Hồng Lâu Mộng
Hồi thứ nhất
Hồi thứ nhất này lả hồi mở đầu của cuốn sách(1).
Người làm sách xin nói: “Trải qua quãng đời mộng ảo, nên có ý giấu những việc thực, mượn chuyện “Hòn đá thiêng” mà viết ra bộ Thạch đầu ký này; vì vậy tôi đặt nhân vật của tôi là Chân Sĩ Ẩn…(2). Trong sách chép việc gì? Người nào? Người làm sách lại xin nói: “Nay tôi đã sống cuộc đời gió bụi, không làm nên trò trống gì. Chợt nghĩ đến những người con gái ngày trước cùng sống với tôi, so sánh kỹ lưỡng, thấy sự hiểu biết và việc làm của họ đều hơn tôi. Tôi đường đường là bậc tu mi, lại chịu kém bạn quần thoa, thực rất đáng thẹn! Bây giờ hối cũng vô ích, biết làm thế nào! Tôi nghĩ trước kia được ơntrời, nhờ tổ, mặc đẹp, ăn ngon, mà phụ công nuôi dạy của cha mẹ, trái lời răn bảo của thầy bạn, đến nỗi ngày nay một nghề không thành, nửa đời long đong, nên muốn đem những chuyện đó chép thành một bộ sách bày tỏ với mọi người. Tôi biết rằng mang tội rất nhiều. Nhưng trong khuê các còn biết bao người tài giỏi, tôi không thể nhất thiết mượn cớ ngu dại muốn che giấu lỗi mình, để cho họ bị mai một. Cho nên, đám cỏ lều tranh, giường tre bếp đất, cùng cảnh gió sớm trăng chiều, sân hoa thềm liễu, đều thúc giục tôi thực hiện lòng mong ước dúng bút mực viết ra lời. Dù tôi học ít, hạ bút không viết nên văn, tôi cũng chẳng ngại gì mượn lời nôm na thêu dệt bày tỏ ra đây câu chuyện để mua vui cho mọi người. Vì vậy tôi lại đặt nhân vật là Giả Vũ Thôn(3)…”. Đó là đầu đề và ý chính của hồi này. Mở đầu cuốn truyện, thấy câu phong trần mơ người đẹp, chắc ai cũng biết người viết sách vốn chỉ ghi chép những chuyện bạn bè, tình tứ trong khuê các, chứ không có ý chửi đời. Tuy có một vài chỗ nói đến nhân tình thế thái, nhưng đó là bất đắc dĩ, mong độc giả nhớ cho. Lẵng dẵng trên đời khéo khổ công,
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không.
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo,
Một giấc xưa nay rõ viển vông.
Vạt thắm nào riêng người đẫm lệ,
Tình ngây còn vướng hận ôm lòng.
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.
Độc giả! Các bạn bảo sách này do đâu mà ra? Nói nguồn gốc nó thì dáng như hoang đường; nhưng xem kỹ rất thú vị. Tôi xin kể rõ lai lịch để độc giả khỏi lầm:
Khi xưa Nữ Oa luyện đá vá trời(4) ở đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang, luyện được ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một viên, mỗi viên cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng. Nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại ở chân núi Thanh Ngạnh. Ngờ đâu viên đá này từ khi được luyện, đã có linh tính. Nhân thấy những viên đá khác được đem vá trời, còn mình vô tài, bị loại, nó rất tủi hận, ngày đêm kêu khóc buồn rầu.
Một hôm, nó đương than phiền chợt thấy một nhà sư, một đạo sĩ, cốt cách phong độ khác thường, cười cười nói nói, từ đàng xa đi đến bên núi Thanh Ngạnh, rồi ngồi bên hòn đá nói chuyên. Lúc đầu hai người còn nói những chuyện núi mây, bể mù, thần tiên, huyền ảo, sau nói đến vinh hoa phú quý dưới cõi hồng trần. Hòn đá nghe thấy, bất giác động lòng phàm tục, cũng muốn xuống đó hưởng mùi vinh hoa phú quý, nhưng thấy mình thô kệch càng thêm tủi phận. Sau bất đắc dĩ nó mượn tiếng người, cất giọng hỏi:
Thưa hai sư phụ! Đệ tử là vật ngu xuẩn xin thất lễ! Vừa qua nghe hai vị sư phụ nói chuyện về cảnh phồn hoa dưới trần gian, trong lòng đệ tử rất thầm mến, đệ tử tuy ngu xuẩn, nhưng cũng có chút linh tính. Vả lại thấy hai vị sư phụ có vẻ tiên phong đạo cốt, chắc chắn không phải hạng người tầm thường, nhất định có tài vá trời, cứu thế, có đực xót vật, thương người! Nếu được hai vị sư phụ mở lòng từ bi, mang đệ tử xuống cõi trần cho đệ tử hưởng ít năm giàu sang êm ấm, thì đệ tử xin đời đời kiếp kiếp ghi nhớ ơn sâu.
Nghe xong, hai vị sư, đạo cả cười:
Khéo thật! Khéo thật! Trong cõi hồng trần đành rằng có nhiều thú vị, nhưng không phải là nơi nương náu lâu dài. Huống chi “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan” tám chữ này thường đi liền với nhau. Rồi trong chớp mắt, vui hết đến buồn, người thay cảnh đổi, rút cuộc chỉ là giấc mộng, muôn cõi đều trở thành không! Như thế chẳng thà đừng xuống là hơn.
