Nhà giả kim

Chương 1 – 8



Vào truyện ***

Nhà luyện kim đan cầm lấy quyển sách mà một người trong đoàn lữ hành mang theo. Quyển sách đã cũ và long gáy nhưng ông vẫn đọc được tên tác giả : Oscar Wilde. Mở ra đọc, ông thấy có một câu chuyện về hoa thủy tiên. Dĩ nhiên, ông không lạ gì truyền thuyết về chàng Narziss xinh trai, ngày ngày soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Thế là từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp, mang tên chàng Narziss nọ. Nhưng Oscar Wilde không kết thúc câu chuyện như thế mà kể rằng sau khi chàng chết, những nàng tiên trong rừng hiện ra, thấy hồ nước ngọt kia giờ đã biến thành một đầm lầy mặn vì nước mắt.

“Vì sao em khóc ?” – các nàng tiên hỏi.

“Vì em thương tiếc chàng Narziss”, hồ nước đáp.

“Phải rồi. Các chị chẳng ngạc nhiên tí nào. Và tuy tất cả chúng ta đều theo đuổi chàng nhưng chỉ mình em được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời ấy”. “Chàng xinh trai đến thế ư ?”, hồ nước ngơ ngác hỏi.

“Còn ai biết điều này rõ hơn là em chứ ?” – các nàng tiên ngạc nhiên – “ngày nào mà chàng chẳng cúi người soi mình trên mặt hồ”.

Nghe thế, hồ nước im lăng hồi lâu rồi mới đáp : “Đúng là em khóc chàng Narziss, nhưng em chưa bao giờ để ý rằng chàng đẹp trai đến thế. Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi người trên mặt hồ thì em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện lên rõ trong đôi mắt chàng”.

“Quả là một câu chuyện tuyệt vời”, nhà luyện kim đan nói.

***

1

Khi cậu chăn cừu Santiago xua được đàn cừu về đến ngôi nhà thờ cổ và hoang phế thì trời đã sẩm tối. Ngôi nhà thờ này đã bị sập mái từ khá lâu rồi và nơi xưa kia là phòng thay áo lễ nay sừng sững một cây dâu tằm to tướng. Cậu quyết định ngủ qua đêm tại đấy. Thế là cậu lùa lũ cừu qua khung cửa đã hư hại rồi chắn lại bằng vài thanh gỗ để đêm đến lũ vật khỏi chui ra. Tuy vùng này không có chó sói nhưng đã có đêm một con cừu chui ra ngoài khiến hôm sau cậu mất cả ngày đi tìm. Rồi cậu trải áo khoác trên nền đất, ngả lưng à dùng quyển sách đang dọc dở làm gối. Trước khi ngủ, cậu tự nhủ sau này phải tìm những sách dày hơn để vừa có thể đọc được lâu, vừa có thể dùng làm gối tốt hơn. Khi cậu thức giấc thì trời còn tối mịt. Nhìn lên trời cao, cậu thấy sao lấp lánh giữa những xà ngang. “Mình còn muốn ngủ tiếp mà”, cậu thầm nghĩ. Cậu lại vừa mơ giấc mơ y hệt cách đây một tuần và lần này cũng thức giấc giữa cơn mơ. Cậu ngồi dậy, uống một hớp vang rồi dùng loại gậy của người chăn cừu đánh thức từng con một. Càng ngày cậu càng có cảm tưởng là lũ vật cùng thức dậy một lượt với mình như thể có một sự hòa điệu thần bí giữa đời cậu và những con vật từ hai năm nay đi theo cậu, nay đây mai đó, tìm thức ăn và nước uống. “Chúng đã quá quen với mình nên biết luôn cả giờ giấc của mình”, cậu nghĩ. Nhưng sau một lúc suy ngẫm cậu lại thấy có thể ngược lại lắm, rằng cậu đã quen với giờ giấc của bầy cừu. Một vài con chưa chịu dậy ngay. Cậu lấy gậy đánh thức, gọi tên từng con một. Cậu luôn luôn có cảm tưởng lũ cừu hiểu biết những gì mình nói. Cho nên đôi lúc cậu đọc cho chúng nghe vài đoạn trong những quyển sách mà cậu đặc biệt thích, hoặc cậu triết lí về cuộc sống đơn độc và niềm vui của người chăn cừu, hay là bình phẩm về những tin mới biết được nơi những thành phố câu thường đi qua. Nhưng từ hai ngày nay cậu hầu như chỉ nói về một đề tài : cô con gái của một nhà buôn ở cái thành phố nhỏ mà bốn ngày nữa cậu và lũ cừu sẽ đến. Năm ngoái là lần đầu tiên cậu đến nhà người lái buôn này, chủ một cửa hàng vải vóc. Ông ta đói phải xén lông cừu ngay trước cửa hàng để khỏi bị lọc lừa. Lần đó một người quen đã giới thiệu với cậu cửa hàng này và giờ đây cậu lại dẫn bầy cừu đến đó.

