Việt Nam sử lược - Quyển 1

Phần I: HỌ HỒNG-BÀNG (2879-258 tr. Tây-lịch)



CHƯƠNG I

HỌ HỒNG-BÀNG

鴻 龐 氏

(2879-258 tr. Tây-lịch)

1. Họ Hồng-bàng
2. Nước Văn-lang
3. Truyện cổ-tích về đời Hồng-bàng:
Phù-đổng Thiên-vương; Sơn-tinh Thủy-tinh

1. HỌ HỒNG-BÀNG. Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục 祿 續. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương 涇 陽 王, quốc-hiệu là Xích-quỷ 赤 鬼.

Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.

Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm 崇 纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-long-quân 駱 龍 君.

Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai[1]. Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».

Gốc-tích truyện này có lẽ là từ Lạc-long-quân về sau, nước Xích-quỷ chia ra những nước gọi là Bách-Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ-quảng (tỉnh Hồ-nam, tỉnh Quảng-đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách-Việt 百 越. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích-xác được.

2. NƯỚC VĂN-LANG. Lạc-long-quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang 文 郎, xưng là Hùng-vương 雄 王.

Cứ theo sử cũ thì nước Văn-lang chia ra làm 15 bộ:
1. Văn-lang 文 郎 (Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên)
2. Châu-diên 朱 鳶 (Sơn-tây)
3. Phúc-lộc 福 祿 (Sơn-tây)
4. Tân-hưng 新 興 (Hưng-hóa – Tuyên-quang)
5. Vũ-định 武 定 (Thái-nguyên – Cao-bằng)
6. Vũ-ninh 武 寧 (Bắc-ninh)
7. Lục-hải 陸 海 (Lạng-sơn)
8. Ninh-hải 寧 海 (Quảng-yên)
9. Dương-tuyền 陽 泉 (Hải-dương)
10. Giao-chỉ 交 趾 (Hà-nội, Hưng-yên, Nam-định, Ninh-bình)
11. Cửu-chân 九 真 (Thanh-hóa)
12. Hoài-hoan 懷 驩 (Nghệ-an)
13. Cửu-đức 九 德 (Hà-tĩnh)
14. Việt-thường 越 裳 (Quảng-bình, Quảng-trị)
15. Bình Văn 平 文 (?)

Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu 峰 州 (bây giờ ở vào địa-hạt huyện Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên), đặt tướng văn gọi là Lạc-hầu 駱 侯, tướng võ gọi là Lạc-tướng 駱 將, con trai vua gọi là Quan-lang 官 郞, con gái vua gọi là Mị-nương 媚 娘, các quan nhỏ gọi là Bồ-chính 蒲 正 [2]. Quyền chính-trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là phụ-đạo 父 道.

Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm tân-mão (1109 tr. Tây-lịch), đời vua Thành-vương nhà Chu 周 成 王, có nước Việt-thường 越 裳 ở phía nam xứ Giao-chỉ sai sứ đem chim bạch-trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông-ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu-công Đán 周 公 旦 lại chế ra xe chỉ-nam để đem sứ Việt-thường về nước. Vậy đất Việt-thường và đất Giao-chỉ có phải là đất của Hùng-vương lúc bấy giờ không?

Họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời, đến năm quí-mão (158 trước Tây-lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.

Xét từ đời Kinh-dương-vương đến đời Hùng-vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm nhâm-tuất (2879) đến năm quí-mão (258 trước Tây-lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị-vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng-cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. – Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng-bàng không chắc là truyện xác thực.

3. TRUYỆN CỔ-TÍCH VỀ ĐỜI HỒNG-BÀNG. Sử chép rằng đời Hùng-vương thứ nhất, người nước Văn-lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng-luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa[3]. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thủy-quái ở sông ở bể không quấy-nhiễu đến.

Trong đời Hùng-vương lại có hai truyện mà ngày nay người ta thường hay nói đến, là truyện Phù-đổng Thiên-vương và truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh.

