Suối nguồn
II.
“… Kiến trúc, các bạn thân mến của tôi, là một nghệ thuật vĩ đại dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Vẻ đẹp và Tiện ích. Nói một cách rộng hơn, chúng thật ra là những bộ phận của ba thực thể vĩnh cửu: Chân – Thiện – Mỹ. Chân – đối với những truyền thống nghệ thuật của chúng ta, Thiện – đối với những con người mà chúng ta phải phục vụ, Mỹ – à, Mỹ là nữ thần của mọi nghệ sĩ, dù tồn tại trong dáng dấp một người phụ nữ yêu kiều hoặc một tòa nhà… ừm… đúng vậy… Tóm lại, tôi muốn nói với các bạn, những người sắp dấn thân vào nghề kiến trúc sư, rằng bây giờ, các bạn là người trông nom một di sản thiêng liêng… ừm… đúng vậy. Do đó, các bạn hãy tiến vào thế giới, các bạn đã được vũ trang bằng các nguyên lý Chân, Thiện, Mỹ; các bạn đã được trang bị bằng lòng dũng cảm và tầm nhìn, bằng sự trung thành với những tiêu chuẩn mà trường học vĩ đại này đã thể hiện qua nhiều năm. Chúc các bạn sẽ phục vụ một cách trung thành, không phải như những nô lệ cho quá khứ cũng không phải như những kẻ hãnh tiến suốt ngày rêu rao về “sáng tạo vì sáng tạo” – cả hai thái độ này đều biểu hiện sự phù phiếm vô nghĩa. Chúc tất cả các bạn có những năm tháng giàu có và năng động phía trước và chúc các bạn để lại, khi các bạn rời khỏi thế giới này, dấu vết của các bạn trên những hạt cát của thời gian.”
Guy Francon kết thúc bài phát biểu bằng cách giơ cao cánh tay phải của mình như thể ông đang chào; không trịnh trọng nhưng đầy phong cách, cái phong cách hài hước, tự tin mà Guy Francon tự cho phép bản thân mình thể hiện. Cả hội trường khổng lồ trước mặt ông sống dậy với những tràng pháo tay tán thưởng.
Trong suốt 45 phút, một biển những khuôn mặt trẻ, nhễ nhại mồ hôi và hứng khởi đã kính cẩn hướng về bục diễn thuyết nơi Guy Francon đứng phát biểu tại buổi lễ bế giảng của Học viện Công nghệ Stanton. Chính là Guy Francon – thân chinh đến từ tận New York. Chính là Guy Francon của hãng Francon & Heyer nổi tiếng, phó chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ, thành viên của Viện hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ, thành viên của Ủy ban Mỹ thuật quốc gia, Thư ký của Liên đoàn Nghệ thuật và Thủ công New York, chủ tịch Hiệp hội Khai sáng Kiến trúc Hoa Kỳ; Guy Francon, hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh Pháp, được các chính phủ Anh, Bỉ, Monaco và Siam công nhận; Guy Francon, cựu sinh viên nổi tiếng nhất của Học viện Stanton, người đã thiết kế tòa nhà Ngân hàng quốc gia Frink của thành phố New York – tòa nhà mà trên đỉnh của nó, ở tầng 25, có phiên bản thu nhỏ của Lăng Hadrian và trong đó đặt một ngọn đuốc làm bằng thủy tinh và những bóng đèn tốt nhất của công ty General Electric.
Guy Francon bước xuống khỏi bục diễn thuyết; ông hoàn toàn ý thức được vị thế và những cử động của mình. Ông là người tầm thước và không quá nặng nề, nhưng không may khổ người trông hơi thô. Ông biết, không ai có thế nói chính xác tuổi của ông – tuổi 51. Khuôn mặt ông không hề có nếp nhăn cũng như bất kỳ nét hằn tuổi tác nào; nó là sự tổng hòa đầy nghệ thuật của những hình cầu, đường tròn, đường cong và êlíp với đôi mắt nhỏ long lanh tinh ranh. Trang phục của ông thể hiện sự cẩn thận đến từng chi tiết của một nghệ sĩ. Khi bước xuống các bậc của bục diễn thuyết, ông ước giá như đây là trường học dành cho cả nam và nữ sinh viên.
Ông nghĩ hội trường trước mặt mình là một hình mẫu kiến trúc tráng lệ nhưng hôm nay có phần ngột ngạt do đám đông và sự thiếu quan tâm đến vấn đề thông gió. Nhưng nó kiêu hãnh với những chân tường bằng đá cẩm thạch xanh lá cây, những trụ gang được sơn vàng kiểu Corinthian[16] và những vòng tròn trái cây mạ vàng trên các bức tường; đặc biệt là những quả dứa mà Guy Francon nghĩ là đã vượt qua thử thách của thời gian một cách tuyệt vời. Guy Francon nghĩ: thật cảm động, chính ta đã làm những họa tiết trang trí và xây chính hội trường này hai mươi năm về trước; và giờ thì ta đang ở đây.
Hội trường chật ních những thân người và khuôn mặt, chật đến nỗi nếu chỉ nhìn thoáng qua, người ta sẽ không thể phân biệt được khuôn mặt nào đi với thân người nào nữa. Nó giống như một miếng thịt đông mềm, được làm bằng cách trộn lẫn những cánh tay, vai, ngực và bụng. Một trong những cái đầu đó – da xanh, tóc đen, khuôn mặt đẹp – là Peter Keating.
