Thiên Nga Đen

Chương 14: Từ Mediocristan Đến Extremistan Và Ngược Lại



TÔI THÍCH HOROWITZ HƠN ■ CÁCH THOÁT KHỎI ĐẶC ÂN ■ CÁI ĐUÔI DÀI ■ HÃY CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN NHẬN MỘT VÀI BẤT NGỜ ■ KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ TIỀN BẠC

Hãy cùng xem cách thức mà một hành tinh nhân tạo có thể phát triển từ sự ngẫu nhiên ôn hòa thành sự ngẫu nhiên dữ dội. Trước hết, tôi sẽ mô tả cách thức đạt đến Extremistan. Sau đó, tôi sẽ xem xét sự tiến hóa của nó.

Thế giới thật bất công

Thế giới có bất công đến thế không? Tôi đã dành cả đời để nghiên cứu về tính ngẫu nhiên, thực hành tính ngẫu nhiên, cảm ghét tính ngẫu nhiên. Càng ngày, mọi thứ càng trở nên tồi tệ, tôi càng sợ hãi và phẫn nộ đối với Mẹ Thiên Nhiên. Càng nghĩ về chủ đề của mình, tôi càng thấy rõ một điều là thế giới mà chúng ta hình dung trong đầu hoàn toàn khác với thế giới đang diễn ra bên ngoài. Mỗi sáng thức dậy, thế giới dường như trở nên ngẫu nhiên hơn so với hôm qua, và con người dường như bị đánh lừa nhiều hơn so với ngày trước đó. Nó càng trở nên không thể chịu đựng được. Tôi cảm thấy đau đớn khi viết ra những dòng này; thế giới đang ngày càng nổi loạn.

Hai nhà khoa học “mềm” đề xuất các mô hình trực giác về quá trình phát triển của sự bất bình đẳng này: một người là nhà kinh tế học chính thống còn người kia là nhà xã hội học. Cả hai đều hơi đơn giản hóa quá mức. Tôi sẽ trình bày các ý tưởng của họ vì chúng dễ hiểu, chứ không phải vì chất lượng khoa học trong sự thấu hiểu của họ hay bất kỳ kết quả nào trong khám phá của họ; sau đó, tôi sẽ trình bày câu chuyện này dưới quan điểm của các nhà khoa học tự nhiên.

Tôi xin bắt đầu với nhà kinh tế học Shenvin Rosen. Vào đầu thập niên 80, ông đã có những bài viết về “kinh tế học của các siêu sao”. Theo nội dung của một trong những bài viết đó, ông đã thể hiện sự tức giận khi thấy một vận động viên bóng rổ có thể kiếm được 1,2 triệu đô-la mỗi năm, hay một ngôi sao truyền hình kiếm được 2 triệu đô-la. Để có khái niệm về mức độ tập trung ngày càng tăng này – tức là làm cách nào chúng ta di chuyển ra khỏi Mediocristan, hãy giả sử rằng các ngôi sao truyền hình và ngôi sao thể thao (thậm chí ở châu Âu) nhận được hợp đồng lúc này, và chỉ sau hai thập kỷ, chúng đã đáng giá 200 triệu đô-la! Mức cực độ đó (cho đến lúc này) là vào khoảng gấp 20 lần so với hai mươi năm trước! Theo Rosen, sự bất bình đẳng này xuất phát từ hiệu ứng thi đấu; người nào hơi “giỏi hơn” một chút có thể dễ dàng giành lấy tất cả, chẳng để lại gì cho người khác. Sử dụng một luận cứ ở Chương 3, mọi người sẵn sàng trả 10 đô-la để mua đĩa CD nhạc của Horowitz hơn là bỏ ra 9,99 đô-la cho một nhạc sĩ dương cầm đang sống chật vật. Bạn thích bỏ ra 13,99 đô-la để được đọc sách của Kundera hay 1 đô-la cho một tác giả vô danh nào đó? Vì thế, đây giống như một trận tranh giải vô địch, nơi mà kẻ thắng lấy hết – và anh ta không phải giành nhiều chiến thắng.

Nhưng vai trò của may mắn lại thiếu vắng trong luận cứ tuyệt vời của Rosen. Vấn đề ở đây là khái niệm về “cái tốt hơn” – điều nhấn mạnh đến các kỹ năng dẫn đến thành công. Các kết quả ngẫu nhiên, hay một tình huống tùy hứng, cũng có thể giải thích cho thành công, và tạo ra cú hích ban đầu để dẫn đến kết quả kẻ-thắng-lấy-hết. Một người có thể hơi tiến về phía trước vì những lý do hoàn toàn ngẫu nhiên; bởi vì muốn bắt chước nhau nên chúng ta đổ xô làm theo anh ta. Chúng ta đánh giá quá thấp thế giới lây nhiễm này!

Khi viết những dòng này, tôi đang sử dụng Macintosh của Apple sau nhiều năm sử dụng các sản phẩm của Microsoft. Công nghệ của Apple tốt hơn rất nhiều, nhưng các chương trình phần mềm thấp kém hơn lại giành thắng lợi. Bằng cách nào? May mắn.

Hiệu ứng Matthew

Hơn một thập kỷ trước thời Rosen, nhà xã hội học khoa học Robert K. Merton đã trình bày ý tưởng của ông về hiệu ứng Matthew, theo đó, người ta lấy của người nghèo để phân phát cho người giàu. 62 Anh ta nhìn vào thành tích của các nhà khoa học và chỉ ra cách mà một thuận lợi ban đầu sẽ đi theo một người suốt đời. Hãy xem xét quá trình sau.

