Hành Trình Kẻ Cô Đơn

Lời kết



Tất cả chúng ta, những ai đang sống và đang đi tìm chân lý, thường sẽ tình cờ gặp nhau trên một con đường chung, nơi những sợi tư duy đồng quan điểm kéo chúng ta gần lại với nhau – chúng sống trong chúng ta bằng một tiềm lực đủ mạnh để từ nơi khởi sinh nội tại, ta xây cho bản thân hệ tư duy của riêng mình.

Thế nhưng, theo thời gian, rất nhiều chân lý bị rơi vào quên lãng bởi chúng không thể hứng chịu hết chính những câu hỏi nội tại từ chúng ta, hay có lẽ bởi vì đó là một chân lý mới phải tự đấu tranh khi không tương hợp với các chân lý hiện tại, hoặc giả đơn giản là chúng xuất hiện, rồi lại tự triệt tiêu.

Nếu nằm trong số các khả năng ấy thì quan điểm mới bất chợt nảy sinh trong chúng ta buộc phải tự trôi lênh đênh không định hướng. Lúc này đây, chính những người chủ nắm bánh lái con tàu tư duy của chúng ta lại không thể tự tìm ra một hành trình đáng tin cậy cho chuyến hải hành của cuộc đời.

Đang miên man trong dòng suy nghĩ, tôi bỗng sực nhớ đến câu chuyện Hoàng tử bé của Antoine de Saint – Exupéry.

… trong những chuyến đi đến các hành tinh nhỏ của dải ngân hà, hoàng tử tình cờ gặp gỡ một nhà địa lý khi người này đang lúi cúi cạnh quyển sổ khổng lồ, ghi lại vị trí mọi vì sao, dòng sông, ngọn núi.

Hoàng tử bé có nhã ý muốn nhà địa lý ghi thêm vào tên một loài hoa tại xứ sở của chàng, thế nhưng vị học giả này từ chối, ông nói:

– Chúng tôi không thể ghi lại tên của những loài hoa được, quyển sổ tham khảo này không dùng để tham khảo những thứ sớm nở tối tàn.

Nhà địa lý giải thích cho hoàng tử rằng những vật phù du rồi thì cũng sẽ nhanh chóng tan biến. Hoàng tử nghe đến đó thì lòng buồn rũ rượi. Chàng chợt nhận ra loài hoa của chàng chỉ là vật phù du…

Thế thì, tôi tự hỏi: Chân lý sẽ tồn tại chắc như đá và kiên cố như địa hình chăng? Hay chân lý thực sự chỉ là một quan niệm tự mang trong nó mùi hương dễ lan tỏa và mỏng manh như những cánh hoa?

Nếu xét trên khía cạnh vĩ mô, vậy ta lại tự hỏi chẳng lẽ ngọn núi, dòng sông, hay những vì sao kia lại không sợ một ngày nào đó chúng sẽ sớm mất đi?

Sớm? Là sớm bao lâu so với khái niệm “mãi mãi”?

Đứng từ một góc nhìn khác, chẳng phải sông núi cũng chỉ là thứ phù du?

Một vài chân lý có thể vẫn còn khó hiểu đối với nhiều người, và đôi khi ngay cả chính tôi cũng chưa hiểu nổi, nhưng rồi một ngày nào đó, những chân lý của ngày hôm nay sẽ mang theo mình tính kiên định và sự tín nhiệm trước cái nhìn của xã hội.

I . Chân lý đầu tiên trong số các chân lý căn bản được tín nhiệm của ngành tâm lý học cấu trúc là:

Bản chất của sự vật là thế, và nó sẽ như thế.

Tư tưởng này mang ba ẩn ý mà tôi thấy cần phải nói rõ đôi điều:

Biết rằng “bản chất của sự vật là thế, và nó sẽ như thế” mang ẩn ý là chấp nhận mọi sự vật, sự việc, mọi tình huống đã hiển hiện theo đúng bản chất tự nhiên mà nó muốn bộc lộ.

Chân lý không phải là điều ta muốn theo ý ta.

Không phải điều cần xuất hiện.

Không phải điều người khác nói với ta rằng chân lý sẽ xuất hiện. 

Không phải đã xuất hiện . Không phải sẽ xuất hiện.

Mà chân lý, về bản chất, đang tồn tại quanh ta.