Peter Keating ngồi ngay phía trước. Anh cố dán mắt vào bục diễn thuyết vì anh biết rằng nhiều người đang theo dõi anh và họ sẽ còn phải theo dõi anh sau này. Anh không liếc nhìn về phía sau nhưng anh cảm nhận được những ánh mắt không bao giờ rời mình. Đôi mắt anh màu tối, cảnh giác và thông minh. Miệng anh có hình một vành lưỡi liềm nhỏ, hướng lên trên, đầy quý phái, hào phóng và ấm áp với một nụ cười phảng phất. Đầu anh là một cấu trúc cổ điển hoàn hảo với những lọn tóc đen lượn sóng tự nhiên trùm lên hai thái dương sâu vừa phải. Anh cử động đầu như thể không biết đến vẻ đẹp của mình, mặc dù anh biết rõ người khác ý thức đầy đủ về nó. Đấy là Peter Keating, sinh viên ngôi sao của Học viện Stanton, Chủ tịch hội sinh viên, đội trưởng đội điền kinh, thành viên của hầu hết các hội nam sinh quan trọng và được bầu là sinh viên được ưa thích nhất trường.
Peter Keating nghĩ: đám đông này ở đây là để chứng kiến ta tốt nghiệp. Anh thử ước tính sức chứa của hội trường. Ồ, kia là Shlinker. Shlinker đã làm ta phải cạnh tranh rất vất vả nhưng ta đã đánh bại Shlinker trong năm học cuối cùng này. Anh đã làm việc rất chăm chỉ vì anh muốn đánh bại Shlinker. Ngày hôm nay anh không còn đối thủ nào nữa… Rồi anh chợt cảm thấy như thể có một cái gì đó vừa rơi xuống. Từ bên trong cổ họng, cái vật ấy rơi xuống dạ dày, một cái gì đó lạnh và trống rỗng, một cái lỗ hổng cứ lăn xuống, để lại sau nó một cảm giác: cái cảm giác ấy không xuất phát từ một ý tưởng rõ ràng nào, nó chỉ là một cảm giác băn khoăn – liệu anh có thực sự xuất sắc như hôm nay người ta nói về anh.
Anh tìm kiếm Shlinker trong đám đông; anh nhìn thấy khuôn mặt vàng vọt và đôi mắt kính mạ vàng của cậu ta. Anh ân cần ngắm Shlinker, với cảm giác nhẹ nhõm, an tâm và biết ơn. Rõ ràng là Shlinker không thể hy vọng sánh ngang với anh cả về hình thức lẫn năng lực; anh không có gì để phải nghi ngờ về điều này; anh sẽ luôn luôn đánh bại Shlinker và tất cả những người như Shlinkers trên thế giới này; anh sẽ không để ai đạt được những gì mà anh không thể đạt được. Hãy để tất cả bọn họ nhìn ta. Ta sẽ cho họ lý do chính đáng để ngưỡng mộ. Anh cảm thấy rõ những hơi thở nóng hổi và sự chờ đợi xung quanh mình, giống như một cốc nước ga. Peter Keating nghĩ: thật tuyệt vời khi được sống.
Đầu anh bắt đầu hơi quay cuồng. Đó là một cảm giác dễ chịu. Cái cảm giác ấy đưa anh đi – không cưỡng lại và không hoàn toàn ý thức rõ – lên bục phát biểu, trước tất cả những khuôn mặt. Anh đứng – người dong dỏng, gọn gàng, khỏe mạnh – và để cho cái cảm giác lâng lâng đó vỡ ra, xâm chiếm đầu mình. Anh lờ mờ nhận thức rằng anh đã tốt nghiệp với bằng xuất sắc, rằng Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ đã tặng anh huy chương vàng và rằng anh đã được Hiệp hội Khai sáng Kiến trúc Hoa Kỳ tặng Giải thưởng Paris[17] – giải thưởng là một suất học bổng bốn năm tại Trường Mỹ thuật Paris.
Sau đó anh thấy mình bắt tay và lấy tấm bằng tốt nghiệp bằng da thuộc để quệt mồ hôi. Anh gật đầu, mỉm cười, nghẹt thở trong chiếc áo cử nhân màu đen. Anh hy vọng mọi người sẽ không để ý đến mẹ anh đang thổn thức ôm lấy anh. Ông Chủ tịch học viện bắt tay anh và nói oang oang: “Stanton sẽ tự hào về cậu, chàng trai ạ.” Ông Trưởng khoa bắt tay anh và nhắc đi nhắc lại: “… một tương lai sáng lạn… một tương lai sáng lạn… một tương lai sáng lạn…” Giáo sư Peterkin bắt tay anh rồi vừa vỗ vai anh vừa nói: “… và cậu sẽ thấy nó tuyệt đối cần thiết; ví dụ như tôi đã có kinh nghiệm về điều này khi xây dựng Bưu điện Peabody…” Keating không nghe nốt phần còn lại vì anh đã nghe câu chuyện về Bưu điện Peabody rất nhiều lần. Nó là công trình duy nhất mà Giáo sư Peterkin xây dựng trước khi ông từ bỏ công việc thiết kế để chuyển sang giảng dạy. Người ta đã nói rất nhiều về đồ án tốt nghiệp của Keating – Cung điện Mỹ thuật. Quỷ tha ma bắt, vào lúc này, Peter Keating không thể nhớ nổi đồ án đó là gì.
