Suối nguồn

IV.



Mặt trời đã lặn khi họ bước ra khỏi xe. Trong khoảng giữa trời và biển – một khoảng trời màu xanh lá cây phía trên lên một mặt biển màu thủy ngân – màu lửa đỏ vẫn còn đọng lại ở rìa những đám mây và trên những đồ trang trí bằng đồng thau trên du thuyền. Chiếc du thuyền giống như một khối trắng liên tục chuyển động, một thân hình nhạy cảm căng lên dưới sự cầm giữ của tĩnh lặng.

Dominique nhìn những chữ khắc bằng vàng – Tôi Có – ngay trên mũi tàu màu trắng.

“Nó có nghĩa là gì?” cô hỏi.

“Đó là một câu trả lời”, Wynand nói, “cho những người đã chết từ lâu. Mặc dù có lẽ họ là những người duy nhất bất tử. Bà thấy đấy, câu mà tôi hay phải nghe thấy nhất khi còn nhỏ là ‘Mày không phải là chủ ở đây’.”

Cô nhớ là trước đây, chưa bao giờ ông chịu trả lời câu hỏi đó. Ông đã trả lời cô ngay lập tức như thể ông không nhận ra mình đang tạo ra ngoại lệ. Cô cảm nhận được vẻ bình tĩnh trong cử chỉ của ông, sự thanh thản tận cùng, nó lạ lùng và mới mẻ với chính ông.

Khi họ lên thuyền, con thuyền lập tức di chuyển như thể các bước chân của Wynand trên sàn thuyền là các mạch nối để con thuyền chuyển động. Ông đứng ở lan can, không chạm vào cô; ông ngắm nhìn những bờ biển dài, màu nâu, cứ nhô lên rồi hạ thấp xuống so với bầu trời và xa dần họ.

Rồi ông quay lại phía họ. Cô không nhận thấy có vẻ gì mới trong mắt ông. Không có sự khởi đầu nào, chỉ sự là sự tiếp tục của một cái liếc nhìn, như thể ông vẫn đang nhìn cô trong suốt thời gian qua.

Khi họ bước xuống phía dưới, ông bước cùng cô vào trong cabin. Ông nói “Cứ nói cho tôi biết, nếu cô cần bất cứ thứ gì”, và bước ra bên ngoài qua một cánh cửa bên hông. Cô nhận ra cánh cửa này dẫn tới phòng ngủ của ông. Ông đóng cửa lại và không trở ra.

Cô đi lại vẩn vơ trong cabin. Bóng cô cũng lướt theo cô trên bề mặt lộng lẫy của thành tàu làm bằng gỗ sơn tiêu nhạt. Cô ngả người trên chiếc ghế có tay vịn thấp, hai chân vắt chéo, cánh tay đặt ở sau đầu và ngắm khung cửa sổ tròn trên tàu chuyển từ màu xanh lá cây sang màu đen. Cô đưa tay mình bật một ngọn đèn, màu xanh đen biến mất và chuyển thành một quầng tròn màu đen bóng.

Người phục vụ bước vào thông báo bữa tối đã sẵn sàng. Wynand gõ cửa phòng cô và hộ tống cô ra phòng ăn. Cung cách của ông khiến cô ngỡ ngàng: ông vui vẻ, nhưng chính cảm giác lặng lẽ trong sự vui vẻ đó tạo ra ấn tượng về một sự sang trọng kỳ lạ.

Cô hỏi, khi họ đã ngồi ở bàn ăn: “Tại sao ông để tôi lại một mình!”

“Tôi nghĩ bà muốn ở một mình.”

“Để làm quen với ý nghĩ kia?”

“Nếu bà thích gọi như thế.”

“Tôi đã quen với nó trước khi tôi tới văn phòng của ông rồi.”

“Tất nhiên rồi. Xin thứ lỗi vì tôi ngụ ý một điểm yếu nào đó của bà. Tôi biết là không phải thế. Nhân tiện, hình như bà chưa hỏi tôi là chúng ta đang đi đâu.”

“Nếu tôi hỏi thì nó sẽ lại là một điểm yếu của tôi.”

