọng dành cho các kỹ năng tốc ký và đánh máy chẳng có gì hấp dẫn.

Nơi nào có sự thờ ơ về chính trị thì chúng ta thấy có sự khuyến khích đối với sức hấp dẫn. Vì thế nơi nào có sự thờ ơ về công việc, thì cũng lại có sự khuyến khích đối với sức hấp dẫn, yếu tố ít phụ thuộc vào bản thân công việc hơn là vào người làm việc đó. Việc làm ít được ưa chuộng nhất trong tất cả là công việc trong một nhóm trực, vì nó làm giảm thiểu sức hấp dẫn, hay làm việc cho một bà chủ, vì nó ngăn chặn sức hấp dẫn. Có vẻ như phụ nữ thực sự muốn dồn hết các nguồn dự trữ cảm xúc vào hoàn cảnh văn phòng, hơn là gìn giữ các nguồn đó cho hoàn cảnh vui chơi. Từ điều này, chúng ta phải rút ra kết luận rằng cả công việc lẫn sự vui chơi của họ cũng đều không mang ý nghĩa tự thân.

Thực tế này đặt ông chủ vào tình thế phải thỏa mãn một yêu cầu cá nhân hóa gần như bất tận, phần nào dựa trên bản chất bất mãn trong đời sống của nữ nhân viên cổ cồn trắng bên ngoài văn phòng. Ở đó tư hữu hóa ép buộc thường thắng thế: bất chấp một môi trường thành thị, các nữ nhân viên văn phòng hiếm khi có các nguồn lực – giáo dục, tài chính, hay đơn giản chỉ là không gian – để làm phong phú các nhóm bạn bè và tiêu khiển của mình. Cố nắm lấy sức hấp dẫn, những phụ nữ này buộc phải tìm nó trong công việc, ở ông chủ và ở cấu trúc thượng tầng các cảm xúc mà họ dệt vào hoàn cảnh văn phòng. Ông giám đốc kiểu ngoại tại định hướng giúp khởi động dây chuyền cá nhân hóa này là bởi vì ông cũng coi thường kỹ năng vốn chẳng mấy dễ chịu cho mình khi ông phải cá nhân hóa, không chỉ như một chủ nhà băng bán tín phiếu, một chính khách bán tư tưởng, hay một nhà quản lý bán chương trình, mà còn đơn giản như một ông chủ hay khách hàng có các nữ nhân viên văn phòng bao quanh.

Hơn nữa, sự nhạy cảm mới mẻ này trước những người có địa vị thấp hơn làm cho mọi người khó gỡ mình khỏi các dây chuyền cá nhân hóa giả tạo bằng cách khoác lấy một mặt nạ công việc hoàn toàn xa lạ. Một số người kiểu nội tại định hướng có thể làm điều này: chỉ là họ không thấy người khác như mọi người, hay như những con người phức tạp và quá dị biệt hóa. Nhưng các giám đốc kiểu ngoại tại định hướng, các nhà chuyên môn, và nhân viên văn phòng lại không thể dễ dàng tách bạch tính thân thiện ép buộc trong công việc với sự thân thiện thật lòng thể hiện tự nhiên ngoài công việc.

CUỘC CHUYỆN TRÒ GIỮA CÁC TẦNG LỚP: MÔ HÌNH NHÀ MÁY

Nhân viên văn phòng bắt chước, thậm chí là biếm họa, phong cách của tầng lớp trung lưu lớp trên thuộc kiểu ngoại tại định hướng. Nhưng công nhân nhà máy ở Missouri thì trái lại: phải thuyết phục anh ta về các ưu điểm của bàn tay niềm nở. Và cho đến nay, anh ta vẫn chưa tin. Nhìn chung, vị giám đốc phải vật lộn để làm cho công nhân xưởng máy trong các nhà máy lớn đã có công đoàn đón lấy bàn tay niềm nở chìa ra, và chính sự kháng cự này đem lại cho ông ta một lịch trình gần như vô hạn, ngốn ngấu sức lực mà ông ta cống hiến cho công việc. Như chúng ta đã thấy từ trước, ông ta có thể tiếp tục thêm vô kể nhân lực vào nhóm quản lý – giám đốc đào tạo, nhà tư vấn và những người bồi đắp nhuệ khí khác – rồi ông ta còn có thể nhúng tay vào tổ chức nghiên cứu nhuệ khí để kiểm tra hiệu lực của những người này và biện pháp này.