Ví dụ một người nào đó viết một bài luận mang tính học thuật trích dẫn tên của 50 người đã từng nghiên cứu về chủ đề này và cung cấp các tài liệu cơ bản để anh ta nghiên cứu; để đơn giản hơn, giả sử tất cả 50 người này đều có công trạng ngang nhau. Một nhà nghiên cứu khác nghiên cứu cùng chủ đề sẽ ngẫu nhiên trích dẫn ba trong số 50 người này trong danh mục của mình. Merton chỉ ra rằng nhiều viện sĩ đã trích dẫn các tài liệu tham khảo mà không đọc qua bản gốc; thay vào đó, họ đọc một bài viết và rút ra những trích dẫn của riêng mình từ các nguồn tài liệu đó. Vì thế, một nhà nghiên cứu thứ ba đọc bài viết thứ hai sẽ chọn ra ba trong số các tác giả đã được nhắc đến trước đó làm trích dẫn của mình. Ba tác giả này sẽ ngày càng được chú ý nhiều hơn khi tên tuổi của họ trở nên gắn bó mật thiết với chủ đề đang được bàn tới. Sự khác nhau giữa ba tên tuổi được trích dẫn nhiều nhất này và các thành viên khác trong nhóm 50 người đó chủ yếu là nhờ may mắn: lúc đầu họ được lựa chọn không phải vì kỹ năng hơn người mà chỉ đơn giản là theo trình tự mà tên của họ được xuất hiện trong danh sách trích dẫn đó. Nhờ vào uy tín của bản thân, những viện sĩ thành đạt này sẽ tiếp tục viết các bài viết khác và công trình nghiên cứu của họ sẽ dễ dàng được đem đi xuất bản. Thành công của giới học thuật một phần (nhưng có ý nghĩa quan trọng) là nhờ vào may mắn. 63

Rất dễ kiểm tra hiệu ứng của danh tiếng. Cách thứ nhất là tìm ra những bài viết được viết bởi các nhà khoa học nổi tiếng, thay đổi dấu hiệu nhận dạng của họ, và bị từ chối. Bạn có thể nhận ra có bao nhiêu trong số những phản đối này bị bác bỏ sau khi dấu hiệu nhận dạng thật sự của các tác giả đó được xác định. Xin lưu ý rằng các học giả được đánh giá chủ yếu dựa trên số lần mà công trình nghiên cứu của họ được nhắc đến trong công trình nghiên cứu của người khác, và do đó, hình thành nên đám người chuyên đi trích dẫn lời của người khác (đây là kiểu làm việc “tôi trích dẫn lời anh, anh trích dẫn lời tôi”).

Cuối cùng, các tác giả nào không được trích dẫn thường xuyên sẽ phải rời khỏi cuộc chơi bằng cách đến làm việc cho cơ quan chính phủ (nếu họ thuộc bản chất lịch thiệp), hoặc làm việc cho mafia, hoặc một công ty của Phố Wall. Những người nào có được cú hích tốt đẹp ngay đầu sự nghiệp học giả của mình sẽ tiếp tục có được nhiều lợi thế lũy tích trong suốt cuộc đời. Người giàu càng dễ giàu hơn và người nổi tiếng càng dễ trở nên nổi tiếng hơn.

Trong lĩnh vực xã hội học, các hiệu ứng Matthew mang một cái tên ít văn chương hơn – “lợi thế lũy tích”. Lý thuyết này có thể dễ dàng được áp dụng cho các công ty, doanh nhân, diễn viên, nhà văn, và bất kỳ người nào có lợi từ thành công trong quá khứ. Nếu tác phẩm của bạn được xuất bản trên tờ New Yorker vì màu sắc bài viết gây chú ý với biên tập viên – người mà suốt ngày mơ mộng về những đóa hoa cúc – phần thưởng có được từ điều đó có thể sẽ theo bạn suốt đời. Quan trọng hơn là nó sẽ theo những người khác suốt đời. Thất bại cũng mang tính lũy tích; kẻ thua cuộc cũng có thể sẽ gặp thất bại về sau, ngay cả khi chúng ta không tính đến lối sống sa ngã có thể làm cho nó trở nên trầm trọng hơn và gây ra thêm nhiều thất bại.

Hãy lưu ý rằng nghệ thuật là thứ rất thiên về các hiệu ứng lợi thế lũy tích này vì nó phụ thuộc vào hình thức truyền miệng. Tôi đã đề cập đến hình thức bầy đàn trong Chương 1 và cách duy trì những kiểu bầy đàn này của nghề viết báo. Quan điểm của chúng ta về công lao trong nghệ thuật là kết quả của sự lây nhiễm tùy tiện thậm chí còn hơn cả những quan điểm chính trị của chúng ta. Một người viết nhận xét về một cuốn sách; một người khác đọc nó và viết một bài bình luận có sử dụng những lý lẽ tương tự. Chẳng bao lâu, bạn sẽ có vài trăm nhận xét nhưng thực ra nội dung chỉ gói gọn trong không quá hai hay ba lời nhận xét bởi có quá nhiều ý kiến trùng lặp. Ví dụ cụ thể về trường hợp này, hãy đọc Fire the Bastards của tác giả Jack Green, rõ ràng nội dung của cuốn sách này chính là cách viết lại một cách có hệ thống những nhận xét về cuốn tiểu thuyết The Recognitions của Gaddis. Green chỉ rõ cách mọi người nhận xét dựa trên các lời nhận xét khác và tiết lộ về sức mạnh của sự ảnh hưởng lẫn nhau thậm chí bằng cách dùng từ của chính những người này. Hiện tượng này làm ta nhớ lại tâm lý bầy đàn của các nhà phân tích tài chính mà tôi đã thảo luận ở Chương 10.

Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông hiện đại đã làm tăng thêm những lợi ích tích lũy này. Nhà xã hội học Pierre Bourdieu đã lưu ý về mối liên hệ giữa mức độ tập trung thành công ngày càng tăng và quá trình toàn cầu hóa về văn hóa và đời sống kinh tế. Nhưng tôi không tìm cách chơi khăm các nhà xã hội học ở đây, mà chỉ muốn chỉ ra rằng các yếu tố không thể dự đoán có thể có một vai trò nào đó trong các kết quả xã hội.

Tiền thân của ý tưởng lợi thế lũy tích của Merton là một ý tưởng có tính tổng quát cao hơn, “quá trình phân phối ưu tiên” (preferential attachment) – tức là đảo ngược thứ tự niên đại (dù không phải đảo ngược tính lôgic) mà tôi sẽ trình bày tiệp theo đây. Merton quan tâm đến khía cạnh xã hội của kiến thức, chứ không phải động lực học của tính ngẫu nhiên xã hội, vì thế các nghiên cứu của ông được trích riêng từ nghiên cứu về động lực học của tính ngẫu nhiên trong các ngành khoa học mang tính toán học hơn.

Ngôn ngữ chung

Lý thuyết quá trình phân phối ưu tiên luôn xuất hiện trong các ứng dụng của nó: có thể giải thích lý do vì sao quy mô của thành phố lại xuất phát từ Extremistan, vì sao từ vựng lại được tập trung giữa một lượng từ ngữ nhỏ, hay vì sao các nhóm vi khuẩn lại có thể thay đổi kích thước lớn đến vậy.

Các nhà khoa học J. C. Willis và G. U. Yule đã đăng tải một bài viết mang tính đột phá trên tờ Nature vào năm 1922 có tên gọi “Một vài số liệu thống kê về sự tiến hóa và phân bố địa lý của cây cối và động vật cũng như tầm quan trọng của chúng” Willis và Yule lưu ý sự có mặt của cái gọi là các định luật lũy thừa trong sinh học, các phiên bản của sự ngẫu nhiên thang bậc mà tôi đã thảo luận ở Chương 3. Các định luật lũy thừa này (mà theo đó sẽ có nhiều thông tin kỹ thuật ở những chương tiếp theo) đã được lưu ý trước đó bởi Vilfredo Pareto, người đã phát hiện ra rằng các định luật này đã ứng dụng trong việc phân bổ thu nhập. Về sau, Yule đã trình bày một mô hình đơn giản cho thấy cách thức các định luật lũy thừa có thể được tạo ra. Quan điểm của ông như sau: ví dụ một loài nào đó được chia làm đôi với một tỷ lệ ổn định sao cho các loài mới sẽ được tăng lên. Loài đó có giống càng đa dạng thì càng tạo ra được nhiều loài mới, với cùng một lôgic như hiệu ứng Matthew. Lưu ý lời cảnh báo sau: trong mô hình của Yule, các loài sẽ không bao giờ chết.

Trong suốt thập niên 40, George Zipf, nhà ngôn ngữ học Harvard, đã kiểm tra các thuộc tính của ngôn ngữ và đưa ra một quy luật thực nghiệm mà ngày nay được biết đến với tên gọi định luật Zipf, và dĩ nhiên, nó không phải là một định luật (mà nếu có đúng như vậy thì cũng không phải của Zipf). Đó chỉ là một cách nghĩ khác về quá trình bất bình đẳng. Các cơ chế mà ông đã mô tả như sau: khi sử dụng một từ càng nhiều, bạn sẽ càng thấy dễ sử dụng lại từ đó, vì thế bạn mượn từ ngữ trong cuốn từ điển cá nhân theo tỷ lệ chúng được sử dụng trước đó. Điều này giải thích vì sao trong số 60.000 từ chính trong tiếng Anh, chỉ có vài trăm từ cấu thành những gì được sử dụng trong các bài viết, và thậm chí càng ít từ ngữ xuất hiện thường xuyên trong hội thoại. Tương tự, càng nhiều người đến sinh sống tại một thành phố thì càng có khả năng một người nào đó sẽ chọn thành phố này làm điểm đến của mình. Cái lớn càng trở nên lớn hơn, còn cái nhỏ vẫn nhỏ hoặc trở nên nhỏ hơn.

Có thể tìm thấy một minh họa lớn về quá trình phân phối ưu tiên trong phần sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung – dù không phải dành cho các đặc tính bên trong, mà vì mọi người cần phải sử dụng một ngôn ngữ đơn lẻ hoặc gắn bó với nó càng nhiều càng tốt khi tiến hành hội thoại. Vì thế, bất kỳ ngôn ngữ nào có vẻ chiếm ưu thế sẽ đột nhiên khiến đám đông chạy theo; việc sử dụng ngôn ngữ đó sẽ lan truyền như bệnh dịch, và các ngôn ngữ khác sẽ nhanh chóng bị “thất sủng”. Tôi thường kinh ngạc khi lắng nghe những cuộc đối thoại giữa hai người đến từ hai đất nước khác nhau, ví dụ như giữa một người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Iran, hoặc một người Li băng và một người Cypriot, trao đổi với nhau bằng thứ tiếng Anh tồi, phải dùng đến tay để nhấn mạnh và tìm kiếm từ ngữ để diễn đạt một cách vô cùng khó nhọc. Ngay cả các thành viên của Quân đội Thụy Sĩ cũng sử dụng tiếng Anh (chứ không phải tiếng Pháp) như một ngôn ngữ chung (thật thú vị khi được nghe họ nói chuyện). Hãy nhớ rằng chỉ có một số lượng rất ít người Mỹ gốc Bắc Âu là đến từ Anh; còn phần lớn các tộc người đều thuộc Đức, Ái Nhĩ Lan, Hà Lan, Pháp và nhánh khác của Bắc Âu. Tuy nhiên, vì hiện nay, đều sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, nên tất cả những nhóm người này phải học về nguồn gốc của ngôn ngữ này và phát triển mối liên kết văn hóa với các vùng của một hòn đảo ẩm ướt nào đó cũng như cả lịch sử, truyền thống và phong tục của nó!

