Đám Đông Cô Đơn

CHƯƠNG XVI: Độc lập và không tưởng



Đôi khi, thời gian, các biến cố hoặc nỗ lực cá nhân và đơn độc của trí tuệ con người cuối cùng cũng làm lung lay hoặc dần dần thủ tiêu được một niềm tin, mặc dù bên ngoài vẫn không thấy có biểu hiện gì cả. Người ta không chống lại niềm tin đó một cách công khai. Người ta không tổ chức hội nghị để khai chiến chống lại niềm tin đó. Các thành viên giáo phái đó lần lượt từng người chuồn nhẹ đi; nhưng ngày nào cũng có người bỏ đi, cho tới khi niềm tin đó chỉ còn một số ít người theo. Đến trạng thái đó rồi, song nó vẫn còn ngự trị đấy. Do chỗ các kẻ thù của nó vẫn tiếp tục im tiếng hoặc chỉ lén lút trao đổi tư tưởng với nhau thôi, chính các kẻ thù của niềm tin đó cũng không tin chắc là mình đã thực hiện được một cuộc đại cách mạng, và vì vẫn còn hoài nghi nên họ còn bất động. Họ im lặng quan sát mọi chuyện. Đa số con người không còn cái niềm tin xưa nữa; nhưng họ vẫn tỏ ra như thể là đang còn tin, và thế là chỉ riêng cái bóng ma công luận vô tích sự kia cũng đủ để làm đóng băng mọi nhà cách tân và giữ họ phải lặng im tuân phục.

Tocqueville, Nền dân trị Mỹ[326]

Trong những chương sau cùng này tôi đã nêu lên một số suy nghĩ về đời sống làm việc và vui chơi của tầng lớp trung lưu, hy vọng tìm thấy những cách mà theo đó một kiểu tính cách xã hội độc lập hơn có thể phát triển. Tôi không thể thấy hài lòng là mình đã đi được xa theo các lối này. Cân nhắc xem làm cách nào chúng ta có thể dỡ bỏ các rào cản cá nhân hóa giả tạo và tư hữu hóa ép buộc là đã đủ khó khăn rồi. Khó hơn rất nhiều lần là việc chỉ ra được, sau khi đã vượt qua các rào cản này rồi, cái gì ở con người có thể dẫn dắt anh ta đi đến khả năng độc lập, hay phát minh và sáng tạo ra các phương tiện sẽ giúp anh ta đi đến độc lập. Rốt cuộc, ít ỏi gợi ý của chúng tôi là không đáng kể, và chúng tôi chỉ có thể đúc kết cuộc thảo luận của chúng ta bằng cách nói rằng cần phải có một dòng suy nghĩ sáng tạo, không tưởng lớn lao gấp bội, rồi chúng ta mới có thể thấy rõ ràng hơn mục tiêu mà chúng tôi gợi ý lờ mờ bằng từ “độc lập”.

Độc giả nào còn nhớ chúng ta đã khởi đầu bằng các phong trào tăng dân số cùng với cải cách kinh tế và công nghệ rộng lớn, mù quáng ra sao thì có thể hỏi liệu chúng ta có thật lòng chờ thấy lối suy nghĩ không tưởng – bất luận đầy cảm hứng thế nào – đi ngược lại mọi số phận mà các phong trào này dành sẵn cho con người hay không. Thực ra, tôi tin rằng chỉ một số ý tưởng là sẽ được sinh ra và trụ vững, trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế xã hội nào. Còn tính cách, cùng tất cả những bất trị và khuynh hướng tự tái sinh của nó, phần lớn sẽ quy định cách thức các tư tưởng được đón nhận. Nhưng bất chấp hàng loạt chướng ngại ngăn trở sự thay đổi vốn cố hữu trong cấu trúc xã hội và cấu trúc tính cách, tôi vẫn tin rằng tư tưởng có thể có một đóng góp quyết định trong lịch sử. Marx, tuy bản thân đã phủ nhận rằng tư tưởng vô cùng quan trọng và bác bỏ các suy đoán không tưởng của các nhà chủ nghĩa xã hội đi trước, song chính ông cũng đưa ra một ví dụ không thể bác bỏ được về quyền năng của tư tưởng trong lịch sử. Như tất cả chúng ta đều biết, ông không cho rằng giai cấp công nhân chỉ cần được giải phóng duy bởi các sự kiện mà thôi. Trong vai trò khác là nhà tuyên truyền, bản thân ông cũng đã cố gắng định hình môi trường ý thức hệ và định chế mà trong đó công nhân sẽ sống.