Các bệnh nhân và học trò của tôi khi nghe tôi lặp đi lặp lại khái niệm này bắt đầu cảm thấy được thuyết phục, họ vỡ lẽ ra sự thật và thôi không muốn phản biện nữa.

Sẽ không thừa nếu tôi nhắc lại rằng sự thay đổi chỉ có thể xuất hiện nếu chúng ta nhận thức được nó trong hoàn cảnh hiện tại. Làm sao chúng ta có thể tự vẽ đường đến New York nếu ta không biết chúng ta đang tìm kiếm cái gì trong vũ trụ này kia chứ?

Bản thân tôi, tôi chỉ có thể bắt đầu lộ trình từ điểm xuất phát mà tôi đã xác định, và đó là chấp nhận bản chất của mọi sự vật xung quanh ta.

Có một biến thể thứ hai của chân lý này:

Tôi là chính tôi

Một lần nữa, ta lại thấy giải nghĩa:

Tôi không phải là người mà người khác muốn nhào nặn theo ý họ.

Không phải là hình mẫu cần phải trở thành.

Không phải mẫu người mà mẹ tôi đang xây dựng cho tôi.

Cũng không phải là người đã từng tồn tại trước kia.

Tôi là chính tôi.

Vì vậy, tôi cho rằng các triệu chứng thần kinh bắt nguồn từ việc chối bỏ quan niệm này. Chứng rối loạn thần kinh sẽ bắt đầu khi chúng ta cố gắng trở thành một người khác.

Tôi đã có lần viết về sự tự chối bỏ bản thân qua loạt truyện “Những mẩu chuyện dành riêng cho Demián”.

… Tất cả bắt đầu vào một ngày xám xịt

Khi bạn thôi nói về lòng kiêu hãnh

ĐÓ CHÍNH LÀ BẠN…

Giữa ngượng ngùng và sợ hãi

Bạn khuất phục và đổi thay

Chính những lời nói, những hành động xưa

Xuất phát từ ý nghĩ điên rồ: TÔI SẼ PHẢI LÀ… AI

Và nếu việc chấp nhận chính mình đã là một chuyện khó, thì sẽ càng khó hơn khi phải chấp nhận một sự thật nữa, là biến thể tiếp theo của chân lý:

Bạn chính là bạn.

Nghĩa là:

Bạn không phải hình tượng mà tôi cần. Không phải là người trước đây.

Không phải là mẫu người tôi cảm thấy nên trở thành.

Không phải là người tôi muốn. Bạn chính là bạn.

Chấp nhận điều này có nghĩa là tôi tôn trọng bạn và cũng không cần bạn thay đổi.

Gần đây tôi bắt đầu định nghĩa lại thực chất về tình yêu, yêu ai đó như thể một hành động vị tha của con người, tự tạo nên những khoảng không để chấp nhận bản chất người yêu của mình.

Chân lý đầu tiên này (và các biến thể) cũng là chân lý cơ bản cho nền tảng xây dựng mối quan hệ giữa người với người.

Hiện thực chỉ có vậy.

Tôi chấp nhận bạn và bạn cũng chấp nhận tôi.

II. Chân lý quan trọng thứ hai tôi được biết thông qua một nhà thông thái đạo Hồi.

Không có gì tốt mà… miễn phí cả!

Từ chân lý này, tôi lại chiêm nghiệm ra hai điều.

Thứ nhất: Nếu tôi mong muốn có được điều gì tốt đẹp, tôi cần hiểu rằng mình sẽ phải trả giá cho điều tốt đẹp đó. Tuy nhiên, khoản phí phải trả không nhất thiết lúc nào cũng là tiền, mà nếu là tiền thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Có lúc tôi trả giá cao, có lúc chỉ là một khoản nhỏ, nhưng bao giờ cũng có. Bởi, thứ gì cũng có giá của nó cả.

Thứ hai: Tôi chợt nhận thấy những điều tôi được nhận lại từ xung quanh, những điều tốt đẹp tôi đang trải qua, nếu tôi đang sống trong sung sướng và hạnh phúc thì đó là vì tôi xứng đáng. Và vì tôi đã trả giá cho những điều đó.