Phù-đổng Thiên-vương. Đời Hùng-vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung-mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù-đổng, bộ Võ-ninh (nay là huyện Võ-giàng, tỉnh Bắc-ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự-nhiên người cao-lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.

Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc-sơn 朔 山 thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù-đổng, về sau phong là Phù-đổng Thiên-vương 扶 董 天 王 [4].

Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng giỏi, đánh được giặc, về sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức làng Phù-đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.

Truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh. Tục truyền rằng vua Hùng-vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ-nương, nhan-sắc tuyệt trần. Sơn-tinh và Thủy-tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn-tinh đến trước lấy được Mỵ-nương đem về núi Tản-viên (tức là núi Ba-vì ở tỉnh Sơn-tây).

Thủy-tinh đến sau, thấy Sơn-tinh lấy mất Mỵ-nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn-tinh. Sơn-tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu, thì Sơn-tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn-tinh lại dùng sấm-sét đánh xuống, Thủy-tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn-tinh và Thủy-tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân-gian thật là cực-khổ.

Truyện này là nhân vì ở Bắc-Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng-áng, ngập mất cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn-tinh Thủy-tinh đánh nhau vậy.

Tóm lại mà xét, nước ta khởi đầu có quốc-sử từ cuối thập-tam thế-kỷ: đến đời vua Thánh-tông nhà Trần, mới có quan Hàn-lâm học-sĩ là Lê văn Hưu 黎 文 休 soạn xong bộ Đại-Việt sử-ký 大 越 史 記, chép từ Triệu Võ-vương 趙 武 王 đến Lý Chiêu-hoàng 李 昭 皇. Hai trăm rưỡi năm về sau lại có ông Ngô Sĩ-Liên 吳 士 連, làm quan Lễ-bộ tả-thị-lang đời vua Thánh-tông nhà Lê, soạn lại bộ Đại-Việt sử-ký: chép từ họ Hồng-bàng đến vua Lê Thái-tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ-Liên, ở về thập-ngũ thế-kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời Thượng-cổ. Xem thế thì đủ biết những truyện về đời ấy khó lòng mà đích-xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt-nhạnh những truyện hoang-đường tục-truyền lại, cho nên những truyện ấy toàn là truyện có thần-tiên quỉ-quái, trái với lẽ tự-nhiên cả.

Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ-mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc-tích của mình ở chỗ thần-tiên để cho vẻ-vang cái chủng-loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng-bàng là con tiên cháu rồng v.v…

Nay ta theo sử cũ mà chép mọi truyện, người xem sử nên phân-biệt truyện nào là truyện thực, truyện nào là truyện đặt ra, thì sự học mới có lợi vậy.

 



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con.
  2. ▲ Bây giờ có nơi gọi chánh-tổng là Bồ-đinh, chắc là bởi Bồ-chính mà ra.
  3. ▲ Sử chép rằng người Việt-nam ta có thói vẽ mình mãi đến đời vua Anh-tông nhà Trần mới bỏ.
  4. ▲ Có người chép truyện này nói rằng: Giặc Ân là quân của nhà Ân bên Tàu sang đánh nước ta. Nói như thế thật là một điều lầm. Về đời nhà Ân nước Tàu chỉ ở vào mạn sông Hoàng-hà là đất tỉnh Hà-nam, Trực-lệ, Sơn-tây và Thiểm-tây bây giờ mà thôi. Còn những đất ở bên này sông Trường-giang là man-di hết cả. Từ Trường-giang sang đến Bắc-Việt ta xa cách bao nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng-bàng làm vua nữa, thì chắc cũng chưa có kỷ-cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm quan-lang trên Mường mà thôi, như thế thì đã có giao-thiệp gì với nhà Ân mà đánh nhau. Vả lại, sử Tàu cũng không có chỗ nào chép đến truyện ấy. Vậy thì lẽ gì mà nói rằng giặc Ân là người nhà Ân bên Tàu?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.