2

“Tôi muốn bán lông cừu”, lần đó cậu đã nói với ông nhà buôn kia như thế. Cửa tiệm đang đầy khách hàng nên ông ta yêu cầu chàng chăn cừu đợi đến xế trưa. Thế là cậu ngồi ngay xuống lề đường trước cửa hiệu, lôi trong bị ra một quyển sách. “Mình không biết là chăn cừu mà cũng đọc được sách đấy”, một giọng con gái cất lên ngay cạnh cậu. Đúng là một cô gái đất Andalusia (Andalusia : vùng phía nam Tây Ban Nha,

sát Đại Tây Dương và Địa Trung Hải), với mái tóc đen dài và đôi mắt phảng phất nét người Mauren (Người Mauren (tiếng Anh : Moor) : một sắc dân du mục ở Bắc Phi, đã đô hộ Tây Ban Nha từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XV) xâm lược xưa kia. “Bởi vì giống cừu còn dạy tôi biết được nhiều điều hơn là sách vở”, cậu đáp. Hai người trò chuyện tíu tít suốt hơn hai tiếng. Cô gái cho biết mình là con người chủ tiệm kia và kể về cuộc sống đơn điệu, ngày nào như ngày nấy ở đó. Về phần mình, cậu chăn cừu kể về phong cảnh vùng Andalusia và về những tin mới lạ ở những nơi cậu đã đi qua. Cậu lấy làm vui sướng vì có người lắng nghe chuyện mình. “Anh học đọc sách như thế nào ?”, cô muốn biết. “Trong trường học, như mọi người khác”, cậu đáp. “Nhưng nếu anh đọc sách được thì sao anh chỉ thành một người chăn cừu bình thường thôi ?”. Cậu bối rối vì tin chắc rằng cô sẽ không hiểu nổi cậu. Để tránh né trả lời, cậu tiếp tục kể về hành trình của mình và đôi mắt nhỏ phảng phất mắt người Mauren của cô gái khi tròn xoe, lúc nheo lại vì kinh ngạc. Thời gian trôi qua, còn cậu thầm ước ngày hôm ấy đừng bao giờ chấm dứt, hoặc là bố cô cứ tiếp tục để cậu chờ thêm ba ngày nữa. Cậu thấy một cảm giác khác lạ chưa từng biết đến : đó là mơ ước được sống ổn định một nơi. Có cô gái này bên cạnh thì chẳng còn ngày nào là nhàm chán nữa. Nhưng rồi ông nhà buôn đến, bảo xén cho lông bốn con cừu, trả tiền ngay rồi bảo cậu sang năm trở lại.

3

Bây giờ chỉ còn có bốn ngày đường nữa là đến thành phố kia. Cậu nao nức nhưng lòng lại bồn chồn : biết đâu cô gái đã quên cậu lâu rồi. Thiếu gì người chăn cừu đi qua đấy để bán lông cừu. “Chẳng cần”, cậu nói to với bầy cừu, “bề gì tao cũng quen khối con gái ở bao thành phố khác”. Nhưng trong thâm tâm cậu biết mình không thể chẳng cần, vì rằng bất cứ người chăn cừu, người thủy thủ hay người khách thương nay đây mai đó nào cũng có ở đâu đó một kẻ khiến cho họ quên mất thú vui được tự do giang hồ đi cùng trời cuối đất.