“Đúng. Tôi mừng là bà không bận tâm. Bởi vì tôi chưa bao giờ có đích cụ thể. Chiếc thuyền này không dùng để đi đến, mà để đi khỏi. Khi tôi dừng lại ở một hải cảng thì đó hoàn toàn chỉ bởi sự vui thích tôi sẽ có khi rời khỏi nó. Tôi luôn nghĩ: lại thêm một nơi nữa không thể giữ được ta.”

“Tôi từng đi rất nhiều nơi. Tôi cũng luôn có cảm giác đó. Người ta bảo với tôi rằng tôi là một kẻ căm ghét loài người.”

“Thật ngớ ngẩn nếu tin vào điều đó, phải không?”

“Tôi không biết.”

“Tôi chắc bà thấy rõ sự ngớ ngẩn đó. Ý tôi muốn nói đến những kẻ cho rằng loài lợn là biểu tượng của tinh thần bác ái bởi vì cái giống ăn tạp ấy chấp nhận mọi thứ. Thực ra, những kẻ yêu thương tất cả mọi người và luôn cảm thấy chỗ nào cũng là nhà mới chính là kẻ thực sự căm ghét con người. Hắn không trông đợi điều gì ở con người, nên không có sự suy đồi nào có thể làm cho hắn giận dữ.”

“Ông muốn nói tới những người khẳng định rằng bên trong những kẻ tồi tệ nhất vẫn luôn có những phần tốt đẹp?”

“Tôi muốn nói tới những kẻ mang trong mình sự ngạo mạn bẩn thỉu đến mức chúng dám tuyên bố rằng chúng dành cho người làm ra bức tượng của bà và người thổi bong bóng có hình chuột Mickey ở các góc phố sự yêu thương giống hệt nhau. Tôi muốn nói tới những kẻ yêu thường những kẻ thích chuột Mickey hơn bức tượng của bà – và loại ấy thì cso rất nhiều. Tôi muốn nói tới những kẻ yêu Joan of Arc[109] và các cô ả bán quần áo trên đại lộ Broadway với mức độ cuồng nhiệt khác nhau. Tôi muốn nói tới những kẻ yêu vẻ đẹp của bà và yêu những người đàn bà hắn gặp trong toa xe điện ngầm – loại đàn bà không chịu bắt chéo chân khi ngồi và khoe da thịt hở hang ở ngay chỗ trên nịt tất – với cùng sự vui thích như nhau. Tôi muốn nói tới những kẻ dành tình yêu như nhau cho cả đôi mắt chăm chú, không biết sợ hãi của một người đang nhìn qua kính viễn vọng lẫn cái nhìn trống rỗng của một thằng đần. Tôi muố nói tới một đám đông hào phóng và hào hiệp như thế đó. Vậy thì bà mà lại là kẻ ghét con người sao, bà Keating?”

“Ông đang nói tất cả những thứ mà – kể từ lúc tôi bắt đầu có trí nhớ – kể từ lúc tôi bắt đầu nhìn thấy và suy nghĩ – đã luôn…” cô ngừng lại giữa chừng.

“Đã luôn hành hạ bà. Tất nhiên rồi. Người ta không thể yêu con người mà không căm ghét hầu hết những sinh vật dám mạo nhận là con người. Hoặc là thế này hoặc là thế kia. Người ta không thể vừa yêu Chúa và nhạo báng Chúa một cách vô tư được. Chỉ trừ khi họ không biết là họ đang nhạo báng Chúa. Bởi vì họ không biết tới Chúa.”

“Ông sẽ nói sao nếu tôi nói với ông câu trả lời mà mọi người nói với tôi – rằng tình yêu có nghĩa là tha thứ?”

“Tôi sẽ nói rằng đó là sự khiếm nhã mà bà không thể làm được – cho dù bà vẫn nghĩ bà là chuyên gia trong việc đó.”

“Hoặc là tình yêu có nghĩa là lòng thương hại.”

“Thôi nào. Phải nghe thấy những thứ đó đã là tồi tệ rồi. Phải nghe thấy từ miệng bà thì thật là không thể chịu được – cho dù đó chỉ là lời nói đùa.”

“Câu trả lời của ông là gì?”

