Xử Thế Trí Tuệ Toàn Thư - Thuật Nói Chuyện
Chương 4: Phép Loại Suy Đối Ngẫu Thể Hiện Tác Dụng Thần Kì
Trong cuộc sống có rất nhiều sự việc có thể đem ra loại suy. Bạn có thể dùng phép loại suy đối ngẫu để nhấn mạnh cảm xúc. Bạn cũng có thể dùng phép so sánh đối lập để phân tích và chứng minh một quan điểm sai lệch hay để đối phó khi bạn bị người khác trêu ghẹo. Lúc bị chọc tức, bạn có thể dùng so sánh đối lập để quay phản kích hay để phản đối ý kiến của đối phương, không cần tranh luận đã thấy đối phương sai; bạn lại càng có thể dùng cách này để thuyết phục khách hàng nghe theo bạn …
“Bạn nên đến vườn Viên Minh.”
“Bạn nên đến vườn Viên Minh?” Những nơi hiện nay bạn đi thăm, Cố Nghi cũng đẹp, Bắc Hải cũng đẹp, Di Hoà Viên cũng đẹp… Tất cả đều mười phân vẹn mười, rực rỡ màu sắc, chỉ có vườn Viên Minh đã bị huỷ hoại vì bị cháy, giờ chỉ còn là di chỉ? Chỉ khi bạn đứng trên di chỉ này, bạn mới có thể cảm nhận được sự tủi hổ và tai hoạ mà dân tộc Trung Quốc phải chịu đựng. Cũng như bạn, một nhà văn đến Bắc Kinh không thể không đến thăm vườn Viên Minh vì ở đó có thơ, có văn, có thể tạo cảm xúc mãnh liệt. Khi một nhà văn nổi tiếng của Đài Loan là Quỳnh Giao đến Đại Lục, có một nhà báo nói chuyện qua điện thoại gợi ý bà đến thăm vườn Viên Minh. Tại đây, vị nhà báo này đã dùng thủ pháp so sánh đối lập để diễn tả lịch sử đau thương và tình cảm dân tộc thân thiết, tạo cho ngôn từ của anh ta một sức truyền cảm và chứa đầy tính trữ tình. Quỳnh Giao nói rằng: “Đây là những lí lẽ rất hay và có sức thuyết phục cao.”
Gia đình chúng ta rất giàu có phải không?
Cho dù hoàn cảnh gia đình bạn như thế nào, khi con cái hỏi bạn về của cải của bạn, câu trả lời của bạn nên là phủ định. Một chuyên gia giảng dạy về kinh tế chính trị cho học sinh Mỹ là Willierd nói rằng: “Cho dù gia tài của bạn rất lớn, bạn cũng không nên để con bạn nghĩ rằng có thể muốn gì được nấy hoặc có thể sang nhà hàng xóm khoe khoang. Nếu nhà bạn thiếu tiền, bạn cũng không nên để con cái lo lắng quá là không có nơi ăn chốn ở. Để thoả mãn sự hiếu kì của con trẻ về tình hình kinh tế nhà mình, bạn có thể nói cho bọn trẻ là gia đình bạn thuộc tầng lớp trung lưu, cũng có nhiều người nghèo hơn và cũng có nhiều người giàu hơn. Sau đó bạn tổng kết lại: “Chúng ta vừa có đủ tiền để mua cơm ăn, áo mặc và những thứ khác chúng ta cần.” Nên thông qua cách so sánh để dạy con trẻ trong thế giới tiền bạc có người tốt mà cũng có người xấu để chúng biết rằng: người giàu có không hẳn đã tốt hơn người nghèo khổ.
Trẻ con thường so sánh mình với các bạn khác. Đối với vấn đề này, bạn không nhất thiết phải tranh luận với con bạn là nhà ai giàu hơn, nhà ai tốt hơn. Bạn có thể khéo léo dẫn dắt câu chuyện sang việc thảo luận cách tiêu tiền của mỗi gia đình, nêu ra việc nhà bạn mỗi năm đi du lịch một lần hay bạn muốn dành tiền cho con cái bạn đi học đại học, vì thế mà bạn không chọn những chiếc xe hơi sang trọng hay những căn hộ rộng rãi.