Nhìn xuyên qua tất cả mọi thứ, ánh mắt anh dừng lại ở thời điểm Guy Francon bắt tay anh và tai anh lắng nghe những âm thanh du dương phát ra từ miệng Francon: “… như tôi đã nói với cậu, mọi thứ vẫn để ngỏ cho cậu, chàng trai ạ. Tất nhiên, bây giờ cậu đang có học bổng này… cậu sẽ phải quyết định… một chứng chỉ của trường Mỹ thuật Paris là rất quan trọng đối với một thanh niên trẻ… nhưng tôi sẽ rất vui mừng nếu cậu đến làm việc tại văn phòng của chúng tôi…”
Bữa tiệc của khóa 22 kéo dài và trang trọng. Keating lắng nghe các bài phát biểu một cách chăm chú; khi anh nghe những lời nói bất tận về “những thanh niên trẻ là niềm hy vọng của Kiến trúc Hoa Kỳ” và “tương lai mở ra những cánh cổng vàng”, anh biết rằng anh chính là niềm hy vọng, anh chính là cái tương lai ấy. Chà, thật khoan khoái khi được nghe sự xác nhận này từ vô vàn những cái miệng nổi tiếng. Anh nhìn những nhà hùng biện tóc xám và nghĩ anh sẽ trẻ hơn họ nhiều khi anh đạt đến vị trí của họ, thậm chí còn xa hơn thế.
Sau đó anh chợt nghĩ đến Howard Roark. Anh ngạc nhiên thấy việc thoáng nhớ ra cái tên này mang lại cho anh một cảm giác khoan khoái trước khi anh kịp hiểu lý do. Rồi anh nhớ ra: sáng nay, Howard Roark đã bị đuổi học. Anh thầm trách mình; anh buộc bản thân phải có cảm giác thông cảm. Nhưng bất kỳ lúc nào anh nghĩ đến vụ đuổi học, cái cảm giác khoan khoái bí hiểm lại quay lại. Vụ đuổi học đã chứng minh một cách hùng hồn rằng anh thật ngốc khi tưởng rằng Roark là một đối thủ nguy hiểm; đã có lúc anh từng lo ngại về Roark còn hơn cả Shlinker, dù Roark trẻ hơn anh hai tuổi và học dưới anh một khóa. Cứ cho là mình đã từng nghi ngờ về tài năng của Roark và của bản thân mình, thì chẳng phải ngày hôm nay, mọi thứ đã rõ ràng? Rồi anh nhớ ra, Roark đã luôn rất tốt với anh, cậu ta đã giúp đỡ anh bất kỳ lúc nào anh bế tắc… à, không, thực ra thì không phải là bế tắc… chỉ là anh đã không có thời gian để nghĩ cho ra, một thiết kế mặt bằng hay cái gì đó. Lạy chúa! Làm sao mà Roark lại có thể gỡ rối một đồ án giống như kéo một đầu dây và cả cuộn dây cứ thế mà tở ra… ôi dào, mà kể cả nếu cậu ta làm được thế thật thì sao nhỉ? Cũng có được gì đâu? Giờ thì Roark đi đứt rồi. Khi nghĩ đến điều này, rút cục Peter Keating đã khiến mình đạt tới cảm giác cảm thông mà anh muốn có với Howard Roark.
Khi Keating được mời lên phát biểu, anh đứng dậy đầy tự tin. Anh không thể để lộ rằng mình sợ hãi. Anh không có gì để nói về kiến trúc. Nhưng anh vẫn nói, đầu ngẩng cao, như thể anh ngang hàng với những người khác, nhưng vẫn đủ tinh tế để không làm những tên tuổi lớn đang có mặt cảm thấy bị xúc phạm. Anh nhớ mình đã nói: “Kiến trúc là môn nghệ thuật vĩ đại… với ánh mắt của chúng ta hướng về tương lai và trái tim chúng ta mang sự tôn trọng với quá khứ… trong tất cả các nghệ thuật, cái có ý nghĩa nhất với xã hội… và, như một tên tuổi vốn là tấm gương sáng cho chúng ta, đã nói ngày hôm nay, ba thực thể vĩnh cửu là: Chân, Thiện và Mỹ…”
Sau đó, trong hành lang bên ngoài, giữa sự chia tay hỗn độn ồn ào, một người bạn đã bá vai Keating thì thầm: “Về nhà đi, quên súp với cá đi Peter. Đêm nay chúng ta đi Boston. Chỉ hội mình thôi. Một tiếng nữa, tớ sẽ đón cậu.” Rồi Ted Shlinker đã giục: “Tất nhiên là cậu phải đi rồi, Peter. Không có cậu thì còn gì là vui. À, nhân tiện, xin chúc mừng, chúc mừng cậu… Đừng nghĩ gì cả. Người giỏi nhất xứng đáng chiến thắng.” Keating vòng tay qua vai Shlinker; ánh mắt Keating bừng sáng đầy vẻ nồng ấm như thể Shlinker là người bạn quý giá nhất của anh – ánh mắt này Keating luôn dành cho tất cả mọi người. Anh nói: “Cảm ơn cậu, Ted, bạn thân mến. Tớ thực sự cảm thấy xấu hổ về cái huy chương của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ. Tớ nghĩ cậu xứng đáng nhận nó, nhưng cậu không thể hiểu rằng những kẻ hủ lậu đó suy nghĩ như thế nào đâu.”