4

Trời hửng sáng. Cậu chăn cừu lùa lũ vật đi về hướng mặt trời mọc. ‘Loài vật chẳng bao giờ phải tự quyết định về bất cứ chuyện gì’, cậu nghĩ. ‘Có lẽ vì vậy mà chúng quấn quýt với mình’. Nhu cầu duy nhất của lũ cừu là ăn và uống. Bao lâu còn dẫn chúng đến được những đồng cỏ mượt mà của vùng Andalusia thì chúng vẫn mãi là những người bạn thân thiết, dù cho một ngày như mọi ngày với những giờ tẻ nhạt trôi qua từ lúc hừng đông đến khi mặt trời lặn, dù cho cúng không hề đọc một quyển sách trong cuộc sống ngắn ngủi và không bao giờ hiểu được tiếng người ta kháo nhau về những chuyện mới lạ ở nơi này nơi nọ. Được cho ăn và cho uống là chúng hài lòng. Với chúng thì thế là đủ. Đổi lại, chúng là những người bạn đồng hành đem lại niềm vui, cống hiến nhiều len và thỉnh thoảng cả thịt nữa. ‘Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết’, cậu thầm nghĩ. ‘Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi vì mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát.’ Cậu chợt ngạc nhiên trước những suy nghĩ này của chính mình. Có lẽ ngôi nhà thờ cổ này cùng với cây dâu tằm bị ma ám rồi chăng. Dù sao đi nữa thì cũng tại hai thứ này mà cậu mơ giấc mơ kia thêm lần thứ hai và vô cớ tức bực với những người bạn đồng hành trung thành của mình.Cậu uống một ngum vang còn lại của chiều hôm trước và kéo áo khoác sát mình hơn. Cậu biết chỉ ít giờ nữa, khi mặt trời đứng bóng thì sẽ quá nóng, không lùa cừu đi trên đồng cỏ được nữa. Lúc đó cả nước Tây Ban Nha sẽ ngủ giấc trưa hè. Nóng tới tận chiều, thế mà cậu vẫn phải tha theo người chiếc áo khoác. Nhưng mỗi khi sắp càu nhàu về cái áo nặng như cùm kia thì cậu lai thấy biết ơn nó vì nhờ nó mà sáng ra cậu không bị rét run người. ‘Mình luôn luôn phải phòng khi thời tiết giở chứng bất thường’, cậu nghĩ và thấy sung sướng có cái áo khoác nặng. Cái áo, cũng như cuộc đời cậu, có ý nghĩa của nó. Sau hai năm rong ruổi, cậu biết tường tận mọi thành phố vùng Andalusia và cả mục đích của đời mình, đó là : đi du hành. Cậu định lần này sẽ giải thích cho cô gái biết vì sao mà cậu, một gã chăn cừu bình thường, lại biết đọc. Cho tới năm mười sáu tuổi cậu còn theo học trong một chủng viện. Cha mẹ cậu mong cậu sẽ trở thành linh mục; được như thế thì mọi gia đình nông dân bình thường như gia đình cậu sẽ rất tự hào. Vì chính những người nông dân này đến nay cũng chỉ sống nhờ ăn và uống, chẳng khác gì bầy cừu của cậu. Thế là cậu được học tiếng Latinh, tiếng Tây Ban Nha và thần học. Nhưng từ nhỏ cậu đã mơ ước đi cùng khắp thế giới bao la và điều này đối với cậu quan trọng hơn là biết về Chúa và tội lỗi của loài người. Rồi vào một buổi xế trưa, nhân dịp về nhà thăm cha mẹ, cậu thu hết can đảm nói với bố rằng mình không muốn trở thành linh mục, mà muốn được đi đây đó.