Nếu thu nhập nhà bạn kém xa so với thu nhập nhà bạn của con bạn, bạn hãy thẳng thắn nói với con bạn là hoàn cảnh của mỗi người không giống nhau – như cả hai bố mẹ đều đi làm so với cả hai bố mẹ đều ở nhà thì việc kiếm tiền sẽ nhiều ít khác nhau và cách chi tiêu cũng khác nhau.
Tật lắm điều của các bà vợ.
Bà vợ ông Kiến Tài là Vu Tinh Hảo lúc đầu thì ngoan ngoãn vâng lời nhưng giờ lại rất lắm lời. Nếu cứ thế mãi sẽ gây phiền phức cho ông. Thế là, trong một tối khuya, ông mới rủ vợ đến nơi mà họ hẹn hò trước đây rồi nói với bà: “Này bà, trong cảnh tĩnh lặng, lãng mạn và êm ái này, bà có cảm thấy gì không?”
“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường, rất thoái mái và dễ chịu.” Bà nói.
“Tôi kể bà nghe câu chuyện được không? Eugenie, vợ của vua nước Pháp, Napoleon đệ tam là một cô gái có tật nói nhiều, cô ta có thể vì một chuyện không đâu mà nói liên hồi. Có lần, trước mặt khách khứa, cô ta trách móc Napoleon thế này không được, thế kia không được, không những làm cho Napoleon tức giận mà còn khiến ông vô cùng xấu hổ. Kết quả là cứ buổi tối, ông lại lén ra ra sau nhà để hẹn hò với một cô gái xinh đẹp khác, còn để kệ Eugenie.”
“Được rồi được rồi, ông đừng kể nữa, chẳng phải ông đang muốn dùng câu chuyện này để ám chỉ bệnh nói nhiều của tôi sao? Tôi xin nhận là có lúc như vậy.”
Và đúng như thế, bà vợ rất nhanh chóng bỏ được tật nói nhiều của mình.
Tên trộm và tên cướp
Ý nghĩa thực sự của chữ “biện luận” là ở chữ “biện”, khi con người chẳng có giao tiếp, mâu thuẫn thì chữ “biện” cũng không còn tồn tại nữa. Ở một chừng mực nào đó, sự cố gắng tranh luận chính là tập trung vào việc giải quyết mâu thuẫn. Khẩu khí của một đại biểu Quốc hội quan trọng là Ngô Nghi đã sớm được mọi người biết đến trong thời gian bà mới nhậm chức thứ trưởng bộ Thương mại. Có một lần, trong khi đàm phán với một nước phương Tây, đối phương mới nói rằng: “Chế độ bản quyền của nước bà rất không nghiêm, người ăn cắp bản quyền của chúng tôi há chẳng phải là tên ăn trộm sao?”
Ngô Nghi không chút do dự, thản nhiên đáp lại ngay: “Nếu cho rằng chúng tôi là tên trộm như vậy thì di chỉ vườn Viên Minh cho chúng ta thấy: Các ông mới chính là những tên cướp chính cống.”
Giằng co một hồi, Ngô Nghi bằng cách so sánh đối lập đã khiến cho đối phương há miệng mắc quai.
Dưới cái mũ có thứ đồ chơi gì?
Trong giao tiếp, có những lúc không vui vẻ vì bị người khác công kích là khó tránh khỏi, nếu bạn không muốn bị thua thiệt, bạn có thể tấn công lại đối phương bằng cách châm biếm. Muốn dùng được cách này, bạn cần phải lợi dụng một cách khéo léo, nhanh trí các sơ hở trong các câu chữ của đối phương mới có thể phản công lại sự khiêu khích ác ý và giải thoát cho bạn khỏi thế bí.
Anderson là một học sinh rất giản dị, chất phác, đã có lần đội mũ rách đi trên phố, gặp một người qua đường muốn trêu ghẹo cậu: “Thứ đồ chơi bọc bên ngoài cái đầu của cậu là gì vậy? Có thể gọi là mũ được không?”