“Rằng tình yêu là thiêng liêng, là thờ phụng, là vinh quang, là ngước mắt lên trên. Nó không phải là miếng gạc che đậy những vết thương bẩn thỉu. Nhưng họ không hiểu được đâu. Những kẻ bạ chỗ nào cũng nói đến tình yêu chính là những kẻ chưa bao giờ cảm thấy nó. Chúng chỉ khuấy một món súp hỗn độn bao gồm sự thông cảm, tình thương, sự coi thường và thái độ lãnh đạm chung chung – và chúng gọi là tình yêu. Một khi bà cảm thấy được tình yêu đúng như tôi và bà biết về nó – tình yêu như lòng say mê tuyệt đối với một đỉnh cao tuyệt đối – bà sẽ không thể chấp nhận thứ gì ít hơn thế.”

“Như ông và tôi biết về nó?”

“Nó là những gì chúng ta cảm thấy khi chúng ta nhìn vào một thứ như bức tượng của bà. Không có tha thứ trong đó, và không có thương hại. Và tôi muốn giết chết kẻ nào dám tuyên bố rằng cần có những cái đó. Nhưng bà biết đấy, khi hắn nhìn vào tượng của bà, hắn sẽ chẳng cảm thấy gì cả. Bức tượng đó – hay một con chó bị gẫy chân – đều như nhau đối với hắn. Hắn thậm chí còn cảm thấy hắn đã làm một điều gì đó cao quý hơn khi băng bó chân cho con chó thay vì ngắm nhìn bức tượng bà. Vì thế nếu bà tìm kiếm bóng dáng của sự vĩ đại, nếu bà muốn sự thăng hoa, nếu bà đòi hỏi Chúa trời và từ chối việc rửa những vết thương như vật thay thế – thì bà sẽ bị gọi là kẻ căm ghét nhân loại, bà Keating ạ, bởi vì bà đã mắc cái tội biết đến một tình yêu mà nhân loại không xứng đáng được nhận.”

“Ông Wynand, ông đã đọc bài báo khiến tôi bị thải hồi chưa?”

“Chưa. Lúc đó tôi không đọc. Bây giờ thì tôi không dám.”

“Tại sao?”

Ông tảng lờ như không nghe thấy câu hỏi. Ông mỉm cười nói:

“Thế đấy, bà đã tìm đến chỗ tôi và bà nói ‘Ông là kẻ nhiều tội lỗi nhất thế gian – hãy chiếm lấy tôi để tôi có thể biết tự khinh bỉ mình. Tôi thiếu thứ mà hầu hết mọi người đều sống nhờ nó. Họ cho rằng cuộc sống là thứ có thể chịu đựng được trong khi tôi thì không thể’. Bây giờ thì bà thấy bà đã thể hiện cái gì chưa?”

“Tôi không nghĩ là ông có thể nhận ra được nó.”

“Không. Tất nhiên là chủ bút tờ Ngọn cờ New York thì không thể nhận ra. Cũng không sao. Tôi cũng đã tưởng rằng tôi sẽ gặp một bà gái điếm xinh đẹp và là bạn của Ellsworth Toohey.”

Họ cùng phá ra cười. Cô nghĩ thật lạ lùng khi họ có thể nói chuyện với nhau một cách thoải mái – như thể ông đã quên mất mục đích của chuyến đi này. Sự bình thản của ông đã lan tỏa sang cô, trở thành cảm giác bình yên được cả hai chia sẻ.

Cô ngắm bữa tối của họ được phục vụ một cách kín đáo và lịch thiệp, cô ngắm tấm khăn trải bàn màu trắng nổi lên trên nền đỏ sẫm của bức tường bằng gỗ gụ. Tất cả mọi thứ trên thuyền đều khiến cô nghĩ đây là nơi sang trọng thực sự đầu tiên mà cô từng đến: ở nơi này, sự sang trọng chỉ là thứ yếu, là tấm phông nền phù hợp với ông đến nỗi người ta có thể quên mất sự sang trọng. Người đàn ông này làm cho tài sản vật chất của ông trở nên khiêm nhường. Cô từng gặp nhiều người giàu có, họ cứng nhắc và kính sợ trước của cải vật chất – cái mà họ lấy làm mục đích tối hậu của đời họ. Vẻ lịch lãm của nơi này không phải là mục đích, cũng không phải là thành quả cuối cùng đối với người đàn ông đang tựa người một cách thoải mái ở phía bên kia bàn. Cô tự hỏi thế thì mục đích của ông là gì.