Cũng như công nhân xưởng máy, hồi đi học anh ta xem thầy cô như ban quản lý, anh ta đình công, lãn công phản đối các nỗ lực thiện ý hay thiên vị giai cấp của họ, thì trong xưởng máy anh ta cũng không nắm lấy bàn tay niềm nở mà bộ phận nhân sự chìa ra. Quả thực, trong khi giám đốc tin rằng sản xuất cao chứng tỏ nhuệ khí cao, có thể điều ngược lại mới đúng: tinh thần cao có thể song tồn cùng sản xuất thấp nhờ việc làm câu giờ. Vì nếu công nhân cảm thấy thống nhất trong tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau – họ thường định nghĩa đấy là nhuệ khí cao – thì sẽ xuất hiện điều kiện thuận lợi cho các cuộc lãn công và trừng phạt có hệ thống những kẻ phá hạng.

Tuy vậy, có nhiều giám đốc không bằng lòng để ban lãnh đạo chóp bu và bộ phận nhân sự bảo với công nhân rằng họ có phần lợi trong sản lượng, rằng công việc của họ quan trọng và hấp dẫn – dù có đúng vậy hay không. Nhiều người thực tâm tìm cách tiến hành các kế hoạch đem lại cho công nhân một phần chia thực sự lớn hơn bằng cách sắp xếp lại quyền sở hữu, kế hoạch sản xuất và kiểm soát. Một mục tiêu của các đề xuất này là đưa sức sống cảm xúc, hay tinh thần vui chơi, vào xưởng máy. Cả hai kết quả, cùng với năng suất cao hơn, thường đều đạt được.

Nhưng sự hòa hợp cảm xúc giữa giám đốc và công nhân thường quan trọng đối với giám đốc hơn là đối với công nhân hay quá trình công việc, phần vì, như chúng ta đã thấy, giám đốc kiểu ngoại tại định hướng không chịu nổi thái độ thù địch và xung khắc; phần vì, như chúng ta cũng đã thấy, việc cố xóa tan thù địch và xung đột sẽ làm ông ta bận bịu; quan trọng hơn, có lẽ vì ý thức hệ Mỹ thời nay không thể quan niệm nổi khả năng tồn tại sự thù địch hay dửng dưng giữa các thành viên trong nhóm làm việc mà không ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất. Thành tựu hòa hợp đôi khi không trở thành một sản phẩm phụ của công việc dễ chịu và đầy ý nghĩa mà thành một điều kiện tiên quyết bắt buộc. Hệ quả trong một số trường hợp thậm chí có thể làm chậm trễ công việc vì mọi người đã được dẫn dắt để chờ thấy sự hòa hợp tâm trạng, và họ cần được thuyết phục đi thuyết phục lại liên tục rằng nó tồn tại.

Điều này không phủ nhận rằng rất nhiều việc có thể và cần làm để giảm tính đơn điệu của dây chuyền sản xuất cũng như cư xử thiếu tế nhị của các quản đốc. Khi các kỹ sư phụ trách vấn đề nhuệ khí có quyền thuyên chuyển nhân sự từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác và thay đổi các mô hình nhóm làm việc, họ đã làm được rất nhiều điều. Nhưng như tôi đã nói, thường thì chính các nhu cầu tâm lý của giám đốc mới là cái định đoạt tầm quan trọng và sự ưu tiên của việc tái tổ chức nhà máy.

Trong khi đó, có hai nhóm kiên trì chống sự gắn kết khăng khít hơn của công nhân vào nhóm làm việc; một là những người cô lập, trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, không chịu vào hùa với sự hòa hợp cảm xúc của công nhân xưởng máy, và hai là nhóm đông hơn nhiều những người làm câu giờ lại can dự vào hòa hợp cảm xúc quá sâu. Cả hai nhóm này tìm cách giữ lại tự do tâm tư tình cảm của mình trước các nỗ lực của nhà máy buộc họ trộn lẫn công việc với vui chơi. Người cô lập không muốn can dự vào cuộc hoạch định cảm xúc và động lực của các nhóm trong nhà máy. Người làm câu giờ thì chỉ đơn giản là phản kháng cái họ xem là sự bóc lột của chủ.