Anderson liền đáp lại ngay một cách nhã nhặn: “Thế thứ đồ chơi dưới mũ của anh là gì vậy? Có thể gọi đó là cái đầu được không?”
Sự đối đáp nhanh trí của Anderson chính là dựa vào cách nói của đối phương để chế giễu đối phương, khiến người ngoài nghe thấy vô cùng khoái trá.
Đi mua xe tải bốn tấn.
Một cơ quan vốn đang cân nhắc mua một xe tải loại bốn tấn của một nhà máy nọ. Về, sau để giảm chi nên từ bỏ ý định đó, định mua xe tải loại hai tấn của một nhà máy khác Nhà máy ban đầu biết được, thấy mọi việc không ổn như thế, sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhà máy sau này nên đích thân ông giám đốc đã tìm đến ban lãnh đạo của cơ quan đó, tìm hiểu ngọn nguồn và thuyết phục cơ quan đó mua sản phẩm của nhà máy mình.
Vị giám đốc này quả nhiên không để các công nhân của mình thất vọng, đã thành công mĩ mãn. Nhờ khả năng ăn nói xuất sắc, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vận dụng cách so sánh, phân tích hợp tình, hợp lý cho đối phương nghe, khiến đối phương cảm động phải nghĩ lại.
Sau đây là cuộc nói chuyện giữa họ.
Giám đốc: Trọng lượng bình quân của phương tiện vận tải mà các ông muốn mua là bao nhiêu?
Bên mua: Rất khó nói, cứ cho là hai tấn đi!
Giám đốc: Có lúc nhiều có lúc ít đúng không?
Bên mua: Đúng vậy.
Giám đốc: Rốt cục thì loại xe tải các ngài cần, một mặt căn cứ vào số lượng, trọng lượng hàng hoá, một mặt cũng phải xem là đi trên loại đường nào, trong điều kiện nào, đúng không?
Bên mua: Đúng, nhưng mà.. ..
Giám đốc : Ví dụ các ngài đi trên những địa hình không bằng phẳng, hơn nữa lại đi vào mùa đông. Lúc này, áp lực mà động cơ của ô tô phải chịu sẽ lớn hơn so với mức bình thường, đúng không?
Bên mua: Đúng vậy.
Giám đốc: Theo những gì tôi biết, ở cơ quan các ngài, xe đi vào mùa đông nhiều hơn vào mùa hè có phải không?
Bên mua: Đúng vậy, việc kinh doanh của chúng tôi vào mùa hè không được chạy lắm nhưng vào mùa đông lại rất tốt .
Giám đốc: Vậy thì ý các ngài là như thế này rồi: Trong điều kiện bình thường chuyên chở hàng hoá sẽ cần xe loại hai tấn, còn vào mùa đông ô tô sẽ bị quá tải khi đi trên những địa hình gồ ghề.
Bên mua: Đúng vậy.
Giám đốc: Nhưng lúc đó lại đang là thời gian mà việc kinh doanh của các ngài bận rộn đúng không?
Bên mua: Đúng vậy, lại đứng vào mùa đông.
Giám đốc: Khi các ngài quyết định mua loại xe bao nhiêu mã lực, liệu có tính đến một khoản dư nhất định không?
Bên mua: Ý của ông là.. ..
Giám đốc: Về lâu dài mà nói thì yếu tố gì sẽ quyết định mua một chiếc ô tô đáng mua hay không đáng mua?
Bên mua: Vậy thì đương nhiên là phải xem xem nó có thể sử dụng thường xuyên trong bao lâu.
Giám đốc: Ngài nói tất cả đều đúng. Giờ hãy để tôi so sánh xem. Có một chiếc xe mã lực khá lớn, ít phải chở quá tải, còn một chiếc xe khác luôn phải chở quá tải, thậm chí phải chở như thế thường xuyên, vậy các ngài thấy loại nào tuổi thọ sẽ cao hơn?
Bên mua: Tất nhiên là chiếc xe có mã lực lớn hơn rồi.