5

“Từ bốn phường trời thiên hạ đã đến nơi đây rồi, con ạ”, lần ấy bố cậu nói. “Họ đến để tìm sự mới lạ, nhưng rồi thì họ vẫn mãi là chính họ. Họ leo lên đồi để xem thành quách rồi cho rằng quá khứ hay ho hơn hiện tại. Dù tóc họ vàng hay da họ ngăm, nói chung họ cũng giống như dân thành phố này cả thôi”. “Nhưng con chưa biết các thành quách ở đất nước họ”, cậu đáp. “Khi đã quen phong thổ và phụ nữ vùng này rồi thì những người đàn ông nọ nói rằng họ muốn vĩnh viễn ở lại đây”, ông bố nói tiếp. “Con cũng rất muốn biết về phụ nữ và đất nước của họ”, cậu thú nhận. “Vì thật ra họ có hề ở lại đây mãi đâu”. “Họ thừa tiền, thừa bạc con ạ”, ông bố đáp. “Còn vùng mình chỉ có người chăn cừu mới phải nay đây mai đó thôi”. “Thế thì con sẽ làm kẻ chăn cừu”. Ông bố không nói gì nữa cả. Hôm sau ông cho cậu một túi tiền đựng ba đồng tiền vàng cổ Tây Ban Nha. “Bố tình cờ tìm thấy trong ruộng nhà ta cách đây lâu rồi. Lẽ ra là tiền để cho con được nhận vào nhà thờ đấy. Con lấy mà mua một đàn cừu, rồi đi khắp nơi khắp chốn cho đến khi con hiểu ra rằng làng mạc, thành quách vùng mình tuyệt vời nhất, phụ nữ vùng mình xinh đẹp nhất.” Rồi ông ban phúc chúc lành cho cậu. Cậu đọc thấy trong mắt bố cũng chính niềm mơ ước được phiêu du. Nó vẫn sống mãi trong ông sau hàng chục năm tìm cách lãng quên qua những lo toan sao cho có cái ăn, cái uống hằng ngày và một chốn nương thân.

6

Chân trời đỏ ối, mặt trời dần lên. Cậu chăn cừu nhớ đến lần chuyện trò với bố và cảm thấy sung sướng; từ đó đến nay cậu đã qua nhiều thành quách và quen biết nhiều phụ nữ nhưng không có ai giống như cô gái cậu sẽ gặp lại trong ít ngày tới. Cậu có cái áo khoác, một quyển sách mà cậu có thể đổi lấy một quyển khác và một đàn cừu. Nhưng cái chính là mỗi ngày cậu đều thực hiện được ước mơ của mình : đi khắp đó đây. Khi nào chán vùng Andalusia bao la, cậu có thể bán bầy cừu để trở thành thủy thủ. Rồi khi chán biển cả, cậu có thể thăm thú mọi thành phố, làm quen với bao phụ nữ và thử mọi phương cách để đạt hạnh phúc. “Mình thật không hiểu nổi làm sao người ta có thể tìm thấy Chúa trong lớp học cho chúng sinh được”, cậu nghĩ trong lúc ngắm nhìn mặt trời lên. Vì cậu luôn tìm những con đường mới để đi nếu điều kiện cho phép, nên dù đã nhiều lần qua lại vùng này nhưng trước đây cậu chưa từng vào ngôi nhà thờ hoang tàn nọ. Thế giới bao la vô cùng tận; giả thử cứ để cho bầy cừu dẫn đi thì chắc hẳn cậu sẽ còn phát hiện được nhiều điều hay ho nữa. “Chúng không nhận ra rằng ngày ngày chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo có mỗi chuyện ăn và uống. Nhưng biết đâu con người cũng y như thế”, cậu nghĩ. “Ngay chính mình cũng không nghĩ đến cô gái nào khác từ khi quen con gái chủ tiệm vải nọ.” Cậu nhìn trời và áng chừng sẽ đến Tarifa trước giữa trưa. Ở đấy cậu có thể đổi quyển sách lấy quyển dầy hơn, mua đầy bình rượu vang, cạo râu, cắt tóc. Cậu định chuẩn bị cho bảnh để đi gặp cô gái chứ không muốn thắc mắc rằng biết đâu một gã chăn cừu khác với một bầy cừu lớn hơn đã đến đó trước cậu và hỏi cưới nàng rồi. “Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống”, cậu cân nhắc trong lúc nhìn trời lần nữa và rảo bước. Cậu chợt nhớ ra rằng ở Tarifa có một bà già giải đoán được mộng mị. Mà tối hôm qua cậu lại mơ y như lần trước.