Hiển nhiên, với sự phản kháng như vậy thì phải mất một thời gian dài công nhân nhà máy mới có thể noi gương nhân viên văn phòng, và khi bắt chước ông chủ, họ gây sức ép buộc ông ta phải cá nhân hóa nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa. Nhưng có lẽ chúng ta thấy ở đây nguồn gốc cho sự đố kỵ của tầng lớp lao động mà nhiều người trung lưu cảm thấy: họ không chỉ đố kỵ gay gắt ra mặt đối với tự do lớn hơn của tầng lớp này mà còn đối với chính sự khước từ can dự vào hoàn cảnh công việc và khả năng kéo theo để dành các nguồn dự trữ cho vui chơi ngay cả ở nơi công việc đơn điệu, mệt nhọc thể xác, hay bị bóc lột.

HỘI NHỮNG NGƯỜI CẦN THIẾT

Phản ứng lại sự cá nhân hóa của lãnh đạo hay cố gắng đưa cuộc dẫn dắt tâm trạng vào khu vực sản xuất hàng hóa – chỉ riêng các mối bận tâm này không giải thích được việc ông giám đốc cứ loay hoay bận bịu. Ông ta bận bịu vì còn hơn cả bận: ông ta không thể thiếu được. Ông ta bám lấy ý niệm về sự khan hiếm được dựng lên rất công phu trong văn hóa chính thống của Mỹ gồm trường học, nhà thờ và chính trị. Ông ta cần chiến đấu với ý niệm rằng có thể bản thân ông không khan hiếm đến vậy – rằng có thiếu ông thì cũng không sao. Và ắt hẳn, trong thế giới hiện nay, nỗi sợ bị coi như người thừa, có thể hiểu được, thật đáng kinh hãi.

Thế nhưng người kiểu ngoại tại định hướng đã mua cảm nhận mình khan hiếm với cái giá là ông ta không thể thấy được công việc, và dưới nó là nhóm làm việc trong nhiều lĩnh vực sản xuất là không mấy cần thiết để giữ cho xã hội tiếp tục hoạt động.[298] Chính bản chất của cá nhân hóa giả tạo là để che đậy thực tế này. Và dĩ nhiên định nghĩa văn hóa về công việc cũng dự phần trong việc bồi đắp thêm ý niệm về sự không thể thiếu – ví dụ, bằng cách biến công việc ăn lương thành một biểu hiện lý tưởng cho sự nỗ lực của con người – và trong việc đem lại cho những người cần thiết những lợi lộc phụ, chẳng hạn như sự cảm thông từ vợ con, được giải thoát khỏi các đòi hỏi và khả năng nhàn rỗi.

III. Xã hội bị cá nhân hóa thái quá

Thế thì, một trong những khả năng mở ra các kênh cho tính độc lập là phi cá nhân hóa công việc, làm cho nó bớt nhọc nhằn về cảm xúc, và khuyến khích mọi người tự quyết định xem liệu họ muốn cá nhân hóa không, và cá nhân hóa đến chừng nào ở bên trong những điều không thể trốn tránh của lề lối công việc mà văn hóa đòi hỏi. Nhưng lẽ đương nhiên có các chướng ngại tâm lý chắn đường bất kỳ thay đổi định chế nào. Tính cách của người do ngoại tại định hướng được các định chế cùng thời khơi dậy, và rồi, khi trưởng thành, anh ta đòi hỏi các định chế phải khai thác tính cách mà sau rốt anh ta cũng đã cho là của mình. Do vậy, giả sử các định chế không còn sử dụng anh ta theo cách anh ta mong được sử dụng nữa, liệu anh ta có cảm thấy cõi lòng trống rỗng?