Giám đốc: Lúc quyết định mua loại xe nào, các ngài chủ yếu xét đến tuổi thọ của nó đúng không?
Bên mua: Đúng, đều phải xem xét tới tuổi thọ và giá ca.
Giám đốc: Ở đây, tôi có một vài số liệu về hai loại xe này. Ngài có thể so sánh giá cả và hai tuổi thọ của xe qua những con số này.
Bên mua: Hãy để tôi xem nào.( tập trung xem các con số )
Giám đốc: Thế nào, các ông nghĩ thế nào?
Bên mua tự mình hoạch toán. Kết quả của cuộc nói chuyện là:
Bên mua: Nếu chúng tôi bỏ ra thêm 5 nghìn tệ, chúng tôi có thể mua được một chiếc xe sử dụng thêm 3 năm.
Giám đốc: Một cái xe trong một năm có thể thu được bao nhiêu doanh lợi?
Bên mua: ít nhất thì cũng phải 500000 hay 600000 tệ.
Giám đốc. Bỏ thêm 5 nghìn, trong ba năm thu thêm đến tiền vạn, còn không đáng sao? Ông nói xem có đúng không?
Bên mua: Đúng vậy.
Vị giám đốc nhà máy trong cuộc nói chuyện này đã lí giải từng bước một, cuối cùng bằng cách so sánh đã thuyết phục được bên mua và kí được hợp đồng.
Đóng tốt những vai khác nhau.
Tiểu Vương là một giáo viên tiểu học dạy môn ngữ văn, anh ta rất bất mãn với một số hiện tượng xã hội, hay kêu ca phàn nàn, thậm chí ngay cả trong giờ học, có lúc anh ta cũng bỏ cả nội dung bài giảng để kêu ca. Rõ ràng anh ta thiếu ý thức tâm lý cần phải có trong vai trò một người thầy giáo. Hiệu trưởng sau khi biết được việc nảy đã nói chuyện với Tiểu Vương một cách rất chân thành.
Hiệu trưởng nói: “Anh không có cảm tình với xã hội và bất mãn với sự đãi ngộ vật chất của nghề giáo viên, điều này có thể hiểu được. Cho dù trong lòng có bực tức, anh có thể trút giận vào tôi, chứ nhất định không được nổi cáu với ca thán trước học sinh. Bởi vì chúng ta là những người thầy, thiên chức của chúng ta là giảng dạy, giáo dục con người. Tâm hồn của trẻ em còn rất trong trắng, chân thật, anh bất mãn về xã hội thì tại sao lại không giảng cho các em học sinh rằng việc chấn hưng Tổ quốc là nhiệm vụ của thế hệ mới. Như vậy mới chính là một nhà giáo mẫu mực.”
Nghe xong những lời nói từ đáy lòng của thầy hiệu trưởng, Tiểu Vương hiểu rõ là một người thầy không được phép kêu ca phàn nàn, tâm lý bất mãn đó sẽ ảnh hưởng xấu đến các em học sinh. Từ đó không còn thấy Tiểu Vương có biểu hiện như vậy trong giờ học nữa.
Đàn ông sinh con
Thiếu phụ họ Xảo trong truyện dân gian lưu truyền ở Phúc Kiến là một người có tài ứng đối. Một lần, hòng chiếm đoạt tài sản của Sử Lão Hán, tên tri huyện đã cố ý đưa ra một điều kiện rất khó: Nội trong ba ngày phải đem nộp ba con trâu đực có chửa, nếu trái lời thì tài sản sẽ bị sung công. Xảo thiếu phụ đã an ủi bố chồng không nên khóc, đến khi đó sẽ có cách. Lão Hán liền chấp nhận yêu cầu của tri huyện.
Ba ngày sau, tri huyện đến nhà Sử Lão Hán, ra tiếp đón tri huyện lại là người con dâu. Hai người, một người hỏi, một người đáp như sau:
Tri huyện: Lão Hán đi đâu?
Người con dâu: Bố tôi đang ở nhà, không thể ra ngoài.