Và giờ thì Keating đang trên đường về nhà xuyên qua bóng tối êm dịu. Anh băn khoăn không biết làm thế nào để thoát khỏi bà mẹ vào đêm nay.
Anh nghĩ mẹ mình đã làm rất nhiều điều cho mình. Bà đã luôn nhắc đi nhắc lại với anh, bà là một mệnh phụ và đã tốt nghiệp trung học; vậy mà bà đã phải làm việc vất vả, phải cho sinh viên thuê nhà – thật là một sự sa sút chưa từng xảy ra trong gia đình bà.
Bố anh từng sở hữu một cửa hàng văn phòng phẩm ở Stanton. Thời thế thay đổi đã làm chấm dứt việc kinh doanh và chứng thoát vị đã chấm dứt cuộc đời của ông cách đây mười hai năm. Mẹ anh – Louisa Keating – được thừa kế một ngôi nhà nằm ở cuối một dãy phố sang trọng, cùng với một khoản tiền trợ cấp bảo hiểm cố định mà bà trông nom cẩn thận và cậu con trai của mình. Khoản trợ cấp bảo hiểm không nhiều nhưng với nguồn thu nhập bổ sung từ việc cho sinh viên thuê nhà và sự chi tiêu có tính toán, bà Keating vẫn đảm bảo được cuộc sống. Vào các mùa hè, con trai bà giúp đỡ bà làm thư ký trong các khách sạn hoặc đứng làm mẫu quảng cáo mũ. Bà Keating đã quyết định rằng con trai bà sẽ phải lấy lại vị thế xứng đáng của nó trong thế giới này và, như một con đỉa, bà đã bám lấy niềm tin này một cách vừa mềm mại vừa kiên định… Thật buồn cười, Keating nhớ lại, đã có lúc anh muốn thành họa sĩ. Nhưng rồi chính mẹ anh đã lựa chọn cho anh một lĩnh vực tốt hơn để anh có thể thể hiện năng khiếu vẽ của mình.
“Nghề kiến trúc” bà đã nói, “là một nghề cao quý. Ngoài ra, con sẽ gặp những người giỏi nhất ở đó.” Bà đã thúc anh theo đuổi nghề này – anh cũng không biết từ bao giờ và như thế nào. Thật buồn cười – Keating nghĩ – từ nhiều năm nay, anh không còn nhớ đến những ham muốn thời nhỏ của mình. Và càng buồn cười vì bây giờ, khi nhớ lại, điều đó lại làm anh đau. Nhưng mà, chết tiệt thật, đây chính là lúc nên nhớ lại nó – nhớ lại để vĩnh viễn quên đi.
Anh nghĩ các kiến trúc sư luôn có sự nghiệp sáng lạn. Và một khi đã lên đỉnh, có bao giờ họ thất bại? Bất chợt anh nhớ đến Henry Cameron; người xây dựng các tòa nhà chọc trời cách đây hai mươi năm; giờ là một ông già nát rượu với văn phòng làm việc nào đó ở cạnh bờ sông. Keating rùng mình và rảo bước nhanh hơn.
Trong lúc bước đi, anh băn khoăn không biết mọi người có nhìn anh không. Anh nhìn vào các khuôn cửa sổ hình chữ nhật sáng đèn; khi có một tấm rèm nào đó bay phất phơ và một cái đầu nghiêng ra phía ngoài, anh cố đoán xem có phải nó nghiêng ra để nhìn anh đi ngang qua hay không; nếu không phải thì một ngày nào đó, người ta sẽ phải nhìn; một ngày nào đó, tất cả bọn họ sẽ phải làm như vậy.
Howard Roark đang ngồi trên bậc thềm ở hiên nhà khi Keating đi vào. Anh đang ngả người lên các bậc thềm, hai khuỷu tay chống xuống và duỗi dài chân ra. Một cây bìm bìm hoa tía leo dọc theo mái hiên, tạo thành một tấm rèm giữa ngôi nhà và ánh sáng của cột đèn ở góc đường.
Thật lạ lùng khi thấy một cái bóng đèn điện trong một đêm mùa xuân. Nó làm cho đường phố tối hơn và lỏng ra; nó đứng cô độc trong không trung và tạo ra một khoảng trống quanh nó. Không thể nhìn thấy gì trong khoảng trống ấy ngoại trừ một vài cành cây đầy lá đứng bất động bên rìa. Những cái lá khuếch đại cảm giác. Người ta có cảm tưởng ẩn trong bóng tối là một biển lá cây. Cái bóng đèn thủy tinh làm cho những chiếc lá sống động hơn; nó tước bỏ màu sắc của những chiếc lá và hứa hẹn rằng dưới ánh sáng ban ngày, chúng sẽ xanh hơn bao giờ hết. Cái bóng đèn cũng làm lóa mắt người ta; nó thay con mắt bằng một giác quan mới; không phải là thính giác cũng không phải xúc giác, mà là sự nhận biết về mùa xuân và về không gian.