Nhưng lửa trần rực cháy trong lòng, thì dù có nới thế nào cũng khó mà lọt vào tai hòn đá được. Nó cứ kêu nài mãi. Hai vị sư biết không thể ngăn cản nổi, liền thở dài mà rằng:
Đây cũng là cái số kiếp tinh lắm muốn động, có là từ không mà ra đó thôi! Đã vậy, ta sẽ mang ngươi đi, cho ngươi hưởng thụ, nhưng khi bất như ý thì ngươi đừng hối. Hòn đá nói:
Tất nhiên! Tất nhiên!
Ngươi bảo ngươi có linh tính nhưng sao lại dại dột ngu ngốc thế? Thật là ngươi chẳng có quý báu, chẳng kỳ lạ ở chỗ nào cả, chỉ đáng dẫm chân lên thôi. Nhưng thôi, ta sẽ giở hết phép phật, giúp ngươi một tay. Khi nào mãn kiếp, ngươi trở lại bản chất của mình, thế là kết liễu số phận. Ngươi thấy thế nào?
Hòn đá nghe xong, cảm ơn không ngớt. Nhà sư liền niệm chú viết bùa, dở hết phép thuật, làm cho hòn đá kếch sù ấy phút chốc hóa ra viên ngọc báu trong sáng long lanh, thu hình lại nhỏ bằng viên ngọc đeo dưới dây quạt, có thể cầm hoặc đeo vào người được. Nhà sư nâng lên trên tay, cười nói:
Coi hình dáng ngươi thì cũng là vật báu đây, chỉ hiềm một nỗi không có giá trị thực; bây giờ ta khắc mấy chữ, để mọi người trông thấy, biết ngay ngươi là vật lạ. Ta sẽ mang ngươi đến một nơi thịnh vượng, một họ dòng dõi, một chốn phồn hoa, giàu sang êm ấm, cho ngươi được an thân lạc nghiệp.
Hòn đá mừng rỡ hỏi:
Không biết sư phụ viết vào những chữ gì? Và mang đi đâu? Dám xin sư phụ nói rõ để đệ tử khỏi áy náy.
Nhà sư cười nói:
Ngươi chớ hỏi vội, sau này sẽ biết.
Nói đoạn, nhà sư để hòn đá vào trong tay áo, cùng đạo sĩ phơi phới ra đi, không biết về hướng nào.
Trải qua không biết mấy đời mấy kiếp, có vị Không Không đạo nhân đi cầu tiên học đạo, qua đỉnh Vô Kê núi Đại Hoang, đến chân núi Thanh Ngạnh, chợt trông thấy một hòn đá lớn, trên mặt có khắc chữ kể rõ lai lịch. Không Không đạo nhân xem từ đầu
đến cuối, biết rằng nó là một hòn đá không đủ tài vá trời, muốn biến làm người, đã được hai vị Mang Mang đạo sĩ Diều Diều chân nhân đưa nó xuống trần nếm đủ mùi đời lạnh nhạt, tan hợp bi hoan. Mặt sau lại có một bài kệ: Tài đâu toan những vá trời,
Uổng công đày xuống cõi đời bấy lâu.
Từ kiếp trước đến kiếp sau.
Biết nhờ ai chép mấy câu truyền kỳ?
Sau đó, ghi rõ hòn đá này xuống đâu, đầu thai vào đâu, trải qua đoạn đường thế nào, cả đến những việc vụn vặt trong gia đình, tình từ, thơ tứ trong khuê các, đều chép đủ cả, xem ra cũng có thú vị đỡ buồn, nhưng không biết từ thời đại nào, ở địa phương nào và nước nào?
Không Không đạo nhân liền hỏi:
Này Thạch huynh, cứ như lời anh nói thì câu chuyện này của anh rất thú vị, nên mới viết rõ vào đây, muốn để lưu truyền việc lạ ấy cho đời. Nhưng ta xem, một là không biết vào thời đại nào, hai là đây không phải việc thiện chính của bậc đại hiền đại trung để sửa sang triều đình, chỉnh đốn phong tục, chẳng qua toàn là chuyện một vài người con gái kỳ quặc, hoặc là người đa tình, hoặc là người si tình, hoặc là người tài năng tầm thường, chứ không có cái tài cái đức của ả Thái, nàng Ban. Giả sử ta có sao lại, sợ người đời không xem thôi.