Tri huyện: Ông ta sợ không gặp tôi, phải chăng là muốn trốn?
Người con dâu: Đâu dám, bố tôi đang sinh con trong phòng.
Tri huyện: Láo, đàn ông làm sao sinh được con?
Người con dâu: Đàn ông không thể sinh con, vậy sao ngài lại bảo là trâu đực mang thai?
Có thể thấy rằng, đối với những lời nói hoang đường thì cơ bản không cần tranh cãi làm gì, mà hãy dùng ngay cái đạo của họ để trị họ, vừa hay lại vừa hữu dụng.
Lời cam đoan khi bầu tổng thống
Trong cuộc tranh luận, dùng những lời phản vấn để trực tiếp phản bác rất có hiệu lực, đặc biệt trong sự phối hợp với nhau thì hiệu quả càng cao.
Một lần, trong cuộc họp hội nghị quốc tế, một nhà ngoại giao phương Tây nói với vị đại biểu Trung Quốc với ý khiêu khích. “Nếu các ngài không hứa với nước Mỹ rằng không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, thì rõ ràng là không có thành ý giải quyết bằng biện pháp hoà bình.” Vị đại biểu Trung Quốc nghiêm nghị trả lời. “Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của nước chúng tôi, dùng hình thức gì để giải quyết là việc của nhân dân Trung Quốc. Không cần phải cam đoan với các nước khác. Xin hỏi: Lẽ nào các ngài bầu cử tổng thống cũng cần cam đoan gì đó với chúng tôi?”.
Vậy là, một câu phản vấn mà làm cho các nhân sĩ ngoại giao phương Tây không nói được điều gì nữa.
Người Trung Quốc trọng tình cảm
Năm 1985 , tổng giám đốc Nhiệm Truyền Tuấn của công ty công nghiệp sợi nhân tạo Nghi Chinh – Giang Tô khi đàm phán đòi công ty Jienma – Tây Đức bồi thường đã gặp rất nhiều khó khăn. Bên Trung Quốc đòi 11 triệu đồng Mác Đức, bên Đức chỉ đưa 3 triệu Mác Đức, khi hai bên vẫn chưa thống nhất, bên Trung Quốc đưa ra một lời đề nghị mời đối phương đi thăm quan Dương Châu. Tại chùa Đại Minh, Nhiệm Truyền Tuấn xúc động nói: “Đây là nơi tưởng niệm của một vị hoà thượng vì đạo Phật đã sáu lần đến xứ sở Phù Tang, bị mù cả hai mắt, ngày nay nhân dân hai nước Trung Nhật vẫn không quên được ông. Các ngài vẫn thường thấy lạ là vì sao người Nhật thường dễ dàng đầu tư vào Trung Quốc, một nguyên nhân rất quan trọng là người Nhật hiểu được tâm lý của người Trung Quốc và biết rằng Trung Quốc là một dân tộc trọng tình cảm, trọng nghĩa bạn bè.”
Những đại biểu bên phía Đức rất xúc động, khi trở lại bàn đàm phán đã thoả hiệp một cách vui vẻ.
Chỉ đắt hơn hai đồng
Ông Felliston, giám đốc một trong những công ty săm lốp lớn nhất nước Mỹ – công ty cao su săm lốp Nonstone – thời kỳ đầu lập nghiệp là một ông chủ làm kinh tế không gặp may mắn. Với tinh thần “điếc không sợ súng”, ông đã tìm đến ông hoàng xe hơi Ford, quảng cáo sản phẩm săm lốp mới của mình. “Thưa ngài Ford, nghe nói ngài đang chế tạo xe mới, tôi đem cho ngài một loại săm lốp cũng mới đây.”
“Anh biết đấy, đặc điểm loại xe mới này của tôi là giá rẻ,” ngài Ford cười nói, “không thể dùng loại săm tốt như thế này.”
Ông Felliston đã khôn khéo thuyết phục: “Tôi dám bảo đảm rằng nó rất phù hợp với loại xe mới của ngài. Loại sản phẩm mới này người khác chưa từng nhìn thấy bao giờ.”