(Quan điểm thứ hai tôi chủ yếu muốn động viên những người hay bi quan và cảnh tỉnh những kẻ vụ lợi. Bất kỳ điều tốt đẹp nào cũng được trả giá trước, và không khoản phí nào phát sinh sau khi điều tốt đẹp đó xuất hiện!!!).

Một vài người, khi nghe tôi nói về điều này, đã hỏi:

– Còn điều xấu thì sao?

– Vậy có phải chắc chắn là điều xấu cũng không được miễn phí?

– Khi có chuyện gì xấu xảy ra với tôi, thì không hẳn là do tôi đã làm điều gì sai trái, mà đây là một hình thức trừng phạt nào đó tôi đáng phải nhận, đúng thế không?

Có thể đúng. Tuy nhiên, điều tôi đang nói đến là những chân lý hiển nhiên, phổ quát và không có ngoại lệ. Với tôi, khái niệm “tôi đáng được nhận mọi thứ, kể cả những điều xấu” có vẻ không hoàn toàn đúng.

Tôi có thể chắc chắn là một vài người phải nhận lấy những việc tồi tệ và chúng làm họ tổn thương nặng nề, nhưng hiển nhiên, họ không đáng phải chịu những điều như vậy!!!

Tiếp nhận chân lý “Không có gì tốt mà miễn phí” là cách để ta loại trừ cái ý nghĩ thơ ngây rằng sẽ có ai đó cho chúng ta một điều tốt chỉ vì chúng ta muốn sở hữu nó, hay cuộc đời này sẽ bảo bọc chúng ta vì những điều chúng ta mong muốn, như một phép màu, một điều may mắn thuần khiết mà ta có được.

III. Và chân lý thứ ba, tôi có thể lấy đó để răn mình:

Tất nhiên, không ai có thể làm mọi thứ mình muốn, nhưng bất kỳ ai cũng có thể KHÔNG bao giờ làm điều mà họ KHÔNG muốn làm.

Cô đọng lại một chân lý:

Đừng bao giờ làm điều mà ta không muốn.

Tiếp nhận chân lý này, một lời khuyên rất thực tế, và sống với nó thật không phải dễ, tất nhiên là ngay chân lý đó cũng không hề miễn phí.

(Không có gì tốt mà miễn phí cả, như vậy thì điều đó mới tốt!)

Tôi đang nói đến việc đối với một người trưởng thành, như tôi chẳng hạn, thì chẳng ai có thể buộc tôi làm điều mà bản thân tôi không muốn. Bởi cái giá đắt nhất mà một người phải trả cho hành động của mình là cuộc đời của chính anh ta.

(Không phải tôi đang nói giảm đi cái giá phải trả cho một hành động, mà tôi đang nghĩ đến sự khác biệt giữa tư tưởng “tôi sẽ không thể làm được việc này” và “nếu làm việc này tôi sẽ trả giá bằng chính cuộc sống của mình”.)

Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, thường thì cái giá đó sẽ rẻ hơn rất nhiều. Tựu trung lại, điều cần thiết của chân lý này là cách con người hiểu khi nào nên từ chối những người ta thương yêu, những người tin tưởng, khen ngợi ta để làm một điều gì đó ta thực sự không muốn làm.

(Câu trả lời ‘Không’ tự nó cũng có một cái giá đấy. Đó là khi nói ‘Không’, ta sẽ có cơ hội thấy một vài khía cạnh mới của bạn bè: gáy, cổ, lưng, và tất cả những phần khác của một con người khi họ bỏ đi.)

Ba chân lý này tôi gọi đó là Chân lý – Núi, Chân lý – Sông, Chân lý – Sao.

Và, một khi đã là chân lý thì nó sẽ tồn tại vượt thời gian và hoàn cảnh sống.

Những quan điểm này không phải chỉ có tác dụng ở một vài thời điểm nhất định, mà đó chính là những điều cô đọng cho mọi phút giây trong sự sống mà chúng ta thường gọi là cuộc đời.

Chân lý – Núi… giúp ta xây dựng chính bản thân mình trên một nền tảng vững chắc.

Chân lý – Sông… giúp ta tưới mát sự khô cằn của tâm hồn và đắm mình trong chiều sâu tư tưởng, để tìm đến những chân trời mới.

Chân lý – Sao… giúp ta thấy rõ lối đi, dù ta có lạc trong bóng đêm đen tối…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.