Hành Trình Kẻ Cô Đơn

Joroska



Chàng trai ấy lúc nào cũng thích những điều bí ẩn… Ngay từ lúc còn là một cậu bé, Joroska đã luôn thách đố chính mình qua các trò chơi ô chữ, câu đố, các mê cung và những trò chơi đòi hỏi sự khéo léo.

Dù có vượt qua hay chí ít là một phần của vô số những bài toán rắc rối đó thì Joroska cũng đã ngốn phần lớn thời gian cuộc đời và não bộ để giải quyết các câu hỏi hóc búa mà người khác tạo ra.

Tất nhiên, Joroska không phải là người thông thái, cũng có rất nhiều câu đố mà mức độ khó của nó vượt khỏi tầm tay với của anh chàng.

Để đối phó với loại đó, Joroska thường lặp đi lặp lại một hành động theo trình tự: anh quan sát chúng hồi lâu rồi xác định vấn đề như kiểu một chuyên gia vẫn làm, tự hỏi liệu anh sẽ xếp chúng vào loại “có thể giải quyết được” hay phải đặt chúng vào nhóm “nan giải”.

Nếu trực giác nói cho anh biết câu trả lời, Joroska sẽ hít thở một hơi dài và dù gì đi nữa thì cũng phải quyết định dứt khoát. Tất nhiên, theo phân tích tâm lý về những hành động có tính trình tự như thế thì sau cái quyết định ấy sẽ là tâm trạng thất vọng.

Rồi thì sẽ có lúc xuất hiện những câu hỏi không lời đáp, những ngõ cụt, những ký hiệu khó hiểu, những từ ngữ bí ẩn, những kế hoạch không thể đoán trước.

Theo năm tháng, Joroska dần tìm ra được một triết lý lạc quan để chiến thắng số phận.

Có lẽ vì thế mà mấy câu đố hóc búa kia bắt đầu bực bội vì quan điểm mới của anh chăng?

Tiếc là chỉ sau một thời gian nỗ lực, Joroska lại cảm thấy buồn chán và khi không thể giải quyết một vấn đề, anh chàng lại hết chỉ trích chính tiềm thức của mình lại quay sang chửi rủa kẻ điên nào đã vẽ ra những vấn đề mà anh không thể giải quyết được…

Nhưng đôi lúc, có những bài toán quá dễ dàng cũng làm Joroska phát chán. Cuối cùng, anh kết luận rằng mỗi một bí ẩn không lời đáp sẽ chỉ có một người giải được, và cũng chính nguời tạo ra cái bí ẩn đau đầu ấy mới biết được câu trả lời.

Vậy sẽ lý tưởng nhất – anh tự nói với chính mình – nếu tạo ra những câu đố khó hiểu theo cách của riêng ta.

Ngay lập tức, anh nhận ra mình cũng sẽ chẳng còn hứng thú với điều bí ẩn ấy nữa. Người tạo ra câu đó cũng là nguời biết trước lời giải. Rồi anh lại bị thuyết phục bởi ý nghĩ câu đố của anh sẽ tạo hứng khởi để sau này người khác có thể tìm tòi suy nghĩ. Anh bắt đầu tạo ra những tình huống khó xử, cách chơi chữ, chơi số, các bài toán logic, những bản đồ khó hiểu…

Năm tháng trôi qua, những câu đố và bài toán anh nghĩ ra đã đến tay người thân, bạn bè, xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành và ở trang cuối của các tờ nhật báo.

Joroska trở thành người kiến tạo nổi tiếng các bài toán khó hiểu và câu đố phức tạp…

Thế nhưng công trình vĩ đại của cuộc đời anh lại chính là kiến trúc mê cung mà anh tự tạo ra.

Từ một góc nền móng của ngôi nhà to đồ sộ, từng ngày một, anh bắt đầu lắp gạch, xây tuờng, dựng thành một mê cung bao bọc xung quanh.

Tất cả những tác phẩm khác của anh có thể được biên tập lại, được in ra và phát hành, duy có tác phẩm này là không thể. Một mê cung! Làm sao có thể xuất bản hay chuyển dời một mê cung…

Kiệt tác ấy dần thành hình, từng ngày một. Joroska muốn nó phải phức tạp hơn nữa. Gần như không hề để ý đến, mê cung ngày một khó hiểu, ngoằn ngoèo đường đi không có lối ra.

Công trình mê cung đã trở thành một phần đời của Joroska. Không ngày nào là anh không tìm cách lắp thêm gạch, bít kín lối ra, hay cố tình kéo dài ngã rẽ để đường đi thêm phức tạp.

Nền móng đã không còn đủ chỗ cho cả một khối kiến trúc bề thế, cuối cùng thì cái mê cung bí ẩn đó dần biến thành một phần của ngôi nhà. Để đi từ phòng ngủ đến nhà tắm cần phải buớc tám bước về phía trước, rẽ trái, bước thêm sáu bước, rồi rẽ phải, đi xuống ba cầu thang, đi tiếp năm bước, rẽ phải một lần nữa, nhảy qua chướng ngại vật và mở cửa…

Để lên sân thượng thì phải nép người vào tường bên trái, lăn vài mét rồi bám theo thang dây để leo đến tận tầng cao nhất…

Cứ như thế, dần dần chính ngôi nhà cũng trở thành một mê cung rộng lớn so với cái vẻ ngoài bình thường của nó…

Ban đầu, Joroska có vẻ rất hài lòng về công trình này. Quả là thú vị khi bước qua những lối đi do chính anh tạo nên, dù thỉnh thoảng anh cũng bị rơi vào ngõ cụt. Và ngay cả Joroska cũng không tài nào nhớ hết mọi ngóc ngách trong cái mê cung tự tạo.

Mê cung này đúng là sản phẩm theo cách suy nghĩ của anh.

Sau đó, Joroska đã mời rất nhiều người đến thăm nhà để chiêm ngưỡng mê cung hoành tráng của anh. Thế nhưng, ngay cả những người có hứng thú nhất cũng ra về trong sự chán nản và thất vọng. Khám phá mê cung vô cùng khó hiểu này thật sự quá sức họ.

Joroska có nhã ý chỉ dẫn cho họ nhưng sau một hồi, mọi người vẫn quyết định ra về.

Ai nấy, sau một hồi nán lại, đều đồng thanh than vãn:

– Làm sao mà sống được như vậy chứ!

Cuối cùng, Joroska cũng không thể chịu đựng nổi nỗi cô đơn, anh bèn chuyển sang sống ở một căn nhà khác không có mê cung rối rắm như thế. Ít ra là ở một nơi mới, mọi người còn đến thăm anh.

Vậy mà, mỗi khi anh biết được bất kỳ ai nhạy bén thông minh, anh lại đưa họ đến nơi ở đích thực của mình.

… Nhưng Joroska chưa bao giờ tìm được một nguời nào muốn sống cùng anh trong ngôi nhà mê cung ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.