Hòn đá cười mà rằng:
Thưa sư phụ, sao người nghĩ lẩn thẩn thế Nếu bảo không có thời đại tra cứu, thì sư phụ cứ việc mượn niên hiệu đời Hán, đời Đường mà viết vào, có khó gì đâu. Nhưng tôi thiết tưởng những chuyện trong dã sử xưa nay đều theo một lối như nhau; sao bằng chuyện của tôi không theo khuôn sáo cũ, chỉ ghi chép những sự việc và tình cảm tôi đã trải qua, mới là mới mẻ ít có! Việc gì phải đòi hỏi cho có triều đại mới được kia chứ! Vả chăng những người tục ở nơi kẻ chợ rất ít đọc sách nói về đạo lý sửa sang triều đình, chỉnh đốn phong tục, phần đông chỉ thích xem những chuyện vụn vặt, lại có thu vị. Gẫm trong dã sử xưa nay, biết bao chuyện dân chê vua quan, hoặc là nói xấu vợ con người ta, đầy rẫy những gian dâm hung ác, kể sao cho xiết; lại còn những ngòi bút chỉ viết về chuyện gió trăng dâm dục xấu xa, di hại trong văn mặc, làm hư
hỏng cả con em người ta. Đến những sách nói về giai nhân tài tử, thì nghìn bộ đều tìl~o một khuôn sáo, đầy rẫy nhưng Phan An, Tử Kiến, Tây Tử, Vân Quân, đã thế rút cục vẫn không khỏi sa vào phù phiếm. Người làm sách chẳng qua muốn viết vài bài thơ tình của mình, nên đã cố ý đặt ra một đôi trai gái, rồi xen một thằng tiểu nhân vào quấy rối, ví như vai hề trong tấn tuồng. Lại có những bọn tòi đòi, mở miệng là chi hồ giả dã, hết đạo lý đến văn chương, cho nên nếu xem từ đầu đến cuối thì toàn là những việc mâu thuẫn nhau chẳng có gì là hợp tình hợp lý hết. Sao bằng mấy người con gái này mà nữa quảng đời tôi đã trông thấy, nghe thấy, tuy không dám ví với những người trong các sách thuở xưa, nhưng xem đầu đuôi câu chuyện, cũng có thể đỡ buồn. Lại có mấy bài thơ nhảm nhí, cũng có thể làm cho người đọc cười bật cơm ra và nhân vui uống thêm mấy chén rượu. Còn như những cảnh hợp tan vui buồn, thịnh suy và những cảnh ngộ thay đổi, từ đầu đến cuối đều theo sát sự thực không thêm bớt tô vẽ chút nào, không vì chiều lòng người đọc mà xuyên tạc sự thực. Hiện giờ người nghèo thì ngày lo cơm áo; kẻ giàu lại nảy lòng tham khôn cùng, rỗi mụt chút là họ nghĩ ngay đến dâm dục, sắc đẹp, giàu sang, sầu não, còn hơi nào đọc sách nữa. Vì vậy cuốn truyện của tôi cũng không muốn được đời khen ngợi và mọi người thích đọc. Chỉ mong khi tỉnh rượn, lúc tàn canh, hoặc khi họ muốn trốn đời, tìm đường tiêu khiển, họ đem truyện tôi ra xem, có lẽ tôi sẽ giúp họ đừng đeo đuổi những việc hão huyền cho tốn tuổi thọ, như thế tức là tránh được miệng thế khen chê, khỏi phải chạy vạy đây đó. Hơn nữa nó cũng khiến người đời đổi tầm con mắt, chứ không như những quyển sách này những lời sáo ngữ cũ rích gán ghép bừa bãi, nói toàn chuyện vụt gặp vụt tan, đầy rẫy nào là những tài nhân, thục nữ, nào là Tử Kiến, Văn Quân, Hồng Nương, Tiểu Ngọc…, ý sư phụ nghĩ thế nào?
Không Không đạo nhân nghe vậy, ngẫm nghĩ một lúc, rồi xem lại truyện ‘Thạch Đầu Ký” một lần nữa. Nhận thấy ở đây tuy cũng có những lời vạch kẻ gian, chê người nịnh, mắng người ác, diệt kẻ tà nhưng không có ý mỉa mai thời thế. Đến như những việc vua nhân, tôi trung, cha hiền, con hiếu, tức là tất cả nhưng chỗ quan hệ đến luân thường, thì đều một mực ca ngợi công đức, thực không có sách nào sánh kịp. Trong đó, chủ ý tuy nói về tình, nhưng chẳng qua là chép việc thực, chứ không một chút bịa đặt như những sách thiên về dâm tình hò hẹn, thề thốt riêng tây. Đạo nhân thấy nó
không dính dáng đến thời thế, mới chép từ đầu đến cuối để truyền câu chuyện kỳ lạ này cho mọi người. Vì đạo nhân thấy “sắc” là do “không” mà ra, rồi “tình” lại do “sắc” mà có, “tình” biểu hiện qua “sắc” rồi lại từ “sắc” trở về “không”(5) cho nên đổi tên mình là Tình Tăng, đổi tên Thạch đầu ký là Tình Tăng lục. Khổng Mai Khê ở Đông Lỗ đề là Phong nguyệt báo giám(6).
Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong hiện Điệu hồng, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là Kim lăng thập nhị hoa, và đề một bài thơ:
Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhượng chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong ?
Nguồn gốc truyện Thạch đầu ký đã nói rõ rồi, bây giờ xem trên mặt hòn đá, chép những việc gì?
Trên mặt hòn đá chép: khi ấy đất thủng về phía đông nam(7), phía ấy là đất Cô Tô, có thành Xương Môn là chỗ ở của các nhà phú quý phong lưu vào bực bậc nhất nhì trên đời. Ngoài cửa Xương Môn có đất Thập Lý, trong phố có ngõ Nhân Thanh, trong ngõ có tòa miếu cổ, vì địa thế chật hẹp, người ta đều gọi là “miếu Hồ Lô”. Cạnh miếu có một nhà hương hoạn(8) họ Chân tên Phí, tên chữ là Sĩ Ẩn, vợ họ Phong tính tình hiền hậu, hiểu biết lễ nghĩa. Nhà này không giàu sang lắm, nhưng người ở trong vùng vẫn cho là một họ có danh vọng, Chân Sĩ Ẩn tính tình điềm đạm, không thích công danh, hàng ngày chỉ lấy ngắm hoa, trồng cúc, uống rượu ngâm thơ làm vui; nhưng hiềm một nỗi là tuổi đã năm mươi mà chưa có con trai, chỉ cớ mỗi một mụn gái tên là Anh Liên mới lên ba tuổi.
Một hôm giữa lúc mùa hạ ngày dài, Sĩ Ẩn ngôi rỗi trong thư phòng, mỏi tay buông sách, ngủ gục xuống ghế. Trong khi mơ màng, thấy mình đi đến một chỗ không biết địa phương nào. Chợt gặp một nhà sư, một đạo sĩ, vừa đi vừa nói chuyện. Đạo sĩ hỏi:
Ông mang vật xuẩn ngốc ấy đi đâu? Nhà sư cười:
Ông cứ yên tâm. Hiện giờ có một cái án phong lưu cần phải chấm dứt. Nhân dịp có một bọn oan gia phong lưu sắp sửa đầu thai xuống trần, tôi bỏ nó vào đây để nó hóa kiếp làm người.