Percival và Paul Goodman đã tự hỏi chính câu này trong Communitas (Cộng đồng), cuốn sách chứa đựng một trong những bàn luận giàu trí tưởng tượng nhất về công việc và vui chơi so với bất kỳ trước tác hiện đại nào.[299] Họ mô tả một xứ sở không tưởng ở đó người dân có thể kiếm sống bằng nỗ lực tối thiểu, và rồi phải đối mặt vấn đề thực sự choáng váng là làm sao để qua hết ngày:

Bỗng đâu người Mỹ thấy mình được giải thoát khỏi nhu cầu vật chất và áp lực xã hội mà riêng mình nó, có lẽ, đã đẩy họ tới những thỏa mãn thường lệ: có thể họ chợt nhận ra các thú vui thương mại là nhạt nhẽo và vô vị, nhưng không vì thế mà họ bỗng nhiên tìm thấy nguồn lực nào bên trong mình.

Như cô học trò trong trường học tân tiến đó, khao khát có sự an toàn khi người lớn quyết định thay cho mình, hỏi: “Thưa thầy, hôm nay bọn em có phải làm lại cái bọn em muốn làm không?”

Có hai cách chính để giảm bớt các đòi hỏi công việc, một là qua tự động hóa nhằm giải phóng hoàn toàn sự chú ý của nhiều người trong chúng ta khỏi các quá trình sản xuất, hai là qua tận dụng những tiềm năng phi cá nhân trong các quá trình sản xuất và phân phối của chúng ta. Cả hai sự phát triển này đều bị phản kháng mạnh mẽ, không chỉ bởi những người trông máy thỉnh thoảng thấy công việc nhàm chán, nhưng đỡ chán hơn các việc thay thế; thực ra, tôi tin chúng ta sẽ đi xa hơn nữa trên con đường dẫn đến nhà máy tự động trăm phần trăm nếu ban quản lý không ôm những nỗi sợ còn sót lại có thể hiểu được – rằng không có việc làm thì chúng ta sẽ không còn tồn tại nữa.

Sự ngụy biện này tiêu biểu cho các đề xuất đưa niềm vui và ý nghĩa vào hệ thống công nghiệp hiện đại, vốn bắt nguồn từ các trường phái của De Man, Mayo và nhiều tác giả khác gần đây. Những tác giả này, giống như một số người ủng hộ chủ nghĩa công đoàn và người đặt lòng tin vào hợp tác xã, muốn khôi phục các mối quan hệ cá nhân trong công việc điển hình cho một xã hội phụ thuộc vào kiểu truyền thống định hướng cũng như cho các giai đoạn nội tại định hướng trước đây. Trong một ý kiến sai lầm về sự tham gia nhầm chỗ, họ muốn cá nhân hóa, cảm xúc hóa, đạo đức hóa xưởng máy và giới văn phòng ở mọi khâu. Ít nhất ở Mỹ họ đã phạm sai lầm khi xem nền văn minh của chúng ta như một xã hội phi cá nhân và than van về điều đó. Về lâu dài, tôi nghĩ sự hợp tác sẽ có nghĩa lý hơn, chứ không cưỡng lại tính phi cá nhân trong công nghiệp hiện đại: tăng tự động hóa trong công việc – nhưng là để có vui chơi và tiêu thụ chứ không phải cho chính công việc.

Đối với nhiều nhân viên văn phòng, như chúng ta đã thấy, cá nhân hóa giả tạo là kiểu cá nhân hóa duy nhất mà họ gặp. Đối với nhiều công nhân xưởng máy thì làm câu giờ là sự hòa hợp duy nhất họ có được. Công việc, khi nó có các nghĩa phụ này đối với mọi người, vẫn còn thực hữu, quan trọng, và thu hút. Đây là một cám dỗ mà trong cuộc chiến tranh vừa qua đã lôi kéo nhiều phụ nữ giai tầng trung lưu và trung lưu lớp dưới vào các xưởng máy, giữ chân họ lại bất chấp điều kiện làm việc kém, phương tiện đi lại bất tiện, và áp lực từ các ông chồng. Thoát ly đời sống gia đình tư hữu hóa cực đoan, họ sẵn sàng, thậm chí còn háo hức, chấp nhận những việc làm có vẻ đơn điệu nhất. Do vậy, bất kỳ nỗ lực nào tiếp tục tự động hóa công việc cũng phải tính đến không chỉ tình trạng thất nghiệp tạm thời do công nghệ gây ra, mà còn cả hoàn cảnh của những người bị tư hữu hóa thái quá vẫn đang chịu các rào cản còn sót lại là gia đình, nghèo đói, hệ thống thang bậc mà chúng ta đã kế thừa từ giai đoạn phụ thuộc vào kiểu nội tại định hướng. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể nghĩ đến những điều tốt đẹp cho họ hơn là xưởng máy như một nơi ẩn náu khỏi gia đình, cũng như nghĩ ra cách hay hơn đem lại cho người bần cùng sự an toàn và chăm sóc y tế tốt hơn là nhốt họ vào tù hay bệnh viện tâm thần.