7

Bà lão dẫn khách vào phòng trong của ngôi nhà, ngăn với phòng khách bởi tấm mành làm bằng các dải nylon sặc sỡ. Ở đấy có một cái bàn, hai cái ghế và một hình Chúa

Jesu. Bà lão ngồi rồi bảo cậu ngồi theo. Xong, bà nắm lấy hai bàn tay cậu, khẽ lẩm bẩm đọc kinh. Nghe như kinh của người Zigeuner (Zigeuner : (tiếng Anh : gypspy) một sắc dân “du cư”, gốc từ Ấn Độ, sang châu Âu từ thế kỉ XV). Trong cuộc hành trình cậu đã từng gặp không ít người Zigeuner rồi; họ cũng đi khắp nơi này nơi khác tuy không chăn cừu như cậu. Người ta bảo rằng dân Zigeuner chuyên lọc lừa. Người ta còn nói thêm rằng họ liên minh với ma quỷ, rằng họ cướp trẻ thơ, bắt chúng làm nô lệ trong các khu lều âm u của họ. Thuở nhỏ cậu rất sợ bị người Zigeuner bắt cóc, thành ra khi bà lão nắm tay thì nỗi sợ xưa lại ập đến. “Nhưng bà ta treo hìng Chúa Jesu trên tường mà”, cậu tìm cách tự trấn an. Cậu không muốn tay mình run lên để bà lão không nhận ra được rằng mình đang sợ. Cậu thầm đọc kinh lậy Cha. “Lạ thật”, bà lão nói, mắt vẫn nhìn chăm chắm đôi bàn tay cậu; rồi im bặt. Cậu càng thêm lo. Bà lão nhận thấy tay cậu bỗng dưng run lên. Cậu vội rụt tay về. “Tôi đến đây không phải để nhờ xem chỉ tay”, cậu nói và ân hận đã đến chốn này. Trong một khoảnh khắc cậu nghĩ tốt hơn cả nên trả tiền rồi chuồn thẳng. Đúng là cậu đã quá quan trọng hóa giấc mơ của mình. “Cậu đến đây vì muốn tìm hiểu về giấc mơ”, bà lão đáp. “Mà mơ là ngôn ngữ của Chúa. Nếu người nói bằng ngôn ngữ thế gian thì ta giải đoán được. Nhưng nếu người nói bằng ngôn ngữ của tâm hồn thì chỉ mình cậu có thể hiểu được thôi. Tuy thế ta cũng thử xem sao”. “Lại một kế mọn”, cậu chăn cừu nghĩ. Tuy thế cậu muốn thử một lần xem sao. Chẳng gì người chăn cừu cũng liều đối phó với chó sói và khô hạn, vì thế mà nghề này mới hứng thú. “Tôi nằm mộng hai lần liên tiếp”, cậu nói. “Mơ thấy mình và bầy cừu đang trên đồng cỏ, chợt một đứa trẻ không biết từ đâu đến, chơi với bầy cừu. Đúng ra tôi không thích có ai quấy rầy lũ cừu của tôi vì chúng vốn sợ người lạ. Nhưng trẻ con luôn nô đùa với chúng được mà không làm chúng hoảng. Tôi không hiểu tại sao. Do đâu mà cừu biết được tuổi tác của người nhỉ ?”. “Vào chuyện chính đi thôi”, bà lão ngắt lời. “Ta còn một cái nồi to đang đặt trên bếp cần phải trông chừng. Hơn nữa cậu chỉ có chút tiền còm thì không thể làm ta mất nhiều thời giờ được.” “Đứa trẻ chơi với bầy cừu một lúc”, cậu ngượng nghịu kể tiếp. “Rồi chợt nó nắm tay tôi dẫn đến Kim Tự Tháp bên Ai Cập.” Cậu chờ một chút để chờ phản ứng của bà lão nhưng bà chẳng nói gì. “Rồi ở Kim Tự Tháp bên Ai Cập”, cậu nhấn mạnh sáu chữ sau để bà lão rõ, “đứa bé nói với tôi : “nếu anh đến đây thì anh sẽ tìm thấy một kho tàng chôn giấu bí mật, không ai biết.” Rồi khi nó định chỉ cho tôi chỗ chính xác của kho tàng thì tôi thức giấc. Cả hai lần đều y như vậy.” Bà lão im lặng thêm một lúc rồi lại cầm lấy hai bàn tay cậu chăn cừu, chăm chú nhìn. “Bây giờ ta không đòi cậu chút thù lao nào hết”, bà lão nói. “Nhưng ta muốn được hưởng một phần mười kho tàng khi cậu tìm thấy nó.” Cậu chăn cừu cười vui thích. Nhờ một kho tàng trong mơ mà cậu tiết kiệm đươc chút tiền còm hiện có. Đúng là một bà lão Zigeuner có khác, ngờ nghệch hết sức. “Được thôi, bà giải đoán đi”, cậu đáp. “Trước đó cậu phải thề sẽ trả ta một phần mười kho tàng là tiền côn cho điều ta sắp giải đoán.” Cậu thề và bà lão yêu cầu cậu lặp lại lời thề trước hình Chúa. “Đây là một giấc mơ thuộc ngôn ngữ thế gian”, bà lão nói, “do đó ta có thể giải đoán được. Nhưng việc giải đoán này rất khó. Thành ra ta được hưởng một phần kho tàng của cậu cũng đáng thôi.