Lời chào hàng rất mới lạ, dí dỏm này làm cho ngài Ford chú ý, kết quả thử nghiệm khiến ông ta rất hài lòng, nhưng giá lại hơi đắt. “Tôi nhất định một đồng cũng không giảm, cung cấp cho ông theo giá thành phẩm, loại săm lốp này so với loại trước chỉ đắt hơn hai đồng, mà với loại xe mới thì sẽ không ảnh hưởng lớn lắm.”
Lời nói khéo léo của ông Felliston hợp tình hợp lý, khiến người ta không thể không mua. Ngày loại xe mới của Ford lên ngôi cũng là ngày công ty cao su của Felliston bắt đầu phát triển. Hai người do đó mà trở thành bạn tốt của nhau.
Người đồ tể và mục sư đọc thư.
Mùa xuân 1935, Hồ Thích được hiệu trưởng Lý Yến Chủng, trường đại học sư phạm Bắc Bình và viện trưởng viện văn học Lê Miên Sáng mời làm giảng viên giảng về Thiền Tông trong Phật học cho sinh viên khoa văn trường đại học sư phạm Bắc Bình. Sau khi giới thiệu xong, Hồ Thích nói: “Hiệu trưởng Lý Yến, ngài Lê Miên Sáng lúc đầu hẹn tôi giảng một lần, hôm nay họ không thể không mời tôi giảng nhiều lần giảng giải hết về Thiền Tông. Chà, hôm nay tôi bị họ bóc lột nặng nề rồi.”
Câu nói đó làm cho cả lớp cười ồ lên. Không khí trở lên vui vẻ, đã mất đi cái không khí trầm mặc nghiêm trang, ông lại tiếp tục nói’ “Ngài Lý Miên Sáng muốn tôi kể cho các em nghe một câu chuyện như sau:
Có một thợ may già dành dụm được một số tiền cho con của ông ta lên học đại học ở Luân Đôn. Một lần con gửi thư về, ông ta không biết chữ đành phải nhờ anh đồ tể giết lợn hàng xóm đọc thư, anh đồ tể không biết nhiều, lấy tờ thư xem đi xem lại rồi nói với ông ta rằng: ‘Con của ông nói rằng, tiền ông gửi lần trước đã tiêu hết rồi, ông hãy gửi cho nó 20 đồng nữa.’ Người thợ may hỏi: ‘Con tôi nói không có cái gì?’ Anh đồ tể nói: ‘Cái gì cũng không có.’
Người thợ may trở về nhà càng nghĩ càng tức, trong lòng nghĩ: Ta làm mười mấy năm trời khổ cực may quần áo cho mọi người, ăn thì ít tiêu thì dè xẻn, không dễ dàng gì mà nuôi nó ăn học đại học, nó không biết tốt xấu lại còn bảo mình nhanh gởi cho nó 20 đồng, ngay cả một câu hỏi thăm an ủi cũng không có.Thật là phí công nuôi nó? Mình không gửi xem nó làm thế nào?’
Trong khi đang buồn bực thì một vị mục sư đến nhà ông ta may quần áo, hỏi ông ta sao lại bực bội. ông ta kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mục sư bảo ‘Đưa tôi xem lá thư.’
Mục sư đọc thư từ đầu đến cuối một lần rồi nói với thợ may rằng: ‘Con của bác viết thư rất hay, tôi đọc cho bác nghe.Trong lá thư viết rằng. “Bố kính mến! Gần đây con vẫn khoẻ. Bố hàng ngày vất vả, khó nhọc tiết kiệm ăn uống tiêu dùng không dễ kiếm ra tiền nhưng bố vẫn gửi cho con mọi thứ. Con rất không an lòng, chỉ biết cố gắng học tập thật giỏi, sau này sẽ báo đáp bố, mới đây con đã học một môn mới, cần phải mua một số sách và tạp chí để tham khảo, ngoài ra tiền ăn cuối tháng cũng đã trả rồi. Vì thế con muốn bố gửi cho con một ít tiền. Nếu như bố gửi được 10 đồng con rất cám ơn, nếu như 20 đồng con cảm ơn bố vô cùng.”