Thế ra sẽ có bọn oan gia phong lưu đổi kiếp xuống trần. Nhưng không biết xuống đâu?
Việc này nói ra thì buồn cười lắm. Thật là câu chuyện nghìn xưa ít thấy. Chỉ vì bên bờ sông Linh Bà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh(9) có một cây Giáng Châu được Thần Anh(10) làm chức chầu chực ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận(11) đói thì ăn quả “Mật Thanh”(12) khát thì uống nước bể “quán sầu”(13).
Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc míu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp “ảo duyên”, nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh ảo ghi sổ. Cảnh ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”. Vì thế dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần, để kết liễu án đó.
Việc này lạ thật! Xưa nay chưa từng nghe thấy chuyện trả nợ bằng nước mắt bao giờ. Nghĩ lại chuyện này thật phiền phức, tế nhị hơn các chuyện trăng gió trước kia nhiều.
Xưa nay những nhân vật phong lưu chẳng qua chỉ để lại một chút gì rất ít với một số thơ từ mà thôi. Còn những chuyện ăn uống trong gia đình, trong khuê các thì không bao giờ ghi chép đầy đủ; hơn nữa, những chuyện gió trăng, phần nhiều chỉ là “trộm hương cắp ngọc, hò hẹn riêng tây” mà thôi, chưa hề nói đến chân tình của người con gái. Tưởng lũ người này xuống trần, thì những bọn si tình, hám sắc, hiền ngu bất tiếu ở đây, khác hẳn các truyện trước để lại.
Gặp dịp này, sao chúng ta không xuống trần siêu độ cho mấy kẻ ấy, chẳng phải là
một việc công đức hay sao?
Điều ông nói chính hợp ý tôi, chúng ta hãy đem vật xuẩn ngốc này đến cung vị tiên Cảnh ảo để giao dứt khoát. Chờ cho bọn quỷ nghiệt phong lưu xuống trần hết đã, tôi với ông hãy xuống. Bây giờ chúng mới xuống có một nửa thôi, và tất cả vẫn chưa nhóm họp lại.
Đã thế tôi sẽ cúng đi theo ông.
Chân Sĩ Ẩn nghe rõ ràng câu chuyện không biết “vật xuẩn ngốc” là gì, bèn đến chào hỏi:
Xin kính chào hai vị. Hai vị tăng, đạo đáp lễ lại. Sĩ ân lại nói:
Vừa rồi đệ tử được hai vị nói chuyện nhân quả, một chuyện mà người trần ít khi được nghe. Đệ tử ngu dốt, không hiểu thấu mấy; nếu được hai vị dạy bảo, mở lòng ngu muội, đệ tử xin lắng nghe, được cảnh tỉnh đôi chút, họa may có thể thoát khỏi nỗi khổ trầm luân chăng.
Hai vị cười :
Đó là cơ trời, không thể tiết lộ được. Cứ đến lúc đó mà không quên hai chúng ta, thì người có thể thoát khỏi hố lửa(14).
Sĩ Ẩn nghe thế, không tiện hỏi lại, nhân cười nói:
Tuy cơ trời không thể tiết lộ, nhưng vừa rồi các vị nói “cái vật xuẩn ngốc” ấy, đệ tử không biết là cái gì, có thể xem được không?
Nhà sư nói:
Nhà ngươi nhắc đến vật ấy, thế là có duyên gặp nó đấy!
Nói đoạn, đem hòn đá ra cho Sĩ An xem.
Sĩ Ẩn cầm xem, một hòn ngọc sáng đẹp, mặt trên khắc rõ bốn chữ: Thông linh bảo ngọc. Mặt sau có mấy hàng chữ nhỏ. Sĩ Ẩn đương muốn xem kỹ, thì nhà sư bảo ngay: “Đã đến ảo Cảnh rồi” và giật ngay lấy hòn đá, cùng đạo sĩ đến một tòa nhà bia lớn, trước mặt có đề bốn chữ: Thái hư ảo cảnh; hai bên lại có đôi câu đối: Giả bảo là chân, chân cũng giả,
Không làm ra có, có rồi không.
Sĩ Ẩn đang muốn cất bước đi theo, chợt một tiếng sét dữ dội như núi lở đất sụp. Sĩ Ẩn kêu lên một tiếng, mở choàng mắt ra, chỉ thấy trời nắng chang chang, rặng chuối phơ phất, những việc trong mộng đã quên mất một nửa. Lại thấy vú già ẵm Anh Liên đến. Nhìn đứa con gái mặt mày tươi đẹp, ngoan ngoãn đáng mừng. Sĩ Ẩn giơ tay bế vào lòng, đùa với nó một lúc rồi ẵm ra ngoài phố xem người qua lại nhộn nhịp. Khi sắp đi về thấy một nhà sư, một đạo sĩ đi lại. Nhà sư đầu chốc, đi đất, đạo sĩ chân khiễng, tóc bù đang cười cười nói nói, như dại như điên. Đến trước cửa, trông thấy Sĩ Ẩn ẵm Anh Liên, nhà sư khóc to lên:
Thí chủ! Con bé này có mệnh không có vận, làm lụy đến cha mẹ, thí chủ ẵm nó làm gì?
Sĩ Ẩn nghe nói, cho là rồ dại không thêm chấp. Nhà sư thấy thế lại nói:
Thí chủ cho tôi cho! Thí chủ cho tôi cho! .