Ý nghĩa nó như thế này : cậu hãy đi đến Kim Tự Tháp Ai Cập. Tuy ta chưa từng nghe nói đến cái tháp đó bao giờ nhưng một khi đứa trẻ đã chỉ đường cho cậu thì nhất định phải có. Cậu sẽ tìm thấy ở đấy cái kho tàng khiến cậu giàu to.” Cậu chăn cừu sửng sốt rồi thất vọng. Nếu chỉ có thế thì cậu chẳng cần mất công tới đây làm gì. Song dẫu sao cậu cũng chưa phải trả gì hết. “Nếu chỉ để biết có bấy nhiêu thì lẽ ra tôi không cần mất thì giờ như thế này”, cậu nói. “Chính vì thế mà ta đã nói rồi, rằng đây là một giấc mơ khó đoán. Những việc tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống thì thật ra là những việc hết sức phi thường, chỉ những bậc trí giả mới thấu hiểu nổi. Ta không phải là bậc trí giả nên phải dùng cách khác, chẳng hạn phải xem chỉ tay”. “Thế tôi phải đến Ai Cập bằng cách nào đây ?” “Ta chỉ có thể giải đoán mộng thôi chứ không biết phải làm sao để biến chúng thành thật được. Chính vì thế mà ta phải sống nhờ vào thù lao khách trả.” “Còn nếu tôi không bao giờ tới đươc Ai Cập thì sao ?” “Thì ta không được trả thù lao. Không phải là lần đầu tiên đâu.” Rồi bà lão không nói gì thêm nữa mà chỉ bảo cậu về đi vì bà đã mất quá nhiều thì giờ cho cậu rồi.