Keating dừng lại khi anh nhận ra mái tóc màu vàng cam kỳ dị trong bóng tối hiên nhà. Roark là người duy nhất mà anh đã muốn gặp tối nay. Anh vừa vui mừng vì thấy Roark có một mình lại vừa cảm thấy hơi ngại ngùng.
“Chúc mừng anh, Peter,” Roark nói.
“Ồ…, cảm ơn cậu…” Keating ngạc nhiên thấy lời chúc mừng này làm anh thỏa mãn hơn bất cứ lời chúc tụng nào khác mà anh nhận được trong ngày hôm nay. Anh vừa ngầm sung sướng khi thấy Roark thừa nhận thành công của mình vừa ngầm rủa mình là đồ ngốc vì đã sung sướng. “… Ý tôi là… cậu biết… hay là…” Anh ta nói tiếp rất nhanh: “Mẹ tôi đã nói với cậu à?”
“Bác có nói.”
“Đáng lẽ mẹ tôi không nên.”
“Sao lại không?”
“Howard này, cậu biết đấy tôi rất tiếc vì cậu đã bị…” Roark ngả đầu về phía sau và ngước lên nhìn Keating.
“Quên chuyện đó đi,” Roark nói.
“Tôi… có một chuyện tôi muốn nói với cậu, Howard, để xin lời khuyên của cậu. Tôi ngồi được chứ?”
“Chuyện gì thế?”
Keating ngồi xuống bậc thềm bên cạnh Roark. Với Roark, anh không thể diễn bất cứ trò gì. Hơn thế, lúc này, anh cũng không muốn phải diễn. Keating nghe thấy một chiếc lá xào xạc rơi xuống mặt đất; đấy là một âm thanh mỏng, khô khốc và liên tục.
Anh biết, vào lúc này, anh cảm thấy mến Roark; một sự cảm mến hàm chứa cả sự khó chịu, ngạc nhiên và bất lực.
Keating nhẹ nhàng nói bằng giọng hoàn toàn chân thành, “Cậu không nghĩ là tôi thật tồi tệ khi hỏi chuyện của mình vào lúc mà cậu vừa bị…?”
“Tôi đã nói là quên chuyện đó đi. Anh có chuyện gì?”
“Cậu biết đấy,” Keating nói một cách chân thật và bất ngờ, ngay cả với chính mình, “Tôi thường nghĩ rằng cậu thật điên rồ. Nhưng tôi biết cậu biết nhiều về nó – về kiến trúc ấy. Ý tôi là – cậu biết những thứ mà những kẻ ngu ngốc kia không bao giờ biết. Và tôi biết rằng cậu say mê kiến trúc còn họ thì sẽ chẳng bao giờ.”
“Rồi sao?”
“À thì… tôi không biết tại sao tôi lại nghĩ đến cậu, nhưng – Howard, tôi chưa từng nói điều này trước đây, nhưng cậu thấy đấy, tôi thà hỏi ý kiến của cậu còn hơn là hỏi ông Trưởng khoa – tôi có thể nghe theo ý kiến của ông Trưởng khoa nhưng mà… ý kiến của cậu có nhiều ý nghĩa với tôi hơn, tôi cũng không biết tại sao. Tôi thậm chí cũng không biết tại sao tôi lại nói những thứ này.”
Roark quay người nhìn Keating và cười. Đó là một tiếng cười trẻ trung, thiện chí, và thân thiện. Rất hiếm người nghe thấy Roark cười; vì thế Keating có cảm tưởng ai đó đang nắm tay anh một cách tin tưởng. Anh quên mất có một bữa tiệc đang đợi mình ở Boston.
“Thôi nào,” Roark nói, “anh không sợ tôi đấy chứ? Anh muốn hỏi cái gì?”
“Về học bổng của tôi. Học bổng đi Paris ấy.”
“Sao nào?”
“Học bổng đó cho bốn năm. Nhưng, trước đây Guy Francon đã đề nghị tôi về làm việc cho ông ta. Ngày hôm nay ông ấy nói rằng lời đề nghị đó vẫn còn hiệu lực. Và tôi không biết chọn cái nào.”
Roark nhìn Keating; Các ngón tay của Roark gõ chầm chậm lên các bậc thềm.
“Nếu anh muốn lời khuyên của tôi, Peter ạ,” cuối cùng Roark nói, “thì anh đã mắc sai lầm rồi. Sai lầm vì hỏi ý kiến tôi. Hoặc hỏi ý kiến của bất kỳ ai. Đừng bao giờ hỏi người khác. Đừng hỏi về công việc của anh. Chẳng nhẽ anh lại không biết mình muốn cái gì sao? Làm sao mà anh có thể chịu được việc không biết mình muốn gì?
“Đấy đấy, đấy chính là điều mà tôi ngưỡng mộ cậu, Howard. Cậu luôn luôn biết.”
“Bỏ qua chuyện tán tụng đi!”