Sĩ Ẩn khó chịu, ẵm ngay con toan quay vào nhà. Nhà sư trỏ vào Sĩ Ẩn cười ồ lên, rồi đọc ngay bốn câu:
Chú ngốc nuông con khéo nực cười,
Gương lăng(15) luống để tuyết pha phôi,
Nguyên tiêu(16) đêm ấy coi chừng đấy,
Lửa khói tan tành sắp tới nơi.
Sĩ Ẩn nghe nói, trong lòng do dự, muốn đến hỏi lai lịch, thì đạo sĩ đã bảo vị sư:
Chúng ta không cần cùng đi một đường, hãy tạm chia tay, mỗi người mỗi việc. Ba kiếp sau, tôi chờ ông ở núi Bắc Mang, chúng ta sẽ lại họp mặt, rồi đến Thái Hư Cảnh Ao xóa sổ để kết thúc chuyện này.
Nhà sư nói:
Hay lắm! Hay lắm!
Nói xong, thoáng một cái, hai ngươi mất hút, không thấy đâu nữa. Sĩ Ẩn nghĩ bụng: “Hai người này tất có lai lịch, đáng lẽ ta nên hỏi rõ mới phải, bây giờ ăn năn cũng muộn rồi”.
Sĩ Ẩn đương lúc vẩn vơ suy nghĩ, chợt trông thấy một nhà nho nghèo, ở trọ trong miếu Hồ Lô, bên cạnh nhà mình, họ Giả tên Hóa, tên chữ là Thời Phi, biệt hiệu Vũ Thôn, đi đến. Giả Vũ Thôn người Hồ Châu, vốn dòng thi thư thế hoạn, nhưng vì sinh
vào lúc cảnh nhà sa sút, của hết người hiếm, chỉ còn trơ trọi một mình. Ở nhà cũng vô ích, Vũ Thôn lên kinh mong lập công danh, dựng lại cơ nghiệp. Hắn đến đây tự năm ngoái, nhưng vì túng thiếu nên đành ở tạm trong miếu, hàng ngày bán chữ viết văn để sống, bởi thế Sĩ Ẩn thường cùng hắn đi lại chơi bời. Vũ Thôn trông thấy Sĩ Ẩn, vội vàng chào hỏi:
Tiên sinh đứng ngóng gì đấy, chắc ngoài phố có cái gì mới lạ? Si ẩn cười đáp:
Chẳng có gì, chỉ vì cháu khóc, tôi mang nó ra đây. Đúng lúc buồn, lại gặp tôn huynh đến, xin mời vào chơi, chúng ta nói chuyện tiêu khiển cho hết quãng ngày dài dằng dặc này.
Sĩ Ẩn sai người ẵm con đi, rồi dắt tay Vũ Thôn vào thư phòng, gọi tiểu đồng pha trả. Hai người vừa mới nói chuyện được dăm ba câu thì có người nhà vào báo:
Có cụ Nghiêm tới chơi.
Xin tôn huynh thứ lỗi, hãy tạm ngồi chơi, tôi đi ra rồi sẽ trở lại ngay. Vũ Thôn cũng đứng dậy, khiêm tốn nói:
Xin tiên sinh cứ tự tiện, tôi đến chơi luôn, có chờ một phút cũng chẳng sao. Nói xong Sĩ An đi ra.
Vũ Thôn ngồi buồn, giở sách ra xem, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng người con gái ho. Vũ Thôn đứng dậy nhìn ra, thấy một a hoàn đương hái hoa, dáng điệu thanh nhã, mặt mày tươi tắn, tuy không đẹp lắm, nhưng có một vài nét làm người ta xiêu lòng. Vũ Thôn bất giác đứng ngây người ra. A hoàn hái hoa xong, sắp đi, bỗng ngẩng đầu lên trông thấy có người đứng trong cửa sổ, áo cũ khăn rách, tuy có vẻ nghèo, nhưng lưng tròn, vai rộng, mặt to, miệng vuông, lông mày sắc; đôi mắt sáng, mũi thẳng, má nở. Nó vội quay mình lánh đi, nghĩ bụng: “Ngươi này dáng điệu oai vệ sao lại ăn mặc lam lũ như vậy? Có lẽ là ông Giả Vũ Thôn mà chủ ta thường nhắc đến chăng? Chủ ta vẫn có ý muốn giúp đỡ ông ta, nhưng chưa có dịp. Những khách quen nhà ta không có ai nghèo túng cả. Nhất định là hắn, chứ chẳng còn ai. Thảo nào chủ ta thường nói ông này không phải là người chịu khổ mãi”. Nghĩ thế, tự nhiên nó lại quay đầu lại nhìn. Vũ Thôn thấy a hoàn ngoảnh lại, cho là nàng có ý với mình, vui mừng khôn xiết, nghĩ
bụng: “Người con gái này có mắt tinh đời, quả là người tri kỷ trong lúc phong trần”. Một lúc tiểu đồng đi vào, Vũ Thôn mới biết ngoài nhà giữ khách lại ăn cơm. Hắn không chờ được, bèn theo đường bên cạnh đi ra. Sĩ Ẩn thết khách xong, biết Vũ Thôn đã về rồi, cũng không tiện cho đi mời nữa.
Một hôm vào tiết Trung Thu, ăn tiệc xong, Sĩ Ẩn sai dọn một tiệc nữa ở thư phòng, rồi tự mình dưới bóng trăng đến miếu mời Vũ Thôn.
Từ ngày Vũ Thôn thấy a hoàn nhà họ Chân nhìn mình mấy lần, cho lâ tri kỷ, nên lúc
nào cũng mơ tưởng đến. Nhân gặp tiết Trung thu, ngắm trăng nhớ đến người, Vũ
Thôn ngâm một bài thơ ngũ ngôn:
Ba sinh chưa thỏa nguyện,
Tấc dạ những thêm sầu.