Các ý tưởng và các trường hợp lây nhiễm

Có thể sử dụng cùng một mô hình cho các hiện tượng lây nhiễm và sự tập trung các ý tưởng. Nhưng có một vài giới hạn về bản chất của các dịch bệnh mà tôi cần phải thảo luận ở đây. Các ý tưởng sẽ không lan truyền nếu không có một dạng cấu trúc nào đó. Hãy nhớ lại phần thảo luận ở Chương 4 về cách chúng ta sẵn sàng đưa ra các kết luận. Đúng như khi chúng ta định khái quát hóa một số vấn đề chứ không phải những thứ khác, vì thế có vẻ như có nhiều “vùng hút” hướng chúng ta đến với những niềm tin nhất định. Một số ý tưởng sẽ chứng tỏ tính truyền nhiễm của chúng, chứ không phải những ý tưởng khác; một số hình thức mê tín dị đoan sẽ lan rộng, chứ không phải những hình thức khác. Nhà nhân loại học, nhà khoa học về nhận thức, và nhà triết học Dan Sperber đã đề xuất ý tưởng sau đây về dịch tễ học của các dạng tiêu biểu. Những thứ mà mọi người gọi là “memes” – những ý tưởng có sức lan tỏa và cạnh tranh với nhau thông qua con người, thật sự không giống như gien. Các ý tưởng được lan truyền bởi vì chúng có các “nhân viên” tự phục vụ, những người quan tâm đến chúng và thích bóp méo chúng trong quá trình tái tạo. Bạn không làm một cái bánh chỉ vì muốn biến đổi một công thức – bạn cố làm ra một cái bánh của riêng mình, sử dụng ý tưởng của người khác để cải tiến nó. Con người chúng ta không phải là những chiếc máy photocopy. Vì thế các phạm trù tâm lý truyền nhiễm phải là những thứ mà trong đó chúng ta sẵn sàng tin tưởng, thậm chí được lập trình để tin tưởng. Để có tính truyền nhiễm, phạm trù tâm lý đó phải phù hợp với bản chất của chúng ta.

KHÔNG AI ĐƯỢC AN TOÀN Ở EXTREMISTAN

Có điều gì đó vô cùng ngây thơ về tất cả những mô hình của động lực học tập trung (the dynamics of concentration) mà tôi đã trình bày cho đến lúc này, đặc biệt là những mô hình kinh tế xã hội. Chẳng hạn, mặc dù ý tưởng của Merton bao gồm cả sự may mắn nhưng lại quên bổ sung vào đó tính ngẫu nhiên. Trong tất cả các mô hình này, người thắng cuộc vẫn luôn là người thắng cuộc. Giờ đây, kẻ thất bại có thể vẫn luôn thất bại, nhưng người thắng cuộc có thể bị đánh bật bởi một người nào đó không biết từ đâu xuất hiện. Không có ai được an toàn cả.

Các lý thuyết quá trình phân phối ưu tiên có sức hấp dẫn về mặt trực giác, nhưng không giải thích cho khả năng bị thay thế bởi những “tân binh” – điều mà mọi học sinh tiểu học đều biết như sự sụp đổ của các nền văn minh. Hãy xem xét tính lôgic của các thành phố: Làm thế nào mà Rome, một thành phố với 1,2 triệu dân vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên lại chỉ còn 12.000 người vào thế kỷ thứ ba? Làm cách nào mà Baltimore, một thời là thành phố đứng đầu nước Mỹ, giờ chỉ còn lại tàn tích? Và làm sao Philadelphia lại trở nên lu mờ trước New York?

Một người Pháp Brooklyn

Khi bắt đầu hoạt động giao dịch ngoại hối, tôi có quen với một anh bạn tên là Vincent, người rất giống một nhà giao dịch Brooklyn, đúng như phong cách của Tony Béo, ngoại trừ một điều anh ta nói tiếng Pháp theo phong cách ngôn ngữ Brooklyn. Vincent đã dạy cho tôi một vài thủ thuật. Trong số những điều anh ta nói có câu “Nghề giao dịch có thể có nhiều hoàng tử nhưng chẳng ai trở thành vua cả”, và “Những người bạn gặp trên con đường đi lên, bạn sẽ lại gặp trên con đường đi xuống”.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, có nhiều lý thuyết về đấu tranh giai cấp và những cuộc đấu tranh của những người vô tội chống lại các liên minh ma quỷ hùng mạnh có khả năng nuốt chửng cả thế giới. Bất kỳ người nào khao khát về tri thức đều được nhồi nhét những lý thuyết này, nơi các công cụ khai thác đều là thứ tự phát, nơi quyền lực sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, càng làm tăng thêm sự bất công của hệ thống này. Nhưng một người chỉ cần nhìn quanh để thấy rằng những con quỷ đội lốt doanh nghiệp này chết như rạ. Hãy thử lấy ví dụ về các tập đoàn thống lĩnh vào một thời điểm nào đó để thấy được rằng nhiều tập đoàn đã phải ngưng hoạt động chỉ sau vài thập kỷ, trong khi những công ty chưa bao giờ nghe đến xuất thân từ một gara nào đó ở California hay từ một khu tập thể trường đại học lại bỗng bất ngờ phất lên.

