Xử Thế Trí Tuệ Toàn Thư - Thuật Nói Chuyện

Chương 1: Sự Tuyệt Diệu Của Cách Dùng Đồng Âm Khác Nghĩa



Cuộc sống quanh ta thật rực rỡ sắc màu và ngôn ngữ được sinh ra từ thực tiễn cuộc sống cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng ta có thể dùng những ngôn ngữ khác nhau để biểu đạt những tư tưởng khác nhau, đồng thời cũng có thể sử dụng cùng một loại ngôn ngữ để biểu đạt những ngữ ý không giống nhau. Thí dụ chúng ta có thể lấy cách đọc gần giống hoặc giống nhau giữa các từ ngữ để hiểu lời nói của đối phương theo một cách khác hoặc có thể mượn tính đa nghĩa của ngôn ngữ để ngầm chỉ một ý nghĩa khác.



Trong cuộc sống và quan hệ giao thiệp với bạn bè, nếu chúng ta có thể vận dụng một cách hiệu quả kỹ xảo về đồng âm khác nghĩa của ngôn ngữ thì sẽ không chỉ làm cho ngôn ngữ của chúng ta trở nên sinh động, dạt dào cảm xúc mà còn có thể giúp giải quyết được rất nhiều vướng mắc lúng túng không đáng có, thắt chặt thêm tình hữu nghị và gặt hái được nhiều thành công mà bạn không ngờ tới trong cuộc sống cũng như trong công tác. 




Kính Nhất Đan khéo léo xin đề từ 



Ngày 7 tháng 10 năm x là một ngày rất đặc biệt đối với chuyên mục “Phỏng vấn toạ đàm về những vấn đề nóng hổi”. Buổi chiều ngày hôm đó, thủ tướng Chu Dung Cơ cùng với các nhà lãnh đạo sẽ tiến hành một cuộc toạ đàm với các biên tập viên, phóng viên của chuyên mục này. Trong buổi nói chuyện đó, thủ tướng Chu Dung Cơ đã tặng cho chuyên mục lời đề từ: “Giám sát dư luận, tiếng nói quần chúng, tai mắt chính phủ, tiên phong cải cách”. Mọi người đều biết rằng thủ tướng Chu Dung Cơ từ trước tới giờ rất ít khi ông tuỳ tiện viết đề từ những chuyên mục “Phỏng vấn toạ đàm về những vấn đề nóng hổi” lại có được lời đề từ của ông. Bạn có biết chuyên mục này làm thế nào để có được lời đề từ đó hay không?



Thì ra, trước hôm thủ tướng Chu Dung Cơ đi thị sát đài truyền hình trung ương một ngày, các vị lãnh đạo trong đài đã nói với Kính Nhất Đan, muốn cô khi thủ tướng tới thị sát phải nghĩ cách để có được lời đề từ của ông. Điều này đối với Kính Nhất Đan mà nói quả thực có đôi chút khó khăn. Cô băn khoăn suy nghĩ mình sẽ phải đưa ra lời thỉnh cầu này với thủ tướng như thế nào mới ổn đây? Ngày hôm sau, thủ tướng Chu Dung Cơ cùng với bộ trưởng bộ tuyên truyền Đinh Quan Căn tới thị sát đài truyền hình trung ương. Khi thủ tướng bước vào phòng quay của tổ chuyên mục “Phỏng vấn đàm thoại về những vấn đề nóng hổi”, mọi người đều đứng dậy vỗ tay đón chào ông. Bầu không khí bỗng chốc trở nên náo nhiệt, mọi người đều tranh nhau bắt chuyện với thủ tướng. Một vị biên đạo nói: “Trên người những vị có sức hấp dẫn đặc biệt thì luôn luôn có điện trường. Trước đây tôi đã được nghe người khác nói như vậy tôi thấy trên người ngài cũng có loại điện trường như vậy”. Thủ tướng Chu Dung Cơ chỉ cười mà không nói gì.