Người thợ may không tin, hỏi: ‘Chuyện có thật như vậy không?’
Mục sư nói: ‘Tôi đâu dám dối bác! Bác nghĩ xem mấy trang giấy mà viết tiền con tiêu đã hết, nhanh gửi cho con 20 đồng, chỉ có vài chữ đã hết thư sao?’
Bác thợ may hiểu ra, ông ta rất vui liền gửi cho con 20 đồng ngay lập tức.
Hồ Thích nói tiếp: “Cùng một lá thư, cách nói của hai người không giống nhau nên hiệu quả cũng không giống nhau. Hôm nay tôi đã kể cho các em nghe một câu chuyện là cũng giống như anh đồ tể đọc thư, tốt nhất là mời ngài Lê Miên Sáng làm mục sư kể cho các em nghe lại một lần”, cả hội trường lại ồ lên tiếng cười.
Sợ ngồi máy bay.
Mấy năm trước, ở nhiều nơi trên thế giới, đi máy bay thường xảy ra tai nạn, những người thường hay ra nước ngoài giảng dạy rất lo sợ.
Một hôm, khi đang mua vé máy bay ở công ty hàng không, có người đã nói đùa với nhân viên phục vụ rằng: “Máy bay thường xảy ra tai nạn, chẳng may tôi gặp tai nạn thì nguy quá. Tôi nghĩ mình sẽ tự lái xe, làm một chuyến giảng dạy đường dài thôi ?” Nhân viên phục vụ chẳng hề ngạc nhiên nói: “Thưa ông, việc máy bay xảy ra tai nạn là sự việc rất nghiêm trọng và không bình thường. Vì thế mà các du khách kinh hãi, thật sự tỷ lệ máy bay xảy ra còn ít hơn nhiều so với tỉ lệ trúng xổ số, còn chưa đến hai phần triệu.”
“Trúng sổ xố kỳ nào cũng có người trúng. Lẽ nào mỗi chuyến đều xảy ra một lần tai nạn?”
“Không thể thế được! Không thể thế được, mấy năm gần đây tỷ lệ máy bay xảy ra tai nạn là rất ít. Nói một cách chính xác là tỷ lệ máy bay xảy ra tai nạn không đến một phần tỷ.”
Anh ta giải thích một cách tự tin.
Lời giải thích của anh ta dùng những con số để chỉ sự so sánh khiến cho khách hàng bình tĩnh lại. Cảm giác không an toàn đã mất hẳn, sức mạnh của con số chính là đem đến cảm giác chân thật.
Làm việc không có tiền công.
Buster là một nhà nguỵ biện thời Hy Lạp cổ. Ông ta khua môi múa mép nói đen thành trắng, tự cho mình bằng lời nói có thể lừa thiên hạ.
Ông ta từng nói với một người bạn rằng: “Anh không mất đồ thì đồ vật này còn không?”. Sau khi có được câu trả lời khẳng định chắc chắn ông ta nói: “Anh không mất sừng trên đầu, như vậy trên đầu anh vẫn có sừng.” Người bạn không phục tranh cãi lại với ông ta, hai người tranh cãi cho đến tận nhà của Đại Công. Đại Công là một người thông minh, nói với Buster rằng: “Trong thành này, anh không mất cơ hội ngồi tù ở đây, vậy được thôi, xin mời anh ở đây thưởng thức ba ngày?”
Ông Buster trong lòng rất hận, tìm cách bãi công trong tù. Một hôm trời sắp nổi bão, Đại Công sai người đi thu hoạch ngũ cốc. Buster làm lề mề, kết quả là đống ngũ cốc của ông ta bị ướt hết cả, Đại Công quở trách ông ta, ông ta ngược lại nói rằng: “Một hạt ngũ cốc không phải là một đống ngũ cốc, thêm một hạt nữa cũng không thể trở thành một đống, cứ như vậy mỗi lần thêm một hạt đều không trở thành một đống ngũ cốc được. Do vậy mà từ trước đến nay đống ngũ cốc không tồn tại. Ngài sai tôi vận chuyển đống ngũ cốc này, tôi sao có thể làm được.” Đại Công cười nhạt, không nói không rằng phát tiền công ngày hôm đó, Buster không được đồng nào, đùng đùng nổi giận đến tìm Đại Công. Đại Công nói: “Một đồng không phải là tiền công của anh, thêm một đồng nữa cũng không phải là tiền công của anh, tiền công của anh thực ra không tồn tại.”