Hãy xem xét số liệu thống sau đây có thể làm bạn tỉnh ra. Trong số 500 doanh nghiệp lớn của Mỹ vào năm 1957, chỉ có 74 doanh nghiệp vẫn còn nằm trong danh sách Standard & Poor’s 500 vào thời điểm 40 năm sau. Chỉ có một vài trong số đó được sáp nhập với các công ty khác; phần còn lại hoặc là làm ăn thua lỗ hoặc là phá sản.

Thật thú vị, hầu như tất cả các tập đoàn lớn này đều đóng tại nước tư bản lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ. Vì sao chủ nghĩa tư bản lại hủy diệt “những con quỷ ăn thịt người” này?

Nói cách khác, nếu bạn để các công ty hoạt động một mình, chúng sẽ dễ bị nuốt chửng. Những người ủng hộ tự do kinh tế cho rằng các tập đoàn tham lam và tàn ác sẽ không bộc lộ mối nguy hại nào bởi vì cạnh tranh giúp họ luôn trong tầm kiểm soát. Những điều nhìn thấy ở trường Wharton đã khiến tôi tin rằng lý do thật sự ở đây còn chứa đựng một yếu tố to lớn khác nữa: cơ may.

Nhưng khi thảo luận về cơ may (điều mà rất ít khi được làm), mọi người luôn nhìn vào vận may của chính mình. Vận may của những người khác luôn có ý nghĩa rất lớn. Một tập đoàn có thể may mắn “hất cẳng” được những kẻ chiến thắng hiện tại nhờ vào một sản phẩm bom tấn. Bên cạnh những yếu tố khác, chủ nghĩa tư bản là sự hồi sinh của thế giới nhờ có được may mắn. May mắn là một cán cân lớn vì hầu hết mọi người đều có thể kiếm lợi từ nó.

Mọi thứ đều mang tính nhất thời. May mắn vừa sản sinh vừa hủy hoại Carthage; nó vừa hình thành và phá hủy Roma. Như tôi đã nói trước đây, tính ngẫu nhiên là thứ xấu xa, nhưng không phải lúc nào cũng thế. May mắn có tính quân bình rất lớn so với cả trí thông minh. Nếu mọi người được khen thưởng theo khả năng mình, mọi thứ vẫn không công bằng – vì mọi người không lựa chọn được khả năng của họ. Mặt tích cực của tính ngẫu nhiên đó là khả năng xoay chuyển những lá bài của xã hội, và có thể hạ “đo ván” những “ông lớn”.

Trong nghệ thuật, những thứ có tính nhất thời cũng hoạt động tương tự. Một người mới nổi có thể kiếm lợi từ một trào lưu nào đó khi số lượng người làm theo anh ta tăng lên gấp nhiều lần nhờ vào “sự lây nhiễm” theo hình thức quá trình phân phối ưu tiên. Sau đó, hãy đoán xem là gì? Anh ta cũng trở thành quá khứ. Thật thú vị khi nhìn vào các tác giả được vinh danh của một thời đại nào đó và xem có bao nhiêu người trong số đó còn được nghĩ đến. Điều đó thậm chí cũng xảy ra ở những quốc gia như Pháp, nơi chính phủ giúp đỡ những người có uy tín theo cách họ giúp đỡ các công ty lớn đang gặp khó khăn.

Khi đến Beirut, tôi thường nhìn thấy trong nhà của những người họ hàng mình dấu tích của một loạt “cuốn sách Nobel” được bọc da trắng một cách đặc biệt. Một người bán hàng hiếu động thái quá nào đó đã có lần tìm cách đưa những cuốn sách đẹp mắt này vào thư viện tư nhân; nhiều người mua sách nhằm mục đích trang trí và muốn có một tiêu chuẩn lựa chọn đơn giản. Tiêu chuẩn đó là chỉ cần mỗi năm một cuốn sách của một người đoạt giải Nobel văn học – một cách đơn giản để hình thành nên một thư viện hoàn hảo nhất. Loạt sách đó đúng ra phải được cập nhật mỗi năm, nhưng tôi cho rằng công ty này đã ngưng hoạt động trong thập niên 80. Tôi cảm thấy đau nhói mỗi khi nhìn vào những bộ sách này: Hiện nay bạn có nghe nói nhiều về Sully Prudhomme (người đầu tiên nhận giải Nobel), Pearl Buck (một người phụ nữ Mỹ), Romain Rolland, Anatole France (hai người cuối cùng là hai tác giả Pháp nổi tiếng nhất so với những người cùng thời), St. John Perse, Roger Martin du Gard, hay Frederic Mistral không?

Cái đuôi dài

Tôi đã nói rằng không ai được an toàn trong Extremistan. Ở đây còn có một điều ngược lại: cũng không có ai bị đe dọa tiêu diệt hoàn toàn. Môi trường của chúng ta hiện nay cho phép những kẻ ít tiền chờ đợi cơ hội thành công – vì ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng.

Ý tưởng này vừa mới được tái hiện bởi Chris Anderson, một trong số rất ít người có quan điểm rằng động lực học của sự tập trung phân dạng (fractal concentration) có một mức độ ngẫu nhiên khác. Ông đã gắn nó với ý tưởng về “cái đuôi dài” của mình. Anderson may mắn vì không phải là nhà thống kê học chuyên nghiệp (những người không may được đào tạo về thống kê theo phương pháp truyền thống sẽ nghĩ rằng mình sống trong môi trường Mediocristan). Ông có thể có cái nhìn mới mẻ về động lực học của thế giới.