Bầu không khí trong phòng quay cũng trở nên náo nhiệt hơn. Kính Nhất Đan cảm thấy đây là một cơ hội ngàn năm có một, nếu mình không biết nắm bắt thì nó sẽ qua đi rất nhanh. vì vậy cô liền bước đến trước mặt thủ tướng và nói: “Thưa thủ tướng, số người đang đứng cạnh ngài trong phòng thu này ngày hôm nay chỉ là 1/10 số nhân viên của tổ chuyên mục chúng tôi thôi ạ”. Thủ tướng nghe vậy bèn hỏi: “Các đồng chí có nhiều người đến vậy sao?” Kính Nhất Đan đáp: “Thưa đúng vậy, bọn họ đại đa số đều đang đi phỏng vấn ở bên ngoài, vất vả không ít. Bọn họ cũng rất muốn đến đây, muốn có cơ hội được nói chuyện trực tiếp với thủ tướng nhưng bọn họ đã lấy công việc làm trọng vì thế mà hôm nay không thể đến đây được. Thủ tướng có thể để lại cho họ vài lời được không ạ?”. Kính Nhất Đan nói với giọng rất thành khẩn lại rất uyển chuyển. Sau đó cô cung kính đưa giấy và bút lên trước mặt thủ tướng. Thủ tướng Chu Dung Cơ nhìn cô một cái, ông mỉm cười rồi nhận lấy giấy bút vui vẻ đặt bút viết 16 chữ “Giám sát dư luận, tiếng nói quần chúng, tai mắt chính phủ, tiên phong cải cách”. Khi thủ tướng viết xong, toàn trường vang lên một tràng vỗ tay, đưa bầu không khí của chuyến thị sát lên cao trào.



Kính Nhất Đan đã hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo giao cho cô, qua phân tích lời nói của cô, chúng ta có thể thấy rằng Kính Nhất Đan là người có kỹ năng vận dụng ngôn ngữ rất tốt. Thứ nhất: bởi vì lời thỉnh cầu này không phải là của cá nhân cô mà cô lại có thể bạo gan đưa ra. Thứ hai: do Kính Nhất Đan biết rằng thủ tướng Chu Dung Cơ rất thích các phóng viên trẻ tuổi của chuyên mục này vì vậy cô đã vẽ ra cho thủ tướng một một cảnh tượng: Các phóng viên bôn ba tứ phương, lăn lộn đường xa, thậm chí phải gánh chịu cả những nguy hiểm đang rình rập để đi khắp nơi phỏng vấn, tìm hiểu dân tình, phản ánh tiếng nói của người dân, thực hiện nhiệm vụ giám sát dư luận cho xã hội nhưng trong lòng họ vẫn có một nguyện vọng đó là được gặp gỡ trò chuyện với thủ tướng. Họ đã vì sự nghiệp của chuyên mục mà không thể đến được, điều này đã khiến cho thủ tướng về mặt tình cảm mà nói không thể cự tuyệt lời thỉnh cầu rất hợp lý kia. Thứ 3 khi thủ tướng Chu Dung Cơ đã nhận lời để lại vài câu cho các phóng viên vắng mặt buổi hôm đó thì ông sẽ nhắn lại vài câu hay là dùng bút viết lên giấy để gửi lại? Điều này hoàn toàn dựa vào khả năng nắm bắt thời cơ của Kính Nhất Đan. Cô đã nhanh nhẹn lấy giấy và bút đưa cho thủ tướng làm cho thủ tướng Chu Dung Cơ trong bầu không khí sôi nổi như vậy không còn cách nào khác đã phải vui vẻ múa bút. 




Không phải là đang đánh vợ 



Trong một số trường hợp chúng ta đang sử dụng những ngôn ngữ khác nhau để biểu đạt những ngữ ý tương đồng thì hiệu quả lại có sự khác biệt. Có khi lời ở chỗ này mà ý lại ở chỗ khác khiến cho người khác phải vắt óc suy nghĩ. 

Có một cặp vợ chồng nọ, người vợ rất thích hát, nhưng chị ta lại hát rất dở, có nhiều lúc quấy nhiễu làm cho anh chồng không cách nào nghỉ ngơi được. Anh chồng đã nhiều lần khuyên vợ nhưng đều vô ích. Có một lần khi chị vợ đang hát, anh chồng liền vội vàng chạy ra đứng ở ngoài cửa. Chị vợ ngơ ngác không hiểu chuyện gì bèn hỏi: “Sao mỗi lần em hát anh đều chạy ra đứng ở ngoài cửa làm gì vậy” Anh chồng trả lời rằng: “Anh làm như vậy để cho hàng xóm biết rằng không phải anh đang đánh em”. Câu trả lời của anh ta nhìn bề ngoài có vẻ như là hỏi một đằng trả lời một nẻo nhưng kỳ thực anh ta đã áp dụng phép giương đông kích tây. Người vợ thoạt nghe xong, cũng chẳng hề để ý gì, thế nhưng sau khi hiểu ra thì lại dở khóc dở cười như thể vừa nuốt phải một con nhặng vậy. Ý nghĩa chính của câu nói này là nhằm châm biếm người vợ hát rất khó nghe, giọng của cô cứ như bị ai đánh đau mà la lên vậy. Câu trả lời như thế rõ ràng có hiệu quả thật thấm thía, đã nghe qua thì khó có thể quên được. 