Vì thế, tiền công của Buster bị dùng đền bù cho đống ngũ cốc kia.
So bì trâu với dê.
Có một lần, Mạnh Tử đi gặp Tề Tuyên Vương đàm luận về đạo lý thống trị đất nước. Hai người đã có đoạn hội thoại sau:
Tề Tuyên Vương: “Như ta đây có thể làm cho cuộc sống nhân dân ổn định ấm no chăng?”
Mạnh Tử: “Có thể.”
Tề Tuyên Vương: “Vì sao?”
Mạnh Tử: “Thần thường nghe nói rằng: Đức vua ngồi trên ngai vàng. Có người mang con trâu đi qua dưới điện. Đức vua hỏi con trâu từ đâu đến. Bẩm báo rằng giết trâu để tế thần. Đức vua khuyên người dắt trâu rằng thả cho nó sống, bởi vì nhìn thấy con trâu run lẩy bẩy đáng thương không một chút tội lỗi mà lại bị tế thần thì thực ra trong lòng đức vua không nỡ giết nó. Người kia hỏi rằng có phải là không tế thần nữa? Đức vua nói rằng hãy thay con trâu này bằng con dê, không biết chuyện ấy có thật hay không? Với tấm lòng như vậy là có thể thống nhất thiên hạ. Dân chúng cho rằng Tề Tuyên Vương keo kiệt tiếc con trâu, thần thì đã sớm biết rằng đức vua không nhẫn tâm.”
Tề Tuyên Vương: “Đúng, dân chúng đa nghi như vậy đó nước Tề tuy không lớn nhưng chẳng lẽ ngay cả một con trâu cũng tiếc? Vì không nhẫn tâm nhìn thấy dáng vẻ run lẩy bẩy đáng thương của nó nên mới lấy dê thay thế trâu.”
Mạnh Tử: “Nhưng dân chúng nói đức vua là người keo kiệt bủn xỉn, ngài cũng không nên lấy làm lạ. Dê nhỏ, trâu to, dân cho rằng là tiếc rẻ con trâu, làm sao mà có thể hiểu được tình cảm sâu sắc của đức vua? Nếu thật sự thương hại con trâu không xử nó thì con dê cũng có khác gì đâu .”
Tề Tuyên Vương: “Điều này ta cũng không rõ lắm, xét cho cùng, ta không phải là kẻ bủn xỉn về tiền tài mà lấy con dê thay con trâu. Ông nói như vậy thì lời của dân chúng quả thực cũng có chút đạo lý.”
Mạnh Tử: “Thực ra cũng không sao. Sự không nhẫn tâm đó của đức vua chính là lòng nhân ái, còn vì sao lại có thể giết con dê ư? Bởi vì đức vua tận mắt trông thấy con trâu, chứ không trông thấy con dê đó. Người quân tử đối với những loài chim thú nếu đã nhìn thấy chúng thì sẽ không muốn nhẫn tâm giết chúng, nghe thấy tiếng chúng kêu than sẽ không nỡ ăn thịt chúng nữa, người quân tử xây nhà bếp ở xa chỗ mình, cũng chính là vì đạo lý này”.
Tề Tuyên Vương: “Ngài nói như vậy đã giúp ta hiểu thấu cả rồi.”
Như vậy, thông qua pháp phân tích mổ xẻ từng lớp, dùng phép suy lý phân tích vấn đề, không ngừng đi sâu vào lòng người, tiếp cận thực tế làm cho bản chất vấn đề bộc lộ ra một cách rất tự nhiên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.