Sống Cho Điều Ý Nghĩa Hơn

34. Kiểm soát khủng hoảng



Tháng mười hai năm 2010 tôi phải đối mặt với thất bại. Đó là khủng hoảng khiến tôi chao đảo trong một thời gian dài, dài hơn bất cứ lần khủng hoảng nào đã từng xảy ra từ khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Dù tôi không muốn bất cứ ai phải đương đầu với khó khăn, tôi vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng khó khăn thách thức là một phần của cuộc sống. Tôi muốn tin rằng những rủi ro, gian khó đặt ra trong cuộc sống của tôi đều có mục đích dạy tôi những điều quan trọng về bản thân, chẳng hạn như sức mạnh của tính cách và sự sâu sắc của niềm tin. Có lẽ bạn đã từng trải qua những khó khăn thử thách, và tôi dám chắc rằng qua đó bạn đã học được những bài học quý giá. Những khủng hoảng trong đời sống tình cảm, trong sự nghiệp, hoặc những cuộc khủng hoảng về tài chính là những khó khăn thường thấy và thật khó để chúng ta phục hồi cảm xúc sau đó. Nhưng nếu bạn coi khó khăn là cơ hội để học hỏi, để trưởng thành, thì có thể bạn sẽ phục hồi nhanh hơn và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nếu sau một khoảng thời gian đáng kể mà nỗi thất vọng trong bạn không vơi đi, hoặc nếu bạn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng trong một thời gian dài, thì tôi khuyên bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ở một người nào đó mà bạn tin cậy hoặc từ một chuyên gia tâm lý. Một số dạng chấn thương về tinh thần đòi hỏi sự giúp đỡ của các chuyên gia, và bạn chẳng có gì phải xấu hổ và e ngại về điều đó. Hàng triệu người đã thoát khỏi chứng trầm cảm đáng ngại nhờ cách này.

Nỗi buồn rầu, tuyệt vọng, đau khổ ghê gớm nảy sinh trong những lúc khó khăn hoặc bi kịch có thể tấn công bất cứ ai. Những sự việc gây căng thẳng đột ngột ập tới có thể khiến chúng ta cảm thấy mình bị áp đảo, bị tấn công, bị tổn thương và mất mát về mặt cảm xúc. Điều quan trọng là trong những tình huống đó bạn đừng tự cô lập mình. Hãy cho phép gia đình và bạn bè an ủi bạn. Hãy kiên nhẫn với họ và với chính mình. Cần phải có thời gian để các vết thương lành lại. Rất ít người có thể “khiến người khác mau chóng thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực để trở lại trạng thái bình thường”, vì vậy bạn đừng mong đợi quá nhiều về điều đó. Tốt hơn bạn nên biết rằng bạn phải hành động để hàn gắn vết thương. Đó không phải là một quá trình thụ động. Bạn phải huy động bất cứ sức mạnh nào bạn có, trong đó có sức mạnh ý chí và sức mạnh của niềm tin.

Tôi ước gì tôi có thể nói với các bạn rằng cuộc khủng hoảng của tôi biến mất cũng nhanh như khi nó xảy đến, rằng một buổi sáng tôi thức dậy, cảm thấy đầu óc mình sáng suốt, tinh thần phơi phới, và tôi nhảy ra khỏi giường, thông báo: “Tôi đã trở lại!”. Rất tiếc mọi chuyện với tôi đã không xảy ra theo cách đó, và nếu bạn trải qua một giai đoạn khủng hoảng như tôi, có lẽ bạn cũng sẽ không hồi phục một cách bất ngờ và nhanh chóng như vậy được. Bạn nên biết rằng những ngày tốt đẹp hơn đang đợi bạn ở phía trước và rồi khó khăn cũng sẽ qua.

Sự phục hồi của bạn, giống như của tôi, có thể diễn ra dần dần, theo từng bước nhỏ, qua từng ngày, trong vài tuần hoặc vài tháng. Tôi hy vọng sự phục hồi của bạn sẽ diễn ra nhanh, nhưng sự phục hồi dần dần cũng có cái lợi. Khi màn sương tuyệt vọng tan dần, hãy biết ơn vì bạn lại có thể nhìn thấy những tia nắng mặt trời chiếu sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.