“Con tàu này hợp với ông”, cô nói.

Cô nhìn thấy sự hài lòng trong ánh mắt ông – và cả sự biết ơn nữa.

“Cảm ơn bà… Thế còn gallery thì sao?”

“Cũng thế. Chỉ có điều việc đó thì khó bào chữa hơn.”

“Tôi không muốn bà bào chữa cho tôi.” Ông nói đơn giản, không có vẻ trách móc.

Họ đã kết thúc bữa tối. Cô chờ đợi cái lời mời hiển nhiên. Nó không tới. Ông ngồi hút thuốc, nói chuyện về du thuyền và về đại dương.

Tay cô đặt tình cờ lên trên khăn trải bàn, gần phía ông. Cô nhìn thấy ông ngắm nó.

Cô muốn bỏ tay ra xa nhưng tự ép mình để nguyên tại chỗ. Đến lúc rồi đây, cô nghĩ.

Ông đứng dậy. “Chúng ta lên boong nào”, ông nói.

Họ đứng trên lan can và nhìn vào khoảng không tối đen. Không thể nhìn thấy khoảng không ấy, chỉ có thể cảm thấy nó thông qua luồng không khí phả vào mặt họ. Một vài ngôi sao đem lại sự sống cho bầu trời trống rộng. Vài đốm sáng trắng nhỏ nhấp nháy trên mặt nước mang lại sức sống cho đại dương.

Ông đứng yên, thõng người xuống một cách bất cẩn, một cánh tay đưa lên, nắm vào một cái cột. Cô nhìn thấy những đốm sáng dập dờn, tạo thành những làn sóng uốn lượn theo những đường nét thân thể ông.

Cả cái đó nữa – nó cũng hợp với ông.

Cô nói: “Liệu tôi có thể nhắc tới một câu sáo rỗng khác mà ông cũng chưa từng cảm thấy không?”

“Câu nào thế?”

“Ông chưa từng cảm thấy mình bé nhỏ khi ngắm nhìn đại dương.”

Ông cười. “Chưa bao giờ. Kể cả khi nhìn vào các hành tinh. Kể cả khi đứng trên các đỉnh núi. Kể cả ở Grand Canyon.[110] Tại sao tôi lại phải cảm thấy thế nhỉ? Khi tôi ngắm đại dương, tôi cảm nhận sự vĩ đại của con người, tôi nghĩ tới khả năng kỳ diệu của con người khi tạo ra con tàu này để chinh phục những khoảng trống vô nghĩa. Khi tôi nhìn vào các đỉnh núi, tôi nghĩ tới các đường hầm và thuốc nổ. Khi tôi nhìn vào các hành tinh, tôi nghĩ tới máy bay.”

“Đúng. Và cả cái cảm giác hạnh phúc thiêng liêng mà người ta vẫn nói là họ cảm nhận được khi ngắm nhìn thiên nhiên. Tôi chưa bao giờ nhận được nó từ thiên nhiên, chỉ trừ…” Cô dừng lại.

“Từ đâu?”

“Các tòa nhà,” cô thầm thì “các tòa nhà chọc trời.”

“Tại sao vừa rồi, bà không muốn nói ra điều này?”

“Tôi… không biết.”