Mỗi người đều có vật báu của riêng mình 



Trong “Tả truyện” năm thứ 15 đời vua Tương Công có ghi một đoạn: Ở một địa phương có một vị quan tên gọi Tử Hãn làm quan rất liêm khiết chính trực. Một hôm có một người cứ khăng khăng đòi đem viên ngọc thạch của mình dâng lên Tử Hãn, Tử Hãn không nhận. Người dâng ngọc nói: “Tất cả các thợ làm ngọc đều cho rằng đây là ngọc quý vì vậy tôi mới dâng lên ngài”. Tử Hãn trịnh trọng đáp: “Ta lấy sự liêm khiết làm đầu, ngươi coi ngọc là vật báu, nếu ngươi đem nó cho ta thì hai chúng ta đều bị mất đi vật báu, chi bằng mỗi người chúng ta hãy tự giữ lấy vật báu của mình”. Trong câu trả lời của mình, Tử Hãn đã khéo léo sử dụng chữ “bảo” (vật quý, vật báu) trong lời nói của người dâng ngọc, từ đó mà mở rộng ra và chuyển sang nói đến chữ “bảo” của mình – đó là sự thanh liêm. Cách nói của ông đã khiến cho hàm ý của chữ “bảo” được nâng lên ở một tầm cao hơn. Hai chữ “bảo” một thực một hư, lấy cái thực làm nổi bật cái hư, làm nổi bật bảo vật vô giá – sự thanh liêm. Sau khi nghe xong câu nói của ông, mọi người không chỉ cảm thấy kính trọng phong cách cao đẹp “thấy lợi chẳng tham” của ông mà còn khâm phục sát đất tài đối đáp của Tử Hãn. Lời nói của ông không giống như cách nói theo lễ tiết tầm thường của các vị quan đương thời, nó không chỉ thể hiện được cái tâm trong sáng như ngọc của ông mà còn có tác dụng giáo dục người khác có thể từ chối một cách khéo léo, thật khiến người ta vô cùng bái phục. 




Tiên sinh và hậu sinh 



Trước đây, có một vị tiên sinh không đứng đắn, ông ta nhìn thấy một thiếu phụ trên tay bế một đứa trẻ, còn trên lưng lại cõng một đứa trẻ khác thì trong lòng nảy ra một ý định đen tối, muốn chọc ghẹo thiếu phụ kia. Ông ta bèn hỏi: “Đại tẩu này, hai đứa con trai của chị, đứa nào là của tiên sinh?” Thiếu phụ thấy ông ta không có ý tốt bèn cười và đáp: “Tiên sinh hậu sinh đều là con trai của tôi”.



Vị tiên sinh không đứng đắn đã sử dụng đại từ nghi vấn đặc chỉ “đứa nào” để hỏi, muốn người thiếu phụ lựa chọn 1 trong 2 cách nói “đứa trẻ bế trên tay là con của tiên sinh” hoặc “đứa trẻ cõng trên lưng là của tiên sinh” để trả lời. Do từ “tiên sinh” mang 2 ý nghĩa: có thể chỉ bản thân người tiên sinh này (Đây chính là ý nghĩa mà ông ta muốn nói) hoặc mang nghĩa “được sinh ra trước”. Nếu thiếu phụ trả lời căn cứ vào phạm vi của đại từ nghi vấn “tiên sinh” ở trong câu thì cô sẽ bị trúng kế, mắc lỡm đến thảm hại. Tuy nhiên, cô lại không trả lời theo cách trên. ở đây cô đã tách phạm vi được xác định trong đại từ nghi vấn “đứa nào” ra để nói thành “tiên sinh hậu sinh đều là con của tôi”. Thiếu phụ đã áp dụng cách thay đổi chủ đề làm đòn phản công, khiến cho kẻ thích chọc ghẹo người khác bị một phen bẽ mặt. Đúng là gậy ông lại đập lưng ông. 




“Tiêu diệt phát xít” 



Có một lần, thủ tướng Chu ân Lai mở tiệc tiếp đón các vị đại sứ các nước Đông âu. Trên bàn tiệc, các vị khách đều tấm tắc khen ngợi các món ăn Trung Hoa, bầu không khí vô cùng thân mật và thắm thiết. Lúc đó, nhà bếp bưng ra một món ăn rất cầu kì và lạ mắt, các miếng măng trong đĩa được tỉa thành hình chữ “lạc”( vui vẻ) nhưng khi chúng bị lật nghiêng đi thì lại trở thành biểu tượng “chữ thập” của bọn phát xít. Các vị khách nước ngoài rất lấy làm lạ, hỏi: “Tại sao món ăn này lại có biểu tượng của phát xít vậy?”