Đúng vậy, Internet tạo ra một sự tập trung cấp bách. Một lượng lớn người sử dụng chỉ truy cập vào một vài trang web như Google, mà vào thời điểm tôi đang viết những dòng này, hoàn toàn thống lĩnh thị trường. Lịch sử chưa từng có một công ty nào lại trở nên thống lĩnh nhanh đến thế – Google có thể phục vụ mọi người từ Nicaragua, Tây Nam Mông Cổ cho đến bờ Tây nước Mỹ mà không phải lo lắng về hệ thống điện thoại, vận chuyển và chế tạo. Đây chính là tình huống mà kẻ-thắng-lấy-hết.

Mặc dù mọi người quên rằng trước Google, Alta Vista đã thống lĩnh thị trường công cụ tìm kiếm (search-engine market). Tôi sẵn sàng sửa lại hình ảnh ẩn dụ của Google bằng cách thay vào đó một cái tên mới cho những lần tái bản sau của cuốn sách này.

Những gì Anderson nhìn thấy là Internet đã gây ra điều gì đó ngoài sự tập trung này. Internet cho phép hình thành một nguồn tích trữ các protoGoogles đợi sẵn ở một nơi kín đáo. Nó cũng thúc đẩy loại hình Google đảo ngược, tức là cho phép những người có một chuyên ngành cụ thể nào đó tìm được một lượng khán giả nhỏ, ổn định.

Hãy nhớ lại vai trò của Internet trong sự thành công của Yevgenia Krasnova. Nhờ Internet, cô ta có thể bỏ qua các nhà xuất bản truyền thống. Tay phụ trách xuất bản với gọng kính hồng hẳn đã không thể thành công nếu không nhờ Internet. Giả sử rằng Amazon.com không tồn tại, và rằng bạn đã viết được một cuốn sách tinh tế. Khả năng là một hiệu sách rất nhỏ với sức chứa chí 5000 đầu sách sẽ không hứng thú để “cuốn sách có nội dung được chuẩn bị khéo léo” kia của bạn chiếm mất vị trí trang trọng nhất. Và các nhà sách mạng khác, như Bames & Noble, với sức chứa 130.000 đầu sách, vẫn cho là không đủ chỗ để chứa thêm các tựa sách khác. Vì thế, tác phẩm của bạn sẽ bị chết yểu.

Nhưng với những người bán hàng trên Internet lại khác. Một nhà sách trên mạng có thể chứa một lượng sách gần như vô hạn vì không cần tốn không gian thật đề chứa lượng sách này. Trên thực tế, không ai cần không gian thật để chứa sách vì chúng luôn ở dạng số cho đến khi người ta yêu cầu mua bản in, và khi đó xuất hiện một hoạt động kinh doanh có tên gọi là nhận-in-theo-yêu-cầu.

Vì thế, với tư cách là tác giả của cuối sách nhỏ này, bạn có thể ngồi đó chờ đợi cơ hội, xuất hiện sẵn trong các công cụ tìm kiếm, và có lẽ sẽ hưởng lợi từ một đợt lan truyền đặc biệt nào đó. Thực ra, trong vài năm qua, chất lượng độc giả đã cải thiện đáng kể nhờ vào sự xuất hiện ngày càng nhiều những cuốn sách tinh tế hơn. Đây là một môi trường màu mỡ cho sự đa dạng. 64

Nhiều người đã yêu cầu tôi thảo luận về ý tưởng cái đuôi dài này – điều có vẻ như hoàn toàn trái ngược với sự tập trung mà tính thang bậc muốn nói. Cái đuôi dài ngầm định rằng những kẻ ít tiền nên cùng nhau kiểm soát một phân khúc lớn về văn hóa và thương mại, nhờ vào các thị trường ngách và các chuyên ngành phụ mà giờ đây có thể tồn tại thông qua Internet. Nhưng thật kỳ lạ, nó còn ám chỉ một mức độ bất bình đẳng lớn: một số lượng lớn những gã ít tiền và một lượng rất nhỏ những siêu khổng lồ, cùng nhau đại diện cho một phần của nền văn hóa thế giới – trong đó, một vài gã ít tiền thỉnh thoảng xông lên hất cẳng những ông lớn này. (Đây là “cái đuôi kép”: một cái đuôi lớn của những kẻ ít tiền và một cái đuôi nhỏ của những ông lớn).

Cái đuôi dài có vai trò cơ bản trong việc thay đổi các động lực của thành công, làm lung lay vị trí của người chiến thắng hiện tại và thay vào đó một nhân vật mới. Nói ngắn gọn, hiện tượng này luôn thuộc về Extremistan, luôn bị chi phối bởi sự tập trung của tính ngẫu nhiên loại hai; nhưng nó sẽ là một Extremistan không ngừng biển đổi. Đóng góp của cái đuôi dài chưa được thể hiện bằng con số; nó vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi Internet và hoạt động kinh doanh trực tuyến quy mô nhỏ. Nhưng hãy xem xét mức độ tác động của cái đuôi dài đến tương lai của văn hóa, thông tin và đời sống chính trị. Nó có thể giải phóng chúng ta khỏi các đảng phái chính trị thống lĩnh, khỏi hệ thống hàn lâm học thuật, khỏa đám đông báo chí – khỏi bất cứ thứ gì hiện có trong tay của bộ máy chính quyền cứng nhắc, tự cao tự đại. Cái đuôi dài sẽ giúp nuôi dưỡng sự đa dạng về nhận thức. Điểm nổi bật của năm 2006 là khi tôi tìm thấy trong hòm thư cá nhân bản thảo một cuốn sách của Scott Page có tên là Sự đa dạng về nhận thức: Làm cách nào sự khác biệt cá nhân của chúng ta lại có thể tạo ra được các lợi ích tập thể. Page nghiên cứu tác động của sự đa dạng về nhận thức đối với việc giải quyết khó khăn và cho thấy làm cách nào mà khả năng thay đổi về quan điểm và phương pháp lại có vai trò như một động cơ hàn gắn. Nó có tác dụng như một sự tiến hóa. Bằng cách phá vỡ các cơ cấu cồng kềnh, chúng ta cũng có thể thoát khỏi phương pháp làm việc theo kiểu Plato – cuối cùng, người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phi lý thuyết từ dưới lên sẽ chiếm ưu thế.