MÁY BÁN HÀNG TỰ ĐỘNG ĐẤU VỚI BÀN TAY NIỀM NỞ

Trong bối cảnh những giải thích về xã hội và kinh tế của chúng ta hiện nay, tôi thấy không thể quả quyết được sự cá nhân hóa cần thiết kết thúc ở đâu và sự cá nhân hóa không cần thiết khởi đầu ở đâu. Tôi cũng không có các chỉ số để tách bạch nỗ lực sản xuất sinh lợi với việc làm cho hết ngày. Tôi chịu không nói được, chẳng hạn, tiến trình lề rề đi tới tự động hóa trong các ngành nghề khu vực thứ ba bao nhiêu phần là do công xá thấp, lôi kéo các bà thợ giặt ủi da đen vào một cuộc chạy đua cơ bắp với sức máy đang tồn tại, bao nhiêu phần là do không chế ra được máy móc cần thiết, bao nhiêu phần là do nhu cầu người tiêu dùng mua sự cá nhân hóa đi kèm một sản phẩm, và bao nhiêu phần là do nhu cầu cá nhân hóa của chính lực lượng lao động, vì các lý do đã nêu, cho dù người tiêu thụ có yêu cầu hay không.

Cũng khó đánh giá nhu cầu của người tiêu thụ về sự quan tâm cá nhân sẽ xung đột không tránh khỏi đến mức nào với quyền của nhà sản xuất thoát khỏi sự cá nhân hóa không cần thiết. Ngành bán lẻ đưa ra một vấn đề nan giải trong mối quan hệ này. Sự tăng trưởng người tiêu dùng và thị trường xa xỉ ở Hoa Kỳ, cộng với sự lớn mạnh của kiểu ngoại tại định hướng, làm cho công việc của người bán hàng khó khăn hơn so với năm 1900. Hồi ấy, ví dụ, cô bán hàng trong cửa hàng Đại lộ 5 bán kho hàng có hạn của mình cho giới khách hàng thượng lưu theo nhịp độ chậm chạp tương đối mà chính ngành đó ấn định cho mình. Đúng vậy, mua sắm là một thú tiêu khiển ngay cả từ thời đó. Nhưng khách hàng không vội, mà cô, trong phạm vi phong cách dựa trên tầng lớp của cô, cũng không quá băn khoăn về lựa chọn của mình. Hơn nữa, cô bán hàng chỉ phục vụ một ít khách, có thể nhớ các yêu cầu của họ, và do vậy đó là một sự hỗ trợ nhất định mỗi khi được yêu cầu. Ngày nay cô bán hàng trong cửa hàng bách hóa, một nhân vật điển hình trong dây chuyền phân phối cá nhân hóa, đứng trước một lượng khách hàng khổng lồ, bồn chồn trong chuyển động, và phân vân trong sở thích. Cô ta được yêu cầu mau chóng đáp lại một loạt nhu cầu mơ hồ của họ.