Thủ tướng Chu ân Lai bèn giải thích: “Đây chính là biểu tượng của chữ “vạn”, cũng có nghĩa là ‘vạn sự như ý, phúc thọ an khang’, chính là một lời chúc tết lành của người dân Trung Quốc chúng tôi dành cho quý khách”.



Tiếp đó Chu ân Lai bèn gắp một miếng măng lên và nói: “ Nếu coi là biểu tượng của phát xít thì cũng được, mọi người chúng ta đang đấu tranh tiêu diệt phát xít, vậy thì cùng ăn hết chúng đi”.



Mọi người nghe thấy vậy liền cười ồ cả lên, bầu không khí càng thêm ấm cúng. Kết quả là số măng đó đã bị ăn hết sạch một cách ngon lành. 




Rơi đũa mà vẫn vui 



Có một lần, Tiểu Vương ăn cơm cùng với một vị giám đốc doanh nghiệp, vừa ăn vừa bàn bạc việc quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp. Trong lúc sơ ý, Tiểu Vương đã làm rơi mất đũa của vị khách, nhất thời cảm thấy có phần bối rối. Mọi người trong bàn ăn đều nhìn anh ta để xem anh xử trí ra sao. Tiểu Vương trong bụng rất lo lắng nhưng đúng là “cái khó ló cái khôn”, đã nhanh trí nói rằng: “Tôi xin được nói rõ, tôi ‘đánh rơi đũa’ cũng chính là chúc ông ‘vui vẻ’ bởi vì ‘đũa rơi’ cũng có nghĩa là ‘vui vẻ’ (trong tiếng Hán từ ‘đũa rơi’ phát âm gần giống với từ ‘vui vẻ’). Trong lần gặp mặt đầu tiên này, tôi muốn dùng một cách đặc biệt chúc ông vui vẻ để thể hiện tấm lòng của tôi và hy vọng rằng ông sẽ giao công việc quảng cáo sản phẩm cho tôi được không?”.



Vị khách kia nghe xong rất lấy làm thích thú mà trả lời rằng: “ Nói hay lắm, nói hay lắm”.



Mọi người xung quanh lại cười nói vui vẻ. Sau sự việc đó, một người bạn hỏi Tiểu Vương: “Nếu như có người làm rơi mất đũa của anh thì nên xử trí ra sao?”

 

Tiểu Vương chớp chớp mắt trả lời : “Điều này dễ thôi? Tôi sẽ nói: Rất cám ơn tấm lòng của anh. Đũa rơi cũng chính là vui vẻ. Anh muốn làm cho tôi vui nên đã dùng cách biểu đạt mới mẻ này, tôi rất lấy làm cảm kích”.



Bạn thấy đấy, lấy việc “đũa rơi” mà hiểu thành “vui vẻ”, việc đó không chỉ làm dịu đi sự căng thẳng mà Tiểu Vương còn nhân cơ hội này đã đạt được mục đích. Thật đúng là “Một mũi tên trúng hai đích”. 




Đời đời bình an 



Việc sử dụng những từ đồng âm hoặc có cách giải thích khác đi đối với một sự việc chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ có kết hợp khả năng vận dụng vốn ngôn ngữ khéo léo của bản thân với sự việc xảy ra trong thực tiễn. Điều này nhiều khi đem lại những kết quả bất ngờ và thú vị.



Đêm 30 tết, cả nhà quây quần cùng ngồi xem tivi. Cụ ông không cẩn thận làm rơi mất phích nước, chỉ nghe “bịch” một cái, ruột phích vỡ, nước chảy ra sàn nhà. Mọi người không ai nói gì cả nhưng cụ ông lại cảm thấy không vui vì cho rằng sang năm mới mà làm vỡ đồ thì sẽ gặp điều không may. Cô con dâu đã nhanh trí nói “Không hề gì, không hề gì, theo các cụ thì đây còn là việc tốt ấy chứ, như thế gọi là “đời đời bình an”. Hơn nữa, rơi bình nước cũng có nghĩa là nhà ta sẽ phải mua một chiếc bình mới to hơn, đẹp hơn, như thế cũng có nghĩa là nhà ta sẽ ngày càng phát đạt hơn”. Lời nói của cô con dâu đã giúp cụ ông vui vẻ trở lại. Thế là việc dùng những từ đồng âm để giải nghĩa khác đi bỗng chốc đã có thể làm thay đổi tính chất của vấn đề, làm cho vấn đề đó mang một ý nghĩa khác nữa, có thể làm ông cụ bớt phần lo lắng lại giúp cho cả nhà đón năm mới một cách vui vẻ. 