Nói tóm lại, cái đuôi dài là một sản phẩm của Extremistan và điều đó khiến cho nó có phần đỡ bất công hơn: Thế giới vốn là nơi không ít bất công cho những kẻ ít tiền, nhưng giờ đây nó trở nên cực kỳ bất công đối với những “ông lớn”. Không ai thật sự yên ổn cả. Những kẻ ít tiền là người rất hay tìm cách lật đổ.

Sự toàn cầu hóa ngây thơ

Chúng ta đang bước vào tình thế hỗn loạn, nhưng không hẳn là sự hỗn loạn tồi tệ. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều giai đoạn bình yên và ổn định, trong đó hầu hết các vấn đề đều tập hợp thành một nhóm nhỏ các Thiên Nga Đen.

Hãy xem xét bản chất của các cuộc chiến trước đây. Thế kỷ 20 không phải là thế kỷ chết chóc nhất (tính theo tỷ lệ phần trăm tổng dân số), nhưng đã tạo ra một điều mới mẻ: sự bắt đầu của chiến tranh Extremistan – xác suất nhỏ của một xung đột biến thành sự giết hại toàn bộ loài người, một xung đột mà từ đó không ai được an toàn ở bất cứ đâu.

Một hiệu ứng nhỏ đang diễn ra trong đời sống kinh tế. Tôi đã nói về quá trình toàn cầu hóa ở chương 3; nó cũng xuất hiện ở đây, nhưng không phải nói về điều tốt đẹp: nó tạo ra một yếu điểm liên hợp (interlocking fragility), trong khi giảm thiểu tính bất ổn và tạo ra vẻ ổn định. Nói cách khác, nó tạo ra những Thiên Nga Đen có tính hủy diệt cao. Trước đây, chúng ta chưa từng sống trong cảnh lo sợ về sự sụp đổ toàn cầu. Các tổ chức tài chính đã sáp nhập thành các ngân hàng rất lớn. Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều có mối liên kết với nhau. Vì thế; môi trường tài chính đang phình to lên thành những ngân hàng với bộ máy quan liêu cồng kềnh và những hoạt động bất chính (thường được Gauss hóa trong đánh giá rủi ro) – khi một ngân hàng sụp đổ, tất cả sẽ đổ theo. 65 Mức độ tập trung ngày càng tăng giữa các ngân hàng dường như có tác dụng hạn chế khả năng xảy ra của các cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng khi thực sự xảy ra, chúng có quy mô khắp toàn cầu và có tính hủy diệt rất lớn. Chúng ta đi từ một môi trường đa dạng hóa của những ngân hàng nhỏ, với các chính sách cho vay đa dạng, đến một môi trường đồng nhất của những doanh nghiệp có chức năng giống hệt nhau. Đúng vậy, hiện nay chúng ta gặp ít thất bại hơn, nhưng khi chúng xảy ra… Tôi rùng mình khi nghĩ đến điều này. Tôi xin diễn giải như sau: chúng ta sẽ gặp ít khủng hoảng nhưng những khủng hoảng ấy sẽ trở nên khốc liệt hơn. Biến cố càng hiếm thì chúng ta càng ít biết về khả năng xảy ra của chúng. Điều đó có nghĩa là chúng ta ngày càng biết ít về xác suất xảy ra của một cuộc khủng hoảng.

Và trong chừng mực nào đó, chúng ta hiểu được làm cách nào mà một cuộc khủng hoảng như thế lại xảy ra. Một mạng lưới là tập hợp gồm các yếu tố được gọi là các giao điểm – các giao điểm này được kết nối với nhau qua một đường dẫn; các sân bay trên thế giới thiết lập nên một mạng lưới, giống như mạng www, các mạng xã hội và các lưới điện. Có một nhánh nghiên cứu với tên gọi “lý thuyết mạng” – lý thuyết nghiên cứu quá trình tổ chức của các mạng đó và sự liên kết giữa các giao điểm của những mạng này với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu như Duncan Watts, Steven Strogatz, Albert-Laszlo Barabasi và nhiều người khác nữa. Tất cả họ đều hiểu về toán học Cực độ và sự bất hợp lý của đường cong hình chuông Gauss. Họ đã khám phá ra thuộc tính sau đây của các mạng: có một sự tập trung giữa một vài giao điểm có vai trò như những điểm kết nối trung tâm. Các mạng thường có xu hướng tự tổ chức quanh một cấu trúc tập trung cực độ: một vài giao điểm được kết nối quá mức, trong khi những giao điểm khác lại không được như thế. Sự phân bổ các điểm kết nối này có một cấu trúc thang bậc theo kiểu mà chúng ta sẽ thảo luận trong Chương 15 và 16. Sự tập trung theo kiểu này không giới hạn trong phạm vi Internet; nó xuất hiện trong đời sống xã hội (một lượng người nhỏ được kết nối với những người khác), trong các lưới điện và các mạng truyền thông. Có vẻ như điều này càng khiến cho các mạng lưới trở nên mạnh mẽ hơn: tổn thương ngẫu nhiên xảy ra với hầu hết các bộ phận của mạng lưới đó sẽ không gây ra ảnh hưởng đáng kể bởi chúng có thể tác động mạnh đến một điểm có độ kết nối kém. Nhưng nó cũng khiến các mạng càng dễ bị tác động bởi Thiên Nga Đen. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố với một giao điểm quan trọng. Sự cố mất điện ở miền đông bắc nước Mỹ suốt tháng 8 năm 2003, gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn, là một ví dụ hoàn hảo về những gì có thể xảy ra nếu một trong các ngân hàng lớn phải trải qua hiện nay.