Tôi nghĩ ngày nay chúng ta cần cương quyết làm sao để mọi người nhận thức được kiểu loại môi trường hay điều kiện mà Marx bác bỏ bởi cho là không tưởng, trái ngược với lối tiếp cận thụ động và máy móc các triển vọng cho môi trường của con người mà ông đã góp phần cổ vũ trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của mình. Song, vì chúng ta sống trong một thời vỡ mộng, nên suy nghĩ như vậy, tuy hợp lý về mục đích và phương pháp mà không đơn giản chỉ là thoát ly, lại không dễ dàng. Sẽ dễ hơn nếu ta tập trung vào các chương trình hầu chọn lựa những gì đỡ tệ hại hơn trong số những cái tệ hại. Chúng ta biết rõ về “tính vô sở cầu chết tiệt của người nghèo”; cả người giàu nữa, như tôi đã cố cho thấy trong cuốn sách này, cũng đã kiềm chế các yêu sách đòi một thế giới đàng hoàng. Cả người giàu lẫn người nghèo đều tránh bất kỳ mục tiêu nào, cá nhân hay xã hội, có vẻ lạc nhịp với những ước muốn của nhóm ngang hàng. Người dự đoán nội tình hoạt động chính trị chẳng mấy khi gắn bó tận tụy với các mục tiêu xa hơn các mục tiêu mà lẽ thường đề ra cho anh ta. Tuy nhiên, thực ra trong một bối cảnh chính trị năng động, chính các mục tiêu bình thường nhất, hợp tình hợp lý nhất của người trong cuộc và các nhà phê bình “có tính xây dựng” mới là cái không thể đạt được. Thường thì, hình như sự duy trì một hiện trạng nhất định là một niềm mong mỏi chừng mực; nhiều luật sư, nhà khoa học chính trị và kinh tế gia bận bịu gợi ý những thay đổi tối thiểu cần thiết để đứng yên; thế nhưng ngày nay hy vọng này gần như bao giờ cũng gây thất vọng; hiện trạng tỏ ra là mục tiêu ảo tưởng nhất trong các mục tiêu.

Có thể hình dung được chăng, rằng những người Mỹ có đặc quyền kinh tế này một ngày kia sẽ chợt nhận ra thực tế là họ tuân thủ quá mức? Chợt ngộ ra rằng một loạt nghi thức hành vi là kết quả không phải của một mệnh lệnh xã hội không thể tránh mà là của một hình ảnh về xã hội mà dù sai lạc, cũng đem lại một số lợi ích thứ yếu cho những ai tin vào nó? Bởi vì cấu trúc tính cách, nếu có thể nói như vậy, còn ăn sâu hơn cả cấu trúc xã hội, nên một sự thức tỉnh như vậy là vô cùng bất khả – và chúng ta biết rằng nhiều nhà tư tưởng trước chúng ta đã thấy những tia bình minh tự do hư ảo trong khi đồng bào họ lại cứ ngoan cố nhắm mắt làm ngơ trước các giải pháp thay thế mà, trên nguyên tắc, có thực và khả thi. Nhưng đặt ra câu hỏi này không chừng ít nhất cũng làm dấy lên hoang mang trong tâm trí một số người.

Thỉnh thoảng các nhà quy hoạch đô thị đặt ra những câu hỏi như vậy. Họ có lẽ bao gồm nhóm chuyên nghiệp quan trọng nhất để rồi trở nên chán chường một cách có lý các định nghĩa văn hóa mà người ta trưng ra có hệ thống hầu biện bạch cho những bất cập của đời sống thành thị ngày nay, đối với người khá giả cũng như người nghèo. Cùng với trí tưởng tượng và lối tiếp cận phong phú của mình họ đã trở thành, trong chừng mực nào đó, những người gìn giữ truyền thống chính trị tiến bộ và tự do của chúng ta, vì truyền thống này đang ngày càng bị thay thế trong chính trị từ tiểu bang cho đến quốc gia. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của họ, chúng ta thấy được sự biểu đạt trong hình thức hữu hình một nhân sinh quan không thiên về công việc theo cách thiển cận. Đó là cái nhìn về thành phố như một bối cảnh cho sự nhàn rỗi và tình bằng hữu cũng như cho công việc. Nhưng hiện nay quyền lực của các nhóm phủ quyết địa phương khiến cho ngay cả những nhà quy hoạch đô thị giàu trí tưởng tượng nhất cũng bị đặt dưới áp lực lớn phải chứng tỏ họ là những kẻ thực tế, ương ngạnh, chỉ chút ít nào đấy là phân biệt được với mấy gã kỹ sư cầu đường mà thôi.