8

Cậu chăn cừu thấ vọng ra về và nhất quyết không bao giờ tin vào mộng mị nữa. Rồi cậu chợt nhớ còn phải giải quyết một vài việc : mua thức ăn, đổi sách lấy một quyển dầy hơn. Sau đó cậu ra ngoài bãi chợ, ngồi trên ghế băng thưởng thức rượu vang mới mua. Hôm ấy trời rất nóng và chẳng hiểu sao vang lại làm cậu phấn chấn. Lũ cừu được gửi gắm chăm sóc cẩn thận nơi chuồng của một người bạn cậu mới quen ở lối vào thành phố. Cậu quen biết nhiều người ở vùng này. Cậu thích đi nhiều cũng vì thế. Luôn luôn kết được bạn mới mà không cần mất trọn thì giờ để sống bên họ. Nếu lúc nào cũng chỉ quen một số người thôi, như ở trường đạo, thì họ sẽ trở thành một phần không thể tách rời khỏi cuộc đời mình. Khi đã như thế thì họ muốn thay đổi cuộc đời mình. Rồi khi ta không muốn thay đổi như họ muốn thì họ sẽ thất vọng. Vì hình như ai cũng tưởng mình biết rất rõ người khác phải sống như thế nào cho đúng, trong khi lại mù mờ về cuộc sống của chính bản thân mình. Giống như bà lão giải mộng kia không biến nổi giấc mơ thành hiện thực vậy. Cậu muốn chờ cho đến khi mặt trời xuống thấp nữa mới dẫn đàn cừu đi tiếp. Chỉ còn hơn ba ngày nữa là cậu sẽ gặp lại cô con gái của nhà buôn nọ. Cậu bắt đầu đọc quyển sách mới nhận được của linh mục thành Tarifa. Sách dầy lắm và ngay trang đầu đã nói về một đám tang mà tên các nhân vật phức tạp quá. Nếu một ngày nào đó mình viết sách, cậu nghĩ, mình sẽ chỉ cho nhân vật này xuất hiện tiếp nhân vật khác để người đọc khỏi rối trí. Tập trung đọc một lúc cậu mới thấy hay vì truyện viết về một đám tang trên tuyết trắng đã đem đến cho cậu một cảm giác tươi mát dưới cái nắng trưa gay gắt này. Cậu đang mê mải đọc thì một ông già đến ngồi cạnh và bắt chuyện. “Họ làm gì đấy ?” ông già hỏi, tay chỉ những người đi lại hối hả trên bãi chợ. “Làm việc”, cậu đáp cụt ngủn chủ ý cho thấy mình đang say mê đọc. Nhưng thật ra cậu đang nghĩ đến việc sẽ xén lông cừu trước mắt cô con gái chủ tiệm để cô thấy cậu giỏi giang, làm được nhiều việc không dễ tí nào. Cậu đã nhiều lần tưởng tượng cảnh ấy và lần nào cô gái cũng sửng sốt khi cậu giải thích cho cô biết rằng phải xén lông cừu từ sau tới trước. Cậu cũng ráng nhớ vài ba giai thoại để có thể vừa làm vừa kể cô nghe. Phần lớn những giai thoại này cậu đọc trong mấy quyển sách nào đó nhưng lại muốn kể như thể chính mình đã chứng kiến. Đàng nào thì cô cũng không biết thực hư được vì cô không biết đọc. Nhưng ông già không chịu buông. Ông kêu rằng mệt, khát và xin một hớp vang. Cậu đưa ông chai rượu, hi vọng rồi sẽ được để yên. Nhưng ông già cứ nhất định bắt chuyện. Ông hỏi cậu đang đọc gì đấy. Cậu muốn tỏ ra bất lịch sự và đổi sang ghế khác quá nhưng bố cậu đã dạy phải kính trọng người già cả. Thành ra cậu đưa quyển sách cho ông, vì hai lí do : một là cậu không đọc được đúng tên sách, hai là nếu ông già không biết đọc thì có lẽ ông sẽ xấu hổ và tự sang ngồi ghế khác. “Hừm…”, ông già ậm ừ rồi săm soi nhìn quyển sách như thể nó là một vật lạ. “Quyển này tuy là một tác phẩm lớn nhưng rất nhàm chán”. Cậu chăn cừu sửng sốt. Không những ông già biết chữ mà còn đã đọc quyển sách đó rồi nữa. Nếu đúng là nhàm chán như ông già nói thì còn kịp để đổi lấy quyển khác. “Nó cũng nói về cùng một vấn đề như mọi quyển sách khác thôi”, ông già nói tiếp. “Rằng con người không có khả năng lựa chọn lấy vận mệnh của mình. Và kết thúc rằng ai cũng tin vào cái điều bịp bợm nhất thế gian”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.