“Mất một được hai”



Lần đó, Tiểu Lý cùng mấy người bạn vừa ăn tối vừa bàn bạc việc mở công ty. Một người trong lúc nói chuyện đã làm rơi vỡ chén rượu. Mọi người đều tỏ ra lo lắng vì cho rằng công ty còn chưa thành lập thế mà đã “đổ vỡ” thế này thì thật không may. Lúc đó, Tiểu Lý đã nhanh trí nói “Mọi người đừng lo, đấy là việc tốt ấy chứ. Tục ngữ có câu: “Mất một để được hai”. Công ty của chúng ta sắp được thành lập, mấy ngày hôm nay tôi đang đi tìm cái gì đó để “mất” đây. Vừa hay hôm nay làm vỡ chén rượu, như vậy là công ty của chúng ta nhất định sẽ được thành lập, sẽ “được hai” và còn nhiều hơn nữa”. Mọi người nghe nói vậy cảm thấy rất vui. 




“Người bạn cũ của chúng ta” 



Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc đời mình đã tiếp đãi vô số các vị khách. Vì ông là một vị lãnh đạo tối cao, được nhiều người kính trọng nên người được tiếp kiến với ông thường có một tâm trạng thấp thỏm, không được tự nhiên. Mao Trạch Đông tính cách vốn cởi mở, ông thường có những câu nói hóm hỉnh làm phá tan bầu không khí căng thẳng.



Năm 1972 tổng thống Mỹ Nicxon thăm Trung Quốc đã có cuộc hội ngộ lịch sử với chủ tịch Mao Trạch Đông.



Quan hệ Trung – Mỹ đã có 20 năm không được mặn mà nên hai vị nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên gặp mặt không khỏi có phần ngại ngùng, lúng túng, thăm dò đối phương.



Tuy vậy, Mao Chủ Tịch sau khi nói chuyện hàn huyên với tổng thống Mỹ Nicxon đã nói “Người bạn cũ Tưởng Uỷ Viên Trưởng(Tưởng Giới Thạch) của chúng ta có lẽ sẽ không thích việc này đâu nhỉ”. Ông ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Kỳ thực, mối thân tình của chúng tôi với ông ấy (Tưởng Giới Thạch) đã có trước các ông từ lâu rồi kia”.



Câu nói này nhất thời đã làm cho bầu không khí nhẹ nhõm hơn. Những lời nói như “ Người bạn cũ của chúng ta”, “mối thân tình” đã biểu đạt được rất nhiều ý tứ, làm cho mọi người đều cảm thấy bớt căng thẳng. 




“Khổng Tử khuyên can” 



Trần Hầu cho xây một cái đài cao phải huy động rất nhiều nhân công. Đến ngày xây xong còn bắt thêm ba người nữa. Khổng Tử khi đó cũng đang dừng chân ở nước Trần. Trần Hầu bèn cho mời ông cùng lên đài thưởng lãm. Khổng Tử vốn không đồng tình với sở thích hao tiền tốn của này của Trần Hầu, đặc biệt là việc 3 người bị bắt đáng thương kia. Khổng Tử lên tới đài cao, quan sát một lượt rồi chắp tay cung kính nói với Trần Hầu rằng: “Đài này thật là đẹp, quân vương thật là sáng suốt”. Trần Hầu nghe nói vậy trong lòng cảm thấy vô cùng khoan khoái. Nhưng ngay sau đó, Khổng Tử đã đổi giọng nói rằng: “Từ xưa đến nay, các bậc thánh vương xây đài, không có ai không giết người mà xây được ngôi nhà đẹp như thế này”.



Trần Hầu lặng im một lúc, sau đó cũng hiểu ra ngụ ý của Khổng Tử, cảm thấy có phần hối hận bèn hạ lệnh tha tội cho ba người bị bắt kia. 




“Phải tranh luận mới hiểu được nhau”



Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đàm phán thường có cách nói chuyện khá thú vị. ông thường dùng những lời mở đầu nhiều khi có tính hài hước làm cho hai bên bớt căng thẳng và có thể bước vào đàm phán trong bầu không khí thân mật hơn.