“Tôi sẵn sàng đánh đổi cảnh hoàng hôn huy hoàng nhất trên thế giới này lấy một lần nhìn thấy quang cảnh thành phố New York. Nhất là khi người ta không thể nhìn được các chi tiết. Chỉ còn lại những đường nét thôi. Nhưng đường nét và ý tưởng tạo ra chúng. Bầu trời New York và ý chí của con người. Chúng ta còn cần tới tôn giáo nào khác nữa? Thế mà người ta lại còn nói với tôi về những chuyến hành hương tới những lỗ sâu bọ tối tăm nào đó trong một khu rừng, nơi họ đến quỳ lạy trước một ngôi đền đổ nát, trước một con quái vật bằng đsa có cái nhìn dâm dật và cái bụng to tướng do một thằng man rợ cùi hủi nào đó nặn ra. Có thực là họ muốn ngắm nhìn vẻ đẹp và tài năng không? Họ có muốn tìm kiếm cảm giác về cái siêu phàm không? Hãy để họ tới New York và đứng trên bờ sông Hudson, hãy để họ nhìn và quỳ gối… Khi tôi nhìn thành phố từ cửa phòng mình – không, tôi không cảm thấy mình bé nhỏ chút nào – mà tôi cảm thấy nếu như có một cuộc chiến tranh nào đó đe doạ cái tôi đang thấy, tôi sẵn sàng lao mình vào khoảng không phía trên thành phố và bảo vệ những tòa nhà đó bằng chính thân thể tôi.”

“Gail, tôi không biết có phải tôi đang nghe ông nói hay nghe chính tôi nói.”

“Có phải bà vừa nghe chính mình nói không?”

Cô mỉm cười. “Thật ra thì không. Nhưng tôi không lấy lại những lời vừa rồi đâu, Gail.”

“Cảm ơn, Dominique.” Giọng ông nhẹ và vui vẻ. “Nhưng chúng ta không nói về bà hay về tôi. Chúng ta đang nói về những người khác.” Ông dựa cả hai cánh tay lên lan can, ông nói trong khi ngắm nhìn những ánh sáng lấp lánh trên mặt nước. “Thật thú vị khi được thử đoán xem tại sao một người lại sẵn sàng hạ thấp mình như thế. Những thứ kiểu như cảm giác nhỏ bé khi đứng trước thiên nhiên. Nó không phải một câu nói sáo rỗng nhạt nhẽo, nó thực sự đã trở thành một thể chế mà người ta tin vào. Bà có nhận thấy giọng của một người tự tin thế nào khi anh ta nói điều đó với bà?

Dường như anh ta bảo, nghe này, tôi rất sung sướng được là một kẻ tầm thường, tôi đức hạnh thế đấy. Bà chắc đã nghe tới chuyện người ta sung sướng ra sao khi nhắc lại chuyện một nhân vật nổi tiếng nào đó tuyên bố rằng anh ta cảm thấy mình không còn vĩ đại khi nhìn vào thác Niagra? Cứ như thể họ đang cắn môi sung sướng khi thấy những kẻ giỏi giang nhất cũng chỉ còn là cát bụi trước sức mạnh khủng khiếp của một trận động đất. Cứ như thể họ đang bò bằng cả tứ chi và đập đầu xuống bùn trước sự hùng vĩ của một cơn lốc xoáy.

Nhưng đó đâu phải là thứ tinh thần đã thuần hóa được lửa, hơi nước, điện, đã vượt đại dương trên những chiếc thuyền một buồm, chế tạo máy bay và xây dựng các đập nước… Và các tòa nhà chọc trời. Họ sợ cái gì thế? Họ ghét cái gì đến thế, những kẻ luôn luôn muốn bò ấy? Và tại sao?”

“Khi tôi tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đó,” cô nói, ” tôi sẽ hoà giải được với thế giới này.”

Ông tiếp tục nói – về những chuyến đi của ông, về các lục địa ở ngoài bóng tối đang bao phủ họ – thứ bóng tối làm từ khoảng trống, giống như một tấm rèm mềm mại đang ấn vào mi mắt của họ. Cô chờ đợi. Cô ngừng trả lời. Cô cho ông cơ hội sử dụng khoảng im lặng ngắn ngủi để kết thúc việc này, để nói ra những lời mà cô đang chờ đợi. Ông không nói những lời đó.

“Bà có mệt không, bạn thân mến của tôi?” ông nói.

“Không.”

“Tôi sẽ lấy cho bà một cái ghế tựa nếu bà muốn ngồi.”

“Không. Tôi thích đứng ở đây hơn.”

“Bây giờ hơi lạnh. Nhưng tới ngày mai, chúng ta sẽ ở sâu dưới phía nam rồi và bà sẽ thấy đại dương bốc cháy trong đêm. Cảnh tượng đó rất đẹp.”