Nhưng các ngân hàng còn ở trong tình huống tồi tệ hơn nhiều so với Internet. Ngành tài chính không có cái đuôi dài nào đáng kể! Chúng ta sẽ khấm khá hơn rất nhiều nếu có một môi trường sinh thái khác biệt, nơi các tổ chức tài chính bị sụp đổ và nhanh chóng bị thay thế bởi các tổ chức mới, do đó phản ánh được sự đa dạng của các doanh nghiệp Internet và sự phục hồi của nền kinh tế mạng. Hoặc nếu xuất hiện một cái đuôi dài của các quan chức chính phủ để tái củng cố các bộ máy quan liêu.

NHỮNG CÚ ĐẢO NGƯỢC RA KHỎI EXTREMISTAN

Rõ ràng, có một sự căng thẳng đang gia tăng giữa xã hội đầy rẫy sự tập trung của chúng ta, và ý tưởng cổ điển về aurea mediocritas – phương kế hành động ôn hòa, vì thế có thể hiểu được rằng cần phải nỗ lực để đảo ngược sự tập trung đó. Chúng ta sống trong một xã hội, nơi mỗi người có một lá phiếu, nơi các khoản thuế không ngừng tăng lên để làm suy yếu những kẻ chiến thắng. Quả thực, quy luật của xã hội có thể dễ dàng được viết lại bởi những người ở dưới đáy của kim tự tháp nhằm ngăn cản quá trình tập trung gây tổn hại cho bản thân họ. Nhưng không cần phải bỏ phiếu mới làm được điều đó – tôn giáo có thể làm dịu căng thẳng. Hãy xem xét về thời điểm trước khi có sự xuất hiện của Cơ đốc giáo, trong nhiều xã hội, những kẻ quyền lực có rất nhiều vợ, do đó khiến cho những người ở dưới đáy xã hội không được tiếp cận đàn bà, một tình huống không khác gì so với sự độc chiếm sinh sản của những con đực ở nhiều loài vật khác. Nhưng Cơ đốc giáo đã làm thay đổi điều này với luật lệ một vợ một chồng, về sau, phía Hồi giáo đã giới hạn số lượng vợ xuống còn bốn. Đạo Do thái – một đạo vốn đa chủng tộc – cũng thực hiện chế độ một vợ một chồng vào thời Trung cổ. Có thể nói rằng một chiến lược đã thành công – chế độ hôn nhân một vợ một chồng (không có một người vợ lẽ chính thức nào, giống như thời Greco-Roman), ngay cả khi áp dụng “cách của Pháp”, thực sự mang lại sự ổn định trong xã hội vì không còn lý do để tức giận nữa, những người bị ngăn cản quan hệ ở dưới đáy xã hội bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng chỉ để có được cơ hội giao phối.

Nhưng tôi nhận thấy việc nhấn mạnh đến tính bất bình đẳng về kinh tế mà phải đánh đổi bằng các hình thức bắt bình đẳng khác lại là điều vô cùng phiền phức. Không chỉ là vấn đề kinh tế, sự công bằng ngày càng trở nên ít đi khi chúng ta thỏa mãn được các nhu cầu vật chất cơ bản của mình. Chính tôn ti xã hội mới là thứ có ý nghĩa! Các siêu sao sẽ luôn có mặt ở đó. Có một điều bị hiểu sai hoặc chối bỏ (do những hàm ý đáng lo ngại) đó là sự thiếu vắng vai trò dành cho những người bình dân trong lĩnh vực tri thức. Tỷ lệ không cân xứng của số ít người có ảnh hưởng tri thức thậm chí càng trở nên đáng lo ngại hơn so với sự phân bổ không đều về tài sản – đáng lo bởi vì, không giống như khoảng cách thu nhập, không có chính sách xã hội nào có thể xóa bỏ được nó.

Thậm chí Michael Marmot của the Whitehall Studies cũng đã chứng tỏ rằng những người ở địa vị cao thường sống lâu hơn, ngay cả khi phải đấu tranh với bệnh tật. Nghiên cứu đầy ấn tượng của Marmot chỉ ra mức độ ảnh hưởng của địa vị xã hội đối với tuổi thọ. Người ta tính toán rằng những diễn viên đoạt giải Oscar có xu hướng sống thọ hơn những diễn viên không đoạt giải trung bình khoảng 5 năm. Con người sống thọ hơn ở những xã hội nơi mà có nhiều “độ dốc xã hội” bằng phẳng hơn. Kẻ chiến thắng sẽ tiêu diệt những ai ngang hàng với họ vì những người sống trong xã hội có độ dốc thẳng đứng sẽ có tuổi thọ ngắn hơn bất kể điều kiện kinh tế của mình.

Tôi không biết làm cách nào để khắc phục điều này (ngoại trừ thông qua các tín ngưỡng tôn giáo). Liệu có thể mua bảo hiểm để bảo vệ mình trước sự thành công của người khác? Có nên cấm hình thức trao giải Nobel? Cứ cho là giải Nobel trong kinh tế học không tốt cho xã hội hay kiến thức, nhưng ngay cả những người được trao giải vì những cống hiến có thật trong y học và vật lý học cũng nhanh chóng khiến cho người khác không còn tỉnh táo, và đồng thời làm giảm tuổi thọ của họ. Extremistan sẽ vẫn tồn tại, vì thế chúng ta phải sống cùng với nó và tìm ra các thủ thuật để khiến nó trở nên dễ chấp nhận hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.