Các quan sát này gợi ý rằng phần nhiều tính chất bi thương trong giai đoạn công nghiệp hiện nay của chúng ta nằm ở thực tế là chúng ta có nhu cầu mở rộng nhanh chóng các ngành nghề khu vực thứ ba phục vụ cho sự nhàn rỗi, trong khi đây chính là các ngành mà ngày nay có lẽ kết hợp sự khó khăn nhất và tẻ nhạt nhất của công việc chân tay với các nhu cầu cảm xúc khắt khe nhất – thực tế này rất phổ biến, chẳng hạn trong cửa hàng bách hóa. Vấn đề tự động hóa ở đâu thường được các nhà kinh tế nhìn nhận như một vấn đề trong đầu tư và tái đầu tư, cũng như trong sự biến động của lực lượng lao động. Thế nhưng có lẽ một ngân sách quốc gia về tư liệu sản xuất nên bao gồm trong các dự đoán của nó một giả định về mức độ cá nhân hóa giả tạo mà nó có thể khơi lên hay loại trừ.

Điều chúng ta thực sự cần là kiểu kỹ sư mới có nhiệm vụ loại bỏ các rủi ro tinh thần bắt nguồn từ sự cá nhân hóa giả tạo, như các kỹ sư an toàn ngày nay loại bỏ các rủi ro gây nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, một kỹ sư như vậy có thể tìm cách làm cho cây bơm xăng trở nên cũng tự động như máy đánh bạc và biến các tiệm sửa chữa ô tô thành một hình thức cận tự động như một số ga ra tối tân nhất ngày nay. Trong các xưởng máy và văn phòng, có thể nỗ lực bằng kỹ thuật thiết kế cẩn thận, để loại trừ các điều kiện và địa điểm làm việc o ép cảm xúc – trong khi đó bảo đảm có sẵn những việc làm khác cho những ai bị tự động hóa thay thế. Sẽ cần đôi chút óc tưởng tượng và kỹ năng để xây dựng các chỉ số cân đo mức độ cá nhân hóa giả tạo mà một công việc nhất định đòi hỏi trong điều kiện bình thường, và để ấn định mức trần không được phép đi quá cho sự cá nhân hóa giả tạo đó.

Sẽ thú vị khi từ quan điểm này xem lại xu hướng hiện nay ở Mỹ là dẹp bỏ các văn phòng riêng và để mọi người làm việc một cách dân chủ trong một phòng duy nhất sáng sủa, chỉ có một lối vào. Tôi đoán là, với nhiều người, đòi hỏi hai mặt là phải quảng giao và phải hoàn thành công việc sẽ có chính các hệ quả như ở trường phổ thông và đại học, nó dẫn đến việc chỉ trích những người thích công việc của mình ra mặt, và nỗi lo âu về phía những người không thể đồng thời vừa hướng mình theo nhiệm vụ trước mặt vừa để ý mạng lưới những người theo dõi. Với số khác, sự lo âu về công việc tách biệt hẳn phải vơi bớt, và họ có được một lợi nhuận ròng về sự thân thiện.

Trong các ngành phân phối, người bán hàng đâu đâu cũng đụng phải khách hàng, nên không thể có được giải pháp qua những văn phòng riêng, mà chỉ có thể là qua tự động hóa thêm nữa. Bellamy đã rất sáng suốt nhìn ra một số khả năng, và trong cuốn Looking Backward (Nhìn về phía sau), ông làm cho sinh hoạt mua sắm của người tiêu dùng có dạng đặt hàng “không chạm tay người” từ các trung tâm buôn bán, giống hệt như các kho hàng tại chỗ mà ngày nay người ta có thể đặt hàng với Sears hay Montgomery Ward.[300] Rõ ràng, nếu có thể làm cho hầu hết thương nghiệp tự động, cả người tiêu thụ lẫn người bán hàng sẽ được đỡ đi rất nhiều di chuyển và cảm xúc. Siêu thị, quán ăn tự động, cửa hiệu bán hàng qua bưu điện, mọi thứ phụ thuộc vào phần trình bày và quảng cáo chính xác, đầy màu sắc, đều là những sáng chế kỹ thuật nới rộng thêm các ngóc ngách trong hệ thống phân phối, nơi tính độc lập có thể nảy nở.