“Nhưng tôi nói thật đấy. Làm sao mà cậu luôn có thể tự quyết định?”
“Làm sao anh lại có thể để người khác quyết định thay anh?”
“Nhưng cậu biết đấy, tôi không chắc lắm, Howard. Tôi chưa bao giờ chắc chắn về bản thân. Tôi không biết liệu tôi có giỏi như là tất cả mọi người vẫn nói về tôi hay không. Tôi sẽ không thừa nhận điều này với bất kỳ ai ngoại trừ cậu. Tôi nghĩ đó là vì cậu luôn biết chắc, đến nỗi tôi…”
“Petey!” Tiếng bà Keating vang lên phía sau họ. “Petey, con yêu! Con còn làm gì ở đấy đấy?”
Bà đứng ở bậc cửa trong chiếc váy tafta màu rượu vang đỏ đẹp nhất của bà. Trông bà vừa có vẻ sung sướng, lại vừa có vẻ bực mình.
“Còn mẹ thì đã ngồi đây một mình để chờ con đấy! Con đang làm cái quái gì trên những bậc thềm bẩn thỉu đó trong bộ quần áo sang trọng như vậy? Đứng lên ngay lập tức! Vào nhà ngay. Mẹ có sô-cô-la nóng và bánh quy cho các con đây.”
“Nhưng… Mẹ! Con có chuyện quan trọng muốn nói với Howard,” Keating nói.
Tuy nhiên anh vẫn đứng lên.
Bà Keating dường như không nghe thấy. Bà đi vào trong nhà. Keating đi theo bà.
Roark nhìn theo họ. Anh nhún vai, rồi đứng lên và cũng đi vào.
Bà Keating ngồi xuống cái ghế bành. Cái váy bó của bà kêu sột soạt.
“Thế nào?” bà hỏi. “Thế hai anh đang nói chuyện gì ở ngoài kia đấy?”
Keating mân mê cái gạt tàn. Anh cầm hộp diêm lên rồi đặt xuống; sau đó anh tảng lờ bà mẹ và quay sang Roark.
“Này, Howard, nghiêm túc nhé,” anh cao giọng. “Liệu tôi nên vứt quách cái học bổng đấy đi và đi làm, hay là cứ để Francon chờ và kiếm cái chứng chỉ Mỹ thuật để dọa bọn nhà quê? Cậu nghĩ sao?”
Một cái gì đó đã mất. Khoảnh khắc đó đã qua rồi.
“Nào, Petey, để mẹ xem nào…” bà Keating cất tiếng.
“Kìa mẹ, mẹ cứ từ từ!… Howard, tôi phải cân nhắc kỹ. Không phải ai cũng nhận được học bổng như vậy. Chính cậu cũng biết rõ điều này. Một khóa học tại trường Mỹ thuật – cậu biết là nó rất quan trọng.”
“Tôi không biết điều đó,” Roark nói.
“Ôi trời, quỷ tha ma bắt, tôi biết những ý tưởng điên rồ của cậu, nhưng tôi đang nói đến thực tế, đến một người cụ thể ở vị trí của tôi. Hãy tạm dẹp lý thuyết sang một bên đã, dĩ nhiên là về lý thuyết thì…”
“Anh không muốn có lời khuyên của tôi đâu.” Roark nói.
“Tất nhiên là tôi muốn! Tôi đang hỏi cậu mà!”
Nhưng Keating không bao giờ có thể là chính mình khi anh có khán giả ở quanh, bất kỳ khán giả nào. Một thứ gì đó đã mất. Anh không biết nó là cái gì nhưng anh cảm thấy Roark biết; đôi mắt của Roark làm anh thấy bất ổn và điều đó làm anh giận dữ.
“Tôi muốn thực hành nghề kiến trúc,” Keating gằn giọng, “chứ không phải chỉ nói về nó! Trường Mỹ thuật Paris – dĩ nhiên là nó mang lại danh tiếng. Dĩ nhiên là nó sẽ đặt tôi lên trên hẳn những thằng kiến trúc sư vốn xuất thân là thợ ống nước nhưng lại nghĩ là có thể xây nhà. Nhưng mà… đi làm với Francon… mà lại đích thân Guy Francon đề nghị nữa chứ!”
Roark quay đi.
“Liệu có bao nhiêu người được như thế?” Keating cứ tự động nói. “Một năm nữa, bọn cùng lớp sẽ khoác lác rằng mình đang làm việc cho một hãng quèn nào đó, nếu họ có thể tìm được việc làm. Trong khi tôi sẽ làm việc cho Francon & Heyer!”
“Anh rất đúng, Peter à,” bà Keating đứng dậy và nói. “Đối với một vấn đề như vậy, dĩ nhiên anh không muốn hỏi ý kiến mẹ của anh! Chuyện này quá quan trọng! Mẹ sẽ để anh tự giải quyết với cậu Roark!”
Keating nhìn mẹ mình. Anh không muốn biết bà nghĩ gì; anh biết cơ hội duy nhất của anh là phải quyết định trước khi nghe ý kiến của bà. Bà Keating đã dừng lại để nhìn anh. Bà đang chuẩn bị quay đi và rời khỏi phòng. Anh biết bà không hề làm bộ làm tịch – bà sẽ rời khỏi phòng nếu anh muốn vậy; anh muốn bà đi; anh rất muốn bà đi.