Năm 1973, Điền Trung Giác Vinh đến thăm Trung Quốc đã cùng hội đàm với Chu ân Lai nhằm cải thiện mối quan hệ Trung – Nhật và tiến tới bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Sau đó, ông đã được tiếp kiến chủ tịch Mao Trạch Đông. Mao Chủ Tịch bất chợt hỏi Điền Trung và Chu ân Lai: “ Cuộc tranh luận của các ông đã kết thúc chưa?”, không đợi trả lời Mao Chủ Tịch lại nói: “ Tranh cãi là tốt cho các ông đấy vì không có tranh luận thì làm sao mà hiểu nhau hơn được?”.



Những câu nói này đều ngụ ý chỉ việc đàm phán giữa hai bên. Mới nghe thì có vẻ như những câu nói đùa nhưng nếu suy xét kỹ thì cũng ẩn chứa rất nhiều ý tứ. Những lời nói dễ nghe thường để lại trong lòng người khác những ý nghĩ tốt đẹp. Việc Mao Chủ Tịch gọi cuộc đàm phán cấp cao là “Tranh luận”, “ cãi cọ” đã phần nào giảm bớt tính căng thẳng, làm cho mọi người cảm thấy thân mật với nhau hơn. 




“Múa rìu qua mắt thợ” 



Vào năm 1931 , Hồ Thích Điền lúc đó là chủ tịch tỉnh Hồ Bắc đã mời Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Hoàng Kiến Trung và nhà địa chất học Lý Tứ Quang đến dự một buổi giao lưu tại trường trung học tỉnh Hồ Bắc.



Sau khi đọc lời phát biểu, ông Hồ đã mời các vị khách lên giao lưu. Vị Bộ trưởng với phong thái nho nhã, lịch sự của một nhà nho đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của hàng nghìn người có mặt trong hội trường ngày hôm đó. 

Câu chuyện của ông chủ yếu chỉ xoay quanh chủ đề của câu tục ngữ “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Ông nói, đây là một câu tục ngữ hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tại sao “nhai kỹ” lại có thể “no lâu”; “cày sâu” lại có thể “tốt lúa”. Chúng ta nên nhìn nhận sự thật, hiện tượng dưới con mắt của một nhà khoa học, phải dùng cách phân tích dựa trên cơ sở khoa học để nhìn nhận một vấn đề rồi đưa ra kết luận. Không nên chỉ răm rắp nghe theo lời của người xưa hoặc là nghi ngờ mà không dám làm theo. Đó cũng chính là tinh thần của một con người ham học tập.



Ông còn nói: “Tôi đứng trước ngài Lý Tứ Quang mà giảng giải về khoa học thì cũng như là đứng trước mặt Khổng Tử mà đọc “Tứ thư” vậy. Thật đúng là “múa rìu qua mắt thợ”. Thôi bây giờ xin mời “Khổng Tử” lên nói chuyện với các bạn học sinh”. (Ông vừa nói vừa đưa tay mời Lý Tứ Quang)”. Cả hội trưởng nghe thấy vậy đều cười vui vẻ. 




Chuyện kể về Lâm Đại Ngọc 



Trong giới nữ nhân Trung Hoa, Lâm Đại Ngọc nổi lên như một tài năng xuất chúng. Nàng vừa thông minh đĩnh ngộ, lại am hiểu văn chương, là một thi nhân được nhiều người biết đến. Có được vốn kiến thức sâu rộng, đương nhiên tài ăn nói của nàng cũng vô cùng sắc xảo bởi những lời nói uyên thâm ẩn chứa nhiều hàm ý thường xuất phát từ một tâm hồn sâu sắc và vốn kiến thức uyên thâm.



Nàng lúc thì rất thích châm chọc kẻ khác bằng lời nói đầy ẩn ý, lúc thì lại nói toàn lời hay ý đẹp, rung động lòng người. Có một lần, Bảo Ngọc nghe lời Bảo Thoa không uống rượu nguội. Điều này khiến cho một con người mẫn cảm như Đại Ngọc cảm thấy rất không bằng lòng. Vừa hay có người sai con hầu Tuyết Nhạn mang tới một cái lò sưởi nhỏ Đại Ngọc bèn nhân cơ hội này cười nói với Tuyết Nhạn rằng: “Thật là thiệt cho ngươi khi phải nghe lời kẻ khác. Những điều thường ngày ta nói, ngươi đều để ngoài tai. Tại sao những lời người khác nói, ngươi đều làm theo răm rắp vậy?”. Lời nói này chứa nhiều ẩn ý, mới nghe thì tưởng là nói với con hầu nhưng kỳ thực là nàng đang ám chỉ người khác. Rõ ràng là nói với Tuyết Nhạn nhưng lại ngụ ý chỉ Bảo Ngọc, lại cũng có ý trách Bảo Thoa nhưng vì là lời nói bóng gió nên Bảo Thoa cũng phải giả câm giả điếc làm ngơ. Đến Bảo Thoa cũng phải thốt lên rằng: “Con bé này cũng thật không vừa, làm cho người ta yêu không được, ghét cũng chẳng xong”.