Bellamy còn gợi ý cách giảm nhẹ đôi chút tội lỗi mà nhiều người chúng ta cảm thấy khi sống một cuộc sống tương đối an nhàn trong lúc người khác tham gia vào số cực tiểu những việc làm khó nhọc và khó chịu – một tội lỗi chắc chắn lan rộng hơn nhiều ở giai đoạn ngoại tại định hướng, và nó có lẽ trầm trọng chứ không phải vô sự với tính độc lập đang tăng lên. Kế hoạch của ông, đòi hỏi tất cả thanh niên phục vụ ba năm trong “đội quân công nghiệp”, được thiết kế để tạo thuận lợi cho tổ chức công nghiệp quốc dân và để hướng dẫn lớp trẻ trong những lựa chọn nghề nghiệp cuối cùng của họ. Khi CCC cho chúng ta cái gì đó kiểu như vậy, thì như rất nhiều thứ tốt đẹp chúng ta làm, chỉ là để cứu trợ; người khá giả bị loại trừ. Một sự kết hợp đội quân của Bellamy và CCC có lẽ sẽ phục vụ tất cả chúng ta như một sự giảm tội sơ khởi cho công việc “không sinh lợi” về sau, trong khi chờ đến lúc có các định nghĩa mới của chúng ta về hiệu suất. Một khi người ta đã làm xong phần việc gian nan ở cuối những năm mới lớn tràn trề sinh lực, đối với một số người có chủ nghĩa lý tưởng mạnh mẽ, họ có thể cảm thấy được quyền được hưởng cuộc sống nhàn nhã.[301] Đương nhiên, nhiều cựu chiến binh, khi đang học hành hay thích thú lang thang và phục tùng Dự luật Quân nhân – giai đoạn này hết sức quan trọng – sẽ cảm thấy có lỗi khi xé một tờ séc từ Chú Sam[302] khi mà họ không trải qua chuyện phần của mình bị tước đoạt.

Đây là những gợi ý cho các giải pháp xã hội: nhưng chúng ta không cần chờ chực chúng. Những ai tìm sự độc lập có thể chỉ cần từ chối xem các định nghĩa văn hóa về cái cấu thành công việc là đương nhiên – một kiểu đình công, không phải phản đối công việc theo nghĩa thông thường mà phản đối sự đòi hỏi mọi sức mạnh cảm xúc có thể tuyển dụng phải được một dây chuyền hỗ tương bất tận đưa vào sử dụng trong công việc.

Thoreau[303] là một nhà khảo sát xuất sắc; ông chọn nghề này – một kỹ năng chuyên môn tuyệt hảo gần như đã không còn – như một nghề được trả lương khá sẽ cho ông sinh kế nếu ông làm một ngày mỗi tuần. William Carlos Williams[304]là một bác sĩ đa khoa nổi tiếng ở Rutherford, New Jersey. Charles Ives[305] “làm việc” bằng cách đứng đầu một đại lý bán được nửa tỉ đô la bảo hiểm, và ông “vui chơi” bằng cách soạn một số bản nhạc đáng chú ý, dù ít được công nhận là đã sáng tác trên đất nước này. Ives chẳng hề cảm thấy tội lỗi về tiền ông làm ra hay về chuyện ông sống một đời sống Mỹ “bình thường”, đúng hơn là một đời sống kiểu Bohemia. Thế nhưng nhiều người không sẵn sàng làm điều mà những nhân vật nói trên làm, hay điều mà Charles Lamb, Hawthorne[306]và nhiều người khác làm vào thế kỷ 19: biện hộ cho công việc của mình chủ yếu bằng tiền công, nhất là nếu công việc ít giờ và nhiều lương. Thay vì thế, như chúng ta đã thấy, người ta cố gắng bằng cách cá nhân hóa giả dối, bằng sự dẫn dắt tâm trạng, bằng các quan niệm về địa vị không thể thiếu được, bằng vô số các nghi thức và lịch trình tương tự, choán hết khoảng trống mà năng suất cao tạo ra. Thế nhưng công việc đích thực của mọi người – lĩnh vực mà trên cơ sở tính cách và năng khiếu của họ, họ muốn được dồn mọi sức mạnh cảm xúc và sáng tạo vào đó – giờ đây không thể hình dung được là sẽ trùng khớp, có lẽ trong đa số trường hợp, với công việc họ được trả lương để làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.