Thiên Nga Đen

Chương 2: Yevgenia Và Thiên Nga Đen



MẮT KÍNH HỒNG VÀ THÀNH CÔNG ■ VÌ SAO YEVGENIA KHÔNG KẾT HÔN VỚI CÁC TRIẾT GIA NỮA ■ TÔI ĐÃ NÓI VỚI BẠN NHƯ THẾ

Năm năm trước, Yevgenia Nikolayevna Krasnova vẫn còn là một tiểu thuyết gia vô danh và chưa có tác phẩm nào được xuất bản với lai lịch khác thường. Cô ta từng là một nhà khoa học về thần kinh, yêu thích triết học (ba người chồng đầu tiên của cô ta đều là triết gia) và đã đưa triết học vào cái đầu bướng bỉnh mang hai dòng máu Pháp-Nga của mình nhằm diễn đạt những ý tưởng và công trình nghiên cứu theo lối văn chương. Cô ta biến những lý thuyết của mình thành truyện kể và pha trộn chúng với chất văn bình luận tự truyện. Cô tránh phong cách loanh quanh báo chí của các tác phẩm phi tiểu thuyết đương thời (kiểu như “Vào buổi sáng tháng Tư trong vắt, John Smith rời khỏi nhà…”) Các đoạn đối thoại bằng tiếng nước ngoài luôn được giữ nguyên ngôn ngữ gốc và chèn thêm phần dịch vào giống như phụ đề phim. Cô từ chối lồng thứ tiếng Anh xấu vào các đoạn hội thoại tiếng Ý xấu. 11

Không nhà xuất bản nào chịu dành thời gian cho cô, ngoại trừ một số nơi người ta tỏ ra thích thú với các nhà khoa học hiếm hoi có khả năng biểu lộ bản thân qua những câu văn đọc mãi mới hiểu. Một vài nhà xuất bản đồng ý nói chuyện với cô; họ hy vọng cô sẽ trưởng thành và viết nên một “một tác phẩm khoa học về ý thức được mọi người đón nhận”. Cô ta được quan tâm ở mức độ đủ để nhận được những lá thư từ chối kèm theo vài lời bình luận xấc xược thay cho sự lặng im đầy sỉ nhục khiến con người ta cảm thấy phẩm giá mình bị hạ thấp.

Các nhà xuất bản lúng túng khi đứng trước bản thảo của cô. Thậm chí, cô không thể trả lời được câu hỏi đầu tiên của họ “Đây là tác phẩm tiểu thuyết hay phi tiểu thuyết?” và cả câu hỏi “Cuốn sách này được viết cho ai?” trong mẫu giới thiệu sách của nhà xuất bản. Người ta nói rằng “Cô cần phải biết độc giả của mình là ai” và “kẻ nghiệp dư viết vì bản thân, còn người chuyên nghiệp viết vì người khác”. Cô ta còn được yêu cầu phải tuân theo một thể loại nhất định bởi “nhà sách không muốn bị lúng túng và cần biết phải đặt cuốn sách vào vị trí nào trên kệ”. Một biên tập viên tiếp lời: “Bạn thân mến của tôi ơi, cuốn sách này sẽ chỉ bán được cho khoảng 10 người, trong đó có những người chồng cũ và thành viên trong gia đình cô mà thôi”.

Năm năm trước nữa, cô ta tham dự một buổi hội thảo khá nổi tiếng chuyên đề viết lách và bỏ ngang chạy ra ngoài trong trạng thái như thể có cái gì đó làm cô thấy buồn nôn”. “Viết tốt” dường như có nghĩa là tuân thủ những quy tắc mà một số cá nhân nào đó nghĩ ra và phát triển thành nguyên tắc chủ đạo, với sự củng cố có tính xác thực về cái mà chúng ta gọi là “kinh nghiệm”. Những nhà văn mà cô gặp đang học cách thêm thắt chi tiết mới cho các tác phẩm mà người ta gọi là thành công: tất cả đều cố gắng phỏng theo các mẩu chuyện được đăng trên vài số báo The New Yorker gần đây – mà không nhận ra rằng những thứ được gọi là mới mẻ, ngay từ định nghĩa của từ này, không thể là việc sao chép những cái đã có sẵn trên các số báo The New Yorker mới đây. Thậm chí, Yevgenia cho rằng ý tưởng “truyện ngắn” cũng là một khái niệm ăn theo. Người hướng dẫn trong hội thảo này, lịch thiệp nhưng rất cương quyết, nói rằng trường hợp của cô “hoàn toàn vô phương cứu chữa”.