Ông im lặng. Cô lắng nghe tiếng tàu chạy lẫn trong âm thanh của nước và tiếng than vãn xào xạc của nước như để phản đối cái vật thể đang đâm xuyên qua nó như một vết thương.

“Khi nào chúng ta sẽ xuống phòng ngủ.”

“Chúng ta sẽ không xuống phòng ngủ.”

Ông nói lặng lẽ, với một vẻ đơn giản đến kỳ quặc, như thể ông đang bất lực trước một hiện thực mà ông không thể thay đổi.

“Em sẽ cưới tôi chứ?” ông hỏi.

Cô không thể ngăn được sự kinh ngạc của mình. Ông đã biết trước, ông mỉm cười lặng lẽ, thấu hiểu.

“Tốt nhất là em đừng nói gì cả.” Ông nói một cách thận trọng. “Nhưng em muốn nghe nó được nói ra, bởi vì sự im lặng giữa chúng ta hàm chứa nhiều hơn những gì mà tôi có quyền hy vọng. Em không muốn nói ra với tôi, nhưng vì tôi đã nói hộ em tối nay, nên hãy để tôi tiếp tục giúp em. Em lựa chọn tôi như là một biểu tượng về sự khinh bỉ của em đối với con người. Em không yêu tôi. Em không muốn cho tôi gì cả. Tôi chỉ là công cụ để em tự hủy hoại mình. Tôi biết tất cả. Tôi chấp nhận nó và tôi muốn em cưới tôi. Nếu em muốn thực hiện một hành động kinh khủng nào đó để trả thù thế giới thì hành động đó không phải là bán mình cho kẻ thù mà là cưới hắn. Không phải là dùng phần tồi tệ của mình để đáp lại sự tồi tệ của hắn mà dùng phần tồi tệ của mình để đáp lại phần tốt nhất của hắn. Em đã thử việc đó một lần nhưng nạn nhân của em không xứng đáng cho mục đích của em. Em thấy đấy, tôi đang bào chữa cho mình bằng những lý lẽ của chính em. Về phần tôi, điều tôi muốn có được từ cuộc hôn nhân này không có gì quan trọng với em cả và tôi sẽ không làm bận tâm em. Em không cần biết về nó. Em không phải nghĩ đến nó. Tôi không đòi hỏi một sự hứa hẹn nào cả, không bắt em phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào. Em có toàn quyền tự do rời bỏ tôi bất cứ khi nào em muốn. Nhân tiện – vì điều này không quan trọng gì với em nên tôi sẽ nói – tôi yêu em.”

Cô đứng nguyên, một tay vòng ra sau lưng, các ngón tay áp vào lan can. Cô nói:

“Tôi không muốn như vậy.”

“Tôi biết. Nhưng nếu em tò mò về nó, tôi sẽ nói với em là em đã mắc một sai lầm. Em đã để cho tôi nhìn thấy con người trong sạch nhất mà tôi từng gặp.”

“Chẳng phải điều đó thật lố bịch sao, sau cái lý do mà chúng ta gặp nhau?”

“Dominique, tôi đã dành cả đời mình để giật dây cái thế giới này. Tôi đã thấy tất cả. Chả nhẽ em lại nghĩ rằng tôi có thể tin vào bất cứ sự trong sạch nào – trừ khi nó đến với tôi một cách méo mó dưới một hình dạng đáng sợ như em đã chọn? Nhưng việc tôi cảm thấy gì không được phép ảnh hưởng tới quyết định của em.”

Cô đứng đó nhìn vào ông và hoài nghi nhớ lại những giờ đã trôi qua. Miệng cô có đường nét dịu dàng. Ông nhận thấy điều đó. Cô nghĩ tất cả những lời ông nói hôm nay đều là lời của cô; lời đề nghị của ông và cách ông đề nghị cũng thuộc về thế giới riêng của cô; ông đã tự phá hủy mục đích của ông bằng lời đề nghị đó; ông đã lấy đi của cô thứ động cơ mà ông vừa nhắc tới; ông làm cho cô không thể hạ thấp mình với một người có thể nói ra được tất cả những gì như ông vừa nói. Đột nhiên, cô muốn vươn tay ra tới ông, muốn nói với ông tất cả, muốn tìm lấy sự giải thoát trong chốc lát từ sự thấu hiểu của ông, rồi xin ông đừng bao giờ gặp cô nữa.