Một lần khác, khi Bảo Ngọc đang chăm chú ngắm nhìn cánh tay trần trắng như tuyết của Bảo Thoa thì bị Đại Ngọc bắt gặp. Bảo Thoa bèn hỏi nàng tại sao lại đứng một mình trước ngưỡng cửa như vậy. Đại Ngọc cười đáp: “Chỉ vì em nghe thấy có tiếng kêu, chạy ra xem hoá ra là một con ‘chim ngốc’”. Bảo Thoa liền hỏi: “Chim ngốc ư? ở đâu vậy? Chị cũng muốn xem xem”. Đại Ngọc trả lời: “Khi em chạy ra chỉ nghe thấy nó vỗ cánh một tiếng rồi đã bay đi”. Nàng vừa nói vừa chỉ chiếc khăn tay về phía Bảo Ngọc. Ở đây, tác giả đã miêu tả thật sâu sắc và tinh tế tâm lý của người con gái. Khi gặp những chuyện không vừa ý, Đại Ngọc thường không dùng những lời lẽ cay nghiệt để phê phán mà hay dùng những hình ảnh ngụ ý để biểu lộ tình cảm của mình. Một mặt vừa giữ được thể diện cho Bảo Ngọc, mặt khác lại có thể bày tỏ thái độ của mình. Đại Ngọc thường hay nói những câu tưởng chừng như bâng quơ, vừa tự nhiên lại không để lộ ra chỗ sơ hở của mình. Con “chim ngốc” vừa ám chỉ Bảo Ngọc lại cũng ám chỉ cả Bảo Thoa.



Tào Tuyết Cần hao tâm khổ tứ suốt mười năm để xây dựng nên kiệt tác “Hồng Lâu Mộng” trong đó có Lâm Đại Ngọc với những câu chuyện thú vị về khả năng ứng đối, cách sử dụng ngôn ngữ tài tình đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. 




Tiền lương và tờ giấy 



Jack được tuyển làm giám đốc phòng sản xuất, anh áp dụng một số biện pháp mới để tăng năng suất, nên vừa làm việc trong công ty được 3 tháng, sản lượng đã tăng 30%. Jack vẫn áp dụng biện pháp mới, vài tháng sau, sản lượng lại tăng 10%. ông chủ rất vui, vỗ vai Jack nói: “Cậu làm việc rất cừ! Hãy tiếp tục cố gắng làm việc tốt hơn nhé?”

 

“Vâng, thưa ông” – Jack nói, “nhưng sao ông không cho những lời này vào phong bì tiền lương của cháu?”

 

“Nhất định tôi sẽ làm thế.” – ông chủ nói. Và quả thật ông ta đã giữ đúng lời hứa ấy.



Sang tháng sau, khi Jack nhận được phong bao tiền lương, Phát hiện bên trong có kèm theo một tờ giấy viết : “Anh làm rất tốt. Hãy tiếp tục cố gắng để thể hiện tốt hơn nữa”. 




Chính sách đà điểu 



Đại hội lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc năm 1971 đã khôi phục lại địa vị hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.



Kiều Quan Hoa được Mao Chủ Tịch cử dẫn đầu đoàn đại biểu tham gia đại hội. Tài hùng biện của ông ta tại các diễn đàn quốc tế đã mang lại niềm vinh dự cho nhân dân Trung Quốc, khiến toàn thế giới thấy được phong cách của một nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong chuyến bay tới dự đại hội, không biết từ đâu xuất hiện một nhóm các nhà báo nước ngoài, họ vừa chụp ảnh vừa quay phim, đồng thời liên tiếp đặt ra hàng loạt câu hỏi.