Buồn quá hay ủ mặt,
Đi qua thường ngoái đầu.
Trước gió riêng nhìn bóng,
Dưới trăng ai bạn bầu ?
Chị Nguyệt hay chăng tá ?
Mời lên chốn ngọc lâu.
Vũ Thôn ngâm xong, nghĩ mình bình sinh có chí khí lớn, nhưng chưa gặp thời, liền ngửa mặt lên trời, gãi đầu than thở, ngâm to một câu: Ngọc giấu đáy hòm chờ giá bán
Thoa nằm trong hộp đợi thời bay.
Sĩ Ẩn đi đến, nghe thấy, cười nói:
Tôn huynh thực có chí khí hơn người? Vũ Thôn vội cười đáp:
Không dám! Chợt ngâm câu thơ cổ, cớ đâu dám ngông cuồng đến thế! Và hỏi lại:
Tiên sinh cao hứng gì mà đến đây?
Đêm nay tiết Trung thu, tục thường gọi tiết đoan viên. Nghĩ đến tôn huynh trọ ở chốn tăng phòng, có lẽ cũng hiu quạnh, cho nên tôi có bày riêng một tiệc mời tôn huynh sang bên nhà thưởng trăng, không biết tôn huynh có chiếu cố cho không
Vũ Thôn nhận lời ngay, cười nói:
Được, tiên sinh quá yêu, tiểu đệ đâu dám trái ý. Vũ Thôn liền theo Sĩ Ẩn về thư phòng.
Hai người uống nước trà xong. Một chốc, tiệc bày ra, rượu ngon, thức nhắm tốt, không cần phải nói. Hai người lúc đầu còn uống thong thả, sau dần trò chuyện cao hứng, thi nhau chuốc chén. Bấy giờ ngoài phố nhà nào nhà nấy đàn sáo ca hát. Vừng trăng vằng vặc, sáng tỏ giữa trời. Hai người càng hào hứng, rót đến đâu cạn đến đấy. Vũ Thôn lúc này đã ngà ngà say, không giữ nổi cuồng hứng, trông trăng ngụ ý ngâm một bài:
Đêm rằm gặp buổi đoàn loan,
Sáng trong, dõi khắp lan can phía ngoài. Vừng trăng vừa ló trên trời.
Duới trần ngửa mặt muôn người ngắm trông. Sĩ Ẩn nghe rồi nói to:
Hay lắm ! Tôi thường nói tôn huynh không phải là người tầm thường. Nay ngâm câu này, tất phải có triệu chứng bay nhảy, chả mấy ngày nữa sẽ nhẹ bước thang mây. Đáng mừng! Đáng mừng!
Rồi tự tay rót một chân rượu chúc mừng. Vũ Thôn uống cạn, than rằng:
Không phải vãn sinh say rượu nói ngông đâu. Về lối học khoa cử, vãn sinh cũng có thể dự tên trên bảng. Chỉ vì hiện nay thiếu tiền lộ phi, không xoay vào đâu được. Đường vào kinh thì xa, nếu chỉ nhờ vào tiền bán chữ, viết văn, không thể đủ được?
Sĩ Ẩn không đợi nói hết, ngắt lời ngay:
Sao tôn huynh không nói trước? Tôi vẫn có ý ấy, không thấy tôn huynh nói đến, nên tôi không dám đường đột. Tôi tuy bất tài cũng có thể hiểu được hai chữ nghĩa và lợi. Sang năm có khoa thi, tôn huynh nên lên kinh thi ngay. Một khi bảng xuân cao chiếm, mới khỏi phụ tài học của mình. Còn tiền lộ phí, tôi xin thu xếp hộ, không dám làm phụ lòng tin yêu của huynh đối với tôi
Liền sai tiểu đồng vào lấy năm mươi lạng bạc và hai bộ quần áo rét ra, đưa cho Vũ Thôn. Sĩ Ẩn lại nói:
Ngày 19 là ngày hoàng đạo, tôn huynh nên đáp thuyền đi ngay. Chờ khi cánh hồng bay bổng, mùa đông năm sau chúng ta sẽ lại gặp nhau, há không phải là một việc rất
vui sướng hay sao?
Vũ Thôn liền nhận tiền và áo, chỉ cám ơn một lời, rồi cứ uống rượu, cười nói tự nhiên, đến canh ba mới tan tiệc.
Sĩ Ẩn tiễn Vũ Thôn về rồi vào buồng ngủ một mạch, khi mặt trời lên ba con sào mới dậy. Nhân nghĩ việc đêm qua, Sĩ Ẩn muốn viết hai bức thư, gởi cho người quen làm ở Kinh, tiến cử Vũ Thôn, để Vũ Thôn có chỗ nương thân. Liền cho người đến nhà mời Vũ Thôn, người nhà vừa đi đã về ngay nói:
Hòa thượng ở đó bảo ông Giả đã đi kinh từ canh năm và có lời thưa với cụ rằng: người đọc sách không cần ngày “hoàng đạo” hay “hắc đạo” chỉ cần được việc thôi, nên đi không kịp từ biệt.
Sĩ Ẩn nghe nói, cũng thôi không nghĩ đến nữa.
Tháng ngày thấm thoắt, đã đến tiết nguyên tiêu. Sĩ Ẩn sai người nhà là Hoắc Khải ẵm Anh Liên đi xem hội hoa đăng. Đến nửa đêm, Hoắc Khải đặt Anh Liên ngồi ở ngoài cứa một mình rồi đi tiểu. Khi quay lại, không thấy Anh Liên đâu, Hoắc Khải hốt hoảng đi tìm suốt đêm, sợ không dám về báo cho chủ biết liền trốn đi nơi khác.