Nhưng anh lại nói:
“Kìa mẹ, sao mẹ lại nói thế? Tất nhiên là con muốn hỏi ý kiến mẹ. Mẹ… mẹ nghĩ thế nào ạ?”
Bà Keating tảng lờ sự giận dữ sống sượng trong giọng nói của con trai. Bà mỉm cười.
“Petey, mẹ không bao giờ nghĩ về bất kỳ điều gì. Điều đó là tùy thuộc vào anh. Mọi thứ luôn tùy thuộc vào anh.”
“Thế thì…” anh nhìn bà và bắt đầu ngập ngừng nói, “nếu con đi học tại trường Mỹ thuật…”
“Tốt thôi,” bà Keating nói, “anh cứ đến trường Mỹ thuật đi. Đó là một chỗ danh giá. Một chỗ cách nhà cả một đại dương. Tất nhiên, nếu anh đi, thì ông Francon sẽ tuyển một người khác. Rồi mọi người sẽ bàn tán chuyện đó. Ai mà chả biết là hàng năm ông Francon luôn lựa chọn sinh viên giỏi nhất từ Học viện Stanton cho văn phòng của ông ta. Mẹ băn khoăn không biết mọi người sẽ bàn tán những gì nếu ông ấy chọn người khác? Nhưng mẹ đoán là chuyện ấy cũng chẳng quan trọng.”
“Mọi người sẽ bàn tán… bàn tán thế nào?”
“Chắc cũng chả có gì đâu – mẹ đoán thế. Chắc sẽ bảo cậu ta là người giỏi nhất khóa. Mẹ đoán là ông ta sẽ nhận Shlinker.”
“Không!” Keating nuốt nước bọt một cách giận dữ “Không thể là Shlinker!”
“Phải rồi!” bà Keating nói với giọng ngọt ngào. “Sẽ là Shlinker!”
“Nhưng…”
“Nhưng tại sao con lại phải quan tâm xem người ta bàn tán cái gì cơ chứ? Chỉ cần con hài lòng là được mà.”
“Mẹ có nghĩ là ông Francon…”
“Tại sao mẹ lại phải nghĩ đến ông Francon? Ông ta chẳng là gì đối với mẹ cả.”
“Mẹ, có phải mẹ muốn con làm việc cho Francon?”
“Mẹ chẳng muốn cái gì cả, Petey. Con là ông chủ.”
Anh băn khoăn không biết mình có thực sự yêu quý mẹ mình không. Nhưng bà là mẹ của anh và người ta tự động cho rằng anh yêu quý bà và anh cũng vì thế mà quy mọi cảm giác của anh với bà là tình yêu. Anh băn khoăn tại sao anh phải tôn trọng ý kiến của bà. Bà là mẹ của anh; cái lý do này hình như có thể thay thế mọi lý do khác.
“Vâng, tất nhiên rồi mẹ… Nhưng… Vâng, con biết, nhưng… Này Howard.”
Đó là một lời cầu xin giúp đỡ. Roark ở đó, nửa nằm nửa ngồi trên một cái ghế bành ở góc phòng, ườn người như một con mèo con. Điều đó thường làm Keating ngạc nhiên; anh từng thấy Roark di chuyển với sự tập trung tuyệt đối, với sự tự chủ và chính xác của một con mèo; anh từng thấy Roark thư giãn, cũng như một con mèo, với sự thả lỏng hoàn toàn, như thể cơ thể Roark không có bất kỳ một cái xương cứng nào. Roark ngước nhìn Keating. Anh nói:
“Peter, anh biết rõ tôi cảm thấy như thế nào về cả hai cơ hội của anh. Hãy lựa chọn cái ít kinh khủng hơn. Anh sẽ học được gì ở trường Mỹ thuật chứ? Chỉ là thêm các cung điện kiểu Phục hưng và các kết cấu opera. Họ sẽ giết chết mọi thứ mà anh có thể đang có. Anh có thể làm được việc, mặc dù chỉ thỉnh thoảng – khi người ta để anh làm. Nếu anh thực sự muốn học hỏi, thì hãy đi làm đi. Francon là một kẻ vô đạo đức và ngu ngốc, nhưng lão ấy sẽ để anh xây nhà. Điều đó sẽ giúp cho anh tự phát triển sự nghiệp của mình nhanh hơn.”
“Ngay cả cậu Roark cũng đôi khi có lý” bà Keating nói, “mặc dù lời lẽ của cậu ấy cứ như là của dân lái xe tải.”
“Có thật là cậu nghĩ rằng tôi làm được việc?” Keating nhìn Roark, như thể đôi mắt Roark vẫn còn đọng lại câu nói đó – những thứ khác đều chẳng có nghĩa gì.
“Thỉnh thoảng thôi,” Roark nói. “Không thường xuyên.”
“Rồi, giờ thì mọi việc xong xuôi rồi nhé…” bà Keating lại lên tiếng.
“Con… Con vẫn còn phải nghĩ đã mẹ.”
“Rồi, giờ mọi việc xong xuôi rồi, chúng ta uống sô-cô-la nóng nhé? Mẹ mang ra ngay lập tức.”