Đối mặt với tình huống bất ngờ như vậy, Kiều Quan Hoa rất bình tĩnh, từ tốn bắt đầu câu chuyện, điều đó giúp ông ta không bị hoang mang và không cứng nhắc khi nói chuyện. Đầu tiên ông ta chủ động mở đầu bằng cách nói vui với các nhà báo phương Tây : Có phải các vị từ trên trời bay xuống không đấy? Người Trung Quốc chúng tôi có một câu nói cổ gọi là “phiêu phiêu dục tiên”, bay lơ lửng trên trời chẳng phải là tự do tự tại sao? Nói xong cả Kiều Quan Hoa và các nhà báo đều bật cười.



Một nhà báo hỏi “Thưa ông Kiều, với tư cách là trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia đại hội lần thứ 26, ông có suy nghĩ gì về nghị quyết khôi phục lại địa vị của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc mà đại hội đã thông qua? Liệu ông có cảm thấy bất ngờ?”

 

Kiều Quan Hoa : “Tôi không hề thấy bất ngờ. Hãy dùng một thành ngữ Trung Quốc để nói về điều này, đó là: “Trăng đến rằm trăng tròn”. Một tổ chức lớn như Liên Hợp Quốc thì không thiếu một nước lớn như Trung Quốc. Có nước không áp dụng chính sách ngoại giao hiện thực chủ nghĩa mà sử dụng những chính sách gần giống như loài chim đà điểu : nó chui mình vào đống cát và nghĩ rằng đó là niềm vui cho bản thân, nhưng thực chất thì sao? Con đà điểu chui sâu vào đống cát thì càng cho thấy là nó không thông minh, phần hông vẫn bị hở ra ngoài”.



“Ông ám chỉ ai vậy .”

 

“Các vị đều là những người thông minh, có cần tôi phải nói rõ không?”

 

Cuộc nói chuyện diễn ra trong không khí vui vẻ hài hước và thân thiện khiến cho mọi người cảm thấy đó thực không phải là cuộc phỏng vấn hay một cuộc tranh luận. Chỉ điều đó thôi cũng đủ cho mọi người phải kính nể. 




Thể diện 



Khi chúng ta lâm vào những tình huống khó xử thì lúc đó hài hước là chất bôi trơn trong quan hệ giao tiếp, hãy đừng ngại nói vui đùa với họ. Nhà khoa học nổi tiếng Einstein là một người có tính hài hước. Một lần, có một cặp vợ chồng trẻ do ông ấy làm chủ hôn trước đấy mang con tới thăm ông. Đứa trẻ vừa nhìn thấy ông ta đã khóc oà lên khiến cho cặp vợ chồng này rất khó xử. Còn Einstein thì vui vẻ xoa đầu đứa bé nói : “Cháu là người đầu tiên trước mặt nói ra ấn tượng của cháu đối với ta”.



Câu đối đáp khéo léo, thẳng thắn và chân thành ấy vừa không làm cho chính nhà khoa học đó bị mất mặt, lại vừa giữ thể diện cho cặp vợ chồng đó. Không những thế, nó còn làm cho không khí cuộc nói chuyện sôi nổi hơn và mối quan hệ cũng hoà hợp thân thiện hơn. 




Có con lúc cuối đời 



Dùng một từ đồng thời mang cả hai nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng, thì cái mà người ta thường nhấn mạnh vẫn là hàm nghĩa ẩn chứa bên trong – nghĩa bóng. Từ ngữ thì như thế này nhưng ý nghĩa lại khác, hàm ý rất sâu sắc khiến cho người ta phải suy ngẫm, suy xét và liên tưởng.



Theo mục “ích lợi của nụ cười”, có một nhà nghiên cứu khi sắp 70 tuổi sinh một đứa con trai, đặt tên là “Niên Kỷ”, hàm ý là ông ta đã già rồi mà vẫn có con. Một năm sau lại sinh thêm một đứa con trai nữa, là một người được ăn học, ông đặt tên con là “Học Vấn”, hàm ý bản thân ông ta là một nhà nghiên cứu và có học vấn. Đến năm sau ông lại sinh thêm một đứa con trai thứ ba, nhà nghiên cứu tự giễu mình nói : không ngờ đến cái tuổi cổ lai hy mà vẫn có con, thật buồn cười! Do đó ông ta đặt tên con là “Tiếu Thoại”.



Khi các con trưởng thành, nhà nghiên cứu liền sai các con lên núi đốn củi. Sau đó ông ta hỏi vợ xem ai trong số ba đứa con đốn được nhiều? Bà vợ nói : “Niên Kỷ được một bó to, Học Vấn không được chút nào, còn Tiếu Thoại thì đốn được một gánh”. Ở đây bà vợ đã lợi dụng sự đồng âm để nói đến hai ý khác nhau nhằm châm biếm về sự cổ hủ của ông chồng.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.