Sáng hôm sau, vợ chồng Sĩ Ẩn không thấy con về, biết rằng có chuyện không hay xảy ra, liền sai người đi tìm các ngả, tuyệt nhiên không thấy tung tích. Vợ chồng Sĩ Ẩn nửa đời người mới có mụn con gái, bây giờ lạc mất, buồn rầu biết là chừng nào! Vì thế ngày đêm than khóc, dở chết dở sống. Một tháng sau vì thương nhớ con Sĩ Ẩn bị ốm, vợ là họ Phong cũng ốm, ngày ngày thuốc thang bói toán.
Đến rằm tháng ba, trong miếu Hồ Lô bày cỗ cúng Phật, hòa thượng không cẩn thận để chảo dầu bốc cháy lan ra giấy dán cửa sổ. Các nhà ở vùng ấy đều giậu tre vách ván, dường như đó cũng là số kiếp phải chịu, nên cứ nhà nọ cháy sang nhà kia, cả phố bốc lên như núi lửa. Bấy giờ tuy có quân dân đến chửa, nhưng lửa đã cháy to, không sao cứu được! Cháy suốt một đêm mới tắt, bao nhiêu nhà đều hóa ra tro. Đáng thương nhất lả nhà họ Chân ở ngay liền miếu, chỉ còn trơ lại một đống ngói gạch vụn. May sao hai vợ chồng và người nhà không ai việc gì. Sĩ Ẩn dậm chân thở dài, bàn với vợ về trại ở. Nhưng lại gặp mất năm mất múa, trộm cướp như ong, tranh ruộng cướp đất, dân khổ trăm chiều. Vì vậy quan quân đến nã bắt luôn, khó bề yên thân được. Sĩ Ẩn phải bán trang trại, đem vợ và hai người đầy tớ gái về ở với bố vợ là Phong Túc, một
người làm ruộng, nhưng là hạng giàu có ở châu Đại Như. Thấy con rể bối rối đến ở nhờ, Phong Túc trong bụng khó chịu. Sĩ Ẩn may còn có số tiền, liền bỏ ra nhờ bố vợ mua hộ nhà đất để làm kế sinh nhai. Phong Túc vừa mua vừa ăn bớt, chỉ còn được một ít nhà nát ruộng xấu. Sĩ Ẩn lại là nhà nho, không quen việc cày cấy, gượng gạo qua một vài năm, vốn liếng hết sạch. Phong Túc trước mặt rể thì nói năm ba câu sáo, nhưng khi gặp người khác thì lại nói xấu rể chỉ quen ăn biếng làm. Sĩ Ẩn biết thế, trong lòng rất hối hận, nghĩ đến tai biến năm trước, vừa tức vừa giận, lại thêm ấp ủ mối thương tâm. Một người gần đến tuổi già như Sĩ Ẩn, chịu sao nổi cảnh đau ốm vã nghèo khổ giày vò, dần dần càng ngày càng cảm thấy quang cảnh tiêu điều. Một hôm
Sĩ Ẩn chống gậy ra phố chơi cho đỡ buồn, chợt thấy một vị đạo sĩ khiễng chân, giầy gai áo rách, ngông cuồng phóng túng, tập tễnh đi đến, miệng đọc mấy câu:
Người đời đều cho thần tiên hay, Mà chuyện công danh lại vẫn say! Xưa nay tướng soái nơi nào đây, Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy! Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây! Suốt ngày những mong chứa cho đầy, Đến lúc dầy rồi nhắm mắt ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay! Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây! Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay! Người đời đều cho thần tiên hay!
Muốn đông con cháu lòng không khuây! Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây!!
Sĩ Ẩn nghe thấy, lại ngay trước mặt hỏi:
– Người đọc những câu gì mà chỉ nghe thấy “hảo liễu” “hảo liễu” thôi. Đạo sĩ cười đáp:
Nếu đã nghe thấy hai chữ “hảo” và “liễu” thì cũng đáng khen cho ngươi là sáng suốt. Phải biết muôn việc ở đời “hảo” tức là “liễu”, “liễu” tức là “hảo” nếu không “liễu” thì không “hảo”, mà muốn “hảo” thì phải “liễư”. Vì thế bài hát này ta gọi là bài “hảo liễu ca”(17).
Sĩ Ẩn vốn người thông minh, nghe nói thế, trong bụng tỉnh ngộ ngay, liền cười nói:
Hãy thong thả! Để tôi giải nghĩa bài “háo liễu ca”, người nghĩ thế nào?
Đạo sĩ cười bảo:
Nhà ngươi cứ giải nghĩa đi. Sĩ Ẩn đọc luôn:
Giờ đây lều cỏ vắng tanh,
Trước kia trâm hốt sắp quanh đầy giường! Giờ đây cây cỏ ngổn ngang,
Trước kia vũ tạ ca trường là đây, Xà chạm kia nhện giăng đầy.
Màn the nay rũ cạnh ngay cửa bồng. Xưa sao phấn đượm hương nồng.
Mà nay sương nhuộm như bông trên đầu ? Bãi tha ma có xa đâu,
Là nơi màn thắm là lầu uyên ương. Hôm kia đầy những bạc vàng.
Phút đâu hành khất bên đường là ai ? Những tham số phận của người, Biết đâu mình đã sa nơi vũng lầy ? Trai thời dạy những điều hay,
Ngờ đâu trộm cướp sau này xấu xa. Gái thời kén cửa chọn nhà,
Ngờ đâu nhắm chỗ yên hoa rơi vào! Mũ the chê nhỏ hay sao,
Để gông cùm phải vương vào đáng lo. Trước manh áo rách co ro,
Mảnh bào giờ khoác lại cho là dài.