Sau cùng, Yevgenia đành phải đưa toàn bộ bản thảo cuốn Câu chuyện về sự đệ quy (Story of Recursion) lên web. Và cuốn sách cũng tìm được độc giả cho mình, dù ít, trong đó có ông chủ sắc sảo của một nhà xuất bản nhỏ vô danh, người đeo kính gọng màu hồng và nói thứ tiếng Nga nguyên thủy (cứ cho là ông ta nói lưu loát). Ông ta đề nghị xuất bản cuốn sách và chấp nhận điều kiện của cô ta là không biên tập bất kỳ câu chữ nào trong tác phẩm. Đổi lại, ông chỉ trả cho cô một số tiền nhỏ so với mức tiền bản quyền chuẩn – ông ta hầu như chẳng mất gì. Và cô đã đồng ý vì không còn lựa chọn nào khác.

Phải mất năm năm, Yevgenia mới thay đổi cách nhìn của người khác về mình từ “quá ích kỷ và vô phương cứu chữa, cứng đầu và khó đối phó” thành “kiên nhẫn, cương quyết, chịu khó và độc lập một cách mạnh mẽ”. Dần dần, cuốn sách của cô bắt đầu nổi tiếng, trở thành một trong những thành công vĩ đại và lạ lùng nhất trong lịch sử văn học, hàng triệu bản được bán và nhận được cái gọi là sự tán dương của giới phê bình. Nhà xuất bản mới nổi ngày nào nay đã trở thành một tập đoàn lớn, có hẳn tiếp tân (lịch sự) chào đón quan khách tại văn phòng chính. Cuốn sách của cô được dịch ra 40 thứ tiếng (có cả tiếng Pháp). Chân dung cô xuất hiện khắp nơi. Người ta nói cô là nhân vật tiên phong cho cái gọi là Trường phái Trùng hợp (Consilient School). Các nhà xuất bản thì tìm ra được một nguyên lý: “tài xế xe tải nào đọc sách thì sẽ không đời nào đọc loại sách dành riêng cho giới tài xế xe tải” và khẳng định rằng “người đọc coi rẻ những nhà văn nào chỉ chăm chăm chạy theo thị hiếu công chúng”. Một tác phẩm khoa học, mà giờ đây trở nên dễ hiểu, có thể ẩn giấu trong đó một số câu chuyện tầm phào bằng các phương trình và thuật ngữ; bằng cách thể hiện một ý tưởng ở dạng thô sơ, lối diễn đạt kiểu văn xuôi trùng khớp sẽ giúp nó đến được với công chúng.

Giờ đây, Yevgenia không còn lấy chồng là triết gia nữa (chắc do họ tranh luận quá nhiều) và tránh xa báo giới. Trong lớp học, các nhà nghiên cứu văn học thảo luận những manh mối cho thấy tính chất tất yếu của việc hình thành phong cách mới. Việc phân biệt giữa tiểu thuyết và phi tiểu thuyết đã trở nên quá lỗi thời và không thể trụ vững trước những thách thức trong xã hội hiện đại. Rõ ràng, chúng ta cần tìm ra phương thuốc để hàn gắn nghệ thuật và khoa học. Thực tế đã chứng minh tài năng của Yevgenia.

Sau này, nhiều biên tập viên trách Yevgenia sao không tìm đến họ bởi tin rằng họ có thể phát hiện ra ngay sự xuất chúng trong tác phẩm của cô. Vài năm nữa, một nhà nghiên cứu văn học nào đó sẽ viết một bài có tựa đề “Từ Kundera đến Krasnova”, mô tả cách thức người ta tìm thấy những hạt mầm trong tác phẩm của cô ở Kundera – người đã kết hợp tiểu luận với siêu bình luận (metacommentary) (Yevgenia chưa từng đọc tác phẩm của Kundera nhưng có xem phim chuyển thể từ một cuốn sách của ông – không có lời bình luận nào trong phim). Một học giả lỗi lạc sẽ giải thích được mức độ ảnh hưởng của Gregory Bateson, người nổi tiếng bởi thường lồng ghép nhiều khung cảnh có tính tự truyện vào các công trình nghiên cứu học thuật của mình, trên mỗi trang giấy (dù Yevgenia chưa từng nghe nói đến Bateson).

Cuốn sách của Yevgenia chính là một Thiên Nga Đen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.