Nhưng cô chợt nhớ ra…

Ông nhận ra cử động của bàn tay cô. Các ngón tay cô không còn bíu chặt lấy lan can nữa, nó không còn cần sự hỗ trợ nữa và ông hiểu giây phút vừa rồi có ý nghĩa rất quan trọng; những ngón tay của cô thả lỏng và ôm lấy lan can, như thể cô đã nắm được vào một sợi dây cương nào đó, nắm một cách bất cẩn, bởi vì những gì đang xảy ra không còn đòi hỏi bất cứ sự nỗ lực đáng kể nào nữa.

Cô nhớ tới Đền Stoddard. Cô nghĩ tới người đàn ông ở trước mặt cô, người nói về sự say mê tuyệt đối với đỉnh cao tuyệt đối, về việc bảo vệ các tòa nhà chọc trời bằng thân thể của chính mình – và cô nhìn thấy một tấm ảnh trên trang báo Ngọn cờ New York, hình Howard Roark ngước mắt lên tòa nhà Enright, với dòng chú thích: “Ngài vui sướng chứ, ngài Siêu nhân?”

Cô ngước lên nhìn ông. Cô hỏi: “Cưới ông ư? Trở thành bà Wynand-chủ báo ư?”

Cô nghe thấy sự cố gắng trong giọng nói của ông khi ông trả lời “Phải – nếu em muốn gọi như thế.”

“Tôi sẽ cưới ông.”

“Cảm ơn em, Dominique.”

Cô chờ đợi một cách lãnh đạm.

Khi ông quay người về phía cô, ông nói với cô như ông đã nói trong cả ngày hôm nay, bằng giọng nói bình thản, pha chút vui vẻ.

“Chúng ta sẽ rút ngắn hành trình. Chúng ta sẽ chỉ đi trong một tuần – Tôi muốn giữ em ở đây một thời gian. Em sẽ đi Reno vào ngay sau ngày chúng ta trở lại. Tôi sẽ giải quyết với chồng em. Anh ta sẽ có Stoneridge và bất cứ thứ gì khác anh ta muốn. Quỷ tha ma bắt anh ta đi. Chúng ta sẽ làm đám cưới vào ngày em trở lại.”

“Được thôi, Gail. Bây giờ chúng ta hãy xuống phòng ngủ.”

“Em có muốn điều đó không?”

“Không. Nhưng tôi không muốn đám cưới của chúng ta trở thành quan trọng.”

“Tôi thì muốn nó trở thành quan trọng, Dominique. Đó là lý do tôi sẽ không chạm vào người em trong dêm nay. Không, cho tới khi chúng ta cưới nhau. Tôi biết đó là một cử chỉ vô nghĩa. Tôi biết là lễ cưới sẽ không có ý nghĩa gì với cả hai chúng ta.

Nhưng tuân thủ các nghi thức bình thường sẽ là sự bất thường duy nhất có thể có giữa hai chúng ta. Chính vì thế mà tôi muốn nó. Tôi không còn cách nào khác để tạo ra một ngoại lệ.”

“Tùy ý ông, Gail.”

Rồi ông kéo cô lại gần và hôn vào miệng cô. Nụ hôn như là sự kết thúc câu nói của ông, kết thúc một tuyên ngôn – một tuyên ngôn trang trọng tới mức cô cố gắng căng cứng cả thân thể, để cố gắng không đáp lại nó nhưng rồi cô vẫn thấy cơ thể mình đang đáp lại ông; cơ thể cô quên hết tất thảy, ngoài việc có một người đàn ông đang ôm cô.

Ông buông cô ra. Cô biết là ông nhận ra. Ông mỉm cười và nói:

“Em đang mệt, Dominique. Em đi ngủ đi. Tôi muốn ở lại đây thêm lát nữa.”

Cô ngoan ngoãn quay người và bước một mình xuống phòng của cô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.