Ầm ầm trên chốn vũ đài,
Người kia vừa xuống thì người này lên.
Thực là dại dại điên điên,
Quê ai mà nhận là miền làng ta.
Quay đầu giờ mới tỉnh ra,
May quần áo cưới đều là vì ai!
Đạo sĩ khiễng chân nghe xong, vỗ tay cười nói:
Giải nghĩa rất đúng! Giải nghĩa rất đúng! Sĩ Ẩn nói:
Chúng ta đi thôi.
Rồi đỡ ngay cái nải trên vai đạo sĩ, đeo lên lưng, cùng với đạo sĩ ra đi vùn vụt, không về nhà nữa.
Tin ấy đồn ầm ngoài phố, người nọ nói với người kia cho là chuyện lạ. Họ Phong nghe vậy, khóc ngất đi nhiều lần, rồi bàn với bố cho người đi tìm các nơi, nhưng nào thấy tung tích! Không làm thế nào được, họ Phong đành ở nương nhờ bố mẹ cho qua ngày. May sao có hai a hoàn theo hầu bên mình, ba thầy trò ngày đêm khâu vá lấy tiền giúp thêm bố mẹ. Phong Túc hàng ngày cứ nói ra nói vào, nhưng không làm thế nào được
Một hôm, a hoàn nhà họ Chân ra ngoài cửa mua chỉ, nghe thấy đường phố có tiếng quát tháo. Mọi người đều nói: “Quan mới đã đến!” A hoàn nấp trong cửa, thấy quân lính hàng đôi đi trước, một cỗ kiệu lớn rước một vị mặc áo mũ đại trào theo sau. A hoàn giật mình nghĩ bụng: “Ông quan này trông quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu rồi?” Rồi nó vào nhà, cũng không nghĩ đến nữa. Đến tối, lúc sắp đi nghỉ, chợt có tiếng gò cửa, nhiều người nói ồn ào: “Người nhà của quan huyện đến hỏi có việc!” Phong Túc nghe thấy sợ tái người, không biết cớ tai vạ gì.
…………………………………
(1). Hồi này có thể chia làm 2 phần. Phần thứ nhất bắt đầu từ câu: “Người làm sách xin nói” đến câu “Ai hay thú vị chứa đầy ở trong”, nói tóm tắt nguyên uỷ nội dung của cuốn truyện và dụng ý của tác giả. Thí dụ Chân Sĩ Ẩn, Giả Vũ Thôn … đều là báo
trước những điều sẽ nói ở hồi hai. Đây là một lối văn ký thác, ẩn ẩn hiện hiện, thực thực hư hư, một nghệ thuật đặc biệt, khác với các tiểu thuyết diễn nghĩa; còn phần thứ hai mới bắt đầu vào chính truyện.
(2). Chân Sĩ Ẩn và Chân Sự Ấn (dịch nghĩa là “giấu những sự thực”) theo âm Trung Quốc đọc giống nhau. Tác giả có ý dùng ba chữ Chân Sĩ Ẩn đặt tên cho nhân vật đầu tiên trong truyện để nói nội dung toàn bộ cuốn truyện là giấu sự thật đi mà nói như là một chuyện chiêm bao.
(3). Nguyên văn chữ Trung Quốc “Giả ngữ thôn ngôn”. Chữ “giả ngữ thôn” đọc cũng giống như “Giã Vũ Thôn”.
(4). Truyện thần thoại: Trước kia trời chưa kín hẳn, họ Nữ Oa luyện đá năm sắc lên vá trời.
(5). Theo thuyết nhà Phật, phàm cái gì giác quan không cảm thấy được thì gọi là “không”, cái gì giác quan cảm được thì gọi là “sắc”.
(6). Gương báu để coi việc gió trăng, tức là việc tình duyên, gương soi để khuyên răn người đời.
(7). Theo Thần thoại Trung Quốc từ lúc mới có trời đất, trời nghiêng về phía tây bắc, đất trũng về phía đông nam.
(8). Thân hào trong làng.
(9). Đường thư chép: nhà sư Viên Quan gặp Lý Nguyên, trỏ viên đá ở Tam Giáo: “Đây là chỗ thác sinh của ta, 12 năm sau, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây”. Đến đêm, Viên Quan chết, 12 năm sau, Lý Nguyên lại đến chỗ cũ, gặp một mục đồng, tức là Viên Quan. Về sau người ta dùng điển này để chỉ cuộc tình duyên của một đôi trai gái, phải trải qua kiếp khác, có khi phải trải qua ba kiếp, vì thế gọi là tam sinh.
(10). Hòn đá thiêng.
(11). Cõi đời đáng oán giận vì phải chia lìa nhau.
(12). Quả chứa những tình riêng bí mật.
(13). Nước để tưới sự buồn.
(14). Theo thuyết nhà Phật, ba ác đạo: địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ gọi là hố lửa.
(15). Lăng hoa kính. một thứ gương quý ớ lẩu trang, cũng dùng để ví người đàn bà đep. Chữ lăng ở đây còn ẩn giấu một sấm ngữ, vi Anh Liên về sau bị Bàn Tiết cướp
lấy làm tiểu thiếp, đổi tên là Hương Lăng.
(16). Ngày rằm tháng giêng, còn gọi là tiết hoa đăng.
(17). Bài hát này trong nguyên văn, chữ cuối trong câu thứ nhất đều là chữ “hảo” là tốt, chữ cuối cùng của các câu thứ hai và thứ tư đều là “liễư” là hết, cho nên gọi là “hảo liễu ca”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.