Tuy vậy, theo tôi nghĩ, cũng như có nhiều kiểu thái độ đối với sự nhàn rỗi ở người Mỹ ngày nay hơn là ta có thể trông thấy ở bề ngoài, các nguồn cho tư tưởng chính trị không tưởng cũng có thể ẩn kín và liên tục thay đổi, liên tục ngụy trang. Trong khi những năm gần đây, phần lớn sự tò mò và quan tâm chính trị đã bị đẩy khỏi lĩnh vực được công nhận là mang tính chính trị bởi sự chú tâm của báo chí và các lĩnh vực có trách nhiệm hơn của đời sống cộng đồng vào cuộc khủng hoảng, thì người dân, trong những thứ còn lại từ đời sống riêng của họ, có thể ấp ủ các chuẩn mực phê bình và sáng tạo mới. Nếu những người này không bị trói tay trói chân trước khi họ chuẩn bị xuất phát – bởi việc dựng lên một hệ học thuyết chính thức và ép họ phải nuốt – có thể một ngày nào đó người ta sẽ học cách không chỉ mua những gói hàng tạp hóa hay sách vở mà còn mua cả gói lớn hơn – “mua” cả một xóm giềng, một xã hội, một lối sống.

Nếu như người kiểu ngoại tại định hướng nhận ra được công việc họ làm vô bổ biết chừng nào, khám phá ra rằng ý nghĩ của chính họ và cuộc đời của chính họ cũng hoàn toàn thú vị như của người khác, rằng thực ra, họ không thể khuây nguôi nỗi cô đơn của mình giữa một đám đông ngang hàng cũng như ai đó chẳng thể làm dịu cơn khát bằng cách uống nước biển, bấy giờ chúng ta có thể mong đợi họ để tâm hơn đến những cảm nghĩ và khát vọng của chính mình.

Triển vọng này nghe có thể xa vời, và có lẽ đúng là vậy. Nhưng không thể phủ nhận là nhiều trào lưu thay đổi ở Mỹ đã không được các nhà tường thuật về quốc gia được tường thuật nhiều nhất thế giới này nhận ra. Chúng ta có những chỉ số rất ư bất cập về các thứ chúng ta muốn tìm hiểu, nhất là về những thứ phi vật thể như tính cách, phong cách chính trị, những cách sử dụng sự nhàn rỗi. Nước Mỹ không chỉ rộng lớn và giàu có, nước Mỹ còn bí ẩn; và khả năng của nước Mỹ ở việc che giấu một cách hài hước hay mỉa mai những mối quan tâm của mình có thể so sánh với chuyện tương tự của người Trung Hoa kỳ bí và huyền thoại. Giống như vậy, cái mà các cộng sự và tôi phải nói có thể cách xa khỏi đích. Điều không thể tránh khỏi là, tính cách của chúng ta, địa lý của chúng ta, những ảo tưởng của chúng ta, làm hạn hẹp tầm nhìn của chúng ta.

Nhưng, mặc dù tôi đã nói nhiều điều trong cuốn sách này mà không dám chắc, thì có một điều tôi tin chắc: những khả năng tiềm tàng vô cùng to lớn cho sự đa dạng nằm ở sự giàu có của thiên nhiên và ở khả năng dị biệt hóa kinh nghiệm của con người rồi sẽ có thể được chính cá nhân coi trọng, để anh ta không bị cám dỗ và ép buộc phải thích nghi hay, nếu không thích nghi được, phải trở thành lệch lạc. Tư tưởng con người sinh ra tự do và bình đẳng là vừa đúng và vừa sai: con người sinh ra đã khác nhau; họ đánh mất tự do xã hội và độc lập cá nhân của mình trong khi tìm cách trở thành giống nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.