Bà mỉm cười với con trai, một nụ cười ngây thơ thể hiện sự tuân phục và biết ơn và bà rời khỏi phòng trong tiếng váy sột soạt.
Keating bồn chồn đi đi lại lại; anh dừng lại để châm một điếu thuốc, rồi cứ thế đứng nhả từng đợt khói ngắn. Sau đó anh nhìn Roark.
“Giờ cậu sẽ làm gì hả Howard?”
“Tôi á?”
“Tôi thật vô tâm – tôi biết – tôi cứ nói mãi về mình. Mẹ tôi có ý tốt nhưng bà ấy làm tôi phát điên lên mất… Thôi, mặc xác chuyện đó. Thế cậu sẽ làm gì?”
“Tôi sẽ đi New York.”
“Ồ, tuyệt vời. Để tìm việc à?”
“Để tìm việc.”
“Về… kiến trúc?”
“Về kiến trúc, Peter.”
“Tuyệt vời. Tôi rất vui. Thế đã có triển vọng gì rõ ràng chưa?
“Tôi sẽ làm việc cho Henry Cameron.”
“Ồ, không, Howard!”
Roark cười mỉm một cách chậm rãi. Hai khóe miệng của anh đanh lại. Anh không nói gì.
“Ồ, không, Howard!”
“Có đấy!”
“Nhưng ông ta chẳng còn là gì, chẳng còn là ai nữa cả! Ồ, tôi biết là ông ta có tên tuổi nhưng ông ta hết thời rồi! Bao năm nay, ông ta có nhận được hợp đồng xây dựng quan trọng nào đâu! Người ta bảo văn phòng ông ta như cái thùng rác. Cậu sẽ có tương lai gì từ ông ta nào? Cậu sẽ học được cái gì cơ chứ?”
“Không nhiều. Chỉ học xây nhà thôi.”
“Vì Chúa, cậu không thể tiếp tục như vậy được, cậu cứ cố tình phá hỏng chính bản thân cậu! Tôi nghĩ là… nói thật nhé, tôi cứ nghĩ là hôm nay cậu đã được một bài học!”
“Tôi đã.”
“Nghe này, Howard, nếu cậu làm thế chỉ là vì cậu nghĩ rằng sẽ không có ai khác nhận cậu bây giờ, không có chỗ nào khá hơn, thì, tôi sẽ giúp cậu. Tôi sẽ lựa lời với Francon và tôi sẽ móc nối… và…”
“Cảm ơn anh, Peter. Nhưng không cần đâu. Mọi việc đã xong rồi.”
“Thế ông ta nói sao?”
“Ai cơ?”
“Cameron.”
“Tôi chưa từng gặp ông ta.”
Vừa lúc đó, tiếng còi ô-tô vang lên ở bên ngoài. Keating nhớ ra. Anh bắt đầu định đi thay đồ, nhưng anh đâm sầm vào mẹ mình ở cửa ra vào và làm đổ một cái cốc trên cái khay đầy của bà.
“Petey!”
“Không sao đâu mẹ!” Anh ta nắm lấy khuỷu tay bà. “Con đang vội, mẹ yêu quý. Một bữa tiệc nhỏ với bạn bè… nào, nào,… mẹ đừng nói gì cả – con sẽ không về muộn và – mẹ xem! Chúng ta sẽ ăn mừng việc con đi làm cho Francon & Heyer!”
Keating hấp tấp hôn mẹ với sự hào hứng vẫn thỉnh thoảng làm cho anh trở nên một người hết sức hấp dẫn. Sau đó, anh lao ra khỏi phòng và lên gác. Bà Keating lắc đầu, mặt đỏ bừng, vừa thất vọng, vừa sung sướng.
Trong lúc ném quần áo lung tung đi khắp nơi trong phòng, Keating chợt nghĩ đến bức điện mà anh sẽ gửi đi New York. Anh đã không nghĩ đến cái việc đặc biệt này cả ngày hôm nay; nhưng bây giờ, nó chợt trở nên hết sức cấp thiết. Anh muốn gửi bức điện đó ngay bây giờ, ngay lúc này. Anh viết nghuệch ngoạc lên một mảnh giấy:
“Katie em yêu… sẽ đến New York… công việc… Francon… yêu em mãi mãi. Peter.”
Đêm đó Keating ngồi trên ô-tô phóng đến Boston. Anh ngồi cứng giữa hai người bạn. Gió và những con đường vụt lại phía sau. Và anh nghĩ rằng thế giới đang mở ra trước mặt anh, giống như bóng tối chạy trốn khỏi ánh đèn pha ô-tô nhấp nháy. Anh đã tự do. Anh đã sẵn sàng. Trong một vài năm nữa – sẽ rất nhanh thôi, vì thời gian không tồn tại khi người ta có thể phóng nhanh thế này – tên tuổi anh sẽ vang lên như tiếng còi xe và sẽ kéo phăng mọi người khỏi giấc ngủ. Anh đã sẵn sàng để làm những thứ vĩ đại, những thứ cao quý, những thứ không ai có thể vượt qua trong… trong… ôi, quỷ tha ma bắt… trong ngành kiến trúc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.